Nguyễn Văn Thiệu và cuộc chiến 1975

 

Tác giả: Trọng Đạt


1975

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ellsworth Bunker cùng TT Nguyễn Văn Thiệu và Phó TT Nguyễn Cao Kỳ, 1969. Ảnh: flickrNhững khuyết điểm
Sau khi Cộng quân tràn ngập Thủ đô Sài Gòn ngày 30-4-1975, người dân bàng hoàng như trong cơn ác mộng, họ bảo nhau.
- Ủa tại sao thua nhanh thế nhỉ?
Khoảng một tháng sau ngày mất nước, công chức trung cấp, cao cấp của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ra trình diện cải tạo  tại trường nữ trung học Gia Long Sài Gòn, một ông  quả quyết nói:
- Thiệu đóng đúng cái vai trò mà Mỹ đạo diễn, ngoài ra không có gì cả!
Các giới chức quân sự, chính trị cũng đều nghĩ rằng ông Thiệu là người đã làm mất miền Nam, gây lên tấm thảm kịch 1975. Mười lăm năm sau ngày mất miền Nam, năm 1990 khi Cộng Sản Nga và Đông Âu thi nhau sụp đổ, ông Thiệu tổ chức buổi nói chuyện với đồng bào Hải ngoại về tình hình đất nước tại Cali, ông đã bị chống đối dữ dội.  Mười lăm năm đã trôi qua người ta vẫn còn oán hận ông vì ông mà mất Sài Gòn.
Đó là chuyện đã qua, dần dần những bí mật về cuộc chiến tranh Việt Nam đã được tiết lộ, nhất là về mặt quân sự, quốc phòng. Từ giữa thập niên 80 và cuối thập niên 90 ông Cao Văn Viên cựu Tổng tham mưu trưởng Quân độïi VNCH trong cuốn Những Ngày Cuối Của VNCH đã nói về tình trạng kiệt quệ đạn dược tiếp liệu của ta trong những năm 1974, 1975. Nhiều tài liệu sách báo khác cũng cho thấy những khó khăn khốn đốn của ta trước áp lực rất mạnh của Cộng Sản Bắc Việt, lại nữa thuyết Domino không còn giá trị, khi ấy người ta mới thấy rằng còn có nhiều nguyên nhân chính yếu khác đã gây nên sụp đổ chứ không phải chỉ do một mình ông Thiệu.
Cuộc chiến tranh Đông Dương mà hơn 90% diễn ra tại Việt Nam đã được quốc tế hóa từ 1949, 1950. Tháng 10-1950 sau khi Mao nhuộm đỏ nước Tầu, thành lập Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc thì Việt Minh được viện trợ tối đa, họ đã thành lập được 40 ngàn quân chính qui, các trại huấn luyện quân sự mọc lên như nấm dọc theo biên giới Việt Hoa. Trước nguy cơ Cộng Sản lan tràn xuống Đông Nam Á, Mỹ vội nhẩy vào cuộc chiến, tháng 10-1950 họ viện trợ cho Pháp 300 triệu đô la, hàng không mẫu hạm Mỹ chở tới Sài Gòn 40 máy bay Hellcat cho Pháp. Cuộc chiến Đông Dương khởi đầu giữa Thế Giới Tự Do gồm Pháp – Mỹ và Cộng Sản Quốc tế do Trung Cộng đứng sau lưng Việt Minh.
Cuộc chiến Đông Dương kéo dài mấy chục năm cho tới thập niên 70 là giai đoạn chót, phía Cộng Sản Quốc tế gồm Nga Xô, Trung Cộng và các nước xã hội chủ nghĩa anh em vẫn tiếp tục viện trợ không ngừng cho Cộng Sản Bắc Việt. Trong giai đoạn 1969-1972 họ viện trợ cho Bắc Việt 684,666 tấn vũ khí (Theo tài liệu của BBC.com, CSVN công bố trong cuộc Hội thảo tại Sài Gòn ngày 14-4-2006) và giai đoạn 1973-1975 là 649,264 tấn vũ khí, trong khi ấy Thế Giới Tự Do chỉ có một mình Mỹ đứng ra viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa, các nước đồng minh Tây phương Anh, Pháp đã không phụ giúp Mỹ mà còn thọc gậy bánh xe phá Mỹ.
Năm 1968 trong trận Mậu Thân, Việt Cộng thảm bại, VNCH đã đánh thắng một trận lớn nhưng thua cuộc chiến, trận Tổng công kích của Việt Cộng đã thúc đẩy phong trào phản chiến tại Mỹ lên cao rất nhiều. Năm 1969 Nixon lên nhậm chức Tổng Thống Hoa Kỳ, thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh, họ đã bắt đầu nghĩ tới việc rút quân phần vì bị dân trong nước chống đối dữ dội, phần vì thuyết Domino không còn ý nghĩa, từ 1970 họ đã đi đêm với Trung Cộng, ngày 9-7-1971 Kissingger đã bí mật gặp Chu Ân Lai tại Bắc Kinh.
Năm 1969 quân phí của Hoa Kỳ trong cuộc  chiến tranh Việt Nam lên tới đỉnh cao là 29 tỷ đô la, nhưng ngày càng tụt dần, tụt dần cho tới 1975 chỉ còn 700 triệu đô, tức là chỉ còn hơn 2%. Năm 1972 trên 500,000 quân đồng minh đã rút đi, VNCH một mình phải gánh vác chiến trường với quân số bị cắt giảm tới xương tủy. Trong khi Cộng Sản Quốc Tế kiên trì viện trợ cho Bắc Việt thì Hoa Kỳ lại chán nản, thay đổi chính sách tại Đông Dương. Đứng trước những thử thách lớn lao như thế VNCH cũng khó mà vượt qua cơn nguy khốn.
Mặc dù ông Thiệu không phải là nguyên nhân duy nhất đưa tớisự sụp đổ miền Nam nhưng chế độ của ông cũng đã có nhiều khuyết điểm lớn. Liên danh Thiệu Kỳ đắc cử cuối tháng 10-1967, chấm dứt một giai đoạn biểu tình tuyệt thực nhiễu nhương, năm 1971 ông Thiệu tái cử độc diễn và đắc cử nhiệm kỳ hai. So với thời Đệ Nhất Cộng Hòa, chế độ Nguyễn Văn Thiệu dân chủ tự do hơn, chính sách cởi mở dễ thở hơn, công nhận chính trị đảng phái đối lập nhưng kỷ cương lại thụt lùi. Về phương diện kỷ luật trong lãnh vực hành chánh, quân sự thua kém thời ông Diệm nhiều. Chế độ chỉ nghiêm chỉnh được một thời gian ngắn rồi dần dần lụn bại trong vũng lầy thối nát tham nhũng.
Những năm đầu của chế độ 1967, 1968, guồng máy tương đối còn có kỷ cương nhưng dần dần đi tới chỗ tham nhũng thối nát tồi tệ, nó đã phá hoại kinh tế vật chất và làm suy sụp tinh thần quân dân. Tham nhũng hối lộ có từ thời Tây nhưng dưới chế độ Nguyễn Văn Thiệu đã tiến tới chỗ tột cùng. Các chính phủ Quốc Gia từ thời Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Cao Kỳ cũng ít nhiều có tham nhũng nhưng người dân còn chấp nhận được.  Sau khi miền Trung thất thủ lọt vào tay Cộng quân, chúng tôi có nghe một người làm cho chính phủ than thở.
“Chế độ Thiệu đi theo vết xe đổ của Tưởng Giới Thạch, các ông tỉnh trưởng chết gục trên đống vàng!”
Nhà báo Phạm Huấn có nói.
“Theo dư luận, cái giá để mua chức Tỉnh trưởng qua đường dây bà Thiệu, bà Khiêm, thường thường từ 10 đến 20 triệu”
Tệ nạn mua quan bán tước ngày càng lộ liễu mà hầu như ai cũng đều thấy cả, những chức vụ, công việc hái ra tiền đều được mua bán sòng phẳng. Tại các bộ phủ, cơ quan trung ương cũng như trong quân đội, các quan chức lớn tham lam vơ vét lộ liễu. Nguyễn Đức Phương nói các hình thức tham nhũng tại miền Nam đã được nhóm nghiên cứu thuộc tổ hợp Rand xếp thành bốn loại chính buôn lậu, hối lộ, mua quan bán tước và lính kiểng, lính ma Trong phim Việt Nam Thiên Sử Truyền Hình (Vietnam, a Television History), ông giám đốc CIA khi trả lời phỏng vấn cho biết tham nhũng (corruption) đã phát triển quá độ tại miền Nam VN, chỗ nào cũng có, chính phủ Mỹ biết rõ và họ đã phải che giấu không cho báo chí biết sợ đến tai Quốc Hội, viện trợ sẽ bị cắt giảm.
Tại các tỉnh, viện trợ kinh tế, xã hội, bình định phát triển  bị đục khoét nhiều, viện trợ  Mỹ dùng vào mục tiêu kinh tế quân sự  đã vào túi các quan lại tham ô không phải là ít. Tham nhũng vừa phá hoại kinh tế quốc gia, vừa làm suy yếu tinh thần người dân cũng như người lính chiến.
Tham nhũng  ngày càng đào sâu hố bất công xã hội tại miền Nam, trong khi binh sĩ chết như rạ ngoài mặt trận thì tại các thành phố lớn, nhà giầu mua xe hơi bóng lộn, xây nhà cao năm bẩy tầng lầu. Con buôn đầu cơ tích trữ hái ra tiền nhờ chiến tranh rồi cho con cái đi du học ngoại quốc trong khi những kẻ sông pha mũi tên hòn đạn ngoài chiến trường phải chịu cảnh nghèo nàn thiếu thốn. Thực trạng xã hội đã ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần người chiến sĩ, họ phải hy sinh, chiến đấu cho một chế độ bất công thối nát, người dân thì bi quan chán nản không tha thiết ủng hộ chính quyền.
Khởi đầu từ 8 tháng 9 năm 1974, linh mục Trần Hữu Thanh Chủ tịch Phong trào Nhân dân chống tham nhũng cho phổ biến bản cáo trạng số 1 tố cáo ông Thiệu tham nhũng và yêu cầu từ chức. Tổng thống Thiệu bị tố tham nhũng nhiều vụ như nhà cửa, đất đai, đầu cơ phân bón, gạo miền Trung, buôn bán bạch phiến  phong trào lôi cuốn các nhóm khác như sinh viên, ký giả, chính khách. Đầu tháng 2 năm 1975, phong trào phổ biến cáo trạng số 2 tố cáo ông Thiệu nhiều tội và hô hào lật đổ bằng võ lực khiến ông phải dùng biện pháp mạnh cho bắt giam nhiều nhà chính khách, đảng phái. Phong trào chứng tỏ sự phẫn uất của người dân đã lên cao.
Người Mỹ chán nản, tiền của họ đổ vào từ bao lâu nay y như gió lùa vào nhà trống, cựu Đại sứ Bùi Diễm nói.
“Một quốc hội quá chán ngán chiến tranh và mệt mỏi vì đã yểm trợ một đồng minh có quá nhiều khuyết điểm và thối nát”
Nhiều người nói Cộng Sản Việt Nam hiện nay còn tham những thối nát gấp trăm ngàn lần chế độ VNCH trước đây, ta không thể so sánh như vậy để bào chữa cho chế độ Thiệu được. Chế độ Thiệu tham nhũng trong thời chiến nay CS tham nhũng trong thời bình khi chính quyền của họ đang vững chãi, hai sự kiện khác nhau.
Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt, cựu Tư Lêïnh Sư đoàn 2 BB trong hồi ký Cuộc Chiến Dang Dở của ông đã chỉ trích nạn bè phái, cho rằng nạn bè phái bổ nhiệm trong quân đội đã khiến cho nhiều người không có thực tài nắm giữ những chức vụ then chốt.
Một khuyết điểm lớn của Tổng thống Thiệu là không nắm vững tình hình quốc ngoại cũng như quốc nội, Chuẩn Tướng Nhựt đã nhận xét như sau.
“Việc ông sửa đổi Hiến Pháp để làm Tổng Thống thêm một nhiệm kỳ năm năm nữa chứng tỏ ông đã không nhìn thấy việc Hoa Kỳ sắp bỏ rơi Việt Nam và đã làm xáo trộn thêm tình hình chính trị trong nước. Như Tướng Khiêm phải ra mặt chống đối Tổng Thống Thiệu vì ông Thiệu không giữ lời hứa là sau 2 nhiệm kỳ làm Tổng Thống của ông thì tới phiên ông Khiêm.”
(Cuộc Chiến Dang Dở trang 273.)
Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu
Người ta đã có chính sách bỏ Đông Dương từ những năm cuối thập niên 60 và bắt đầu thực hiện dần dần vào đầu những năm thập niên 70, họ đã bắt đầu đi đêm với Trung Cộng nhưng ông Thiệu vẫn cho sửa Hiến pháp chuẩn bị ra ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa như thế ông không hay biết gì và quá lạc quan tin tưởng vào những lời hứa xuông của họ. Về điểm này, khi trả lời phỏng vấn của Phạm Huấn, Tướng Vĩnh Lộc nói ông Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ không phải chỉ đi dự tiếp tân mà phải làm một điệp viên (spy) cung cấp tin tức mật cho chính phủ VNCH. Vì thiếu tin tức ông Thiệu đã không biết trước mưu đồ của người bạn Đồng minh ngõ hầu soay trở kịp thời.
Ngay cả đối với tình hình quốc nội, ông Thiệu cũng không nắm vững, vì quá khinh địch cho rằng Cộng Sản Bắc Việt chưa phục hồi sau trận Mùa hè đỏ lửa,  họ không đủ khả năng tấn công vào các thành phố lớn.  Trong cuốn Decent Intreval, Frank Snepp, một chuyên viên cao cấp về phân tích tình báo chiến lược Hoa Kỳ thuộc văn phòng CIA ở Sài Gòn đã cho biết như sau.
“Một điệp viên trong bộ tham mưu thân cận của Tổng Thống Thiệu đã gửi một bản báo cáo tối mật về những kế hoạch và ước đoán của chính phủ Sài Gòn cho Bắc Việt. Theo báo cáo của tên gián điệp này thì vào hai ngày 9 và 10 tháng 12 năm 1974, có một phiên họp cao cấp về quân sự tại Sài Gòn nhằm vào việc thẩm định những dự tính của Hà Nội trong năm tới.Trong phiên họp này, các tướng lãnh cùng đồng ý với quan điểm của Tổng Thống Thiệu là trong những tháng sắp tới, Cộng Sản sẽ “chiến đấu trên một bình diện đại qui mô” hơn trong năm 1974 tuy nhiên sẽ không tổng tấn công như hồi năm Mậu Thân 1968. Điệp viên nói thêm rằng Tổng Thống Thiệu đã kết luận rằng các lực lượng Bắc Việt sẽ không đủ khả năng để tấn công chiếm giữ và bảo vệ các thành phố lớn,
(Trần Đông Phong trích dịch – Việt Nam Cộng Hòa, 10 Ngày Cuối Cùng)
Tài liệu phía Cộng Sản cũng có nói tới gần giống như vậy. Tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân đội Cộng Sản Bắc Việt, người chỉ huy trận chiến xâm lăng miền Nam 1975 đã ghi nhận trong hồi ký của y (Đại Thắng Mùa Xuân) như sau.
“Theo tin tình báo của ta, trong hai ngày 9 và 10 tháng 12 năm 1974, trong “dinh Độc Lập”, Thiệu họp với bọn tư lệnh các quân đoàn, quân khu ngụy để phán đoán hoạt động của ta trong năm 1975. Bọn chúng nhận định.
Trong năm 1975, ta có thể đánh với qui mô lớn hơn năm 1974 nhưng không như năm 1968 và không bằng năm 1972. Ta chưa có khả năng đánh thị xã lớn hoặc thành phố, dù có đánh cũng không giữ được. Ta chỉ có thể đánh loại thị xã nhỏ và cô lập như Phước Long, Gia Nghĩa.”
(Trang 40, 41)
Trong khi trên  80% lực lượng chính qui Bắc Việt đã có mặt tại miền Nam nhất là tại Quân khu 1 và 2 từ cuối 1974 và đầu 1975 với quân số và vũ khí đạn dược gấp bội lần năm 1972 mà ông vẫn không hay biết. Theo ông Cao Văn Viên trong buổi họp cao cấp quân sự ngày 6-12-1974 nêu trên dưới sự chủ toạ của Tổng Thống Thiệu đã nhận định.
“Buổi họp kết luận năm 1975 là năm Cộng sản sẽ tấn công miền Nam để phá hoại cuộc bầu cử VNCH trong năm 1975 và gây tiếng vang trong cuộc tranh cử Tổng thống Hoa kỳ cho năm 1976…”
(Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hòa trang 96)
Như vậy chứng tỏ ông Thiệu đã tỏ ra rất khinh địch, cho rằng CS chỉ đủ sức phá hoại cuộc bầu cử, không đủ khả năng đánh vào các thị xã, ông vẫn tin tưởng mình sẽ lên làm Tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa.
Về điểm này ông Nguyễn Tiến Hưng nói:
“Trái với nhiều người lầm tưởng, Sài Gòn và Washington không hề ngạc nhiên khi cuộc tấn công mùa Xuân 1975 xẩy ra. Tin tức tình báo cũng như đánh giá về khả năng này đã được thông báo đầy đủ cho phía Hoa Kỳ từ cuối năm 1974 qua nhiều ngả.
Ngày sáu tháng 12, 1974, một phiên họp mật tại Dinh Độc Lập về tình hình quân sự đã đi đến kết luận là năm 1975 sẽ có một cuộc tổng tấn công với mức độ 1972, đi tới cao điểm vào tháng 10, 1975 lúc đó có bầu cử tổng thống ở Việt Nam, rồi kéo dài tới 1976 là năm bầu cử tại Hoa Kỳ”
(Khi Đồng Minh Tháo Chạy -Trang 248)
Nhận định này chắc không đúng vì như đã dẫn chứng ở trên tác giả Frank Snepp, Đại tướng BV Văn Tiến Dũng, cựu Đại tướng Cao Văn Viên đều ghi nhận ông Thiệu cho rằng CSBV không đủ khả năng đánh lớn, đánh vào các thị xã mà chỉ để phá hoại cuộc bầu cử, BV chưa phục hồi sau trận mùa hè đỏ lửa. Chưa tới một tuần sau phiên họp quân sự cao cấp kể trên, vào ngày 13-12-1975 CSBV đưa ba sư đoàn đánh chiếm Phước Long khi ấy ông Thiệu mới tiên đoán là BV sẽ đánh lớn trong năm 1975.
Sự thất bại.
Chúng tôi xin sơ lược tình hình quân sự 1975. Phía Việt Nam Cộng: Hòa Không quân có 2,075 máy bay, đứng thứ tư trên thế giới về số lượng, binh chủng Thiết giáp có 2,200 chiếc (hơn 60% là M-113 và các loại xưa cũ), Pháo binh gồm khoảng 1,500 khẩu (60% là súng 105 ly, 25% loại 155 ly, 15% 175 ly), đây chỉ là những số thống kê lý thuyết, trên thực tế nhiều máy bay, xe tăng, đại bác bất khiển dụng, thiếu cơ phận thay thế. Hải quân có 1,600 tầu chiến và giang thuyền đủ các loại.
Lục quân có hơn một triệu, 40% là chủ lực chính qui khoảng 400 ngàn người gồm các lực lượng tác chiến và yểm trợ, 50% là Địa phương quân, nghĩa quân, không quân, hải quân, cảnh sát, đó chỉ là con số lý thuyết trên thực tế không hẳn như vậy vì phải trừ đi số lính đảo ngũ, lính ma lính kiểng… Quân đội VNCH tổ chức theo lối Mỹ, một người tác chiến có năm người yểm trợ thuộc các ngành tài chánh, quân y, quân trang, quân dụng, lính nhà nghề chỉ vào khoảng từ 160 cho tới 180 ngàn người. Chủ lực quân gồm 13 Sư đoàn (11 Sư đoàn BB và 2 Sư đoàn tổng trừ bị) và 15 Liên đoàn Biệt động quân (có tài liệu nói 17 liên đoàn) tương đương hơn 2 Sư đoàn (một Liên đoàn trên thực tế có hơn 1,000 người) bố trí như sau: Quân khu Một: 5 Sư đoàn và 4 Liên đoàn BĐQ, Quân Khu Hai: 2 Sư đoàn và 7 Liên đoàn BĐQ, Quân khu Ba: 3 Sư đoàn và 4 Liên đoàn BĐQ, Quân
Khu Bốn: 3 Sư đoàn.
Phía Cộng Sản Bắc Việt: Theo tài liệu của Nguyễn Đức Phương và tài liệu phía Cộng  Sản: Lực lực lượng chính qui Bắc Việt 1975 có 4 Quân đoàn (gọi theo thứ tự 1, 2, 3, 4) và đoàn 232 tương đương một Quân đoàn, mỗi Quân đoàn có 3 Sư đoàn, tổng cộng có 15 Sư đoàn chính qui, thêm vào đó một Sư đoàn đặc công, trên 10 trung đoàn độc lập, toàn bộ lực lượng vào khoảng 20 hoặc 21 Sư đoàn, trên 300 ngàn người. Lực lượng yểm trợ gồm trên 20 lữ đoàn, trung đoàn xe tăng, pháo binh, phòng không.
Hơn 80% bộ đội chính qui Bắc Việt đã có mặt tại miền Nam từ đầu năm 1975, họ để lại Quân đoàn I (gồm 3 Sư đoàn) ở ngoài Bắc làm lực lượng tổng trừ bị. Trọng pháo được ước lượng không chính xác vào khoảng trên 500 khẩu gồm 130 ly, 120 ly… xe tăng khoảng trên 600 chiếc phần nhiều là xe T-54. Theo tài liệu Cộng sản (Dương Đình Lập, Trần Cao Minh,  Cuộc Tiến Công Và Nổi Dậy Mùa Xuân 1975, trang 90, 91)  tại Quân khu 2  lực lượng BV gồm  5 Sư đoàn và 4 trung đoàn độc lập, tương đương 6 Sư đoàn. Tại Quân khu 1, lực lượng Cộng quân gồm 8 Sư đoàn (theo Tướng Cao Văn Viên gồm 5 Sư đoàn và trên 10 trung đoàn độc lập, theo Nguyễn Đức Phương gồm 7 Sư đoàn và 4 trung đoàn độc lập)
Xin nêu thêm những khó khăn của VNCH trong giai đoạn này: sau Hiệp định Paris hơn nửa triệu quân Đồng Minh đã rút đi, Quân đội VNCH một mình phải gánh vác toàn bộ chiến trường với nhiều khó khăn thiếu thốn. Tháng 6-1973 Quốc Hội Mỹ biểu quyết cắt ngân khoản cho tất cả các hoạt động quân sự Mỹ tại Đông Dương Việt Mên lào, được áp dụng từ giữa tháng 8-1973 cấm hoạt động quân sự trên toàn cõi Đông Dương. Tháng 10-1973 Quốc Hội Mỹ ra Đạo luật hạn chế quyền Tổng Thống về chiến tranh (Wars Powers Act), đòi hỏi Tổng thống phải tham khảo ý kiến Quốc Hội trước khi gửi quân đi tham chiến. Quân phí của Hoa kỳ trong chiến tranh Đông Dương tăng dần từ 1967 là 20 tỷ, năm 1968 lên 26 tỷ, năm 1969 lên tới đỉnh cao là 29 tỷ, nhưng năm 1970, 1971 tụt xuống còn 12 tỷ mỗi năm. Cuối 1972 Hoa Kỳ rút hết quân sau Hiệp định Ba Lê, năm 1973 viện trợ quân sự cho VNCH xuống còn 2 tỷ 1, năm 1974 chỉ còn 1 tỷ 4, năm 1975 tụt xuống còn 700 triệu trong đó kể cả ngân khoản để trả lương cho nhân viên DAO Hoa Kỳ.
Theo ông Cao Văn Viên như đã nói ở Chương Bẩy, hậu quả của cắt giảm quân viện khiến cho Không quân VNCH phải giải tán hơn 200 phi cơ chiến đấu, oanh tạc, vận tải thám thính, giảm giờ bay thực tập và yểm trợ, yểm trợ giảm 50%, vận chuyễn trực thăng giảm 70%, không vận bằng vận tải cơ bị cắt giảm 50%. Hoạt động Hải quân bị cắt giảm 50%, hoạt động từ tháng 7-1974 ở sông ngòi giảm 70%, giải tán 600 giang thuyền. Từ tháng 7-1974 hỏa lực giảm trên 70%. Vào tháng 2-1975, số lượng đạn tồn kho của tất cả các loại súng lớn, súng nhỏ chỉ còn khoảng 30 ngày. Tháng 4-1975, đạn tồn kho ở bốn kho dự trữ tuột dốc xuống mức thấp nhất chỉ đủ xài từ 14 đến 20 ngày. Kể từ sau Hiệp định Paris VNCH không còn trông cậy vào yểm trợ của B-52 nữa.
Theo Tướng Viên nạn đào ngũ (trang 79) đã khiến cho quân số thiếu hụt, hàng tháng lính đào ngũ trung bình lên tới 1,5 hay 2 phần trăm tổng số quân  và như vậy hàng  năm quân đội mất đi gần 1/4  quân số, hàng năm phải tuyển mộ từ 200 tới 240 ngàn người để thay thế số thương vong, đào ngũ nhưng trên thực tế không tuyển mộ được đủ số tân binh như phỏng định vì nạn trốn quân dịch.
Trong khi đó Cộng Sản Bắc Việt ngày càng gia tăng xâm nhập chuẩn bị đánh lớn, trong khi miền Nam bị Mỹ cắt giảm viện trợ thì BV được Cộng Sản Quốc Tế giúp đở không ngừng nghỉ. Như đã nói ở Chương Bẩy, theo cuộc hội thảo qui mô tại Sài Gòn ngày 14 và 15-4-2006 của Viện Lịch Sử Quân Sự CSVN, trong giai đoạn 1969-1972 Nga, Tầu, Đông Âu đã viện trợ cho Bắc Việt 684,666 tấn vũ khí đạn dược, trong giai đoạn 1973-1975 họ viện trợ cho BV 649,246 tấn vũ khí đạn dược. Khối lượng hàng viện trợ trong hai giai đoạn tương đương nhau nhưng giai đoạn trước (1969-72) sự vận chuyển vũ khí đạn dược gặp nhiều trở ngại vì bị không lực Mỹ trải bom, đánh phá, trái lại giai đoạn sau (1973-75) đường xâm nhập gần như bỏ ngỏ nên BV đã xử dụng 16 ngàn xe vận tải chuyên chở được nhiều vũ khí đạn dược gấp bội các giai đoạn trước.
http://www.danchimviet.info/archives/10024/nguy%E1%BB%85n-van-thi%E1%BB%87u-va-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-1975/2010/06


*


Sau khi ký Hiệp Định Paris, Hà Nội cho khởi công xây tuyến đường xa lộ Đông Trường Sơn hay Hành làng 613 song song với đường mòn Hồ chí Minh nhưng nằm trong lãnh thổ VNCH, BV đã xử dụng hằng nghìn xe máy ủi, hàng vạn bộ đội, dân công, thanh niên xung phong… ngày đêm, phá núi san đèo, xây cống, làm đường, dựng cầu… Tới 1975 thì  hoàn tất công trình, tuyến đường rộng 8 m, dài 1200 km, đường dẫn dầu từ Quảng Trị tới Lộc Ninh, chiều dài toàn bộ 5 hệ thống trục dài 5,500 km, 21 trục ngang 1,020 km, hệ thống dẫn dầu dài 5,000km. (Phần này chúng tôi dựa theo tài liệu của Nguyễn Đức Phương và Đặng Phong)
Nhờ hệ thống xa lộ Đông Trường Sơn mà BV đã vận chuyển vào Nam một khối lượng rất lớn súng đạn, sau 1975, CSBV tiết lộ trên báo Sài Gòn Giải Phóng số vũ khí đạn dược của họ năm 1975 coi như gấp 3 lần năm 1972, có thể họ phóng đại lên, nhưng chắc chắn đạn dược vũ khí của BV năm 1975 phải dồi dào hơn năm 1972.
Như chúng ta đã thấy, năm 1975 lực lượng BV tham gia cuộc tổng tấn công lên tới 20 Sư đoàn, gấp hai lần số Sư đoàn của họ  tham chiến trong trận Mùa hè đỏ lửa năm 1972. Theo tài liệu CS, quân số của BV trong giai đoạn 1975 rất dồi dào, các đơn vị, tiểu đoàn quân số đầy đủ, được bổ sung nhiều, tóm lại giai đoạn này BV hơn hẳn VNCH về nhân lực. Tháng 10-1974 Bộ Tổng Tham Mưu Bắc Việt đã lựa chọn chiến trường Tây Nguyên làm chủ yếu. Bộ Chính trị CSBV đã đưa kế hoạch chiến lược hai năm 1975-1976 để chiếm miền Nam. Ngày 9-11-1974 Quân Uỷ Trung Ương họp quyết tâm đánh Ban Mê Thuột, chiến dịch được mang tên 275.
Ngày 13-12-1974 CSBV tấn công Phước Long, lực lượng trú phòng VNCH chiến đấu anh dũng  cho tới 7-1-1975 thì thất thủ, trong số 4,500 binh lính, sĩ quan VNCH chỉ còn 850 người sống sót, còn lại bị giết, bị bắt. Một tiểu đoàn bộ binh, 5 tiểu đoàn địa phương quân không thể chống lại gần 3 Sư đoàn CSBV. Khi ấy ông Thiệu mới biết lực lượng địch không yếu như ông đã đánh giá.
Chính phủ cho biết không thể  tăng viện cho Phước Long vì không đủ khả năng tiếp tế, cứu viện bằng trực thăng từ Biên Hòa vả lại về mặt kinh tế, chính trị, Phước Long không bằng Pleiku, Tây Ninh, Huế nên phải giữ lực lượng để bảo vệ các vùng khác. CSBV đánh Phước Long để thăm dò dư luậïn Mỹ và thấy Mỹ chỉ  phản đối xuông, cũng có ý kiến cho rằng ông Thiệu cố tình hy sinh Phước Long để kéo Hoa kỳ  trở lại yểm trợ cho VNCH.
Khi ấy ta biết chắc BV sẽ đánh lớn vào đầu năm 1975 nhưng chưa biết tại đâu. Đầu tháng 3-1975, BV vờ cho pháo kích Pleiku dữ dội để đánh lạc hướng nhử cho các đơn vị VNCH lên giải tỏa rồi cắt các đường giao thông (19, 14, 21) dẫn đến Ban Mê Thuột, nghi binh thu hút quân đội VNCH về phía Bắc. Ban Mê Thuột là một tỉnh lớn tại Cao Nguyên với số dân khoảng 200 ngàn người, có nhiều đồn điền cà phê, trà, cao su. Trong trận tấn công này, BV không đóng quân ở vị trí xuất phát mà từ xa vận động tới, chuyển quân bằng xe Molotova, lần đầu tiên lính BV đánh trận bằng xe hơi, họ bỏ vòng ngoài, đánh thẳng vào thị xã, không đánh theo lối bóc vỏ.
Hai giờ sáng ngày 10 tháng 3, tổng cộng 12 trung đoàn CSBV tiến đánh Ban Mê Thuột sau khi pháo kích ồ ạt, đổ bão lửa lên thị xã, trong một ngày BV đã làm chủ tình hình. Quân trú phòng chỉ có 1 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 53 BB (có tài liệu nói 2 tiểu đoàn) còn lại là ba tiểu đoàn Địa phương quân, các đơn vị nghĩa quân, cảnh sát, theo Nguyễn Định một nhân chứng tại đây cho biết tổng cộng chỉ vào khoảng 2,000 người (có lẽ khoảng 4,000 người vì Ban Mê Thuột là một tỉnh lớn). Tướng tư lệnh Quân đoàn Phạm Văn Phú cho trực thăng vận Liên đoàn 21 Biệt động quân xuống Buôn Hô từ đó hành quân vào thị xã tiến chiếm Tiểu khu Ban mê Thuột nhưng không đạt được mục tiêu.
Một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 53 (có tài liệu nói 2 tiểu đoàn) chiến đấu chống trả dữ dội cho tới ngày 17-3 thì chấm dứt, hầu hết các binh sỉ tử trận, theo Nguyễn Định, địa phương quân, nghĩa quân, cảnh sát dã chiến đã chiến đấu rất gay go anh dũng nhưng không thế chống lại áp lực đông đảo của BV. Kế hoạch phản công tái chiếm ban Mê Thuộït thất bại vì ta không đủ lực lượng vả lại các đường vào Ban Mê Thuột đã bị cắt. Theo hồi ký của Văn Tiến Dũng, khi chiếm xong Ban Mê Thuột, Tướng Cục trưởng hậu cần Bắc Việt Đinh Đức Thiện xoè hai bàn tay nói bỏ một vốn mà lời mười, ý nói lấy được rất nhiều đạn dược, vũ khí, tiếp liệu của ta trong kho.
Thiếu tướng Phạm Văn Phú mới nhận nhiệm vụ Tư lệnh Quân đoàn 2 được vài tháng kể từ 5-11-1974 nên chưa nắm vững tình hình, dư luận chung các giới chức quân sự, ký giả, sử gia đều cho rằng ông không đủ khả năng chỉ huy một Quân đoàn nên đã để mất Ban Mê Thuột, ông Cao Văn Viên cho rằng việc thay đổi chức vụ Tư lệnh Quân khu 2 là một trong những nguyên do đưa tới sự thất thủ Ban Mê Thuột.
Những nguyên do chính khiến Ban Mê Thuột thất thủ
- Tướng Phú mắc lừa kế nghi binh của BV.
- Lãnh thổ quá rộng thu hút gần hết chủ lực quân, lực lượng tổng trừ bị không còn, bố trí lực lượng không đủ đương đầu với áp lực địch.
- Thiếu tin tức tình báo.
Như đã nói ở Chương Chín, ngày11-3-1975 ông Thiệu họp với Thủ tướng, Trung Tướng Đặng Văn Quang và Đại Tướng Cao Văn Viên, ông cho biết sẽ áp dụng kế hoạch tái phối trí lực lượng vì không đủ quân số bảo vệ lãnh thổ quốc gia. Ngày 12-3-1975 Hạ Viện Mỹ biểu quyết bác bỏ 300 triệu Mỹ kim quân viện bổ túc và bác luôn quân viện cho năm tới.
Ngày 13-3-1975, sau khi mất Ban Mê Thuột, TT Thiệu lệnh cho Tướng Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn I về Sài Gòn họp Hội đồng an ninh Quốc Gia với Thủ Tướng, các Tướng Viên, Tướng Quang, Tướng Toàn và tuyên bố kế hoạch tái phối trí lực lượng, rút quân bỏ những miền rừng núi để giữ những vùng mầu mở.
Ngày 14-3 ông Thiệu bay ra Cam Ranh mở phiên họp cao cấp quân sự, có mặt Thủ tướng, Tướng Quang, Tướng Viên, Tướng Phú. Ông lệnh cho Tướng Phú phải rút quân bỏ Kontum Pleiku về duyên hải, Nha Trang sau đó sẽ hành quân tái chiếm Ban Mê Thuột. Như đã nói ở Chương Tám, Quân đoàn 2 tan rả sau mười ngày triệt thoái kể từ ngày 16-3-1975
Ngày 22-3-1975 Tỉnh Quảng Đức di tản. Ngày 25 và 26 -3 Sư đoàn 7 CSBV tấn công chiếm Định Quán, Hoài Đức Giá Rai rồi tiến vào Lâm Đồng khiến cho tỉnh lỵ này phải di tản ngày 27-3, mấy ngày sau Đà Lạt cũng di tản. Cuối tháng 3, đầu tháng 4-1975 mất Qui nhơn, Nha Trang hỗn loạn mất ngày 2-4, Quân khu 2 mất 10 tỉnh chỉ còn Phan Rang, Phan Thiết.
Ngày 19-3 Trung Tướng Ngô Quang Trưởng được mời về Sài Gòn họp lần thứ hai, thành phần phiên họp cũng như lần trước nhưng có thêm Phó Tổng Thống Trần Văn Hương.
Tướng Trưởng trình bầy hai kế hoạch lui binh.
Kế hoạch Một: Các đơn vị sẽ theo Quốc Lộ Một từ Huế, Chu Lai về Đà Nẵng, trong trường hợp Quốc lộ Một bị địch cắt thì sẽ theo kế hoạch Hai.
Kế hoạch Hai: Các lực lượng Quân đoàn sẽ tập trung tại ba cứ điểm Huế, Đà Nẵng, Chu lai. Tầu Hải quân sẽ chuyên chở lính từ Huế, Chu Lai về Đà Nẵng. Trong cả hai kế hoạch Đà Nẵng vẫn là điểm tựa cuối cùng.
Ngày 19-3 Quảng Trị bỏ ngỏ.
Sáng 20-3 Tướng Trưởng bay ra bộ chỉ huy tiền phương họp các cấp chỉ huy bàn kế hoạch phòng thủ Huế như Tổng Thống đã ra lệnh giữ bằng mọi giá. phòng thủ tốt đẹp. Trưa hôm 20-3 ông Thiệu đọc hiệu triệu trên đài phát thanh Huế, chiều hôm ấy ông ra lệnh Tướng Trưởng bỏ Huế.
Quân khu 1 ngày một nguy ngập, Cộng quân đấu tấn công mạnh theo, dân chúng chạy loạn ồ ạt từ Huế kéo về Đà Nẵng, từ Quảng Nam Quảng Ngãi kéo lên. Sáng ngày 24-3 tại phía Nam Quân khu 1,  BV tấn công mạnh tại Quảng Tín, Sư đoàn 711, Trung đoàn 52 và xe tăng đánh Tam kỳ.
Ngày 25-3 tất cả các đơn vị Quân đoàn 1 tụ lại 3 phòng tuyến chính: Nam Chu Lai, Đà Nẵng và Bắc Huế, các lực lượng của Quân đoàn 1 bị thiệt hại nhiều khi di tản về các phòng tuyến này, tinh thần binh sĩ xuống thấp. Đêm đó Tướng Trưởng cho Sư đoàn 1 và các đơn vị quanh Huế rút về Đà Nẵng, ông lệnh cho Sư đoàn 2, Chi khu Quảng Ngãi rút ra Cù Lao Ré bằng tầu dương vận hạm, một nửa quân số của Sư đoàn 2 đã lên tầu đưa về Bình Tuy, Huế và Chu lai thất thủ ngày 25-3.
Các lực lượng Huế bắt đầu di tản, Sư đoàn 1 và các đơn vị cơ hữu rút ra cửa Tư Hiền, trong khi ấy Việt Cộng đuổi theo nã pháo vào các địa điểm tập trung quân gây nhiều thiệt hại, hỗn loạn diễn ra, Sư đoàn 1 tan rã tại đây chỉ có một phần ba về được Đà nẵng.  Hơn 100 thiết giáp các loại từ Bắc Huế tiến về cửa Thuận An, và các đơn vị pháo binh với hằng trăm khẩu pháo, TQLC, BĐQ, ĐPQ… từ tuyến sông Bồ đang lũ lượt kéo về, hỗn loạn hơn trước. Cộng quân lại pháo kích vào địa điểm tập trung gây thiệt hại nặng.
Ngày 27-3 Các cuộc phòng thủ Đà Nẵng thành ra vô hiệu trước sự hỗn loạn, Việt cộng dồn nỗ lực bao vây thành phố. Các sư đoàn BV bao vây Đà Nẵng, sáng ngày 28-3 Tướng Trưởng cho tái trang bị các đơn vị di tản trong thành phố nhưng ta không còn đủ quân để thực hiện. Việt Cộng pháo phi trường, căn cứ Hải quân khi trời vừa tối rất dữ dội. Tướng Trưởng xin di tản bằng đường biển, ông Thiệu không ra lệnh rõ ràng. Tướng Trưởng lập tức ra lệnh bỏ Đà Nẵng, ông họp với Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại Tư lệnh Hải quân vùng I và các cấp chỉ huy để hẹn địa điểm rút quân tại: chân đèo Hải Vân, núi Non Nước và cửa khẩu Hội An.
Đà Nẵng được coi như thất thủ ngày 29-3-1975.  Tổng cộng có 70 ngàn người dân và 16 ngàn lính được cứu thoát, 4 Sư đoàn bị thiệt hại nặng nề, vũ khí, đạn dược  coi như mất hết. Quân khu 1 nơi tập trung những lực lượng tinh nhuệ và thiện chiến nhất của VNCH thất thủ một cách dễ dàng trong khoảng 10 ngày, không có lực lượng nào được tổ chức để đánh trì hoãn khi Quân đoàn di tản. Cuộc lui binh thất bại coi như tồi tệ so với Quân đoàn 2, sự thiệt hại về nhân mạng cao hơn nhiều.
Như đã thấy cả hai Quân khu 1 và 2 đã tan rã trong vòng hai tuần lễ kể từ ngày triệt thoái Quân đoàn 2 vào ngày 14-3-1975 cho tới cuối tháng 3-1975 theo lệnh của TT Thiệu, trong chiến tranh Việt Nam cũng như chiến tranh Đông Dương thật chưa bao giờ có sự thiệt hại lớn và nhanh như thế, Cộng sản chiếm được một nửa đất nước mà không phải giao tranh dai dẳng.
Nhận xét
Mặc dù mang cấp bậc Trung tướng ba sao trong quân đội nhưng trên thực tế  TT Thiệu chỉ là một chính trị gia chứ không phải là một Tướng lãnh nhà nghề như các Tướng Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Khoa Nam… TT Thiệu trên thực tế không có khả năng và kinh nghiệm trong việc chỉ huy những đại đơn vị cấp Quân đoàn trở lên. Trên nguyên tắc Tổng thống là Tổng Tư lệnh quân đội có quyền tuyên chiến nhưng việc điều binh khiển tướng, điều động các đơn vị ngoài chiến trường cấp Sư đoàn, Quân đoàn thuộc nhiệm vụ của Bộ tổng tham mưu. Trên thực tế Bộ TTM không có thực quyền, tất cả những lệnh điều quân lớn cấp Quân đoàn ngoài mặt trận như tình hình 1975 đều do Tổng thống nắm giữ.
TT Thiệu nắm toàn quyền quân sự nhưng ông không thực sự nắm vững tình hình trong nước. Trong khi hơn 80% lực lượng BV đã có mặt tại miền Nam vào cuối năm 1974 và đầu 1975 với quân số, đạn dược gấp hai lần năm 1972 nhưng ông vẫn lạc quan cho rằng CSVN không đủ khả năng đánh vào các thành phố lớn, chưa thể phục hồi sau trận Mùa hè đỏ lửa 1972. Đó là một lỗi lầm tai hại đưa tới sự thảm bại như ta đã thấy.
TT Thiệu đã dẫm chân lên công việc của Bộ Tổng tham mưu, ôm quá nhiều trọng trách lớn cả về chính trị lẫn quân sự, từ đàm phán hiệp định đình chiến, hoạch định chính sách Quốc gia đến cả việc điều động các lực lượng đại binh trong trận chiến lớn, nghĩ rằng ngoài ông ra không ai có thể làm được. Chẳng có gì khó hiểu khi thấy hai Quân đoàn, hai Vùng chiến thuật, một nửa giang san đã tan rã nhanh chóng trong vòng hai tuần lễ.
Như đã thấy, kể từ ngày mất Ban Mê Thuột, TT Thiệu nắm trọn quyền hành quân sự trong tay, không chia sẻ cho Bộ tổng tham mưu hay các Quân đoàn tí nào. Tại Vùng 2, ông nhất định bắt Tướng Phú phải rút bỏ Pleiku, Kontum về duyên hải để hành quân tái chiếm Ban Mê Thuột, một con đường hành quân chữ U rất dài trong khi ta thiếu thốn đạn dược tiếp liệu, săng dầu. Sự thực ông cũng một công đôi chuyện, vừa cho rút quân tái phối trí và vừa giả vờ thua chạy để người Mỹ đau xót phải nhẩy vào cứu nguy, điều này chứng tỏ ông không có tầm nhìn xa ở cương vị một nhà lãnh đạo, người ta đã có chính sách bỏ Đông Dương từ mấy năm trước
Trước một quyết định quan trọng liên quan tới sinh mạng của hàng trăm ngàn người, tới vận mệnh của cả nước ông Thiệu không cho ai bàn thảo, góp lời mà tự ý quyết định hết y như Staline hay Hiler thời Đệ nhị thế chiến. Như  đã thấy ngày 14-3-1975, mặc dù mất Ban Mê Thuột, VNCH mới  chỉ mất đất nhưng  chưa bị sứt mẻ lực lượng bao nhiêu, tại đây VNCH mất một hoặc hai tiểu đoàn chính qui,  ba tiểu đoàn địa phương quân, nghĩa quân, cảnh sát…
Như đã nói tại Chương Chín, ông Cao Văn Viên cho biết mặc dù mất Ban Mê Thuột nhưng lực lượng ta tại quân khu 2 chưa bị sứt mẻ bao nhiêu. Ban Mê Thuột mất, quân đội ta tại KonTum Pleiku vẫn còn mạnh: một tiểu đoàn của Trung đoàn 45, năm Liên đoàn Biệt Động Quân, Thiết đoàn 21 kỵ binh (xe tăng M-48), hai tiểu đoàn pháo binh 155 ly, một tiểu đoàn 175 ly, các đơn vị Nghĩa quân, Địa phương quân, Liên đoàn Công binh chiến đấu, Liên đoàn 231 tiếp liệu, 20 ngàn tấn đạn, bom của bộ binh, không quân; nhiên liệu đủ cung cấp cho 45 ngày, thực phẩm cho 60 ngày. Với một lực lượïng như thế CSBV chưa dễ chiếm Pleiku, Kontum ngay được.
Lực lượng còn khá mạnh nhưng TT Thiệu nhất quyết rút bỏ cả Quân khu một cách vô lý khiến nhiều người nghi ngờ đặt nhiều giả thuyết.
Theo ghi nhận của Phạm Huấn, Tướng Phú đã nài nỉ xin ở lại giữ đất vì cho rằng tiềm năng của ta còn đủ để đương đầu với nghịch cảnh nhưng quyết định độc đoán của TT Thiệu đã làm tiêu tan mọi hy vọng. Cuộc triệt thoái Quân đoàn 2 hay cuộc hành quân phá sản đã làm tan rã 75% lực lượng của quân đoàn, 20 ngàn tấn bom đạn coi như mất hết, một phần không ít lọt vào tay Cộng quân , VNCH đang thiếu thốn đạn dược nay lâm vào tình trạng kiệt quệ sau hai tuần triệt thoái.
Như ở Chương Chín, cựu Tướng Viên cho rằng miền Nam có nhiều cơ hội hơn nếu không có tái phối trí. Kế hoạch đã hủy diệt tinh thần chiến đấu của quân dân ta. Không có tái phối trí quân đội VNCH không tan rã nhanh như vậy. Chúng ta có thể mất đi một phần của sư đoàn 23 BB nhưng tất cả những đơn vị khác vẫn còn nguyên vẹn. Dù lấy được ban Mê Thuột BV vẫn phải ngừng lại, suy tính kỹ trước khi mở một mặt trận mới ở vùng 2. Duyên hải Vùng 2 vẫn còn Sư đoàn 22BB, cộng thêm với một lực lượng tương đương với 2 sư đoàn bộ binh và hai sư đoàn không quân. Vùng 2 có đủ quân nhu và tiếp liệu để chiến đấu đến hết mùa khô. Không có kế hoạch tái phối trí, BV không thể chiếm được nhiều đất nhanh như thế.
Các giới chức quân sự, chính trị, truyền thông cũng cho rằng nếu ta không rút, cứ đánh chưa chắc đã thua.  Sách Mạnh Tử có câu “Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa”. Ngài giảng: Kẻ địch cất quân sang đánh nước ta là chúng có thiên thời, nước ta có núi non hiểm trở, thành lũy cao, hào sâu là ta có địa lợi, nhưng khi quân địch vừa tới, binh sĩ ta quăng gươm giáo bỏ chạy là vì ta không có nhân hòa… (ta không được lòng người). Thật vậy chúng ta lui binh tức là từ bỏ ưu thế địa lợi để rồi mất luôn cả ưu thế nhân hòa.
Trước một kế hoạch lớn, nếu để cho các vị Tướng lãnh bàn thảo thì TT Thiệu đã tránh được trách nhiệm bản thân, các vị Tư lệnh Quân đoàn đều muốn tử thủ nhưng ông lại ra lệnh lui binh. Lịch sử đã chứng tỏ rằng sự tập trung quyền hành trong tay một người đã đưa tới những sai lầm trầm trọng như Hitler đã làm tiêu tan nguyên một lộ quân ba trăm ngàn người trong trận Stalingrad 1942 vì quá độc tài.
Về hậu quả tai hại của kế hoạch rút quân di tản hai quân khu kể trên đã có nhiều giả thuyết, nhận định của các giới chức quân sự, chính khách, sử gia, ký giả… chúng ta có thể chia làm ba nhóm chính.
-TT Nguyễn Văn Thiệu là một nhà quân sự dở, không đủ khả năng để chỉ huy, điều động những đại đơn vị.
-Ông chơi cờ bạc tháu cáy, giả vờ thua chạy để dụ người Mỹ nhẩy vào can thiệp.
-Ông làm theo lệnh của người Mỹ.
Nhiều người nghĩ có lẽ ông là một nhà quân sự dở, mà cũng có thể cả ba giả thuyết này đều đúng. Ngày 14-3-1975 ông ra lệnh cho Tướng Phú rút quân khỏi Kontum, Pleiku xuống Tuy Hòa, từ đó về Nha Trang, rồi từ Nha Trang đi ngược lên Cao nguyên tái chiếm Ban Mê Thuột. Con đường đi theo hình chữ U như vậy dài gấp mấy lần đường từ Pleiku thẳng xuống Ban mê Thuột, nó sẽ vô cùng khó khăn trắc trở cho cuộc hành quân nhất là khi ta đang thiếu thốn về tiếp liệu. Từ những sự vô lý đó đã đưa đến nhiều giả thuyết như đã nêu trên.
Napoléon nói “Thượng đế chỉ đứng về phía kẻ nào có nhiều đại bác” nhưng thực tế đã chứng tỏ lời của ông không hoàn toàn đúng. Tại trận Borodino, nước Nga năm 1812, lực lượng Pháp mạnh hơn Nga, Napoléon áp dụng chiến thuật tiền pháo hậu xung cố hữu, ông cho tập trung hơn 200 cỗ đại bác bắn nát nhừ mục tiêu rồi cho kỵ binh và bộ binh xung phong tấn công nhưng quân Nga vẫn gan lì giữ vững vị trí. Đây là lần đầu tiên Napoléon thất bại, như vậy không hẳn nhờ hỏa lực mạnh mà thắng vì còn phải kể tinh thần binh sĩ. Theo Tướng Viên sự thất bại của cuộc lui binh không phải do ở áp lực địch mà vì tinh thần chiến đấu của quân ta không còn nữa.
Cuối tháng 3-1975 Quân khu 1 hoàn toàn do CSBV kiểm soát, Quân khu 2 coi như mất hết chỉ còn 2 tỉnh Phan Rang và Phan Thiết được sáp nhập vào Quân Khu 3. Kế hoạch tái phối trí đã gây thiệt hại khoảng 40% vũ khí, đạn dược, tiếp liệu, quân nhu toàn quốc của VNCH, một số lượng lớn đã lọt vào tay CSBV. Miền Nam đã thiếu hụt nhiên liệu, đạn dược nay lại càng thiếu hụt trầm trọng thêm.
Các Sư đoàn bộ binh, các đơn vị yểm trợ, tiếp liệu thuộc hai Quân khu cũng mất quá nhiều quân số qua hai cuộc lui binh lại không gây thiệt hại nhiều cho BV. Phần đất còn lại của miền Nam không thể tồn tại nếu không có yểm trợ của oanh tạc cơ B-52 hoặc viện trợ khẩn cấp của Hoa Kỳ. Giữa tháng 4-1975 mặc dù VNCH đánh thắng được hai trận Long Khánh và Long An nhưng không cứu vãn nổi tình thế.
Ngày 28- 3-1975, TT Ford cử Tướng Weyand tới Sài Gòn để nghiên cứu tình hình, sự thực họ đang chuẩn bị rút ra, Bộ quốc phòng Mỹ đã cử người (Marbod, Armitage) sang VN để tìm cách thu hồi máy bay, quân dụng, tầu bè của VNCH để khỏi lọt vào tay CS. Ngày 4- 4-1975 Tướng Weyand về Mỹ đề nghị ngân khoản viện trợ khẩn cấp 722 triệu. Ngày 10-4-1975 TT Ford ra trước Quốc hội nói về tình hình Việt Nam và đề nghị Quốc hội chấp nhận ngân khoản 722 triệu viện trợ quân sự khẩn cấp, ông đưa ra thời hạn 10 ngày.
Trong khoảng thời gian này tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn khuyến khích quân đội VNCH cố gắng tạo chiến thắng để yểm trợ cho đề nghị của hành pháp Mỹ. Tại Long Khánh Sư đoàn 18 đã anh dũng đẩy lui cuộc tấn công của các Sư đoàn BV, tại Thủ Thừa Long An Cộng quân bị thiệt hại nặng.
Tân Sơn Nhất, di tản tháng tư 1975.
Ngày 18-4-1975 Ủy ban Quốc Phòng Thượng Viện Mỹ biểu quyết bác bỏ đề nghị viện trợ khẩn cấp kể trên của Tổng thống Ford một phần vì kế hoạch tái phối trí của ông Thiệu đã làm tan rã thiệt hại một nửa lực lượng, một nửa số bom đạn, vũ khí nặng cũa VNCH, Lập pháp Hoa kỳ lý luận dù có viện trợ thêm 722 triệu cũng không thể đảo ngược tình hình, chỉ kéo dài thêm chiến tranh tang tóc mà thôi. Quốc hội Mỹ do đảng Dân chủ nắm giữ chủ trương rút bỏ VN, thêm vào đó kế hoạch điều quân thất bại nặng nề của TT Thiệu đã khiến họ có cớ bác bỏ viện trợ quân sự cho chúng ta vào giờ chót. Như Tướng Cao Văn Viên đã nói nếu không có tái phối trí và hậu quả tai hại của nó VNCH có nhiều cơ hội hơn, ta có thể hiểu rằng miền Nam còn có cơ hội xin được viện trợ quân sự tiếp tục cuộc chiến đấu tự vệ.
Ngày 21-4-1975 TT Thiệu từ chức, ông chỉ chịu từ bỏ quyền hành khi tình hình đến lúc tuyệt vọng, không thể cứu vãn gì được, khi Cộng quân đã chuẩn bị bao vây khóa chặt thủ đô Sài Gòn.

...

Comments

Popular posts from this blog