Một Thuở Học Trò

Hồ Phổ Lại


Tôi gặp thầy lúc tôi vừa đặt chân lên lớp một, cấp trung học. Thầy tên Ưng Biền, một cái tên thuộc dòng vua chúa triều Nguyễn. Nghe đâu, ở lứa tuổi thanh niên đã có một thời tầy vô bưng theo kháng chiến. Về sau trở ra hồi chánh, thầy lập gia đình và đi dạy học. Lúc dạy tôi thầy trạc 45, còn tôi thì ở tuổi 11, 12. Xét chung chung thầy thuộc loại người đẹp trai, dáng dấp cao ráo, khuôn mặt đều đặn, thái độ khoan thai, nói năng từ tốn. Ngày thường thầy tới trường trong bộ âu-phục hợp thời trang. Những ngày lễ lạc, thầy thắng bộ quốc phục: áo the đen, quần vải trắng, đầu đội khăn đóng, chân mang giày hạ. Nghĩa là thoạt nhìn bên ngoài, thầy Ưng Biền là hiện thân của một nhà mô phạm gương mẫu muôn đời. 

Nhưng, phải chăng ngoài cái vỏ bên ngoài và ngoài cái phần bên trong, trong con người còn cái cốt lõi giấu kín tận đáy sâu thăm thẳm của mỗi cõi lòng. Đặc biệt trong con người của thầy Biền ba khía cạnh riêng biệt đó không những chỉ khác người mà còn khác nhau, thậm chí còn đối nghịch nhau như nước với lửa. 

Điểm lạ lùng thứ nhất là thầy có một lối... nhảy mũi rất lạ lùng, rất phong phú và vô cùng vui nhộn. Mà, hình như rằng thầy chỉ thực sự thi hành công tác nhảy mũi khi thực sự đặt chân vào lớp học. Dầu với lớp học nào và dầu ở vào thời điểm nào. Có lẽ thầy bị dị ứng với tấm bảng đen và bụi phấn trắng. Có kẻ ác ý phao vu rằng thầy Biền dị ứng với những khuôn mặt... khả ố của lũ học trò vì thầy vốn ghét cay ghét đắng cái nghề gõ đầu trẻ. Sở dĩ phải hành nghề mô phạm vì thầy bị đẩy vô cái thế "chẳng đặng đừng". Sự thật ra sao, họa may ra chỉ một mình thầy biết một mình thầy hay. Cũng lạ đời thật! Vì, đã là con người có mấy ai không từng bị cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, nhảy mũi. Nhưng nhảy mũi theo lối của thầy Biền thì ở đời nầy cũng khó có ai theo kịp. Không thỉnh thoảng, không mỗi lần năm ba cái như người khác, thầy Biền nhảy mũi đều đặn hằng ngày và mỗi lần ít ra... ba mươi cái, có khi hơn. Tiếng chuông vừa đổ, học trò sắp hàng vào lớp xong xuôi thì đến lượt thầy khệ nệ ôm chồng sách vào theo. Vừa bước chân qua ngưỡng cửa lớp , thầy bắt đầu nhảy mũi. Nhảy lia lịa, nhảy liên tục, nhảy nhịp nhàng, nhảy tưng bừng và nhảy... tận tình. Ở bên dưới, lũ học sinh hồ hởi đếm theo: một, hai, ba... ba mươi. Nhịp đếm của số đông cũng nhịp nhàng, cũng tưng bừng, cũng tận tình không thua gì nhịp quân hành của đoàn quân xuất trận. Ngoài việc đếm bằng miệng, các nam sinh còn cao hứng dùng thước kẻ gõ nhịp lên bàn, mau chậm, mạnh nhẹ, cao thấp theo đúng âm điệu phát ra từ cửa miệng của thầy. Tiếng đếm, nhịp gõ chỉ dừng lại khi điệu nhảy mũi được thay thế bằng câu nạt nộ thường ngày. 

- Ngồi xuống! Ngậm miệng lại!

Ngồi xuống thì ngồi xuống, ngậm miệng thì ngậm miệng. Quen tai, quen mắt chúng tôi tỉnh bơ thi hành mệnh lệnh. Trong suốt năm học và có thêm ba năm kế tiếp nữa, giờ vạn vật chính là giờ làm chúng tôi cảm thấy thoải mái nhất. Dư luận chung quanh đồn rằng: đối với mệ Biền (thời đó ai mang họ Ưng, Hường, Bữu, Vĩnh dầu đàn ông hay đàn bà đều được bàng dân thiên hạ phong cho chức ‘’mệ’’), học sinh chỉ cần bỏ tiền ra mua quyển sách do chính tay mệ biên soạn lấy là chắc chắn... qua cầu.

Ngay ngày gặp mặt đầu tiên, thầy Biền đã vào lớp học với chồng sách cao nghệu trong tay. Nếu tổng số học sinh trong lớp gồm 50 đứa thì số sách thầy mang theo sẽ là 50 quyển. Không thiếu không thừa. Thầy là giáo sư độc nhất dạy môn vạn vật cho toàn trường. Do đó thầy soạn sách cho cả bốn lớp. Mỗi năm một quyển. Xong màn nhảy mũi tưng bừng, thầy mở quyển sổ điểm danh ra, gọi tên từng đứa lên bàn giáo sư nhận sách và ký tên thiếu nợ. Đến kỳ học sau, răm rắp đem theo tiền trả nợ. Đôi khi có đứa vì gặp gia cảnh quá nghèo không thể trả nổi một lần thì thầy cho trả góp. Sách thầy gồm những bài biên soạn giản lược đến độ ai đọc cũng hiểu, còn những hình vẽ kèm theo thì sơ sài đến độ ai vẽ cũng được. 

Đến giờ giảng bài, mỗi đứa ngồi trước quyển sách của mình, mở đúng trang bài giảng hôm đó. Thầy chỉ mặt đứa nào thì đứa đó cúi xuống đọc. Đứa sau, đọc kế dòng đứa trước. Cứ vậy cho đến hết bài. Nếu tôi nhớ không lầm thì mãi cho đến năm học cuối cùng tôi chưa lần nào có hân hạnh được nghe thầy giảng bài, dầu chỉ một dòng lấy lệ. Đôi khi vì tinh nghịch hay vì có thiện chí gây thêm hứng khởi cho lớp học, một nam sinh nào đó cắc cớ đưa tay lên, khiếu nại:

-Thưa thầy, chúng con cần nghe giảng bài.

Cả lớp cười rú lên cho không khí bớt tẻ nhạt dầu biết rõ như hai với hai là bốn rằng trước sau gì thầy cũng sẽ phán câu nầy:

- Cái lũ đầu trâu mặt ngựa tụi bây cần gì nghe giảng?

Không cần phải nghe giảng vì bài học vốn đã quá đơn giản hay vì hiểu rõ là cả bọn chúng tôi, gần 60 đứa, đứa nào như đứa nấy hằng ngày lăng xăng ôm tập vở tới trường cốt để gặp gỡ bạn bè, chơi đùa thoả thích hơn là để dùi mài kinh sử. 

Xong giờ giảng bài, tới giờ trả bài. Cả lớp hai tay khoanh tròn, sách vở gấp lại, mắt mũi láo liên, mặt mày hăm hở. Lịch trình trả bài theo đúng thứ tự a, b, c, ghi trong sổ điểm danh. Mỗi kỳ học có mười đứa phải trả bài và mỗi đứa phải đọc thuộc lòng năm câu, không sai lệch đường nào. Cứ vậy, suốt năm, năm này sang năm khác. Nếu tổng số học sinh trong lớp gồm 60 đứa thì trong sáu tuần liên tiếp mỗi đứa chỉ được gọi tên đúng một lần. Một tháng rưởi trời chỉ phải trả bài có một lần và chỉ học vỏn vẹn có năm câu. Nhiều nhỏi gì cho cam! Chúng tôi chỉ việc ghi rõ ngày giờ và học thuộc lòng số câu mình phải trả là coi như... chu tất mọi bề. 

Thói đời , cứ “được đằng chân thì lân đằng đầu.” Có một ngày trước giờ vạn vật không biết nghe ai xúi giục, một nam sinh khác bỗng dưng bốc đồng đưa ra trình làng một phương pháp trả bài còn thần sầu quỉ khốc hơn nữa: 

- Tại sao tụi mình phải mất công học đến năm câu thay vì chỉ một câu thôi?

Chỉ một câu thôi! Nghe hấp dẫn quá trời ! Cả lớp nhao nhao, diễn giả cao hứng oang oang giải thích: 

- Đề nghị nên đọc lớn tiếng câu đầu tiên rồi lập tức hạ giọng thầm thì lặp lại nguyên văn câu vừa đọc thêm bốn lần nữa. Phần bận làm thơ, phần không nghe rõ, thầy sẽ đinh ninh rằng tụi mình đọc đủ năm câu. 

Nhất trí cao. Tuy nhiên, dầu lũ học trò có giở trò lường gạt tài ba đến đâu thì thái độ của thầy vẫn không mảy may thay đổi. Sống lưng thẳng ro, cặp mắt bình thản chăm chú nhìn vào tập sách cầm trong tay, thầy kiên nhẫn ngồi đợi. Cứ xong mỗi màn kịch, thầy lại phán cùng một câu:

- Thôi, vác mặt chó về chỗ ngồi! Năm điểm trên mười!

Vác mặt chó và số điểm trung bình. Là thái độ phản đối của thầy hay cũng là dịp để thầy bày tỏ cho chúng tôi hiểu rằng: với thầy, giở loại mánh khoé vặt vãnh đó ra chẳng khác nào “lấy vải thưa, che mắt thánh.” Nội trong lớp chỉ có tôi và vài ba tên bạn gái khác vì tánh nhát gan, vì sợ nạn “tai vách mạch rừng” sẽ có ngày bị ông bố đẻ nóng tánh cho ăn no đòn, do đó dầu bị cám dỗ dầu thấy... tiếc rẻ vẫn không dám a dua nhập cuộc toàn bộ. Nghĩa là tôi cũng ghi nhớ ngày giờ và thứ tự phần bài mình phải trả rồi chỉ học riêng phần đó, học đủ năm câu cho ngày đó. Ngoài ra, mặc kệ. 

Hỗn hào, xấc xược và láu cá như vậy, chúng tôi ngoan cố tự lừa dối mình bằng lối lý luận ba phải sau đây: Ôi! Thầy có để ý gì đâu! Sự thật, nào ngờ! Có một lần và chỉ một lần thôi... Không hiểu đêm trước bận bịu chuyện gì đến nỗi tôi không có thì giờ học bài. Xui là sáng hôm sau lại rơi đúng ngày tôi phải trả bài vạn vật. Đâu còn biết xoay xở cách nào khác ngoài cách áp dụng đúng nguyên bản chiến thuật đang thịnh hành trong lớp: học một câu, đọc một câu, rồi... Lạ lùng thay! Ngay lúc tôi vừa cố tình hạ giọng xuống cũng là lúc thầy Biền rời mắt khỏi tập thơ, quay lại, nhìn tôi. Thầy nhìn bộ y phục tôi đang mặc trong người, nhìn hai gò má tôi đỏ hực lên vì mắc cỡ, nhìn điệu bộ cuống quýt và ánh mắt cố tình tránh né của tên thủ phạm trước giờ đền tội. Vẻ mặt đăm chiêu, vầng trán cau lại, thầy cắt ngang bằng cách nói nhỏ:

- Thôi, về chỗ ngồi! Bảy điểm trên mười!

Bảy điểm thay vì năm điểm! Con số thiên vị! Vì đó là lần đầu tiên tôi phạm tội, vì tôi không thuộc con số đông trong lớp hay vì ngàn năm một thuở tôi mới bị du vô cái thế “chẳng đặng đừng” như tiếng đồn xấu mà dư luận đã gán ghép cho thầy? Dầu gì, tôi vẫn cảm thấy hối hận và xấu hổ vì, hơn ai hết tôi thừa biết rằng tôi đã cố tình tạo dịp tốt để thầy nhìn thấy tận tim đen tim đỏ của mình: Quí báu gì, cũng cá mè một lứa! 

Học hành kiểu tắc trách như vậy, đến kỳ thi lục cá nguyệt chúng tôi biết đào đâu cho ra đủ số chữ để còn hòng trám đầy tờ giấy? Nhưng, ở đời hễ cứ “giang sơn nào thì anh hùng đó.” Đến giờ thi, sau khi lấy phấn viết đề bài lên bảng đen, thầy ngồi xuống ung dung giở vở ra (quyển sách thường ngày thầy vẫn cầm trên tay đến ngày thi được thay thế bằng một quyển vở kiểu vở học trò, vừa cao vừa rộng). Một bên tờ giấy thi, một bên quyển sách vạn vật mở rộng toang hoang, lũ học trò hăng hái bắt tay vào việc tra cứu. Lật sách tìm tòi, sao chép lia lịa, can-kê hình vẽ từ quyển sách qua tờ giấy thi. Là rồi! Dễ dàng, mau lẹ, thuần thục như đang múa may ở chỗ không người. Vui nhộn và tự nhiên đến độ vừa “làm bài thi” chúng tôi vừa đùa giỡn, giành giật viết chì màu, thước kẻ của nhau. Trên bàn giáo sư, thầy ngồi trầm ngâm như bận tìm ý tứ để bình giảng một bài thơ của Lý Bạch hay Đào Tiềm. Thỉnh thoảng, độ nửa giờ một lần để nhắc nhở sự hiện diện của mình, thầy cất tiếng nói:

- Ê, cái thằng hàm ếch (trò Tấn, có cái cằm nhô ra phía trước như cái lưỡi câu) ngồi góc trái, mi đâu cần phải can-kê nhiều hình vẽ như vậy? Tao khuyên mi cứ việc ghi vô tờ giấy thi câu này: xem sách trang..., hình vẽ số... 

Đúng nửa giờ sau, tiếng thầy cất lên lần thứ hai: 

- Ê, cái con vầng trăng méo (trò Thu, có khuôn mặt hơi lõm vào phía má trái) mi sao chép đủ ba trang rồi, đâu cần phải xin thêm giấy trắng nữa?

Lạ đời chưa! Quyển vở rộng khổ vẫn giữ yên thế dựng đứng gần như che khuất khuôn mặt của thầy, vậy thầy theo dõi chúng tôi bằng cách nào? Có một lần, sau khi vào lớp đặt chồng sách lên bàn giáo sư xong xuôi thầy quày quả trở ra, lợi dụng thời cơ anh trưởng lớp chạy bay lên lục lọi. Chỉ sau vài phút anh ta tìm ra tang vật: ở phía trên quyển vở rộng bản có khoét hai cái lỗ tròn tròn, đó chính là chỗ để đôi mắt thầy Biền nhìn xuyên qua hòng theo dõi hành tung của cả lớp. 

Xong cấp trung học, tôi rời tỉnh lỵ. Sau 75 từ một thành phố khác, tôi di tản ra xứ người. Khung trời xưa, ngôi trường cũ, những khuôn mặt thầy cô bạn bè ngày đó dần dần mờ nhạt theo năm tháng. Cho đến một lần cách đây khá lâu, tôi trở lại quê nhà. Trong câu chuyện hàn huyên tôi được biết tin thầy Ưng Biền đã mất. Được tôi hỏi lý do, người kể chuyện thuật rằng: 

“Trong những ngày sôi động cuối tháng 4 năm 75, thầy Biền cùng toàn bộ gia đình chạy vô Sài Gòn. Nhờ có người con trai lớn hiện cư ngụ tại Ba Lê, gia đình thầy được di tản qua Pháp. Tại phi trường Tân Sơn Nhất, trong lúc mọi người xô đẩy chen lấn nhau để lo trình giấy tờ ra sân bay thì thầy cũng chen lấn, nhưng để tìm đường đi vòng trở lại. Thoát qua cửa phi trường, với bịch hành lý nhẹ tênh trong tay thầy ra đường cái đón xe từng chặng từng chặng quay về với thành phố ven biển đó. Dạo ấy, mối quan hệ bang giao với thế giới bên ngoài chưa thiết lập bình thường, không ai biết thầy sinh sống bằng cách nào. Điều người ta có thể nhìn thấy được là cứ mỗi buổi chiều về thầy lại ra đường, mặt mày tươi tỉnh, hai tay chắp sau mông, thả bộ vòng vòng đi thăm viếng bạn bè thăm viếng bà con xóm giềng thăm viếng kẻ ở lâu năm thăm cả người mới dọn tới. 

Một ngày chớm đông, vì không thấy bóng thầy xuất hiện từ mấy hôm trước, lối xóm rủ nhau chạy qua nhà thầy đấm cửa. Không nghe tiếng trả lời, họ báo động phường khóm. Khi cánh cửa lớn mở ra, người ta nhìn thấy thầy nằm bất động trên chiếc đi-văng đặt ngay giữa nhà. Thầy nằm như ngủ, dáng điệu bình thản như khi sống: đầu đội khăn đóng, mình mặc áo the, hai tay chắp lên bụng, quyển thơ Đường rách bươm mở rộng đậy trùm khuôn mặt đã đổi màu.

Tôi lắng nghe, lặng người. Vừa đê mê sung sướng vừa ngậm ngùi ân hận. Giữa đa đoan của cuộc sống này, tôi đã có nhiều cơ may hơn chán vạn người khác: chẳng hạn được gặp gỡ thầy Ưng Biền. Dưới cái bề mặt cười đùa cợt nhã, thầy là lòng sông sâu là đáy biển lớn là khu rừng hoang có chứa nhiều kỳ hoa dị thảo chưa một lần được khai phá. Thầy đã tự nguyện từ chối lần di tản qua Pháp năm 75. Vỏn vẹn một khoảng cách sân bay, vỏn vẹn mấy bậc cầu thang ngắn ngủi với không tới mười giờ lướt gió tung mây: là đoàn tụ cả đời là thừa mứa vật chất là văn minh tột đỉnh là an toàn mãi mãi về sau. Một giấc mơ ngàn đời của mọi người dân các xứ nhược tiểu, ngay cả thời bình . Huống nữa... Giữa cuộc tháo chạy hỗn loạn người người lao tới trước, giành giựt giày xéo lên nhau để tìm con đường sống; chỉ riêng thầy, một mình lủi thủi quay lui để tìm con đường... chết. Chết với quê hương, chết với bạn bè, chết với người quen kẻ lạ, chết với nỗi khốn khó tận cùng, chết với sự nghèo đói triền miên, chết với hàng phi lao lộng gió và chết với tiếng sóng biển rì rầm năm qua tháng lại. 

Chung cuộc, thầy đã bỏ đi rồi. Trên cái thành phố ngày xưa đó, riêng tôi còn ở lại. Với hình ảnh khoảng sân trường rộn ràng tiếng guốc tiếng giày, với hình ảnh vô số khuôn mặt bạn bè những ngày vui thuở nhỏ và hình ảnh của thầy vầng trán cau lại cái nhìn đăm đắm... Bỗng nhiên, tôi bật khóc. Vẫn biết rằng sống là mất: mất tháng năm, mất tuổi trẻ, mất nỗi tin yêu, mất niềm vui sống, mất luôn bến bờ hạnh phúc gởi gắm thuở đầu đời. Mất dần. Mất hết. Mất sạch bong. Mất ráo trọi. Nhưng, suy cho cùng, trong tất cả những mất mát muôn đời và thường tình đó tôi chỉ là một nạn nhân đứng bên lề như ức triệu người khác hay chính là một trong những hung thủ có bằng chứng không tài nào chối cãi được? Vì, đã từ mấy chục năm trôi qua rồi, với cuộc đời nói chung và với những ân tình cũ càng nói riêng, hình như sự đóng góp đích thực của tôi chỉ có thể thâu tóm nội trong ba từ: ơ hờ, dửng dưng và hoàn toàn nguội lạnh. 

Vậy, rốt cuộc lại tôi là gì, là ai, là kẻ được giao phó đóng vai trò nào trong cuộc thế này? 

“Cho tôi được hồi sinh như ve sầu lột vỏ
Tuổi đôi mươi đếm lá rụng sân trường.”

Québec, tháng 2.2006

Comments

Popular posts from this blog