Những canh bạc để đời của đệ nhất phu nhân Tổng thống Thiệu

 (Phunutoday) - Vấn nạn tham nhũng, buôn lậu, cậy quyền thế, gia đình trị dưới triều đại Nguyễn Văn Thiệu dù đã lùi xa trong ký ức hơn 35 năm về trước, nhưng tính thời sự của nó vẫn còn nóng hổi. Người phụ nữ nổi tiếng hiền từ, “mẫu nghi thiên hạ” Nguyễn Thị Mai Anh chưa một lần đi buôn lậu, nhưng tất cả sự việc liên quan đến tiền bạc, kinh doanh, dựa quyền thế, mua quan bán tước đều phải qua cửa ải trần đường của đệ nhất phu nhân.
Đằng sau dáng vẻ ôn hòa, hiền lành bẩm sinh ấy là những vụ áp phe buôn lậu, những vây cánh được chính bà bảo bọc, che chắn để thực hiện những canh bạc tiền tỷ. Lúc đó ở Sài Gòn ai cũng biết rằng, chính vợ chồng Thiệu đã bảo kê cho buôn lậu, tham nhũng, điều đó làm cho con đường dẫn đến suy vong của ông ta càng nhanh hơn. Vụ án buôn lậu "còi hụ Long An" và gian kế "bắt dê tế thần" của vợ chồng Thiệu Những ai sống và chứng kiến những nhiễu nhương của đất Sài Gòn sau ngày Thiệu đăng cơ lần 2 vào năm 1971, đều biết vụ án buôn lậu táo bạo nhất chưa từng có trong lịch sử, đã khiến một số sĩ quan, hạ sĩ quan bị bắt bớ, tước hết binh quyền, lưu đày ra Côn Đảo và một số sĩ quan cao cấp cũng bị liên lụy kẻ mất lon, người bị đày oan ức ra vùng lửa chiến. Sau khi báo chí truyền thông đăng tải sự việc, đã gây nên làn sóng phẫn nộ rất dữ dội trong sĩ quan và binh lính Việt Nam Cộng hòa, vì kẻ chủ mưu cầm đầu vụ buôn lậu vẫn giấu mặt, tránh thân an toàn khi bắt vài con dê cỏn con ra tế thần hòng làm dịu dư luận. Nhưng với Nguyễn Văn Thiệu và phu nhân Nguyễn Thị Mai Anh, vợ chồng Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và “Cô tư quần lãnh đen” vợ Đại tướng Cao VănViên thì bắt đầu lo lắng đêm ngày, nơm nớp lo sợ một cuộc đảo chánh, bạo loạn từ phía các quân nhân bất đồng, giận dữ. Sài Gòn một ngày đẹp trời. Khoảng 4 giờ chiều hôm đó, bỗng có hai người đàn ông mặc đồ dân sự đến gặp đại úy Nhiều, rủ đi Mỹ Tho ăn nhậu chơi bời. Về sau, được biết hai người đàn ông là: cựu thượng sĩ quân cảnh giải ngũ Quách Văn Hảo và cựu trung sĩ Công đào ngũ là đàn em của Nhiều trong trường Quân Cảnh. Đại úy Nhiều đã nhận lời đích thân lái xe đưa Hảo và Công đi Mỹ Tho. Đến ngã ba Trung Lương, nơi đây hai bên đường có nhiều hàng quán, buôn bán rất sầm uất, những quán ăn nhậu thịt quay thơm ngon bốc khói xông vào mũi. Nhiều ghé vào nhậu, Hảo với Công bận công việc riêng. Lúc bấy giờ hàng lậu gồm những thứ xa xí phẩm, mà chủ yếu toàn là thuốc lá thơm thượng hạng, và các loại rượu ngon như Cognac, Whisky danh tiếng thế giới cất giấu trong một lò gạch cũ hoang phế, nằm giữa đoạn ngã ba Trung Lương vào trại Đồng Tâm, đã chất sẵn trên hai chiếc GMC của quân vận quân khu 3, sẵn sàng đợi lịnh di chuyển vào đô thành Sài Gòn. Khi Đại úy Nhiều đã ngấm hơi men, chếnh choáng là lúc Hảo và Công quay trở lại quán nhậu bên đường ở ngã ba Trung Lương tỉnh bơ như không có việc gì xảy ra. Lúc xe đã ra ngoài quốc lộ quay về đô thành, Nhiều chợt nhận thấy phía sau có 2 chiếc GMC mở đèn pha chạy nối đuôi sau lưng nên hơi hốt hoảng định né nhường đường. Hảo ngồi bên cạnh liền chặn ngang: “Không sợ gì cả ! Về Sài Gòn cả mà…”. Đoàn xe buôn lậu qua đồn quân cảnh Long An, nằm ngay ga xe lửa cũ, xe hụ còi inh ỏi chạy tiếp qua cầu Tân An (cầu xe lửa cũ) mà không dừng lại trình sự vụ lệnh. Quân cảnh thổi còi nhiều hồi liên tiếp nhưng xe vẫn cứ chạy. Nhận tin cấp báo, đại tá Lê Văn Năm – tỉnh trưởng Long An liền ra lịnh bằng vô tuyến cho chi khu Gò Đen (cách Tân An 20km về hướng Sài Gòn) chận bắt xe Zeep có còi hụ. Được lịnh, chi khu Gò Đen liền sai binh sĩ mang rào chắn ra lộ. Xe của Nhiều tới nơi thấy chặn nhưng vẫn không ngừng, còn lái xe lách lên bờ cỏ, vượt qua rào cản. Qua khỏi khu vực cản trở, Nhiều quay lại, gặp thiếu tá tiểu đoàn trưởng địa phương quân Gò Đen giở thói hù: “Tôi, đại úy Nhiều thuộc Biệt Khu Thủ Đô có công tác đặc biệt. Hai xe GMC sau là của tôi đó!”. Nói xong, Nhiều lại tỏ ra chảnh chanh, cho dừng lại chờ 2 GMC đến sau để bảo lãnh. Lúc này Hảo và Công đánh hơi được sự nguy hiểm trước mắt, nên đã âm thầm nhảy ra khỏi xe chuồn êm hồi nào không biết. Binh sĩ địa phương quân đóng bên bờ ruộng gần đó thấy chuyện lùm xùm, động tánh hiếu kỳ xúm vào xem. Họ bu vào mở những tấm bạt che 2 xe GMC ra coi, thì thấy chất đầy nhóc các loại hàng lậu xa xí phẩm, mà chủ yếu toàn là thuốc lá thơm thượng hạng, và các loại rượu ngon như Cognac, Whisky danh tiếng thế giới. Vốn đã nghèo đói sẵn, đồng lương không đủ nuôi thân, lại thêm người nào cũng có tật thích ăn nhậu và hút xách, nên họ như một bầy sói dữ đói ăn lâu ngày, hè nhau, xúm vào “bề hội đồng” chôm chỉa thả cửa vì không có ai ngăn cản. Khi ông tỉnh trưởng Lê Văn Năm nghe báo cáo đến hiện trường thì số hành hóa trên 2 xe GMC đã bị hôi của hơn phân nửa. Nổi xung thiên, đại tá Năm ra lệnh bắt tống ngục tên đại úy Nhiều ngay và báo cáo lên Biệt khu Thủ đô và Phủ Tổng thống. Sáng hôm sau báo chí đã loan tin ầm ĩ và dư luận trong bộ Tổng Tham Mưu đã ồn lên về vụ buôn lậu có xe quân cảnh hụ còi mở đường, khiến bàng dân thiên hạ xôn xao bàn tán. Tình thế bắt buộc Tổng thống Thiệu không thể lặng im, đành phải ra lệnh cho thành lập ngay một ủy ban điều ra cấp chính phủ trung ương, gồm bộ quốc phòng, tổng thanh tra, quân cảnh và an ninh quân đội, do ông Tôn Thất Chước, Đổng lý Bộ Quốc Phòng làm chủ tịch ủy ban bắt tay vào việc điều tra. Phần Trần Thiện Khiêm, khi được báo cáo, không có ý kiến gì. Nhưng Nguyễn Văn Thiệu ra lịnh tống giam các đương sự đã can dự vào vụ buôn lậu từ chỉ huy các chốt chặn đến người tham gia trực tiếp, trừ đại tá tỉnh trưởng Long An Lê Văn Năm, và chỉ thị áp tải đoàn quân xa chở đồ lậu đó về một kho hàng của người Tàu trong Chợ Lớn, nói rằng đó là kho vật dụng của Hội Cô Nhi Quả Phụ Tử Sĩ. Đây là Hội do bà Thiệu, bà Khiêm và bà đại tướng Cao Văn Viên, "Chị Tư Quần Lãnh Đen" đứng đầu. Ai cũng biết, đơn vị bốc hàng lậu từ tàu đậu ở ngoài khơi đem vào đất liền là Giang đoàn đóng ở Mỹ Tho cũng là quê hương bà Thiệu, bà Tám Hảo (Hảo Heo) em bà và Đặng Văn Quang – phụ trách Đặc ủy trung ương tình báo là bạn và cậu vợ Thiệu. Địa điểm đổ đồ lậu là Chợ Gạo, Mỹ Tho, thuộc vùng 4 chiến thuật. Nhưng đoàn quân xa chuyên chở hàng lậu lại thuộc Quân Vận quân khu 3, và Quân Cảnh mở đường cho đoàn quân xa chở hàng lậu cũng thuộc quân khu 3. Mục tiêu xuống hàng lậu, và đem ra bán ngoài thị trường thuộc Biệt Khu Thủ Đô, lãnh thổ của Quân Khu 3. Kết quả tòa xét xử, ba sĩ quan trong đó có đại úy Nhiều lãnh án cao nhất, tước hết binh quyền, lưu đày ra Côn Đảo. Số còn lại lãnh án, hạ bậc tụt lon, đày ra chiến trận. Những con tốt đã được thí trên bàn cờ mà người chơi bị thất nước là gia đình bên vợ Nguyễn Văn Thiệu. Đầu cơ phân bón, gạo cứu tế miền Trung để thu bạc tỷ Sau những vụ việc như buôn lậu, bí mật sắm vợ bé của Thiệu xảy ra, dư luận trong hàng ngủ sĩ quan to nhỏ xầm xì, bất mãn…Lại vào lúc, ai cũng biết, ngoài dinh Độc Lập, vợ chồng Thiệu còn có căn nhà vật vã trong Bộ Tổng Tham mưu, và biệt thự rất rộng nằm trên đường Công Lý (Nam Kỳ khởi nghĩa ngày nay), trị giá đến 98 triệu đồng, một con số khổng lồ vào đầu thập niên 70. Nhưng toàn bộ việc đứng tên mua bán bất động sản đều do Nguyễn Xuân Nguyên – chồng bà Tám Hảo là Chủ tịch “công ty phân bón Hải Long” ký chi phiếu trả cho ông Tây chủ đồn điền Đất Đỏ. Cho mãi đến lúc làm giấy tờ trước bạ, đăng ký sang tên tân sở hữu chủ, lúc đó cái tên Nguyễn Thị Mai Anh - đệ nhất phu nhân mới lòi ra trên giấy tờ. Vấn đề nóng bỏng đặt ra: Thiệu mới lên ngôi tổng thống vỏn vẹn có 3 năm, lấy đâu ra tiền để tậu mấy ngôi biệt thự tính sơ bộ cũng trên trăm triệu rồi? Một số dân biểu và nghị sĩ đối lập lên tiếng yêu cầu thành lập ủy ban điều tra đặc biệt, có cả thông tin cho rằng có đường dây buôn lậu hàng hóa và ma túy. Từ ngày Thiệu lên “ngai vàng” đến ngày bỏ trốn khỏi Sài Gòn, người dân miền Trung nghèo đói vô cùng thê thảm, có nhiều người phải ăn khoai độn, củ mì, củ năng, khoai chuối để sống qua ngày. Đây cũng là thời gian chiến sự xảy ra ác liệtt khắp nơi. Nguyên nhân chính của nạn đói kém này là do vợ chồng Thiệu che chở cho bọn đầu cơ phân bón, ép giá lên cao gấp ba bốn lần bình thường. Rất dễ hình dung việc này, khi giá phân bón cao, giá lúa cũng lên cao dẫn đến hậu quả giá gạo tăng cao lên. Giống lúa Thần Nông 3 tháng lúc bấy giờ là giống mới nhất, ngắn ngày, cho năng suất cao nhưng đòi hỏi lượng phân bón, thuốc xịt rầy chi phí cũng cao. Lập tức gian thương (chủ yếu là thân nhân vợ chồng Thiệu và các quý bà như vợ Thủ tướng Khiêm, Chị Tư quần lãnh đen vợ đại tướng Cao Văn Viên) lợi dụng thời cơ, mua tích trữ lúa gạo, phân bón bán ra, mua vào gây nên tình trạng thiếu đói thê thảm cho dân nghèo. Theo thống kê của chính quyền lúc bấy giờ, dân số miền Trung khoảng trên 6 triệu người. Nhu cầu tiêu thụ gạo hàng tháng ước tính trên 80.000 tấn. Lập tức một chương trình tiếp tế béo bở 40.000 tấn gạo mỗi tháng cho miền Trung được các quân sư quạt mo của vợ chồng Thiệu bày vẽ ra rất hoành tráng. Người được Tổng thống Thiệu cho phép đứng ra bao thầu việc cung cấp gạo hằng tháng ấy là bà Ngô Thị Huyết, cô ruột của Thiệu, mẹ của tổng trưởng Thông Tin và Dân Vận Hoàng Đức Nhã, Đại tá Hoàng Đức Ninh, thân tộc của Ngô Khắc Tĩnh, tổng trưởng Giáo Dục ( nguyên Tổng ty Thông Tin Chiêu Hồi) và Ngô Xuân Tích (Chủ tịch Giám Sát Viện)...Người đứng thầu chuyên chở gạo ra miền Trung là Phạm Sanh (đồng bọn của bà Sáu Huyết) Chủ tịch Nam Việt ngân hàng, trụ sở chính tại đại lộ Hàm Nghi. Nhưng gạo miền Nam gửi ra Trung tiếp tế phải cộng thêm tiền chuyên chở và các sai biệt linh tinh khác, khiến cho giá thành trở nên quá đắt. Dân nghèo và gia đình binh sĩ không đủ khả năng vói tới, nên vẫn chịu chết đói như thường. Để hạ bớt giá gạo tiếp tế cho miền Trung xuống ngang với giá gạo ở Sài Gòn, Chính phủ phải đài thọ khoản trợ cấp sai biệt tính trên mỗi tấn gạo và tùy theo từng vùng. Thí dụ gạo tiếp tế cho các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Tín, Quy Nhơn...mỗi tấn được trợ cấp khoảng 2.500 đồng. Các tỉnh Thừa Thiên, Huế, Đà Nẵng, được trợ cấp mỗi tấn 3.000 đồng. Các tỉnh Nha Trang, Tuy Hòa được trợ cấp mỗi tấn 2.000 đồng. Tổng cộng mỗi tháng tiền trợ cấp chuyên chở gạo tiếp tế của chính phủ cho miền Trung lên đến khoảng 90 triệu đồng ! Nhưng đó chỉ là những con số tính theo lý thuyết và ghi trên giấy tờ, còn trên thực tế, người dân miền Trung không được hưởng một đồng xu tiền trợ cấp nào. Số tiền đó đã chảy vào túi của bè lũ buôn gạo và hẳn nhiên là được chung chi cho gia đình Thiệu. Sau mấy tháng điều tra đầy quyết tâm, các thành viên của ủy ban đã xác định đầy đủ chứng cứ về thủ phạm đầu cơ phân bón và lúa gạo không ai khác là Nguyễn Xuân Nguyên, Chủ tịch công ty phân bón Hải Long, người đã ký chi phiếu 98 triệu đồng trả cho Tây đồn điền Đất Đỏ, để mua lại bất động sản cho bà Thiệu, nhưng đành phải ngậm ngùi bó tay. Để “cứu bồ”, vợ chồng Thiệu đã mời Ủy ban điều tra vào dinh Độc Lập, chiêu đãi một bữa ăn rất thịnh soạn, ôn hòa, vui vẻ đầy trách nhiệm, đồng thời yêu cầu ủy ban đem toàn bộ hồ sơ vụ “đầu cơ phân bón của công ty Hải Long” đệ trình lên Phủ Tổng thống. Một tay cầm ly rượu chạm cốc những “Bao Thanh Thiên” của Đệ nhị Cộng hòa, mắt liếc sơ qua tập hồ sơ dày cộm như vẻ rất quan tâm, Thiệu liền giữ lấy luôn, rồi quay sang các nghị sĩ trong Ủy ban điều tra đặc biệt vừa cười vừa nói giọng rất sắc : “Thôi , xin các ông đừng làm khó dễ ”công ty của chúng tôi” nữa!” Chỉ một câu nói úp mỡ “công ty của chúng tôi” đã khiến cho các thành viên trong Ủy ban đủ hiểu nên biết điều, chớ động vào. Ai cũng biết, Nguyễn Xuân Nghiêm là cột chèo của Tổng thống nên lặng thinh nuốt không trôi. Về sau, báo giới và các nghị sĩ chất vấn, Chủ tịch Ủy ban điều tra Trần Trung Dung - một tay chân thân tín của vợ chồng Thiệu ấm ớ cho rằng cần có thêm thời gian điều tra bổ sung và sau đó đã phải xóa toàn bộ những gì liên quan đến Cty Phân bón Hải Long bố cáo trước thiên hạ. Bà Thiệu mất 5 triệu Mỹ kim Đầu thập niên 70, dư luận Sài Gòn bắt đầu xầm xì bàn tán về những hoạt động gian tham, phi pháp trong bóng tối hậu trường chính trị của bà Thiệu mà lâu nay mọi người lầm tưởng là “mẫu nghi thiên hạ”. Có người phát hiện đệ nhất phu nhân thường xuyên bay qua Génève –Thụy Sĩ tá túc cả tháng trời trong ngôi biệt thự bên bờ hồ Léman, mà Thiệu đã đem chức Tổng trưởng Tài chính cho Hà Xuân Trừng để đổi lấy. Có một nghị sĩ dạng đối lập vợ chồng Thiệu tình cờ qua Thụy Sĩ kể lại chuyện gặp bà Thiệu thình lình bị ngất xỉu phải đưa vào bịnh viện ở Geneve cấp cứu vì bị mất 5 triệu Mỹ kim trong tài khoản. Chánh phủ lúc bấy giờ có qui định, mỗi lần muốn chuyển ngân khoản nào từ 10.000 Mỹ kim trở đi đều phải thực hiện nhiều thủ tục rất phức tạp và phải trải qua nhiều chặng kiểm soát rất gắt gao của các giới chức Việt-Mỹ.
Thông thường muốn chuyển ngân lậu ra ngoại quốc, để gửi vào các ngân hàng, mỗi lần công du xuất ngoại, các phu nhân của Thiệu, Khiêm, Kỳ, Viên đều sử dụng giấy thông hành cấp ngoại ngoại giao, đi qua cổng VIP trót lọt không ai khám xét, đặc biệt là “người nhà” quan chức cơ quan Đặc ủy trung ương tình báo thì càng an toàn hơn. Mà người phụ trách cơ quan này không ai khác hơn là Đặng Văn Quang, cậu vợ vừa là bạn thân của Thiệu.
Nhiều người còn nhớ, vào tháng 4/1947, con gái của Cao Ủy Pháp ở Đông Dương Émile Bollaert, tên Jacqueline, đã đem một va li chứa 600.000 đồng bằng ngoại hối (devises étrangères) ra phi trường Tân Sơn Nhứt để đi Hồng Kông trao cho Bảo Đại, khi qua cửa Hải quan bất ngờ bị quan thuế người Pháp khám xét đổ bể, khiến báo chí đăng rùm trời. Như vậy, việc mắt nhắm, mắt mở để người nhà Nguyễn Văn Thiệu mang Mỹ kim “đen” do trấn lột, buôn lậu phi pháp mà có ra nước ngoài nhập vào nhà băng ngoại quốc để cất giữ, rồi việc bà Thiệu ngất xỉu khi hay tin tài khoảng bị kẻ cắp xơi mất 5 triệu Mỹ kim, có lẽ thủ phạm không ai ngoài CIA Mỹ.
Tuy bị một vố đau như trời giáng nhưng vợ chồng Thiệu phải ngậm bồ hoàn làm ngọt vì sợ vụ việc đỗ bể ra “xấu thiếp, hổ chàng”. Tin bà Thiệu mất 5 triệu Mỹ kim gây chấn động dư luận khắp miền Nam một thời. Một câu hỏi đặt ra: Tiền ấy từ đâu Sài Gòn, phải truy tìm dấu vết những phi vụ canh bạc tỷ của bà. Mặt khác, con trai Nguyễn Văn Thiệu là Nguyễn Quang Lộc lấy con gái ông Nguyễn Tấn Trung, một ông trùm ngành hàng không quốc gia lúc bấy giờ được mệnh danh là “Lã Bất Vi”, việc chuyển ngân lậu là việc không mấy khó khăn. Đổi biệt thự bên hồ Léman Thụy Sĩ, lấy chức tổng trưởng tài chính Trong thời gian quân Mỹ rục rịch rút quân, vợ chồng Nguyễn Văn Thiệu đã tậu cho cậu quí tử này một biệt thự đồ sộ trị giá đến trên 40 triệu bạc thời bấy giờ. Còn ông bà Thiệu thì tậu đất bên hồ Xuân Hương- Đà Lạt và ở Khánh Hải quê hương cho người chị thứ năm đứng tên và các dinh thự nghỉ mát, du hí tại Nha Trang, Đại Lãnh, Vũng Tàu, Mỹ Tho…
Lại nói về chuyện Hà Xuân Trừng, một sinh viên còn ở tuổi chíp hôi, chưa đến 30 tuổi, chưa từng làm việc gì ngoài việc đi học. Trừng quê ở Phú Cam – Huế theo đạo Công giáo là em cột chèo của Nguyễn Cao Thăng –một ông trùm thuốc Tây ở Miền Nam thời bấy giờ từng bị Thiệu “bóp cổ” tức tưởi lấy 20 triệu đồng ủng hộ quỹ tranh cử. Và cũng nhờ đó mà Thăng trở thành chân rết cho phu nhân Mai Anh và các phu nhân khác thao túng đường dây buôn bán lậu thuốc Tây trên thị trường bấy giờ. Được đám quân sư quạt mo hiến kết, hót nghe hay về căn biệt thự của Hà Xuân Trừng rất đẹp bên hồ Léman, thủ đô Thụy Sĩ, vợ chồng Thiệu nghe bùi tai, nên bảo Nguyễn Cao Thăng gọi Trừng về gặp tại Dinh Độc Lập để bàn bạc, thương lượng. Tính Thiệu rất thô mộc, liền nói thẳng: “Chính phủ đang cần một cơ sở bên Thụy Sĩ để tiện lợi việc qua lại ngoại giao, đàm phán. Nên đề nghị anh nhượng lại căn biệt thự trên cho Chính phủ. Bù lại tôi sẽ mời anh về nước đảm nhiệm chức vụ Tổng trưởng Tài Chính trong Chính phủ”. Lúc này, hội nghị bốn bên đang vào giai đoạn cuối tại Paris, nên Trừng cảm thấy vinh dự đóng góp cho quốc gia và có cơ hội thăng tiến, mặc dù chưa bao giờ biết làm quan bao giờ. Cuộc thương lượng chóng vánh, thành công mỹ mãn, ngôi biệt thự bên hồ Léman tại Gèneve, Thụy Sĩ có giá 300.000 Mỹ kim được chuyển tên cho tân sở hữu là Nguyễn Thị Mai Anh - đương kim đệ nhất phu nhân.

Vụ việc này là cái gai trong mắt Thượng Viện, nên Thiệu bị yêu cầu điều trần. Hôm đó Thiệu đã không chịu ra điều trần, mà cử Nguyễn Cao Thăng đại diện. Các Thượng Nghị sĩ xoay quanh mấy vấn đề về tiền, làm cách nào chuyển tiền mua biệt thự giá 300 ngàn Mỹ Kim qua mặt các cơ quan bảo vệ luật pháp tuyệt đối cấm theo luật hối đoái và quan thuế. Nhưng kết cục vẫn là con số không, mọi việc lại rơi vào im lặng. Một vài tờ báo lên tiếng ám chỉ xa gần lập tức bị Hoàng Đức Nhã – Tổng trưởng Dân Vận- Thông tin bịt miệng câm như hến. Xây bệnh viện Vì dân để tiêu thụ thuốc men, trục lợi bệnh nhân hốt bạc tỷ Noi theo gương của bà cố vấn Trần Lệ Xuân, phu nhân Nguyễn Văn Thiệu đứng ra lập “Hội Phụ Nữ phụng sự xã hội” mang tên rất kêu, đầy tính nhân đạo và thiện nguyện. Nhiều đấng mệnh phụ phu nhân, vợ các tướng tá khác cũng ầm ầm lập hội này, sở đoàn nọ nhân danh khác bảo vệ cô nhi quả phụ tử sĩ, giúp đỡ người nghèo, trại tế bần, nhà thương thí, xây chùa…v.v.Thực chất đây chỉ là việc “lấy vải thưa che mắt thánh”, để rửa tiền bẩn, lừa bịp kẻ nhẹ dạ, moi tiền thiên hạ, châm đầy túi tư. Bà Mai Anh cùng con trai và con dâu Lợi dụng danh nghĩa hội thiện nguyện, bất vụ lợi, bà Thiệu đã được phép chiếm công vi tư một khoảng công thổ rộng mênh mông, tọa lạc ngay góc ngã tư Bảy Hiền, vận động các tài phiệt, tỷ phú gom tiền xây bệnh viện Vì Dân (nay là Bệnh viện Thống Nhất) tại một vị trí rất đẹp và thuận lợi, sát nách thủ đô Sài Gòn. Nấp bóng từ thiện vì dân nghèo, “dành 100 giường bệnh” miễn phí là những trò nhằm hướng dư luận trong dân và báo giới ca tụng việc làm nhân đạo của đệ nhất phu nhân Nguyễn Thị Mai Anh. Đây là bệnh viện tư của bà Thiệu như cách nói của dân Sài Gòn ngày trước. Rất ít người biết được, các y bác sĩ là người do Bộ Y tế , Cục Quân y đưa vào làm việc, ngoài việc chữa trị cho thường dân còn lại chủ yếu phục vụ cho quân nhân và thân nhân lính Cộng hòa, quan chức đô thành. Do đó, bà Thiệu không phải trả một đồng xu nào. Nguồn thuốc men, thiết bị y tế lấy từ ngân khố Chính phủ danh cho quân đội. Thực chất đây là sân sau tiêu thụ các loại thuốc Tây nhập khẩu, sản xuất, bào chế trong nước của vợ chồng Thiệu kết hợp với ông trùm thuốc Tây, dược phẩm miền Nam là Nguyễn Cao Thăng. Lâu la dưới trướng “đệ nhất phu nhân” đã nhân danh bệnh viện Vì Dân đi vơ vét các hãng thuốc Tây, dược phẩm, cơ sở sản xuất, nhập khẩu thiết bị y tế để phục vụ cho việc làm thiện nguyện, nhân đạo của bà Thiệu. Trong suốt những năm từ 1967 đến 1975, bệnh viện Vì Dân của bà Thiệu mang về số lợi nhuận kết xù cho bà, trái ngược với ý nghĩa, tôn chỉ mà họ rêu rao. Gần như rất hiếm hoi người nghèo, nếu không quen thân, mà chỉ dòng họ các quan bà mới được trị bệnh theo tiêu chuẩn “100 giường bệnh miễn phí”. Nhiều người lắc đầu: đó là bịnh viện Vì Tiền! Ngay cả lời tuyên bố mị dân của Nguyễn Văn Thiệu: diệt gian thương, đầu cơ, tích trữ, cấm buôn lậu ma túy và chủ trương “Bốn không”, người dân phải hiểu ngầm ngay đó là “bốn có” hễ cái có là không, cấm là làm được. Bài 4 : Nàng Cyrnos Kim Anh- vợ bé của Nguyễn Văn Thiệu Nam Yên TIN LIÊN QUAN Nguyễn Thị Mai Anh và thế giới tâm linh của vợ chồng TT Thiệu

Comments

Popular posts from this blog