Nhà cửa thời Viễn Tây


“Lên đường, nào lên đường, đừng ngại
Chú Sam đủ giàu cho ta đất đai”
Đó là bài ca bên đám lửa trại của di dân về miền Tây những năm 1870s.
nha-cua-thoi-vien-tay
Phút giây sau giao thừa ngày đầu năm 1863, Daniel Freeman, anh lính Union là người đầu tiên xếp hàng để đăng bạ mảnh đất, dựa theo Ðạo luật đất đai năm 1862, ký bởi Tổng thống Abraham Lincoln vào 20 tháng 5, 1862. Lúc ấy 11 tiểu bang đã rời liên bang theo phe miền Nam Confederate, và cuộc nội chiến đã bắt đầu dữ dội.
Dự định phân chia đất đai của đất nước đã có từ thời sau khi cách mạng giành độc lập. Mười ba thuộc địa đầu tiên đã bàn thảo việc mở rộng và phân chia đất đai cho dân chúng. Giá cả và phương thức đo đạc lúc ấy còn tùy tiện. Các miếng đất thường được chia phỏng chừng theo địa hình sông suối, đồi núi…Vì thế nên sự lấn chèn lên các mảnh đất và ranh giới thật mơ hồ đầy tranh chấp, dẫn đến bạo động. Ðến năm 1785 thì liên bang bắt đầu dùng hệ thống đo đạc tiêu chuẩn, dựa theo phương vị Bắc Nam. Ðầu tiên lãnh thổ được chia làm trung tâm, với 6 dặm vuông đất thành phố. Miếng đất này lại chia ra 36 phần nhỏ, mỗi phần là 1 dặm vuông (640 mẫu). Ðất thành phố này được xem như đất công cộng, dùng cho công việc chính phủ. Giá mỗi mẫu là 1 đô. Ðến năm 1800 thì lô đất thu nhỏ thành 320 mẫu, cư dân được phép trả góp 4 kỳ nhưng giá vẫn giữ nguyên 1.25 đô/mẫu cho đến 1854. Sau đó do chậm bán, dự luật đã thay đổi: Miếng đất nào đã 30 năm mà không ai mua được bớt giá chỉ còn hơn 12xu/mẫu. Lại khuyến khích ưu tiên cho cựu chiến binh và di dân muốn đến định cư ở vùng Oregon. Dầu vậy, vẫn ít người mua.
nha-cua-thoi-vien-tay4
Daniel Freeman, người đầu tiên đăng bạ sở hữu đất ở Beatrice, Nebraska năm 1863.
Chiến tranh Mỹ- Mễ xảy ra giữa 1800s, kinh tế đất nước biến chuyển, khí hậu lại ảnh hưởng đến mùa màng. Giá bắp, lúa mì và bông vải gia tăng buộc các trang trại càng mở rộng và đầu tư lớn, nhất là phía Nam. Các chủ trang trại nhỏ bị o ép và tìm cách di chuyển về miền đất mới rẻ hơn. Trong khi đó ở miền Ðông, nền kỹ nghệ phát triển lại thu hút nhiều nhân công và di dân mới. Các thành phố miền Ðông ngày càng chật chội đông đúc. Các kênh đào và đường sá bắt đầu phát triển hơn. Các dự thảo về đất đai rộng lớn ở miền Tây gặp trở ngại khi đưa ra quốc hội. Lý do, các tiểu bang phía Bắc sợ mất nguồn nhân công rẻ trong khi các tiểu bang phía Nam lại sợ mất đi nguồn nô lệ nếu miền Tây phát triển. Ba lần dự luật được đưa ra — từ 1852, 1854 đến 1859 đều bị hủy bỏ. Cho đến khi các tiểu bang miền Nam rút khỏi liên bang và cuộc nội chiến xảy ra thì đạo luật đất đai mới được thông qua.
Luật pháp đòi hỏi ba điều kiện: đăng bạ, cải thiện miếng đất và khai chủ quyền. Bất cứ công dân Mỹ hay dự tính nhập quốc tịch, chưa bao giờ mang vũ khí chống chính quyền đều được đăng bạ 160 mẫu. Họ phải làm nhà để ở trên mảnh đất đó, cải thiện chút ít đất để trồng trọt, đào giếng kích thước 12×14, sau 5 năm sẽ được cấp giấy tờ chủ quyền. Giấy được cấp từ thủ đô Washington D.C với lệ phí nhỏ. Trong thời gian 5 năm không được vắng mặt quá 6 tháng/năm. Di dân cũng có thể mua đất và có giấy chủ quyền sau 6 tháng cư trú, có chút cải thiện đất và trả 1.25 đô/mẫu. Sau nội chiến, các cựu chiến binh Union được ưu tiên khấu trừ thời gian trong quân ngũ để áp dụng cho việc mua đất. Cựu binh sĩ Confederate (phe bại trận) cũng được phép đăng bạ sau khi thề trung thành với chính phủ.
nha-cua-thoi-vien-tay5
Một gia đình giữ chỗ trên mảnh đất vừa đăng bạ ở Guthrie, Oklahoma năm 1889
Do luật chưa rõ ràng chi tiết, nên dân chúng dễ bị giới cò đất và nhân viên địa ốc lợi dụng và sách nhiễu. Nhiều cò đất mướn người ở trên mảnh đất tốt 6 tháng, sau đó mua lại đầu tư bán ra với giá cao, thuê người làm chứng gian, khai báo đã có đào giếng và xây nhà để mua đất bỏ hoang. Sở địa ốc không đủ tài lực để điều tra và kiểm soát. Trong khi đó những miếng đất tốt thường dành cho các công ty hỏa xa để ưu tiên mở rộng hạ tầng cơ sở. Di dân muốn mua đất gần phố thị đường sá phải trả đến 4.7 đô/mẫu. Các tiểu bang như Minnesota, Iowa, Tây Nebraska còn có rừng. Trong khi đó các tiểu bang ở xa hơn về phía Tây, đặc biệt là vùng trung Tây Nam, đồng trống, cỏ thấp, không một bóng cây, một con suối…
Những nơi đó điều kiện đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt cùng sự quấy nhiễu của các băng đảng cao-bồi và người da đỏ ở miền Tây làm giấc mơ của di dân trở thành ác mộng. Họ thường sống tạm nhiều tháng sau khi đặt chân đến vùng đất mới. Ðất bùn được trộn vào cỏ tranh dài, loại có rễ cứng thân chắc. Sau khi trời mưa hay tuyết tan, đất mềm nhão; đó là lúc chuẩn bị lấy đất làm nhà. Họ cắt đất thành miếng dài nhờ ngựa bò xới, sau đó dùng rìu xẻ từng miếng nhỏ làm gạch, kích thước 2×3 ft, dày 4 inch. Mái đất được làm cốt bằng sườn cây, rơm rạ. Nhiều nhà đất được xây dựa vào sườn đồi, để tiết kiệm công sức, vật liệu, họ chỉ đào một phần vách, dựa lưng vào đồi, xây tường phía trước và lợp mái nhà. Nhà bằng đất hầu như chẳng tốn vật liệu, rất rẻ chừng 2.8 đô vào năm 1870. Di dân ưa thích vì nhà ấm vào mùa đông và mát vào hè.
nha-cua-thoi-vien-tay3
Nhà bằng đất ở Nebraska 1890
Nhưng ngược lại, nhà bằng đất nên luôn đầy bụi, kiến, chuột, rắn và côn trùng. Một nhật ký của di dân ghi lại: “Mỗi chiều tối, con rắn rung chuông lại bò ra từ vách đất lên mái nhà, hong nắng từ cửa sổ phía tây.” Nhà đất lại hay dột khi mưa, nền đất lúc ấy lấm bùn, mất vài ngày mái nhà mới khô, và nhiều khi sũng mưa rồi sập. Khi mái đất khô thì bụi, cỏ khô rơi đầy; di dân thường lợp các tấm vải che trên bàn ăn hay giường ngủ. Nhiều nhà bằng đất bị nước cuốn trôi, tan rã khi mưa lũ… Những di dân ở vùng nhiều cây rừng thì nhà dựng bằng cây gọi là log cabin. Những di dân Ireland có kinh nghiệm nhiều trong việc xây nhà bằng cây này. Chỉ với rìu và khoan đất, họ cưa chặt cây dựng trên nền đá tảng, các cây được cắt vuông nối góc làm tường, sau đó nhồi đất sét hay vụn cây nhét vào giữa che kín gió mưa. Cũng có lò sưởi, bàn ghế, giường ngủ bằng ván cây. Sàn nhà thì bằng đất nén, thường xuyên cào bụi cho bằng phẳng.
Nước uống, nước sinh hoạt, nước cho gia súc và để tưới vườn tược là tối ưu của di dân. Những người sống gần sông suối lấy nước về trong thùng gỗ. Những di dân kém may mắn, xa sông suối phải tự đào giếng để có nước sử dụng. Giếng đào bằng tay, vùng đất thấp thì đào 40 – 50 feet, vùng đồi cao phải đào sâu 200 – 300 feet. Nước rất hiếm hoi ở nhiều vùng khô hạn. Nhiều gia đình phải thay phiên tắm chung trong một bồn nước, mỗi tuần một lần. Thiếu nhiên liệu để sưởi ấm và nấu ăn, di dân phải lượm phân Buffalo, phân bò khô làm củi đốt. Bốn mùa thời tiết đều lắm thử thách. Mùa xuân lũ lụt, mùa hè nóng bức khô hạn, mùa thu lại hay xảy ra cháy cỏ, dịch bệnh mùa màng, mùa đông thì giá băng, tuyết ngập. Cả đàn gia súc và người đều sống chung trong nhà…
nha-cua-thoi-vien-tay2
Nhà gỗ cabin nơi Tổng thống Mỹ thứ 20 James Garfield chào đời 1831
Cuối thế kỷ 19 gần 1 triệu người đăng bạ đất đai bỏ cuộc. Trong đó có gia đình Cather nguyên quán ở Virginia. Sau khi đăng bạ 160 mẫu đất ở Nebraska năm 1882, không chịu nổi họ trở về thành phố. Người con gái Willa Sibert Cather viết cuốn tiểu thuyết O Pioneers! kể lại nỗi gian truân của di dân, được trao giải văn chương Pulitzer quý giá năm 1922. Một di dân khác, bỏ cuộc khi thời hạn 5 năm đến phải bỏ đất mà đi, đã viết lại trên cửa lều: “Một trăm dặm để lấy nước. Hai mươi dặm để lấy củi. Sáu inches để xuống địa ngục. Cầu phước lành cho căn nhà này. Tớ đi! Ở nhờ với vợ của thằng bạn”.
Những di dân chịu khó bám đất thì dễ dàng hơn khi các đường hỏa xa vận chuyển vật liệu và hàng hóa đến nơi. Các khung nhà bằng gỗ được làm sẵn, mái giấy bằng dầu hắc ín và bán rẻ. Nhiều di dân chỉ cần mua, dựng khung gỗ làm sườn nhà rồi dán giấy carton làm lều ở tạm. Những căn lều shanty này thường bị gió thổi bay khi bão về. Mùa hè thì nóng bức ngột ngạt, dễ cháy. Tuy tạm bợ và không an toàn, nhưng các căn nhà lều tồi tàn này lại di động được khi cần. Dần dà các trường học và nhà thờ được xây dựng, quán xá mọc lên định hình nên các làng xóm, thành phố sầm uất sau này.
nha-cua-thoi-vien-tay1
Thành phố Guthrie, OK mọc lên nhanh chóng năm 1893
Ðạo luật đất đai dù có nhiều bất toàn, bị lợi dụng làm vỡ tan giấc mơ viễn xứ của nhiều di dân. Nhưng là một trong những đạo luật chủ chốt ảnh hưởng đến sự phồn vinh, phát triển và hợp lòng dân của nước Mỹ. Nhờ Ðạo luật này mà đến năm 1934 đã có hơn 1.6 triệu gia đình di dân có nhà với hơn 270 triệu mẫu đất, 10% đất đai của cả nước vĩnh viễn thuộc về người dân. Ðạo luật được sửa đổi năm 1912, áp dụng cho dân định cư chỉ ở trên đó 3 năm thay vì 5 năm như trước đây. Luật sở hữu đất đai dần chấm dứt vào năm 1976. Ngoại trừ Alaska được gia hạn cho đến năm 1986.
An cư thì mới lạc nghiệp. Những căn nhà bằng đất, bằng cây rừng năm xưa nói lên ý chí tự do, nỗi nhọc nhằn khai phá của di dân. Những người dân tiên phong tay trắng được làm chủ mảnh đất, làm nên miền Tây giàu có. Nhờ một chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân.
SB
Austin – TX

Comments

Popular posts from this blog