Mùa Phục Sinh, Giáo Hội làm thế nào để sống lại? (Phần II)

Đinh Từ Thức 
image.png

(Tiếp theo phần I)
Trong cuộc khủng hoảng lớn Giáo Hội Công Giáo đang phải đối phó, tai nạn xâm phạm tình dục do giáo sĩ gây ra chỉ là phần đầu của vấn đề. Phần này, mọi người có thể đồng ý qua cái nhìn giống nhau, nó quá ghê tởm, và phải đối phó bằng mọi giá. Chuyện tiếp theo, muốn chữa bệnh, phải biết căn bệnh, rồi mới tính chuyện chữa như thế nào. Đến đây, cuộc khủng hoảng thành lớn hơn, gây chia rẽ trong Giáo Hội, vì không thể đồng ý về nguyên nhân gây bệnh. Thay vì cùng nhau đối phó với căn bệnh, người trong nhà “choảng nhau”, cố gắng loại trừ “đối phương” để phe ta rảnh tay chữa trị theo ý mình. Rút cục, cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng và lan rộng hơn. Nạn chia rẽ trong Giáo Hội, từ hàng lãnh đạo cao cấp, trung cấp, sẽ lan đến giáo dân. Nếu “một gia đình chia rẽ không thể đứng vững,”như lời Chúa phán, một Giáo Hội chia rẽ sẽ ra sao?
Trong phần I, sự khác biệt quan điểm như trắng với đen giữa hai vị Giáo Hoàng đã được trình bầy. Nội dung bài này là quan điểm của một vị lãnh đạo Giáo Hội ở cấp thấp hơn, một Giám Mục đứng đầu một giáo phận ở Úc; đất nước có giới chức cao cấp nhất của Giáo Hội là Hồng Y George Pell mới bị toà án thế tục kết án tù giam vì bị tố cáo xâm hại tình dục. Đây là lời trình bầy của Giám Mục Vincent Nguyễn Văn Long, người Úc gốc Việt, một thuyền nhân. Quan điểm của Đức Cha Long khá gần với Giáo Hoàng Francis và tất nhiên, tương phản với lối nhìn của Giáo Hoàng Benedict.
Giám Mục Nguyễn Văn Long ra đời năm 1961, tại Gia Kiệm, thuộc Địa Phận Xuân Lộc hiện nay ở Việt Nam. Bắt đầu đi tu ở VN khi 11 tuổi, vượt biên sang Úc năm 1980 và nhập Dòng Phan Xi Cô tại đây. Làm linh mục năm 1989; vị chủ sự lễ truyền chức không ai khác hơn là Giám Mục George Pell, và khi được tấn phong Giám Mục năm 2011, vị đồng tế trong nghi lễ trọng thể này cũng là Hồng Y George Pell. Khẩu hiệu trong huy hiệu giám mục của Đức Cha Long là “Duc In Altum”, trích lời Chúa bảo Phê Rô đại ý “hãy ra chỗ sâu thả lưới để bắt được nhiều cá” (Luk 5:4). Đức Cha thuyền nhân đã ra chỗ sâu, vượt đại đương, và trong sứ vụ bắt cá, tại đất mới, theo lời tiết lộ trước Uỷ Ban Hoàng Gia tìm hiểu về các cơ sở đáp ứng với lạm dụng tình dục trẻ em (Royal Commission into Institutional Responses to Child Sexual Abuse) chính Ngài cũng từng là một nạn nhân bị xâm hại tình dục, khi không còn là trẻ em.
Sau đây là diễn từ của Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long, Gám Mục Paramatta (Úc), nói tại Hội Luận Công Giáo Quan Tâm của Canberra và Goulburn (Concerned Catholics of Canberra and Goulburn Forum), ngày 11 tháng 9, 2018, đề tài Vai trò của tín hữu thời gian sau Uỷ Ban Hoàng Gia [điều tra] về Giáo Hội Công Giáo tại Úc (The Role of the Faithful in a post-Royal Commission Church in Australia). Do catholicoutlook.org đăng ngày 28 tháng 9, 2018. Nguyên văn tiếng Anh, do ĐTT dịch sang tiếng Việt và chú thích.

clip_image002
Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long, Giám Mục Paramatta, Úc.
………
“Những sự việc trong mấy tuần qua, kể cả những cáo giác sôi nổi chống lại Giáo Hoàng Francis bởi nguyên Khâm Sứ Toà Thánh tại Hoa Kỳ đã gây ra tình trạng xáo trộn trong Giáo Hội. Cuộc khủng hoảng xâm hại tình dục đã tràn ngập toàn Giáo Hội như một cơn sóng thần có sức tàn phá gây ra thiệt hại lâu dài, chao đảo, và ngay cả phân ly (xin lưu ý các bạn, hiện đã có sự phân ly thầm lặng trong đó đa số người Công Giáo Úc đã giản dị bỏ việc hành đạo).
Là cuộc khủng hoảng lớn nhất từ thời cải cách (Reformation–biến cố phát sinh đạo Tin Lành do Linh Mục Martin Luther khởi động vào thế kỷ 16) và nó phơi bầy sự xung khắc về ý thức hệ đã ăn sâu và lan rộng trong Giáo Hội hoàn vũ.
Động lực chống lại Giáo Hoàng Francis đã tăng tốc cuộc tấn công toàn diện chống lại Ngài bằng thái độ phối hợp và hiểm độc. Bao tay rõ ràng đã được tháo ra và họ đã nắm lấy sự xáo trộn này như một cơ hội phá hoại Giáo Hoàng và làm hư tiến trình cải tổ của Ngài. Làm cách nào mà thời gian đã thay đổi Giáo Hội Công Giáo như thế!
Chỉ mới gần đây thôi, chỉ trích chống lại một đương kim giáo hoàng vẫn còn là một điều tối kỵ (absolute anathema).
Bây giờ, giầy đã ở chân người khác, và “bắn sẻ” Giáo Hoàng trở thành môn thể thao trong một vài nhóm Công Giáo.
Điều cũng đáng lưu ý là có một số giám mục đã tự chọn gia nhập các thế lực này, và không cần che dấu thái độ của họ không chấp nhận đường lối lãnh đạo Giáo Hội của Giáo Hoàng. Rõ ràng thuyền trưởng Francis sẽ phải dẹp yên cả bão táp lẫn nổi loạn trên tầu. Tôi chỉ hy vọng và cầu xin Ngài có thể giữ vững tay lái, bởi không có gì kém hơn một cuộc thay đổi sâu xa và toàn diện mới có thể phục hồi được sự yên tâm và tin tưởng trong Giáo Hội.
Tôi phải mau lẹ thêm rằng trong khi vô cùng thoả mãn với luồng gió cải tổ thổi từ Santa Marta (Chung cư Thánh Marta, nơi cư ngụ của Giáo Hoàng Francis, thay vì tại Điện Giáo Hoàng, như các giáo hoàng tiền nhiệm), tôi không tin rằng nó đủ để mang tới sự thay đổi sâu xa và toàn điện mà Giáo Hội cần vào thế kỷ 21. Đừng để chúng ta bị du vào ảo tưởng: Sự thay đổi chúng ta tìm kiếm không phải chỉ về thái độ của các giới chức, nhưng là về cấu trúc và văn hoá của Giáo Hội.
Chung cuộc, Giáo Hoàng Francis có thể bị vấp ngã từ tiến trình cải tổ của Ngài, và kết cục, tất cả chúng ta sẽ trở lại lạc hậu. Nhiều người trong các bạn đã trải qua thời kỳ Giáo Hội lên bổng xuống trầm sau Công Đồng Vatican II. Các bạn biết sự chán nản của hy vọng đổ vỡ và những giấc mơ không trọn vẹn. Chúng ta không còn cách nào khác hơn là, từ sau khi chịu phép rửa, chúng ta đã thuộc về Giáo Hội, chúng ta có bổn phận buộc giới lãnh đạo Giáo Hội phải có trách nhiệm về việc làm của họ.
Hơn nữa, thay đổi quan trọng ít khi được thực hiện qua lời kêu gọi giai cấp lãnh đạo, ngay cả đối vối thành phần cấp tiến. Thay đổi thường đến từ các phong trào vận động hạ tầng. Vậy, đã đến lúc các giáo dân thường làm nhiệm vụ chính đáng của mình và tác động đến những thay đổi cần thiết để Giáo Hội sống đúng với vai trò của mình.
Một thời thay đổi
Sự thất bại của Giáo Hội trong việc đối phó với nạn xâm hại tình dục trẻ em mà Uỷ Ban Hoàng Gia (Úc) đã phơi bầy phần lớn là thất bại của lãnh đạo. Nói rõ hơn, là thất bại của hệ thống lãnh đạo giáo quyền. Tôi thực sự tin rằng giáo dân đau khổ phần lớn vì cảm thấy mình có liên quan tới những tội lỗi đã sẩy ra. Cũng đáng nêu ra rằng, Uỷ Ban Hoàng Gia không quan niệm Giáo Hội Công Giáo như là một khối duy nhất (monolithic). Trong khi ấy, họ đề nghị xét lại hệ thống cấu trúc giáo quyền, theo kinh nghiệm từ việc điều hành đã thực hiện trong lãnh vực y tế, phục vụ cộng đồng, và các cơ sở giáo dục Công Giáo (phần lớn được quản trị bởi các giáo hữu chuyên nghiệp).
Đã đến lúc hàng giáo phẩm không chỉ thừa nhận sự cần thay đổi mà phải thành thật nhìn nhận về phương cách nào và tiến trình nào để sự thay đổi có thể tiến lên. Nói khác đi, để Giáo Hội có thể thực sự là đồng hành và lắng nghe, một Giáo Hội vượt qua khuôn mẫu “mọi chuyện vẫn như cũ” (business as usual), một sự đồng thuận về mọi biện pháp cũng như đáp ứng là điều cần thiết.
Giáo Hội đã bị coi thường và bỉ thử. Như một kiện tướng bị đẩy xuống từ lưng chiến mã, vì đã không hoàn thành được sứ mạng và làm trái với lương tâm chức nghiệp (ethos). Nhưng không phải là điều xấu cho chúng ta bây giờ phải bắt đầu từ một thế yếu và rủi ro, để có lại sự tin tưởng theo đúng hướng chỉ của Phúc Âm. Tôi nhớ tới câu truyện đã xảy ra với Thánh Phao Lồ (St. Paul) trên đường đi tới Damascus (1).
Thánh nhân đã ngã ngựa qua nhiều cách, và trên một lần.
Ngã từ địa vị nhiều đặc quyền và bị mù lòa tạm thời, đã phải nhờ tay người khác dẫn dắt. Nhưng sự hoàn toàn rủi ro này đã là chất xúc tác cho một lối nhìn, cách hành động và mối liên hệ hoàn toàn mới. Từ đó về sau, Phao Lồ đã không bao giờ còn giống như trước nữa. Ông đã học hỏi để biết khiêm nhường, cởi mở và ngoan ngoãn làm theo lời Chúa. Sức mạnh của ông không còn tới từ địa vị, chức vụ hay đặc quyền.
Giáo Hội Công Giáo đã trải qua thời gian như tai nạn Damascus trong vụ khủng hoảng xâm hại tình dục. Giáo Hội đã bị rớt xuống từ địa vị đặc biệt trong xã hội, từ quyền lực và ảnh hưởng đi kèm vị thế cũ. Bây giờ, giống như Phao Lồ đã bị dẫn dắt vào nơi rủi ro, chúng ta đang trải qua thời gian bất định và tối tăm cho đến khi chúng ta có thể biết cách nhìn, hành động và giao tiếp theo đường lối của Đấng Cứu thế Người Phục Vụ Khiêm Nhường.
Chúng ta không nên sợ hãi lần này. Đó là kinh nghiệm của ngày Thứ Bảy Tuần Thánh. Đó là thời gian của sự mơ hồ, lo âu, của tang tóc và cũng hy vọng vào Tin Mừng; đó là một thời chuyển tiếp, một thời kỳ trong đó người ta đứng giữa cái cũ và cái mới.
Cái chết của văn hóa giáo sĩ
Càng ngày càng thêm bằng chứng cho thấy cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục là một triệu chứng trục trặc, rỉ sét và huỷ hoại trong văn hoá Giáo Hội. Giáo Hoàng Francis thường lên án giáo quyền mà Ngài thấy như là bị một căn bệnh đặc hữu (endemic) về nhiều mặt và mức độ của cơ cấu Giáo Hội, như Giáo Triều La Mã, cấu trúc giáo phận, chủng viện … (thí dụ, Ngài so sánh những linh mục được đào tạo sơ sót như những quái vật nhỏ (little monsters) và nói về bệnh lý của quyền lực —pathology of power— như là một trong 15 căn bệnh của chủ nghĩa giáo quyền).
Sau cùng, không phải chỉ là vấn đề cá nhân biểu lộ trong giáo quyền.
Thật vậy, đã từng có nhều vị linh mục cao cả làm việc và sống một đời anh hùng, ngay cả trong sự gò bó của khuôn mẫu cũ.
Vấn đề là giáo quyền thừa hưởng chính cái nền văn hoá của Giáo Hội, mà chúng ta cần phải nhìn nhận một cách rất trung thực. Trong văn thư tiếp theo vụ tai tiếng tại Chile, Giáo Hoàng Francis viết: “Sẽ là vô trách nhiệm nếu không nhìn sâu vào gốc rễ và cơ cấu đã cho phép những hành vi ma quỷ này sẩy ra và tiếp diễn”.
Cái văn hoá giáo sĩ bá quyền (clerical hegemony) đã ăn sâu vững chắc trong Giáo Hội Công Giáo kể từ khi nó đóng vai chính trong Đế Chế La Mã. Nó là một phó sản của kiểu mẫu Giáo Hội, trong đó coi mình như tự lập, cao hơn và tách biệt khỏi thế giới bên ngoài. Sự an toàn, uy tín và liên hệ nội bộ là trung tâm chú ý. Giáo Hội Theo kiểu mẫu này trở thành Giáo Hội của những người được phong chức sống trên sự cung phụng của những người chịu phép rửa.
Hậu quả là những người được phong chức trở thành hội viên của một câu lạc bộ gồm những người ưu tú được ca tụng và được bảo vệ đặc quyền đặc lợi. Điều này phản ảnh sự che dấu và bao bọc đã ăn sâu vào tâm khảm của tổ chức. Đó là một sự hoàn toàn khác biệt từ cái khuôn mẫu phục vụ khiêm nhường mà Jesus là biểu tượng. Và cái câu lạc bộ giáo sĩ độc thân đã cung cấp điều kiện lý tưởng cho cái căn bệnh giáo quyền bị ung thối.
Theo tôi, chúng ta thực sự cần một lần cho tất cả, là trút bỏ hết cái kiểu mẫu giáo quyền của Giáo Hội với phó sản của nó là cái câu lạc bộ giáo sĩ độc quyền, nó đã phục vụ chúng ta quá thời điểm mãn hạn xử dụng (ngôn ngữ bình dân gọi là “quá đát”). Giáo Hội đã được hiểu và phát biểu bởi Công Đồng Vatican II tự nhìn mình như dân hành hương của Thiên Chúa hoà nhập vào thế giới. Đó là một mô hình mới — một thứ dựa trên sự hỗ trợ không phân biệt, yêu không sợ, phục vụ không giáo quyền, can dự với thế giới không trốn tránh hay chống lại nó, hoan hỉ đồng hoá không phân chia. Đó là một Giáo Hội tự mở cửa, trái với tự cô lập.
Đã đến lúc chúng ta đón nhận, thực thi rõ ràng và dứt khoát cái nhìn của một Giáo Hội hành hương, mà Công Đồng Vatican II đã uỷ thác cho chúng ta. Đã đến lúc để Giáo Hội phải thực sự là Giáo Hội của những người đã chịu phép rửa và cùng với những người đã được phong chức, tất cả Dân Chúa có thể tạo một văn hoá mới của sự khiêm nhường, trách nhiệm và phục vụ.
Khuôn mẫu Giáo Hội dựa trên giáo sĩ bá quyền đã trải qua thời đại của nó. Từ trước tới nay, như là một kiến trúc ăn sâu vào chế độ gia trưởng và quân chủ, nó không thể giúp chúng ta bắt gặp nhu cầu của thế giới và nền văn hoá chúng ta đang sống trong đó. Chúng ta đã thoát khỏi từ lâu thể chế cổ hủ và những thời đại quân chủ chuyên chế. Chúng ta đang ở phía xã hội dân sự và phát triển dân chủ.
Thật ra, vấn đề quan trọng đáng quan tâm hơn, như phong chức cho phái nữ trong Giáo Hội, còn tệ hơn cả là kiên trì với cấu trúc đã thất bại trong việc chuyển đạt thông điệp của Tin Mừng, là nguyện vọng sâu xa của cả hai phái nam và nữ hôm nay.
Bao gồm phái nữ trong cấu trúc xưa cũ là cần thay đổi về căn bản, có thể giống như rót rượu mới vào bình cũ.
Để Giáo Hội có thể thăng hoa, đều quan trọng là chúng ta phải thích ứng (come to terms) với những lỗi lầm của giáo quyền, vượt qua khôn mẫu giáo trưởng và quân chủ. Giáo Hoàng từng có câu tuyên bố nổi tiếng rằng, chúng ta cần một thần học mới về phụ nữ. Tôi muốn khẳng định rằng, điều chúng ta cần hơn là tìm đường lối mới cho bản thân Giáo Hội, đường lối mới cho sứ vụ (ministry) và việc phục vụ các tông đồ nam và nữ.
Tái tạo chức Linh Mục của tín hữu
Một trong những con đường qua đó chúng ta có thể đưa Giáo Hội tiến lên là tái tạo căn cước Phép Rửa và sứ mạng của tất cả thành viên. Nói cách khác, đã đến lúc làm cho Giáo Hội bớt là Giáo Hội của thành phần chức sắc và nhiều hơn là Giáo Hội của toàn thể những người đã chịu phép rửa.
Trong khi thăm chủng viện Mundelein ở Chicago vài tháng vừa qua, tôi thấy một điều đáng chú ý ở Nhà Nguỵện Chủng Viện. Có bảy bậc bước lên bàn thờ chính, và bên cạnh mỗi bậc đều có viết tên tuần tự phù hợp với bảy Chức Thánh. Mỗi bậc tạo ra một khoảng trống lớn hơn và một quyền năng xa cách giữa ứng viên và bổn đạo. Tôi nhận ra rằng những di tích theo kiểu mẫu Tridentine (2) của chức linh mục là những biểu hiệu mạnh mẽ của giai cấp giáo sĩ. Nó phản ảnh một Giáo Hội nhấn mạnh về sự thay đổi bản thể (ontological change) và sự phân biệt từ người được phong chức với tín hữu.
Đã có sự tồn tại của nhiều sứ vụ khác nhau trong Giáo Hội thuở ban đầu. Thế rồi qua nhiều thế kỷ, sự đa dạng này đã dần quy tụ lại trong tay người được phong chức trên sự thiệt thòi về phía người chịu phép rửa. Trong thực tế, chức Linh Mục của những người được phong chức đã lấy mất sự phong phú và đa dạng của các sứ vụ và chức linh mục của người chịu phép rửa. Đã đến lúc chúng ta phá toang (break open) chức linh mục và để cho sứ vụ của những người chịu phép rửa được thăng hoa. Giáo Hội sẽ không thể hoàn toàn được tiếp sức trong khi tín hữu không được tham dự với toàn khả năng của giáo dân vào đời sống, cơ cấu quản trị và tiến trình đi tới quyết định.
Cái khó khăn chúng ta phải đương đầu hôm nay, là chúng ta đang sống trong một thời kỳ chuyển tiếp giữa mô hình của một Giáo Hội đang chết và một mô hình Giáo Hội đang xuất hiện. Phần lớn cấu trúc hàng giáo sĩ của Giáo Hội phản ảnh cái khuôn mẫu của Giáo Hội đang chết. Cùng với cái xu hướng của một phần hàng giáo phẩm muốn trở lại cái địa vị đã lỗi thời cũng còn có một phong trào nhỏ nhưng ồn ào tìm cách chống lại thay đổi và tái lập cái trật tự cũ.
Cần phải có một lãnh đạo táo bạo và mạnh mẽ để nuôi dưỡng và có khả năng làm cho kiểu mẫu mới thắng thế. Cũng còn cần những giáo dân tham gia, hành động như chất men biến ngũ cốc thành rượu trong thời khắc quyết định.
Giáo Hội cần những tiếng nói tiên tri, ngay cả những tiếng nói từ bên lề, hay từ bên ngoài, để giữ cho các nhà lãnh đạo trung thực, trong sáng, và có trách nhiệm. Chúng ta không thể để qua đi cái đà tiến cho sự thay đổi văn hoá và cấu trúc trong Giáo Hội bị xì hơi. Chính vì mục đích cho một Giáo Hội lành mạnh hơn mà cần có sự tham gia của toàn thể những người đã chịu phép rửa, bắt tay vào việc làm cho guồng máy hoạt động để đưa sự đóng góp của mình làm cho Giáo Hội phát triển.
Giáo Hội hướng tới tương trợ và hợp tác
Sau hết, tôi tin rằng Giáo Hội theo đường lối cũ, vì đã lún sâu vào cấu trúc và cách thi hành giáo quyền đang tới chỗ chấm dứt. Tôi muốn dùng cái biểu tượng của rượu trong tiệc cưới tại Cana (3) để mô tả sự chuyển đổi giữa mô hình đang chết và mô hình mới đang xuất hiện. Giống như rượu cũ, cái mô hình Giáo Hội cũ bắt rễ từ giáo sĩ bá quyền. Nhưng cái kiểu mẫu Giáo Hội đó — cũng như cái hệ quả của nó, cái chức linh mục ưu tú, cao cả và phân ly đang thở hắt ra — ít nhất tại nhiều nơi trên thế giới, kể cả Úc châu. Đã đến lúc chúng ta uống thứ rượu mới đang được rót ra.
Thứ rượu mới của Chúa với tình yêu vô điều kiện, thương xót vô biên, hợp quần tiến bộ và bình đẳng nhu cầu để rót vào những bình mới của khiêm nhường, tương trợ, nhân ái và vô quyền lực. Loại bình cũ tiêu biểu của vinh hiển, độc đoán và siêu đẳng, được khuyến khích bởi quyền lực Giáo Hội ưu việt và cứng nhắc, đang vỡ ra.
Khi Jesus sai các tông đồ ra đi trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng, Người không gửi họ đi như một chiến sĩ cô độc, mà gửi đi từng cặp. Điều tôi nhận thấy từ cách xếp đặt này là những kẻ theo Đạo Chúa chỉ có thể hoạt động hữu hiệu khi họ nhận ra cái giới hạn của mình như một cá nhân chỉ được mở rộng khi có sự hợp tác của người khác. Các linh mục cách riêng phải học hỏi để hoạt động chung với nhau, và với cộng đồng của họ.
Vậy mà, mỉa mai thay, toàn thể văn hoá giáo sĩ thường hướng về anh hùng cá nhân và ngay cả mặc cảm cứu nhân độ thế.
Curé d’Ars (Cha Sở Xứ Ars — Thánh John Vianney) (4) có thể rất phù hợp được chọn là bổn mạng của hàng linh mục, một tấm gương anh hùng cá nhân. Không ngạc nhiên rất nhiều người trong chúng ta đã thất bại trong nhiệm vụ vì kiệt sức, chán nản và cô đơn.
Nếu chức linh mục có một tương lai khá hơn, nó phải được “nhân hoá” (humanized); nó phải biết cách diễn tả khá hơn về phương diện tương trợ hậu thuẫn, cộng tác và đối tác. Nó phải tự thoát khỏi những vết tích của giáo quyền, như kỳ thị phái tính, thói gia trưởng, tự kiêu tự đại, và mặc cảm tự cao.
Theo tôi, có vẻ như Giáo Hội không thể có môt tương lai khá hơn nếu cứ khư khư giữ mãi cái mô hình cũ của sự cao siêu, tự hào và thói tự cao của phái nam.
Chừng nào chúng ta vẫn tiếp tục loại bỏ phụ nữ khỏi cấu trúc quản trị Giáo Hội và tiến trình hoạch định hoạt động cơ chế, chúng ta tự loại bỏ mình ra khỏi sự phong phú của nhân loại toàn diện. Chừng nào chúng ta vẫn tiếp tục coi phụ nữ như vô hình và thấp kém trong ngôn ngữ Giáo Hội, phụng vụ, thần học và luật lệ, chúng ta tự làm mình nghèo đi, như chúng ta chỉ nghe bằng một tai, nhìn bằng một mắt và suy nghĩ bằng nửa bộ óc — nhiều khi là phần thấp nhất của loài bò sát. Cho đến khi chúng ta thực sự bao gồm tặng phẩm phụ nữ và tầm vóc nữ tính vào niềm tin Thiên Chúa Giáo, chúng ta sẽ không thể hoàn toàn tiếp sức cho cuộc sống của Giáo Hội.
Kết luận
Vài tháng trước đây, tôi tham dự một cuộc họp ở La Mã về người di cư và tị nạn. Nó diễn ra vào cùng thời gian với Hội Nghị Tiếng Nói Đức Tin của Ngày Phụ Nữ Quốc Tế (Voices of Faith International Women’s Day Conference), vào dịp này, cựu Tổng Thống Ái Nhĩ Lan (Ireland) đã đọc một diễn văn mạnh mẽ về phụ nữ và Giáo Hội Công Giáo.
Cách riêng, tôi đã bị đánh mạnh bởi hình ảnh bà dùng để mô tả tình trạng của Giáo Hội. Bà nói — thực tế là trong tầm nghe của Giáo Hoàng — rằng loại bỏ phụ nữ khỏi vai trò soạn thảo kế hoạch hay đường lối, khiến Giáo Hội chới với bay quanh quẩn bằng một cánh (“left the Church flapping about awkwardly on one wing”).
Đó là mô tả thảm hại về tình trạng công việc mà nhiều người có thể không đồng ý với bà. Tuy nhiên, có những người khác cảm thấy Giáo Hội đã tự tách biệt với quá nhiều người về lập trường đối với phụ nữ. Điều không thể chối cãi được là phải nhận ra dấu hiệu của thời đại (read the signs of the times) và đáp ứng bằng can đảm tiên tri.
Chúng ta đang chứng kiến sự chuyển mình sâu xa của Giáo Hội. Đó là sống lại vượt lên cấu trúc giáo quyền. Cần thiết là phải có lãnh đạo táo bạo và nghị lực tại mọi cấp bậc để đưa Giáo Hội với khuôn mẫu khiêm nhường hơn, quy tụ và nhân ái tiến lên. Cũng cần có những người tận tình tham dự như các bạn để hành động như chất men trong thời gian cần thiết.
Giáo Hội cần tiếng nói của Giáo Dân, ý thức của giáo dân (sensus fidelium), để giữ cho các nhà lãnh đạo trung thực, trong sáng và trách nhiệm. Giáo Hoàng cần tiếng nói của những người phụ nữ như Mary McAleese để nhắc nhở Ngài về nhiều người Công Giáo vỡ mộng, cả phái nữ và phái nam, đã mong mỏi một Giáo Hội bao gồm (inclusive) hơn.
Với tư cách là giám mục từ một dòng tu, cùng lúc tôi ở nhiều địa vị xung khắc. Giám mục, như các bạn biết, là người có nhiệm vụ bảo tồn truyền thống, trong khi tu sĩ (religious), là người phải gần gũi với thành phần bên lề, như giới cùng khổ và kẻ vô gia cư.
Thánh Phan Xi Cô (St. Francis) đã không phải là người nổi loạn, nhưng cũng không phải là người chỉ việc ủng hộ nguyên trạng Giáo Hội thời đại mình. Ngài đã là một nhà cải cách và ngay cả chỉ trích với lời lẽ xác đáng nhất. Ngài đã thách thức hệ thống thời trung cổ từng lún sâu trong việc theo đuổi sự giầu có và quyền lực với một tầm nhìn xa tiến bộ và vô quyền lực của Phúc Âm.
Nắm giữ cả hai đặc sủng (charism) trong thế giằng co không luôn là điều dễ dàng.
Chứng từ của tôi tại Uỷ ban Hoàng Gia là một thí dụ tốt về điều này. Tôi thấy mình chỉ trích ngay cái hệ thống mình là một thành phần trong đó. Tôi không biết làm thế nào Giáo Hoàng Francis có thể thực hiện lời kêu gọi cải tổ của Ngài mà thoát được sự bất bình của hệ thống. Đó là một nhiệm vụ khó khăn. Tuy nhiên, đó là lời kêu gọi “ecclesia semper reformanda” (Latin, có nghĩa Giáo Hội phải luôn cải tổ) mà chúng ta phải can dự vì chúng ta đã chịu phép rửa.
Xin cho chúng ta đáp ứng kêu gọi đó trong thời đại chuyển tiếp này với can đảm, ngay thẳng và sự trung thành.”
————
Chú thích của người dịch:
1- Thánh Phao Lồ, khi còn mang tên Saul, là một viên chức nhà nước chuyên đi bắt người theo Đạo Chúa về trị tội. Một hôm, trên đường tới Damascus để bắt người, đang trên lưng ngựa, bỗng nhiên ông bị loá mắt, ngã xuống đất, bị mù, phải nhờ người khác dắt đi. Được ơn trên soi sáng, ba ngày sau, ông hết mù, và hoàn toàn thay đổi. Từ một viên chức diệt đạo, biến thành một người truyền đạo tích cực, Paul đã trở thành một tông đồ quan trọng hạng nhất trong lịch sử Giáo Hội.
2- Tridentine, chỉ thành phố Trent, tại Ý, nơi vào thế kỷ 16, Công Đồng Trent (1545-1563) được triệu tập. Tại Công Đồng này, nhiều quyết định đã được thông qua, làm khuôn mẫu cho nhiều sinh hoạt Giáo Hội, như thay đổi Thánh Lễ kiểu cũ (Pre-Tridentine Mass) bằng Thánh Lễ mới, gọi là Tridentine Mass, hoàn toàn bằng tiếng Latin, cho đến khi lại được thay đổi thời Giáo Hoàng Paul VI. Nhiều người theo khuynh hướng bảo thủ bây giờ vẫn muốn trở lại kiểu Thánh Lễ này, trong khi Giáo Hoàng Francis chủ trương không thể quay lại. Ngoài ra, Công Đồng Trent còn được coi là Công Đồng Chống Cải Cách (Counter – Reformation), được triệu tập với mục đích đối phó với chủ trương cải cách của phái Tin Lành, cũng như bảo vệ quyền hành, ảnh hưởng, và tài sản phong phú của Giáo Hội.
3- Rượu trong tiệc cưới tại Cana. Jesus cùng mẹ đi ăn cưới tại Cana, tiệc chưa tàn, hết rượu. Để giúp gia chủ trải qua tai nạn “cưới trách”, do yêu cầu của Mẹ, Jesus bảo gia nhân đổ đầy nước vào bình chứa rượu, rồi mời khách uống. Khách tấm tắc khen ngon. Jesus đã làm phép lạ đầu tiên, biến tai nạn hết rượu thành rượu ngon (John 2:1-11).
4- Curé d’Ars, tiếng Pháp là Cha Sở Xứ Ars. Tên riêng của Ngài là John Vianney, một cha xứ nổi tiếng tại Pháp, vô cùng tận tuỵ, làm việc quên mình, bất chấp mệt nhọc và hiểm nguy, để phụng sự Chúa và giúp đỡ giáo dân. Ngài được phong thánh, và được Giáo Hoàng Benedict XVI chọn làm thánh quan thầy cho hàng linh mục.

Comments

Popular posts from this blog