NRA còn mạnh bao lâu?


Hung thủ giết 59 người tại Las Vegas mang vào khách sạn mấy chục khẩu súng và hàng ngàn viên đạn. Làm sao một người có thể mua được hơn 40 khẩu súng, với những súng liên thanh, đủ trang bị cho một trung đội tác chiến?
Chỉ có ở nước Mỹ mới có chuyện lạ như thế. Nước Mỹ tiêu tốn bao nhiêu tỷ đô la để ngăn ngừa khủng bố. Kể từ vụ 11 Tháng Chín năm 2001, quân khủng bố đã sát hại 95 người Mỹ, trung bình mỗi năm sáu người. Riêng trong năm 2011, theo FBI có 11,000 người Mỹ bị giết chết bằng súng. Đó là không kể những người tự sát bằng súng, con số còn cao gấp đôi nữa. Có thể so sánh, tại Anh Quốc, với dân số bằng một phần năm, mỗi năm trung bình có 50 tới 60 người bị bắn chết. Trong năm 2012, trung bình mỗi ngày có 32 người Mỹ bị bắn chết và 50 người dùng súng tự sát. Trong 275 ngày đầu tiên năm 2017, có 273 vụ thảm sát (mass shootings, khi có bốn người bị bắn trở lên).
Văn hóa và pháp luật hai nước Anh và Mỹ giống nhau, tại sao người Mỹ dễ bị bắn chết gấp ba mươi lần một người Anh? Vì nước Mỹ có rất nhiều súng. Hơn 50 triệu người Mỹ có súng. Số súng nhiều hơn số người, hơn 300 triệu. Mỗi lần có một vụ thảm sát, nhiều người hoảng hốt lo đi mua súng. Ngày Thứ Hai, giá cổ phần các công ty chế tạo súng tăng lên. Đó là do công trình bảo vệ quyền tự do mua súng và mang súng của Hội Súng Toàn Quốc (National Rifle Association, NRA).
Mỗi mùa tranh cử, hội NRA dồn tài nguyên đánh bại những người muốn làm hạn chế quyền mua súng và mang súng và cổ động cho các ứng cử viên bảo vệ súng. Những dự luật kiểm soát việc mua súng sẽ bị họ vận động giết khi còn phôi thai. Năm 2013, sau vụ thảm sát ở Sandy Hook, Nghị Sĩ Pat Toomey (Cộng Hòa) và Joe Manchin (Dân Chủ) đưa ra một dự luật tăng cường việc kiểm soát người mua súng. Dự luật không bao giờ được đem ra thảo luận.
Tháng Mười Một năm 2013, ông Vivek Murthy được Tổng Thống Obama đề cử là bộ trưởng Y Tế, một phần vì ông là người “da đỏ” đầu tiên vô chính phủ Mỹ. Hội NRA mở chiến dịch chống ông. Lý do? Vì có lần ông bác sĩ này dám nói rằng bạo hành bằng súng là một mối đe dọa trên sức khỏe của dân Mỹ! Khi ra trước Thượng Viện, ông Murthy đã chịu lép, hứa rằng sẽ không bao giờ dùng địa vị một bộ trưởng để kêu gọi phải kiểm soát súng, nhưng nhiều nghị sĩ dùng mọi cách để ngăn cản. Đến ngày 15 Tháng Mười Hai, 2014 ông Murthy mới được phê chuẩn.
Bổ nhiệm một bộ trưởng Y Tế thì liên can gì đến chuyện súng đạn? Vậy mà 43 nghị sĩ đã bỏ phiếu chống ông Murthy, trong đó có 10 nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ. Tất nhiên họ viện nhiều lý do khác, không nói đến ý kiến của ông về súng đạn. Nhưng ai cũng biết họ lo bị NRA hỏi tội! Chống NRA có thể sẽ chấm dứt cuộc đời chính trị!
Hội Súng mạnh vì nhiều người Mỹ thích tự do mua súng và chứa súng trong nhà. Sức mạnh đó gia tăng vì họ giỏi tổ chức, vận động. Cho nên, mỗi lần có một vụ thảm sát dư luận dân Mỹ ồn lên đòi kiểm soát việc mua súng gắt gao hơn, sau một thời gian nguôi dần dần, đâu lại vào đó.
Inline images 2
Nhưng liệu Hội Súng có thể thao túng chính trường nước Mỹ mãi mãi hay không?
Chắc là không. Sẽ có ngày NRA phải lùi bước. Trận đấu giữa hội NRA và những người muốn kiểm soát việc mua súng sẽ còn kéo dài. Nhưng cuối cùng dư luận đòi hỏi kiểm soát súng chặt chẽ hơn sẽ càng ngày càng mạnh. Khi đó cuộc cờ sẽ thay đổi. Trong đời sống chính trị ở Mỹ, đã có những thế lực mạnh hơn hội NRA, từng gây ảnh hưởng trên chính trị trong thời gian lâu dài hơn NRA; nhưng cuối cùng vẫn chịu thua, và có khi tan biến mất.
Một thí dụ trước mắt là các hãng làm thuốc lá. Nước Mỹ bây giờ đầy những súng, thì nửa thế kỷ trước đây cũng đầy khói thuốc. Nửa thế kỷ trước, nhiều người Mỹ đã lên tiếng tố cáo cái hại của việc hút thuốc lá, nhưng vô hiệu. Các hãng thuốc tiêu hàng triệu, hàng tỷ đăng quảng cáo, có thể ảnh hưởng trên giới truyền thông. Họ thuê đăng những bài bác bỏ rằng chất nicotine không gây nghiện. Họ mở những “viện nghiên cứu” để gieo mối nghi ngờ các bằng chứng người hút thuốc dễ bị ung thư. Tất nhiên, họ góp tiền cho các ứng cử viên không chống thuốc lá, và chống những người muốn tăng thuế và kiểm soát gắt gao việc hút thuốc. Thế lực của “Big Tobacco” coi như vô địch!
Năm 1964, Bộ Y Tế Mỹ chính thức công bố kết luận hút thuốc lá gây ung thư phổi. Luật lệ dần dần bắt phải in lời đe dọa đó trên các bao thuốc. Nhiều công dân Mỹ kiện các hãng thuốc lá ra tòa. Rồi đến chính phủ Mỹ cũng đứng ra kiện. Thuế thuốc lá tăng dần dần, ngày càng cao. Năm 1994, các người lãnh đạo những công ty thuốc lá bị triệu đến trước Quốc Hội, trong cuộc điều trần về tai hại của thuốc lá.
Ngày 26 Tháng Mười Một sắp tới, các hãng thuốc lá lớn ở Mỹ sẽ phải bỏ tiền đăng quảng cáo trên báo và đài ti vi để tự… chửi mình! Tòa án đã phán quyết họ phải làm việc đó, sau khi thua kiện chính phủ Mỹ, một vụ kiện khởi đầu từ thời Tổng Thống Clinton, gần 20 năm trước đây!
Các hãng thuốc phải xưng tên trong bài quảng cáo nói rằng, “Các công ty Altria, R.J. Reynolds Tobacco, Lorillard, và Philip Morris đã cố ý chế thuốc để làm cho người hút dễ bị ghiền hơn!” Một bài quảng cáo khác nói, “Số người chết vì thuốc lá mỗi năm cao hơn số người chết vì án mạng, bệnh AIDS, tự tử, ma túy, tai nạn xe cộ và nghiện rượu cộng lại!” Công ty Altria, chủ nhân nhãn hiệu Marlboro và Philip Morris phải chi 31 triệu Mỹ kim đăng những quảng cáo này, trên báo trên đài, trên cả các bao thuốc lá!
“Big Tobacco” hồi xưa mạnh thế, giờ đã chịu thua. Vì dư luận dân chúng Mỹ đã thay đổi.  Ngày xưa, người ta thấy hút thuốc lá là “bảnh.” Vì các hãng thuốc đã trả tiền cho các cuốn phim có hình các tài tử lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc. Những người chống thuốc lá đã đánh mặt trận tâm lý chiến, tấn công vào thành trì này. Họ đã thành công, làm cho người Mỹ bây giờ chỉ thấy sợ thuốc lá; những người hút thuốc lá bị nhìn bằng con mắt từ nghi ngờ cho tới khinh bỉ! Năm 1964 có 42% người Mỹ trưởng thành hút thuốc, nay chỉ còn 18%.
Đến bao giờ thì quan niệm của dân Mỹ về súng cũng thay đổi như đối với thuốc lá? Bao giờ thì một ông dân thường mang súng ra đường sẽ bị người khác nhìn như thể ông ta đang “hút thuốc lá?”
Một tổ chức áp lực trong chính trường nước Mỹ mạnh hơn hội NRA gấp bội, là Liên Đoàn Chống Rượu, Anti-Saloon League, ASL, vào đầu thế kỷ thứ 20. Họ đã làm mưa làm gió trong xã hội Mỹ, ảnh hưởng trực tiếp trên các cuộc bỏ phiếu. Nhờ tiền đóng góp từ các nhà thờ, họ giúp các ứng cử viên chống rượu. Một nhà chính trị uống rượu họ cũng không quan tâm, miễn là ông ta bỏ phiếu cho các dự luật cấm làm rượu, bán rượu, cấm giữ rượu trong nhà. Hội ASL thời đó mạnh hơn NRA thời nay khi họ can thiệp vào các cuộc bầu cử. Hội ra đời ở tiểu bang Ohio năm 1983, dần dần lan ra cả nước, mạnh hơn những hội và đảng chính trị khác, cũng hô hào cấm rượu.
Năm 1903, ASL nhắm tấn công vào 70 ứng cử viên các cấp ở tiểu bang Ohio, những người không muốn cấm rượu. Tất cả những nhà chính trị này đã thất cử. Sau đó, đến kỳ Thống Đốc Myron T. Herrick tái tranh cử ở Ohio, ASL tấn công, vì ông không đồng ý cấm rượu. Ông Herrick thua. Sau đó, các ứng cử viên khắp nước Mỹ bảo nhau: Đừng có theo chân Herrick!
Thế lực của ASL lên mạnh nhất vào ngày 16 Tháng Giêng năm 1919, khi Quốc Hội biểu quyết Tu chính án số 18, rồi làm Đạo Luật Volstead, cấm sản xuất, mua bán, và tàng trữ rượu trên khắp nước Mỹ! Nhưng cái gì lên rồi cũng có lúc xuống. Cấm rượu nghe hay lắm. Những sau đó nghề làm rượu lậu, buôn rượu lậu phát đạt, các băng đảng tung hoành, nổi tiếng nhất là Al Capone. Dư luận dân Mỹ thay đổi. Ngày 5 Tháng Mười Hai năm 1933, Quốc Hội Mỹ đã biểu quyết Tu chính án số 21, xóa bỏ Tu chính án số 18! Hội ASL dần dần rơi vào quên lãng.
Ý kiến dân Mỹ về súng sẽ biến chuyển, cũng như về rượu và thuốc lá.
Một điểm đáng mừng cho nước Mỹ là hệ thống tư pháp độc lập, chính các quan tòa đưa ra nhiều hạn chế quyền mua và quyền sử dụng súng. Họ phản ảnh quan điểm của đa số dân Mỹ.
Thí dụ, có quan tòa đã giải thích rằng Tu chính án số 2 trong Hiến Pháp chỉ áp dụng cho mọi công dân có quyền mang súng ở trong nhà mình thôi. Và trong nhà cũng vẫn phải giữ súng an toàn, không cho trẻ con đụng tới. Có phán quyết hạn chế quyền dùng súng chỉ áp dụng trong việc tự vệ, ở nhà mình cũng như bên ngoài. Người mua súng phải có giấy phép. Nhiều địa phương ở Mỹ cấm bán súng liên thanh. Không được mang súng tới gần trường học, hay vào công viên. Các chợ phiên bán súng, nơi không ai phải chờ giấy phép, bị cấm không được làm trong công viên và vài nơi công cộng khác. Một số vị thẩm phán đã giải thích Tu chính án số 2 chỉ cho phép các công dân sử dụng một số loại súng giới hạn mà thôi, cấm súng liên thanh.
Những phán quyết này chỉ được áp dụng tại địa phương thuộc thẩm quyền của tòa. Nhưng họ sẽ gây ảnh hưởng đến các vị thẩm phán khác, nhiều điều hạn chế dùng súng sẽ lan rộng dần dần khắp nước Mỹ.

Với những vụ thảm sát vô nghĩa lý như ở Las Vegas vừa rồi, dư luận đòi kiểm soát súng sẽ tăng cường độ, những tổ chức chống lại hội NRA sẽ được nhiều người ủng hộ gây ảnh hưởng trên chính trường. Sẽ có ngày NRA sẽ phải theo số phận của những thế lực chính trị mạnh thời xưa như ASL và Big Tobacco!

Comments

Popular posts from this blog