Tham nhũng trong chính quyền VNCH
(Đây là lời nhận xét của tác giả Trọng Đạt một người đã sống dưới chính thể VNCH.. )
Thật vậy những năm đầu của chế độ Nguyễn Văn Thiệu, 1967, 1968, guồng máy tương đối còn có kỷ cương nhưng dần dần đi tới chỗ tham nhũng thối nát tồi tệ, nó đã phá hoại kinh tế vật chất và làm suy sụp tinh thần quân dân. Tham nhũng hối lộ có từ thời Tây nhưng dưới chế độ Nguyễn Văn Thiệu có thể nói đã tiến tới chỗ tột cùng của thối nát. Các chế độ, chính phủ Quốc Gia từ thời Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, Ngô Ðình Diệm, Nguyễn Cao Kỳ… cũng ít nhiều có tham nhũng nhưng người dân còn chấp nhận được, đến Nguyễn Văn Thiệu thì thật hết nước nói. Sau khi miền Trung thất thủ lọt vào tay Cộng quân, chúng tôi có nghe một ông công chức than thở “chế độ Thiệu đi theo vết xe đổ của Tưởng Giới thạch, các ông tỉnh trưởng chết gục trên đống vàng”!
Trong cuốn sách Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975 trang 56, Phạm Huấn có nói:
“Theo dư luận, cái giá để mua chức Tỉnh trưởng qua đường giây bà Thiệu, bà Khiêm, thường thường từ 10 đến 20 triệu”
Tệ nạn mua quan bán tước ngày càng lộ liễu, những chức vụ, công việc hái ra tiền đều được mua bán trả giá cả sòng phẳng, ngoài ra quan chức phải nộp tiền hụi chết cho cấp trên theo hệ thống quân giai, Quận nộp cho Tỉnh, Tỉnh nộp cho Vùng, Vùng nộp cho Trung Ương. Nguyễn Ðức Phương nói các hình thức tham nhũng tại miền Nam đã được nhóm nghiên cứu thuộc tổ hợp Rand xếp thành bốn loại chính buôn lậu, hối lộ, mua quan bán tước và lính kiểng, lính ma.. Trong phim Vietnam History by television, ông giám đốc CIA khi trả lời phỏng vấn cho biết tham nhũng (corruption) đã phát triển quá độ tại miền Nam VN , chỗ nào cũng có, chính phủ Mỹ biết rõ như vậy và họ đã phải che dấu không cho báo chí biết sợ người ta làm um lên, nếu đến tai Quốc hội viện trợ sẽ bị cắt giảm.
Tại các tỉnh, viện trợ kinh tế, xã hội, bình định phát triển.. bị đục khoét trầm trọng, tiền viện trợ của Mỹ không được dùng vào mục tiêu kinh tế quân sự mà vào túi bọn quan lại tham ô. Tham nhũng bắt nguồn từ lòng tham vô đáy của con người hơn là vì thiếu thốn. Các quan chức có được căn nhà, cái xe hơi thì cũng được rồi, so với đời sống nhân dân như thế cũng là được quáưu đãi. Nhưng kẻ tham ô không dừng chân ở đó, được voi tròi tiên, họ tậu rừng tậu ruộng, tậu đồn điền, mua dăm bẩy căn nhà nghỉ mát, cái ở Nha Trang, cái Ðà Lạt, Vũng Tầu, chuyển ngân ra ngoại quốc… Tham nhũng như đã nói ở trên vừa phá hoại kinh tế quốc gia, vừa làm suy yếu tinh thần người dân cũng như người lính chiến. Sau đây là tham nhũng dười con mắt người ngoại quốc.
Hậu quả của tình trạng tham nhũng này đã được một sĩ quan nhận xét:
‘ Tham nhũng luôn luôn tạo ra sự bất công trong xã hội. Tại Việt Nam, một nước đang trong thời chiến thì sự bất công trong xã hội lại càng rõ ràng hơn so với các nước khác.Tham nhũng đã tạo ra một thiểu số nắm giữ tất cả các quyền lực và tài nguyên, phần lớn giai cấp trung lưu và nông dân trở thành nghèo hơn và phải chịu hy sinh.Họ mới chính là người đóng thuế cho chính phủ, hối lộ cho cảnh sát, phải mua phân bón với giá cắt cổ để rồi phải bán gạo với giá rẻ do chính phủ ấn định, và cũng chính họ đã cho con cái đi chiến đấu và hy sinh cho đất nước trong khi các công chức cao cấp của chính phủ và những kẻ giầu có lại gửi con cái ra nước ngoài.Một bác sĩ quân y đã nói với tôi rằng ông đau lòng khi nhìn thấy những thương binh, các binh sĩ cụt chân tay nằm đầy tại quân y viện đều thuộc giai cấp bình dân, thuộc các gia đình nông dân, các thương binh này phải chịu đựng và hy sinh cho thiểu số tham nhũng thống trị. Chính phủ tuyên bố tìm cách chiếm lòng dân nhưng thực tế chỉ làm lớn hơn khoảng cách giữa giai cấp lãnh đạo và quần chúng.”
Nguyễn Ðức Phương, Chiến Tranh Việt Nam Toàn tập, trang 804, 805.
Hồi ấy trên báo chí đã có người lên án bất công xã hội tại miền Nam ngày càng trở lên ghê tởm, trong khi binh sĩ chết như rạ ngoài mặt trận thì tại các thành phố lớn, bọn nhà giầu mua xe hơi bóng lộn, xây nhà cao năm bẩy tầng lầu, ai nấy mặt vênh mày vác, khinh người rẻ của. Bọn con buôn hái ra tiền nhờ chiến tranh rồi dùng tiền cho con cái đi du học ngoại quốc trong khi những kẻ sông pha mũi tên hòn đạn ngoài chiến trường phải chịu cảnh nghèo nàn thiếu thốn. Thực trạng xã hội đã ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần người chiến sĩ, họ phải hy sinh, chiến đấu cho một chế độ bất công thối nát.
Phạm Huấn có ý chê các Tướng lãnh Việt Nam không có sự ngay thẳng, tư cách như các Tướng lãnh ngoại quốc. Năm 1950 De Lattre, Tướng 5 sao, Tư lệnh Ðông Dương nhưng vẫn để cho người con một, Bernard De Lattre đóng tại đền Non nước Ninh Bình. Mặc dù vua Bảo Ðại đề nghị đưa Bernard về làm trong văn phòng Quốc trưởng nhưng ông Tướng vẫn để con chiến đấu tại chiến trường và tử trận tháng 5-1951. Khi Mỹ bắt đầu ném bom Bắc Việt, Ðô đốc Sharps, tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương đã để con trai ông, Thiếu tá phi công Mac Cain tham gia oanh tạc và đã bị bắn rơi.
“Trong khi đó, suốt cuộc chiến 21 năm sau cùng tại Việt Nam, chắc chắn không thể tìm thấy con một ông tướng nào chiến đấu ngoài mặt trận”
(Phạm Huấn,Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước, trang 133)
“..con những ông Tướng khác thì cứ gần đến tuổi động viên đã bằng cách này, cách khác, được xuất ngoại du học. Chung qui chỉ có những sinh viên, học sinh con nhà nghèo và không thế lực, sẽ bị thi hành lệnh Tổng động viên một cách rất kỹ lưỡng. Ngoài ra, vì không có tiền bạc để chạy chọt, chắc chắn không bao giờ họ được phục vụ tại ‘chỗ ngon, chỗ bở’ ở Sài Gòn hay hay các tỉnh”
Phạm Huấn, Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước, trang 134, viết theo lời kể của Thiếu uý Phạm văn Trung, sư đoàn 18 BB.
Trần Phan Anh trong cuốn Trận Chiến Mùa Hè 1972 trang 155, 156 có nêu ra một vụ tham nhũng hối lộ động trời của các Tướng lãnh VNCH, chẳng biết hư thực ra sao.
“Trong khoảng thời gian từ tháng giêng đến tháng 3-1972, tình báo VNCH báo cáo sự hiện diện của công trường 5 Bắc Việt tại căn cứ địa 712, gần thị trấn Snoul, Cam Bốt, khoảng 30 cây số Tây Bắc Quận lỵ Lộc Ninh trên Quốc Lộ 13. Hai công trường 7, 9 được phát hiện tại vùng đồn điền cao su Dambe và Chup trên đất Cam Bốt, nơi đó là hai mục tiêu hành quân của Quân đoàn III thiết kế cho Ðệ tam cá nguyệt 1971. Kế hoạch đã bị đình hoãn sau cuộc tử nạn của Trung Tướng Ðỗ Cao trí, Tư lệnh quân đoàn III QLVNCH.
Trung Tướng Ðỗ Cao Trí đã bị thảm sát vì đã cùng Nguyễn Văn Thiệu, Ðặng Văn Quang nhận hối lộ 30 triệu đô la do tòa Ðại sứ Nga tại Paris trao cho Quang để thả Trung Ương Cục và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chạy trối chết qua Cam Bốt sau khi bị liên quân Việt Mỹ bao vây tại vùng rừng Tây Ninh vì những cánh quân của Quân đoàn III tiến quá nhanh, cục R chậm chân kẹt lại bị CIA phát hiện do việc họ đánh điện cầu cứu Hà Nội. MACV phối hợp Ðệ 2 Quân đoàn tiền phương Hoa Kỳ (US II Field Forces) cùng Quân đoàn 3 VNCH được tăng cường một lữ đoàn Dù, Liên đoàn 5, 6 Biệt động quân tung quân bao vây, Cục R chỉ còn một trung đoàn bảo vệ, cá nằm trong rọ chờ lên thớt. Khi Liên quân Việt Mỹ siết chặt vòng vây, Lữ đoàn Dù thọc mũi tấn công khuấy động, một liên đoàn Biệt Ðộng Quân lãnh nhiệm vụ án ngữ biên giới Cam Bốt thì bất ngờ nhận được lệnh Trung Tướng Ðỗ Cao Trí cho lệnh rút về chi khu Phước Thành, Tây Ninh nghỉ dưỡng quân thì tối hôm đó bị trung đoàn bảo vệ Cục R đánh úp để che chở cho toàn bộ Trung ương Cục chạy trối chết qua Cam Bốt về hướng đồn điền Snoul.
Sau đó CIA tức giận nghĩ rằng Ðỗ Cao Trí là người của Cộng sản nên ra tay tiêu diệt, những chuyện này do chính Ðặc sứ Komer (hàm Ðại sứ) kể lại, ông đặc trách Bình định phát triển MACV.”
Khởi đầu từ 8 tháng 9 năm 1974, linh mục Trần Hữu Thanh Chủ tịch Phong trào Nhân dân chống tham nhũng cho phổ biến bản cáo trạng số 1 tố cáo ông Thiệu tham nhũng và yêu cầu từ chức. Tướng Thiệu bị tố tham nhũng nhiều vụ như nhà cửa, đất đai, đầu cơ phân bón, gạo miền Trung, buôn bán bạch phiến.. . phong trào lôi cuốn các nhóm khác như sinh viên, ký giả, chính khách.. Ðầu tháng 2 năm 1975, phong trào phổ biến cáo trạng số 2 tố cáo ông Thiệu nhiều tội và hô hào lật đổ bằng võ lực khiến ông ta phải dùng biện pháp mạnh cho bắt giam nhiều nhà chính khách, đảng phái.
Người dân trong nước đã quá chán ghét chính quyền thối nát, dĩ nhiên người Mỹ phải chán nản hơn thế nữa, tiền của họ đổ vào từ bao lâu nay y như gió lùa vào nhà trống, cựu đại sứ Bùi Diễm nói.
“Một quốc hội quá chán ngán chiến tranh và mệt mỏi vì đã yểm trợ một đồng minh có quá nhiều khuyết điểm và thối nát”
Nhà bào Trần Văn Ân, Tướng Trưởng, Phạm Huấn, chính khách, ký giả… đều cho rằng đất nước đã được giao phó vào tay lãnh đạo tồi. Trần Việt Ðại Hưng cũng như nhiều nhà báo khác cho rằng Thiệu, Kỳ không phải là những nhà lãnh đạo mà chỉ là những anh cai thầu chiến tranh, hễ có tiền thì đánh, không tiền thì chạy. Trong tám, chín năm cầm quyền, ta không thấy chính phủ Thiệu có một kế hoạch gì về chính trị, kinh tế cũng như quân sự mà chỉ trông chờ vào Mỹ, ông Nguyễn Tiến Hưng cho rằng ta đã hoàn toàn lệ thuộc vào Mỹ từ quốc phòng, ăn ở, giao thông, vận chuyển…
Ðương đầu với một kẻ thù nguy hiểm, công chức quân nhân không được học tập về đường lối, lý tưởng chủ nghĩa quốc gia.. hoặc có chăng chỉ là hình thức. Tổ chức hoạt động tuyên truyền của chính phủ rất yếu kém, không lôi cuốn được sự ủng hộ của nhân dân trong khi kẻ địch thường xuyên tuyên truyền nhồi sọ cán binh, nhân dân, bộ đội để lái họ theo đường hướng chúng đã vạch ra. Bộ Thông tin, tuyên truyền của ta không giáo dục, tuyên truyền cho người dân, quân nhân, công chức một lý tưởng Quốc gia, lý tưởng Tự Do Dân chủ để quân dân ta có một tinh thần vững mạnh mà chỉ là chính sách tự vệ, gặp VC ở đâu thì đánh đấy.
Ông Nguyễn Ðức Phương cho rằng người dân không tích cực yểm trợ cho công cuộc chiến đấu.
“Cuộc chiến tranh quá dài đã khiến mọi người mệt mỏi, giao khoán hoàn toàn việc bảo vệ đất nước cho quân đội. Phần lớn thanh niên không thiết tha, đôi khi còn trốn tránh nghĩa vụ quân sự trong thời chiến. Tất cả những mục nát của chính quyến, thờ ơ của dân chúng và sự ung thối của xã hội miền nam đã cấu thành yếu tố tự hủy”
(CTVNTT, trang 806)
Một điều không thể chối cãi được là người Quốc Gia luôn luôn chia rẽ khiến cho CS đã thừa cơ nước đục thả câu. Ngay từ những năm 1945, 46.. các đảng phái Quốc Gia đã chia rẽ nhau khiến cho CS lợi dụng thời cơ tuyên truyền lôi cuốn quần chúng để rồi cướp được chính quyền. Ông Ngô Ðình Diệm chấp chánh ngày 7-7-1954, so với các Thủ Tướng tiền nhiệm như Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn tâm, Bửu Lộc… ông Diệm là người có bản lãnh cao nhất, dám chơi bạo hất cẳng Pháp để đi theo Mỹ. Ðụng chạmvới Bảo Ðại thân Pháp, tháng 4-1955, ông Diệm được triệu hồi sang Pháp để Quốc trưởng cất chức. Các đảng phái Quốc gia, nhân sĩ.. đều nhiệt tình ủng hộ Thủ tướng Diệm, đả đảo và truất phế ông vua vong bản Bảo Ðại. Năm 1956 ông Diệm Trưng Cầu dân ý lên làm Tổng thống rồi từ từ xung đột với các đảng phái, nhân sĩ Quốc gia. Những người Quốc gia trước đây ủng hộ ông nay quay lại chống ông. Chính phủ cũng chống đối đàn áp những người đối lập ra mặt.
Sau ngày đảo chính 1-11-1963, miền Nam lại lâm vào tình trạng chia rẽ trầm trọng gấp bội lần hơn trước. Các Tôn giáo, Tướng lãnh tranh giành quyền hành biến miền Nam thành một đất nước vô chính phủ. Phật Giáo, Công giáo chia rẽ đả kích nhau trên báo chí, rồi lại có phe chủ trương chia rẽ Bắc Nam để hòng thủ lợi. Năm 1966 chính quyền quân nhân đã tạm ổn định được tình hình lại bị phong trào Phật Giáo miền Trung chống đối dữ dội, phong trào đã gây tình trạng sáo trộn nhiễu nhương khiến cho nhân tâm sao xuyến, kẻ thù thừa cơ len lỏi phá hoại cơ cấu Quốc gia.
Cho đến gần giờ thứ hai mươi lăm, cuối 1974 và đầu 1975, những cuộc biểu tình chống chính phủ của Linh mục Trần Hữu Thanh, đảng phái, chính khách… khiến cho các binh sĩ ngoài tiền tuyến mất tinh thần chán nản và ảnh hưởng tai hại đến sự sống còn của đất nước.


Comments

Popular posts from this blog