NAM PHI: 4
Túy Việt

Quý Anh Chị và Các Bạn thân mến,

Tôi ghi 4C trong đầu đề cho có vẻ bí mật một chút. 4C là gì? Xin thưa: Cut, Clear, Color và Carat, 4 tiêu chuẩn để đánh giá kim cương :)

Nam Phi nổi tiếng với kho báu kim cương. Tôi tò mò về loại đá quý này cho vui thôi chứ tôi chưa hề có một vảy kim cương nào đính tay hay tai nên chi có điều chi chưa đúng thì xin Quý Anh Chị bổ túc dùm tôi. Kính cảm ơn.

Kim cương ngoài vẻ đẹp thần kỳ còn là biểu tượng của tình yêu, của lãng mạn, của lòng tận tụy. Chữ diamond xuất phát từ tiếng Hy lạp "adamas", có nghĩa không thể bị khuất phục, không thể bị đánh bại, vì thế nó được dùng để tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu.
 
(Nguồn: internet)
 
Kim cương là một dạng rắn của carbon (tiếng thông thường là than) có hình khối, trong suốt. Nó nổi tiếng bởi tính chất vật lý tuyệt vời do tính bền bỉ của cách nối hóa trị của các nguyên tử tạo nên nó. Nó được hình thành khi than bị ép dưới sức ép cực lớn và nhiệt độ cực cao của tầng thạch quyển sâu từ 90 đến 240 dặm dưới mặt đất. Sự hình thành này có thể có từ 900 triệu năm trước, rồi sau đó nó được đưa lên gần hơn trên mặt đất do các chuyển động địa chất trong lòng trái đất.


Kim cương dạng thô và cách nối hóa trị của các nguyên tử tạo nên nó
(Nguồn: 
http://gemkids.gia.edu/gem/earth-science)
 
Vào khoản thế kỷ thứ 4 trước công nguyên kim cương được tìm thấy tại Ấn độ, và sau đó nó được truyền bá đến Trung Hoa theo con đường tơ lụa.

Vào thời gian này, nó được ưa chuộng vì vẻ đẹp lóng lánh và độ cứng của nó. Nó được dùng để làm đồ trang sức, làm dụng cụ cắt, cũng như dùng làm bùa xua đuổi tà ma. Người ta còn cho rằng nó cũng là một loại thuốc bổ sung để chữa bịnh. Lần lần theo đường giao thương mới nó được mang sang phương Tây, đến năm 1330 thì cách cắt kim cương được giới thiệu tại Venice, Italy.

Kim cương vẫn được khai thác ở Ấn độ, đến thế kỷ thứ 18 thì nguồn cung cấp cạn kiệt, người ta bắt đầu đi tìm nơi khác, và năm 1725 một mỏ nhỏ được tìm thấy ở Brazil. Dù số lượng nhỏ, kim cương Brazil cũng tồn tại trên thị trường thế giới gần 150 năm.

Câu chuyện về kim cương ở Nam Phi bắt đầu khoản cuối năm 1866 đầu năm 1867 khi một thiếu niên ở tuổi 15 bất chợt tìm thấy một số mẩu đá trong suốt trong khu đất thuộc quyền sở hữu của cha cậu, bên bờ nam sông Orange - South Africa. Trong vùng đất khô khan, cậu nhỏ - có tên Erasmus Jacob - vẫn thường nhặt các viên đá nhiều màu để làm đồ chơi cùng các anh chị em. Nhìn thấy mấy mẩu đá đẹp, một người hàng xóm của cậu, ông Schalk van Niekerk chọn một viên đẹp nhất và đề nghị mua, nhưng mẹ Erasmus đã biếu viên đá cho ông.

Không lâu sau đó, Schalk van Niekerk gởi viên đá cho John O’Reilly, một thương gia thường đi đây đi đó, mang nó đến Colesberg để hỏi về tính chất và giá trị của nó. Không tìm được kết quả mong muốn tại Colesberg, O’Reilly bèn gởi viên đá đến William Atherstone, một nhà khoáng chất học nghiệp dư ở Grahamstown.

Thật đáng ngạc nhiên, Atherstone thấy viên đá cắt được kiếng một cách dễ dàng nên tuyên bố rằng đây thực sự là một viên kim cương, nặng ngót nghét 20 carat, có trọng lượng riêng 3.5343 (trọng lượng riêng của kim cương trong khoản 3.5295 tới 3.6 (
https://www.ozy.com/flashback/how-finding-a-pebble-transformeđsouth-africa/77066).
Lời tuyên bố của Atherstone sau đó đã được nhiều chuyên gia ở Cape Town xác nhận, và thế là tên gọi Eureka đã được đặt cho viên đá. Tiếp theo đó, nó được gởi tới London và được các thợ kim hoàn của Nữ hoàng Victoria đánh giá 500 pounds (tương đương US$60,000.00 ngày nay).
 

Eureka Diamond
Nguồn: internet

Câu chuyện càng trở nên hấp dẫn hơn khi vào năm 1869, Niekerk mua được một viên đá khác lớn hơn viên Eureka do một cậu bé khác đã tìm được cũng trong vùng bờ nam sông Orange. Niekerk đã mua viên đá với giá 500 con cừu, 10 con bò và một con ngựa, rồi bán lại ngay với giá 11,500 pounds rất dễ dàng. Sau vài lần trao tay, nó được Earl of Dudley mua lại 25,000.00 pounds để tặng vợ - Countess of Dudley. Do đấy viên đá qúi còn có tên Dudley Diamond.

Viên đá thứ hai này được đặt tên Star of South Afria cân nặng 83.5 carat, không những làm cho Niekerk giàu lên mà nó còn làm thay đổi một cách sâu sắc số phận của cả dân tộc Nam Phi. Cơn sốt tìm kim cương tăng nhiệt độ. Không riêng gì người dân trong nước, các chuyên gia khai thác đá quí trước đây từ Ấn độ, Brazil, những kẻ tìm vàng từ Australia, North America cũng đổ dồn về đây.. Cuộc săn lùng kim cương này đã dẫn đến việc khám phá mỏ kim cương Kimberley nổi tiếng thế giới cùng các mỏ kim cương khác, đưa lịch sử Nam Phi qua một khúc quanh mới mẻ, tạo nên sự phát triển và thịnh vượng cho đất nước.
 

Star of South Africa
(Nguồn: internet)

Mỏ kim cương Kimberley được "động thổ" vào ngày 16 tháng 7 năm 1871. Từ đó cho đến tháng 8 năm 1914, khi mỏ chấm dứt hoạt động, mỏ đã cung cấp:

Số kim cương sản xuất: 14 506 566 carats
Tương đương: 2722kg
Số lượng đất đào: 22 500 000t

Với tỉ lệ đất/kim cương như trên, Quý Anh Chị và Các Bạn có thể tính tròn 1.5 tấn đất sẽ tìm được 1 carat kim cương! Muốn tìm kim cương phải qua nhiều công đoạn.

1) Ðất đá đào lên sẽ được đưa vào máy nghiền cho mịn hơn rồi phân loại theo cỡ.
2) Khi đất đã mịn rồi, dùng nước nóng để sàn đất lấy lại các mẩu đá nhỏ
3) Trong số các mẩu đá nhỏ này các chuyên gia sẽ chọn ra các viên đá có thể là kim cương. Ðiều này chỉ do kinh nghiệm, các chuyên gia giỏi sẽ không bỏ sót một viên đá có thể là kim cương.
4) Các chuyên gia sẽ đặt các viên đá được chọn này vào một thùng nhỏ, đậy nắp kín và niêm phong, xong gởi đến công ty hay phòng thí nghiệm, nơi sẽ tiếp tục việc cắt, đánh bóng, định giá v.v..

Từ khi mỏ Kimberley hoạt động, số cung kim cương đã tăng lên, góp phần vào việc giảm giá nhưng nó lại đặt ra vấn đề khác: làm sao định chuẩn kim cương để bảo đảm giá trị của nó. Thế là một công ty định chuẩn kim cương ra đời, có tên GIA (Gemological Institute of America).

GIA là một tổ chức vô vị lợi, được thành lập vào năm 1931 bởi Robert M. Shipley. Vốn là chủ nhân một tiệm kim hoàn, ông đã tự nhận xét rằng hình như các thợ hay chuyên gia kim hoàn ở Hoa kỳ vẫn chưa thấu hiểu các loại đá quí một cách đầy đủ. Vì thế ông tự thân sang châu Âu, theo học một khóa chuyên môn về đá quý tại Great Britain National Association of Goldsmiths. Trở lại Hoa kỳ vào năm 1929, Ông đã khai sinh lớp học đầu tiên về kim hoàn và đá quí tại Los Angeles, khai giảng ngày 16 tháng 9 năm 1930. Trong năm tiếp theo, Ông nỗ lực nhận trách nhiệm chuyên môn hóa và kỹ nghệ hóa ngành kim hoàn và đá quý bằng cách khuyến khích các nhà kim hoàn tham dự các lớp học chuyên môn và cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho học viên. Ông muốn tạo niềm tin nơi khách hàng đặt vào giới kinh doanh kim hoàn và đá qúi bằng cách tự mình nâng cao kiến thức cùng kỹ năng chuyên môn và rằng khi khách hàng mua một món nữ trang họ phải biết chắc rằng họ đang mua cái gì.

Năm 1934, người con trai của ông, Robert M Shipley Jr., cũng say mê ngành kim hoàn như cha và là thành viên của GIA, đã phát minh một kính lúp để nhìn/soi bên trong các loại đá quí. Dụng cụ này đã giúp vào việc đánh giá các loại đá quý chính xác hơn. Càng đi sâu vào việc nghiên cứu ông càng tích lũy kinh nghiệm và đã sáng tạo kính hiển vi soi kim cương và được cấp bằng sáng chế vào năm 1938. Kể từ đó ông từ từ điều chỉnh và hoàn thiện các loại kính đo khúc xạ, kính đo màu, kính soi ngọc trai v.v.. tất cả đều giúp vào việc đánh giá, xếp hạng các loại đá quý một cách chính xác, đầy đủ hơn.
 


Năm 1940, GIA sáng tác tiêu chuẩn 4C và Hệ thống Xếp hạng Kim cương Thế giới. Tất cả đều được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới cho đến hôm nay.

4C:
 
1) Cut:

Trong bốn yếu tố cut, clear, color và carat thì ba yếu tố sau đều do thiên nhiên, chỉ riêng yếu tố cắt là do con người kiểm soát và do đó nó định đoạt giá trị hơn kém cho kim cương.

Cắt kim cương đã được giới thiệu tại Tây phương vào khoản năm 1330. Những người thợ kim hoàn thời đó thường đánh bóng các loại đá quí cùng kim cương theo bề mặt tự nhiên của chúng cho đến khi không còn thấy vết tích bất thường nào. Cách đánh bóng này làm cho ánh sáng phản chiếu trên bề mặt của các loại đá qúi, song phần toả sáng và lóng lánh của nó vẫn còn ẩn bên trong. Cả mấy thế kỷ tiếp theo đó, các thợ cắt kim cương đã tìm cách thay đổi các góc cạnh để làm tăng vẻ đẹp của kim cương, song không có một đồng thuận nào về tiêu chuẩn cắt kim cương cả. Cho đến năm 1919...

Một nhà toán học đồng thời cũng là một vật lý gia và là một kỹ sư, Ông Marcel Tolkowsky, đã đệ trình luận án tiến sĩ về cách cắt kim cương lý tưởng nhất tại University of London. Ông đã tìm ra một công thức toán học về sự phản chiếu ánh sáng cùng với số mặt cắt kim cương tương ứng để toàn bộ ánh sáng sẽ phản chiếu lên bề mặt của viên kim cương, do đó làm tăng độ tỏa sáng cùng vẻ rực rỡ và lóng lánh của nó. Phát minh của Ông được gọi "ideal cut", đã trở thành tiêu chuẩn quốc tế cho đến hôm nay.


Marcel Tolkowsky
(Nguồn: 
https://usa.tolkowsky.com/#aboutus)

GIA xếp hạng "cut" như sau:


Ghi chú: Không nên lầm lẫn "cắt" (cut) và "dạng" (shape). Cắt là sự sắp xếp các mặt cần có của viên kim cương để tạo ra bề mặt bên trên hấp dẫn nhất. Dạng thì có tròn, trái lê, hình thuẫn, trái tim v.v… Công thức của Tolkowsky chỉ áp dụng cho dạng tròn với 58 mặt cắt và độ nghiêng của các mặt như hình sau: 


https://usa.tolkowsky.com ) (Nguồn: internet)

“Cơ thể học” kim cương: Một viên kim cương có các bộ phận như sau:
Diameter, Table, Crown, Girdle, Pavilion, Depth, and Culet.


Dạng kim cương:

2) Clarity:
 
Kim cương được hình thành rất sâu trong lòng đất, dưới sức nóng cực lớn và áp suất cực cao cho nên chúng thường có các "vết tích" (birthmark), các "bất toàn nội tại" (inclusion), hoặc các khiếm khuyết trên bề mặt (blemishes). Ðộ trong sáng của kim cương được đo lường qua các khiếm khuyết nêu trên, càng nhiều khiếm khuyết độ trong sáng càng thấp bởi vì chúng cản đường phản chiếu ánh sáng của kim cương. Khi chọn cắt kim cương, dĩ nhiên các chuyên gia kim hoàn thường tìm cách tránh để các khiếm khuyết trên không thể nhìn thấy được từ bề mặt. GIA xếp hạng độ trong sáng như sau:


FL (flawless): Không có "bất toàn nội tại" hay "khiếm khuyết trên bề mặt" khi soi kim cương dưới kính phóng đại 10 lần
IF (Internally Flawless) Không có "bất toàn nội tại" nào có thể thấy khi soi kim cương dưới kính phóng đại 10 lần
VVS1 , VVS2 (Very, Very Slightly Included): Các "bất toàn nội tại" rất nhạt, khó nhìn thấy dù được phóng đại 10 lần .
VS1 & VS2 (Very Slightly Included): Các "bất toàn nội tại" có thể nhìn thấy khi phóng đại 10 lần, nhưng được xem không đáng kể.
SI1, SI (Slightly Includes): Các "bất toàn nội tại" có thể nhìn thấy khi phóng đại 10 lần.
I1, I2, I3 (Included): Các "bất toàn nội tại" có thể nhìn thấy khi phóng đại 10 lần, và có thể ảnh hưởng đến độ trong suốt và vẻ rực rỡ của kim cương.

3) Color: 
 
Kim cương thiên nhiên có nhiều màu sắc khác nhau: xanh, hồng, vàng hay trắng. Trừ các màu hết sức đặc biệt hiếm thấy trong thiên nhiên, kim cương không màu (thuộc tính trắng) được đánh gía cao nhất.

GIA xếp hạng kim cương không màu theo thang điểm D đến Z, đi từ kim cương hoàn toàn không màu tới có màu nhè nhẹ.
Hình dưới đây cho thấy tiêu chuẩn màu của kim cương xếp hạng bởi các chuyên gia ngành đá quý. Ðặc biệt màu càng dễ thấy hơn khi úp mặt viên kim cương xuống. Mặt khác, màu của kim cương cũng sẽ dễ nhìn thấy hơn khi trọng lượng của nó càng cao.

4) Carat
 
Carat là đơn vị trọng lượng của kim cương. Chữ carat bắt nguồn từ hạt "carob", đơn vị do lường đầu tiên của các nhà buôn bán kim cương. Ngày nay, theo hệ thống cân thập phân, 1 carat cân nặng 0.2 gram, có đường kính 6.4 milimet. Dĩ nhiên carat càng nhiều thì giá tiền càng lớn.
 
Carat không liên quan gì đến karat, từ ngữ chỉ độ tinh khiết của vàng.


Khi lượng giá kim cương GIA sẽ ghi kết quả vào Giấy Chứng Nhận cho khách hàng. Mỗi giấy chứng nhận có mã số riêng. Mã số này được khắc lên phần Girdle của viên kim cương bằng tia laser:
 




Giấy chứng nhận của GIA sẽ mang lại niềm vui cho người bán lẫn người mua kim cương.

*******
 
Quý Anh Chị và Các Bạn thân mến,

Bên cạnh hột xoàn, Nam phi còn nổi tiếng với rượu nho. Suốt chuyến đi, tôi đã qua những ruộng nho bạt ngàn, ngút tầm mắt. Họ có cả trăm ngàn hecta đất trồng nho, và có thể nói cả trăm nhà sản xuất rượu nho đủ quy mô lớn nhỏ, xử dụng ba trăm ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp. Lượng sản xuất đứng hàng thứ bảy trên thế giới (2016), xuất cảng 448.5 triệu lít rượu đủ loại trong năm 2017. (
https://www.wosa.co.za/The-Industry/Statistics/World-Statistics/).


Nam Phi còn được biết đến với tệ nạn kỳ thị chủng tộc, nhưng hình như nó đã đi vào dĩ vãng từ lâu. Gặp một vài thanh niên trẻ, tôi hỏi thăm họ nghĩ gì về chính sách apartheid. Họ mỉm cười trả lời rằng không để ý đến nó nữa, hầu như mọi người đã quên (dù rằng hình ảnh, tượng đài, nhà lưu niệm Nelson Mandela - người tranh đấu chống chủ nghĩa apartheid đầy rẫy khắp nơi).

Và cuối cùng là một lỗi lầm tai hại của tôi khi nghĩ về Nam Phi. Tôi đinh ninh rằng Nam Phi chắc cũng nóng vì nó ở Châu Phi. Thật là lầm to! Nam Phi rất lạnh, vào tháng 10 vừa lạnh lại vừa mưa!! Tôi thiếu chuẩn bị khiến anh tua gai phải nhường cho tôi một cái áo khoác. Cảm ơn anh tua gai ga lăng. Sau chuyến đi, xem lại bản đồ tôi mới nhận ra, Nam Phi nằm ở cực nam châu Phi. Nó thuộc miền ôn đới, biển cả bao quanh, cho nên khí hậu hoàn toàn khác với các nước nằm gần đường xích đạo. Quý Anh Chị và Các Bạn muốn đi Nam Phi nhớ mang theo nhiều áo ấm./.

Túy Việt 


Comments

Popular posts from this blog