Tô Thùy Yên, Thi Ca & Lẽ Sống
Vương Trùng Dương

Nguyệt san Lửa Việt của Hội Sinh Viên Đại Học Hà Nội vừa di cư vào Nam thực hiện chỉ ra được vài số và ngưng xuất bản đầu năm 1955. Tuần báo Người Việt phát hành vào tháng 8 năm 1955 cũng chỉ được thời gian. Tạp chí văn nghệ Sáng Tạo (1956-1961) ra đời vào tháng 10 năm 1956 tại Sài Gòn do Mai Thảo và Doãn Quốc Sỹ chủ trương với bộ biên tập Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Thái Tuấn, Thanh Tâm Tuyền… và, Tô Thùy Yên là nhà thơ miền Nam trong nhóm Sáng Tạo.
Trong cuộc trò chuyện với Nguyễn Mạnh An Dân, TTY chia sẻ: “Hồi đó, vào khoảng cuối năm 1954, sau khi có một hai bài thơ đăng trên tuần báo Đời Mới, tôi thường lui tới với vị chủ biên của tuần báo đó là nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, người mà tôi rất kính mến. Một số các anh sau này là những tác giả nòng cốt của nhóm Sáng Tạo như  Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Doãn Quốc Sỹ… mới di cư, cũng thường lui tới với ông Nguyễn Đức Quỳnh, và tôi quen với các anh ấy từ đó. Một hai năm sau, tạp chí Sáng Tạo thành hình và tôi đã gia nhập bằng những bài thơ mà tạp chí sẵn sàng đón nhận. Tôi là đứa trẻ nhất trong nhóm, 17 tuổi, và lại là tên Nam Kỳ duy nhất”.
Theo Nguyễn Sỹ Tế trong bài Nhìn Lại Tạp Chí Sáng Tạo trên tờ Khởi Hành, 11-2001: “Chủ trương của Sáng Tạo là dùng phương tiện văn chương và nghệ thuật tranh đấu cho tự do, thúc đẩy sự đổi mới, dung nạp những dị biệt cá tính trong một nền văn hóa phong phú và cởi mở hơn…”.
Trong hai thập niên (54-75) Tô Thùy Yên có nhiều bài thơ nổi tiếng đăng báo nhưng chưa có thi phẩm xuất bản. TTY dịch cuốn Phận Người - La Condition Humaine của André Malraux. (La Condition Humaine được giải thưởng Goncourt cuối năm 1933, mô tả cuộc nội chiến tương tàn ở Trung Hoa vào thời kỳ tranh chấp giữa quân đội Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch và lực lượng cộng sản trong thời kỳ manh nha. Sau nầy Lê Thanh Hoàng Dân & Mai Vi Phúc dịch là Thân Phận Con Người. Ngoài ra có tác phẩm: Hồn Thụy (tiểu thuyết), tuyển tập truyện ngắn Tô Thùy Yên.
Bài thơ Cánh Đồng Con Ngựa Chuyến Tàu của Tô Thùy Yên vào tháng 4 năm 1956 trên Sáng Tạo, hình ảnh liên tưởng độc đáo, gây tiếng vang, được yêu thích.
“Trên cánh đồng hoang thuần một màu
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu
Tàu chạy mau tàu chạy rất mau
Ngựa rượt tàu rượt tàu rượt tàu
Cỏ cây cỏ cây lùi chóng mặt
Gò nổng cao rồi thung lũng sâu
Ngựa thở hào hển thở hào hển
Tàu chạy mau vẫn mau vẫn mau
Mặt trời mọc xong mặt trời lặn
Ngựa gục đầu gục đầu gục đầu
Cánh đồng a! Cánh đồng sắp hết
Tàu chạy mau càng mau càng mau
Ngựa ngả lăn mình mướt như cỏ
Như giữa nền nhung một vết nâu”.
Theo Đặng Tiến: “Cánh đồng, con ngựa ở đây khác với những hình ảnh trong thơ cổ, tranh Đường, tranh Tống, ngược lại phần nào đó, gợi lên nền “văn hóa đồng hoang” của Nga La Tư thời cổ đại. Chuyến tàu – nôm na là xe lửa – là biểu tượng văn minh cơ khí và hiện đại. Cuộc va chạm lớn lao giữa hai nền văn minh đông phương thảo mộc và tây phương cơ giới đã được nhà văn Phạm Văn Ký, 1910- 1992, vẽ lại trong tiểu thuyết Mất Nơi Trú ẩn (Perdre la Demeure, Gallimard, 1961, giải thuởng Hàn Lâm Viện Pháp), mô tả cảnh xây dựng con đường sắt tại Nhật Bản vào thế kỷ XIX”.
Với Du Tử Lê thì: “Tôi nghĩ, hình ảnh con ngựa rượt, đuổi chuyến tàu, với phông nền là những cánh đồng nối nhau, hút mắt; là một bức tranh sống động vẽ bằng… ngôn ngữ. Sức sống động mạnh mẽ tới độ, chúng cho ta cảm tưởng tác giả đã chụp được một bức ảnh thời gian… Bằng tài năng đặc biệt của mình”.
Trong nhóm Sáng Tạo, Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên cổ võ thơ tự do “thơ hôm nay là thơ tự do” (TTT) nhưng không có bài thơ tự do nào của TTY được nổi tiếng. “Duyệt lại hành trình thi ca Tô Thùy Yên, 20 năm văn chương miền Nam, căn cứ trên mấy chục số tạp chí Sáng Tạo, từ bộ cũ đến bộ mới; bên cạnh những bài thơ tự do (rất ít), thì hầu hết những bài thơ ký tên Tô Thùy Yên là thơ có vần, điệu” (DTL).
Khi định cư ở Hoa Kỳ, Tô Thùy Yên mới gom lại tất cả những bài thơ để ấn hành hai thi phẩm: Thơ Tuyển (xuất bản ở Đức năm 1994; Minnesota, Hoa Kỳ, 1995) & Thắp Tạ (An Tiêm, Houston, Hoa Kỳ, 2004).
*
Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1938 tại Gò Vấp. Học trung học trường Petrus Trương Vĩnh Ký, theo học đại học Văn Khoa Sài Gòn, ban văn chương Pháp, một thời gian rồi bỏ dở. Ngoài ra còn bút hiệu khác là Đinh Nhật Tiên.
Cuối năm 1963 Tô Thùy Yên nhập ngũ khóa 17 tại Trường Bộ Binh Thủ Đức, phục vụ tại Vùng IV hai năm rồi về Cục Tâm Lý Chiến. Chức vụ cuối cùng là Thiếu Tá, Trưởng Phòng Văn Nghệ.
Sau tháng 4 năm 1975, Tô Thùy Yên bị hai lần tù, tổng cộng gần mười ba năm.
Phan Lạc Phúc viết: “Các bạn tù Thanh Chương đọc thơ Tô Thùy Yên, Hà Thượng Nhân vanh vách. Tôi không có duyên gặp bạn trong tù… (Phan Lạc Phúc ở trại tù Tân Lập, Vĩnh Phú).
… Nhưng đến hồi cuối năm 85, người làm thơ biệt xứ Tô Thùy Yên được về - Lúc ấy trời đã sang thu thì phải. Bố con tôi đã phải mặc áo ấm trên con đường tỉnh lộ sào xạc heo may. Khi tôi đi tù cải tạo con gái út tôi mới có 5 tuổi. Khi tôi về nó đã 15 tuổi bắt đầu thiếu nữ…
… Chưa được gặp nhưng con tôi nó muốn gần chị G. (Đinh Quỳnh Giao) con gái đầu của Tô Thùy Yên, học thật giỏi. Trong một xã hội xã hội chủ nghĩa (không có giai cấp) nhưng khi thi vào đại học có 15 thứ hạng. Ưu tiên hạng 1, 2, 3 thuộc gia đình cách mạng hay “chính sách” thì thi ba bài từ 7 điểm trở lên đã được “chiếu cố” vô đại học rồi. Con cái “ngụy quân” như con chúng tôi đứng hạng thứ 14 áp chót (hạng chót là gia đình phản động, phản cách mạng). Khi bố đi tù cải tạo về rồi thì lại lên được một hạng, hạng 13. Con cái ngụy quân muốn vô đại học phải đạt 21 điểm, gấp 3 số điểm gia đình chính sách thì mới vô đại học được.. G. con gái đầu ông bà Tô Thùy Yên thừa điểm vào Y Khoa. MT con tôi, Tr. T con Thanh Tâm Tuyền và H. con trai Tô Thùy Yên chúng nó cùng học lớp 10. Mấy đứa nhỏ chắc đều suy nghĩ: Ở đây nếu muốn sống cho ra sống thì chỉ còn có cách làm như chị G.
… Hơn 10 năm gặp lại bạn… thấy bạn già đi (tất nhiên rồi) mà chắc bạn thấy tôi cũng vậy. Hình như bạn có khuyết một vài cái răng thì phải, cái cười hơi trống vắng…
Cuối năm 1990, ngày Thứ Sáu 13 tháng 10. Ngày xấu “đi chơi cũng thiệt lọ là đi đâu”. Tôi quanh quẩn ở trong nhà. Chợt có tiếng xe Honda thắng xiết trước chiếc cầu nhỏ, bắc qua con lạch vào căn nhà Hóc Môn của tôi. Nhìn ra thấy H. con trai Tô Thùy Yên đang hấp tấp dắt xe vào. Tôi chạy ra, thấy vẻ hốt hoảng của H. nên vội hỏi “có chuyện gì vậy cháu? – “Bố cháu vừa bị bắt rồi” – H. thảng thốt nói tiếp: “Trước khi lên xe công an, bố cháu nói nhỏ: đi báo các bác nên cháu vội chạy lên đây”. Nhà tôi bảo H. ở lại ăn cơm cái đã nhưng H. nhất định ra về “Để cháu phải đi ngay cho kịp vài nơi nữa…”.
*
Tô Thùy Yên nhà nhà thơ lớn trên thi đàn Việt Nam, dĩ nhiên đã có nhiều người đề cập. Tuy không thích “tính lăng quăng” của ông (chữ của Mai Thảo) nhưng một số thơ của ông là chứng nhân cho giai đoạn lịch sử. Quan niệm “văn dĩ tải đạo” của Tống Nho và Chu Đôn Di không phù hợp với một số tác giả. Với thơ vần (7 chữ & 8 chữ) của Tô Thùy Yên rất tuyệt vì mang âm hưởng của hồn thơ Đông Phương.
Vẫn theo Phan Lạc Phúc: “Vào khoảng giữa thập niên 60 có một việc, nhỏ thôi nhưng đã làm thay đổi Tô Thùy Yên. Anh bắt đầu đọc Đường Thi. Yên là một người ưa thích sự toàn hảo (gout du parfait). Anh không bằng lòng với những bản dịch. Yên muốn đọc thơ Đường bằng nguyên tác và Tô Thùy Yên học chữ Nho. “Học cho vui, chơi vậy mà”. Xuống Gò Vấp, thấy Tô Thùy Yên viết chữ Nho rất đẹp. Và đột nhiên tôi được đọc một số bài thơ mang phong cách nhất nguyên của Đông Phương. Đọc thơ trước đây của Yên người ta thấy phảng phất St J. Perse hoặc Valery – bây giờ thấy Tô Thùy Yên “Quy khứ lai từ” như Đào Tiềm quay về nơi bản trạch”.
Thơ vần của Tô Thùy Yên không bị gò bó trong niêm luật, rất thoáng nên khi đọc cảm nhận được âm điệu song hành giữa ngôn ngữ và ý thơ.
Trong cuộc phỏng vấn của Nguyễn Hoàng Nam, Tô Thùy Yên chia sẻ về thơ vần:
“Tôi cũng nhận thấy thêm là một bài thơ dài thành công, tức không bị sa lầy vào sự phân giải lắm lời, phải là một bài thơ mà mỗi đoạn ngắn của nó, nếu như được tách riêng ra, đã có đầy đủ cường độ của một bài thơ hoàn chỉnh. Nghĩ xa hơn một chút, tôi có cảm tưởng là giọng của thơ vần vốn là giọng “kể”, hiểu tho nghĩa “kể lể” cũng được, và giọng của thơ không vần là giọng “nói”, giọng “nói thường”…
… Thơ vần, nói chung, kiêng kỵ những bức phá. Trước đây vài thập niên, một số không nhỏ những người đọc thơ đã rất ngần ngại tiếp nhận thơ tự do, phần lớn chẳng phải nhạc tính xa lạ, trúc trắc, khổ độc của thơ tự do, như họ thường bày tỏ, mà có lẽ, theo thiển nghĩ của tôi, là do tinh thần của thơ tự do còn quá xa lạ đối với họ, điều mà gần như họ chẳng muốn thú nhận. Thơ tự do, cũng như thơ mới trước kia, ra đời vì sự thay đổi của hồn thơ, chớ không phải đơn thuần là sự thay đổi của luật thơ…
… Những bài thơ trước đời đường, thậm chí cả trong thời Sơ Đường, đơn cử bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu chẳng hạn, hay những bài thơ có dáng dấp Đường Thi của Nguyễn Trãi rõ ràng không theo đúng niêm luật chặt chẽ về sau của đường thi, nhưng chẳng phải vì vậy mà không phải là những bài thơ mà giá trị gần như mẫu mực. Nói cách khác, luật mô phỏng thực tế, chớ thực tế không mô phỏng luật bao giờ. Do đó, nếu đã chẳng thể coi niêm luật thơ như một thuận tiện có sẵn giúp cho người làm thơ (và hẳn nhiên cả người đọc thơ) được dễ dàng trong việc tìm gặp những thói quen nào đó của một ngôn ngữ thì lại không nhất thiết phải coi niêm luật thơ là khuôn vàng thước ngọc, để khỏi tự trói buộc chết cứng vào niêm luật thơ. Luật nào cũng vậy đã cấu thành được thì cũng hủy bỏ được. Một cách tự nhiên, thi hứng đưa đẩy tới những phá cách cần thiết. Thông thường, một bài thơ vần phá cách thể hiện cùng lúc hai khung hướng đối nghịch nhau là muốn thoát ly khỏi tính đơn điệu, nhưng lại vẫn muốn còn nương tựa vào tính thói quen…”
Nhân dịp Tô Thùy Yên vào tuổi bát tuần (10-1938), trích đăng vài bài thơ của ông được ngưỡng mộ trong thời chinh chiến và niềm đau của kẻ chiến bại.
Ngày nay quần đảo Hoàng Sa (ngoài khơi Đà Nẵng) và Trường Sa (ngoài khơi Nha Trang) hiện nay đề cập rất nhiều trong cuộc xâm lăng của Trung Quốc và cuộc tranh chấp với nhau trở thành điểm nóng trên Biển Đông.
Năm 1956, Hải Quân Việt Nam đã thay thế hẳn Hải Quân Pháp chịu trách nhiệm trú đóng và gìn giữ các hải đảo phía Nam vĩ tuyến 17. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã đồn trú và bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa trước âm mưu xâm lấn của đối phương. Đầu năm 1974 cuộc hải chiến Hoàng Sa giữa Hải Quân VNCH và Hải Quân Trung Cộng đã đi vào quân sử. Ngày 19 tháng Giêng 1974, HQ 4 Trần Khánh Dư cùng với HQ 5, HQ 10 và HQ 16 mở cuộc hải chiến lẫy lừng nhất trong chiến sử quân chủng, đánh chìm 2 tàu và làm hư hại 2 tàu khác của Hải Quân Trung Cộng trên vùng biển Hoàng Sa, và sau đó cuộc hải chiến giữa Hải Quân VNCH và Hải Quân Trung Cộng đã đi vào quân sử. Với Trường Sa thì Hải Quân VNCH đã loại trừ đối phương xâm nhập.
Tháng 3 năm 1974, Tô Thùy Yên sáng tác bài thơ Trường Sa Hành. Đây là một trong những bài “hành” nổi tiếng trong thi ca Việt Nam như Tống Biệt Hành của Thanh Tâm, Hành Phương Nam của Nguyễn Bính:
“Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề.
Lính thú mươi người lạ sóng nước,
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi.
… Đảo hoang, vắng cả hồn ma quỷ.
Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên.
Bốn trăm hải lý nhớ không tới.
Ta khóc cười như tự bạo hành,
Dập giận, vác khòm lưng nhẫn nhục,
Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh.
… Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt,
Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi.
Đám cây bật gốc chờ tan xác,
Có hối ra đời chẳng chọn nơi?
Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng,
Những cụm rong óng ả bập bềnh
Như những tầng buồn lay động mãi
Dưới hồn ta tịch mịt long lanh.
… Đất liền, ta gọi, nghe ta không?
Đập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng.
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc.
Con chim động giấc gào cô đơn.
Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa.
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên.
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ
Kêu dòn như tiếng nứt hoa niên.
Ôi lũ cây gầy ven bãi sụp,
Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh,
Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã
Hay đến ngày bờ tái tạo xanh.
San hô mọc tủa thêm cành nhánh.
Những nỗi niềm kia cũng mãn khai.
Thời gian kết đá mốc u tịch,
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người”.
Người lính trinh sát Trần Hoài Thư trong các cuộc hành quân băng rừng lội suối, sáng tác vài bài thơ nói lên hình ảnh nầy ở miền Trung. Bài thơ Qua Sông của Tô Thuỳ Yên ở hình ảnh miền Nam sông lạch:
Đò nghẹn đoàn quân xa tiếp viện
Mưa lâu trời mốc buồn hôi xưa
Con đường đáo nhậm xa như nhớ
Chiều mập mờ, xiêu lạc dáng cò
Quán chật xanh lên rừng lính ướt
Mặt bơ phờ dính gió bao la
Khí ẩm mù bay, mùi thuốc khét
Chuyện tình cờ nhúm ấm cây mưa
Vang lên những địa danh huyền hoặc
Mỗi địa danh nồng một xót xa
Giặc đánh lớn - mùa mưa đã tới
Mùa mưa như một trận mưa liền
Châu thổ mang mang trời nước sát
Hồn chừng hiu hắt nỗi không tên
Tiếp tế khó - đôi lần phải lục
Trên người bạn gục đạn mươi viên
Di tản khó - sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên
Người chết mấy ngày chưa lấy xác
Thây sình mặt nát lạch mương tanh...
Sông cái nước ven bờ sóng sánh
Cồn xa cây vướng sáng mơ màng
Áo quan phong quốc kỳ anh liệt
Niềm thiên thu đầm cỗ xe tang
Quê xa không tiện đường đưa tiễn
Nghĩa tận sơ sài đám lạnh tanh
Thêm một chút gì như hối hả
Người thân chưa khóc ráo thâm tình…
... Nao nao mường tượng bóng mình
Mịt mùng cõi tới u minh tiếng rền
Xuống đò, đời đã bỏ quên...
Một sông nước lớn trào lên mắt ngời”
Đọc bài thơ nầy liên tưởng đến bài Tây Tiến của Quang Dũng năm 1948.
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm…”
Bài thơ Anh Hùng Tận, tuy tựa đề như vậy nhưng nói lên khí phách hào hùng, gan dạ, xem cái chết nhẹ như bông, mong manh như tơ trời của người lính VNCH thời chiến:
Dựng súng trường, cởi nón sắt
Đơn vị dừng quân trọn buổi chiều
Trọn buổi chiều, ta nhậu nhẹt
Mồi chẳng bao nhiêu rượu rất nhiều…
… Tới đây toàn những tay hào sĩ
Sống chết không làm thắt ruột gan
Cũng không ai nhắc gì thân thế
Có vợ con mà như độc thân
… Ta chắt cho nhau giọt rượu sót
Tưởng đời sót chút thiếu niên đây
Giờ cất quân, đưa tay bắt
Ước cõi âm còn gặp để say”.
Phá Tam Giang thuộc địa phận của tỉnh Thừa Thiên, vùng đầm lầy lớn nhất Đông Nam Á, chỉ có ngư dân nghèo sống thưa thớt. Bài thơ Chiều Trên Phá Tam Giang của Tô Thùy Yên mô tả:
“Chiếc trực thăng bay là mặt nước
Như cơn mộng nhanh
Phá Tam Giang, phá Tam Giang
Bờ bãi hỗn mang, dòng bát ngát
Cát hôn mê, nước miệt mài trôi
Ngó xuống cảm thương người lỡ bước
Trời nước mông mênh, thân nhỏ nhoi
Phá Tam Giang, Phá Tam Giang
Nhớ câu ca dao sầu vạn cổ
Chiều dòn tan, nắng đọng nứt ran ran
… Chiều trên phá Tam Giang
Anh sực nhớ em
Nhớ bất tận
… Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Rực chiếu bao nhiêu giấc mộng đua đòi
Như những mặt trời con thật dễ thương
Sẽ rơi rụng dọc đường lên dốc tuổi
Mỗi sáng trưa chiều tối đêm khuya
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Coi chuyện đó như lần đi tuyệt tích
Trong nước trời lãng đãng nghìn trùng…”
Bài thơ nầy khá dài, được Nhật Trường Trần Thiện Thanh phổ thành ca khúc cùng tên được giới thưởng ngoạn âm nhạc yêu thích.
*
Thanh Tâm Tuyền, Mai Trung Tĩnh, Hà Thượng Nhân… sáng tác nhiều bài thơ sau tháng Tư năm 1975 khi đi tù. Nằm trong lao tù bài thơ Trong Trại Cải Tạo Nghe Tiếng Còi Tàu Hỏa của Mai Trung Tĩnh quá não nề. Bài thơ Tàu Đêm của Tô Thùy Yên ghi lại hình ảnh và tâm trạng người tù bị chuyển từ trại tù từ Nam ra Bắc:
“Tàu đi. Lúc đó, đêm vừa mỏi
Lúc đó, sao trời đã ngủ mê
Tàu rú. Sao ơi, hãy thức dậy
Long lanh muôn mắt tiễn tàu đi
Thức dậy, những ai còn sống đó
Nhìn ra nhớ lấy phút giây này
Tàu đi như một cơn giông lửa
Cuồn cuộn sao từ ống khói bay
Cảnh vật mơ hồ trong bóng đêm
Dàn ra một ảo tượng im lìm
Ủ ê những ngọn đèn thưa thớt
Sáng ít làm đêm tối tối thêm
Bến cảng, nhà kho, những dạng cây…
Chưa quen mà đã giã từ ngay
Dẫu sao cũng một lần tan hợp
Chớ tiếc nhau vài cái vẫy tay
Toa nêm lúc nhúc hồn oan khốc
Đèn bão mờ soi chẳng rõ ai
… Tàu đi như một cơn điên đảo
Sắt thép kinh hoàng va đập nhau
Ta tưởng chừng nghe thời đại động
Xô đi ầm ĩ một cơn đau
Ngồi đây giữa những phân cùng bụi
Trong chuyển dời xung xát bạo tàn
Ta trở thành than, thành súc vật
Tiếng người e cũng đã quên ngang
Ta nghe rêm nhói thân tàn rạc
Các thỏi xương lìa đụng chỏi nhau
Nghe cả hồn ta bị cán nghiến
Trên đường lịch sử sắt tuôn mau
Dường như ta chợt khóc đau đớn
Lệ nóng cường toan cháy ruột gan
Lệ chảy không ra ngoài khóe mắt
Nghẹn ngào đến cả tiếng than van
Giá ta có được một hơi thuốc
Dẫu chỉ là hơi thuốc mốc thôi
Để phả cho hồn ấm tỉnh lại
Để nghe còn sự sống trên môi
… Đem thân làm gã tù lưu xứ
Xí xóa đời ta với đất trời
Ngàn dặm lìa tan tình cố cựu
Bàng hoàng thân thế cụm mây trôi
Đã mấy năm nay quằn quại đói
Thèm ăn như đứa trẻ con nghèo
… Tàu đi khoan xoáy sâu đêm thép
Tiếng nghiến ghê người, thác lửa sa
Lịch sử dường như rất vội vã
Tàu không đỗ lại các ga qua
Ô, những nhà ga rất cổ xưa
Dường như ta đã thấy bao giờ
Đến nay, người giữ ga còn đứng
Đèn bão đong đưa chút sáng mờ
Tàu qua những ruộng đồng châu thổ
Hiu hắt làng xa mấy chấm đèn
Đêm ở nơi đây buồn lặng lặng
Cái buồn trải nặng mặt bằng đen
… Có lúc tàu qua những chiếc cầu
Sầm sầm những nhịp động đều nhau
Dưới kia con nước còn thao thức
Bát ngát dềnh lên bãi sậy sầu
Có lúc tàu qua những thị trấn
Mà đêm đã gói lại im lìm
Tàu qua, âu cũng là thông lệ
Nên chẳng ai buồn hé cửa xem
Ôi những nỗi sầu vô dạng ấy
Gọi ta về với những đêm vui…
Ở đâu đèn sáng như châu ngọc
Đường phố người chen chúc nói cười
… Tàu ơi, hãy kéo còi liên tục
Cho tiếng rền vang dậy địa cầu
Lay động những tầng mê sảng tối…
Loài người, hãy thức, thức cùng nhau
1980
Bài thơ Hái Rau với thể thơ lục bát phác họa hình ảnh người tù kiếm miếng rau (gọi là cải thiện) để lót dạ:
“Chiều ra đồng hái rau hoang,
Nghe sầu theo gió thổi tràn mặt ta..
Ơn trời, ơn đất bao la,
Hái đi, này những xót xa kiếp người.
Cổ kim chung một mái trời,
Kinh Thi cũng có bóng người hái rau..
Cúi mình, khổ luỵ như nhau,
Tập tàng mót nhặt trả hầu nợ thân.
Cơ trời, núi đổ, sông dâng,
Miều đường bay mái, thánh thần lạc thây.
Ta nhìn ta, lạ lùng thay,
Tả tơi, đâu chỉ hình hài thấy đây.
Đêm nằm, lệ chảy mòn tay,
Nghe chừng đá nát vàng phai đến điều.
Mịt mùng gió lửa liu hiu,
Bóng nào khóc, bóng nào kêu, não nùng.
Thịt rơi, xương rụng trùng trùng,
Một thời thế ngã với từng xác thân.
Dưới thềm, máu đọng ghê chân,
Mới ầm cửa sập, đã rần cỏ lên.
Bó thân che lấy mạng hèn,
Sống đong một bữa, tâm chèn khổ sao.
… Kiếp này lửa nắng, dầu mưa,
Hậu thân xin chớ nhớ thừa hiện thân.
… Cám ơn rau của đất trời,
Hẩm hiu chưa cả được đời đặt tên.
Cám ơn rau của người hiền,
Quản chi dưới vực, trên triền mọc khơi.
Giá ta hỏi được một lời,
Rau này, trăm họ mấy người đã ăn?
Bãi dài, nghe hú âm rân,
Ngẩng lên, ngày đã bội phần chầy nghiêng.
Rừng đưa mái võng treo triền,
Như quằn chiếu sánh, như lền gió qua.
Lũng sâu, gom gọn nắng tà,
Dải lau sóng ngất bạc nhoà cuối mây.
… Dặm về, xa bấy là xa,
Lấy ai đồng cảnh cùng ta bước kèm?
Thu gom áo nón lèm bèm,
Xốc vai bó củi lại kèm bó rau.
Bóng xô dài ngã lao đao,
Phải chăng lòng nặng, chĩu đầu mà đi?
Dọc đường thấy suối xanh rì,
Muốn nghiêng trút tất những gì đeo đai.
1982
Bài thơ Chim Kêu Bãi Quạnh viết trong hoàn cảnh bị tù lần thứ hai:
“Khắc khoải chim kêu ngày tận tuyệt.
Ai trầm luân đó có về qua?
Mông quạnh bãi phơi vũng vướng mắc,
Con cò lặng ngẩng lắng hơi thu.
… Khắc khoải chim kêu hồn khuất giạt.
Cảnh nổi trôi giờ đã lặng chưa?
Ngấn nước đục khoen lem cỏ sậy,
Lưu mà chi chỉ dấu phù hư?
Xương cốt vẫn là xương cốt cũ,
Đành rêm nhức mãi trở trời xưa.
Linh chăng những vàng tiền mẹ đốt?
Cửa để, con đi chơi về khuya.
Khắc khoải chim kêu đời khổ nạn.
Cò ai ngồi rạng cội cây già?
Chim vút lên như hòn đá ném,
Rồi tôi, cái có chỉ là qua.
Chiều nay, trên bãi sông run rủi,
Mường tượng dòng sông trôi tro ta.
Một mai, ngoài cõi gió hao đuối,
Ai hỏi ai về ai trước kia?
… Chiều bóc, bóc dần những rớt nắng
Loi ngoi nắm níu lũng triền xa”.
8.1998
*
Sau mười năm lao tù, bài thơ Ta Về của Tô Thùy Yên quá tuyệt. Bài thơ nầy có 33 đoạn gồm 132 câu:
“Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay
Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
Mười năm mặt sạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ
Ta về qua những truông cùng phá
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay
… Ta về như bóng chim qua trễ
Cho vội vàng thêm gió cuối mùa
Ai đứng trông vời mây nước đó
Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ
… Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi
… Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
Ruột mềm như đá dưới chân ta
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó
Người thức mong buồn tận cõi xa
Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt
Tội tình chi lắm nữa người ơi
… Ta về như sợi tơ trời trắng
Chấp chới trôi buồn với nắng hanh
Ai gọi ai đi ngoài cõi vắng
Dừng chân nghe quặn thắt tâm can
… Ta về như tứ thơ xiêu tán
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên
Nhà cũ mừng còn nguyên mái, vách
Nhện giăng, khói ám, mối xông nền
Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ
Nhà thương, khó quá sống thờ ơ
Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ
Khách cũ không còn, khách mới thưa
… Ta về như đứa con phung phá
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
Mười năm, con đã già trông thấy
Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu
Con gẫm lại đời con thất bát
Hứa trăm điều một chẳng làm nên
Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn
Giọt lệ sương thầm khóc biến thiên
… Ta về như nước Tào Khê chảy
Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ
Thân thích những ai giờ đã khuất
Cõi đời nghe trống trải hơn xưa
Người chết đưa ta cùng xuống mộ
Đâu còn ai nữa đứng bờ ao
Khóc người ta khóc ta rơi rụng
Tuổi hạc ôi ngày một một hao
Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian kiếm chính mình
Ta nhặt mà thương từng phế liệu
Như từng hài cốt sắp vô danh
… Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta”.
Năm 1987, tôi mới về thăm Sài Gòn trước vật đổi sao dời, gặp Phan Xuân Sinh chép tay bài thơ nầy, đọc mà ngậm ngùi với “Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương” (Nguyễn Gia Thiều). Gặp người bạn đồng khóa (Đặng Niên) khi ra tù thì vợ con ở hải ngoại, sống lang thang, đêm đến tá túc nơi nầy nơi nọ, bỏ mối cà phê (hình như TTY cũng vậy) để sống qua ngày. Bạn tôi thuộc lòng bài thơ nầy như nỗi lòng, tâm trạng của mình. Đặng Niên nói với tôi, “Mầy đọc sách nhiều, có quyển nào trước đây viết hay, thấm thía như vậy không?. Tôi nói, “Nếu ông Victor Hugo, tác giả quyển Những Kẻ Khốn Cùng (Les Misérables) tái sinh mà đọc bài thơ nầy thì mới viết nổi ý thơ”.
Tôi rất thích hai câu thơ đầu tiên trong bài Nói Một Mình “Tôi đứng yên một đời như Bắc Đẩu.. Trên đau buồn như trên một chiến công” của Tô Thùy Yên. Vì vậy với những bài thơ trích dẫn ở trên, với tôi lúc đó, Tô Thùy Yên là vì sao Bắc Đẩu trong thi đàn Việt Nam hiện đại. Thơ ông bàng bạc tâm hồn nhân bản với tha nhân.
*
Về đời sống cá nhân, văn nhân thường lãng mạn với “người đi qua đời tôi”, điều đó cũng có thể cảm thông nhưng điều qua trọng là bổn phận và trách nhiệm của cuộc tình với giọt máu của mình. Cuộc tình giữa Tô Thùy Yên và Nguyễn Thị Thụy Vũ của một thời ở Sài Gòn là mối tình văn nhân. TTY và NTTV chủ trương nhà xuất bản Hồng Đức, sau đổi tên thành Kẻ Sĩ. Với Nguyễn Thị Thụy Vũ, Tô Thùy Yên có bài thơ tự do Bất Tận Cuộc Đời Hung Hãn Đó, tặng Thụy Vũ, ghi 7-1972 đăng báo Văn ở Sài Gòn, số 208 ngày 15-8-1972:
“… Ta cảm ơn người đời. Cảm ơn trời đất
Còn lưu trữ khoảng cỏ cây này đến tận hôm nay
Để ngày ngày ta đến dỗ dành những nỗi ưu tư
Dưới nét phác nụ cười thầm mê man của Định Mệnh
Để ngày ngày ta đến điều trần lặng lẽ trước Vô Cùng
Về một Hữu Hạn tuyệt vời đang phóng dụng…
… Chúng ta sẽ gia giáo hóa thiên nhiên
Chúng ta sẽ đồng loạt hóa Định Mệnh
Chúng ta sẽ nhật tu đời sống miên man trong từng phạm vi chi tiết nhất
Và chúng ta sẽ không ngừng sửa soạn bản thân cho hợp thời trang
Ngay từ bây giờ chúng ta phải hối hả…
… Hỡi con chim kia, hãy thảnh thơi khép kín vòng bay diễm tuyệt đó
Đêm. Đêm lót trải giường nghỉ ngơi thơm.
Đêm hạ thấp chập chờn cung bực những xôn xao.
Đêm, tâm sự nguôi ngoai.
Đêm, thời gian tàn hơi tắt lịm.
Đêm cốt tủy đêm
Đêm xóa bỏ…”
Thế nhưng, sau cuộc đổi đời, tai họa ập đến để rơi vào hoàn cảnh bi thương!
Đoàn Dự viết về Nguyễn Thị Thụy Vũ đăng trên tờ Thời Báo tháng 9 năm 2014:
“Sau năm 1975, chị Thụy Vũ không còn viết lác gì nữa, chỉ buôn bán lặt vặt, kể cả làm lơ xe đò để có tiền nuôi ba đứa con nhỏ dại với nhà thơ Tô Thùy Yên…Đời sống quá khổ cực, nhờ bà mẹ cho một khu đất trồng cà phê ở Lộc Ninh, chỉ bán căn nhà ở Làng Báo Chí được mấy chỉ vàng, cộng với chút ít vốn liếng đã tích cóp được, lên Lộc Ninh dựng căn chòi nhỏ, mua được hai con bò và mấy con dê, trồng trọt rau cỏ, trông nom cà phê, đời sống hết sức khốn quẫn. Sau, có một nhà văn (tôi không nhớ rõ tên), từ bên Mỹ về, lên thăm thấy chị khổ cực quá nên khi trở lại Mỹ, viết bài “Thụy Vũ chăn dê” (lấy tích Tôn Vũ chăn dê trong truyện Chiêu Quân Cống Hồ đời Tống bên Tàu), đăng lên các báo bên ấy. Các văn hữu và nhiều độc giả ở Mỹ biết tin, gom góp nhau gửi tiền về giúp đỡ…
… Từ thời con gái, làm nghề viết văn và dạy học, chị Thụy Vũ chung sống với nhà thơ Tô Thùy Yên (mối tình văn nghệ), sinh được 3 con (lấy họ Nguyễn), hai gái, một trai. Cháu lớn tên Khôi Hạnh. Cháu trai tên Khôi Hạo. Cháu gái nhỏ nhất tên Khôi Thụy (sinh năm 1973). Nhưng chẳng may, cháu Khôi Thụy lúc mới 2 tuổi, chị người làm không cẩn thận khiến cháu bị té ngửa từ trên giường xuống nền gạch, chấn thương sọ não rất nặng. Suốt bao nhiêu năm nay cháu sống đời sống thực vật, chỉ năm một chỗ, u mơ không biết gì hết…
… Cuối năm 1993, anh (TTY) cùng người vợ chính thức là cô giáo Huỳnh Diệu Bích và các con sang Mỹ định cư theo diện HO… Cháu Đinh Quỳnh Giao, bác sĩ bên Mỹ, con gái anh chị Tô Thùy Yên gửi về giúp đỡ. Cháu Đình Quỳnh Giao rất thương xót đứa em cùng cha khác mẹ tên Nguyễn Khôi Thụy đang nằm liệt giường. Mỗi tháng cứ đến khoảng 27, 28 là cháu gửi $100 về cho em…”.
Đầu năm 2000, khi đọc bài viết của nhà văn Văn Quang với câu chuyện về con gái của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ: “Người con gái 27 năm sống với đời sống thực vật”. Bài viết của tôi: “Nguyễn Thị Thụy Vũ, giữa dòng đời nghiệt ngã” vào tháng 5 năm 2000, được phổ biến trên các tờ báo ở Hoa Kỳ (Sau nầy in trong cuốn Văn Nhân & Tình Sử, trang 325-347, ấn hành năm 2015). Trong đó có đề cập đến trường hợp nầy.
Qua hai bài viết đó, tôi và anh Văn Quang thường liên lạc giới nhau. Loạt bài “Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự” (sau nầy đổi thành Viết Từ Sài Gòn) của anh rất thú vị với độc giả ở hải ngoại nên được giới thiệu để phổ biến thêm ở nhật báo Viễn Đông ở Little Saigon. (Anh là bạn đồng khóa 4 Thủ Đức với anh thông gia Hoàng Tích Thông của tôi).
Có lẽ bài viết của Văn Quang về cháu Khôi Thụy đã động lòng trắc ẩn của đồng hương hải ngoại, liên lạc với anh để giúp đỡ nên có nhiều dịp ghé Lộc Ninh. Năm 2002, ông rời bỏ Sài Gòn và dọn lên Lộc Ninh sinh sống.
Sau nầy trong hồi ký “Ngày Tháng Chưa Quên” của anh ghi:
“Tôi ở tù cải tạo 12 năm, 2 tháng, 26 ngày, thừa điều kiện đi HO. Nhưng vì chuyện gia đình, gửi giấy bảo lãnh nên tôi không đi nữa. Chuyện gia đình rất nhiều điều tế nhị, tôi không viết ở đây. Hơn thế, tôi đang sống cùng người đàn bà khác không hôn thú làm sao đi được, không lẽ tôi bỏ lại tất cả đi một mình...”
Anh thích đời sống thôn quê nhưng ở Lộc Ninh được thời gian thì tại họa lại đến khi Công An địa phương ra tay khủng bố “Khoảng 8 giờ sáng, bỗng một toán cảnh sát vài chục anh kéo đến xông vào nhà tôi… Họ hùng hổ như đi bắt cướp. Kéo nhau vào sục sạo khắp nhà, từ mấy ngăn kéo đến gầm giường. Có cái máy móc nào họ lôi ra hết, đóng vào thùng khuân xuống xe kể cả mấy cái computer, máy chụp hình, điện thoại…
Cứ như thế suốt một tuần, họ thay nhau hỏi cung, lúc nhẹ nhàng cười cợt, lúc kết tội rất căng. Đó là kiểu khủng bố tinh thần để làm mất tinh thần đối thủ…”. Vì vậy anh phải bỏ Lộc Sinh để trở lại Sài Gòn.
Theo bài viết của An Nam trên BBC, ngày 23 tháng 3 năm 2017: Về nữ văn sỹ của miền Nam Nguyễn Thị Thụy Vũ, cho biết:
"… Cuộc sống sau 'giải phóng' vô cùng khó khăn. Tui một mình nuôi bầy con nheo nhóc, có đứa bị thiểu năng nằm một chỗ. Tui phải để nó cho mấy đứa lớn cho ăn, chăm sóc còn mình thì đi làm thuê bán vé xe bus cho một người bạn...
Xe chạy tuyến Thủ Đức - Sài Gòn, từ sáng đến tối mịt mới về nhà. Về đến nhà thấy con cái đứa thì nằm ngủ trên vũng nước đái, đứa lêu lổng đi chơi không cho em ăn… nhìn cái cảnh đó tui muốn chết đi cho rồi. Khó khăn quá, năm 1980 tui bồng bế tụi nhỏ về Bình Phước nương nhờ má cho đến bây giờ", bà kể.
Xưa tui bỏ nó ở nhà đi làm báo, nó bị té, ảnh hưởng não nên nằm một chỗ đến giờ, vậy mà giờ nó nuôi tui bằng tiền từ thiện bạn bè, các nhà hảo tâm thương tình giúp đỡ…
Làm nhiều nghề kiếm sống nuôi con, từ chăn dê, buôn bán, trồng tiêu…, cây bút nữ dấn thân nhất của văn đàn miền Nam trước 1975 đã không còn viết gì nữa kể từ sau ‘giải phóng’. Bà kể: "Ổng (tức, Tô Thùy Yên) thì theo gia đình vợ con ổng đi sang Mỹ, có đời sống riêng. Tui làm đủ nghề lo cho con.
Ba đứa con tui cũng thành nhân, yên bề gia thất. Có một thằng làm thơ, người ta nói nó có chịu ảnh hưởng của cha nó. Nhưng mấy con tui, đứa nào cũng nghèo, chẳng giúp gì được mình. Tui sống nhờ đứa con bị tàn tật.
Xưa tui bỏ nó ở nhà đi làm báo, nó bị té, ảnh hưởng não nên nằm một chỗ đến giờ, vậy mà giờ nó nuôi tui bằng tiền từ thiện bạn bè, các nhà hảo tâm thương tình giúp đỡ…".
Tô Thùy Yên và vợ con định cư tại Minnesota, Hoa Kỳ theo diện H.O năm 1993. Năm 1995, tập Thơ Tuyển của Tô Thùy Yên được xuất bản tại Hoa Kỳ, thi phẩm dày 224 trang, gồm có 37 bài, trong đó bài thơ Thắp Tạ của TTY tặng Huỳnh Diệu Bích:
“Một mình nàng lên núi chan chứa
Hỏi tìm cho gặp đá tiên tri
Về sau, đời có ra sao nữa
Cũng đã đành tâm sẵn một bề
Đá, chẳng đá nào lên tiếng với...
Nàng đi thôi đã nát chân hồng
Nghe con vượn ẩn thân khóc hối
Một lần lỡ bỏ chuyến lìa non
Một mai nàng vô rừng u ẩn
Nhặt trái nưa về nhuộm dạ sầu
Thấy trăm họ cỏ cây chen quấn
Nương náu nhau mà tội nợ nhau
Con loan, con phượng bay đâu lạc
Đến nỗi nào, sao chẳng gọi bầy?
Nếu như hoa biết chiều nay rụng
Âu cũng vui mà nở sáng nay
Một mai nàng qua cầu cam mặc
Mưa nắng gì thôi cũng một thì...
Rau hạnh, rau vi từ lúc có
Chưa từng nguôi biếc bãi Kinh Thi
Cửa đẩy lầm, vô lường cuộc diện...
Ba ngàn thế giới đã nhà chưa?
Lâu ngày, thân thế rách như gió
Thấy lại mình như kẻ đáng ngờ...
Một mai nàng đến thành hoa gấm
Hát một chiều, tiền thưởng ngập chân
Vui nốn náo trời, thốc tới biển
Một lần, thử đổi bỏ chân thân
Gà nửa khuya gáy xộ trăng muộn
Ai hồ nghi lộn kiếp bên này?
… Thắp tạ càn khôn một vô ích
Thắp tạ nhân quần một luyến thương
Biển Đông đã một ngày xe cát...
Đắm giạt, mơ lai kiếp dã tràng”.
Thắp Tạ cho người bạn đời như vậy nhưng rồi ông bỏ xứ vạn hồ Minnesota, lập lại “cuộc tình văn nghệ” với cô Phan Dụy (ngâm thơ rất hay) và về chung sống tại Texas. Năm 2006, ông bị bệnh tim trầm trọng. Phan Dụy cũng chắp nối với cuộc tình khác!
Qua các tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung viết về nơi chốn núi rừng, không những chuyện đấm đá, giết nhau mà lồng vào đó nhân sinh quan của cuộc sống.
Tây Độc Âu Dương Phong là tên đại các nhưng là người cha hết mực thương con trai Âu Dương Khắc. Đông Tà Hoàng Dược Sư coi mạng người như ngóe nhưng lặn lội khắp nơi để bảo vệ cô con gái Hoàng Dung. Trong tứ ác (xếp theo thứ tự chữ ác) ở chốn võ lâm có Ác Quán Mãn Doanh (kẻ ác nhất thiên hạ) Đoàn Diên Khánh quá tàn độc. Cuối cùng, mẹ của Đoàn Dự là Đao Bạch Phượng tiết lộ rằng bà ấy chính là Phật Quan Âm đêm đó và Đoàn Dự thực ra là con trai của ông. Đoàn Diên Khánh do đó từ bỏ việc chiếm lại ngai vàng, do con trai của ông cuối cùng sẽ giúp ông hoàn thành mơ ước đó. Vô Ác Bất Tác (không ác không làm) Diệp Nhị Nương có một mối tình bí mật với sư trụ trì Quang Trí của Thiếu Lâm và sinh đứa con trai, nhưng đứa trẻ bị bắc cóc bởi một kẻ tấn công đeo mặt nạ. Bà bị sốc về mặt tinh thần và do đó đi bắt cóc trẻ sơ sinh của người khác và đối xử như là con mình trước khi giết đi. Trong trận chiến tại Thiếu Lâm, bà nhận ra Hư Trúc là con trai của mình sau khi nhìn thấy vết son trên trên lưng và đoàn tụ với nhau. Diệp Nhị Nương chết cùng với Quang Trí sau khi ông công khai thú nhận mối quan hệ của mình với bà.
Nhậm Ngã Hành, giáo chủ Nhật Nguyệt Thần Giáo, thuộc loại đại ác nhưng rất mực yêu thương và bảo vệ cả mạng sống của mình cho con gái Nhậm Doanh Doanh… Những tên đại các trong tác phẩm Kim Dung không thể nào quay lưng, bỏ rơi giọt máu của mình. Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn trong tà giáo bị sư phụ phản, từ hận thù gây bao tội ác dã man. Khi ở băng đảo, mù mắt, nhận Vô Kỵ làm nghĩa tử, khi Vô Kỵ vào Trung Nguyên, Tạ Tốn bất chấp hiểm nguy, cạm bẫy, thù hận nên rời băng đảo để tìm và bảo vệ nghĩa tử… Nhan nhản những nhân vật gian ác trong tác phẩm Kim Dung không có trái tim với quân hùng nhưng lại nặng tình với giọt máu của mình.
Thi ca chuyên chở từ trái tim cùng lẽ sống giữa nhân gian. Khi nhà thơ mang nặng “từ tâm”, thơ là tiếng lòng, thơ là hơi thở của cuộc sống hòa nhịp với sự rung cảm của tha nhân, không ai nghĩ rằng xảy ra nghịch lý. Tâm hồn nhà thơ như vậy nếu quên đi giọt máu của mình, thật là điều đáng tiếc!
Vương Trùng Dương
Little Saigon, Sept 2018

Comments

Popular posts from this blog