AN TỬ LÀ GÌ?

Nguyễn Nhân Trí 
clip_image001
Ở đây, tôi muốn nói đến một đề tài được diễn tả bằng chữ euthanasia trong Anh ngữ .
Đây là một đề tài phức tạp đưa đến nhiều tranh cãi. Do đó trước khi thảo luận chúng ta cần hiểu rõ những định nghĩa lẫn cách dùng khác nhau của chữ nầy.
Thuật ngữ euthanasia mang gốc từ tiếng Hy-Lạp, có nghĩa là “cái chết nhẹ nhàng êm ái”. Chữ nầy được sử gia La Mã Suetonius bắt đầu dùng vào khoảng năm 100 sau Công Nguyên để kể lại cái chết của Hoàng Đế Augustus. Tuy trường hợp Augustus là một cái chết xảy ra tự nhiên, chữ euthanasia cũng được dùng trong xã hội Hy-Lạp cổ để chỉ sự tự sát của những người mắc bệnh nan y đau đớn cùng cực, thường bằng cách tự uống độc dược. Do đó có tác giả dịch chữ nầy ra là “an tử”.
Đến khoảng thế kỷ 17, chữ euthanasia lại thay đổi ý nghĩa trở thành hành vi làm, hoặc giúp, cho người nào đó chết nhẹ nhàng êm ái, thường để tránh những đớn đau kéo dài do các căn bệnh vô phương cứu chữa. Tuy nhiên, chữ nầy cũng áp dụng cho những trường hợp khác khi một người vì lý do gì đó không muốn tiếp tục sống nữa.
Vào năm 1939 giữa lúc Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ, chính quyền Đức Quốc Xã đã dùng chữ euthanasia để đặt tên cho một chiến dịch tàn sát tập thể những người bị xem là không có giá trị để sống trong xã hội, thí dụ như những người già cả hoặc mang khuyết tật tâm thần hay thể xác. Không bao lâu sau, chiến dịch nầy được nới rộng và áp dụng đến dân cư của các chủng tộc “mang dòng máu không tinh khiết”, trong đó có dân Do Thái và một số giống dân da màu.
Năm 2004, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization, hay là WHO) chính thức định nghĩa chữ euthanasia là “một hành động hay hành vi cố ý của một người với mục đích hoặc gây ra cái chết nhẹ nhàng êm ái, hoặc không ngăn chận cái chết tự nhiên xảy đến cho một người khác trong khi người nầy hoặc đang bị hành hạ đau đớn tột cùng vì một căn bệnh sắp gây tử vong cho họ, hoặc đang hôn mê không bao giờ hồi tỉnh lại được”.
Với định nghĩa trên của WHO, để dịch chữ euthanasia, và để diễn tả ý nghĩa “gây ra một sự chết êm ả” của nó, thì theo tôi chúng ta nên dùng một chữ nào đó chẳng hạn như “an sát”. Tuy nhiên, tôi vẫn dùng chữ “an tử” (thay vì chữ “an sát”) trong các bài viết là để giúp người đọc tiện việc đối chiếu, tham khảo vì nhiều tài liệu khác trên mạng cũng dùng chữ nầy để dịch cho chữ euthanasia. Thí dụ như Bách khoa toàn thư mở Wikipedia cũng định nghĩa an tử là "một sự can thiệp cố ý được thực hiện với ý định rõ ràng về sự kết thúc một cuộc sống, để xoa dịu sự đau đớn khó chữa”.
Lý do thứ hai tôi dùng chữ “an tử” là để phản ảnh sát sao diễn tiến lịch sử về ý nghĩa của chữ euthanasia. Như đã trình bày ở trên, euthanasia đầu tiên được dùng với nghĩa “một sự chết êm ả” (tức là “an tử”) nhưng bây giờ nó đã có một ý nghĩa khác hẳn, đó là “gây ra một sự chết êm ả”. Chữ “an tử” tuy có nghĩa gốc là “một sự chết êm ả” nhưng người đọc, sau khi tìm hiểu về chữ euthanasia, cũng nên (và cần) biết rằng ý nghĩa bây giờ của nó là “gây ra một sự chết êm ả”.
An tử thường được phân biệt ra nhiều hình thức, và mỗi hình thức nầy mang một ý nghĩa và giá trị pháp lý khác nhau:
– An tử tự nguyện (voluntary euthanasia): là khi bệnh nhân còn tỉnh táo, có đầy đủ ý thức lẫn tuổi tác trên diện pháp lý và tâm thần lẫn cảm xúc ổn định, để tự quyết định và lựa chọn con đường an tử cho mình.
– An tử phi tự nguyện (non-voluntary euthanasia): là khi bệnh nhân không hội đủ các điều kiện trên (thí dụ, vì đang hôn mê hay là trẻ sơ sinh hay là một kẻ có trí thông minh rất kém và không có khả năng suy luận hay tự quyết định cho mình) và một cá thể khác (thí dụ như thân nhân, gia đình, bác sĩ điều trị, v.v. của họ) quyết định áp dụng an tử cho họ.
– An tử không tự nguyện (involuntary euthanasia): là khi thủ tục an tử xảy đến cho một bệnh nhân mặc dù hoặc họ vẫn còn tỉnh táo và không muốn chết, hoặc họ không hề được hỏi ý kiến về việc nầy. An tử không tự nguyện được xem là một hành vi áp đặt và là một tội hình sự nghiêm trọng. Trường hợp Đức Quốc Xã trong Thế Chiến Thứ Hai kể trên có thể được gọi là an tử không tự nguyện hay áp đặt.
– An tử chủ động (active euthanasia): là khi một người (thí dụ như bác sĩ) trực tiếp và chủ ý hành động gây ra sự chết cho bệnh nhân, thí dụ như bằng cách chích hoặc cho bệnh nhân uống một liều thuốc độc.
– An tử thụ động (passive euthanasia): là khi một người không trực tiếp làm cho bệnh nhân chết (như trong dạng an tử chủ động ở trên) mà họ:
o Hoặc không thực hiện một điều gì mà điều đó có thể kéo dài sự sống của bệnh nhân (thí dụ như khi bác sĩ không tiến hành một cuộc giải phẫu, hay không cho uống những dược liệu cần thiết để bệnh nhân có thể tiếp tục sống),
o Hoặc đình chỉ một phương cách trị liệu mà phương cách đó đang giữ cho bệnh nhân tiếp tục sống (thí dụ như khi bác sĩ tắt máy trợ lực hô hấp, hay khi không tiếp tục tiêm chất bồi dưỡng cho người bệnh đang hôn mê nữa).
– An tử gián tiếp (indirect euthanasia): là khi áp dụng một phương cách y học (thường là để giảm đau đớn) mà phương cách đó có phản ứng phụ làm cho bệnh nhân chết sớm hơn nếu không dùng phương cách đó. Thí dụ như khi bác sĩ tiêm những liều lượng morphine rất cao hơn bình thường vào một bệnh nhân để làm dịu bớt những cơn đau đớn cực độ nhưng liều lượng morphine cao nầy cũng đưa đến việc làm cho họ nghẹt thở và chết.
Tương tự như chữ euthanasia với nghĩa “giết chết vì thương xót”, trong Anh ngữ cũng có chữ mercy killing (tôi tạm dịch là “ân sát”) để diễn tả hành vi hay hành động nầy.
Và liên quan mật thiết đến thuật ngữ euthanasia là chữ assisted suicide (có tài liệu dùng chữ assisted dying) trong Anh ngữ. WHO định nghĩa assisted suicidelà “sự tự sát chủ định của một bệnh nhân qua sự giúp đỡ về phương tiện hay kiến thức, hoặc cả hai, của một người khác”. Người khác nầy thường là một bác sĩ, và phương tiện thường là uống hoặc tiêm độc dược. Hoặc có khi chỉ giản dị là bác sĩ, hay ai đó, cung cấp một liều độc dược thích hợp và để nó nằm trong tầm tay của bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ là người tự cầm uống liều thuốc độc đó khi nào họ muốn, có nghĩa là bệnh nhân là người đưa đến tác động cuối cùng để tự kết liễu sự sống của họ. Có tác giả dịch chữ assisted suicide là “trợ tử”.
Nếu các danh từ diễn tả những hình thức an tử, và các hành vi liên quan đến an tử, ở trên có vẻ phức tạp thì sự áp dụng những danh từ đó trong thực tế còn rối rắm hơn nữa. Đó là vì cách sử dụng cũng như cách diễn giải ý nghĩa của những danh từ trên không hoàn toàn giống nhau giữa người nầy với người khác.
Lấy thí dụ chữ “an tử thụ động”. Có những tác giả dùng chữ nầy để diễn tả hành vi vừa được gọi ở trên là “an tử gián tiếp” (có nghĩa là như khi bác sĩ tiêm liều lượng morphine cao hơn bình thường chủ ý để làm giảm đau nhưng đồng thời cũng biết rằng việc nầy thường làm bệnh nhân chết sớm). Những tác giả nầy trong khi đó lại dùng cụm từ “để tự cho chết” (allowing to die) để diễn tả những hành vi được gọi ở trên là “an tử thụ động” (như khi bác sĩ cố tình không tiến hành một cuộc giải phẫu cần thiết để kéo dài sự sống của bệnh nhân, hoặc vặn tắt máy trợ lực hô hấp của một bệnh nhân hôn mê không hy vọng bao giờ hồi tỉnh lại). Vì sự rối ren dễ nhầm lẫn nầy, chúng ta cần luôn luôn xác định rõ ràng ý nghĩa của chữ “an tử thụ động” trước khi sử dụng.
Cũng về chữ “an tử thụ động”, có những tác giả không đồng ý với quan điểm “an tử thụ động” theo định nghĩa trong bài nầy ở trên. Họ cho rằng khi vặn tắt máy trợ lực hô hấp hay khi quyết định không tiến hành một cuộc giải phẫu có thể kéo dài mạng sống bệnh nhân thì người bác sĩ đó đã đoán biết với một sác xuất rất cao rằng chính vì hành vi hay hành động của mình mà bệnh nhân sẽ chết, do đó hành vi hay hành động nầy không có gì là “thụ động” cả. Do đó, theo những tác giả trên, rất khó phân biệt được lằn ranh giữa “an tử chủ động” và “an tử thụ động”.
Còn về chữ “an tử gián tiếp” theo định nghĩa ở trên, có những tác giả cho rằng hành vi nầy thật ra không phải là một hình thức an tử. Họ cho rằng đó là vì mục đích chính của hành vi nầy là để giúp cho bệnh nhân bớt đau đớn chớ không phải là để giết chết bệnh nhân. Tuy nhiên cũng có những người khác cho rằng mặc dù việc làm bệnh nhân chết chỉ là hiệu ứng phụ nhưng vì hiệu ứng phụ nầy đã được tiên liệu một cách chắc chắn nên hành vi nầy mặc dù “gián tiếp” thật ra vẫn là một hành vi giết người có chủ định, do đó nằm trong định nghĩa của chữ “an tử”.
Ngoài ra, có người còn dùng chữ “an tử” một cách rất lỏng lẻo. Khi thì họ dùng nó với định nghĩa “làm cho hay giúp cho bệnh nhân đang đau đớn cực độ hay hôn mê vô vọng chết đi” (tức là tương đương với mercy killing), khi thì họ dùng nó với hàm ý “sự tự sát chủ định của một bệnh nhân qua sự giúp đỡ về phương tiện hay kiến thức, hoặc cả hai, của một người khác” (tức là tương đương với assisted suicide). Đây cũng là một lý do nữa làm tôi quyết định dùng chữ “an tử” ở đây cho chữ euthanasia, tức là dịch theo nghĩa Hy Lạp gốc của nó, và để tự người đọc hiểu, và sử dụng, chữ nầy theo nghĩa nào trong tùy ngữ cảnh.
Cộng thêm vào sự bất đồng nhất kể trên về ý nghĩa của các dạng an tử, sự phức tạp khi bàn luận về vấn đề an tử còn là vì mỗi người thường có những cách nhìn khác nhau về mức độ luân lý và đạo đức của mỗi hành vi liên quan đến vấn đề an tử.
Thí dụ, khi nói rằng hành vi an tử là để tránh kéo dài sự đau đớn cho những người mang bệnh vô phương cứu chữa (tức là chắc chắn sẽ chết trong một thời gian ngắn sắp đến) thì một câu hỏi thường được đặt ra là “Làm sao biết chắc rằng bệnh nhân nầy sắp chết?” (vì điều đó chưa xảy ra, vì bệnh nhân vẫn còn sống, lúc đó), và “Biết đâu bệnh nhân sẽ sống sót lâu dài, tuy với phẩm chất đời sống thấp hơn những người bình thường khác?” Và nếu áp dụng an tử cho một người chưa chết thì làm sao biết chắc rằng người nầy sẽ không bị cướp đoạt mất cơ hội được tiếp tục sống mặc dù với phẩm chất đời sống thấp hơn bình thường?
Khi nói đến “phẩm chất  đời sống thấp” thì có những câu hỏi khác được đặt ra chẳng hạn như “phẩm chất đời sống thấp đến mức nào thì đủ để áp dụng an tử?” hay là “Ai sẽ quyết định về mức độ thấp đủ hay không nầy? Bệnh nhân hay gia đình hay bác sĩ của họ?” Và từ đó dẫn đến rất nhiều những câu hỏi phức tạp éo le khác như “Tình trạng thực vật vĩnh viễn, khi bệnh nhân không thể tiếp tục sống còn nếu không có phương tiện y khoa nhân tạo liên tục hỗ trợ và duy trì sự sống của họ, có được xem là vô phương cứu chữa hay không?” hay “Nếu ngừng cung cấp chất dinh dưỡng cho một bệnh nhân đang hôn mê không hồi tỉnh được và rồi bệnh nhân nầy chết thì đây là do sự thiếu dinh dưỡng hay là do bệnh tình hay thương tích đã gây ra tình trạng hôn mê?”, v.v. và v.v.
Bên trên là thí dụ của những câu hỏi không có một câu trả lời duy nhất nào thỏa mãn tất cả mọi người trong mọi trường hợp. Lý do là vì mỗi cá nhân thường có những ý niệm và quan điểm khác nhau về ý nghĩa và giá trị của mạng sống con người. Đó là chưa kể đến những vấn đề liên quan đến việc áp dụng quan điểm an tử trên thực tế; thí dụ như nhiều người cho rằng ngay cả nếu an tử là một hành vi hợp đạo đức thì trên phương diện thực tế nó có thể tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng để giết người trục lợi.
Chính vì những vấn đề như vừa thấy ở trên mà những thảo luận về vấn đề hợp pháp hóa an tử và trợ tử luôn luôn gay go và phức tạp hầu như một mê lộ không lối thoát.
Chú thích:
Có rất nhiều bất đồng ý kiến về nhiều phương diện giữa nhiều tác giả khác nhau trên đề tài nầy. Các bài viết của tôi ở đây do đó chắc chắn sẽ có những chi tiết mà một số độc giả có thể không đồng ý. Và cũng có những chi tiết mà tôi thú thật là chính tôi cũng không hoàn toàn hài lòng với chúng. Do đó tôi đón chào, và xin cám ơn trước, tất cả góp ý, phê bình và tranh luận nào đến từ độc giả.
__._,_.___

Comments

Popular posts from this blog