Ở Canada trong ba thập niên cuối của thế kỷ trước và thập niên đầu của thế kỷ 21, dính vô cần sa mệt lắm. Trồng, chia sẻ (có nghĩa là có thể cho và cũng có thể bán) và tiêu thụ (tức là hít vô, nhả khói ra) cần sa là một hình tội (VN bi giờ kêu bằng tội hình sự). Nặng thì tù lâu, nhẹ thì tù ít tháng, bị phạt tiền, và mang án tích trọn đời.
Thời đó, nghề trồng cỏ nếu gặp hên là mau khá, khá hơn đi cày trong các hãng xưởng nhiều, lại chỉ cần có gan, không cần tiếng Anh tiếng u gì nhiều. Không giấu gì bạn, đám dân Mít mình tham gia vô “ngành công nghiệp’” nầy khá nhiều. Một số là “dân chơi không sợ mưa rơi”, một số là những cha mẹ chủ trương “hy sinh đời bố củng cố đời con”, nghĩ rằng bỏ ra chừng chục năm, kiếm được một mớ vốn kha khá rồi dẹp, bỏ qua một tỉnh khác sang một cái tiệm tạp hóa góc đường, ung dung nuôi dạy con cái. (Coi vậy chớ con cái mấy vị nầy nay đều có bằng cấp, công ăn việc làm ngon lành trong xã hội). Xui xẻo, lãnh ít cuốn lịch cũng không tới nỗi, bởi trồng cỏ không phải là tội gì ghê gớm cho lắm (và các sắc dân khác nó cũng làm chớ đâu phải chỉ có phe ta).
(Nói thêm chút, còn có màn móc điện chùa hydro, vì trồng cỏ trong nhà đồng hồ điện quay như chong chóng trực thăng, trả bill cho Hydro thì lỗ nặng).
Ngày đó, nói thiệt báo chí tiếng Việt đầy các quảng cáo cung cấp dụng cụ, trang bị, phân bón …làm vườn, bảo đảm “hoa to, lá bự” (bên cạnh đó là các quảng cáo của các luật sư “chuyên đảm nhận “beo” và biện hộ).
Từ ít năm nay, hổng hiểu sao “nghề” nầy ít thấy được nhắc tới nhiều trên báo chí tiếng Anh và trong cộng đồng Mít ở Canada mà chỉ thấy ồn ào bên Âu châu – đặc biệt là Anh quốc, và Úc.)
Thời đó, Vancouver là thánh địa của cỏ, có thể vì thời tiết thuận lợi. Các tỉnh khác cũng có, nhưng không nhiều bằng.
Nhưng rồi thời thế đổi thay, việc sử dụng cần sa được nhìn với con mắt dễ dãi hơn. Chánh phủ cho phép sử dụng cần sa vào mục đích trị bịnh, và tới năm nay, “cỏ” không còn được coi là một thứ đồ quốc cấm nữa, chơi cần sa để tiêu khiển trở thành hợp pháp.
Luật hợp pháp hóa cần sa sẽ chánh thức có hiệu lực vào ngày 17 tháng 10 này, tức là thứ Tư tuần tới.
Cái chuyện tức cười mà Ký Gà muốn kể cùng bạn đọc là chuyện cần sa và cảnh sát.
Việc hợp pháp hóa cần sa đang là một chuyện nhức đầu và nhức mình cho những cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt là với cảnh sát.
Khỏi phải nói, bạn cũng biết rằng trước khi cần sa được hợp pháp hóa, việc bắt những người buôn bán, sản xuất và sử dụng cần sa là nhiệm vụ của lực lượng “thực thi pháp luật” nầy.
Hồi đó, trắng đen rõ ràng. Phú-lít phải bắt cần sa. Nhưng nay, chuyện trở nên phức tạp.
Bởi mỗi tỉnh bang lại có những quy định khác nhau về “hợp pháp hóa” như thế nào.
Tỷ như tuổi nào được chơi, nơi nào được bán, chỗ nào được hút, say cần sa lái xe phải xử ra sao.
Nhưng chuyện nhức đầu hơn, và đang được chính hiệp hội cảnh sát quốc gia đặt vấn đề, là chuyện …cảnh sát được chơi cần sa như thế nào!
Luật cho phép công dân được xài cần sa để giải trí, mà cảnh sát cũng là công dân, vậy cảnh sát được quyền giải trí bằng cần sa. Tam đoạn luận nầy không thể nào trật được. (Nói thẳng ra, hồi trước, làm gì tránh được chuyện các thầy đã chơi rồi.)
Nhưng cần sa không giản dị như thuốc lá, bởi nó…phê, và ảnh hưởng tới khả năng hành sự của quý thầy phú lít.
Ngày trước, các thầy / cô phú lít còn bị kiểm tra định kỳ và bất ngờ xem có “chơi thuốc” hay không, trong danh sách các thứ “thuốc” đó có cần sa.
Bởi vậy, các thầy / cô bị ràng buộc bởi điều lệ của các sở cảnh sát, được chơi khi nào và không được chơi khi nào, cũng như những điều lệ về việc sử dụng rượu vậy. Đúng thôi. Bạn nghĩ sao khi mình kêu cứu kêu cứu, hoặc khi tuần tra, khi cấp cứu, khi bắt cướp nhà băng, khủng bố mà mấy ông cớm chạy xe lạng quạng tới đang trong tình trạng mơ mơ màng màng! Hồi tháng 8, có hai ông cảnh sát đã bị xỉn phải kêu 911 khi ăn nhằm sô-cô-la có cần sa khi đang hành sự tại một tiệm bán cần sa ở Toronto.
(Nhiều tổ chức khác, nơi nhơn viên cần phải giữ cái đầu cho tỉnh táo cũng có đã và đang đặt ra những điều lệ. Tỷ như trong lính, quân nhơn được quyền xài cần sa mua một cách hợp pháp, nhưng phải ngừng trước khi bắt đầu nhiệm vụ 8 tiếng đồng hồ, quân nhơn sử dụng vũ khí hay lái xe trước 24 giờ và trước 28 ngày với các ông lính sẽ có các hoạt động nguy hiểm như nhảy dù, làm việc ở những nơi có áp suất không khí cao, hoặc điều khiển/ đi trên máy bay.)
Canada có nhiều lực lượng cảnh sát khác nhau.
Liên bang có RCMP, nhiều tỉnh bang có cảnh sát tỉnh, và nhiều thành phố có cảnh sát thành phố.
Bởi vậy, chuyện mỗi lực lượng ra điều lệ tùy theo luật của địa phương đó (và tùy hứng của người chỉ huy?) đã làm cho các vị bạn dân …phân bì. (Nói cho vui chớ, mấy ổng chỉ phàn nàn và đòi hỏi phải có một quy định chung cho công bằng, giống như quy định về việc uống rượu và thuốc theo toa bác sĩ.)
RCMP và Sở cảnh sát Toronto cùng quy định không được sử dụng cần sa trong thời gian 28 ngày trước khi vô làm việc.
Sở cảnh sát Calgary còn găng hơn, cấm đại đa số nhơn viên cảnh sát tiêu thụ cần sa cả ngoài giờ làm việc.
Trong lúc đó, Sở cảnh sát Ottawa (thủ đô) và Vancouver (cũng thủ đô, nhưng là thủ đô cần sa) thoải mái hơn, miễn là khi tới sở phải ở trong tình trạng sẵn sàng và đủ năng lực để làm việc (cái nầy khó à nghe, làm sao chắc được?).
Người lên tiếng phàn nàn là ông Tom Stamatakis, chủ tịch hiệp hội cảnh sát quốc gia (Canadian Police Association) và ông McCormack, chủ tịch hiệp hội cảnh sát Toronto.
Ông Stamatakis chỉ trích điều lệ của RCMP, lịnh không cho xài trong thời gian 28 ngày trước ngày vô làm việc coi như là cấm luôn rồi.
Nhơn nói chuyện mấy thầy cảnh sát, cũng cần nhắc lại một chuyện ngồ ngộ khác, cũng liên quan tới cảnh sát.
Đó là chuyện có ông từng là cảnh sát với chức vụ rất cao trong giai đoạn cần sa bị coi là món ngoài vòng pháp luật hiện nay đang là những thành viên cao cấp, thậm chí là chủ, những công ty sản xuất cần sa.
Ông Julian Fantino, người từng lớn tiếng chống hợp pháp hóa cần sa, đang là Chủ tịch điều hành Công ty Aleafia ở Vaughan.
Ổng từng là chỉ huy trưởng cảnh sát London, York Region, rồi Cảnh sát Tỉnh bang (OPP).
Và Chủ tịch kiêm tổng giám đốc của công ty nầy là ông Raf Souccar, từng là chỉ huy phó RCMP!
Thời…thế!
Chắc họ đang nói mình đó!
Trên tờ báo The Province bữa 9 tháng nầy có một bài nhận định khá thú vị.
Nhà bình luận Douglas Todd dẫn một văn kiện phổ biến nội bộ của Bộ Di trú Canada nói rằng sau 25 năm ở Canada, một người tỵ nạn điển hình có thu nhập cao hơn người Canada không phải là di dân hay tỵ nạn.
Ông Todd nói văn kiện nầy là kết quả nghiên cứu trên các người tỵ nạn vào Canada trong những năm cuối của thập niên 1980 và các năm đầu đầu thập niên 1990.
Theo đó, bộ Di trú thấy sau 25 năm, những người nầy có mức thu nhập chừng 45 ngàn đô la Canada một năm.
Một giới chức của bộ nhận xét “đó là quỹ đạo mà chúng tôi mong đợi từ những người tỵ nạn được chính phủ giúp và những người tỵ nạn do tư nhân bảo trợ”
Dữ liệu của bộ Di trú và bộ Thuế, theo dõi thu nhập của người tỵ nạn từ năm 1981 đến 2014, cho thấy những người tỵ nạn được chính phủ bảo trợ trung bình kiếm được dưới 20.000 đô la một năm trong mười năm đầu tiên ở Canada, giai đoạn mà nhiều gia đình dựa vào trợ cấp của tỉnh và các phúc lợi khác của chính phủ để sống.
Tuy nhiên, sau 25 đến 30 năm ở Canada, người tỵ nạn trung bình kiếm được khoảng 50.000 đô la một năm, cao hơn khoảng 5.000 đô la so với người Canada trung bình.
Cuộc nghiên cứu nầy cũng cho thấy khoảng cách thu nhập giữa những người tỵ nạn được chính phủ giúp, ban đầu làm tồi tệ hơn những người tỵ nạn do tư nhân bảo trợ, đã dần giảm đi và cuối cùng biến mất.
Điều làm cho Ký Gà thấy khoái chí là nhà báo nầy sau đó viết thêm chi tiết: Các nhóm người tỵ nạn đông nhứt đến Canada trong những năm cuối của thập niên 1980 và các năm đầu đầu thập niên 1990 là từ Việt Nam, Cam bốt, Châu Mỹ Latin, Đông Âu và Phi châu.
Xin chú ý, Việt Nam đứng ở đầu danh sách nầy.
Vui thiệt chớ!
(Bài báo sau đó viết thêm rằng vào năm 2014, khi ông Tổng trưởng Di trú Liên bang hồi đó là Jason Kenney quyết định hủy bỏ chương trình di dân đầu tư, ổng đã tiết lộ rằng những người tỵ nạn đóng thuế lợi tức cho Canada nhiều hơn những người giàu có “đã mua passport Canada” – tức là các di dân đầu tư.)
Ký Gà
__._,_.___

Comments

Popular posts from this blog