Những cánh rừng trống rỗng ở Việt Nam


Mai Hưng dịch

Bất chấp những cuộc chiến kéo dài và bi thảm với người Nhật, người Pháp, người Trung Quốc và người Mỹ trong suốt thế kỷ qua, Việt Nam vẫn là một kho báu sinh học. Theo một nghiên cứu khoa học, đây là một trong những địa điểm nổi bật của thế giới về đa dạng sinh học. Ở Việt Nam - một quốc gia chỉ lớn hơn tiểu bang New Mexico một chút này - có tới 30 công viên quốc gia và có nhiều loài động vật như ở những công viên safari nổi tiếng của Kenya và Tanzania.

Con tê giác cuối cùng đã bị hạ ở rừng Nam Cát tiên.


Trên thực tế, trong ba thập kỷ qua, đã có hàng trăm loài động thực vật mới đối với khoa học được phát hiện ở Việt Nam, và mỗi năm lại càng ghi nhận được nhiều hơn nữa. Ví dụ như Sao la – một loài giống như linh dương. Mặt có những đường vằn, dịu dàng trông như thể vừa bước ra khỏi một bức tranh đầy mơ màng của rừng rậm của họa sỹ Henri Rousseau (1844 – 1910, một họa sĩ trường phái hậu ấn tượng người Pháp theo phong cách ngây thơ và nguyên thủy – người dịch). Được xem là “con kỳ lân cuối cùng” vì sự hiếm hoi của nó, sao la là loài động vật sống trên cạn lớn nhất được phát hiện kể từ năm 1937. Người ta cũng phát hiện một đàn nhỏ loài tê giác đã mất tích từ lâu, một loài mang, và một loài thỏ có sọc / vằn. Cũng như họ đã phát hiện ra một loài côn trùng thuộc bộ Bọ que khổng lồ, dài khoảng 53cm, và nhiều loài chim – loài khướu! - cá, rắn và ếch, những loài mà cho đến nay chưa biết tới hoặc được cho là đã tuyệt chủng.

Các khu rừng Việt Nam là nơi cư trú của hơn hai chục loài linh trưởng - vượn, khỉ, cu-li và voọc, loài linh trưởng thường có màu sắc khiến cho loài người chúng ta trông chúng có vẻ buồn cười, vì khá tương phản.

Một email quảng cáo mà tôi nhận được từ Vườn quốc gia Cúc Phương dường như đang trêu ngươi: “Khu rừng cổ có gần 2.000 loài cây và trong số đó có một số động vật quý hiếm và đáng kinh ngạc, bao gồm báo đốm, voọc Delacour, cầy hương Owston, rái cá và gấu đen châu Á! … cú mèo, sóc bay, cu-li, dơi và mèo”.

Nhưng trong lúc cố gắng thu xếp để đến thăm, những người tổ chức chuyến đi mà vợ tôi và tôi đã liên lạc đã ngần ngại một cách kỳ lạ về các khu vực tự nhiên và động vật hoang dã, và họ tiếp tục giục giã chúng tôi trở lại những cảnh quan đơn thuần, hoặc đến các thành phố. Và sau đó là một email như thế này: “Trước đây, đã khi nào quý vị đã từng đến Việt Nam, hoặc hiểu biết tình hình ở đó hay chưa? Khá là tàn khốc, nếu quý vị chưa từng biết”.

Tàn khốc đối với động vật hoang dã?

“Rất tàn khốc là đằng khác. Ở Việt Nam, các công viên quốc gia chủ yếu chỉ trên danh nghĩa, và nạn săn trộm (do chính nhân viên kiểm lâm của công viên quốc gia thực hiện) cùng những điều tệ hại hơn đã hủy diệt động vật hoang dã”. 

Những lời kêu gọi đối với các nhân viên hoạt động bảo tồn các loài động thực vật hoang dã - những người sống và làm việc tại Việt Nam - chấp nhận những điều có vẻ trái ngược. Vâng, đất nước này là một tâm điểm của sự đa dạng động thực vật hoang dã. Không, du lịch hoang dã không được quan tâm nhiều, và Việt Nam cũng đã trở thành một trung tâm buôn lậu động vật hoang dã trên thế giới.

Các quần thể động thực vật hoang dã vốn đã hủy hoại môi trường sống vì dân số bùng nổ, cũng bị săn bắn, bẫy và bắt sống cạn kiệt đến nỗi các công viên quốc gia và các khu vực tự nhiên khác hiện đang bị “hội chứng rừng trống": ngay cả các loài động vật và chim nhỏ cũng bị săn bắt đến mức tuyệt chủng ngay tại bản địa. Các nước châu Á khác cũng đang ở trong các giai đoạn khác nhau của cùng một cơn giẫy chết như vậy. Thường người ta vẫn nói rằng nhiều loài động thực vật hoang dã mới đã biến mất trước khi khoa học phát hiện ra chúng.

Sự suy giảm đa dạng sinh học ở Việt Nam là đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ, trong một khu bảo tồn quốc gia xa xôi hẻo lánh dành riêng cho sao la và các động vật quý hiếm khác, theo con số ghi nhận được gần đây nhất vào năm 2015, đã có tới 23.000 cái bẫy làm bằng dây điện rẻ tiền nhưng gây sát hại đã được phát hiện. Hàng chục nghìn những bẫy như vậy được đặt mỗi năm, và chúng cũng bị nhanh chóng thu giữ. Mặc dù được tìm kiếm nhiều, nhưng không có bằng chứng nào về sao la ngoài một bức ảnh được chụp từ sáu năm trước. Con tê giác cuối cùng đã bị những kẻ săn trộm bắn hạ tại Vườn quốc gia Cát Tiên vào năm 2010. Hổ bị săn đuổi ráo riết. Chỉ có những quần thể gấu và voi ít ỏi còn lại sinh sống trong những khu vực nhỏ hẹp, dễ bị tổn thương. Gần như tất cả các loài linh trưởng đều có nguy cơ tuyệt chủng.

Một số trong những cuộc tàn sát này là nhằm thỏa mãn cơn đói các loại Đông dược truyền thống ở Việt Nam và quốc gia láng giềng Trung Quốc. Các ví dụ một danh mục dài các phương thuốc có mục đích bao gồm: dương vật hổ trị bệnh bất lực, mật gấu để chữa ung thư, sừng tê giác để giải rượu, mật cu-li để giảm các bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp do ô nhiễm không khí ở Việt Nam.

Barney Long, giám đốc Bảo tồn Động vật hoang dã Toàn cầu, một tổ chức phi lợi nhuận, cho biết, các cuộc điều tra đã phát hiện ra rằng còn có nhiều nguyên nhân khác, động lực khác (của việc tàn sát các loài động vật hoang dã), đó là “cung cấp cho nhu cầu thịt rừng ngày càng tăng trong các nhà hàng đô thị, vốn là việc thể hiện đẳng cấp”.

Ông Long  nói “Đây không phải là thịt rừng, nơi mà những người nghèo đang săn lùng thức ăn. Đó là một biểu tượng của đẳng cấp khi mời các đối tác kinh doanh hoặc các quan chức chính quyền đi ăn một bữa ăn thịt rừng. Và thành thật mà nói, đó là một quy mô kinh hoàng. Chúng tôi đang nói không phải về một hoặc hai loài thú, mà là sự biến mất của toàn bộ cộng đồng động vật hoang dã”.

Sau khi tìm hiểu thêm, vợ chồng tôi quyết định lên đường bằng mọi cách, sắp xếp bay ra Hà Nội, đến miền Bắc, và nhanh chóng đi đến một vùng hẻo lánh nào đó nhưng còn rừng. Sau đó, chúng tôi sẽ bay vào miền Nam, đến Thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn cũ, để đi thăm một vòng các công viên và các khu vực tự nhiên ở đó.

Trong suốt chuyến đi kéo dài hai tuần, chúng tôi nhận thấy rằng một số loài động vật hoang dã quý hiếm vẫn còn gìn giữ được, mặc dù trong những hoàn cảnh bị đe dọa ngặt nghèo. Và chúng tôi cũng đã gặp may, phải thành thực mà nói là như vậy, được chứng kiến cuộc đấu tranh của những người Việt bản địa và các đồng minh bảo tồn quốc tế nhằm ngăn chặn nguy cơ diệt chủng động vật ngày càng tăng.

Cúc Phương, công viên quốc gia đầu tiên của Việt Nam, cách Hà Nội vài giờ lái xe. Công  viên được ông Hồ Chí Minh thành lập vào năm 1962, ông Hồ đã tiên báo rằng “sự phá hủy rừng hiện tại sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho khí hậu, năng suất và cuộc sống. Rừng là vàng. Nếu chúng ta biết cách bảo tồn và quản lý tốt, rùng sẽ rất có giá trị”.

Nhưng dù những ngôn từ có cánh  mà  chính quyền ghi trong giấy mời chúng tôi tới công viên, không hề có một con voọc Delacour nào trong những khu rừng này, cũng không có loại nào khác. Không có gấu, báo hay loài mèo rừng, trừ khi chúng được giấu kỹ đến nỗi ngay cả các nhà khoa học cũng không thể tìm thấy chúng, Adam Davies, giám đốc Trung tâm cứu hộ các loài linh trưởng đang bị đe dọa, nói với tôi như vậy.

Thay vào đó, có bộ sưu tập động vật quý hiếm phong phú nhất dọc theo con đường công viên hẹp yên tĩnh ở các trung tâm cứu hộ động vật, tương đương với một loại xa lộ bảo tồn. Tại Trung tâm cứu hộ các loài linh trưởng, du khách có thể nhìn thấy bốn loài voọc gần như tuyệt chủng (còn được gọi là vọoc), vượn và cu-li, nhiều con trong số đó đã được giải cứu khỏi những kẻ buôn bán động vật hoang dã. Chúng được chăm sóc hồi phục sức khỏe, được nhân giống khi có thể, và trong những hoàn cảnh đặc biệt may mắn, được đưa trở lại tự nhiên. Những kẻ săn trộm đã làm cho phần còn lại của công viên quốc gia này trở thành một cảnh quan thù địch đối với việc thả vào rừng hầu hết các loại động vật, ông Davies nói.

Cách đó một vài bước là hai trung tâm cứu hộ khác. Một trung tâm đang bảo vệ hàng chục loài rùa, nhiều con đẹp đến kinh ngạc, tất cả đều có nguy cơ tuyệt chủng. Còn trung tâm kia dành cho các loài báo (thuộc họ nhà mèo) bị tịch thu, cầy hương, cầy mực, hoặc cầy mực - được so sánh với một cây chổi có mùi như bỏng ngô tươi - và tê tê, một loài động vật giống như cừu trư, mà thịt và vảy có giá tới 1.000 đô la một ký trong nhà hàng hoặc trong các cửa hiệu thuốc Đông y dân gian ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. “Tê tê hiện là loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới, đây là một danh hiệu rất không được mong muốn”, ông Davidies nói.

Trung tâm của ông (làm nhiệm vụ) tái sinh sản một số loài voọc Delacour thuộc cấp bậc cực kỳ nguy cấp cho Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước hoang dã Vân Long (thuộc tỉnh Ninh Bình – người dịch), khoảng 90 phút lái xe xuôi theo con đường này. Ở đó, chúng tôi lên một chiếc thuyền nhỏ đang đậu tại bến, được một trong những nhóm hướng dẫn viên địa phương chèo đưa đi, được nửa ngày trôi nổi trong một hẻm núi được bảo vệ.

Chúng tôi rẽ sang một tuyến đường mà chưa một ai trong số những người chèo thuyền kia đã đi. Những con voọc, hiện đang sinh sản, nhân giống thành công đang ở đâu đó ngoài kia, vẫn bặt tăm. Tất nhiên đó là bản chất của những nhiệm vụ như vậy: Hãy tận hưởng điều tuyệt vời như vậy, ngay cả khi không thấy con thú nào. Có lẽ tất cả những chiếc thuyền nhỏ khác đã đi theo một hướng khác may mắn hơn?

Sau đó, lúc quay trở lại, chúng tôi nghe thấy tiếng người nông dân la lên trong một bụi cây. Người này phấn khích chỉ vào những cái cây đang rung rinh ở bờ bên kia. Cuối cùng, một nhóm ồn ào gồm 10 con voọc chà vá xuất hiện - loài này có lông đen và râu và giống như (mặc) quần trắng - và chúng tôi ngồi cả tiếng đồng hồ để xem chúng bắt chấy và đuổi nhau và tắm nắng trong ánh mặt trời cận nhiệt đới gay gắt. Nếu may mắn, chúng sẽ tiếp tục được bảo vệ ở đây và không trở thành  mồi cho các tiệm thịt rừng hoặc thú cưng.

Để thấy được gấu, chúng tôi lái xe đến vườn quốc gia Tam Đảo, nằm tít trên một sườn núi dài ở phía bắc Hà Nội. Một thị trấn nghỉ mát trong một công viên đầy rẫy những cần cẩu xây dựng và những chiếc máy xúc nặng nề, một phần của cơn sốt xây dựng trên khắp Việt Nam.

Trong thung lũng bên dưới là khu bảo tồn gấu do Quỹ Động vật Châu Á vận hành và đôi khi có mở cửa cho du khách. Chúng tôi đã được xem hai loài - gấu mặt trăng và gấu mặt trời nhỏ hơn – nô rỡn, bơi lội và leo trèo trong một khu giải trí đặc biệt. Cả hai loài này trông giống như gấu đen Bắc Mỹ với vòng cổ trắng. Chúng được đưa đến đây từ các trang trại nuôi gấu lấy mật, nơi mà chúng sống trong sự giam cầm tàn khốc, vì mật của chúng liên tục được chiết xuất cho đến khi chết.

Nuôi gấu lấy mật giờ đây là bất hợp pháp, mặc dù vẫn còn có những kẽ hở khiến cho luật pháp khó được thực thi, ông Tuan Bendixsen, giám đốc trung tâm cho biết. Việc khai thác mật gấu vẫn đang diễn ra, ông nói. Bạn vẫn có thể mua được mật gấu ở Hà Nội nếu muốn.

Ông nói rằng nhiều con gấu mà ông ấy nhận được “vốn là bị mất chân tay, hoặc bị tổn thương gì đó”, và điều đó khiến cho cơ hội của chúng trở lại với thiên nhiên hoang dã trở nên mỏng manh hơn. Và vùng đất hoang dã thích hợp cho những sự phóng sinh như vậy ngày càng trở nên hiếm hoi, khi dân số và nền kinh tế quốc gia đều tăng trưởng.

Tệ nạn tham nhũng vốn đang hoành hành trong chính quyền độc đảng của Việt Nam, cùng với nền kinh tế đang phát triển, là những nhân tố chính của sự biến mất môi trường sống tự nhiên và các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Tham nhũng được xem như một lý do chính khiến các biện pháp bảo tồn trở nên yếu kém và sự thực thi lỏng lẻo bởi các nhóm bảo tồn mà chúng tôi có dịp tiếp xúc.

Andrew Tilker, một nhà nghiên cứu thực địa người Mỹ chuyên theo dõi sao la và các loài quý hiếm khác cho biết rằng “Tệ nạn tham nhũng hiện diện trong tất cả các thành phần xã hội Việt Nam, và cũng không khác gì với kiểm lâm”.

Một số quan chức can đảm đẩy lùi (tệ nạn tham nhũng), và cả các nhóm bảo tồn trong nước và quốc tế có thể viện dẫn những thành công. Nhưng quan điểm đồng thuận là rằng một triển vọng rộng lớn hơn đối với các loài hoang dã ở Việt Nam đang bị suy thoái một cách nhanh chóng. Chính phủ VN được Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng tham nhũng một cách nhẹ nhàng là “tệ hại”.

Chúng tôi đã chứng kiến ​​những khát vọng mâu thuẫn như thế trong thời gian ở gần tỉnh Ninh Bình, cách phía nam Hà Nội một vài giờ lái xe. Ở đó, chúng tôi cảm thấy đó là một nơi đáng yêu nhất trong chuyến đi của chúng tôi - và cuộc đụng độ đó rất thú vị - tại một nơi được gọi là Động Tam Cốc. Nơi đó có một vài ngôi nhà nhỏ một tầng bằng đá nằm ẩn mình trong một khung cảnh tươi tốt, bao quanh là những khối đá vôi khổng lồ và bình nguyên chỉ có thể nhìn thấy trong tranh màu nước. Chúng tôi đã chọn nơi này vì nó cách Vườn chim Thung Nham chỉ có nửa giờ đi xe đạp.

Một buổi chiều muộn, chúng tôi ghé vào vườn chim này và tự hỏi liệu chúng tôi,có bị lạc đường hay không. Mặc dù được quảng cáo là điểm đến “sinh thái” của thành phố, nhưng công viên này đã được tiếp quản bởi một tập đoàn du lịch với những kế hoạch xây cất lớn . Chúng tôi đi ngang qua những bãi cỏ và hồ nước rộng có  rừng bao quanh, tất cả đều được cắt tỉa cẩn thận và hoàn toàn không có chim chóc. Trên bờ gần đó, những chiếc khoan máy, cưa xích và những chiếc xe nạo vét đường xé nát không khí trong sự mở rộng đầy tham vọng của một khu nghỉ mát ven hồ - không được tính toán kỹ để duy trì môi trường sống của các loài chim.

Cuối cùng, chúng tôi tìm thấy một cái nhà để thuyền và một người phụ nữ với chiếc nón lá truyền thống và một mái chèo lớn. Với một khoản phí nhỏ, người phụ nữ ấy  đưa chúng tôi và ba hành khách khác ra một hồ nước có vẻ cằn cỗi và ra phía một lũy tre. Hãy cất ống nhòm đi. Không có một con chim nào để nhìn ngắm, hoặc nghe chúng hót. Có lẽ đó chỉ là do thời tiết chăng.

Mười phút sau, chúng tôi bắt đầu nghe thấy tiếng như một cuộc trò chuyện đầy kích động giữa các thành viên của một nhóm được ưa thích lớn nhất thế giới, ở một nơi nào đó ngoài tầm nhìn. Sau đó, thuyền của chúng tôi lướt vào một vườn cây với hàng trăm con diệc và cò, mỗi con to như một đứa trẻ 2 tuổi, đậu vắt vẻo trên cành cây, rỉa lông rỉa cánh hoặc có lúc như che kín cả bầu trời. Thật vui nhưng tương lai của nó có thể phụ thuộc vào dự án xây dựng đó, và liệu những hồ nước lặng yên, cằn cỗi bên cạnh có phải là chỉ dấu của việc cảnh quan này sẽ được quản lý như vậy hay không.

Tất nhiên, Việt Nam không đơn độc trong việc thất bại trong công cuộc bảo vệ động vật hoang dã. Tại Hoa Kỳ, nhiều động vật “được bảo vệ” của chính chúng tôi cũng đang bị đẩy tới gần rìa của sự tuyệt chủng. Các sáng kiến ​​từ chính quyền Trump đã đẩy lùi việc định danh  một số di tích quốc gia và sẽ làm suy yếu Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Chúng ta đã hiểu được rằng nếu như có một niềm hy vọng về di sản thiên nhiên của Việt Nam, thì một số trong số những hy vọng đó phải trông chờ vào các nhóm bảo tồn sáng tạo, đôi khi can đảm như (Tổ chức) Giáo dục vì Thiên nhiên-Việt Nam. Họ đẩy mạnh công cuộc nghiên cứu, điều tra tội phạm, đấu tranh chính trị và những động thái pháp lý. Những hoạt động này chịu nhiều rủi ro.

Một nguồn hy vọng khác cho Việt Nam nằm ở việc thu hút cộng đồng địa phương tham gia bảo vệ động vật hoang dã bằng các khuyến khích về kinh tế. Ví dụ, Quỹ Động vật hoang dã Thế giới đã tài trợ cho việc trồng (cây) mây và (cây) keo bền vững như những vùng đệm cho các khu bảo tồn thiên nhiên được rào chắn dọc theo biên giới phía tây với Lào. Ở những nơi khác, các nhóm môi trường trả cho người dân địa phương một mức lương đủ sống để tuần tra rừng mưa và thu giữ hàng ngàn những cái bẫy chết người.

Ngành du lịch, vốn phát triển nhanh chóng ở Việt Nam, cũng có thể duy trì các khu vực hoang dã, mặc dù chỉ khi nào nó được quản lý cẩn thận. Lượng khách du lịch quốc tế đạt gần 15,5 triệu trong năm 2018 - mức tăng đáng kinh ngạc 64% so với con số năm 2016, điều này giải thích một rừng cần cẩu xây dựng mà chúng tôi đã nhìn thấy xung quanh bờ biển ở phía xa của Vịnh Hạ Long, khi các khách sạn cao tầng mọc lấn vào các khu vực lân cận Vườn quốc gia Cát Bà. Chúng giải thích cho sự chia cắt môi trường sống và sự tuyệt chủng cận kề của loài voọc Cát Bà và các loài khác từng sinh sống ở đây. Khoảng 60 loài trong số các loài động vật ở đây vẫn đang sinh sống trong các quần thể bị cô lập, nơi mà các lựa chọn về thức ăn và sinh sản gần như bị triệt hạ hoàn toàn. Trong những năm 1960, có đến 3.000 loài.

Chúng tôi đi về phía nam, về phía thành phố Hồ Chí Minh và, từ đó, tôi đi một mình, đi xe máy ba hoặc bốn giờ về phía bắc để ở vài ngày trong Vườn quốc gia Cát Tiên. Vào một buổi chiều ngột ngạt, oi bức, một nhân viên kiểm lâm công viên trẻ tuổi lanh lợi đã dẫn một vài người trong chúng tôi “đi bộ trong thiên nhiên hoang dã” hai giờ đồng hồ.

Thứ duy nhất mà chúng tôi thấy là những đám vắt trên đất khô. Chúng phát hiện ra chúng tôi rất nhanh: Những vết máu loang nhanh trên đôi tất của tôi khi tôi cúi xuống để gỡ những sinh vật này ra khỏi mắt cá chân. (Còn nhân viên kiểm lâm thì đi đôi bốt cao cổ).

Trung tâm các Loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng Đảo Tiên, tọa lạc trên một hòn đảo cách đó vài phút đi bộ về phía hạ lưu, vó một số loài, bao gồm cả những con vượn  huyên náo đang nhảy nhót lung tung qua các tán cây cao. Đôi khi chúng bắt đầu một buổi hòa nhạc bất ngờ, gần như là điếc tai. Buổi hòa nhạc ấy vang lên như một bản giao hưởng của những tiếng huýt sáo điên dại, những tiếng còi báo động và những cây đàn lớn nhất thế giới. Bài hát của loài vượn này đã phản bội chúng, báo cho loài người tốt bụng chúng ta biết vị trí của chúng, cho những người đi săn trong công viên quốc gia bên kia sông. Đôi khi chúng bị bắn hạ từ trên cây đằng kia và bị bán làm thức ăn trong thành phố.

Các nhân viên kiểm lâm của công viên và những người khác mà tôi có dịp tiếp chuyện tại Cát Tiên đều khẳng định rằng quần thể động vật của vườn này đang suy giảm; rằng một số nhân viên kiểm lâm đã bị bắt gặp là thông đồng với các thợ săn để bắn hạ các loài động vật có giá trị cao (mặc dù họ được cho là đã bị xử lý nghiêm khắc), và các nhân viên kiểm lâm kiếm được khoảng 200 đô la mỗi tháng khi mới bắt đầu vào nghề, khiến cho công việc kiểm lâm này trở thành một lựa chọn nghề nghiệp ít sinh lợi hơn - và săn trộm một điều hấp dẫn.

Tôi ở lại rìa của công viên này trong một ngôi lều tươm tất của Rừng Cát Tiên. Chủ sở hữu của nó, Dương Thị Ngọc Phương và Gary Leong, làm việc để giúp bảo vệ Cát Tiên khỏi nạn du lịch đại chúng và xây dựng mối quan hệ kinh tế với các cộng đồng địa phương nghèo khó để ngăn chặn họ đi săn trộm. “Không có động vật, công viên chẳng có lý gì để tồn tại”, ông Leong nói. “Chúng tôi phải làm cho mọi người quan tâm đến việc bảo vệ động vật”.

Điều đó có nghĩa là, ít nhất là một phần, phải tạo ra các khuyến khích kinh tế cho người dân địa phương để bảo tồn các loài bản địa trong môi trường sống tự nhiên của chúng. Và điều này cần phải bắt đầu ngay, những người ủng hộ hoạt động bảo vệ động vật hoang dã nói.

“Mỗi ngày chúng ta đều thức dậy và tự hỏi, ‘chúng ta có thời gian không? Có loài nào trong số những loài này còn có thời gian không? Phải chăng chúng ta đang chiến đấu với một cuộc chiến mà chúng ta đã thất bại? Nhưng nếu chúng ta không chiến đấu, thì chúng ta chắc chắn đã  thất bại’” – Vu Quyen, Giám đốc điều hành của Quỹ giáo dục vì thiên nhiên VN đã nói như vậy.

Comments

Popular posts from this blog