Tiêu diệt muỗi

Huy Lâm


Tính ra mỗi năm căn bệnh sốt rét giết chết khoảng hơn một triệu người trên thế giới, đa số là trẻ em, mà mầm mống lây bệnh chính là từ con muỗi.
Đối với loài người, con muỗi không mang lại một tí ti lợi ích nào, mà ngược lại chỉ toàn là hại – nhẹ thì khi bị muỗi đốt nó làm ta cảm thấy ngứa ngáy khó chịu, còn nặng thì có thể gây chết người như nói ở trên. Vậy thì tại sao người ta không tìm cách diệt quách hết giống muỗi đi cho xong?
Thực ra, với những kỹ thuật sẵn có hiện nay, con người có thể diệt tuyệt giống muỗi không khó. Nhưng một câu hỏi luôn có trong đầu mọi người – cho dù đó là một người đang sống ở một làng hẻo lánh ở Phi châu chưa từng học qua một môn sinh vật học nào, hay đó là một nhà sinh thái học hoặc một đại sứ của Liên Hiệp Quốc – đó là: Sau khi muỗi bị diệt hết rồi thì hậu quả sẽ là gì?
Nếu con người học được gì từ những bài học trong quá khứ thì một điều luôn luôn hiện lên rất rõ đó là khi con người tìm cách thay đổi môi trường sống, hay nói cách khác, thay đổi thiên nhiên thì nhiều khi mang lại những hậu quả xấu mà không ai lường trước được.
Hiện nay trên thế giới đã có một số nhóm nghiên cứu về muỗi, trong đó có Target Malaria, một hội nghiên cứu bất vụ lợi được sự hỗ trợ của nhà tỉ phú Bill Gates, đang nghiên cứu về việc biến đổi hệ di truyền của muỗi để tìm cách ngăn chặn việc sinh sản của những loại muỗi lây truyền các mầm mống bệnh. Kỹ thuật này còn mới và nhiều tham vọng, do đó cũng gây nên nhiều tranh cãi. Thậm chí mặc dù kỹ thuật biến đổi di truyền muỗi này có lẽ còn phải chờ ít nhất đến năm 2029 mới thực sự sẵn sàng, nhưng nhóm nghiên cứu Target Malaria đã nhận được rất nhiều những thắc mắc liên quan đến hậu quả sinh thái của nó một khi được đem ra thực hành thì với một câu trả lời đơn giản rằng mọi người hãy cứ an tâm vì mọi chuyện sẽ ổn thoả thôi có lẽ chưa đủ để trấn an công chúng.
Cuối năm nay, một nhóm khoa học gia Target Malaria từ hai trường đại học Ghana và Oxford sẽ cùng tham gia vào một cuộc nghiên cứu kéo dài bốn năm về hệ sinh thái của giống muỗi Anopheles tại Ghana. Mục đích của cuộc nghiên cứu là họ hy vọng hiểu hơn về các loài cá, dơi, hoa và côn trùng sẽ phản ứng ra sao nếu như số lượng của giống muỗi này suy giảm – hay thậm chí bị tiêu diệt hoàn toàn.
Nhóm nghiên cứu sẽ theo dõi muỗi từ khi còn là ấu trùng đến khi thành muỗi và chết. Trước hết, nhóm nghiên cứu sẽ lập một ổ nhân tạo cho muỗi đẻ trứng (có thể là một hồ nước nhỏ) để mô phỏng tựa như một khu ao tù nước đọng thiên nhiên để cho ấu trùng sinh sôi. Các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu xem giống vật nào trong thiên nhiên được hưởng lợi một khi giống muỗi Anopheles không còn nữa: có thể là những giống côn trùng vô thưởng vô phạt, hay là những những động vật khác cũng có mang theo những mầm bệnh chết người?
Trên thế giới hiện có hơn 3,000 giống muỗi, trong đó có khoảng 70 giống có khả năng lây truyền bệnh sốt rét. (Nhiều giống khác lây truyền những căn bệnh như sốt vàng da, sốt Chikungunya, Zika, v.v…) Trong đó, muỗi Anopheles được cho là giống chủ yếu lây truyền bệnh sốt rét. Nhưng ngoài muỗi Anopheles thì một vài giống muỗi khác cũng có khả năng lây truyền sốt rét. Vậy, nếu người ta muốn diệt hẳn loại muỗi Anopheles cũng có nghĩa là đem đổi một giống muỗi mang mầm bệnh sốt rét sang cho giống khác, thế thì phương cách này cũng đâu có mang lại một tiến bộ nào và người ta vẫn có thể nhiễm bệnh khi bị một loại muỗi khác có mầm bệnh sốt rét chích.
Theo ông Joseph M. Conlon, nhà côn trùng học và là cố vấn kỹ thuật cho một tổ chức bất vụ lợi là Hiệp hội Kiểm soát Muỗi Hoa Kỳ, cho biết riêng ở Mỹ có khoảng 174 giống muỗi. Trong đó tiểu bang Texas là nhiều nhất, với khoảng 85 giống, và tiểu bang West Virginia có ít nhất, với khoảng 24 giống. Chỉ riêng ở thành phố New York không thôi cũng có tới hơn 50 giống.
Phần lớn những giống muỗi ở Mỹ không lây truyền bệnh. Tuy nhiên, việc muỗi có khả năng lây truyền hay không là còn tuỳ thuộc một phần ở cấu trúc sinh lý học của chúng. Hầu hết các loại vi trùng (và vi sinh vật khác) bị tiêu hoá ngay trong ruột của con muỗi cùng với máu. Tuy nhiên một số vi trùng khác có khả năng biến hoá để thâm nhập vào trong cơ thể của muỗi và di chuyển đến các tuyến nước bọt, từ đó chúng được tiêm vào cơ thể con người cùng với nước bọt khi ta bị muỗi chích. Những căn bệnh do muỗi lây truyền, ngoài những bệnh sốt còn có một số bệnh mà trong mấy năm qua đã từng làm cho người Mỹ một phen hốt hoảng như West Nile – làm cho người mắc bệnh có triệu chứng giống như cúm và, trong một số ít trường hợp, gây hư hại hệ thần kinh hoặc chết, và Zika – làm não ở trẻ sơ sinh bị teo lại.
Việc sinh sôi của các giống muỗi cũng rất khác nhau. Có loại thích đẻ trứng ở chậu hoa, chai lọ, bánh xe cũ, hay bất cứ đâu có vũng nước đọng nhỏ. Ngược lại, có loại thì thích đẻ trứng ở suối và những ao hồ lớn. Loại khác thì chọn đẻ trứng ở nơi có nhiều nắng và ở ruộng lúa. Hoặc có loại thì thích đẻ trứng ở những chỗ nước dơ như cống rãnh. Trong khi có loại như muỗi Aedes Aegypti gây bệnh sốt vàng da rất thích đẻ trứng ở những nơi nước sạch. Trứng của nó bám chặt vào thành của thùng, chậu, lọ chứa nước và cả những khi nước bị bốc hơi khô hết trứng vẫn có thể sống sót.
Nhưng tựu trung, để trứng nở thành ấu trùng và sau đó lột xác thành muỗi thì phải cần có nước. Thế nên các giới chức về y tế khuyên ta nên để ý sân trước sân sau nhà đừng để có những vũng nước tù đọng tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi nẩy nở.
Một điều thú vị khác về muỗi là phần đông các giống muỗi khi chích thì làm người bị chích cảm thấy ngứa ngáy và biết ngay là bị muỗi chích. Tuy nhiên, có giống muỗi vằn chích rất êm ái mà lại hay chọn chích ở phía dưới chân, và thường thì sau khi hút no đầy một bụng máu rồi mà người bị chích vẫn không hay biết. Điều này làm cho giống muỗi vằn trở nên rất nguy hiểm vì chúng có khả năng lây truyền bệnh sốt xuất huyết.
Một điều ta cũng cần biết thêm là chỉ có muỗi cái là chích và truyền bệnh, là vì muỗi cái cần có máu để nuôi trứng trong cơ thể chúng nên muỗi cái phải đi hút máu từ người và các loài động vật khác, và khi hút máu chúng vô tình truyền bệnh sang cơ thể của người.
Cuộc nghiên cứu của Target Malaria cũng sẽ theo dõi những loài động vật ăn muỗi. Như loài dơi chẳng hạn, được biết là giống ăn muỗi. Các nhà nghiên cứu sẽ phân tích DNA trong phân dơi và sử dụng một kỹ thuật gọi là mã số DNA (DNA barcoding) để có thể nhận diện được từng loại muỗi có trong phân của dơi. Kết quả tìm được sẽ giúp các nhà nghiên cứu xác định có bao nhiêu phần trăm muỗi Anopheles trong thực đơn của dơi.
Kỹ thuật mã số DNA còn được dùng để theo dõi muỗi Anopheles làm công việc thụ phấn. Ta biết muỗi cũng là giống hút mật, và khi hút mật như vậy, muỗi nhặt phấn từ hoa, sau đó bay từ hoa này sang hoa khác để thụ phấn cho hoa. Các nhà nghiên cứu sẽ bắt những con muỗi đó, lấy phấn trên mình của muỗi, và dùng kỹ thuật mã số DNA để xác định những giống cây nào muỗi Anopheles thường hay thụ phấn.
Những gì các nhà nghiên cứu đã hiểu biết về muỗi cho thấy là việc diệt hẳn muỗi Anapheles sẽ không gây ảnh hưởng bao nhiêu đến hệ sinh thái. Dường như muỗi Anopheles chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong phần dinh dưỡng của những loài động vật ăn muỗi, và chỉ một tỉ lệ cũng rất nhỏ trong việc thụ phấn cho những giống thực vật cần đến muỗi để thụ phấn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng hy vọng là qua cuộc nghiên cứu sẽ giúp người ta hiểu rõ hơn và chấp nhận các hoạt động cũng như mục đích và kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Target Malaria.
Nhóm nghiên cứu Target Malaria cũng rất thận trọng cho biết mục tiêu của họ không phải là tiêu diệt hẳn tất cả các giống muỗi hay thậm chí tất cả những giống muỗi có khả năng truyền bệnh sốt rét. Mục tiêu của họ là tiêu diệt hẳn bệnh sốt rét – và rất có thể chỉ đơn giản là làm giảm số muỗi Anopheles xuống một con số đủ nhỏ để phá vỡ cái chu kỳ lây truyền bệnh của chúng. Để tiêu diệt hoàn toàn tất cả các giống muỗi khỏi mặt đất sẽ đòi hỏi phải thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu hơn nữa, và cũng có thể là điều không thực tế.
Muỗi nói chung có lẽ là loài vật duy nhất chẳng được ai ưa, thậm chí ngay cả những nhà nghiên cứu biết rõ từng đặc tính, chức năng của muỗi cũng khó lòng có lý do chính đáng để lên tiếng bênh vực và bảo vệ cho chúng. Thế nên đã có một số nhà khoa học nói rằng họ ủng hộ ý tưởng diệt hẳn muỗi để ngăn chặn căn bệnh sốt rét. Làm cho tuyệt chủng giống muỗi có lẽ là việc nên làm vì từ bao ngàn năm qua con người đã phải chịu khổ chịu cực, và không biết là bao nhiêu sinh linh con người đã là nạn nhân của con vật nhỏ bé nhưng rất quái ác này.
Huy Lâm

Comments

Popular posts from this blog