chiếc hôn
Julia Alvarez
♦ Chuyển ngữ: Hoàng Chính
♦ Chuyển ngữ: Hoàng Chính
Lời người dịch – Julia Alvarez sinh năm 1950 tại New York và trải qua thời thơ ấu ở Dominican Republic, gia đình bà trở về Hoa Kỳ sau khi thân phụ bà tham gia một cuộc nổi loạn và phải sống lưu vong. Alvarez là nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo. Bà là một trong những tác giả nữ của châu Mỹ La Tinh đã thành công trong cả hai khía cạnh văn chương và thương mại. Truyện ngắn Chiếc Hôn dịch từ The Kiss trong tập How the García Girls Lost Their Accents do Algonquin Books xuất bản năm 1991 tại Hoa Kỳ.
Ngay cả sau khi đã lấy chồng, có cuộc sống gia đình của riêng mình và thường không họp mặt được trong những dịp lễ lạc, bốn cô con gái luôn về nhà để đón sinh nhật ông bố. Các cô tụ lại với nhau, không có mặt chồng hiện tại, chồng tương lai, hoặc bồ bịch cùng sở làm. Bởi điều này nữa cũng là một phần của truyền thống: con gái về nhà bố mẹ một mình. Căn nhà không đủ chỗ cho mọi người, ông bố lý sự như thế. Hơn thế nữa, mấy anh con rể vắng vợ một đêm mà cũng không được hay sao?
Mấy anh chồng cũng chẳng thấy khó chịu bao nhiêu về chuyện không được về bên nhà vợ, tuy nhiên họ thấy bực mình vì cái thói khệnh khạng của bố vợ. “Chừng nào bố mới chịu công nhận là em cũng đã lớn rồi? Em ngủ với anh kia mà!”
“Bố gần bảy chục rồi, trời ạ!” mấy cô con gái biện hộ cho bố. Họ là những phụ nữ đầy nhiệt tình, sự tận tụy của họ hệt như rễ cây; đã đâm sâu vào dĩ vãng về phía bố già.
Thế nên cứ vào tháng Mười Một, sẽ có một đêm những cô gái ấy trở thành con gái cưng của bố. Trong phòng khách chật cứng, vây quanh bởi những đồ đạc cồng kềnh màu đen từ căn nhà cũ nơi họ đã lớn lên, họ lại trở thành những đứa bé, trong một khuôn mẫu nhỏ hẹp hơn, đơn giản hơn của thế giới. Màn diễn đứa con hoang đàng trở về ở cửa chính. Ông bố mở rộng vòng tay đón các cô bằng thứ tiếng Anh loạc choạc: “Đây là nhà của các con, các con đừng bao giờ quên điều đó.” Bên trong, bà mẹ cằn nhằn các cô – ăn mặc luộm thuộm; tóc tai bờm xờm; nhìn ra vẻ mệt mỏi, gầy trơ xương ra, trang điểm đặm quá, và vân vân.
Sau vài ly rượu, ông bố bắt đầu dông dài về những việc phải làm nếu như ông không sống được tới kỳ sinh nhật năm sau. “Bố ơi,” đám con gái xúm vào nịnh bố, rằng để đầu óc bi quan như thế làm ông sớm lụi tàn, và họ phải thuyết phục ông tiếp tục sống. Sau màn thổi nến và cắt bánh, ông bố phân phát những phong bì dày cộm, trong ấy có không dưới vài trăm bạc tiền giấy, mười, hai chục và năm đồng, tất cả sắp xếp cùng một chiều, tờ trên cùng có chữ ký của bố, đánh dấu tiền của bố. Sao không ký chi phiếu? sau đó các cô sẽ hỏi nhau, xì xầm trong phòng ngủ, đếm phần tiền của mình để biết chắc là bố không thiên vị. Bố tàng trữ tiền mặt nhiều như thế có hợp pháp không nhỉ? Có khi nào bố – không cô nào tin chuyện này, nhưng ý nghĩ ấy cứ lởn vởn trong đầu các cô rằng – có khi nào bố buôn bán ma túy hay phá thai lậu trong phòng mạch của ông không nhỉ?
Thế nhưng khi ngồi ở quanh bàn luôn luôn có màn giả bộ nài nỉ trả bao thư lại cho bố. “Không được đâu bố à, sinh nhật của bố mà.”
Ông bố bảo các cô là ba cái thứ ấy còn nhiều vô số. Cuộc cách mạng ở cố quốc đã thất bại. Hầu hết các đồng chí của ông đã bị giết hoặc bị mua chuộc. Ông lưu vong đến xứ sở này. Và bây giờ hồn ai nấy giữ thành ra những gì ông vun đắp được là cho mấy cô con gái của ông. Ông bố không bao giờ cho mấy cô con gái tiền lúc chồng các cô có mặt. “Chúng nó lại hiểu lầm mất công,” có lần ông nói thế, và dù không cô nào hiểu rõ ý ông, tất cả đều ngầm hiểu là ông muốn dặn rằng chớ có dẫn chồng về nhà ngày sinh nhật của bố.
Nhưng mà năm nay, để mừng sinh nhật bố, cô út Sofía muốn tổ chức tại nhà cô. Cô mới sinh thằng con trai mùa hè vừa rồi, và cô không muốn tháng Mười Một tay xách nách mang một thằng bé bốn tháng và con bé chị nó về. Và cô út, hơn hẳn các chị của cô, không muốn là người vắng mặt bởi vì kể từ khi cô bỏ nhà ra đi theo chồng sáu năm về trước, đây là lần đầu tiên hai bố con cô mới nói chuyện lại với nhau. Đúng ra, ông già đã tìm đến cô – hay đúng hơn là tìm gặp thằng cháu ngoại – hai lần. Sofía sinh con trai cũng là chuyện lớn. Thằng bé là đứa con trai đầu tiên sinh ra trong dòng tộc suốt hai thế hệ. Thực tế là thằng bé được đặt tên theo ông ngoại – Carlos – chữ lót lấy tên mẹ nó thời con gái, và như vậy, điều mà ông già mơ ước giữa một “khuê phòng đầy con gái,” như ông thường nói đùa, tên của ông cũng sẽ được lưu truyền cho hậu thế trên xứ sở mới mẻ này.
Trong hai chuyến thăm viếng, suốt ngày ông ngoại đứng bên nôi thằng cháu, trò chuyện với bé Carlos. “Hoàng Đế Charles Đệ Ngũ; Charles Dicken; Hoàng Tử Charles.” Ông kể tên những người nổi tiếng mang tên Charles nhắm mục đích khơi dậy cái tham vọng di truyền nơi thằng cháu ngoại. “Charlemagne,” ông rù rì bên nôi cháu, bởi thằng bé to xương, tóc vàng với nước da trắng hồng, và cặp mắt xanh giống ông bố người Đức của nó. Tất cả mơ ước của ông ngoại gốc Ca-ri-bê có được đứa cháu trai nối dõi mà còn mang sắc thái Bắc Âu đã thành sự thật. Bây giờ trong huyết thống dòng họ đã có dòng máu tốt của thằng bé để bù lại sự lựa chọn sai lạc của mẹ nó.
“Cháu có thể thành tổng thống, cháu sinh ra ở đây,” ông ngoại ngân nga. “Cháu có thể lên mặt trăng, ngay cả lên Hỏa Tinh khi cháu bằng tuổi ông bây giờ.”
Thái độ trọng nam khi nữ của bố đẩy Sofía ngược lại cái thời hai bố con xung khắc nhau. Sao ông có thể đáng ghét đến mức cứ lảm nhảm như thế trong khi ngay bên cạnh ông đứa cháu ngoại gái, mắt to tròn, buồn não nuột trước bao nhiêu thứ thằng em của nó, còn chưa lớn bằng một trong những con búp bê của nó, sẽ làm được chỉ vì nó là con trai.
“Anh bảo bố ngừng được rồi,” Sofía giục chồng.
Otto được xem là người vui tính, hiền lành trong số các anh con rể. “Chuyên viên tư vấn trại hè,” mấy bà chị vợ vẫn ghẹo anh ta như thế. Otto tiến về phía bố vợ. Hai người đàn ông trìu mến nhìn thằng bé Viking.
“Cháu sẽ là con người vĩ đại hệt như bố cháu,” ông ngoại nói. Đây là lời khen ngợi đầu tiên bố vợ đã từng ban xuống cho đám con rể trong gia đình. Thế là Otto chả dại gì mà chọc giận bố vợ nữa. “Cháu nó ngoan quá phải không Papi?” Giọng nói mang âm hưởng tiếng Đức của Otto đặc keo cảm xúc. Anh đặt tay lên vai bố vợ. Thế là hai người đàn ông trở thành đôi bạn.
Tuy nhiên dù ông bố đã hòa giải với con rể, tình hình vẫn căng thẳng giữa ông và cô con gái. Khi ông đến thăm, cô ôm lấy ông ở cửa, nhưng ông đờ ra như khúc gỗ và lịch sự đẩy cô ra. “Để bố bỏ mấy cái bọc nặng nề này xuống đã, Sofía.” Ông không bao giờ gọi cô bằng Fifi, cái tên cúng cơm thuở nhỏ, ngay cả khi cô còn ở nhà. Ông luôn luôn có vấn đề với đứa con gái út ngang ngược của ông, và ngay cả khi cô đã bỏ nhà đi, tình hình vẫn không sáng sủa hơn chút nào. “Tao không muốn trong nhà tao có những đứa đàn bà buông thả,” ông đã cảnh cáo đám con gái của ông. Những lời cảnh cáo gửi cho tất cả các cô, bởi vì chuyện xào xáo thường do một cô gây ra, nhưng tất cả đều bị mắng.
Đám con gái của ông đã phải chịu đựng thái độ ấy trong thời kỳ thiếu vắng sự cảm thông. Họ trưởng thành vào cuối thập niên sáu mươi. Đó là thời kỳ mà việc mặc quần jeans đeo những bông tai to xù, hút một chút cần sa và ngủ với bạn học cùng lớp được xem như một hành vi chính trị phản kháng lại thứ mặc cảm kỹ nghệ nhà binh. Tuy nhiên việc phản kháng ông bố lại là một chuyện hoàn toàn khác. Ngay cả khi đã là những người đàn bà trưởng thành, họ vẫn xuống giọng thì thầm khi bố lẩn quẩn quanh đó, lúc họ bóng gió với nhau chuyện khoái lạc thể xác. Họ còn là những phụ nữ có chức nghiệp nữa, cả ba cô, với bằng cấp treo đầy trên tường.
Sofía là người không có bằng cấp gì hết ráo. Cô luôn đi vào con đường cô chọn lấy, dù cô xí xóa những chọn lựa sai lạc của cô, gọi chúng là những tai nạn. Trong số bốn chị em, cô là người đơn giản, mộc mạc, với thân hình cao, to và mặt đầy. Và chẳng những thế cô còn là người không lúc nào không có bạn trai, các chị của cô đùa giỡn như thế, với chút ngưỡng mộ và ít nhiều ganh tị. Họ ái mộ cô và luôn tham khảo ý kiến của cô về đàn ông. Lúc còn ở nhà, cô con gái thứ ba chung phòng với Sofía. Cô ba thích ngắm Sofía lượn trong phòng, sửa soạn đi ngủ, chải đầu, kẹp tóc trước khi luồn vào bên dưới tấm chăn như thể có ai đang chờ mình trong đó. Trong bóng đêm, Fifi toát ra mùi hương tươi mát, toàn vẹn của một da thịt tinh khiết. Điều đó đem lại sự khuây khỏa cho cô ba, người luôn ngập ngừng và hoảng sợ và luôn gặp rắc rối với đàn ông. Tiếng thở của em gái trong phòng tối khiến cô cảm thấy như đang có một con vật thuần hóa dưới chân giường sẵn sàng bảo vệ cô.
Cô út lại là người rời nhà trước nhất. Cô bước vào tình yêu và bỏ học. Cô xin được chân thư ký và tiếp tục sống với bố mẹ vì bố cô dọa sẽ từ cô nếu cô bỏ nhà đi sống một mình. Kỳ nghỉ hè, cô theo bạn trai cô đến Columbia, và vì cô không thể qua đêm với anh ta ở New York, cô phải bay hàng ngàn cây số để ngủ với anh ta. Ở Bogotá, họ khám phá rằng một khi đã nếm mùi trái cấm, thì ăn không còn thấy ngon miệng nữa. Họ chia tay. Cô gặp một du khách trên đường phố, một anh chàng người Đức, đơn giản vậy thôi. Người thiếu nữ không khi nào thiếu bạn trai quá vài ba ngày trong đời. Hai người yêu nhau.
Trên đường về nhà, cô ném cái màng chắn ngừa thai vào thùng rác ở phi trường Kennedy. Cô không muốn hư chuyện. Nhưng bố cô biết cách. Bao nhiêu tháng trời, ông để tâm dòm ngó. Vừa có cơ hội là ông lục ngăn tủ của cô “tìm cái đồ cắt móng tay,” và vớ ngay được một bó thư tình. Những chữ viết tay nhỏ li ti của anh chàng người Đức nhắc đến những chuyện không nên nhắc đến – những trò chuyện phòng the tái diễn trên những trang giấy mỏng màu xanh của những cánh thư gửi đường hàng không.
“Cái này là cái gì đây?” Ông bố lắc chồng thư trước mặt con gái. Bốn cô con gái đang ngồi quanh bàn, tán gẫu, ông bố bước vào, đập chồng thư lên đùi như cái roi quất ngựa, sợi dây cột tóc bằng sa tanh bung ra chỗ ông tháo trước đó, rồi lại cuộn vòng vòng trở lại trong một cố gắng điên loạn cố kiềm chế thái độ hư hỏng của đứa con gái út.
“Trả lại cho con!” cô út vừa la vừa nhào về phía bố.
Ông bố giơ cao cánh tay với xấp thư lên trên đầu hai bố con như tượng Nữ Thần Tự Do với cây đuốc tự do, nhưng ông quên rằng cô út cũng cao không thua gì ông. Cô nắm cánh tay ông kéo xuống và chộp lấy chồng thư như thể giằng lại đứa con vừa bị giựt khỏi vú mẹ. Có vẻ như cơn thịnh nộ của họ nặng tính sinh học hơn là tính lãng mạn.
Sau cơn chấn động ban đầu, ông bố phục hồi cơn phẫn nộ. “Nó đã phá hoại đời con gái của mày chưa? Đó là điều tao muốn biết. Chúng mày kéo nhau vào bụi rồi phải không? Mày có vùi thanh danh tao xuống bùn đen chưa, đó là điều tao muốn biết!” Ông bố la hét điên cuồng trước mặt cô út, hết câu hỏi này đến câu hỏi khác, không để cho cô có cơ hội trả lời. Mặt ông đỏ bừng cơn giận, nhưng mặt cô con gái còn kinh khủng hơn với vẻ trầm tĩnh của một vừng trăng ngà xanh xao, liên tục kéo hút cơn thủy triều giận dữ của bố, cho đến khi ông gần như chết đuối bên dưới cơn thịnh nộ của chính ông.
Mấy cô chị lo lắng đứng dậy, mỗi người níu một bên tay bố, dỗ dành như những cô y tá, cô khác vuốt lưng bố như thể ông là một thằng bé đang lên cơn sốt. “Thôi mà, Papi, vuốt giận đi mà. Chuyện đâu còn có đó mà. Mình nói chuyện với nhau. Dù sao mình cũng cùng trong một gia đình mà.”
“Mày đi đánh đĩ phải không?” ông bố tra vấn cô con gái. Một vẩy nước bọt dính lên má cô vì ông ghé miệng sát vào mặt cô.
“Chẳng liên quan con mẹ gì đến bố hết!” cô nói bằng giọng trầm và thô như tiếng gầm gừ của con thú sẵn sàng vồ lấy ông. “Không ai cho phép bố, bố không có quyền gì hết, bố không có quyền lục lọi đồ của con hay đọc thư của con!” Nước mắt trào ra khóe mắt cô, hai cánh mũi cô phập phồng.
Miệng ông bố tròn xoe thành một con số không sững sờ. Sofía lặng lẽ tự kiềm chế và rời khỏi phòng. Thường thường, những khi nổi cơn giận dữ trẻ con, cô con gái này vẫn hay ào ra khỏi nhà và vài giờ sau trở về, nguôi giận, cái ngọt ngào cố hữu của cô trở về, mang theo những món quà ngớ ngẩn cho mọi người trong nhà, miếng nam châm dính trên cánh cửa tủ lạnh, con thú nhỏ nhồi bông biết liếc hai con mắt.
Nhưng lần này mọi người nghe tiếng cô trên lầu, mở rồi đóng ngăn tủ, đi qua đi lại từ giường qua tủ. Dưới nhà, ông bố cũng đảo qua đảo lại như đo đạc chiều dài những căn phòng. Ba cô con gái canh chừng ông trong khi cái thế lực chống đối kia – cô út, như thể có tất cả thời giờ trên thế gian – gài cúc và gấp tất cả áo quần của cô, chất hết đồ đạc vào bọc, và vĩnh viễn bỏ nhà ra đi. Cô mò mẫm cách nào đó tới được nước Đức và bắt được gã đàn ông kia cưới cô. Đổ dầu thêm vào đống lửa của ông bố lúc nào cũng mơ tưởng đến tổng thống hoặc thiên tài, anh chàng vô danh tiểu tốt người Đức kia lại là một hóa học gia nổi tiếng thế giới. Nhưng cô con gái cũng không phải tay vừa. Cô đâu còn bận tâm đến chuyện Otto làm nghề gì khi mà chính cô đã vác xác đến nhà anh ta và dâng hiến cho anh ta.
“Em có thể yêu anh nhiều như bất kỳ ai khác,” cô nói. “Nếu anh cũng yêu em được như thế thì mình cưới nhau đi anh.”
“Vào nhà nói chuyện đã,” lúc đó Otto nói thế, hoặc đại loại như thế.
“Chịu hay không chịu,” Sofía trả lời. Chỉ có vậy thôi trong một đêm tuyết đổ, một cô gái đến cửa đem theo cơn gió lạnh mùa đông. “Tôi đâu có thể để cô ấy chết cóng,” về sau Otto khoe.
“Làm như anh tử tế lắm!” Sofía đặt bàn tay to lớn lên vai Otto, và ai cũng có thể thấy những gì diễn ra giữa hai người trong bóng đêm khi họ ân ái. Tuần trăng mật, họ du lịch Hy Lạp, và Sofía gửi cho mẹ, cho bố và cho các chị những bưu thiếp hệt như những cặp vợ chồng mới cưới khác. “Tụi con vui quá. Phải chi có bố mẹ với mấy chị đây.”
Nhưng ông bố vẫn nghĩ chuyện phục thù. Bao nhiêu tháng trời không ai được phép nhắc đến tên cô út khi có mặt bố, dù ông vẫn gọi nhầm các cô là “Sofía” dù ông vội sửa ngay sau đó. Khi cô út sinh con gái, vợ ông không nhường ông nữa. Ông muốn vác cơn giận của ông xuống mồ thì mặc xác ông, bà sẽ đi Michigan (nơi Otto mới dọn về) để gặp cháu ngoại của bà!
Tới phút chót, ông bố nhượng bộ và đi với bà, nhưng với cái kiểu của ông thì thà ông ở nhà còn hơn. Ông ấm ức và lầm lì suốt chuyến viếng thăm, dù Sofía và ba cô chị cố gắng gợi chuyện với ông. Thà rằng đừng đến còn hơn cái kiểu dửng dưng ấy. Nhưng Sofía vẫn cố gắng. Vào kỳ sinh nhật kế của bố, cô xuất hiện tại căn hộ của bố mẹ, mang theo đứa con gái. “Một bất ngờ đây!” Thì cũng có chút hơi hướm của sự hòa giải. Ban đầu ông bố thử bắt tay con gái. Không xong, ông đành ôm cô mà người cứng như gỗ trước khi bồng lấy đứa cháu ngoại dưới con mắt canh chừng của vợ. Sau đó, năm nào cô con gái cũng đến dự sinh nhật bố, và theo cái cách phụ nữ thường làm, xoa dịu, hàn gắn và vá víu những tình cảm bị tổn thương. Thế nhưng bên dưới lớp vải bọc xã hội, vết thương vẫn còn tươi rói. Ông bố nhất định không đặt chân đến cửa nhà cô út. Họ hiếm khi nói chuyện với nhau; trước mặt mọi người, bố nói chuyện với cô út bằng cùng một giọng điệu ông dùng để nói với anh con rể.
Nhưng bây giờ sinh nhật thứ bảy mươi của ông đã gần kề, và ông đồng ý ăn mừng ở nhà của Sofía. Lễ rửa tội cho bé Carlos được sắp xếp vào buổi sáng, thành ra tiết mục chính sẽ là bữa tiệc của Papi Carlos tối hôm ấy. Thật là một nỗ lực vượt bực của cô út trong việc sắp xếp để những thành viên gia đình rải rác ở miền Trung Tây kéo về vào một dịp cuối tuần. Và thành quả thực sự là cách mà Sofía thu xếp sao để năm nay tất cả các ông chồng cùng tham dự. Chồng về, chồng về, mấy bà chị chọc ghẹo. Sofía chuyển lời khen ngợi qua cho bé Carlos. Thằng bé mở cánh cửa cho những người đàn ông khác trong gia đình.
Tuy nhiên thành quả mà cô út mong muốn nhất là làm sao hòa giải với bố một cách thật rầm rộ. Cô sẽ tổ chức cho bố một bữa tiệc mà bố không bao giờ quên được. Bao nhiêu tuần lễ cô tính toán mọi người sẽ ăn món gì, mọi người sẽ ngủ ở đâu, giải trí những gì. Cô liên tục gọi cho các chị để hỏi ý kiến họ về những chuyện vụn vặt. Hầu như họ đồng ý với cô mọi thứ: một ban nhạc, mũ giấy, bong bóng, nút cài ve áo có hàng chữ ÔNG BỐ VĨ ĐẠI NHẤT THẾ GIỚI. Mọi chuyện làm vượt mức đến độ ngớ ngẩn miễn sao ông già sẽ thích. Sofía còn tính mời một vũ công múa bụng hoặc một cô gái bật ra từ chiếc bánh. Nhưng bà chị thứ ba, người vừa chuyển hướng tôn vinh nữ quyền sau khi ly dị chồng, đã lên tiếng phản đối rằng thứ trò đùa nhà tắm ấy rất xúc phạm. Thuê một ban nhạc thì cô sẵn sàng góp tiền chi phí; còn hai thứ kia thì hai chị với cô út cứ việc chia ba tiền phí tổn nếu họ vẫn cương quyết coi thường phụ nữ.
Với sự kiên nhẫn vượt bực, Sofía tạo một dịp họp mặt cuối tuần không xúc phạm đến bất kỳ ai. Nếu họ có thể vui đùa xả láng ở nhà cô để mừng sinh nhật thứ bảy mươi của bố thì có phải chết cô cũng chịu.
Buổi tối hôm party, cả nhà ăn tối sớm trước khi ban nhạc và khách đến. Từng cô một nâng ly chúc mừng hai Carlos. Mấy chàng rể gọi Carlos lớn là “Papi”. Carlos nhỏ, trông hệt như một bé gái trong chiếc áo trắng dài, gào khóc suốt buổi, và bà mẹ tội nghiệp của cu cậu không có được một phút yên thân vừa phục vụ bữa tối cho gia đình vừa lo cho cu cậu bú mớm. Điện thoại reo liên tục, thân nhân từ quê nhà gọi sang chúc mừng ông cụ. Việc chúc tụng của mấy cô con gái liên tục bị gián đoạn. Mặc dù vậy, ông bố đã một đôi lần ứa nước mắt khi bốn cô con gái chúc ông già thượng thọ.
Đêm nay trông ông già hẳn ra, tất cả mọi nếp gấp của bảy mươi năm trời phô bày trọn vẹn. Có lẽ quá nhiều rượu đã làm nước da ông đen sậm, đồng thời tóc và râu mép ông bạc trắng một cách khác thường. Tuy vậy ông cũng gượng vui một chút lúc nhận quà, vật dụng, sách báo và những chiếc cúp trên bàn làm việc mà con gái tặng, với những tấm thiệp bên trong ghi “gửi đến Papi tuyệt vời nhất trên thế gian,” tấm nào ông cũng đòi đọc to cho mọi người cùng nghe. “Không được, đừng đọc Papi à, cái đó riêng tư mà!” đám con gái nhao nhao vây quanh ông, tất cả cùng không muốn bị xấu hổ vì tâm tình riêng của mình bị phơi bày trước thế gian. Vợ ông tặng ông chiếc đồng hồ vàng. Cô ba ghẹo là cũng vì vậy mà các công ty cho nhân viên nghỉ việc hết, nhưng khi thấy mẹ lườm, cô ngừng lại. Rồi tới quà của đám đàn ông – dây thắt lưng, ví đựng thẻ tín dụng từ đám con rể.
“Mấy thứ bố đang cần.” Ông bố tỏ ra lịch sự. Ông gom chồng thiệp chúc lại nhét vào túi để sẽ đọc kỹ sau. Đám con rể đều biết rõ bố vợ đang ngó chừng họ, một cách ghen tị, để moi ra những dấu hiệu của sự dửng dưng hay tự phụ. Với các cô gái, ngay cả sau khi đã chúc mừng bố, quà cáp đã mở, và ông bố đã gom vào một chỗ với sự giúp đỡ của cháu ngoại gái, ngay cả sau đó, mấy cô con gái cảm thấy vẫn còn điều gì đó mà bố đang chờ mà các cô chưa trao cho ông.
Tuy nhiên buổi tiệc còn dài và hẳn nhiên ông sẽ nhận được thứ mà ông cần cho những năm tháng dài, lẻ loi trước mặt. Ban nhạc đến, ba người đàn ông trung niên, người nào cũng chải tóc ngược ra sau và bôi đầy keo trên tóc. DANNY AND HIS BOYS đặt tấm bảng nhỏ ghi tên ban nhạc dựa vào lò sưởi. Một người chơi đàn xếp, một người chơi vĩ cầm, và người thứ ba chơi những thứ linh tinh như trống lắc, khuông gõ ba cạnh và trống khi cần. Họ chơi những bản nhạc phim, những bản polkas, những thứ quen thuộc mà gia chủ có thể ngâm nga theo; những bản nhạc sến hết mức được trao tặng cho “Poppy” hoặc “người phụ nữ đáng yêu của ông.” Ông bố thích ban nhạc. “Khéo chọn đấy,” ông khen ngợi Otto. Lời khen làm cô út ứa gan. Cô đứng chống nạnh, nheo mắt lườm ông chồng đang cười toe toét. Cả tháng trời sửa soạn, Otto có nhích ngón tay mà giúp cái gì đâu chứ!
Khách khứa bắt đầu kéo tới, tíu tít than thở là bị lạc đường; khu ngoại ô tối tăm và quanh co như ma trận với những con đường vòng vo và ngõ cụt. Đám đồng nghiệp chưa vợ của Otto láo liên con mắt quanh phòng, cố tìm xem cái cô mới ly dị mà họ nghe kể hoài. Nhưng chẳng có cô nào xinh đẹp, vui tính và đầy tài năng như lời quảng cáo của Sofía về người chị thứ ba của cô. Hầu hết đám bạn này không ít thì nhiều đều mê Sofía, và cô là người mà họ dòm ngó nhiều nhất trong căn phòng chật ních những người.
Một chiếc bánh sô-cô-la to hình trái tim bày trong phòng với bảy mươi mốt cây nến – cây dư ra là để cho may mắn. Cháu ngoại gái và các dì của nó đếm và gài những cây nến chéo góc trên trái tim, nói đùa là những cây nến này không thổi tắt được. Và các cô còn đốt thử một cây để biết nến sẽ không tắt nửa chừng. Quầy rượu ở gần chiếc bánh trái tim thành ra đến nửa đêm khi ban nhạc bùng lên bản “Happy Birthday, Poppy,” thì mọi người đã ăn uống no say rồi.
Họ bày đủ thứ trò chơi suốt đêm. Ban nhạc đàn cho mọi người chơi trò dành ghế theo bài nhạc, nhưng sau khi hai chiếc ghế trong phòng ăn bị gẫy, họ ngưng. Riêng cô con gái thứ ba, không còn tự kiềm chế nữa, mỗi khi bị chiếm mất ghế thì ngồi ngay lên lòng từng người đàn ông một thay cho ghế. Ông bố ngồi lặng thinh. Ông nhìn quanh bằng cái nhìn phản đối ngầm.
Thực ra càng về khuya ông càng trở nên xa cách. Ở giữa lũ con gái và đám chàng rể cùng những bạn bè thông minh, khéo ăn khéo nói, có vẻ như ông nhận ra rằng mình chỉ là một lão già đến nhà của họ, ăn sạch món thịt cừu nướng, gắn bó với đời sống của họ. Mấy cô con gái gần như nghe được những ý nghĩ của ông vang động trong đầu họ. Ông, người đã chi tiền để niềng răng các cô cho thẳng và vuốt giọng các cô cho đúng tiếng Anh trong những ngôi trường đắt đỏ, bây giờ chẳng là gì đối với họ. Tất cả mọi người trong phòng đều sẽ sống lâu hơn ông, ngay cả mấy thằng cha ngu ngốc trong ban nhạc, trông giống mấy đứa trẻ con – tưởng tượng kiếm sống bằng cách đàn hát mừng sinh nhật thiên hạ! Làm cách nào họ có thể mua sắm cho con gái họ những áo quần xinh đẹp và gửi chúng đi Âu Châu mỗi dịp hè để chúng không thấy đời sống nhàm chán? Những người đàn ông của thế giới này đi đâu hết cả rồi? Tất cả đám rể của ông đã từng là đứa bé; ông có thể nhìn rõ điều đó. Ngay cả Otto, nhà khoa học lừng danh, cũng từng là thằng bé học trò tay cầm bút chì, ngồi làm con tính chia phức tạp. Thằng rể mới ông còn thấy tội cho nó – ông có thể thấy tên chồng này sớm muộn gì cũng làm mọi cho đứa con gái thứ hai của ông. Chưa gì mà con bé đã bắt chồng gãi lưng và nửa đêm bị đuổi ra sân hút thuốc. Nhưng ông chẳng cần phải lo cho đám con gái. Hay cho bà vợ, về mấy chuyện nhỏ nhặt ấy. Bà ấy ngồi kia, thon gọn như con gái, e dè mỉm cười với mọi người khi bài hát vang lên trao tặng cho bà ấy. Cứ cho là sau khi ông mất khoảng tám, có thể chín, tháng bà ấy chịu tang, rồi bà ấy sẽ tìm ai đó để sống đời với nhau bằng tiền bảo hiểm nhân thọ của ông.
Cô con gái thứ ba nghĩ ra trò chơi mới cho bố. Cô lấy chiếc khăn mềm của em bé, che mắt ông lại, và dẫn ông đến giữa phòng. Đám phụ nữ vỗ tay. Đám đàn ông ngồi xuống. Ông bố giả bộ như không hiểu đám con gái tính giở trò gì. “Cái này thế nào đây hở mẹ mày?”
“Ông tự lo lấy đi, Dad,” bà mẹ vừa cười vừa nói. Bà là người duy nhất trong gia đình dùng tiếng Anh để gọi ông.
“Sẵn sàng chưa nè, Papi?” cô lớn nhất hỏi.
“Sẵn sàng lắm rồi,” ông trả lời với giọng đặc sệt.
“Rồi, bây giờ bố đoán là ai,” cô lớn nói. Cô luôn luôn là người điều khiển chương trình. Đó cũng là cách xếp đặt giữa các cô con gái trong nhà với nhau.
Ông bố gật đầu, cặp lông mày ông nhướng lên. Ông bám vào chiếc ghế, hồi hộp, thoáng chút lo âu, như cậu bé sắp bị hỏi một câu khó mà cậu biết câu trả lời.
Cô lớn vẫy gọi cô ba, cô ba nhón gót đi vào cái vòng phụ nữ đang vây quanh ông già. Cô hôn nhẹ lên má ông.
“Ai vậy, Papi?” cô lớn nói.
Ông bố cười ngặt nghẽo nói không ra câu. Ông đã uống quá nhiều rượu. “Mẹ mày chứ ai,” ông nói nhỏ bằng giọng rụt rè.
“Không phải! Sai rồi!” đám phụ nữ đồng thanh la to.
“Carla?” ông gọi tên cô lớn. Ông lần lượt gọi theo thứ tự. “Sai!” Mọi người lại reo lên.
“Sandi? Yoyo?”
“Bố đoán đúng rồi,” cô thứ ba nói.
Đám phụ nữ vỗ tay; vài người cong người cười ngặt nghẽo. Người nào cũng uống quá mức. Và ông già cũng thích thú với cuộc vui.
“Nào, bây giờ tới người khác.” Cô lớn tiếp tục cuộc chơi. Cô đặt ngón tay trỏ lên môi, nháy với mọi người, lặng lẽ đi vòng quanh bố già, và hôn lên đỉnh đầu ông. Rồi cô rón rén trở lại chỗ cũ. “Ai đó, Papi?” cô hỏi bằng giọng cực kỳ ngây thơ.
“Mami?” Giọng ông rướn cao, trần trụi và yếu ớt. Rồi chìm xuống cái mức tin chắc mình đúng. “Mami đó chứ ai.”
“Đừng kéo tôi vào nhé,” vợ ông nói từ chiếc ghế dài nơi bà vừa phải ngồi xuống nghỉ mệt.
Ông bố không đoán bất kỳ người đàn bà nào khác trong phòng. Điều đó có chút gì thiếu tôn trọng. Hơn nữa những cái tên tiếng Anh nghe kỳ quặc vừa khó nhớ vừa khó phát âm. Tuy nhiên ông vẫn nhận được những chiếc hôn ẩn dưới tên đám con gái của ông. Ông già cứ đoán theo thứ tự từ lớn tới nhỏ: “Carla?” “Sandi?” “Yoyo?” Đôi khi ông đảo lộn thứ tự, cho cô ba lên trước hoặc cô lớn nhất thứ nhì.
Sofía ở trong phòng ngủ, chăm sóc thằng bé, đang quấy mẹ vì trong nhà tối nay ồn ào quá. Cô trở ra phòng khách, gài nút áo, và chứng kiến trò chơi. “Ô.” Cô đảo con mắt. “Ngoài này bắt đầu sa đọa rồi há!” Cô uốn éo cặp hông, và đám đàn ông cười vang. Cô đẩy đứa con gái vào vòng vây và thì thầm bảo nó hôn lên mũi ông ngoại. Tất cả mọi người trong đám phụ nữ đều đã hôn bằng chóp mũi hoặc chạm môi lên mặt ông già. Cô thứ nhì đã ngồi nhanh lên lòng bố già và day nhẹ dưới cằm ông. Lần nào bố cũng đoán sai, cô út cười vang vang. Nhưng chẳng bao lâu cô nhận ra bố không bao giờ đoán tên cô. Cô đã bỏ ra bao nhiêu công sức mà vẫn không được nhập chung danh sách con gái của ông. Ông già mắc dịch! Cô sẽ phải tham gia và làm cho ông biết đó là cô!
Thật nhanh nhẹn, cô lượn vào cái vòng vây quanh bố và đặt môi lên vành tai bố vạch một chiếc hôn thật ướt, thật đặm. Cô rà lưỡi quanh vành tai ông và nhấm nháp dái tai ông. Rồi cô bước lui.
“Ô la la,” cô gái lớn cười, nói. “Ai vậy, Papi?”
Ông già không trả lời. Nụ cười vẫn vướng trên môi ông suốt thời gian trò chơi chợt biến mất. Ông ngồi thẳng dậy, bừng tỉnh. Có một khoảng lặng kéo dài; mọi người chồm ra trước, chờ cho ông bố bắt đầu với câu trả lời quen thuộc, “Mami?”
Nhưng ông bố không đoán tên vợ ông. Ông giật cái khăn bịt mắt xuống như thể nó là vật mang bệnh truyền nhiễm có thể lây cho ông. Chiếc khăn rơi thành một đống dưới chân ghế. Mặt ông tối lại với niềm tủi hổ vì chút khoái lạc thân xác gây ra bởi một trong những đứa con gái của ông. Ông nhìn từ đứa này sang đứa kia. Cái nhìn của ông chao đi. Trên nét mặt đứa con gái út của ông là cái vẻ thụ động sáng chói mà ông vẫn nhớ từ lúc nó giật xấp thư tình khỏi tay ông.
“Đủ rồi,” ông ra lệnh bằng giọng nói trầm nhưng giận dữ.
Và thế là cuộc vui kết thúc.
Comments
Post a Comment