4 chữ “Không” của người quân tử

Cổ nhân nói: người Quân tử, đâu cần cứ phải là bậc thánh hiền. Chỉ cần: làm người phải biết giới hạn, hành sự phải biết điểm dừng, như trong bài chia sẻ Ở đời phải biết đâu là điểm dừng mà SEE đã từng đề cập. Chỉ cần có thế, đã đủ để được gọi là quân tử rồi.
Biết việc gì không nên làm, việc gì nên làm, đó là nguyên tắc của người quân tử.
Hiểu được “không làm”, cũng chính là “làm”, đó là tu hành của người quân tử.
Vậy, 4 việc “không làm”, 4 nguyên tắc trong đạo tu hành của người quân tử là gì?
Thứ nhất: Quân tử không làm việc tùy hứng, hành động phải theo chữ “đạo”
Xét về cá nhân, người quân tử là người phải có trách nhiệm với hành động của mình, nên họ làm việc gì đều phải chín chắn, trưởng thành. Xét về tập thể, người quân tử phải hiểu được mỗi một hành động của bản thân mình, dù nhỏ, cũng đều gây ảnh hưởng đến tập thể chung.
Bởi vậy, người quân tử không hành động mù quáng, làm bừa. Người quân tử chân chính đối với bản thân vô cùng nghiêm khắc, đây là một loại “tự giới luật” bản thân. “Không làm việc tùy hứng” chính là không tùy tiện, trong tâm họ luôn có nguyên tắc và đường giới hạn của mình. Đây được gọi là phẩm đức, phẩm đức này cũng chính là chữ “đạo” trong lòng người quân tửBởi vậy trước khi làm việc gì, quân tử thực thụ đều sẽ suy nghĩ kỹ lưỡng, nhìn trước ngó sau, cân nhắc được mất.
Thứ hai: Quân tử không nói năng mập mờ, phát ngôn phải theo chữ “lý”
“Nói năng mập mờ” nghĩa là lời nói không rõ ràng, nhất quán. Cổ nhân có câu “Nhất ngôn cửu đỉnh” ( Một lời nói nặng như chín cái đỉnh) Do đó, người quân tử đối với từng lời ăn tiếng nói đều cẩn thận, kỹ càng. Quân tửchỉ nói điều mình biết, điều mình chắc chắn, mỗi lời nói ra đều phải chính xác; tuyệt đối không nói hai lời, không lèo lái, thêm thắt.
Lời nói của người Quân tử phải theo chữ “lý”, không chỉ là trong lời nói có đạo lý, mà còn phải theo nguyên tắc hợp lý. Những lúc nên phát ngôn, thì nhất định phải lên tiếng, còn những lúc không nên nói, thì hãy im lặng. Vì “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy” ( Một lời nói của người quân tử, bốn con ngựa tốt cũng không đuổi kịp), người Quân tử nhất định phải ghi nhớ điều này.
Thứ ba: Quân tử không tham lam, có mong cầu phải theo chữ “nghĩa”
Quân tử là người không có lòng tham quá độ, những mong cầu của họ đều phải hợp chữ “nghĩa”, đây là điều mà người quân tử luôn cân nhắc trước khi quyết định.  Nghĩa ở đây không phải là “nghĩa khí anh hùng”, mà là đạo nghĩa, chính nghĩa, được định đoạt đo đếm thông qua pháp luật, đạo đức, nguyên tắc làm người...
Người quân tử không tham lam, không có nghĩa là người không hề màng tới vật chất, mà là đối diện với vật chất tiền tài, điều nào hợp với đạo nghĩa, có thể nhận thì sẽ nhận, còn không hợp đạo nghĩa thì không liếc mắt nhìn qua. Điều này cũng là thể hiện tấm lòng độ lượng, phóng khoáng, thứ không phải của mình thì nhất định không truy cầu. Vì thế mà trong tâm người quân tử luôn rộng rãi, khoáng đạt, quang minh lỗi lạc.
Mặt khác, một người quân tử nếu có cho mình điều mong cầu, thì mong cầu đó phải là mong cầu hướng đến lợi ích của quốc gia, xã hội, nhân dân - đó là hợp chính nghĩa.
Thứ tư: Quân tử không làm việc mờ ám, hành vi phải theo chữ “chính”
Là người quân tử, mỗi nhất cử nhất động, đều không thể tùy tiện, muốn làm việc gì đều phải suy xét kỹ càng, trước khi làm đều phải đặt mình vào hoàn cảnh người khác để cân nhắc 3 điều: Việc này có chính đáng không? Việc này có phải là việc hại người không? Việc này có gây tổn hại cho ai không? Nghĩ thông suốt, rồi mới làm. Cho nên những việc làm, hành vi của người quân tử đều đường hoàng, chính đáng.

Mỗi người cần ghi nhớ “4 không”, lấy 4 chữ “Đạo, Lý, Nghĩa, Chính” làm thước đo trong nguyên tắc làm người của bản thân, để từ đó tu thân dưỡng tính, trở thành người quân tử thực sự.

Comments

Popular posts from this blog