BỘ "NHÌN LẠI SỬ VIỆT" CỦA TÁC-GIẢ LÊ MẠNH HÙNG RA ĐẾN TẬP 3

Tâm Việt

             
Gần đây, nhân dịp ra mắt cuốn Việt Nam thời lập quốc (Cali: Việt Nam ngày mai xb, 2011) của tác-giả Phạm Trần Anh, một cuốn sách trên 600 trang, tôi có dịp duyệt lại những bước khổng-lồ mà sử-học VN đã đi qua trong vòng hơn 100 năm qua.  Đành rằng trong một thời-gian ngắn ngủi ta không thể đi hết được vào trong chi-tiết những đóng góp rất đáng kể của các sử-gia (hiểu theo một nghĩa rất rộng, gồm rất nhiều ngành có thể giúp ta làm sáng tỏ kinh-nghiệm quá-khứ của dân-tộc ta) người Pháp, Mỹ, Anh, Nga, Úc, Nhật, thậm chí cả Đài-loan, Trung-hoa lục-địa, Đại-Hàn và các nước Bắc-Âu, bên cạnh các sử-gia VN trong một thế-kỷ vừa qua.  Song tôi cũng xin trích lại dưới đây mấy nhận xét tóm lược của tôi về những phát triển mới đó trong sử-học VN do nhiều nguồn mang lại:
        
    "Thứ nhất là nhu-cầu tìm hiểu về lịch-sử nước ta do người Pháp muốn biết để dễ bề cai trị thuộc-địa mới của họ.  Đó là động-cơ của những sử-gia đầu tiên của Pháp viết về VN như Eliacin Luro (1878), Charles Gosselin, Pierre Louis Philastre, Raymond Deloustal, hay Charles Maybon (1920) sau này.

          
  "Thứ hai là việc thiết-lập Trường Viễn Đông Bác Cổ (Ecole française d'Extrême-Orient) vào năm 1901, nơi đây đã là môi-trường tạo ra một số cổ-thụ về Á-đông và Việt-nam-học như Léonard Aurousseau, Paul Pelliot, Henri Maspero, Léopold Cadière, Georges Coedès, Maurice Durand, chưa kể những học-giả VN cũng phát sinh từ trường này như Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Huyên, v.v.

            "Thứ ba là sự khai sinh ra ngành khảo-cổ-học với những học-giả như Henri Mansuy, Madeleine Colani, E. Patte, Saurin, Victor Goloubew, Olov Janse, Louis Malleret...  Sau năm 1954, miền Bắc đã có nhiều đóng góp vào ngành này với những khai quật trên khắp nước để đến được một sự phân kỳ khá vững chắc về các lớp văn-hoá tiếp nối nhau từ văn-hoá Hoà-bình (do người Pháp tìm ra) đến Sơn-vi, Bắc-sơn, rồi Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông-sơn (với các trống đồng nổi tiếng, do Olov Janse khai quật).

            "Thứ tư là việc đưa nhiều ngành khoa-học vào lịch-sử, nhất là trong những ngành như cổ-sinh-vật-học, cổ-nhân-chủng-học, chẳng hạn, để đo sọ (craniology và craniometry), rồi cách đo tuổi các hiện-vật bằng radiocarbon C14, và gần đây hơn cả là tìm cách phân chia các chủng-tộc qua DNA (deoxyribonucleic acid) và nhất là dự-án nghiên cứu chủng-tử của toàn-nhân-loại (the genome project).

            "Thứ năm là việc đưa xã-hội-học, dân-tộc-học, kinh-tế-học, địa-lý, địa-chất-học, tâm-lý-học, thậm chí cả bệnh-học, rồi lịch-sử văn-học, mỹ-thuật, tiền-tệ-học... vào việc nghiên cứu lịch-sử.  Nhất là các sử-gia Mác-xít đã cố gắng viết lịch-sử theo quan-điểm của Marx như là lịch-sử loài người đi qua những chặng như công-xã nguyên-thuỷ, xã-hội chiếm hữu nô-lệ dựa trên sản xuất nông-nghiệp, xã-hội phong kiến dựa trên chế-độ điền-chủ, rồi đến xã-hội tư-bản, để một ngày kia sẽ đến xã-hội cộng-sản trong đó 'không còn người bóc lột người' --một quan-niệm khá hoang đường nhưng cũng vẫn là động-cơ thúc đẩy việc nghiên cứu lịch-sử 'như là lịch-sử đấu tranh giai-cấp.'

            "Thứ sáu là việc quốc-tế-hoá, toàn-cầu-hoá việc nghiên cứu lịch-sử bắt đầu từ những sự so sánh giữa lịch-sử nước này với lịch-sử nước khác.  Nếu trước thế-kỷ XX lịch-sử VN chủ-yếu là do các sử-gia VN, dựa ít nhiều vào các sử-gia Trung-hoa viết về nước ta, rồi đến các sử-gia người Pháp thì ngày nay, có nhiều tác-phẩm sử VN rất giá trị do người Nhật, người Anh, người Úc, người Mỹ, người Nga, người các nước Bắc-Âu, thậm-chí cả người Đại-Hàn cũng cần được chúng ta chú ý.  Sử-học VN do người Mỹ đóng góp, chẳng hạn, là cả một chân trời mở rộng mà nếu ta không khéo sẽ bị họ vù vù vượt qua mặt lúc nào ta không hay.  Tỷ-dụ như những đóng góp của Wilhelm Solheim hay Stephen Oppenheimer vào cách đọc tiền-sử của nước ta.

            "Thứ bảy chính là việc xét lại sử của nước ta và dân-tộc ta do những bộ óc độc-lập của VN truy cứu.  Những bước đầu của việc làm này có thể nói là do một số sử-gia VN đi tiên-phong như Lê Quý Đôn, Ngô Thời Sỹ, Phan Huy Chú khởi-xướng, rồi sang thế-kỷ XX được thúc đẩy bởi một số học-giả tân-học ở nước ta.  Nhưng độc-đáo hàng đầu phải kể Lý Đông A trước tiên, xong đến Nguyễn Đăng Thục, và nhất là Linh-mục Kim Định, người đã hệ-thống-hoá cả một cách nhìn lại cổ-sử VN so với cổ-sử Trung-hoa.  Một số sử-gia ở miền Bắc cũng có những đóng góp nhất định, tỷ-dụ, vào việc nghiên cứu 'thời-đại Hùng Vương' dù như trong nghiên cứu của họ còn không ít những mâu thuẫn mà cho đến nay vẫn chưa được giải toả.

            "Cách nhìn lại lịch-sử của các học-giả miền Nam như L.M. Kim Định (hay Lê Mạnh Thát trong ngành Phật-học) ngày nay đã ảnh-hưởng sâu sắc vào một số tác-giả xuất thân từ miền Bắc CS như G.S. Trần Ngọc Thêm, thậm chí cả hai sử-gia Trần Quốc Vượng (như trong việc đánh giá lại chỗ đứng của nhà Nguyễn), Phan Huy Lê.  Hoặc những nghiên cứu về nhà Tây-sơn của Tạ Chí Đại Trường dần dần cũng chữa lại được một số nhận-định sai lệch về vấn-đề này.  Cũng như những cái nhìn mới mẻ của Bình Nguyên Lộc trong Nguồn gốc Mã-lai của dân-tộc VN (Sài-gòn: Bách Bộc, 1971) được tiếp nối ở ngoài này bằng một tác-phẩm vĩ-đại, không tiền khoáng hậu của B.S. Nguyễn Hy Vọng so sánh các tiếng Đông-Nam-Á với tiếng Việt mang tên Từ-điển đồng-nguyên tiếng Việt-Đông Nam Á trưng được ra trên 27 nghìn từ tiếng Việt mang gốc gác Đông-Nam-Á.

            "Ra ngoài này, các học-giả VN một đằng thì tiếp-tục những con đường đã được khai phá trước ở trong nước.  Mặt khác, chung đụng với những cái học mới của sử-học thế-giới, ta sẽ lấy làm lạ vô cùng nếu các học-giả người Việt ngoài này lại không chịu ảnh-hưởng của những khám-phá mới lạ về mọi phương-diện của các sử-gia Tây-phương.  Tỷ-dụ như những nghiên cứu của Peter Bellwood, người Úc, về "Tiền-sử Đông-Nam-Á và Đại-dương-vực" (trong cuốn Man's Conquest of the Pacific: The Prehistory of Southeast Asia and Oceania, New York: OUP, 1979), trong đó ông đem vào cả đại-dương-học, mực nước biển lên xuống, ngôn-ngữ-học lịch-sử và so sánh, v.v.  Một trường-hợp điển-hình là báo Tư tưởng của nhóm ông Cung Đình Thanh ở Úc mà cuối đời, ông đúc kết được thành cuốn sách đồ sộ Tìm về nguồn gốc Văn minh Việt Nam dưới ánh sáng mới của khoa học (Sydney: Nhà xb Tư Tưởng, 2003)."

Nhu-cầu tổng-hợp

            Chẳng trách không ít người thấy sự thôi thúc của việc viết lại lịch-sử nước nhà để thay thế cuốn sử được coi như là "gối đầu giường" của không biết bao nhiêu thế-hệ cha anh chúng ta, cuốn Việt Nam sử-lược của cụ Trần Trọng Kim, viết ra vào năm 1919 (xuất bản lần đầu năm 1921).  Ở trong Nam, nỗ lực đồ-sộ nhất là bộ Việt-sử tân-biên của Phạm Văn Sơn (7 cuốn, gần 3000 trang, in ra ở Sài-gòn, 1955-1972) và ra ngoài này thì là bộ Việt-sử khảo-luận của cụ Hoàng Cơ Thuỵ ở Pháp (6 cuốn khổ lớn, gần 4000 trang, do nhà xb Nam Á in ra).  Gần đây, đáng kể nhất là bộViệt-sử đại-cương của sử-gia Trần Gia Phụng ở Canada (Toronto: Nhà xb Non nước, 2004- ), đã ra 5 tập và khi hoàn-tất chắc cũng phải trên 3000 trang.  Vậy thì tại sao ta lại cần một bộ thông-sử nữa?

            Câu hỏi này đã được phần nào trả lời trong "Lời nhà xuất bản" in ở đầu Tập I bộ Nhìn Lại Sử Việt ("Từ tiền sử đến tự chủ") của tác-giả Lê Mạnh Hùng do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ in ra vào năm 2007:
            "Đã hơn 80 năm trôi qua kể từ ngày Lệ Thần Trần Trọng Kim, lúc bấy giờ còn là một nhà giáo trẻ, hoàn-tất và tung ra cuốn Việt Nam Sử Lược của ông.  Trong một thời-gian dài, cuốn này được xem như là một cuốn thông-sử đáng tin cậy nhất, được in đi in lại rất nhiều lần, nhất là ở miền Nam rồi ở hải-ngoại và giờ đây còn được in lại và bầy bán khá rộng rãi ngay ở trong nước.

            Những ưu-điểm của cuốn Việt Nam Sử Lược đã rõ: viết trong khi đất nuóc ta còn thuộc một ngoại-bang, tác-giả vẫn không ngần ngại đem tên chính-thức của quốc gia chúng ta dùng làm tên chính-thức cho cuốn sách.  Viết dưới thời Khải Định, một ông vua nhà Nguyễn, tác-giả vẫn không ngần ngại xem nhà Tây-sơn là một triều-đại chính-thống của Việt Nam mặc dầu dưới con mắt sử-gia nhà Nguyễn nhà Tây-sơn bị coi là một 'nguỵ-quyền.'  Viết trong buổi giao-thời giữa chữ Nho và chữ Quốc-ngữ, tiếng Việt của cuốn sách thật trong sáng, lại còn chú thêm chữ Hán bên các tên đất, tên người, tên sách được nêu ra trong tác-phẩm (đây là một đặc-điểm có thể xem như là một ưu-điểm so với nhiều sách sau này).  Tóm lại, Trần Trọng Kim đã tỏ ra can trường, cẩn trọng, không thiên-vị, đáng làm gương sáng cho những ai muốn đi vào con đường đầy hiểm hóc này.

            "Từ đó (1920), sử-học VN đã có những bước đi bảy dặm, ở cả hai miền (Nam-Bắc thời-gian 1954-75 và sau 75 ở trong và ngoài nước).  Nếu các sử-gia ở miền Bắc chịu ảnh-hưởng sâu đặm của 'ánh sáng Mác-Lê' giúp cho họ viết nên được những tác-phẩm đáng kể như Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam và đi mạnh vào trong ngành khảo cổ, ngành sử ở miền Nam lại khai thác được những hướng đi mới dưới sự hướng-dẫn của một số các thầy huấn luyện chính-quy ở Tây-phương, chủ-yếu là ở Pháp, về.  Nhờ vậy, sử-học miền Nam đi tiên-phong vào những lãnh-vực như liên-hệ Việt Nam - Đông-Nam-Á (mà ở trong nước mới chỉ phát triển từ thời-kỳ 'mở cửa' ra với thế-giới mà thôi).  Cũng do không bị một ý-thức-hệ đặt vòng kim-cô lên đầu nên ngay trong một lãnh-vực tưởng như độc-chiếm của miền Bắc là nhà Tây-sơn, các sử-gia miền Nam cũng đã tỏ ra khách-quan, cân nhắc hơn để sau này ảnh-hưởng ngược lại vào sử-học Mác-xít.  Tưởng cũng không nên quên là vào thời-gian này, ông Hoàng Xuân Hãn ở Pháp cộng-tác với Tập san Sử Địa ở Sài Gòn và chính nhóm Sử Địa này đưa ra được những nghiên cứu sâu sắc đầu tiên về Hoàng Sa-Trường Sa, để làm nền tảng cho đến bây giờ khi VN phải tranh chấp chủ-quyền trên hai quần-đảo này với Trung-quốc và các nước Đông-Nam-Á khác.

            "Song nếu sử-học VN đã có những bước tiến lớn trong nửa thế-kỷ qua, nó không khỏi bị giới-hạn bởi những yếu-tố chính-trị chi-phối trong cả hai miền, như trong sự phân chia Quốc-Cộng hay trong trường-hợp miền Bắc, bởi những cảm-tình nhất thời, khi thân Nga, khi thân Tầu, khi lại thân Mỹ, thân Tây, thân Nhật.  Có lẽ cũng vì thế mà ở Hà-nội, chính-quyền đã bảo trợ, khuyến khích hết dự-án lịch-sử này đến dự-án khác.  Cứ vài năm lại thấy xuất hiện một bộ thông-sử, đôi khi khá đồ-sộ (nhiều tập), nhưng hình như ít khi hoàn-tất.  Bởi lịch-sử là lịch-sử, nó không thể xoay chiều như chong chóng được.  (Cứ xem như quân-sử là một điều miền Bắc rất hãnh-diện nhưng cho đến nay, Hà-nội vẫn chưa có một bộ tổng-kết chính-thức về chiến-tranh 'chống Mỹ cứu nước' của họ, nói gì đến vai trò của quân dân miền Nam nhằm chống trả sự 'xâm-lăng từ miền Bắc.')

            "Thành thử cho đến nay, ở cả hai miền (giờ đây là trong và ngoài nước) vẫn chưa có được một bộ thông-sử tương-đương với cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, nghĩa là một cuốn sử mà chúng ta có thể chấp nhận được một cách phổ-biến và rộng rãi.  Song cuốn của Trần Trọng Kim thì không thể thoả mãn được cái khao khát đọc sử của hàng triệu người trong chúng ta, phần vì sang đến thời Pháp-thuộc cụ đã không thể hoàn-toàn khách-quan và hơn nữa, vì sách của cụ thì không có phần cận-hiện-đại.

            "Nỗ lực của tác-giả Lê Mạnh Hùng (Tiến-sĩ Sử-học, VĐH Luân-đôn) nhằm viết nên một bộ thông-sử VN nhiều tập tổng-hợp tất cả những tìm tòi của sử-học VN trong gần 100 năm qua, do đó phải xem là một việc làm cần được ủng-hộ và khuyến khích."

Một quốc gia thống nhất trên một lãnh-thổ thuần nhất

            Tập II của bộ Nhìn Lại Sử Việt mang tên "Tự chủ I: Từ Ngô Quyền đến thuộc Minh" duyệt lại lịch-sử nước ta trên gần năm thế-kỷ, từ sau chiến-thắng Bạch-đằng (939) của Ngô Quyền đến hết nhà Hồ (1407).  Thời-gian này là một thời-gian Việt Nam có được chính-quyền trung-ương mạnh vì lãnh-thổ tương-đối thuần nhất, tập trung vào châu-thổ phì nhiêu của sông Hồng được bao bọc bởi rừng núi trùng trùng điệp điệp.  Đây cũng là giai-đoạn của "một kỷ-nguyên rực rỡ trong lịch-sử dân-tộc, bởi nó gộp ở trong đó hai triều-đại lớn của Việt Nam, nhà Lý (1010-1225) và nhà Trần (1225-1400)...  Dù vào khúc cuối nhà Hồ có thất bại trước sự xâm-lược của nhà Minh bên Trung-quốc, thời-gian gần 500 năm độc-lập đã hun đúc cho dân ta một tinh-thần đủ mạnh để có thể sau này đánh đuổi được quân Minh về nước dưới sự lãnh-đạo bền gan và kiên trì của Lê Lợi và Nguyễn Trãi, mở đầu cho giai-đoạn 'Tự chủ II.'

            "Vẫn lối viết trong sáng, nói có sách mách có chứng, cuốn sách không chỉ lôi cuốn ta về những trận đánh lưu danh thiên cổ mà còn trình bầy được cặn kẽ những nỗ lực xây dựng các định-chế quốc-gia của các bậc minh-vương lỗi lạc như Lý Công Uẩn, người định đô ở Thăng Long (Hà Nội sau này), hay Trần Nhân-tông, vị vua biết dựa vào dân (Hội-nghị Diên Hồng) để thống nhất ý-chí chống ngoại-xâm.  Bởi vua là những bậc minh-quân nên phò vua ta mới có những đại-thần cỡ Lý Thường Kiệt hay, sang nhà Trần, những Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Hưng Đạo Đại-vương.

             "Vai trò tích-cực của Phật-giáo trong suốt giai-đoạn này là một điều không thể phủ-nhận.  Chính mấy cao-tăng như Ngô Chân Lưu (Khuông Việt Đại Sư), người đã giúp cả hai triều Đinh và Tiền-Lê, Pháp Thuận người giúp vua Lê Đại Hành, Vạn Hạnh bên cạnh Lý Thái-tổ, Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Thông, Thông Biện, Không Lộ, Giác Hải là những bậc đại-trí-thức của thời-đại --xem như Thông Biện trả lời Ỷ Lan Phu-nhân-- để cho ta thấy là sự hiểu biết không những về Phật-pháp mà còn về nhiều vấn-đề quốc-sự đã nâng giới lãnh-đạo của ta lên ngang hàng các trí-thức Trung-nguyên.  Dù như sang thế-kỷ thứ 14, các nho-gia có quay ra chỉ-trích những quá-lạm của đạo Phật, song sự-kiện vẫn là: Mật-tông, Thiền-học (Vô Ngôn Thông, Quán Bích), Tịnh-độ-tông, đều phát triển rất mạnh trong thời-gian này, tạo cho dân-tộc ta những căn-bản tâm-linh và đạo đức còn vang vọng cho tới ngày hôm nay.  Thật vậy, chỉ có trong giai-đoạn này là ta mới có một phái riêng biệt của Việt Nam cho đến thế-kỷ thứ 20, đó là phái Trúc Lâm Yên tử dưới đời nhà Trần.

            "Dù như nho-học đã được định-chế-hoá từ đời Lý Thánh-tông với sự thiết-lập Văn-miếu (1070) và việc cho mở khoá thi minh kinh bác-học dưới thời Lý Nhân-tông (1075) song phải sang đến đời Trần, các nho-gia mới dần dần chiếm được ưu-thế; tuy-nhiên, tinh-thần rộng mở của đạo Phật đã cho phép dân-tộc ta tìm ra một giải-pháp hài-hoà, không tranh-chấp, trong quan-niệm 'tam giáo đồng-nguyên' ('ba đạo--Phật, Lão, Khổng--đều cùng một gốc mà ra').

            "Có lẽ chính vì thế mà về nhiều mặt, ta có thể nói đến một nền văn-minh Phật-giáo trong suốt thời-kỳ tự-chủ I này.  Văn-học Lý-Trần thấm nhuần Phật-giáo đã đành, ta còn thấy các mô-típ Phật-giáo ngập tràn trong âm-nhạc, điêu khắc, kiến-trúc (điển-hình là chùa Một Cột), thậm chí còn cả ở trong các đồ nhật-dụng như đồ thờ, đồ gốm v.v.  Có thể nói tính-cách Phật-giáo của thời-đại này đã hun đúc trong quần-chúng một ý-thức dân-tộc tách biệt với phương Bắc, dẫn đến những biểu-hiện của một cá-tính, một nhân-cách không thể nhầm lẫn được: ta là ta còn người phương Bắc là người phương Bắc.  Có lẽ vì thế mà ông cha ta đã đẻ ra chữ Nôm để tách biệt tiếng nước ta khỏi tiếng (và chữ) của người Hán, mà Nguyễn Thuyên là người đầu tiên dùng vào việc làm thơ bác-học (1282), Lê Văn Hưu viết bộ sử đầu tiên của nước nhà (1272), và các sĩ-phu Đại Việt bắt đầu ghi lại những truyền-thuyết của nước ta (Lĩnh Nam chích quái, Việt Điện u linh tập).

            "Có ý-thức dân-tộc tách-biệt thì ta mới thấy cần bảo vệ chỗ đứng của riêng ta ('Nam-quốc sơn hà Nam-đế cư...'), thì ta mới có được những tầm nhìn như của Lý Thường Kiệt 'phá Tống, bình Chiêm' để bảo vệ bờ cõi phía Bắc và mở rộng cương-vực về phía Nam, theo hướng sinh tồn của dân-tộc.  Phải có ý-thức dân-tộc thì cha ông ta mới dám chết cho lý-tưởng 'quốc-gia,' lý-tưởng 'non sông' cần bền vững mà không bị dụ dỗ, mê-hoặc bởi lý-tưởng 'quốc-tế' của quân Nguyên-Mông, muốn cho tất cả thiên-hạ thành một nhà --hiển-nhiên là dưới sự cai trị hà khắc của một đế-quốc lớn nhất thời bấy giờ.
           
"Bài học tự-chủ của giai-đoạn này, do đó, là một bài học lớn cho dân-tộc ta, cho ngay cả thế-hệ chúng ta.  Muốn bảo vệ đất nước, ta phải ý-thức hơn bao giờ hết ta là ai, không thể để cho bị đồng-hoá với người nước ngoài, không thể để cho sử nước người bị lầm thành sử nước ta (qua sách vở, phim bộ, tuyên-truyền...) để khi cần đứng lên, ta không còn rõ ta tranh đấu cho lý-tưởng nào nữa." (Trích "Lời Nhà Xuất Bản" nơi Tập II
Nhìn Lại Sử Việt, 2009)

Nước dài ra thành hai ba cực
           
     "Khác với thời-đại Lý-Trần, là hai triều-đại lớn trong lịch-sử Việt-nam với một chính-quyền trung-ương được tổ-chức vững vàng trên một lãnh-thổ tương-đối thuần nhất, giai-đoạn được đề cập trong tập này," tức Tập III của bộNhìn Lại Sử Việt mới ra lò (Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2011), mang tên "Tự chủ II: Từ thuộc Minh đến thống nhất" nghĩa là đến khi Gia Long thống nhất sơn hà, "là một giai-đoạn bành-trướng mạnh về phía Nam (trong cuộc gọi là “Nam-tiến” của dân-tộc ta), thâu nhận không những đất mới mà còn cả những dân-tộc mới, những nền văn-hoá mới và những trung-tâm quyền-lực mới vào trong lòng đại-dân-tộc như chúng ta có ngày hôm nay.  Không lạ là những xung-động đó đã gây ra nhiều cơ-hội cho các thế-lực tranh giành nhau ngay ở trong nội-địa Việt-nam, chưa nói đến những dòm ngó của các ngoại-bang.

     "Thành thử giai-đoạn 400 năm này chỉ có được 100 năm là thống nhất dưới chính-quyền nhà Lê (1427-1527), sau đó là một thời-gian dài tranh chấp không ngừng giữa 

     Lê và Mạc (1527-1593), rồi

     Lê-Trịnh và Mạc (1545-1683), song song đó là

     Trịnh-Nguyễn phân-tranh (1558-1786), rồi

     Nhà Tây Sơn chia làm 3 triều-đại (1786-1802)

chưa kể là trong suốt thời-gian sau này nhà Tây Sơn phải đối mặt với Nguyễn Ánh.

     "Bởi vậy mà có người cho rằng giải-thích lịch-sử Việt-nam bằng một sợi dây xuyên suốt là một việc bất khả, rằng ngay trong gốc gác của nó lịch-sử Việt-nam đã là một lịch-sử đa nguyên với sự đóng góp của nhiều tộc họ, địa-phương, dân-tộc, tóm lại một tổng-hợp phức hợp và đẹp đẽ hơn bất cứ một giải-thích đơn-phương hay đơn-nguyên nào.  Nói cách khác, để thực-sự hiểu Việt-nam, chúng ta phải có một cái nhìn khoáng đạt như của Nguyễn Bỉnh Khiêm, khi ông vừa làm quan cho nhà Mạc, vừa cố vấn cho Nguyễn Hoàng lại cũng vừa bỏ nhỏ để nhắc nhở Trịnh Kiểm 'giữ chùa thờ Phật thì [được] ăn oản.' 

     "Nếu giai-đoạn 400 năm được trình bầy trong Tập III này là một giai-đoạn thập phần nhiễu nhương trong 300 năm cuối thì đó cũng là một giai-đoạn phát triển rất mạnh trong nhiều lãnh-vực, không chỉ về chính-trị, kinh tế, ngoại-thương mà còn đặc-biệt về các mặt văn-học nghệ-thuật, như văn-học chữ Nôm (Thiên Nam ngữ lục, Song tinh bất dạ, Chinh-phụ-ngâm, Cung-oán, tuồng đồ), đồ gốm (Chu Đậu bên cạnh Bát Tràng), hội-hoạ (tranh Đông Hồ), điêu khắc (các La Hán chùa Tây Phương), kiến trúc (nhiều đình chùa nổi tiếng) v.v.

     "Những biểu-tượng đó vừa là sự quật khởi từ những mất mát to lớn sau những năm thuộc Minh (đập bia, đốt sách, lấy sách mang về Kim-lăng, bắt đem đi cả nghìn cả vạn các thợ giỏi của Đại-Việt), lại cũng là phải vượt lên do sự chung đụng với các nền văn-hoá khác (như nhạc và văn-học Chàm, kiến-trúc, điêu khắc Chàm, rồi Chân Lạp, Trung Hoa của người Minh-hương, thậm chí cả nghệ-thuật chiến-tranh của họ nữa).

     "Rồi cũng vì giai-đoạn này là Việt-Nam đi vào luồng thương mại quốc-tế, nhất là sau khi Trung-hoa tự-động rút lui khỏi thương-trường trên biển Đông trong gần nửa thế-kỷ (bắt đầu với một sắc-lệnh của Hồng Vũ vào năm 1371) thì về đồ gốm, chẳng hạn, có lúc Việt-nam đã cạnh tranh được với đồ gốm sứ Trung-hoa (và ít nhất vào thời đó ăn đứt cả đồ gốm Nhật) nên thuỷ-quân và thương-thuyền Việt-Nam cũng rất đáng nể.  Đó là những chuyện mà sử ta hãy còn nói quá ít hay chưa biết gì nhiều đòi hỏi những sử-gia tương-lai phải đào sâu thêm nữa.  Trường-hợp gốm Chu Đậu, mới được khám phá ra sau này, là một trường-hợp điển-hình, cho ta có quyền tin tưởng rằng còn nhiều điều sử-học Việt-Nam vẫn còn chưa biết.

     "Học sử, chúng ta có quyền hãnh diện về những thành tựu của cha ông nhưng chúng ta cũng cần phải biết xem lịch-sử như một tấm gương mà đem ra soi mặt.  Nếu chúng ta có thể tự-hào về cuộc kháng-chiến chống Minh đầy gian khổ của Lê Lợi thì ta cũng cần biết phẫn nộ về những hẹp hòi, ngu muội dẫn đến cái án 'chu di tam tộc' dành cho Nguyễn Trãi, một trong những con người trong sáng nhất trong lịch-sử nước nhà.  Cũng tựa như ta phục bao nhiêu tài điều quân khiển tướng của Nguyễn Huệ để phá tan quân xâm-lược nhà Thanh thì ta cũng cần hiểu sự thất bại của nhà Tây Sơn phần lớn là do những tranh chấp nội-bộ của ba bốn ông vua Tây Sơn chứ không phải là do Nguyễn Ánh 'rước voi về giầy mả tổ.'  Và sự thành công của Nguyễn Ánh, người lần đầu thống nhất được sơn hà từ ải Nam-quan cho đến mũi Cà Mau, không phải là do ngẫu-nhiên mà có.  Nó là kết-quả của một ý-chí cao cường, đúc kết từ bao nhiêu năm nằm gai nếm mật, biết dựa vào quần-chúng và lợi-thế của một vùng Đồng Nai-Gia Định.  

     "Lịch-sử, do đó, không thể chỉ là chủ-quan dựa vào những sự yêu ghét cá-nhân hay cái nhìn cục-bộ của một địa-phương hoặc giòng tộc mà có lúc đã làm nên lịch-sử.  Lịch-sử của một dân-tộc phải là sự tổng-hợp của tất cả những yếu-tố kia trong một cái nhìn công bằng, cân nhắc làm sao cho sự đóng góp của tất cả mọi người được công-nhận như những viên gạch xây dựng nên toàn-cảnh lâu-đài chung của cả một dân-tộc." (Trích "Lời Nhà Xuất Bản" Tập III Nhìn Lại Sử Việt, 2011)*   *

            Dựa vào những lời giới-thiệu trên đây của ba tập đã ra trong bộ Nhìn Lại Sử Việt(*) của Tiến-sĩ Sử-học Lê Mạnh Hùng, ta có thể mường tượng được những đóng góp thật độc-đáo của ông vào việc đọc lại sử Việt dưới một nhãn-quan rất mới, phù-hợp với những tiến-bộ vượt bực của ngành sử-học hiện-đại.

            Được biết là tác-giả Lê Mạnh Hùng đã hoàn-tất Tập IV, viết về nhà Nguyễn (1802-1945) trong bộ sử nhiều tập của ông.  Theo chỗ tôi được biết, chỉ trong nay mai là ông sẽ giao lại cho nhà xuất bản.  Riêng cá-nhân tôi mong là tập này của ông sẽ chữa lại được những lệch lạc và định-kiến chồng chất mà không ít người trong giới sử-học nước nhà đã, trong gần một thế-kỷ qua, vô tình hay cố-ý đem vào cách đánh giá một trong những triều-đại lớn của lịch-sử nước nhà.  Trong một cuốn sách của ông in ra ở hải-ngoại do nhà xuất bản Trăm Hoa (1993), cuốn Trong Cõi, chính một sử-gia hàng đầu của Hà-nội, ông Trần Quốc Vượng, đã phải viết là ông rất phiền lòng khi người ta đổ xô vào đánh và dè bỉu nhà Nguyễn (hiểu là theo chỉ-thị của "Đảng").  Tại sao?  Tại vì không thể bảo là nhà Nguyễn không có thành-tích gì đáng kể song lại đi van xin UNESCO công-nhận Huế là một di-sản văn-hoá lớn của nhân-loại!  Hay làm sao mà phủ-nhận được việc nhà Nguyễn bảo vệ chủ-quyền của VN trên ít nhất là quần-đảo Hoàng Sa (Gia Long đích-thân ra tận ngoài đảo để khẳng-định chủ-quyền, Minh Mạng cho xây chùa ở Hoàng Sa v.v.) một cách rất chặt chẽ!

            Thành thử hơn bao giờ hết, chúng ta có thể trông chờ là tác-giả Lê Mạnh Hùng sẽ hoàn-tất trong một tương-lai không xa bộ thông-sử Nhìn Lại Sử Việt rất giá trị của ông.

_________________

(*)  Bộ Nhìn Lại Sử Việt của Lê Mạnh Hùng đã ra được ba tập (với nhiều bản-đồ và tranh hình minh-hoạ):
       Nhìn Lại Sử Việt I (Từ tiền-sử đến tự chủ)
       Nhìn Lại Sử Việt II (Tự chủ I: Từ Ngô Quyền đến thuộc Minh)
       Nhìn Lại Sử Việt III (Tự chủ II: Từ thuộc Minh đến thống nhất)
Độc-giả nào muốn mua ba tập đã ra có thể gởi ngân-phiếu (US$18 + $18 + $22 = US$58) và cước-phí bưu-điện về cho Tổ Hợp Cành Nam, 2607 Military Road, Arlington, VA 22207 (ĐT: 703 525-4538, E-mail: canhnam@dc.net).

Comments

Popular posts from this blog