Bạn biết Michelle Yeoh chứ? Dương Tử Quỳnh đấy. Dương Tử Quỳnh trong phim The Lady. Chắc bạn đã xem phim này. Riêng tôi, từ lúc chưa xem phim, tôi đã thích, từ cái đề tựa The Lady – đến nhân vật trong phim: bà Aung San Suu Kyi. Trên hình bìa cuốn phim, bốn chữ tóm tắt trọn vẹn ý nghĩa cao đẹp của người đàn bà được gọi bằng danh hiệu Lady: Wife – Mother – Prisoner – Hero. Chữ Lady gói ghém trong chính nó cái ý nghĩa cao đẹp, sang cả, quý phái. Tôi ngưỡng mộ bà Aung San Suu Kyi của Miến Điện. Tôi ấm ức vì đám tướng lãnh nắm quyền hành ở Miến Điện ngăn chặn không cho Bà tham gia chính quyền dù đã được người dân Miến Điện chọn lựa qua hình thức phiếu bầu dân chủ.
Sử sách ghi rằng Miến Điện, cũng như ấn Độ, sau khi được Anh Quốc trả độc lập đã xoay xở một cách khó khăn vì – đúng như một nhận xét vào thời kỳ ấy – “Người Anh ở lại quá lâu và bỏ đi qua nhanh.” (The British stayed too long and left too quickly.) Nhận lại nền độc lập từ đế quốc Anh, Ấn Độ bị tách ra thành hai quốc gia Ấn và Hồi, còn Miến Điện chưa kịp nếm mùi dân chủ với một chính phủ do dân bầu thì một cuộc đảo chánh đã xóa bỏ ngay nền dân chủ từ trong trứng nước và Aung San – thân phụ của bà Aung San Suu Kyi – vị lãnh đạo dân cử đầu tiên bị ám sát trong cuộc đảo chánh của quân đội.
Sau khi thân phụ mất, bà Aung San Suu Kyi trở thành biểu tượng của dân chủ trong một quốc gia quân phiệt. Lưu vong ở Anh quốc cho đến khi thân mẫu bà bệnh nặng tại quê nhà, Aung San Suu Kyi trở về Miến Điện – cam kết với các tướng lãnh là không có “ý đồ” chính trị nào – tuy nhiên với sự thuyết phục của giới sinh viên trong các phong trào tranh đấu, Aung San Suu Kyi trở thành thủ lãnh của phong trào đấu tranh dân chủ. Bà bị nhà cầm quyền Miến Điện bắt và giam giữ tại gia (house arrest – giống như những ông bà người Việt mình bị “tù nhà” vì trồng cỏ trước khi Canada hợp pháp hóa cần sa!) suốt 15 năm. Trong thời gian tù giam, Suu Kyi chỉ được phép gặp chồng và các con vài lần trước khi ông mất vì ung thư bên nhà (Anh quốc).
Cuối cùng khi cuộc bầu cử được các tướng lãnh cho phép; phong trào dân chủ do bà chủ xướng được chọn và bà trở thành dân biểu quốc hội. Aung San Suu Kyi được trao giải Nobel Hòa Bình, được trao bằng Tiến Sĩ Danh Dự ở nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới.
Đó là thời kỳ tôi ngưỡng mộ Aung San Suu Kyi, và nhìn về quê nhà, tôi ngưỡng mộ, quý mến (và cầu nguyện cho) những người đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, trong đó có thật nhiều những người nữ gan dạ và dũng cảm.
Nếu theo dõi tình hình Miến Điện, chắc bạn cũng biết Rohingya là tên một nhóm sắc tộc có mặt từ thế kỷ 15 ở khu vực Rakhine, phía tây Miến Điện; nơi trước đây là vương quốc Arakan. Người Hồi Giáo di dân đến và lập nghiệp ở đó. Từ khi được Anh quốc trao trả độc lập, Miến Điện không công nhận Rohingya là một trong những sắc tộc thiểu số trong số 135 nhóm sắc tộc ở Miến Điện. Sống trên đất Miến Điện từ nhiều thế kỷ nhưng dân Rohingya không được cấp quốc tịch Miến Điện. Nhà cầm quyền Miến Điện hợp pháp hóa việc kỳ thị chống lại nhóm thiểu số này qua những hạn chế về quyền lựa chọn trong hôn nhân, kế hoạch hóa gia đình, việc làm, giáo dục, và tự do đi lại. Người Rohingya phải xin phép khi cưới hỏi và phải nộp hình cô dâu không mang khăn che mặt, hình chú rể cạo râu nhẵn nhụi, trái ngược với phong tục của người Hồi Giáo.
Những áp bức, chèn ép này đưa đến cuộc xung đột tháng Tám năm 2017 khi một nhóm dân quân có tên Arakan Rohingya Salvation Army tấn công những doanh trại của quân đội và cảnh sát Miến Điện.
Cuộc đàn áp bắt đầu từ đó.
Sự đàn áp, sách nhiễu đạt đến cao điểm khi làng mạc của người Rohingya bị thiêu rụi. Cuộc khủng hoảng Rohingya lên đến mức vượt ra ngoài mọi sự trợ giúp của các cơ quan thiện nguyện quốc tế.
Mọi người – trong đó có tôi – ngểnh cổ chờ bà Aung San Suu Kyi nói một lời gì đó. Nhưng không! Có vẻ như bà Suu Kyi biết rõ và ngầm ủng hộ hoặc xem như không bận tâm chính sách “đốt sạch” (scorched earth) của giới tướng lãnh quân đội đối với Rohingya. Cả thế giới đều công nhận đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử khu vực Đông Á. Dân chúng trốn chạy khỏi Rakhine ở mức độ nhanh hơn bất kỳ cuộc tản cư nào trên thế giới từ năm 1971. Trong vài tuần lễ, trên bốn trăm ngàn người dân Rohingya đã chạy trốn qua Bangladesh. Liên Hiệp Quốc đánh giá đây là hành động diệt chủng và không có dấu hiệu gì cho thấy sẽ có sự giảm bớt. Những quốc gia đã từng hỗ trợ Miến Điện mãnh liệt trong quá khứ như Anh quốc, Thụy Điển cũng phải yêu cầu đưa vấn đề ra thảo luận trước Liên hiệp Quốc.
Và Liên Hiệp Quốc – cũng như tôi – lại dài cổ ngóng chờ.
Tiếc thay, bà Suu Kyi quyết định không điều trần trước Đại Hội Đồng Liên hiệp Quốc mà chỉ nói chuyện tại thủ đô Naypyidaw về cuộc khủng hoảng này. Bài nói chuyện bằng tiếng Anh – dù không nhắm vào thính giả quốc tế – dù lên án (phớt qua) những vi phạm nhân quyền, vẫn cho thấy quan điểm của bà về cái nhìn của chính phủ Miến Điện với vùng Rakhine, đánh giá thấp mức nghiêm trọng của vấn đề, chú trọng nhiều hơn đến những vấn đề (lẻ tẻ) khác “đang cần sự ưu tiên của chính phủ”, không công nhận người Rohingya là công dân Miến Điện. Và nhất là không một lời chỉ trích quân đội vốn là nguyên nhân gây ra cuộc trốn chạy tập thể của người Rohingya. Hơn thế nữa, bà còn khẳng định là tình hình Rakhine đang dần ổn định và dân chúng Rohingya không trốn chạy – một điều tương phản với những hình ảnh ghi nhận được của các phóng viên quốc tế. Và điều đáng thất vọng nữa là bà cho biết Miến Điện sẵn sàng đón tiếp các cuộc điều tra của nước ngoài, trong khi các ký giả và nhân viên thiện nguyện không được phép vào khu vực phía bắc Rakhine.
Bài nói chuyện của Suu Kyi cho thấy bà đã không dùng sức mạnh của lời phát biểu cũng như vai trò của mình trước thế giới để gây áp lực với đám tướng lãnh trong chính phủ, đồng thời để chứng tỏ rằng chính quyền dân sự không dễ bị đe dọa bởi bất cứ áp lực nào từ quân đội.
Bạn thân mến, thay vì điểm qua những con số (hàng trăm ngàn – chính xác là 680 ngàn – người trốn chạy, hàng ngàn người bị thảm sát, hàng ngàn phụ nữ bị hãm hiếp…) mời bạn cùng tôi nghe lời kể từ một ký giả có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với những con người không đất dung thân ở Rohingya:
“Hầu như toàn bộ ba mươi phụ nữ và những bé gái mà tôi phỏng vấn đã bị hãm hiếp tập thể bởi lính Miến Điện, sau đó họ phải đi bộ nhiều ngày để tới được Bangladesh. Khi được yêu cầu hãy mô tả về hành trình gian nan ấy, một người đàn bà đã nói ‘đau đớn lắm,’ và bật khóc kể lại nỗi đau khi lê lết trên đường tìm nơi chốn dung thân với thân thể đầy thương tích, trong đói khát tuyệt vọng. Hãm hiếp là một biện pháp mà quân đội Miến Điện áp dụng trong kế hoạch xóa bỏ Rohingya. Rất nhiều phụ nữ mà tôi có cơ hội trò chuyện đã phải chịu sự dày vò của sáu, bảy kẻ bạo hành. Rất nhiều người bị đâm, bị bắn hoặc bị đánh đập tàn nhẫn. Có trường hợp một bé gái 15 tuổi đã bị kéo lê trên mặt đất gần hai chục mét, rồi bị buộc vào thân cây, và bị hãm hiếp bởi 10 người lính Miến Điện. Rất nhiều phụ nữ mà tôi trò chuyện cũng đã chứng kiến thân nhân hoặc con cái họ bị sát hại. Sự đau đớn và đày đọa mà những nạn nhân này gánh chịu không thể nào đo lường được. Những người đàn bà mà tôi phỏng vấn cho biết họ không dám khai rõ tình trạng của họ với viên chức y tế vì xấu hổ và vì không biết có những phương thức trợ giúp nào dành cho họ.”
Những chuyện như thế bà Aung San Suu Kyi chắc là phải biết. Và cũng là phụ nữ với nhau, và đang có quyền hạn trong tay – ít nhất là quyền nói lên những gì cần phải nói – mà bà im lặng hoặc bảo rằng chính phủ của bà phải dành ưu tiên cho những việc nội bộ khác thì thật là đáng buồn. Thái độ của bà rõ ràng là dửng dưng với chiến dịch diệt chủng của quân đội Miến Điện đối với Rohingya. Và bạn cũng như tôi – chúng ta không khỏi thất vọng trước sự dửng dưng ấy. Và như vậy những trường đại học đã trao tặng bằng tiến sĩ danh dự cho bà thu hồi lại những bằng cấp ấy cũng là hợp lý.
Bạn thân mến. Thần tượng sụp đổ không là chuyện lạ trong thế giới con người, nhưng tôi vẫn thấy ngượng với chính mình khi đã vinh danh Aung San Suu Kyi. Cũng may mà tôi chỉ giữ sự ngưỡng mộ cho riêng mình nên không ai biết tôi đã tôn thờ một thần tượng bằng đất sét. Pho tượng đất sét ấy đã gẫy đổ như trong tranh hí họa của họa sĩ David Parkins. Ủy ban trao giải Nobel Hòa Bình, những trường đại học cấp bằng Tiến Sĩ Danh Dự cho bà chắc cũng ngượng chín người vì thái độ hấp tấp của họ.
Bạn có đồng ý với tôi là vội vã ca ngợi, tán tụng, tôn vinh một ai đó rằng họ là người hùng, là vĩ nhân, là thần tượng (hay tượng thần)… khi họ mới bước vào đoạn đầu của một con đường dài và lắm gian nan là điều không nên làm?
Thế gian không thiếu những kẻ hấp tấp tuyên dương, đội vương miện, phong vương cho những người mà họ ái mộ. Cứ nhìn lại thế giới người Việt chung quanh chúng ta mà xem, lác đác đó đây có đám nịnh thần luôn hấp tấp đeo những vương miện vô giá trị (quá sớm) cho những người nữ trẻ đang tranh đấu cho tự do, cho dân chủ nước Việt.
Những vương miện giả hiệu có những chữ “nữ lưu”, “anh thư”, “nữ tướng”… mà đám nịnh thần ném lên người những người nữ trẻ tranh đấu chỉ làm vướng bước chân của họ, và làm ô uế thanh danh cũng như sự tự trọng của những người thực sự có lòng với Quê Hương.
Bạn thân của tôi, biết mình đang lạc đề nhưng tôi vẫn phải nói ra điều này, và khi nói tôi tin mình không cường điệu hay quá bi quan, bởi nếu bạn theo dõi những bản tin, những cái post trên facebook, những thông báo này nọ nhan nhản trong cộng đồng người Việt, bạn sẽ thấy những câu tán tụng bên dưới những bức hình khuôn mặt thiếu nữ với cờ vàng, với mũ lính… đại loại thế này: “Nữ Tướng tranh đấu cho dân chủ”, “Anh Thư nước Việt đấu tranh cho một Việt Nam tự do,” và cách đây không lâu, một tay nịnh thần còn dùng đến những chữ mà tôi nhớ không lầm, ngày trước người ta chỉ dùng cho vị nguyên thủ quốc gia: “Lời hiệu triệu của nữ tướng xinh đẹp (…), anh thư của nền dân chủ” vân vân và vân vân.
Bỗng dưng tôi khao khát được đọc bài sớ ngày trước mà cụ Chu Văn An – thầy dạy Quốc Tử Giám – dâng lên vua Trần Dụ Tông, xin nhà vua cho chém đầu bảy kẻ nịnh thần. Tiếc thay bài sớ đã bị chính đám nịnh thần ấy ém đi.
Bài sớ không còn nhưng lũ nịnh thần thì thời nào cũng có.
Khúc An

Comments

Popular posts from this blog