Nhật Ký Biển Đông hai
tuần đầu Tháng Ba ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:
Tình hình Hoa Kỳ:
-AP ngày 3/3/2018: “Tổng Thống
Donald Trump nói rằng thật là điều tốt đẹp khi chủ tịch của Trung Quốc giữ chức
vụ chủ tịch suốt đời và trầm ngâm rồi nói, có thể Hoa Kỳ cũng sẽ như vậy (tức
có tổng thống mãn đời). Lời nhận xét của Ô. Trump được đưa ra trong buổi ăn
trưa của các mạnh thường quân của Đảng Cộng Hòa tại dinh thự của ông tại Nam
Florida. CNN nói rằng họ có được băng ghi âm của lời nói này.”
-AP ngày 6/3/2018: “Một em bé trai
8 tuổi ở Ashland , Ohio, nạp đạn vào khẩu súng trường, liên tiếp bắn vào người
em gái 4 tuổi rồi báo cho mẹ biết. Người mẹ rời chỗ làm về nhà coi vết thương
của bé gái rồi lau chùi vết máu trên khăn trải giường, không đưa cháu gái đi
nhà thương, rồi tiếp tục đi làm để hai đứa nhỏ ở nhà không ai coi sóc. Người mẹ
bị truy tố về tội đẩy trẻ nhỏ vào tình trạng hiểm nguy.”
Thật lạ lùng! Tại sao mới có 8 tuổi
đã biết nạp đạn vào khẩu súng trường rồi nhắm bắn em gái mình mới 4 tuổi? Súng
ở đâu ra và mua súng để làm gì? Chúng ta còn nhớ cách đây vài năm, một bé gái 5
tuổi, thò tay vào túi xách của mẹ nghịch như thế nào đó mà bóp cò súng khiến
giết chết mẹ mình lái xe ngồi bên cạnh. Đúng là chuyện khó tin nhưng có thật!
Có lẽ trẻ con Mỹ là trẻ con biết dùng súng giỏi nhất trên thế giới. Ở Mỹ này
súng ống giống như đồ chơi. Từ người già tới con nít ai cũng biết bắn súng và
coi chuyện dùng súng giết người như trò chơi “games” vậy! Ô hô, văn minh điện
tử, iPhone, iPad hạnh phúc đây không thấy mà chỉ thấy con người trở nên hung
bạo hơn và ích kỷ hơn và trẻ nhỏ cũng đã biết chơi trò “Bang! Bang! “
-Yahoo News ngày
10/3/2018: “Tối thiểu 125 người trong đó có vài chục học sinh trung học tại
Milwaukee, Wisconsin mắc bệnh
HIV/AIDS/Liệt Kháng và giang mai hoặc cả hai - là một trong đợt bùng phát lớn
nhất được báo cáo từ trước đến giờ. Theo báo Milwaukee’s Journal Sentinel, đợt
bùng phát này được coi như một cụm (cluster) vì một số đông mắc bệnh vào cùng
thời kỳ và cùng nơi chốn.”
-Tổng Hợp ngày
13/3/2018: Tổng Thống Donald Trump đã sa thải Ô. Tillerson khỏi giữ chức vụ bộ
trưởng ngoại giao trong lúc ông còn đang công tác ở Phi Châu và được thay thế
bởi Ô. Mike Pompeo- Giám Đốc CIA. Bà Gina Hasper –Phụ Tá Giám Đốc CIA sẽ thay
thế Ô. Pompeo- một phụ nữ đầu tiên lãnh đạo cơ quan tình báo Hoa Kỳ. Theo BBC
Anh Ngữ thì những tay chuyên môn đi cửa hậu (lobbyist) có liên hệ tới Vương
Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) đã vận động truất phế Ô. Tillerson vì ông này “yếu”
vì đã không hỗ trợ UAE phong tỏa Qatar.
Ô hô! Thủ đoạn chính trị
Xuân Thu Chiến Quốc tái hiện ở đây. Ngày xưa, muốn giết một tể tướng có tài mà
mình ghét dễ lắm. Chỉ cần đem vài ngàn lạng vàng cộng thêm cô gái đẹp biếu cho
một kẻ nào đó mà nhà vua thích nghe lời, rồi dèm pha vị tể tướng. Nếu ông vua
là kẻ đa nghi, bất tài, không quyết đoán thì ông tể tướng đó sẽ mất đầu. Ô.
Tillerson không “chết” vì lưỡng đảng hay vì người dân Hoa Kỳ mà thân bại danh
liệt vì số tiền khổng lồ đi cửa hậu của Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất!
Như thế là bao nhân vật
sống chết với ông Trump trong suốt thời gian tranh cử căng thẳng kịch liệt và
cả những người mà ông hết lòng vận động Thượng Viện chuẩn y sự bổ nhiệm của ông
đều đã ra đi. Ngoài chuyện vận động cửa hậu của UAE, chưa biết còn nguyên do nào
nữa không? Sau này qua hồi ký chúng ta sẽ biết. Theo tôi, trong thời gian qua,
dù Hoa Kỳ đã có Ô. Tillerson là bộ trưởng ngoại giao, nhưng lại còn có “siêu bộ
trưởng ngoại giao” nữa đó là “phò mã” Kushner- con rể của ông. Và “công chúa” Ivanka Trump - con gái cưng
của ông cũng là một “siêu bộ trưởng ngoại giao” và đôi khi ngôi vị còn cao hơn
cả phó tổng thống Mike Pence trong các buổi lễ hoặc hội họp quốc tế. Không biết
rồi Ô. Pompeo sẽ chịu đựng được bao lâu?
Tình hình thế giới:
-The Hill ngày 1/3/2018: “Hoa Lục
bác bỏ một nghị quyết được Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua yêu cầu gia tăng liên
hệ giữa Hoa Thịnh Đốn và Đài Loan và gọi đây là sự vi phạm chính sách “Một Nước
Trung Hoa” giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh trong nhiều thập niên. Phát ngôn viên
Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại Giao Hoa Lục nói rằng Hoa Lục hoàn toàn không hài
lòng và sẽ mạnh mẽ chống lại.”
Thực ra “Một Nước Trung Hoa” hay
“Hai Nước Trung Hoa” chỉ là chính sách giai đoạn, không vĩnh viễn. Cho tới ngày
25/10/1971 Đài Loan vẫn là đại diện chính thống của Trung Hoa, tức chính sách
vẫn là “Một Nước Trung Hoa”. Thế rồi, Hoa Lục mỗi lúc mỗi mạnh lên và can dự
vào chính trường quốc tế, sức mạnh không thể phủ nhận khiến phải công nhận Hoa
Lục và mời Ô. Tưởng Giới Thạch đi chỗ khác chơi và đưa Ô. Mao Trạch Đông ngồi
vào ghế đại diện tại Liên Hiệp Quốc và chính sách vẫn là “Một Nước Trung Hoa”.
Trên thực tế và quốc tế
công pháp, Đài Loan chỉ là một tỉnh ly khai của nước Trung Hoa. Hoa Lục có
quyền dùng sức mạnh quân sự để thống nhất đất nước. Dĩ nhiên giải pháp này đi
ngược lại với nguyện vọng của dân Đài Loan. Thế nhưng nguyên do chính vẫn là
Đài Loan là vị trí chiến lược để bảo vệ an ninh cho Hoa Kỳ và Nhật Bản cho nên
không thể để Đài Loan trở lại thành một tỉnh của Trung Hoa. Do đó, bằng mọi giá
Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ không để Đài Loan lọt vào tay Hoa Lục, nhưng công khai
tuyên bố Đài Loan là một quốc gia độc lập thì lại là vấn đề vô cùng nguy hiểm.
Tôi cho rằng, với tình hình hiện tại, nếu Hoa Lục tiến hành một cuộc tấn công
Đài Loan, chưa chắc Mỹ đã dám can thiệp, ngoại trừ dùng bom nguyên tử. Dĩ nhiên
đây là cuộc chiến đẫm máu vì sức mạnh quân sự của Đài Loan rất lớn, nhưng Đài
Loan sẽ thua nếu không có sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ.
-The Hill ngày 1/3/2018:
“Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chính thức chấp thuận bán hỏa tiễn chống chiến xa Javelin
và những thiết bị liên hệ trị giá 47 triệu Mỹ Kim cho Ukraina. Hành động này là
sự gia tăng đáng kể trong việc trợ giúp vũ khí sát thương cho Ukraina để đối
đầu với Nga. Theo Tổng Thống Poroshenko thì lô vũ khí này sẽ tới tay Ukraina
trong vòng vài tuần lễ.”
-CNS News ngày 1/3/2018:
“Không có gì ngạc nhiên, Nghị Viện Nam Phi hiện đang bị khống chế bởi Marxist African National Congress (ANC)
đã biểu quyết chấp thuận việc tịch thu đất của người Da Trắng mà không bồi
hoàn. Dự luật được chấp thuận bởi đa số 214/83 do Julius Malena là người
Mác-xít cấp tiến đứng đầu Đảng Chiến Sĩ Kinh Tế Tự Do (Economic Freedom
Fighters). Đạo luật này sẽ thay đổi bản hiến pháp và cho phép tịch thu đất của
người Da Trắng mà không bồi hoàn. Đảng ANC Cộng Sản Nam Phi hoàn toàn hỗ trợ dự
luật này và nói rằng thời kỳ hòa giải đã qua, đây là lúc lấy lại đất đã bị
người Da Trắng tước đoạt. Người Da Trắng làm chủ khoảng 72% đất đai ở Nam Phi.”
Thế nhưng ngày hôm nay ở
Nam Phi, khoảng 450,000 người Da Trắng sống dưới mức nghèo đói (nghèo mạt rệp,
sống lây lất ở các công viên, ngửa tay xin từng ổ bánh mì) vì chính sách kỳ thị
việc làm của chính phủ người Da Đen. Nay lại tịch thu đất đai của tầng lớp đang
“sống kha khá” thì không biết tương lai của họ ra sao? Người Da Trắng kỳ thị
người Da Đen thì bị Hoa Kỳ và Âu Châu cấm vận, cô lập và lên án cho đến khi
phải từ bỏ chính sách kỳ thị, giao lại chính quyền cho người Da Đen. Còn người
Da Đen kỳ thị người Da Trằng thì sao? Tại sao Bà thủ tướng Đức Merkel lại không
nhận những người này tỵ nạn mà lại nhận cả triệu người Hồi Giáo ở Trung Đông
cho thêm rắc rối? Nói cho cùng, mọi chuyện “rắc rối” trên hành tinh này đều do
người Da Trắng gây ra mà thôi. Còn dân Á-Phi, Châu Mỹ La Tinh (ngoại trừ Nhật
Bản) đều là dân yếu hèn, không có sức mạnh quân sự và kinh tế thì làm sao gây
rắc rối?
-AP ngày 1//3/2018: “Nga vừa thử một loạt các loại vũ khí nguyên
tử chiến lược không thể đánh chặn và tấn
công bất cứ vị trí nào trên thế giới. Vào ngày 1//3/2018, Tổng Thống Putin cho
biết Nga đã đạt được kỹ thuật cho phép gia tăng đáng kể sức mạnh quân sự của
họ, làm mạnh thêm vị trí toàn cầu và gia
tăng lo ngại của Tây Phương về cuộc chạy đua vũ trang mới trong Thế Kỳ XXI.
Theo Reuters cùng ngày, Tổng Thống Putin còn tuyên bố rằng Nga coi việc tấn
công nguyên tử vào đồng minh của Nga như tấn công vào chính nước Nga và sẽ trả
đũa tức thì.” (President Vladimir Putin said on Thursday that Moscow would
regard a nuclear attack on its allies as a nuclear attack on Russia itself and
would immediately respond.)”
Thế nhưng Nga không nói
rõ quốc gia nào là đồng minh, có thể là Hoa Lục, Ba Tư, Bắc Hàn, Cuba, Syria,
Belarus chăng? Còn theo AFP, trước sự “khoe khoang” của Nga, Bộ Quốc Phòng Hoa
Kỳ trấn an dư luận và nói rằng họ đã chuẩn bị sẵn sàng cả rồi, tức sẵn sàng
nghênh địch. Chưa bao giờ giữa hai siêu cường Nga-Mỹ lại có những đối đáp
“mạnh” tới như vậy.
Thế nhưng, dù thù hận
nhau thế nào đi nữa, cũng xin các “ông kẹ” nhớ cho, nhà bác học Einstein nói
rằng, “Sau Đệ III Thế Chiến nhân loại sẽ dùng gạch đá để đánh nhau”. Trong cuộc
chiến nguyên tử tới đây, Mỹ, Nga, Hoa Lục, Âu Châu, Ba Tư, Do Thái, Nhật Bản có
khi cả Úc Châu, Gia Nã Đại… đều chết hết. Tại Đông Nam Á- một nước có thể sẽ bị
hủy diệt vì có căn cứ hải quân của Mỹ, đó là Tân Gia Ba. Việt Nam nếu dính líu
với Hoa Lục hay Mỹ cũng sẽ bị hủy diệt luôn.
-AFP ngày 2/3/2018:
“Bangladesh yêu cầu Miến Điện rút ngay binh sĩ và súng nặng ra khỏi khu
vực Tombru sau khi binh sĩ Miến Điện
tăng cường quân sự gần một trại là nơi tạm trú của dân tỵ nạn Rohingya khiến
gây căng thẳng ở biên giới.”
-Reuters ngày 2/3/2018:
“Nam Dương công khai đánh roi hai người Thiên Chúa Giáo trong một trường hợp
hiếm hoi, bị phạt vì người vi phạm giáo luật không phải người Hồi Giáo. Hai
người Thiên Chúa Giáo Dahlan Silitonga 61 tuổi và Tjia Nyuk Hwa 45 tuổi- người
bị đánh sáu roi, người bị đánh bảy roi bởi một người mang mặt nạ và mặc áo
choàng, trong lúc một đám đông 300 người chế riễu và chụp hình ở bên ngoài một
thánh đường ở Tỉnh Banda Aceh. Hình phạt khắt khe trừng phạt đàn ông, đàn bà
Thiên Chúa Giáo được ban hành trên đất nước mà đa số là Hồi Giáo có khuynh
hướng cấp tiến và chính trị hóa việc diễn dịch Hồi Giáo. Hai người này bị cáo
buộc là đã đánh bạc.”
Đi du lịch những nơi này
nguy hiểm quá. Có lẽ cần phải hỏi Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ trước những gì bị cấm,
chẳng hạn như đánh bạc, hút thuốc lá,
đàn bà uống rượu, ăn thịt lợn, phải mặc áo choàng v.v… nếu không thì ăn
roi…tuổi già sức yếu chết như chơi. Thôi thì đừng tới là hơn.
- Reuters (Bắc Kinh)
ngày 5/3/2018: “Hoa Lục công bố gia tăng chi phí quốc phòng trong ba năm, với
mục tiêu tăng 8.1% cho ngân sách năm nay để đẩy mạnh tham vọng hiện đại hóa
quân đội và làm cho các nước láng giềng bồn chồn lo lắng. Phiên họp đầu tiên
của Quốc Hội đã đưa ra bản báo cáo với ngân sách quốc phòng năm 2018 là 1.11
ngàn tỉ nguyên (175 tỉ Mỹ Kim), so với Hoa Kỳ là 674 tỉ Mỹ Kim.”
-Tổng Hợp ngày 6/3/2018:
Lần đầu tiên Ô. Kim Jong Un đã gặp cố vấn an ninh của tổng thống Nam Triều Tiên
và hứa hẹn một cuộc gặp mặt thượng đỉnh. Hình ảnh cho thấy Ô. Kim Jong Un rất
thân thiện và cởi mở chứ không “gớm ghiếc” như sự mô tả của truyền thông Tây
Phương. Công bằng mà nói, Nam Triều Tiên rất khôn khéo và nhẫn nại với “người
anh em Miền Bắc”. Giả sử bây giờ nổ ra chiến tranh, ai là người bị thiệt? Xin
thưa đó là toàn dân Triều Tiên và có khi Mỹ chẳng rụng một sợi lông chân. Tôi
đánh giá cao và cảm phục tinh thần tạm gọi là “hòa giải” hay “hòa hoãn” và nhẫn
nại của Tổng Thống Nam Triều Tiên Moon
Jae-in. Dùng chiến tranh để thống nhất Nam-Bắc Triều Tiên ư? Sẽ là biển máu cho
cả hai bên. Nam Triều Tiên với lợi thế về kinh tế có thể là “đòn bẩy” giúp đỡ
người anh em Miền Bắc từ từ khá hơn rồi bớt hung hăng đi. Còn thống nhất thì từ
từ tính sau, đừng nóng vội. Ngoài ra theo Good Morning America ngày 8/3/2018,
Tổng Thống Donald Trump cũng đã đồng ý gặp Ô. Kim Jong Un và Tháng 5- một cuộc
gặp gỡ có thể gây nhiều rủi ro cho Ô.Trump. Cố vấn an ninh của tổng thống Nam
Triều Tiên đã chuyển lời mời của Ô. Kim Jong Un tới Ô. Trump. Tôi cho rằng vấn
đề mấu chốt ở chỗ Bắc Triều Tiên luôn luôn lo ngại Mỹ lật đổ họ. Nếu bảo đảm
được điều này thì Bắc Triều Tiên có thể hủy bỏ chương trình chế tạo vũ khí
nguyên tử. Chưa biết tương lai ra sao nhưng đây là những tin vui, rất vui cho Á
Châu và cả thế giới.
Tuy nhiên, nếu Ô. Trump
bằng lòng gặp Ô. Kim Jong Un thì nơi nào sẽ là địa điểm thuận tiện nhất? Dĩ
nhiên phải là một nước trung lập và an toàn cho cả hai bên. Chắc chắn không
phải là Bắc Kinh, Hán Thành, Tokyo hoặc Mạc Tư Khoa. Các nhà bình luận đã nghĩ
tới Bàn Môn Điếm, Hà Nội, Nha Trang hoặc Đà Nẵng là nơi tổ chức APEC vừa rồi là
nơi an toàn và thuận tiện nhất để Ô. Trump và Kim Jong Un gặp nhau. Thụy Sĩ,
Thụy Điển…không phải là nơi Ô. Kim Jong Un ưa thích vì các quốc gia này thường
có quan điểm chống Bắc Triều Tiên và
thường nổ ra các cuộc biểu tình chống Ô. Trump lẫn Ô. Kim Jong Un.
-Washington Post ngày
7/3/2018: “Viện Bảo Tàng Tưởng Niệm Thảm Sát Hoa Kỳ (U.S. Holocaust Memorial
Museum) loan báo hủy bỏ giải thưởng cao quý Elie Wiesel trao tặng cho Bà San
Suu Kyi năm 2012 và cũng là người đoạt Giải Thưởng Nobel với lý do đã không nói
gì đến tội lỗi của quân đội Miến Điện đối với người Hồi Giáo Rohingya thiểu
số.” Theo Reuters ngày 9/3/2018, “Viên chức cao cấp của LHQ đặc trách nhân
quyền kêu gọi điều có thể là diệt chủng đối với sắc tộc Hồi Giáo Rohingya cần
phải được đưa ra Tòa Án Hình Sự Quốc Tế để truy tố. Cao Ủy đặc trách Nhân Quyền
của LHQ Zeid Ra'ad al-Hussein thúc giục chính quyền Miến Điện cho nhóm quan sát
tới miền bắc Tiểu Bang Rakhine để điều tra về điều mà ông gọi là hành vi diệt
chủng đối với nhóm thiểu số Hồi Giáo.” (Ô. Zeid Ra'ad al-Hussein là người
Jordani theo Hồi Giáo)
Nói cho cùng ra, giải thưởng trên
thế gian này cũng chẳng có giá trị gì. Tự con người mình làm cho mình có giá
trị, chẳng cần ai cấp cho tờ giấy ban khen, chứng nhận. Ô. Obama làm gì cho nền
hòa bình thế giới khi mới lên làm tổng thống hai ba tháng đã được giải Nobel
Hòa Bình? Trong khi ông nói rằng lỗi lầm lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của
ông là đem quân lật đổ và giết chết Ô. Gadaffi? Còn Phó Tổng Thống Al Gore làm
gì để bảo vệ bầu khí quyển mà cũng được Giải Thưởng Nobel về khí hậu ? Nhiều
khi giải thưởng chỉ là một công cụ chính trị. Bà San Suu Kyi phải sống với dân
tộc của bà và không thể sống với Giải Nobel. Đó là thực tế chính trị. Thực tế
chính trị thường đi ngược với lý tưởng. Cho dù thánh nhân xuất thế cũng không
thể cùng lúc vừa đạt được lý tưởng vừa giải quyết được thực tế. Bà San Suu Kyi
đang ở vào tình thế vô cùng khó khăn.
-Bloomberg News ngày 11/3/2018:
“Quốc gia 11 triệu dân Cuba đang bỏ phiếu trong cuộc bầu cử độc đảng để tuyển
chọn trước những ứng cử viên cho hơn 600 dân biểu quốc hội. Theo đó, các nghị
sĩ quốc hội sẽ chọn người thay thế Chủ Tịch Raul Castro 86 tuổi sẽ về hưu vào
19 Tháng 4 năm nay. Tất cả những dấu hiệu cho thấy họ sẽ chọn Miguel Diaz Canel
là một kỹ sư 57 tuổi hiện đương là phó chủ tịch nước. Theo Ted Piccone là nhân
vật lão thành của Brookings Institution tại Hoa Thịnh Đốn, đây là biểu tượng quan trọng chuyển giao quyền
chỉ huy từ những nhân vật lịch sử như anh em Castro cho thế hệ tiếp nối.”
Theo sự phỏng đoán của riêng tôi,
với sự chuyển giao quyền hành cho thế hệ mới, Cuba sẽ bắt chước đường lối ngoại
giao và phát triển kinh tế của Việt Nam. Cuba là một nước nhỏ nằm sát siêu
cường Mỹ không thể nào cứ mãi căng thẳng với Mỹ, mà cần hòa dịu với Mỹ và mở
bung ra khắp thế giới để phát triển đất nước. Và Hoa Kỳ cũng không nên áp đặt
một thể chế chính trị giống hệt như mình lên Cuba. Mỗi quốc gia có một lịch sử
khác nhau và trải qua những đau đớn khác nhau.Nên để dân tộc họ tự quyết.
-Reuters (Luân Đôn) ngày 14/3/2018:
“Nhà vật lý lừng danh và được mọi người yêu mến Stephen Hawking qua đời ở tuổi
76. Ông bị bệnh tê liệt não, phải ngồi xe lăn suốt 50 năm, nói chuyện với mọi
người qua một máy trợ giúp khi ông mấp máy ở môi nhưng không thể ngăn ông tiếp
tục cống hiến những kiến thức về vũ trụ cho nhân loại. ” Theo Newsweek, Stephen
Hawking tự nhận mình là người Vô Thần (Atheist) và ông cho rằng ý niệm Thượng
Đế không cần thiết để giải thích sự khởi đầu của vũ trụ khi mà những định luật
vật lý đã đủ để chứng minh.” (the idea of God was "not necessary" to
explain the origin of the universe as the laws of physics offer enough of an
explanation.) Cũng theo Stephen Hawking “vũ trụ không có bắt đầu vì nó không có
ranh giới ban đầu trong thời gian hoặc không gian.” Tức là không có chuyện
trước khi vũ trụ hình thành nó không có gì hết,
rồi vào một thời điểm nào đó do hóa phép hay do định luật vật lý mà nó
mới hình thành. Phám phá này phù hợp với quan điểm “Vô thủy vô chung của Phật
Giáo”.
Tình hình Trung Đông:
-RT International ngày
1/3/2018: “Thư Ký của Hội Đồng An Ninh
Quốc Gia Nga Alexander Venediktov cho biết việc Hoa Kỳ chuyển giao vũ khí tối
tân và khích lệ lực lực lượng người Kurd đã khiêu khích Thổ Nhĩ Kỳ phải thực
hiện cuộc tiến công vào khu vực Afrin phía đông của Syria.”
-UPI ngày 2/3/2018: “Theo tin quân
sự, 8 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tử thương tại bắc Syria trong cuộc Hành Quân Cành
Ô-liu tại Afrin và 13 binh sĩ khác bị thương. Theo AP, không quân Thổ cũng oanh
kích hai vị trí của nhóm quân ủng hộ chính phủ Syria và gây thương vong cho một
số của lực lượng này khiến tình hình khu vực Afrin căng thẳng thêm. Cuộc Hành
Quân Ô-liu được tiến hành vào ngày 20/1/208.”
-AFP ngày 3/3/2018: “Quân chính phủ
Syria tiến vào trong khu phía đông của Ghouta trong lúc cường độ giao tranh gia
tăng để tái chiếm khu vực đã tan nát hiện do phiến quân kiểm soát. Dưới sự trợ
giúp của Nga, quân chính phủ đã tung ra 18 đợt tấn công vào khu vực bị bao vây
và tiến hành những cuộc không kích làm chết 630 thường dân. Nghị quyết yêu cầu
ngưng bắn do Hội Đồng Bảo An LHQ đưa ra bị Nga phủ quyết.”
Dường như mỗi lần phiến quân sắp bị
tiêu diệt, Anh, Pháp, Hoa Kỳ thường kêu gọi một cuộc ngưng bắn với lý do bảo vệ
thường dân để cứu nguy cho lực lượng này và đều bị Nga bác bỏ. Tin cập nhật
ngày 10/3/2018 cho biết một số chiến binh của lực lượng ly khai đã cùng gia
đình di tản ra khỏi đông Ghouta để về Tỉnh Idlib.
-CNN ngày 4/3/2018: “Tòa Đại Sứ Hoa
Kỳ tại Thổ Nhĩ Kỳ loan báo cho công dân của mình biết là sẽ đóng cửa từ ngày
Thứ Hai vì an ninh bị đe dọa và khuyên họ đừng xuất hiện nhiều. Tòa đại sứ tọa
lạc tại Quận Lavaklidere của Thủ Đô Ankara nói rằng sẽ mở cửa lại khi nào tái
tục công việc. Nội dung của đe dọa an ninh không được tiết lộ. Thổ đã là nạn
nhân của những cuộc khủng bố những năm gần đây và chính quyền nghi ngờ các nhóm
Nhà Nước Hồi Giáo, nhóm người Kurd cực
đoan và các nhóm cực hữu.”
-AFP ngày 6/3/2018: Liên quân do
Hoa Kỳ hỗ trợ loan báo họ sẽ rút 1700 quân hiện đang đối đầu với Nhà Nước Hồi Giáo
để tái phối trí lực lượng tại khu vực đang bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công. Tổng Thống
Erdogan của Thổ kêu gọi Hoa Kỳ ngăn chặn cuộc tái phối trí này.” Tin mới nhất
cho biết quân Thổ đã bao vây khu vực Afrin. 700,000 dân đang kẹt trong khu vực
này. Rõ ràng cuộc chiến đã chuyển hướng, từ tiêu diệt Nhà Nước Hồi Giáo, phe
phiến quân do Hoa Kỳ nuôi dưỡng chuyển qua đối đầu với quân chính phủ và quân
Thổ.
-The Daily Beast ngày 13/3/2018:
“Nga thề sẽ đánh trả bất cứ cuộc oanh kích nào của Mỹ vào Syria- lời tuyên bố
làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và Tây Phương (Hoa Kỳ và NATO). Bà Nikki
Haley- Đại Sứ Hoa Kỳ tại LHQ mới đây nói rằng Hoa Kỳ chuẩn bị hành động quân sự
nếu LHQ không tiến hành được cuộc ngưng bắn tại vùng Ghouta đang bị bao vây. Vào ngày hôm nay 13/3/2018, Tổng
Tham Mưu Trưởng Nga tuyên bố sẽ đáp trả bất cứ cuộc oanh kích nào của Mỹ vào
Syria để bảo vệ binh sĩ Nga.”
Tại sao không tiến hành một cuộc
ngưng bắn tại Ghouta lại là lý do khiến
Hoa Kỳ phải ném bom hay oanh kích vào quân chính phủ Syria? Bà Nikki Haley nổi
tiếng “nổ sảng” hay thật sự Hoa Kỳ muốn nhân cơ hội này mở một cuộc chiến trực
diện với Syria trong lúc Nga hiện diện quân sự tràn đầy ở đây? Chúng ta chờ
xem. Nếu ít ngày nữa mà Hoa Kỳ không làm gì hết thì Bà Nikki Haley là một đại
sứ nguy hiểm cho Hoa Kỳ trên diễn đàn quốc tế. Trước đây Bà Nikki đã chỉ mặt và
ghi tên trên 100 quốc gia đã biểu quyết chống lại quyết định của Ô. Trump công
nhận Jerusalem là thủ đô của Do Thái và đe dọa sẽ có biện pháp trừng phạt và
cắt bỏ phần đóng góp tài chính cho Liên Hiệp Quốc, nhưng cuối cùng Hoa Kỳ chỉ
đe dọa và không làm gì hết.
Nếu không đóng góp cho
LHQ nữa thì Hoa Kỳ mất vai trò quyết định và sẽ phải đơn phương hành động trên
quy mô toàn cầu mà không có mạng lệnh của LHQ. Ngoài ra khi nghỉ chơi với LHQ
cũng có nghĩa là “chơi luật rừng”. Hoa Kỳ dư sức “chơi luật rừng” như Đức Quốc
Xã, Quân Phiệt Nhật hay Phát-xít Ý ngày xưa, nhưng hậu quả ra sao thì chưa ai
biết được.
Tình hình Biển Đông:
-Tổng Hợp ngày 3/3/2018: Trong chiến
lược ngoại giao đa phương, dùng Nga, Ấn Độ, Úc Châu, Nhật Bản, Hoa Kỳ làm điểm
tựa về kinh tế và quân sự, Ô. Trần Đại Quang- Chủ Tịch nước Việt Nam đã thực
hiện chuyến công du, gặp gỡ và tiếp xúc với tổng thống và thủ tướng Ấn Độ.
Trong cuộc hội đàm với Thủ Tướng Modi, hai bên đã đồng ý đưa kim ngạch thương
mại song phương lên 15 tỉ Mỹ Kim vào năm 2020. Sự tiếp đón trọng thể dành cho
Ô. Trần Đại Quang cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong “Hành Động Hướng
Đông” và mở rộng tầm ảnh hưởng của Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á. Hiện nay Ấn Độ
đang giúp Việt Nam đào tạo phi công lái máy bay tiêm kích, thủy thủ tàu ngầm,
cấp tín dụng (cho vay) ưu đãi, học bổng về kỹ thuật và có thể bán hỏa tiễn siêu
âm Brahmos cho Việt Nam. Cộng thêm với sự kiện HKMH Carl Vinson vào Đà Nẵng, có
lẽ Bắc Kinh, ngoài mặt thì tỏ vẻ thân thiện, nhưng bên trong chắc chắn không ưa
gì chiến lược ngoại giao “đu dây” của Việt Nam.
-Aljazeera (Hải Dương) ngày
8/3/2018: “Việt Nam hy vọng sẽ là một trong
những quốc gia đạt thắng lợi lớn nhất với sự tu chính lại Thỏa Hiệp Hợp
Tác Xuyên Thái Bình Dương (TTP) đã được ký kết vào ngày hôm nay tại Chí Lợi.
Thỏa hiệp này có lúc tưởng đã đổ vỡ sau khi Hoa Kỳ tuyên bố rút lui vào năm
ngoái.”
Như thế mọi chuyện đã trở nên quá trễ cho Ô. Trump
muốn quay trở lại với thỏa hiệp này. Chúng ta chờ xem thái độ của Hoa Kỳ như
thế nào.
-Reuters ngày 13/3/2018:
“Ngoại Trưởng Úc Đại Lợi Julie Bishop sẽ ca ngợi vai trò của luật pháp quốc tế
trong việc giải quyết những tranh chấp tại khu vực Biển Đông - lời bình luận
nhằm thúc đẩy nỗ lực của Úc nhắm thành lập một liên minh chống lại sự khăng
khăng của Hoa Lục. Bà Bishop trong bài diễn văn trước cuộc họp của ASEAN tại
Sydney, dù không nêu tên Trung Quốc nhưng lập luận rằng công pháp quốc tế sẽ
đem lại ổn định cho khu vực đang căng thẳng bởi các bên tranh chấp ở Biển Đông
và nó sẽ giới hạn ở một mức độ nào đó mà các quốc gia dùng sức mạnh kinh tế hay
quân sự để áp đặt những điều bất công lên các quốc gia yếu hơn. Những điều phát
biểu này đã lộ ra từ bài diễn văn mà bà Bishop sẽ đọc trong Hội Nghị ASEAN.”
Trong chuyến công du Úc
Châu, ngày 15/3/2018, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ Tướng Malcolm Turnbull
đã ký Thỏa Hiệp Hợp Tác Chiến Lược giữa hai bên. Điều này cho thấy Úc rất lo
lắng về sự lớn mạnh quân sự của Hoa Lục tại Biển Đông.
-The National Interest
ngày 14/3/2018: “Nga dường như đang làm việc để thực thi một giao kèo cung cấp
cho Nam Dương phi cơ chiến đấu Su-35 tối tân nhất của Nga. Tuy nhiên chưa có
chi tiết cho biết lúc nào thì phi cơ được giao.”
Các quốc gia Đông Nam Á
và Trung Đông không dám mua vũ khí của Mỹ là vì -bất thần một chuyện gì xảy ra,
Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành lệnh trừng phạt thì những vũ khí đã mua, đặc biệt máy
bay sẽ trở thành đống sắt chất trong kho vì không có phụ tùng/cơ phận thay thế.
Chính vì thế mà họ thích mua vũ khí từ Nga, một số mua vũ khí của Hoa Lục.
Tháng Năm, 2016 Ô. Obama tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt
Nam, thiên hạ bàn tán xôn xao là Việt Nam sẽ mua vũ khí của Mỹ nhưng hai năm đã
qua, Việt Nam chẳng mua gì cả cũng chỉ vì mối lo sợ nói trên. Hiện nay Việt Nam
đã mua của Nga hệ thống hỏa tiễn chống hỏa tiễn S-300, sáu tàu ngầm Hố Đen, bốn tuần dương hạm tàng
hình Gepard và tiêm kích Su-30MK2, hệ thống ra-đa tối tân của Do Thái. Rồi với
sự hỗ trợ từ Nga và Hà Lan đã tự đóng lấy các pháo hạm Molniya và Sigma. Như
vậy sức mạnh tự vệ cũng khá đủ, thiết nghĩ chẳng cần mua vũ khí của Mỹ để làm
gì. Nếu có mua thì chỉ mua phi cơ Orion P.3 để tuần thám Biển Đông. Thế nhưng
phi cơ tuần thám Mỹ bay từng ngày, từng giờ ở Biển Đông thì Việt Nam bay lên đó
để làm gì? Đụng chạm nhau mất công. Và Trung Quốc có thể lấy cớ Việt Nam vi
phạm không phận để bắn hạ. Thôi thì để ông Mỹ làm chuyện đó và chỉ cần ký kết
thỏa ước “Khi nào ông thấy cái gì trên Biển Đông thì báo cho chúng tôi biết”.
Thế là xong, vừa an toàn, vừa tiện lợi. Xin nhớ, mua vũ khí của ai, mua cái gì
là cả một chiến lược quốc phòng chứ không phải mua chiếc xe đạp, mua cái nồi
cơm điện, mua cặp kính mát đeo chơi.
Nhận Định:
Ngày 5/3/2018: HKMH Carl
Vinson của Hoa Kỳ đã ghé Cảng Đà Nẵng đánh dấu một bước tiến mới trong liên hệ
quốc phòng Việt-Mỹ. Đã có rất nhiều bình luận liên quan đến biến cố lịch sử
này.
-Trong thời kỳ chiến
tranh, đã có ít nhất 22 HKMH Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Các HKMH này đậu tại Vịnh
Bắc Việt và dọc theo bờ biển Miền Trung, tung ra những cuộc oanh kích vào Miền
Bắc, Đường Mòn HCM và yểm trợ cho chiến trường Miền Nam. Nổi tiếng nhất có các
HKMH Midway, Coral Sea, Kitty Hawk,
Constellation và Enterprise. Chiếc Enterprise được triển khai từ
1965-1972 và trở lại ở ngoài khơi Vũng Tàu để thực hiện chiến dịch rút lui cuối
cùng của người Mỹ cho đến ngày 1/5/1975. Ngoài B-52 phát xuất từ Okinawa (Nhật
Bản), U-tapao (Thái Lan), Subic và Clark (Phi Luật Tân)…những máy bay cất cánh
từ những KHMH này đã gieo kinh hoàng cho dân chúng và bộ đội Miền Bắc. Thế mà
nay HKMH Mỹ lại ung dung ghé thăm Việt Nam trong 5 ngày, được tiếp đón trọng
thể với các chương trình hòa nhạc, thể thao, thăm viếng, ăn uống và vui chơi
giải trí…Như vậy Việt Nam toan tính gì đây?
-Theo tôi, Việt Nam đã
đi một nước cờ liều lĩnh khi cho HKMH Carl Vinson vào Cảng Đà Nẵng. Đối với Mỹ,
dĩ nhiên là rất có lợi, nhưng đối với Hoa Lục, đây có thể là một hành động
khiêu khích, trong lúc Việt Nam cố cân bằng ảnh hưởng và tránh gây căng thẳng
với Hoa Lục.
-Cân bằng ảnh hưởng giữa
các siêu cường là chiến lược của Việt Nam. Thế nhưng thực hiện điều này rất
khó. Hiện nay Hoa Lục đã quân sự hóa các đảo nhân tạo, hiện diện quân sự thường
trực trên Biển Đông và với sức mạnh quân sự mỗi lúc mỗi gia tăng…thì Việt Nam
phải làm gì? Theo tôi nghĩ, không còn cách nào hơn là “welcome” Mỹ và quốc tế
hiện diện tại Biển Đông và hợp tác quân sự với Mỹ theo từng nấc thang và tùy
tình hình. Nói một cách thẳng thừng, ngoài Hoa Kỳ ra thì không một siêu cường
nào có thể cân bằng lực lượng với Hoa Lục và giữ yên Biển Đông.
-Tôi cũng phỏng đoán
rằng rồi đây HKMH tối tân của Anh cũng có thể sẽ ghé thăm Việt Nam khi từ Úc
Châu thực hiện chuyến du hành “Tự Do Hàng Hải” qua Biển Đông. Và tàu chiến tối
tân của Nga cũng sẽ ghé thăm Việt Nam và sẽ ghé Cam Ranh chứ không phải Đà
Nẵng.
-Chiến lược khôn ngoan
của Mỹ ngày hôm nay không phải là đổ 600,000 quân vào Việt Nam, tiêu phí 1000
tỉ Mỹ Kim và hy sinh khoảng 58,000 binh sĩ để ngăn chặn Trung Quốc…mà làm cho
Việt Nam mạnh lên - đúng như lời của Ô.
Daniel J. Kritenbrink- Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói trong buổi tiếp
đón thủy thủ đoàn của HKMH Carl Vinson ghé Cảng Tiên Sa. Đó là chiến lược ít
tốn kém nhất (không phải viện trợ tiền và vũ khí), hữu hiệu nhất (quân đội Việt
Nam hiện nay mạnh nhất Đông Nam Á) và
rảnh tay nhất (không phải lo đánh phụ, cõng Việt Nam trên lưng). Một Việt Nam
mạnh lên về cả kinh tế lẫn quốc phòng sẽ là lực cản tự nhiên đối với tham vọng
bành trướng của Hoa Lục tại Biển Đông. Đó là toan tính của các chiến lược gia
Hoa Kỳ ngày hôm nay. Còn ngày mai ra sao thì chưa ai biết được. Chẳng hạn, nếu
Mỹ đạt được một thỏa hiệp “Cùng chia nhau Biển Đông, cùng hưởng Thái Bình
Dương” với Bắc Kinh thì lúc đó Mỹ chẳng cần Việt Nam nữa và cũng chẳng cần khiêm
tốn, ngọt ngào, “nối vòng tay lớn”. Trong bối cảnh thế giới ngày hôm nay, Mỹ
hăng hái nhảy vào Việt Nam cũng là để bảo vệ sự tồn vong của Mỹ. Việt Nam dù
biết thế, nhưng vì rất cần Mỹ cho nên mới có “Hợp Tác Toàn Diện” và HKMH Carl
Vinson ghé Đà Nẵng. Trên đời này, một cặp tình nhân yêu nhau thắm thiết thì cứ
làm đám cưới đi, nhưng nếu khôn ngoan thì cũng phải chuẩn bị cho ngày có thể
đưa nhau ra tòa.
-Tình hình Biển Đông
hiện nay diễn biến khôn lường, căng thẳng mỗi lúc mỗi gia tăng cho nên khó tiên
đoán lập trường của Việt Nam “dứt khoát” hoặc tiến xa hơn như thế nào cho nên
mọi khẳng định đều quá sớm. Kinh nghiệm Gạc-Ma 1988 cho Việt Nam một bài học là
phải cảnh giác ngày đêm với ông bạn đồng chí có “Bốn Tốt và 16 Chữ Vàng”. Bảo
vệ đất đai của Tổ Quốc là tối thượng nhưng một sự hợp tác sâu rộng về quân sự
với Mỹ sẽ làm tổn thương cho sự hợp tác có tính cách truyền thống và chiến lược
với Nga. Chơi với bạn bè mà tự lập, không nhờ vả bạn bè vẫn tốt hơn là lệ thuộc
vào bạn. Theo tôi, yếu tố quyết định vẫn là sức mạnh quân sự riêng của Việt
Nam. Nếu sức mạnh đó đủ sức răn đe thì Trung Quốc sẽ không dám tấn công hoặc
chiếm thêm đảo của Việt Nam - một cuộc chiến lập tức gây khủng hoảng toàn cầu
và vô cùng bất lợi cho Bắc Kinh.
Đào Văn Bình
(California ngày 15/3/2018
Comments
Post a Comment