Nguyễn Văn Thiệu dưới mắt Phạm Xuân Ẩn

Hoàng Hải Vân

Để khỏi phải nói qua nói lại với một số còm men có thể có xung quanh cái tút này, tôi xin có vài lời lưu ý : Việc mô tả các tướng tá chính khách Việt Nam cộng hòa, trong đó có ông Nguyễn Văn Thiệu, là đám ngụy tề tay sai bất tài tham nhũng đồi bại trên sách báo từ lâu chẳng những không có tác dụng “tuyên truyền giáo dục” gì mà còn hạ thấp chiến thắng mùa Xuân năm 1975. Thắng một đám bất tài vô lại thì có gì đáng tự hào đâu mà gọi là chiến thắng vĩ đại! Nhưng nói thật để để cao chiến thắng trong một thời gian dài trên sách báo chính thống là chuyện không hề dễ.

Loạt ký sự về Phạm Xuân Ẩn đăng trên Thanh Niên năm 2001 lẽ ra có 53 kỳ, nhưng có 1 kỳ không đăng được do Tổng Biên tập đi vắng. Nó có tựa đề là “Nguyễn Văn Thiệu dưới mắt Phạm Xuân Ẩn”. Vì là câu chuyện “nhạy cảm”, nên tôi gọi cho anh Nguyễn Công Khế, phân tích cho anh nghe Thanh Niên có thể gặp phản ứng gì từ nội dung bài báo, anh bảo đợi anh về xem kỹ lại trước khi đăng. Nhưng không đợi được, loạt Ký sự phải đăng liên tục hàng ngày, nên bài này phải gác lại rồi trôi luôn.

Bản thảo bài báo tôi không còn giữ, sau này tôi đã lấy từ đó vài chi tiết để lồng vào bài báo “Tầm vóc Phạm Xuân Ẩn” đăng trên Thanh Niên số Xuân, đó là bài báo cuối cùng tôi viết về ông Ẩn mà ông được đọc. Nay xin viết lại câu chuyện này.

Tôi hỏi ông Ẩn: Ai là tướng lĩnh giỏi nhất quân đội Việt Nam Cộng hòa? Ông nói ngay: Nguyễn Văn Thiệu. Ông Ẩn quen biết cựu Tổng thống VNCH khi ông Thiệu còn là trung tá. Chính ông đã làm thủ tục đưa trung tá Thiệu đi học quân sự ở Mỹ. Ông kể, khi khám sức khỏe để bổ sung hồ sơ đi học, ông Thiệu bị đau răng. Viên thiếu tá quân y bảo với ông Thiệu, muốn có hồ sơ sức khỏe tốt thì tại Quân y viện cái răng đó phải nhổ bỏ, nếu muốn giữ cái răng thì phải đến phòng nha khoa tư của chính viên sĩ quan quân y này. Ông Ẩn khuyên ông Thiệu rằng cái răng còn giữ được thì nên tốn một ít tiền để giữ cái răng, nhưng ông Thiệu dứt khoát : “Không phải tôi sợ tốn tiền mà tôi không thể chấp nhận một sĩ quan lợi dụng việc công để tư lợi thối nát như nó”. Hôm sau ông Thiệu đến Quân y viện nhổ phắt cái răng. Kể lại chuyện đó, ông Ẩn kết luận: “Ông Thiệu là người cương trực”.

Theo ông Ẩn thì ông Thiệu không chỉ là một tướng tài mà còn là người làm chính trị khôn khéo. Ông nói, Mỹ chọn Nguyễn Văn Thiệu không sai chút nào. Chính trường Sài Gòn sau khi ông Diệm sụp đổ đảo chính diễn ra triền miên, khi chọn Nguyễn Văn Thiệu rồi, người Mỹ ngăn chặn tất cả các cuộc đảo chính từ trong trứng nước. Họ đã bảo vệ ông Thiệu tới cùng, ngay cả trước nguy cơ sụp đổ, đại sứ Graham Martin và người phụ trách CIA ở Sài Gòn vẫn tìm mọi cách thuyết phục Quốc hội Mỹ không bỏ rơi ông Thiệu, kể cả việc bưng bít thông tin tình báo, chỉ báo cáo những tin tức có lợi cho ông Thiệu. Dù những nỗ lực đó không thuyết phục được Quốc hội, nhưng đến ngày 26-4-1975, ngày Nguyễn Văn Thiệu di tản, Mỹ đã ra lệnh ngừng mọi hoạt động quân sự và mọi cuộc di tản, ngoài máy bay chở ông Thiệu, tất cả máy bay đều không được cất cánh trên bầu trời miền Nam để bảo vệ an toàn cho ông Thiệu. Ông Ẩn bảo: “Nguyễn Văn Thiệu đã chửi oan người Mỹ, thực ra họ đã cố gắng đến cùng”.

Hiểu rất rõ Nguyễn Văn Thiệu cũng như nắm chắc diễn biến chính trị trong nội bộ nước Mỹ nên ông Ẩn đã cung cấp 2 thông tin tình báo quan trọng nhất vào giai đoạn cuối của chiến tranh : Nguyễn Văn Thiệu không thi hành Hiệp định Paris và dù quân đội Sài Gòn có thua trận thì Mỹ vẫn không đem quân vào.

Cần biết, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, phía Quân giải phóng đã tin Chính quyền Sài Gòn sẽ thi hành Hiệp định nên đã lơ là mất cảnh giác, tin tức tình báo mà ông Ẩn gửi về đã không được coi trọng, nên vùng đất của Quân giải phóng bị thu hẹp dần do quân đội Sài Gòn lấn chiếm, trừ Quân khu 9 do ông Lê Đức Anh làm Tư lệnh. Ông Lê Đức Anh đánh giá cao tin tức tình báo từ Phạm Xuân Ẩn nên đã không để mất đất. Còn tin tức khẳng định Mỹ không đem quân sang đã giúp cho Tổng hành dinh kháng chiến hạ quyết tâm tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Và điều lạ lùng là, cũng giống như Sở Mật vụ của ông Trần Kim Tuyến, Đặc ủy Trung ương Tình báo chính quyền Sài Gòn thời ông Thiệu vẫn không mặn mà với chuyện chống Cộng. Nhiệm vụ chính của nó vẫn là “chống Mỹ”, theo nghĩa là tập trung theo dõi mọi động thái của người Mỹ nhằm đề phòng người Mỹ tiến hành đảo chính. Ông Ẩn là người được mời tham gia làm tư vấn thành lập cái Đặc ủy đó, người của Đặc ủy coi ông là “người nhà” nên không có cái gì của nó mà ông không biết.

Cũng vào những năm cuối của chiến tranh, trong những tài liệu ông Ẩn gửi về Tổng hành dịnh có bản “Kế hoạch bảo vệ Sài Gòn”, một kế hoạch được ông Thiệu giao cho Tổng Đặc ủy trưởng Trung ương Tình báo Nguyễn Khắc Bình cùng Tư lệnh Biệt khu Thủ đô kiêm Tổng trấn Sài gòn Gia định Nguyễn Văn Minh và một số tướng lĩnh thân tín ở Bộ Tổng Tham mưu phối hợp thực hiện. Kèm theo tài liệu là nhận định của ông Ẩn: “Thời gian này Nguyễn Văn Thiệu không muốn các đơn vị quân đội tập trung nhiều ở Sài Gòn vì sợ đảo chính, nên đây thực chất là kế hoạch chống đảo chính nhiều hơn là đối phó với sự tấn công của quân giải phóng”.

Xin nói thêm, trong loạt ký sự về Phạm Ngọc Thảo đã đăng trên Thanh Niên, tôi có phân tích về nguyên nhân cái chết của Phạm Ngọc Thảo. Ông Thảo chết là do Nguyễn Văn Thiệu cho người sát hại, nhưng vì sao rất nhiều cán bộ cao cấp của “Việt Cộng” bị bắt bị đày ra Côn Đảo nhưng Nguyễn Văn Thiệu không giết mà lại giết Phạm Ngọc Thảo? Câu trả lời là: Phạm Ngọc Thảo bị giết là bởi Nguyễn Văn Thiệu không tin Phạm Ngọc Thảo là cộng sản, nếu tin Phạm Ngọc Thảo là cộng sản thì Nguyễn Văn Thiệu đã không giết Phạm Ngọc Thảo. Lại thêm một câu hỏi nữa, vì sao như vậy? Câu trả lời là: Nguyễn Văn Thiệu không sợ cộng sản mà chỉ sợ một đối thủ không cộng sản được người Mỹ và Giáo hội Công giáo hậu thuẫn.


Nguyễn Văn Thiệu là người như thế đó. Thắng một người có tầm cỡ như thế mới thật sự là thắng lợi vinh quang vĩ đại chứ. Ngày xưa Tào Tháo công khai ca ngợi Tôn Quyền trước mặt các tướng sĩ của mình, Tư Mã Ý nhiều lần ngửa mặt than trước ba quân “Ta không bằng Gia Cát Lượng”, lịch sử cũng chẳng vì vậy mà đặt Tào Tháo và Tư Mã Ý xuống dưới Trọng Mưu và Khổng Minh.

Comments

Popular posts from this blog