Giải mã toàn bộ chiến lược của Bắc Hàn


  • Dec 25 at 1:05 AM

    alt
    Tổng Thống Trump nhiều lần nói sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un. (Hình: Jung Yeon-Je/AFP/Getty Images)

    Khoảng cách từ Washington tới miền Đông của Bắc Hàn chỉ vào khoảng 12,700 km, mà các chuyên gia lại ước tính là tên lửa Whasong-15 vừa phóng đi có tầm xa tới 13,000 km (nếu được phóng theo quỹ đạo thông thường thay vì phóng lên trời). Như vậy thì hăm dọa của Bình Nhưỡng có thể tấn công bất cứ nơi nào trên lục địa Mỹ là khả tin?

    Trong thời gian qua, dư luận quốc tế phần nhiều là chỉ bình luận về sự tiến bộ nhanh chóng của Bắc Hàn: tên lửa xuyên lục địa, đầu đạn nguyên tử, vũ khí hoa học, chiến tranh cyber, và hình ảnh một cuộc chiến khốc liệt có thể xảy ra.

    Sở dĩ như vậy là vì ông Kim Jong Un luôn đe dọa là sẽ tấn công phủ đầu nước Mỹ bằng nguyên tử (preemptive strike). Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis đã nói với Quốc Hội là Bắc Hàn đã “thay thế Nga Xô trở thành mối nguy hiểm số một” (Tháng Sáu, 2017). Ông lại vừa tuyên bố “Bắc Hàn đe dọa gấp rút và nguy hiểm nhất cho hòa bình và an ninh.”

    Nhưng câu hỏi đặt ra là: khi ồ ạt phóng tên lửa ngay từ lúc Tổng Thống Trump vừa đăng quang, rồi tăng tốc từ đó thì mục đích của Bình Nhưỡng là gì? Liệu ông Kim Jong Un có thực sự nghĩ rằng sẽ “cho Mỹ nếm mùi cay đắng” như từng tuyên bố hay không?

    Nếu không thì với mục đích gì?

    Và rồi cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ đi tới đâu?

    Giải mã chiến lược của ông Un

    Trả lời câu hỏi đầu tiên: chắc chắn là không, ông Kim Jong Un không thực sự nhắm vào lục địa Mỹ như đề cập dưới đây.

    Vậy ông ta theo đuổi mục đích gì? Mục đích là gây áp lực tối đa đối với Mỹ bằng cách chứng minh – một cách thuyết phục – rằng mình đã thực sự có sức mạnh nguyên tử – vừa đầu đạn, vừa sức phóng – “ngang bằng với Mỹ,” như chính ông ta đã nói. Thêm vào đó là những vũ khí hóa học, tấn công mạng.

    Áp lực tối đa với mục tiêu nào? Mục tiêu là để Mỹ phải điều đình, tiến tới việc rút quân khỏi Nam Hàn, điều kiện tiên quyết mà triều đại “Nhà Kim” (The Kim Dynasty) đã đưa ra để thống nhất đất nước.

    Giấc mơ triền miên về thống nhất

    Sở dĩ chúng tôi có thể đoan chắc như trên đây vì con đường ông Kim Jong Un đang đi thì cũng chỉ là tiếp nối những bước đi của Kim Il Sung, người ông, và Kim Jong Il, người cha của ông ta, để theo đuổi giấc mơ tiến tới một nước Triều Tiên thống nhất.

    Muốn như vậy thì phải áp lực cho bằng được để Mỹ rút ra khỏi Nam Hàn. Nhưng làm sao đẩy được Mỹ ra? Bắc Hàn cho rằng chỉ có một giải pháp duy nhất: đó là phải có vũ khí nguyên tử.

    Cuộc hành trình 61 năm của ông và cha (1950 tới 2011) đã không thành công, cho nên trối lại sứ mệnh này cho người con, người cháu trẻ tuổi nhất, hăng say nhất.

    Vì còn quá trẻ, lại không có con lớn đủ để kế vị mình, cho nên ông Un phải vội vã hoàn thành sứ mệnh cho lẹ.

    Kim Il Sung (1948-1994) với quyết định nguyên tử

    Vừa lên ngôi năm 1948, ông Sung đã nghĩ ngay tới thống nhất bằng quân sự. Ông xua quân sang qua vĩ tuyến 38 tấn chiếm Nam Hàn (Tháng Sáu, 1950). Về phía Trung Quốc thì ông Mao – dù vừa mới chân ướt chân ráo tiến vào Bắc Kinh – đã dùng chiến thuật biển người, đưa tới 300,000 quân sang yểm trợ.

    Nếu như không có Tướng Mỹ MacArthur đẩy lui thì mộng thống nhất đã thành công ngay từ thập niên 1950 rồi. Vì bị đẩy lui cho nên, sau ba năm chinh chiến (1950-1953) với bao nhiêu tổn thất nặng nề cho cả Bắc Hàn lẫn Trung Quốc, cuối cùng ông Il Sung lại phải rút quân về vị trí ban đầu.

    Theo Tiến Sĩ Sung-Yoon Lee tại Fletcher School, Đại Học Tufts thì “hạt giống nguyên tử đã được gieo (vào óc ông Il Sung) ngay từ Korean War.” Đó là vì ông ta thấy thất bại của mình chỉ là vì Mỹ có nguyên tử, còn Bắc Hàn và Trung Quốc thì chưa có nguyên tử, cho nên phải chấp nhận ngưng chiến.

    Từ đó ông quyết định bất cứ chiến lược nào để thống nhất thì cũng phải có khí giới nguyên tử.

    Khi chúng tôi nghiên cứu để viết cuốn sách “Khi Đồng Minh Nhảy Vào” thì mới biết rằng Tổng Thống Eisenhower lúc vừa thắng cử (1952) đã bí mật đi Đại Hàn để nhận xét tại chỗ. Là vị tướng lão thành và đã chỉ huy cuộc đổ bộ Normandy ông đi tới kết luận là trong trường hợp này chỉ còn có cách là sử dụng nguyên tử như ở Hiroshima. Và ông đã cho Trung Quốc và Bắc Hàn biết quyết định ấy.
    alt
    Nhà lãnh đạo Kim Jong Un tham gia chúc mừng các kỹ sư, nhà khoa học Bắc Hàn sau vụ thử hạt nhân hôm 10 Tháng Chín, 2017. (Hình: KCNA via KNS/STR/AFP/Getty Images)

    Nhờ cậy Chủ Tịch Mao khi thấy “Đồng Minh Tháo Chạy” khỏi miền Nam

    Ít ai biết đến cái gạch nối giữa sự sụp đổ của miền Nam và quyết định đẩy mạnh thống nhất của ông Kim Il Sung. Giữa Tháng Tư, 1975, khi quân đội Bắc Việt tiến tới Xuân Lộc, cái chốt cuối cùng trước của ngõ vào Sài Gòn, ông Sung gấp rút đi Trung Quốc cầu viện. Với nửa triệu quân mà rút cuộc, Mỹ cũng phải tháo chạy. Vậy thì, với 50,000 quân đóng ở DMZ (chỉ bằng 10% quân số của Mỹ ở Việt Nam), tại sao không thể đẩy Mỹ ra? Cho nên ông quyết định làm việc này qua vũ khí nguyên tử.

    Ngày 18 Tháng Tư, 1975, ông lãnh đạo một phái đoàn cao cấp đi Bắc Kinh họp với chính phủ Trung Quốc gồm cả ông Đặng Tiểu Bình trước khi hội kiến với Chủ Tịch Mao. Đây là chuyến đi quan trọng nhất đối với ông Il-Sung vì là chuyến xuất ngoại đầu tiên kể từ khi ông đi thăm viếng Liên Xô và Trung Quốc năm 1961 và Indonesia vào năm 1965.

    Cuộc họp kéo dài tới ba ngày: 19, 23, 26 Tháng Tư. Nội dung những cuộc bàn bạc là gì thì vẫn còn là một bí ẩn chưa bao giờ được công khai chi tiết. Nhưng Giáo Sư Shen Zhihua (Đại Học East China Normal University) trong cuốn sách “The Last Heavenly Dynasty: China and North Korea in the Age of Mao Zedong and Kim Il Sung” đã tiết lộ rằng ông đã tìm được những thông tin có thể trả lời dứt khoát cho câu hỏi này. Theo ông Shen thì cuộc họp đã xảy ra vào lúc miền Bắc Việt Nam đang chiến thắng Mỹ, và tại Cambodia thì chính phủ thân thiện với Mỹ cũng sắp bị triệt hạ.

    “Thưa Chủ Tịch Mao, chiến thắng của Việt Nam cũng giống như chiến thắng của chúng tôi,” ông Kim nói với ông Mao khi bàn về những biến chuyển mới.

    “Ông Kim trình bày ý muốn của mình là dùng võ lực để thống nhất cũng như vậy.”

    Ông Mao từ chối, ông Il Sung xúc tiến một mình

    “Thưa đồng chí, tôi không muốn thảo luận về các vấn đề chính trị nữa,” ông Mao nói lảng đi và trả lời ông Kim. Cuộc đối thoại kết thúc một cách lạnh nhạt sau 30 phút.”

    Sở dĩ như vậy vì lúc ấy ông Mao đang đi tới hòa giải và bám sát Hoa Kỳ sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng Thống Nixon (Tháng Hai, 1972 ). Ông Mao tiếp tục tránh né yêu cầu của ông Kim. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Mainichi Shimbun, ông Shen thêm rằng: “Ông Kim đã không nói rõ tại cuộc họp rằng ông muốn có một ‘Korean War’ thứ hai, nhưng trước chuyến đi Bắc Kinh, ông đã nói rõ về giải pháp này trong nội bộ Đảng Lao Động, cho nên đã thật rõ ràng là ông đã cân nhắc việc này.”

    Trong một cuộc phỏng vấn khác với cùng tờ Mainichi Shimbun, Giáo Sư Masao Okonogi (từ Keio University) một chuyên gia về những vấn đề Đại Hàn cũng xác định thêm: “Có nhiều lời đồn rằng năm 1975 Trung Quốc đã từ chối không hỗ trợ Bắc Hàn trong việc muốn thống nhất bằng vũ lực, nhưng không có chi tiết cụ thể nào được tiết lộ. Có điều chắc chắn là ông Kim đã rời khỏi cuộc đàm phán với một cảm nhận rõ ràng rằng Trung Quốc sẽ không giúp mình khi cần đến. Phân tích này cho thấy kết quả cuộc họp này đã dẫn đến việc Bình Nhưỡng chia tay với Bắc Kinh để tự mình giải quyết vấn đề, đó là khởi sự của chương trình sản xuất nguyên tử, tiếp tục cho tới ngày nay.”

    Theo tài liệu nghiên cứu mới đây của Viện Wilson Center ở Washington (2015) thì cuộc họp này được tóm tắt như sau:

    -Dựa trên những biến chuyển mới ở Đông Dương – mối quan tâm chính của Bắc Hàn trong cuộc họp lịch sử này là muốn phối hợp với Trung Quốc về chính sách tương lai của mình để áp lực Hoa Kỳ phải từ bỏ lập trường bảo vệ Nam Hàn.

    -Cho nên trong lần xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên ở Bắc Kinh, ông Kim Il Sung đã tuyên bố hết sức mạnh mẽ về việc giải phóng Nam Hàn. Ông liệt kê ba điều kiện tiên quyết cho việc thống nhất trong hòa bình mà không có lực lượng nào bên ngoài nào xen vào. Đó là:

    +Mỹ phải rút hết quân đội khỏi Nam Hàn.

    +Chấm dứt tất cả các sự can thiệp vào nội bộ của Đại Hàn.

    +Lật đổ chế độ Park Chung-hee ở Nam Hàn.

    Tuy nhiên phía Trung Quốc tuyên bố chỉ ủng hộ chính sách “thống nhất trong hòa bình mà không có sự can thiệp của nước ngoài.”

    Khai thác uranium

    Không được Trung Quốc hỗ trợ, Kim Il-sung chia tay với Bắc Kinh để đến gần Liên Xô. Với sự yểm trợ của Liên Xô thì từ cuối thập niên 1970 tới đầu thập niên 1980, Bắc Hàn đã bắt đầu khai thác được uranium ở nhiều địa điểm gần Sunchon và Pyongsan. Từ đó các hoạt động thí nghiệm và sản xuất tăng mạnh.

    Nhưng ông Il Sung đã không sống lâu đủ để được trông thấy thí nghiệm nguyên tử đầu tiên. Ông ra đi ngày 8 Tháng Bảy, 1994, sau khi tại chức 45 năm, một trong những lãnh đạo lâu nhất trong lịch sử.

    Kim Jong Il (1994-2011) nối nghiệp cha

    Lên kế vị, ông Kim Jong-Il tuyên bố sẽ tiếp tục các chính sách của cha mình đối với việc thống nhất đất nước. Dưới thời ông, Bắc Hàn đã đi được một bước dài trên đường nguyên tử và tên lửa. Ngày 29 Tháng Giêng, 2002, Tổng Thống George W. Bush gọi Bắc Hàn là một phần của cái “Trục Quỷ Dữ” (Axis of Evil).

    Tuy nhiên, xem ra những tiến bộ về nguyên tử thì cũng chỉ là để đưa ông Jong Il tới cái thế thượng phong, giúp cho ông đàm phán với Mỹ và Nam Hàn.

    Năm 1998 Tổng Thống Nam Hàn là Kim Dae Jung đưa ra chính sách “Ánh Sáng Mặt Trời” (Sunshine Policy) yểm trợ kinh tế cho Bắc Hàn để thúc đẩy thống nhất.

    Năm 2000 là một cái mốc lịch sử: Ông Kim Jong Il chấp nhận đề nghị của ông Kim Dae Jung muốn tới Bình Nhưỡng để bàn bạc về việc thống nhất.

    Ngày 13 Tháng Sáu, 2000, ông Jong Il ra tận phi trường đón tiếp ông Dae Jung. Đây là lần đầu tiên kể từ Korean War hai nhà lãnh đạo Bắc và Nam Hàn gặp và bắt tay nhau. Cuộc họp ba ngày rất nồng ấm. Thế giới thấy ánh sáng hòa bình ở Bán Đảo Triều Tiên ló rạng. Năm ấy ông Kim Dae Jung được giải thưởng Nobel về Hòa Bình.

    Sau đó đã có nhiều cố gắng tiến tới thống nhất theo một lập trường ba giai đoạn (như đề cập dưới đây). Năm 2007 lại có một cuộc họp thượng đỉnh thứ hai vào ngày 2-4 Tháng Mười, 2007 giữa ông Roh Mao-hyun, tổng thống Nam Hàn và ông Kim Jong Il.

    Khủng hoảng 2010. Nhưng khả năng thống nhất đã tan biến đi với những biến cố năm 2010. Năm ấy: Bình Nhưỡng bắn chiến hạm Nam Hàn làm cho 46 người thiệt mạng (Tháng Ba, 2010) và pháo kích vào một quân đảo của Nam Hàn gần DMZ: 4 người thiệt mạng, 15 binh sĩ và ba thường dân bị thương (Tháng Mười Một, 2010). Nam Hàn cắt hết viện trợ và giao thương với Bắc Hàn, tiếp theo bằng những biện pháp quân sự mạnh mẽ. Hình ảnh chiến tranh lại hiện ra.

    Đang khi căng thẳng như vậy thì Kim Jong-il chết bất đắc kỳ tử (trên một chuyến xe lửa) ngày 17 Tháng Mười Hai, 2011.

    Tại sao Kim Il Sung lại chọn con út Kim Jong Un để kế vị?

    Trong thập niên 1990 người anh cả là Kim Jong Nam đã được cha chuẩn bị để nối ngôi. Jong Nam đã theo học tại Thụy Sĩ, Nhật Bản và Nga Xô. Nhưng cậu này đã phạm lầm lỗi lớn: dùng thông hành giả mạo với tên là “Pang Xiong” để đi xem Disneyland ở Nhật. Nhưng bị Nhật phát hiện và trục xuất sang Bắc Kinh, làm mất mặt cha.

    Ngoài ra Jong Nam lại còn bất đồng ý với cha, muốn cải cách chính sách, cởi mở, nên bị coi là đã trở thành một “nhà tư bản.” Sau này ông đã trở thành một người chống đối chế độ thực sự (có dư luận cho rằng cái chết của Jong Nam là để ngăn chặn mọi tính toán thay bài của Trung Quốc với Bắc Hàn).

    Người con thứ hai là Kim Jong Chul thì lại say mê Eric Clapton (nhạc sĩ, ca sĩ người Anh). Cậu đã đi Anh, Đức, và Singapore để theo dõi các diễn xuất của ông này. Bố cho rằng cậu giống như con gái – “girly” – không thể làm lãnh đạo. Cho nên chỉ còn có cậu con út là Kim Jong Un. Tuy rằng cậu này đam mê bóng rổ và hâm mộ Dennis Rodman, nhưng bóng rổ thì mạnh mẽ hơn cây đàn guitar của Eric Clapton, cho nên cũng OK.

    Tuy ông Un còn quá trẻ nhưng có cái lợi là hăng say, và chính vì còn trẻ nên có thể sống lâu đủ để thực hiện mộng của cha và của ông. Kim Jong Un không có con lớn đủ để một ngày nào sẽ kế vị mình. Còn anh là Kim Jong Nam thì đã chết. Người anh thứ hai, Kim Jong Chul thì không có chí, và là người chống đối chế độ nên phải sống lưu đày ở Macao.

    Như vậy, dòng họ “Nhà Kim” sẽ kết thúc sau ông Kim Jong Un. Đây có thể là một lý do cắt nghĩa tại sao ông Un đã vội vã tấn công, bắt đầu ngay sự nghiệp với biến cố được gọi là “Khủng Hoảng Đại Hàn 2013” (Korea 2013 Crisis).
    alt
    Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un hôm 21 Tháng Mười Một, 2017. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

    “Khủng Hoảng Đại Hàn 2013”

    Chỉ mới có bốn năm mà ít người còn nhớ tới những biến cố này. Về mức khủng hoảng nó cũng không kém khủng hoảng hiện nay là bao nhiêu. Về sự phản ứng của Mỹ thì nó còn mạnh mẽ hơn nhiều:

    -Ngày 24 Tháng Giêng: Bắc Hàn công bố đã có một vũ khí nguyên tử mới và đã thí nghiệm tên lửa tầm xa, với Hoa Kỳ là mục tiêu chính.

    -Ngày 8 Tháng Ba: Bắc Hàn chấm dứt tất cả các hiệp ước hòa bình với Nam Hàn đóng cửa biên giới Panmunjom. Tướng lãnh Bắc Hàn xác nhận đang nhắm tên lửa tầm xa tới đại lục Mỹ để trả đũa cho các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc.

    Hoa Kỳ đã phản ứng mạnh mẽ, mạnh hơn cả khủng hoảng ngày nay: Sử dụng các loại B-52, Stealth B-2A Spirit, B-1B Lancerbombers. Quan trọng nhất là chính cơ quan “Tư Lệnh Phòng Thủ Không Phận Bắc Mỹ’ – NORAD (North American Aerospace Defense Command – nằm dưới những hầm ở Nevada) đã phải báo động và chuẩn bị.

    Và cứ thế hai bên leo thang cho tới những cuộc hòa đàm từ Tháng Tư.

    Khủng hoảng hiện nay sẽ đi tới đâu?

    Nhìn lại diễn biến hai cuộc khủng hoảng lớn trong quá khứ – năm 2010 và 2013 – ta có thể phỏng đoán được rằng: mục đích của Kim Jong Un thì cũng như của cha (năm 2010) và của chính ông ta (năm 2013): đó là áp lực để Mỹ phải điều đình và rút quân khỏi Nam Hàn. Ba thế hệ của “Nhà Kim,” mỗi thế hệ đã nâng áp lực đối với Mỹ lên một cấp.

    Ngày nay ông Jong Un đã đẩy áp lực lên tới mức tối đa, cho nên Mỹ cũng khó có thể gạt đi như những lần trước vì thực sự cũng không còn giải pháp nào ngoài điều đình.

    Mỹ khó có thể dùng giải pháp quân sự – dù là một giải pháp quân sự có giới hạn, vì bốn trở ngại lớn (constraints):

    -Nhân mạng của trên hai sư đoàn đóng ở DMZ.

    -Trên 1 triệu dân Nam Hàn ở Thủ Đô Seoul – cách DMZ chỉ có 35 dặm.

    -Các chiến hạm quanh vùng Đông Hải (ấy là chưa kể sự nguy hiểm cho dân chúng Nhật Bản ở gần bờ biển).

    -Nguy hiểm là cuộc chiến sẽ leo thang thành ra “Korean War II,” nhưng lần này là “Korean Nuclear War.”

    Cho nên ngày 13 Tháng Mười Hai, 2017, Ngoại Trưởng Rex Tillerson đã mở đường. Ông tuyên bố Mỹ “sẵn sàng đàm phán bất cứ lúc nào” với Bắc Hàn mà không cần điều kiện. Tuy rằng sau đó có phản biện từ Tòa Bạch Ốc nhưng dưới bất cứ thời tổng thống nào thì cũng vẫn có hai trường phái bồ câu và diều hâu ở ngay Tòa Bạch Ốc. Dù sao, chính ứng cử viên Trump đã nhiều lần nói sẵn sàng gặp ông Jong Un. Ngày 15 Tháng Mười Hai, 2017, lại vừa có tin về cuộc đàm thoại giữa hai Tổng Thống Trump và Putin để giải quyết vấn đề Bắc Hàn. Cuộc đàm thoại xảy ra vào thời điểm ông Moon Jae-in đi Trung Quốc thì chắc cũng không phải là ngẫu nhiên.

    Khả năng đàm phán Mỹ-Hàn

    Nếu như Mỹ đã mở cửa cho đàm phán thì khủng hoảng hiện nay sẽ có thể được giảm nhiệt – ít nhất là tạm thời – bằng một lối ra để giữ thể diện cho cả hai bên. Đó là sẽ qua một trung gian để giúp điều đình.

    Trung gian ấy thì không phải là Trung Quốc mà là Nga Xô. Nước này có rất nhiều ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng vì đã giúp Bắc Hàn phát triển nguyên tử ngay từ  đầu (từ thời ông của ông Un như đã viện dẫn trên đây). Theo Reuters thì ngày 8 Tháng Mười Hai, 2017, Thứ Trưởng Ngoại Giao Nga Xô Igor Morgulov đã bình luận tại Berlin rằng: “Chúng tôi có những đường dây liên lạc, qua đó chúng tôi đang đàm thoại, chúng tôi sẵn sàng dùng ảnh hưởng của mình đối với Bắc Hàn.”

    Nều Nam Hàn ký được với Mỹ một hiệp định thì tiếp theo, Bắc và Nam Hàn có thể đàm phán để đi tới thống nhất. Trong bối cảnh này, cuộc viếng thăm Bắc Kinh hiện nay của Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in có thể có một mục đích thầm kín là để nhờ cậy Trung Quốc làm trung gian. Tuy nhiên ông Moon cũng  khó có thể thành công vì Trung Quốc sẽ đòi hỏi Nam Hàn hai điều kiện: ngừng thao diễn quân sự với Mỹ và ngừng phát triển  hệ thống phòng không THAAD. Dù rằng Bắc Kinh đã cho biết là có thể đồng ý việc “Nam Hàn không để cho Mỹ nới rộng THAAD  thêm nữa” – có nghĩa là Trung Quốc không đòi hỏi Nam Hàn phải yêu cầu Mỹ gỡ bỏ  hệ thống hiện hữu, nhưng ông Moon cũng khó có thể đáp ứng được yêu cầu của Trung Quốc.

    Điều đình trên căn bản nào?

    Đối với Mỹ, rất có thể ông Kim Jong Un sẽ đưa ra những đề nghị hòa bình giống như của người “cha” (Tháng Sáu, 2000), và trước đó, của người “ông” (vào Tháng Tư, 1975) như trên đây, đó là tiến tới một “Hiệp Ước Hòa Bình” (Peace Treaty) để thay thế cho Thỏa Hiệp Ngưng Chiến năm 1953. Về thực chất, nó sẽ bao gồm ba đòi hỏi:

    -Mỹ rút hết quân khỏi DMZ và trên lãnh thổ Nam Hàn.

    -Kết thúc tất cả sự can thiệp vào nội bộ của Đại Hàn (và ngày nay thì kể cả việc rút phòng không THAAD).

    -Chính phủ hiện hữu của Nam Hàn phải từ chức để giải quyết hòa bình (thay vì “Lật đổ chế độ Park Chung Hee ở Nam hàn” như đề nghị 1975).

    (Tuy nhiên chỉ có hai điểm đầu là quan trọng, điều thứ ba có thể bỏ đi như là một nhượng bộ của Bắc Hàn).

    Nếu ký được với Mỹ thì hai bên Bắc và Nam Hàn có thể đàm phán về thống nhất dựa trên giải pháp “ba giai đoạn” mà cả hai bên  đã đồng ý vào năm 2000 (nhắc tới trên đây), đó là:

    -Giai đoạn 1 – tăng cường hợp tác thông qua các tổ chức liên Triều Tiên – trong khi vẫn duy trì các hệ thống chính trị riêng của Bắc và Nam Hàn.

    -Giai đoạn 2 – thống nhất lãnh thổ với hai chính quyền tự trị tại hai khu vực.

    -Giai đoạn 3 – thành lập một chính phủ trung ương.

    (Chúng tôi xin mở ngoặc nơi đây để ghi lại một sự tình cờ, đó là giải pháp này cũng chính là giải pháp chúng tôi đã đề nghị với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu năm 1971: ông đã đồng ý và đưa ra Hòa Đàm Paris – xem “The Palace File,” trang 10-12).

    Tháng Sáu, 2000, ông Kim Jong Il (cha của ông Un) đã đưa ra một lập trường hòa nhã đối với Mỹ (một lập trường rất có thể ông Un sẽ nhắc lại trước khi điều đình): “Chúng tôi không có ý định coi Hoa Kỳ là kẻ thù vĩnh viễn. Chúng tôi hy vọng có thể bình thường hóa ngoại giao với Mỹ. Bang giao Hàn-Mỹ sẽ được phát triển để phục vụ quyền lợi của nhân dân hai nước nếu Mỹ từ bỏ quan niệm lỗi thời của Chiến Tranh Lạnh là giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng sức mạnh, và tạo điều kiện cho hòa bình và thống nhất trên Bán Đảo Triều Tiên.”
    alt
    Nhà lãnh đạo Kim Jong Un với các giáo viên hôm 12 Tháng Chín, 2017. (Hình: KCNA via KNS/STR/AFP/Getty Images)

    Liệu Mỹ có chấp nhận rút quân hay không?

    Điểm chính mà Bắc Hàn đòi hỏi là Mỹ phải rút quân. Nhưng liệu Mỹ có chấp nhận hay không? Thật là khó, vì Mỹ có những lý do rất vững chắc để đóng quân ở DMZ – qua thời đại của 11 tổng thống Hoa Kỳ (từ Eisenhower tới Trump), bất chấp là Cộng Hòa hay Dân Chủ, bất chấp những khó khăn đối nội hay đối ngoại của Mỹ. Bàn tới những lý do tại sao như vậy  là đi ra ngoài phạm vy nhỏ hẹp của bài này.

    Dù sao, trong bối cảnh hiện nay – và vì những lý do giới hạn cho giải pháp quân sự – cũng có thể là Mỹ sẽ đề nghị một giải pháp dung hòa: nếu Bắc Hàn đồng ý hủy bỏ chương trình nguyên tử thì Mỹ sẽ đưa ra một “Road Map” – một bản đồ lối đi cho tiến trình đi từng bước của việc rút quân – đi kèm theo với những điều kiện giám sát chặt chẽ.

    Khả năng khác là Mỹ chỉ đồng ý:

    -Bỏ cấm vận hoàn toàn đối với Bắc Hàn.

    -Tạm thời ngưng tập trận giả với Nam Hàn (để chờ xem hành động của Nam Hàn ra sao sau Hiệp Định).

    -Tiếp tục viện trợ kinh tế cho Bắc Hàn (tuy rằng đã nói là “vô ích”).

    Chiến tranh và hòa bình

    Dù điều đình hay không thì một sự xung đột kéo dài tới 67 năm cũng không dễ gì mà được giải quyết mau lẹ, nó đòi hỏi thời gian. Nhưng quan trọng là mọi bên phải cùng nhau đi bước đầu tiên. Và bước này có thể là đang xảy ra vì cả Mỹ, Bắc và Nam Hàn xem ra đều đang đi về cùng một hướng, đó là muốn hòa đàm. Các cường quốc từ Âu tới Á cũng đều sẵn sàng để hỗ trợ cho mục tiêu này.

    Cái khó khăn là trong khoảng thời gian cần thiết để đi tới giải pháp cuối cùng, vẫn có cái nguy hiểm về sự tính lầm. Ông Kim Jong Un có thể tính lầm giống như Nhật Hoàng Hirohito đã tính lầm khi tấn công Trân Châu Cảng (1941) hay Tổng Bí Thư Liên Xô Nikita Khrushchev tính lầm khi mang tên lửa vào Cuba (1962).

    Về phía Mỹ thì cũng có thể tính lầm về mục đích thực sự của một hành động quân sự nào đó của Bình Nhưỡng (nơi đây ta nên nhớ lại biến cố Vịnh Bắc Kỳ – “Tonkin Gulf Incident”: hành động của Washington đã dựa trên thông tin tình báo sai lầm về biến cố ngày 4 Tháng Tư, 1964 – như chúng tôi đã đề cập trong cuốn “Khi Đồng Minh Nhảy Vào,” trang 557-558).

    Thêm nữa là cuộc chiến – dù là một cuộc chiến giới hạn – cũng có thể xảy ra vì một biến cố ngoài ý muốn, một sự rủi ro, thí dụ như khả năng tên lửa của Bắc Hàn chẳng may bắn vào một máy bay quân sự, nhân sự, hay tầu chiến Mỹ hay của đồng minh (như phi công Singapore Airline báo cáo đã thấy vết của tên lửa Bắc Hàn vút qua đường bay, cho nên bây giờ phải đổi hướng bay).

    Người ta cho rằng Thế Chiến I vào đầu Thế Kỷ 20 cũng đã xảy ra chỉ vì một sự kiện nhỏ: Từ việc ám sát một cặp vợ chồng hoàng tộc Áo-Hung tên là Archduke Franz Ferdinand (ngày 28 Tháng Sáu, 1914) trên đường phố ỏ Sarajevo đã châm ngòi thành đại chiến.

    Vào dịp Lễ Giáng Sinh, lễ của hòa bình, ta cầu mong cho Thế Chiến III sẽ không xảy ra tại khu vực của Biển Hòa Bình – trên mặt Thái Bình Dương. 
    Nguyễn Tiến Hưng

Comments

Popular posts from this blog