Mùa Phục Sinh, Giáo Hội làm thế nào để sống lại? (Phần I)

Đinh Từ Thức 
image.png

Hai ngày lễ lớn của Giáo Hội Công Giáo hàng năm là Sinh Nhật, và Phục Sinh. Phục Sinh quan trọng hơn Sinh Nhật, bởi ai cũng có sinh rồi tử, chỉ riêng Jesus sau tử lại có phục sinh, chết ba ngày rồi sống lại. Nếu không có Phục Sinh, đã không có Giáo Hội Công Giáo.
Ý nghĩa quan trọng nhất của Phục Sinh là chết đi rồi sống lại. Chết với cái xấu và sống lại với những gì tốt đẹp hơn. Mùa Phục Sinh năm 2019, nhiều cái xấu đang làm Giáo Hội chết đi, nhưng rồi, Giáo Hội làm thế nào để có thể sống lại, và sống tốt đẹp hơn?
Giáo Hội và Hồng Y bị đóng đinh
image.png
Hồng Y George Pell bị toà án Melbourne, Úc, xử 6 năm tù về tội xâm phạm tình dục
Hai ngàn năm trước, Jesus bị đóng đinh cùng với hai người khác. Hai người này thuộc thành phần vô danh. Theo Tân Ước bản dịch cũ, như King James, được phổ biến rộng rãi, gọi họ là hai kẻ trộm (two thieves) (Mt.27:38). Tân Ước bản dịch mới, như New International version, gọi họ là hai kẻ nổi loạn (two rebels). Thánh Kinh do Tòa Tổng Giám Mục TP/HCM Việt Nam, thực hiện năm 1998, gọi họ là hai tên cướp. Dù họ làm gì, cũng không có liên hệ và ảnh hưởng tới uy tín cùng sự nghiệp của Jesus.
Năm 2019, Giáo Hội Công Giáo của Jesus bị đóng đinh cùng với ba tên tuổi lớn, thuộc thành phần lãnh đạo cao cấp của Giáo Hội, chỉ sau Giáo Hoàng. Với tội danh không phải ăn trộm, ăn cướp hay nổi loạn, mà tất cả đều liên hệ tới tình dục; một loại tội ghê tởm theo giới răn của Giáo Hội. Họ là các Hồng Y George Pell, Bộ Trưởng kinh tế kiêm tài chánh của Giáo Triều Roma, thành viên ban cố vấn của Giáo Hoàng, nguyên Tổng Giám Mục Sydney và Melbourne, Úc; Hồng Y McCarrick, nguyên Tổng Giám Mục Washington, Hoa Kỳ; và Hồng Y Philippe Barbarin, Tổng Giám Mục Lyon, Pháp.
George Pell bị toà án Quận Melbourne xử 6 năm tù giam vì tội xâm phạm tình dục thiếu niên trong hội hát, khi làm Tổng Giám Mục. Nội vụ đã chống án, đợi phán quyết của tòa trên. McCarrick không bị tòa thế tục xét xử, bị Giáo Hoàng truất chức hồng y, bắt phải ẩn dật ăn năn đến hết đời, trước khi bị tòa án Giáo Hội tước bỏ cả chức linh mục, trở lại là một giáo dân thường; tội lỗi được nêu ra, khi còn là linh mục, ông đã xâm phạm tình dục thiếu nhi, và khi là giám mục, xâm phạm chủng sinh và các linh mục trẻ. Điều đáng sợ là ông phạm tội từ khi còn là linh mục mới chịu chức, và vẫn tiếp tục phạm tội trong khi tiếp tục được thăng chức, từ linh mục, giám mục, tổng giám mục và cuối cùng là hồng y. Barbarin chỉ bị tòa thế tục xử án treo về tội bao che linh mục dưới quyền xâm phạm tình dục, đã xin từ chức ngay. Nhưng Giáo Hoàng Francis không chấp nhận, đợi kết quả chống án rồi mới có thái độ dứt khoát.
Mùa Chịu Nạn năm 2019, không phải chỉ có ba Hồng Y bị “đóng đinh.” Còn hàng ngàn vụ tố cáo các linh mục hoặc tu sĩ, nam và cả nữ, về tội xâm phạm tình dục, xảy ra tại khắp nơi, từ Bắc tới Nam Mỹ, Âu châu và Úc châu, Phi châu và Á châu. Các nhà lãnh đạo Giáo Hội đã nhìn vào đại nạn này như thế nào?
Trong hàng giáo phẩm cao cấp, từ giáo hoàng, hồng y và giám mục, tuỳ theo khuynh hướng, đã có lối nhìn khác nhau. Mặc dù chuyện lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ đã xảy ra từ lâu, nhưng khi nó bùng nổ gần đây, phía bảo thủ, tiêu biểu là nguyên Khâm Sứ Toà Thánh tại Hoa Kỳ, Tổng Giám Mục Viganò, đã vội vàng nắm lấy cơ hội, quy trách nhiệm cho đương kim Giáo Hoàng Francis, với những chỉ trích thậm tệ, và đòi Ngài phải từ chức; chuyện vô cùng hiếm trong văn hoá giáo hội, vốn đề cao đức vâng lời và kính trọng bề trên.
Một Giáo Hội hai Giáo Hoàng
image.png
Đương kim Giáo Hoàng Francis (trái) và Giáo Hoàng từ chức Benedict XVI
Vào thập kỷ đầu thế kỷ 21, nạn xâm hại tình dục nổ lớn trước tiên, không phải tại một nơi mới được biết tới đạo Công Giáo, mà tại một nước Công Giáo kỳ cựu, là Ái Nhĩ Lan (Ireland). Theo Giáo Hoàng Biển Đức XVI (Benedict XVI), “hầu như gia đình nào ở Ireland cũng có người — một con trai hay con gái, một chú bác hay cô dì — đã hiến dâng đời mình cho Giáo Hội.” Như một trái bom nổ ra giữa thành trì kiên cố nhất của Giáo Hội, khiến nhiều người sửng sốt. Qua Thư Mục Vụ (Pastoral Letter) viết cho Giáo Hội Công Giáo Ireland, đề ngày 19 tháng 3, 2010, Giáo Hoàng Benedict đã bầy tỏ quan điểm của mình qua mấy trích đoạn tiêu biểu sau:
…. Giống như anh chị em, tôi đã cảm thấy buồn phiền sâu xa trước tin tức liên hệ tới việc xâm hại trẻ em và những người trưởng thành dễ bị thương tổn, gây ra bởi các thành phần Giáo Hội Ireland, cách riêng là các linh mục và tu sĩ. Tôi chỉ có thể chia sẻ sự kinh ngạc và cảm giác bị phản bội của rất nhiều người trong số các bạn khi được biết về những hành động tội lỗi và phạm pháp này, và cách đối phó với chúng của giới thẩm quyền Giáo Hội Ireland.”
…. Để hồi phục từ vết thương nghiêm trọng này, trước hết, Giáo Hội Ireland phải nhìn nhận trước Thiên Chúa và trước những người khác về nhũng tội lỗi đã xâm phạm tới những người trẻ không tự vệ. Sự thừa nhận này, cùng với thành thật hối tiếc về nhũng thiệt hại đã gây ra cho các nạn nhân và gia đình họ, phải đưa tới những nỗ lực phối hợp để bảo đảm cho trẻ em trước những tội phạm tương tự có thể xảy ra trong tương lai”.
…. Để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện tại, tìm các biện pháp đúng để đáp ứng với các tội phạm cá nhân là cần thiết, nhưng chỉ có vậy thì chưa đủ: một lối nhìn mới là cần thiết hầu có thể gây cảm hứng cho các thế hệ hiện tại và tương lai để nhận lãnh tặng phẩm của đức tin chung. Bằng cách đi theo con đường ghi dấu bởi Tin Mừng, bằng cách tuân theo các điều răn và bằng cách sống một đời sống gần với hình ảnh Jesus Christ hơn, chắc chắn các bạn sẽ trải qua một cuộc sống mới sâu xa hơn là điều rất cần thiết bây giờ. Tôi mời gọi tất cả hãy kiên trì theo con đường này.”
Để đối phó với tình thế, Giáo Hoàng kêu gọi mọi người kiên trì theo đuổi một lối nhìn mới, một nếp sống mới, nhưng chính Ngài đã không thể kiên trì. Ngài đã bỏ cuộc bằng cách đột ngột từ chức vào tháng 2, 2013; một việc làm xảy ra lần đầu trong 600 năm.
Đầu thế kỷ 15, cùng lúc Giáo Hội có tới ba giáo hoàng. Một người được bầu với một số điều kiện, ở Roma, là Gregory XII (1406-1415); hai người kia là Benedict XIII, ở Avignon – Pháp, và Alexander V, ở Pisa – Bắc Ý (nơi có tháp nghiêng nổi tiếng), và người kế vị Alexander V, là John XXIII. Những người sau bị coi là “nguỵ giáo hoàng” (antipope), vì không được bầu đúng truyền thống. Để chấm dứt tình trạng phân ly, Gregory XII buộc phải từ chức năm 1415, trở lại làm Hồng Y Giám Mục cho đến khi từ trần hai năm sau (1417). (Năm 1958, John XXIII đã trở thành danh hiệu giáo hoàng chính thức, sau khi Hồng Y Angelo Giuseppe Roncalli được bầu làm Giáo Hoàng kế vị Pius XII).
Giáo Hoàng Benedict XVI từ chức năm 2013 trong điều kiện khác hẳn. Ngài không bị buộc từ chức, và không phải là đối thủ của Giáo Hoàng Francis. Sau khi từ chức, thay vì ở ẩn tại một nơi xa xôi kín đáo để đương kim giáo hoàng dễ làm việc, Ngài đã chuẩn bị sẵn cho mình một nơi ở tiện nghi đẹp đẽ ngay tại Vatican, được tân trang từ một nữ tu viện không còn xử dụng. Các giới chức cao cấp trong giáo triều cũ của ngài cũng vẫn lưu lại ở Vatican, và thường xuyên gặp gỡ vị chủ chăn cũ của mình. Nước Anh có một chính quyền chính thức cai trị, và một “chính phủ trong bóng tối” của đảng đối lập. Sau khi hết nhiệm kỳ, Obama cũng sống ngay tại Washington, không xa Bạch Ốc của Trump. Nhưng Anh, Mỹ là các nước dân chủ, và đủ rộng cho cả phe cầm quyền và đối lập cùng hoạt động. Cấu trúc Giáo Hội theo hình thức độc tài, và Vatican quá nhỏ hẹp để cả hai phía cấp tiến và bảo thủ cùng chung sống hòa bình, dù cùng là con cái Chúa. Hậu quả là những gì phải đến, đã đến.
Lão tướng xuất chưởng
Sau những hoạt động hậu trường âm thầm của phe bảo thủ, và sau phát súng khai hỏa của cựu Khâm Sứ Toà Thánh Viganò, Lão Tướng Benedict đã chính thức xuất đầu lộ diện. Nếu thực sự muốn giúp người kế nhiệm, có nhiều cách kín đáo và thuận tiện để thể hiện sự đóng góp của mình. Nhưng Ngài đã chọn hình thức đương đầu công khai, bằng cách viết thư ngỏ đăng báo, để mọi người cùng biết.
Lá thư dài sáu ngàn chữ, đăng trên nguyệt san Klerusblatt của Giáo Phận Bavaria, Đức, vào đầu tuần lễ thứ nhì của tháng Tư, và mau chóng được trích dịch truyền đi khắp thế giới. Thư gồm ba phần, đưa ra quan điểm và lập luận trái hẳn với chủ trương đường lối của Giáo Hoàng Francis, về vấn đề nóng bỏng là nạn xâm hại tình dục giới trẻ.
Thay vì trắc ẩn với hoàn cảnh đau khổ của các nạn nhân, vị Giáo Hoàng Niên Trưởng đổ lỗi cho cuộc cách mạng xã hội giải phóng tình dục vào năm 1968, nói rằng, vì biến cố này, nạn ấu dâm đã coi như “được phép và hợp thời” (allowed and appropriate).
Sau khi đổ lỗi cho hoàn cảnh xã hội, và bỏ qua những sai lầm về phía Giáo Hội, ở cuối thư, Ngài còn đổ lỗi cho sự lơ là của người đời đối với Thiên Chúa. Ngài đặt câu hỏi: “Why did pedophilia reach such proportions?” Tại sao nạn ấu dâm đã đạt tới mức độ đó? Rồi Ngài tự trả lời: Cuối cùng, lý do là sự vắng mặt của Chúa. “Ultimately, the reason is the absence of God.” Lập luận của Ngài, giống như phát ngôn từ Thiên Đàng, hay từ một hành tinh nào đó hoàn toàn xa lạ với thế giới loài người. Thử hỏi, ở đâu sự hiện diện của Chúa rõ rệt, lồng lộng, bao trùm, chan hòa, cụ thể, như tại phòng thay áo lễ cạnh Cung Thánh nhà thờ, tại nơi cư ngụ của các giám mục, linh mục, chủng viện, và nhất là tại toà giải tội, nơi giáo sĩ là hiện thân của Chúa, thay mặt Chúa tha thứ cho những kẻ tội lỗi. Vậy mà, tội lỗi đã từng xảy ra tại chính những nơi đó. Có phải là những nơi vắng mặt Chúa? Theo một bài trên AP ngày 28 tháng 7, 2018, một nữ tu sĩ tay cầm tràng hạt, cho biết 18 năm trước, tức là năm 2000, bà đã bị một linh mục giáo sư tấn công tình dục, ngay trong lúc bà đang xưng tội với ông này tại trường đại học Bologna ở Ý. Bologna là đại học có tuổi thọ một ngàn năm, được Thánh Hoàng Đế La Mã (Holy Roman Emperor) Frederick Barbosa chính thức cho thành lập vào thế kỷ 12, nơi từng đào tạo bốn giáo hoàng cho Giáo Hội (Alexander VI, Innocenti IX, Gregory XIII, và Gregory XV), và nhiều cựu sinh viên đã được phong thánh, có người nổi tiếng như Thomas Becket. Giáo Hội luôn khẳng định Chúa có mặt mọi nơi, mọi lúc. Tại sao một người từng thay mặt Chúa đứng đầu Hội Thánh có thể nói rằng tội lỗi xảy ra vì vắng mặt Chúa?
Xấu hổ và ăn năn
Nếu từ chức là cách trút bỏ một gánh nặng khôn kham thì Giáo Hoàng Benedict đã có một quyết định tiên tri. Cái gánh xâm hại tình dục được trao sang vai người kế nhiệm ngày càng nặng hơn, cả về trọng lượng lẫn uế khí.
Cố lấy lại thăng bằng sau mấy bước hụt hẫng ban đầu, đương kim Giáo Hoàng Phan Xi Cô (Francis), trong văn thư gửi toàn thể dân Chúa (People of God) ngày 20 tháng 8, 2018, có những đoạn viết như sau:
Gần đây, một báo cáo đã được công bố, tường trình chi tiết về ít nhất một ngàn người đã bị xâm hại tình dục, là nạn nhân của sự lạm dụng quyền lực và lương tâm do các linh mục gây ra trong thời gian vào khoảng 70 năm. Mặc dầu có thể nói phần lớn những chuyện này thuộc về quá khứ, tuy nhiên, với thời gian, chúng ta biết được sự đau khổ của nhiều trong số các nạn nhân. Chúng ta đã nhận ra rằng những thương tổn này không bao giờ biến đi, và nó bắt chúng ta phải lên án mạnh mẽ sự tàn bạo này và cùng chung sức nhổ tận gốc rễ cái văn hoá của sự chết này. Những trái tim quặn đau của các nạn nhân, kêu thấu trời cao, từ lâu đã bị bỏ mặc, giữ im lặng hay đã bị bưng bít. Nhưng tiếng kêu của họ đã mạnh hơn tất cả các biện pháp để giữ cho họ im lặng hay tính toán bằng những quyết định khiến tình trạng nguy hại hơn vì rơi vào cảnh đồng loã. Chúa đã nghe được tiếng kêu đó, và một lần nữa, chỉ cho chúng ta vị trí của Người….” 
Với xấu hổ và ăn năn, chúng ta thừa nhận như một cộng đồng Giáo Hội rằng, chúng ta đã không có mặt ở nơi đáng lẽ chúng ta phải có mặt, chúng ta đã không hành động đúng lúc và đúng cách, để thấu nhận tầm mức và sự nghiêm trọng đã làm hại biết bao nhiêu cuộc sống. Chúng ta đã không tỏ ra quan tâm đối với các trẻ nhỏ, chúng ta bỏ rơi các em. Tôi nhắc lại lời của người khi theo Đàng Thánh Giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2005, lúc còn là Hồng Y Ratzinger (trước khi thành Giáo Hoàng Benedict XVI), đã gắn bó với tiếng than đau đớn của biết bao nạn nhân, và kêu lên rằng: “Còn bao nhiêu chuyện dơ bẩn nữa trong Giáo Hội, và ngay cả trong số những người, trong chức linh mục, đáng lẽ đã phải hoàn toàn thuộc về Đấng Cứu Thế! Bao nhiêu tự hào, bao nhiêu tự mãn! Chúa đã bị phản bội bởi các tông đồ của Người, những kẻ không xứng đáng nhận lãnh mình và máu Người, chắc chắn đó là sự đau khổ kéo dài lớn nhất đối với Đấng Cứu Chuộc, nó xuyên qua trái tim Người. Chúng ta chỉ có thể kêu lên từ đáy lòng: Kyrie eleison — Xin Chúa thương xót chúng con!
Cần thay đổi cá nhân và cộng đồng
“Tầm mức và sự nghiêm trọng của tất cả những gì đã xảy ra đòi hỏi phải nắm vững thực tế một cách toàn diện và toàn thể (cộng đồng). Trong khi quan trọng và cần thiết trên mỗi cuộc hành trình của sự chuyển đổi là phải nhận biết sự thật về những gì đã xảy ra, điều này tự nó chưa đủ. Hiện nay chúng ta đang bị thử thách như là Dân Chúa để chia sẻ nỗi đau của anh chị em về thể xác và tâm hồn. Nếu trong quá khứ có thiếu sót trong đáp ứng, hôm nay chúng ta muốn có liên kết, theo nghĩa sâu đậm và thử thách nhất, để trở thành đường lối của chúng ta làm nên lịch sử hiện tại và tương lai. Và đây là một môi trường nơi những xung đột, căng thẳng, và trên hết, tất cả nạn nhân của mọi thứ lạm dụng có thể tiếp cận cánh tay rộng mở để bảo vệ họ, và cứu họ khỏi đau đớn. Một sự đoàn kết như vậy đòi hỏi đến lượt chúng ta phải lên án bất cứ hiểm nguy nào đối với bất cứ ai. Một sự đoàn kết triệu tập chúng ta chống lại mọi thứ đồi bại, nhất là những đồi bại về tinh thần—đây chính là một hình dạng mù lòa qua bản sắc ung dung và tự mãn, từ đó mọi sự đều có vẻ được chấp nhận: lừa dối, vu khống, ích kỷ, và những trường hợp không dễ phát hiện, như điều tự coi mình là trung tâm, vì “ngay cả quỷ Satan cũng có thể đội lốt thiên thần của ánh sáng.” Thánh Phao Lồ đã kêu gọi “cùng đau với những người đau là bài học tốt nhất” đế chống những ai muốn lập lại thái độ của Cain ‘Có phải tôi là người coi giữ em tôi?’ (Gen 4:9).
Tôi biết rõ những nỗ lực và việc làm đang được thực hiện tại nhiều vùng trên thế giới để đưa ra những biện pháp cần thiết hầu bảo đảm an toàn cho trẻ em và những người trưởng thành dễ bị hại, cũng như thi hành biện pháp không khoan nhượng (zero tolerance) và bắt tất cả những thủ phạm hay bao che tội phạm phải chịu trách nhiệm. Chúng ta đã chậm trễ trong việc áp dụng những hành động và hình phạt rất cần thiết này, tuy vậy, tôi tin tưởng chúng sẽ giúp để bảo đảm một văn hóa quan tâm hơn trong hiện tại và tương lai.
Cùng với những nỗ lực đó, tất cả những ai đã chịu phép rửa tội nên cảm thấy mình can dự vào giáo hội và sự thay đổi xã hội mà chúng ta rất cần. Sự thay đổi này đòi hỏi nỗ lực hoán cải cá nhân và cộng đồng để chúng ta có thể nhìn mọi sự như Chúa nhìn. Vì như Thánh John Paul II thường nói: “Nếu chúng ta đã thực sự được phục sinh qua cách chiêm niệm về Đấng Cứu Thế, chúng ta phải học cách nhìn Người nhất là trên mặt những người mà Chúa muốn được nhận diện.” Nhìn sự việc như Chúa nhìn, có mặt nơi Chúa muốn mình có mặt, trải nghiệm sự hoán cải con tim trong sự hiện hữu của Người. Cầu nguyện và ăn năn sẽ giúp làm việc đó. Tôi mời gọi toàn thể tín hữu thánh thiện trong Dân Chúa thực hiện một cuộc ăn năn cầu nguyện và hãm mình theo ý Chúa. Điều này có thể đánh thức lương tâm chúng ta và đưa tình đoàn kết cùng cam kết của chúng ta tới một nền văn hóa quan tâm, kèm lời kêu gọi “không bao giờ nữa” với mọi hình thức lạm dụng.
Không thể nghĩ tới một quá trình hoán cải hành động của chúng ta, như là một Giáo Hội, mà không bao gồm sự tham dự của toàn thể thành phần Dân Chúa. Thật vậy, bất cứ khi nào chúng ta thử thay thế, làm im tiếng, bỏ mặc hay giảm thiểu Dân Chúa thành một nhóm ưu tú, chúng ta đều đi tới chỗ tạo ra những cộng đồng, những dự án, khuynh hướng thần học hay cấu trúc không gốc rễ, không trí nhớ, không diện mạo, không cơ thể, và cuối cùng, không sự sống. Điều này được thấy rõ trong cách diễn dịch thẩm quyền của Giáo Hội một cách khá kỳ lạ, trong rất nhiều cộng đồng, nơi sự lạm dụng tình dục, quyền hành và lương tâm đã thường xảy ra. Thí dụ như chủ nghĩa giáo quyền (clericalism), một đường lối không những vô hiệu hóa đặc tính của người Thiên Chúa Giáo, nhưng còn có chiều hướng làm giảm và làm mất đi giá trị ơn phúc rửa tội đã được Chúa Thánh Thần đặt trong tâm hồn của dân chúng ta. Chủ nghĩa giáo quyền, dù được nuôi dưỡng bởi giáo sĩ hay tín hữu, đều đưa tới sự cắt đứt ra khỏi cơ thể giáo hội, vì nó luôn luôn dung túng những độc hại mà chúng ta đang lên án hôm nay. Khẳng định “không” với lạm dụng là khẳng định “không” với mọi hình thức của giáo quyền.
Luôn có ích khi nhắc nhở rằng “trong lịch sử cứu chuộc, Chúa đã cứu một dân tộc. Chúng ta không bao giờ hoàn toàn là chúng ta trước khi chúng ta thuộc về một dân tộc. Đó là điều tại sao không ai được cứu vớt một mình, như một cá nhân đơn độc. Hơn thế, Chúa lôi kéo chúng ta về với Người, nhìn nhận sự phức tạp của mọi liên hệ cá nhân trong cộng đồng nhân loại. Chúa muốn nhập vào trong đời sống và lịch sử của một dân tộc. Vì vậy, chỉ còn môt cách chúng ta phải chọn để đối phó với thứ ma quỷ đã làm đen tối nhiều cuộc đời, là coi vấn nạn này như trách nhiệm ảnh hưởng đến tất cả chúng ta trong cộng đồng Dân Chúa. Sự nhận biết mình là thành phần của một dân tộc và cùng chia sẻ một lịch sử sẽ giúp chúng ta hiểu được những tội lỗi trong quá khứ, và những sai lầm với một sự ăn năn rộng mở có thể cho phép chúng ta đổi mới từ bên trong. Thiếu hành động tham dự của tất cả thành viên Giáo Hội, tất cả những gì có thể làm để nhổ hết gốc rễ lạm dụng trong cộng đồng chúng ta sẽ không thành công trong việc tạo ra một động lực cần thiết cho một sự thay đổi có ý nghĩa và thiết thực. Tầm cỡ của một cuộc ăn năn, hãm mình và cầu nguyện sẽ giúp chúng ta như Dân Chúa, tiến tới trước mặt Chúa và các anh chị em bị thương tổn của chúng ta, như những kẻ có tội cầu khẩn được tha thứ và ơn phúc cho sự xấu hổ và thay đổi. Bằng cách này, chúng ta sẽ có khả năng tạo ra nguồn lực phù hợp với Tin Mừng. Vì “bất cứ khi nào chúng ta cố gắng trở về nguồn và tìm lại sự tươi mát của Tin Mừng nguyên thuỷ, con đường mới sẽ phát sinh, lối mới sáng tạo sẽ mở ra, với những hình thức biểu đạt khác biệt, nhiều dấu hiệu mạnh mẽ hơn, và lời nói với ý nghĩa mới cho thế giới hôm nay.
Điều cần thiết là chúng ta, như một Giáo Hội, có thể nhìn nhận và lên án, với đau khổ và xấu hổ, những vi phạm khủng khiếp của những người tận hiến, giáo sĩ, và tất cả những người đã được tin cậy với sứ mạng săn sóc cho thành phần dễ bị thương tổn nhất. Chúng ta hãy cầu xin sự tha thứ cho tội lỗi của mình và của những người khác. Sự nhìn nhận tội lỗi giúp chúng ta nhận ra những sai lầm, những tội phạm và thương tổn gây ra trong quá khứ, và cho phép chúng ta, trong hiện tại, được cởi mở hơn để tham dự vào cuộc hành trình đổi mới.
Tương tự, ăn năn và cầu nguyện sẽ giúp chúng ta mở con mắt mình và tâm hồn mình, hướng tới những đau khổ của người khác, và để vượt qua cơn đói khát quyền lực và sở hữu, thường là nguồn gốc của ma quỷ. Mong sự ăn chay và cầu nguyện mở tai chúng ta, để nghe được những đau đớn hằng bị ỉm đi của trẻ thơ, giới trẻ và người khuyết tật. Ăn chay để giúp chúng ta đói và khát công lý, buộc chúng ta bước trong sự thật, và ủng hộ tất cả những biện pháp cần thiết về pháp lý.
Ăn chay để được rúng động, để giúp chúng ta dấn thân vào sự thật và bác ái với tất cả những nam và nữ giầu thiện chí, và với xã hội nói chung, để đối đầu mọi hình thức lạm dụng về quyền lực, tình dục, và lạm dụng lương tâm.
Bằng cách này, chúng ta có thể bầy tỏ rõ ràng sứ mệnh của chúng ta để trở thành “một biểu hiệu và công cụ hiệp thông với Chúa và với sự đoàn kết trong toàn thể nhân loại.”
Cần khiêm nhường và biết nghe
Để giải quyết vấn đề, Giáo Hoàng Francis đã triệu tập một Hội Nghị Thượng Đỉnh Giám Mục bất thường, gồm tất cả gần 200 Chủ Tịch các Hội Đồng Giám Mục toàn thế giới tham dự. Hội nghị diễn ra tại Roma, từ 21 đến 24 tháng 2, 2019.
Ngày bế mạc Hội Nghị, Giáo Hoàng đã không đưa ra được những biện pháp cụ thể cho vấn nạn xâm hại tình dục. Tuy nhiên, một tháng sau, ngày 25 tháng 3, 2019, qua Tông Huấn Christus Vivit – Đức Kitô sống–Giáo Hoàng Francis đã đề cập tới một số biện pháp đáng chú ý, như Giáo Hội cần thay đổi để sống còn, và vai trò cuả phụ nữ.
Tông Huấn khá dài, gồm 9 chương và 299 đoạn, trọng tâm là vai trò của giới trẻ. Tiếc rằng trong phần tóm tắt bằng Việt ngữ của Vaticannews, thông tấn chính thức của Vatican, đã bỏ qua những đoạn quan trọng sau đây:
39. Mặc dầu đối với nhiều người trẻ, Thiên Chúa, tôn giáo và Giáo Hội có vẻ chỉ là những từ trống rỗng, họ cởi mở với hình ảnh của Jesus khi được trình bầy một cách hấp dẫn và hữu hiệu. Vậy thì Giáo Hội không nên quá bận tâm về mình, nhưng thay vào đó, và trên hết, phản ảnh Jesus Christ. Nghĩa là phải khiêm nhường thừa nhận rằng, có những chuyện cụ thể cần thay đổi, và để chuyện này có thể xảy ra, Giáo Hội cần biết ghi nhận viễn kiến và cả những chỉ trích của giới trẻ.
40. Hội Nghị Thượng Đỉnh Giám Mục nhận thấy rằng “một số đông giới trẻ, với đủ thứ lý do, không đòi hỏi Giáo Hội bất cứ điều gì, vì họ không thấy [GH] là cái gì cần thiết cho đời sống của họ, ngay cả có nhiều người nói thẳng là hãy để cho họ yên, vì họ thấy sự hiện diện của GH là một phiền toái, làm họ bực mình. Thái độ này không phải lúc nào cũng bắt nguồn từ sự coi thường, thiếu ý thức hay lơ là. Nó cũng có thể phát xuất từ những lý do quan trọng có thể hiểu được, như: những tai tiếng về tình dục và tài chánh; một giáo sĩ thiếu chuẩn bị để tiếp cận hiệu quả với những vấn đề nhậy cảm của giới trẻ; sự thiếu sửa soạn cho bài giảng và trình bầy lời Chúa; vai trò lép vế coi là đương nhiên của giới trẻ trong cộng đồng Thiên Chúa Giáo; nỗi khó khăn của Giáo Hội trong việc giải thích chủ thuyết của mình và đạo đức chức vụ trong xã hội hiện tại.
41. Mặc dầu nhiều người trẻ vui mừng khi nhìn thấy một Giáo Hội khiêm nhường nhưng tự tin về những tặng phẩm của mình, và có khả năng cung cấp những chỉ trích thân tình và hợp lý, nhiều người khác muốn một Giáo Hội phải biết nghe nhiều hơn, làm nhiều hơn là chỉ giản dị lên án thế giới. Họ không muốn nhìn thấy một Giáo Hội chỉ lặng thinh và không dám nói, hay chỉ luôn phản biện trước một vài chỉ trích. Để gây niềm tin với giới trẻ, cần có lúc Giáo Hội phải hồi phục sự khiêm nhường và chỉ giản dị lắng nghe, để thấy rằng những gì người khác phải lên tiếng chính là cơ hội soi sáng, nhằm giúp [GH] tiếp nhận Tin Mừng một cách hữu hiệu hơn. Một Giáo Hội luôn ở thế phòng thủ sẽ đánh mất sự khiêm nhường của mình, và không còn nghe được từ người khác, khiến không còn chỗ cho thắc mắc, làm mất sự trẻ trung của Giáo Hội và biến Giáo Hội thành một viện bảo tàng. Vậy, làm thế nào để Giáo Hội đáp ứng những giấc mơ của giới trẻ? Cho dù Giáo Hội nắm được sự thật của Tin Mừng, điều này không có nghĩa Giáo Hội đã hoàn toàn hiểu được [TM], hơn thế, Giáo Hội đang được kêu gọi để tăng cường sức mạnh hầu nắm giữ được kho báu vô tận đó.
42. Thí dụ, một Giáo Hội quá sợ hãi và khư khư với đường lối của mình, có thể luôn kỵ những nỗ lực bảo vệ nữ quyền, bao giờ cũng nêu ra những nguy cơ và tệ hại về những đòi hỏi đó. Thay vào đấy, một Giáo Hội sống có thể phản ứng bằng cách chú tâm vào những đòi hỏi chính đáng của những phụ nữ tranh đấu cho bình đẳng và nền công lý rộng mở hơn. Một Giáo Hội sống cần nhìn lại lịch sử và nhìn nhận một sự phân phối công bằng hơn về chế độ độc đoán của nam giới, sự đàn áp, những hình thức nô lệ khác nhau, lạm dụng và bạo hành tình dục. Với tinh thần hướng ngoại, Giáo Hội có thể ủng hộ lời kêu gọi tôn trọng nữ quyền, và giúp đỡ thiết thực cho sự tương trợ khắng khít hơn giữa nam và nữ, trong lúc có thể không đồng ý với mọi đòi hỏi mà các nhóm vận động nữ quyền đề nghị. Cùng với những điều này, Hội Nghị Thượng Đỉnh Giám Mục khẳng định lời cam kết của Giáo Hội “chống lại mọi kỳ thị và bạo hành dựa trên phái tính.” Đó là sứ mệnh đáp ứng của một Giáo Hội trẻ trung và dấn thân, chịu thử thách và được thôi thúc bởi những vấn đề nhạy cảm của giới trẻ.
96. Đúng rằng “vấn nạn lạm dụng tình dục thiếu niên, như lịch sử đã chứng minh, là một tệ nạn xâm nhập mọi tầng lớp văn hóa và xã hội,” nhất là trong phạm vi gia đình và các cơ sở, mức độ của nó đã được xác nhận “chính là nhờ sự thay đổi trong quan điểm xã hội”. Tuy vậy, vấn nạn này, mặc dù có tính hoàn vũ và “ảnh hưởng trầm trọng đến xã hội chúng ta nói chung … không giảm bớt sự khủng khiếp khi nó xảy ra trong phạm vi Giáo Hội.” Thật vậy, “trong sự phẫn nộ hợp lý của dân chúng, Giáo Hội đã thấy phản ảnh sự phẫn nộ của Chúa, vì chính Ngài đã bị phản bội và xúc phạm.”
97. Hội Nghị Thượng Đỉnh Giám Mục tái xác nhận lời cam kết rằng sẽ có biện pháp nghiêm ngặt để tránh tái diễn những tội ác này. Khởi đầu là việc tuyển chọn và đào tạo những người được trao trách nhiệm lãnh đạo và giáo dục. Cùng lúc, quyết tâm áp dụng “hành động và hình phạt cần thiết” phải được nhắc nhở. Với tất cả tân sủng của Chúa, sẽ không thể trở lại (tình trạng cũ).
98. “Lạm dụng tồn tại dưới nhiều hình thức: lạm dụng quyền lực, lạm dụng lương tâm, lạm dụng tình dục và tài chính. Rõ ràng cách thi hành thẩm quyền hiện thuận tiễn hoặc dung túng những tệ nạn này phải bị loại trừ, và thói vô trách nhiệm cùng thiếu trong sáng, khiến rất nhiều vụ được xét xử đã gặp thử thách. Ý muốn thống trị, thiếu đối thoại và trong sáng, những cuộc sống hai mặt, tinh thần trống rỗng, cũng như tâm lý yếu đuối, đó là mảnh đất thuận tiện cho nhũng lạm phát triển.” Chủ nghĩa giáo quyền là cám dỗ thường trực về phía giáo sĩ, những kẻ quan niệm “sứ vụ ban giao là quyền lực để thi hành, thay vì là một dịch vụ miễn phí và bao dung. Chủ nghĩa này khiến chúng ta nghĩ rằng mình thuộc về một nhóm đã có sẵn mọi đáp ứng và không còn gì cần thiết để nghe hay học hỏi.” Không còn nghi ngờ gì nữa, một chế độ giáo quyền như vậy có thể làm những người tận hiến đánh mất sự kính trọng đối với giá trị thiêng liêng và căn bản của mỗi cá nhân nam nữ cùng với tự do của họ.
*
Tuy ngoài mặt vẫn lịch sự và cung kính lẫn nhau, điều này không thể che dấu sự thật hiển nhiên về mối bất đồng nghiêm trọng giữa hai Giáo Hoàng của Giáo Hội hiện nay. Tuy hai Ngài cùng nói cần phải thay đổi, nhưng một người chủ trương thay đổi để trở về đường lối cũ, tái lập thời đại Giáo Hội và giáo quyền độc tôn, người kia chủ trương thay đổi theo chiều hướng Giáo Hội quên mình, mang hình ảnh Jesus khiêm nhường khó khăn, đồng hành với xã hội hôm nay.
Jesus nói từ hai ngàn năm trước: “Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền. Nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững” (Mark: 3, 24-25). Nhưng Giáo Hội, ngoài hai giáo hoàng, còn hơn một trăm hồng y, khoảng ba ngàn giám mục, nhiều chục ngàn linh mục, và hơn một tỉ giáo dân. Trong phần II và III của bài này sẽ tiếp tục trình bầy quan điểm tiêu biểu của hai vị Giám Mục đứng đầu hai giáo phận, một ở Úc, và một ở Việt Nam.
(coi tiếp phần II)

Comments

Popular posts from this blog