mikhail gorbachev: bush và tôi kết thúc chiến tranh lạnh, nhưng hòa bình vẫn bị đe dọa

Mikhail Gorbachev 
♦ Chuyển ngữ: Đinh Từ Thức
 

(Gorbachev, từng được giải Nobel Hoà Bình, là Tổng Thống duy nhất của Liên Xô)

bush and MG
Tại hội nghị thượng đỉnh tại Malta tháng 12 năm 1989, Tổng Thống Mỹ George H.W. Bush và Tổng Thống Liên Xô Mikhail Gorbachev đã chính thức chấm dứt cuộc Chiến Tranh Lạnh  
(Hình JONATHAN UTZ/AFP/Getty Images)

V
ào ngày được tin George Bush qua đời, tôi nhớ lại những buổi gặp ông cũng là điểm mốc lịch sử trong mối liên hệ cá nhân và trong mối liên lạc giữa hai nước Liên Xô và Hoa Kỳ.
Cuộc nói truyện nghiêm chỉnh đầu tiên của chúng tôi diễn ra vào tháng Mười Hai năm 1987, trong chuyến thăm chính thức của tôi tới Washington. Vào lúc ấy, George Bush là Phó Tổng Thống và đang tranh cử chức Tổng Thống.
Cao điểm cuộc viếng thăm là ký thỏa ước về lực lượng nguyên tử tầm trung (Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty); sau đó, tôi sẽ rời buổi họp từ một căn cứ không quân. Theo thủ tục ngoại giao, hay có lẽ theo ý muốn riêng của ông, Phó Tổng Thống tháp tùng tôi tới đó. George đề nghị đi chung xe với tôi, đó là điều khác thường – chắc chắn không theo thủ tục ngoại giao.
Sau này, trong nhiều trường hợp, chúng tôi đã nhắc lại “cuộc thảo luận trên xe” đó. Nó đã vượt xa tầm truyện gẫu thường tình. Chúng tôi đã đồng ý rằng chuyện bang giao giữa hai nước hiện ở thời điểm mới và do những cơ hội mới đang được phát triển, nên được tối ưu hóa. Phó Tổng Thống đoan chắc với tôi rằng, nếu đắc cử, ông sẽ tiếp tục những gì chúng tôi đã khởi sự với Tổng Thống Reagan. Và điều quan trọng, như chúng tôi đã hứa với nhau, là trong mối liên lạc với các nước thứ ba, chúng tôi sẽ không làm hại quyền lợi của nhau.
Tuy nhiên, sau khi ông Bush đắc cử Tổng Thống, có báo cáo từ phía truyền thông Mỹ rằng, chính quyền mới chưa sẵn sàng tiếp tay với chúng tôi, rằng cần phải ngừng lại một thời gian để suy tính. Tại sao chính quyền [Mỹ] lại phải đợi? Chúng tôi nhận được nhiều tín hiệu xung đột, nhưng rõ ràng là phe cứng rắn đã gia tăng áp lực.
Mối liên lạc của chúng tôi đã mất đà tiến. Chúng tôi biết một số thành viên trong Chính Phủ đã thúc đẩy Bush tiếp tục trò chơi đợi chờ. Bởi đó, thông điệp gửi tháng Chín 1989 đã rất quan trọng: Tổng Thống sẵn sàng thương lượng tại điểm chung, ngay cả trước khi có trao đổi về các cuộc thăm viếng chính thức.
Những gì đã xảy ra tại hội nghị thượng đỉnh Malta vào tháng Mười Hai năm đó có thể mô tả không quá đáng như một đột phá lịch sử. Nổi bật trên hậu cảnh những xáo trộn tại Trung và Đông Âu và sự gia tăng tốc độ của tiến trình thống nhất nước Đức, bao gồm cả việc phá bỏ bức Tường Bá Linh, Bush nói: “Tôi phải đối phó thận trọng,” ông thêm, “Tôi sẽ không nhảy lên bức tường, bởi vì còn quá nhiều bất trắc.”
Khi phái đoàn hai bên gặp mặt, Bush phác họa một chương trình hợp tác giữa hai nước trong nhiều lãnh vực khác nhau, bao gồm dự án tài giảm vũ khí, nói chung là khả quan. Tôi đáp lại bằng tuyên bố: “Tân Tổng Thống Mỹ nên biết rằng, Liên Bang Xô Viết sẽ không phát động chiến tranh dưới bất cứ trường hợp nào … Hơn nữa, Liên Xô chuẩn bị để không còn coi Hoa Kỳ là kẻ thù nữa và công khai nói ra điều này.” Đây không phải là lời nói ngẫu hứng, nhưng là thái độ đã được khối lãnh đạo Xô Viết chấp thuận. Cuộc đối thoại của chúng tôi với Tổng Thống Hoa Kỳ đã tiếp tục với tinh thần đó.
Thượng đỉnh Malta là ranh giới cuối cùng của cuộc Chiến Tranh Lạnh. Điều này đã trở thành hiển nhiên khi những sự việc tại Trung và Đông Âu và việc thống nhất nước Đức đạt tốc độ nhanh chóng. Làm việc cùng nhau, chúng tôi đã thành công trong việc giữ cho tiến trình diễn ra trong hoà bình.
Vài tháng sau có một thử thách mới: Cuộc tiến quân vào Kuwait của Saddam Hussein, và ý đồ toan sát nhập nước này vào Iraq. Cuộc khủng hoảng này chứng tỏ rằng Chiến Tranh Lạnh đã là chuyện của quá khứ. Liên Xô và Hoa Kỳ giữ lập trường như đã cam kết. Cuộc xâm lăng đã bị lật ngược, nhưng Hoa Kỳ đã không chiếm giữ Iraq, không có “thay đổi chế độ.” 
Tất cả những việc này đã xảy ra cùng với những biến cố trong nước tôi, trong thời điểm chuyển đổi sang dân chủ và thị trường kinh tế tự do, cũng đã có một bước ngoặt bất ngờ. Khuynh hướng cải tổ từng giai đoạn của tôi đã bị tấn công từ nhiều phía khác nhau – không chỉ từ những người muốn chặn tiến trình dân chủ để quay về chính sách cũ nhưng còn có cả những kẻ tìm cách phân tán đất nước và được sự ủng hộ của giới hăng máu tại Nga.
Trong những tình huống này, điều rất quan trọng cho tôi là phải có một ý tưởng rõ ràng về đường hướng của Hoa Kỳ. Tôi đã hỏi thẳng khi gặp Tổng Thống [Bush] tại London vào tháng Bảy năm 1991, trong kỳ họp của G-7, mà Tổng Thống Liên Xô đã được mời tham dự lần đầu tiên.
Bush đã trả lời: “Tôi tin rằng, thành công của ông phù hợp với lợi ích sâu xa của Hoa Kỳ. Nước Mỹ có lợi khi nhìn thấy ông giải quyết những vấn đề liên hệ tới các cộng hòa (trong liên bang Xô Viết). Sự tan rã của Liên Xô không có lợi cho chúng tôi.” Mặc dầu tại cuộc họp G-7 các đối tác Tây phương của chúng tôi đã không có những bước cụ thể giúp cho sự chuyển đổi của Liên Xô, tôi đã chấp nhận quan điểm của George Bush một cách nghiêm chỉnh.
Trong dịp thăm Liên Xô hơn hai tuần sau đó, chúng tôi đã có một cuộc thảo luận nghiêm túc và về tầm xa. Chúng tôi không chỉ ký Thoả hiệp giảm võ khí chiến lược (Strategic Arms Reduction Treaty) nhưng còn thảo luận lần đầu về dự án tương lai cho kế hoạch an ninh quốc tế (future international security system), sẽ được tạo ra bởi nỗ lực chung.
Tuy nhiên, dự kiến đó đã bị nhận chìm bởi cuộc đảo chánh hụt tại Liên Xô vào tháng Tám 1991. Biến cố này, dấy động bởi lực lượng phản loạn, đã thất bại, nhưng làm suy yếu vị thế Tổng Thống Liên Xô của tôi. Chúng tôi đã không thể duy trì được Liên Xô.
Tôi còn nhớ rõ ràng cuộc nói chuyện qua điện thoại của chúng tôi ngày 25 tháng 12, vài giờ trước khi tôi loan báo từ chức Tổng thống Liên Xô. Chúng tôi đã duyệt lại kết quả những hợp tác của chúng tôi. Thành quả chính là chúng tôi đã đồng ý phá hủy hàng ngàn võ khí hạt nhân, cả chiến lược và chiến thuật. Cùng nhau, chúng tôi đã giúp chấm dứt những xung đột tại nhiều nơi trên thế giới. Chúng tôi đã đặt nền tảng cho sự hợp tác giữa đất nước chúng tôi.
Những thành quả lịch sử đó đang trong tình trạng hiểm nguy. Thế giới hiện đang ở trên bờ một cuộc xung đột mới và một cuộc thi đua võ khí mới.
George và tôi, sau khi rời chính quyền, thường thảo luận về những chiều hướng đe dọa hoà bình thế giới. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng bất đồng về cách nhận định các sự việc nhưng đồng ý trên một điểm: sự chấm dứt Chiến Tranh Lạnh không phải là thắng lợi của bên này đối với bên kia. Đó là thành quả của nỗ lực chung. Ngày nay, chỉ có nỗ lực chung mới có thể tránh được một cuộc đối đầu mới và sự đe dọa của một cuộc chiến tàn phá, nhờ đó, tái tạo tiềm năng một trật tự thế giới mới – an ninh hơn, công bằng hơn và nhân bản hơn.

* Dịch lại từ bản dịch tiếng Anh của Pavel Palazhchenko, đăng trên tạp chí TIME, ngày 05 tháng 12, 2018.

Comments

Popular posts from this blog