iPhone sắp lỗi thời

Huy Lâm

image.png
Năm 2018, con số điện thoại iPhone của công ty Apple bán ra không tăng mà có phần giảm đi đôi chút. Điều này cho thấy nhu cầu của giới tiêu thụ về iPhone bắt đầu có dấu hiệu nguội đi. Một số phân tích gia kinh tế cho rằng đã đến lúc công ty Apple cần phát minh ra một sản phẩm mới, một cái gì đó mà giới tiêu thụ chưa từng biết tới.
Một điều không thể chối cãi rằng điện thoại iPhone là sản phẩm có giá trị nhất thế giới, mang lại nhiều lợi nhuận, và được xem là cột xương sống của ngành kinh doanh 500 tỷ Mỹ kim của công ty Apple. Cho đến nay nó vẫn là một sản phẩm thèm muốn được sở hữu của nhiều công ty trên khắp thế giới.
Hơn một thập niên qua, iPhone, cùng những điện thoại thông minh khác, đã làm thay đổi hầu như mọi khía cạnh trong cách chúng ta liên lạc với nhau. Ngoài những chức năng như gọi, gửi tin nhắn và email cho nhau, nay có hơn hai tỷ người trên thế giới còn sử dụng những thiết bị này để làm tấm bản đồ chỉ đường, đặt chỗ để đi taxi, so sánh giá cả và phẩm chất một món hàng nào đó trước khi mua, theo dõi tin tức, coi phim, nghe nhạc, chơi các trò chơi điện tử, làm cuốn sổ ghi chép những cuộc hẹn hay những điều cần nhớ, và một điều cũng quan trọng không kém, tham gia vào các trang mạng xã hội.
Thêm nữa, kỹ thuật của điện thoại thông minh còn mang đến nhiều lợi ích khác cho xã hội, chẳng hạn cho phép hàng triệu người vì một lý do nào đó không thể đến ngân hàng được thì vẫn có thể thực hiện những cuộc giao dịch tài chính ngay ở nhà, hoặc giúp cho những nhân viên cấp cứu ở những khu vực bị thiên tai có thể xác định chính xách nơi nào cần đến sự giúp đỡ của họ nhất. Ngoài ra còn có một số ứng dụng (apps) được cài đặt trong điện thoại để người sử dụng theo dõi xem hôm nay họ đi bộ được bao xa, cơ thể hoạt động tích cực được bao nhiêu phút trong ngày và ban đêm ngủ được mấy tiếng..
Tuy nhiên, những lợi ích đó cũng đi kèm theo với một cái giá khá đắt đối với đời sống tinh thần của nhiều người. Với sự nối kết và tiếp cận thông tin hầu như liên tục mà điện thoại thông minh mang lại đã làm cho thiết bị này trở thành một thứ ma tuý làm cho nhiều triệu người sử dụng đâm ghiền đến nỗi không phút nào có thể rời mắt khỏi nó. Nhiều nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu về hiện tượng xã hội này, và kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu đã đưa ra kết luận nói rằng chúng ta ngày càng mất tập trung, sống ít hơn trong thế giới thực và bị kéo sâu hơn vào trong cái thế giới ảo kia.
Cho dù là thế nào thì một điều rõ ràng là chiếc điện thoại iPhone và những điện thoại thông minh khác đã tác động và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của nhiều người dân trên thế giới. Nhưng nếu nó không tự biến đổi, lột xác để thành một thứ thiết bị khác thích hợp với nhu cầu của người tiêu thụ thường thay đổi sau một thời gian thì rồi không sớm thì muộn nó cũng sẽ bị đào thải.
Nhìn lại những gì đã xảy ra trong quá khứ như một bài học kinh nghiệm, ta thấy thiết bị điện tử di động được nhiều người ưa thích này một ngày nào đó có thể sẽ cùng chung số phận với nhiều thứ thiết bị khác như máy chụp ảnh kỹ thuật số, máy tính, máy nghe nhạc Walkman của Sony và cuốn sổ tay điện tử Palm Pilot rồi đây cũng được đưa vào nằm trong viện bảo tàng. Mặc dù khó có thể tin rằng ngày tàn của chiếc iPhone đang đến gần, nhưng với tốc độ thay đổi rất nhanh trong lãnh vực kỹ thuật, thì khi một sản phẩm mới lạ nào đó bất ngờ xuất hiện, nó có thể làm đảo lộn tất cả mọi thứ và gạt chiếc iPhone sang bên lề như iPhone đã từng làm đối với nhiều sản phẩm khác kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên hơn một thập niên trước.
Lấy một ví dụ gần đây thôi, cho đến giữa thập niên 1990, người ta vẫn còn sử dụng máy đánh chữ ở khắp nơi, từ trường học cho tới văn phòng. Nay những công việc đòi hỏi đánh máy thì vẫn còn đó, người ta vẫn cần đến bàn phím, nhưng máy đánh chữ thì hoàn toàn biến mất và thay vào đó là máy vi tính, vì máy vi tính đa dụng hơn, không chỉ dùng cho công việc đánh máy mà còn cho rất nhiều những công việc khác nữa.
Qua một thời gian, các sản phẩm rồi sẽ lỗi thời, các công ty rồi sẽ chết sau đó. Cho dù công ty đó có phát minh ra được một sản phẩm tuyệt vời đến mấy nhưng nếu không được người tiêu thụ ưa thích, chiếu cố thì phát minh đó kể như là con số không.
Phim nhựa của Kodak, máy ảnh chụp lấy liền của Polaroid và các cửa hàng của Sears là những ví dụ điển hình nay đã và đang trở thành những công ty thuộc về quá khứ vì họ giữ quá lâu một ý tưởng cũ đã trở thành lỗi thời. Thế nên, những công ty kỹ thuật ngày nay, từ Netflix đến công ty mẹ của Google là Alphabet Inc. cho đến thậm chí Apple phải lưu ý hơn tới hậu quả của những công ty trên để tránh không đi vào cùng vết xe lăn định mệnh đó.
Công ty Apple trong thập niên 2000 được coi như bậc thầy phát minh của những sản phẩm quan trọng: máy nghe nhạc iPod, máy vi tính MacBook Air, máy tính bảng iPad, điện thoại iPhone. Không hẳn Apple lúc nào cũng đi đầu trong việc phát minh, nhưng các sản phẩm của họ dễ sử dụng, mỏng, nhẹ, đẹp hơn tất cả những sản phẩm của các công ty khác.
Với thành công của iPhone kể từ khi xuất hiện trên thị trường, một sản phẩm mới quan trọng có tính đột phá càng ngày càng khó tìm. Apple đã không thành công trong lãnh vực truyền hình, thành công chút ít với chiếc đồng hồ iWatch, thất bại trong kinh doanh âm nhạc và hiện đang có nhiều tin đồn liên quan đến kế hoạch chế tạo xe hơi tự động của họ. Trong khi chờ đợi Apple tung ra một sản phẩm mới quan trọng khác, nhiều người tự hỏi phải chăng chính cái ưu điểm mạnh nhất của Apple (phát minh mới) thì nay đang là yếu điểm lớn nhất của họ (không có phát minh mới)?
Công ty Apple từng có một di sản rực rỡ về phát minh, và nay là lúc công ty đang cần có một phát minh mới quan trọng.
Phát minh mới đó là gì? Sản phẩm quan trọng đó hình dạng ra sao? Hiện chưa ai có câu trả lời, nhưng chắc chắn đang có nhiều cặp mắt chú ý theo dõi từng bước đi của Apple để xem công ty này có thể tự biến đổi để làm mới mình được hay không, hay lại rơi vào trường hợp của nhiều công ty đi trước, từng có một thời huy hoàng và nay đã và đang từ từ bị xoá sổ. Hơn một thập niên trước, công ty Nokia thống trị thị trường điện thoại cầm tay nhưng rồi chỉ một sớm một chiều điều đó đã tan thành mây khói chỉ vì các giám đốc quản trị của công ty đã thất bại trong việc chế tạo ra một hệ điều hành thích hợp cho chiếc điện thoại thông minh đắt tiền của họ để có thể sử dụng dễ dàng hơn. Chính các vị giám đốc này biết rằng họ phải thay đổi thật nhanh để cạnh tranh nhưng đã không có khả năng thay đổi. Apple qua mặt họ và nay chẳng còn mấy ai nhớ đến cái tên Nokia nữa. Phải chăng lịch sử đang được lập lại, và lần này nạn nhân là Apple?
Nói vậy nhưng không phải là không có những câu chuyện thành công vượt thời gian.
Một thế kỷ trước, công ty Ford Motor Co. chế tạo ra chiếc Model T và đã đưa công ty này vươn lên hàng đầu, chiếm một nửa thị trường xe hơi Mỹ. Không có chiếc xe hơi này thì tên của ông Henry Ford nay đã bị quên lãng.
Gần với Apple hơn là công ty Microsoft Corp. với sản phẩm được nhiều người biết tới là hệ điều hành Windows đã từng có thời kỳ thống trị lãnh vực nhu liệu và đưa công ty này lên hàng đầu trong thị trường về máy điện toán cá nhân trước khi có kỹ thuật “điện toán đám mây” (cloud computing – nôm na là mạng lưới dự trữ, quản lý và xử lý dữ liệu).
Cả Ford lẫn Microsoft đã biết tự thích ứng để tồn tại. Những mẫu xe biểu tượng của Ford như loại thể thao Mustang hay loại pickup F-150 cho thấy công ty có thể kéo dài đời sống của sản phẩm kể cả sau khi đợt thành công tột đỉnh ban đầu phai mờ dần. Sự chuyển đổi của công ty Microsoft qua lãnh vực kinh doanh “điện toán đám mây” với sản phẩm Azure của họ một lần nữa đưa công ty trở lại vị trí là một trong những công ty có giá trị hàng đầu của thế giới.
Nhưng nói chung, ta nhìn sự vận hành và tồn tại của các công ty kỹ thuật thì thấy được sự vận hành của luật đào thải trong thiên nhiên, mà luật đào thải trong thời hiện đại này càng ngày càng gấp. Công ty nào không thích ứng nhanh, không theo kịp với nhu cầu đòi hỏi của người tiêu thụ thì sớm muộn gì công ty đó cũng sẽ bị đào thải. Thời gian trung bình của các công ty thuộc S&P 500 (500 công ty tiêu biểu) được liệt kê trong danh sách là 15 năm. Tuổi của chiếc iPhone nay đã gần 12 năm – là một thời gian đáng nể dành cho một sản phẩm kỹ thuật. Nhưng con số 12 cũng làm ta phải giật mình và tự hỏi phải chăng đã đến lúc nó cần phải thay đổi để không trở thành lỗi thời.
Huy Lâm

Comments

Popular posts from this blog