Mùa Giáng Sinh Ở Tampa Bay

Nguyên Nhung 
Inline images 1
 Chuyến bay đưa chúng tôi đến phi trường Quốc Tế Tampa khoảng gần một tuần trước ngày lễ Giáng Sinh. Ngày 21 tháng 12 đã bước vào tiết Đông Chí, trời thực sự vào Đông nhưng ở những tiểu bang như Texas hay Florida thường ấm áp hơn các tiểu bang miền Đông Bắc. Những ngày lạnh giá thường do cơn gió mùa từ miền Bắc thổi về, nhiều năm trời vừa mưa vừa lạnh, nhiệt độ xuống thấp nên những hạt mưa đông lại như những viên thủy tinh, treo lủng lẳng ngoài hàng hiên hay trĩu nặng trên cành cây. Thỉnh thoảng cả chục năm mới có một lần mưa tuyết, những lúc ấy quả là món quà bất ngờ của Trời ban cho người dân “xứ nóng tình sôi”.

Nếu như không có mùa hè đổ lửa của Houston, hay những cơn bão thường xuyên ghé thăm Florida thì hai nơi này cũng khá lý tưởng để sinh sống.  Houston gía nhà cửa tương đối rẻ nên dễ làm chủ một căn nhà hợp với túi tiền, công việc làng nhàng không thiếu nên ít bị thất nghiệp. Riêng Tampa Bay khí hậu ôn hòa mát mẻ rất tốt cho sức khoẻ, người đã về hưu có lợi tức khá thường chọn miền này vì thích hợp cho tuổi xế chiều, tuy thỉnh thoảng có bão ghé thăm cũng phải khăn gói gió đưa chạy đi lánh nạn ở những tiểu bang khác.
Inline images 2

 Tampa Bay là một hải cảng tự nhiên dọc theo vịnh Mễ Tây Cơ vùng Trung Tây Florida, bao gồm vịnh Hillsborough, Tampa Bay, giữa cũ và mới. Tampa theo chữ cổ của người địa phương còn có nghĩa là “sấm chớp” chắc cũng giống như câu “chớp bể mưa nguồn” của người Việt. Tampa Bay có khoảng 4.2 triệu dân, nguồn nước ngọt được cung cấp từ hằng trăm sông rạch, mà dòng sông Hillsborough là nguồn chính. Từ nhiều thế kỷ trước, nơi này là vùng đất của dân chài lưới, Tocobage là những người dân địa phương của vùng Tampa, đất đai màu mỡ nên ngành trồng trọt cũng rất phát triển với những vườn cam vàng óng và các loại trái cây khác cung cấp cho nước Mỹ.

Mùa Giáng Sinh năm ấy là mùa Giáng Sinh tuyệt vời đối với tôi, vì cũng là dịp gặp chị tôi cũng từ Washington D.C. bay qua, cùng với anh chị chủ nhà là những người bạn cố tri của chị, tuy giờ đây không ai còn trẻ nhưng cái vui được ngồi bên nhau nhắc chuyện cũ, nhất là chuyện ngày xưa thì đám trẻ trong nhà vẫn không hiểu nổi tại sao người gìa hay nói chuyện quá khứ. Chúng tôi tạm tách rời với con cái trong mùa Giáng Sinh là vậy, xứ sở này hình như không còn cảnh người gìa ngồi trong bốn bức tường than thở cho thân phận hay sự đơn côi của mình, khi không thể hoà nhập vào nếp sống mới mẻ và ồn ào của đám trẻ.
Inline images 3

Từ phi trường về nhà khá xa, đi qua một cây cầu nổi tiếng được gọi là Sunshine Skyway Bridge, gió từ ngoài khơi thổi vào khiến hàng cọ dừa (coconut palm) nghiêng về một phía như hình dáng ẻo lả của những vũ nữ thân gầy. Chưa biết mấy ngày ở đây tôi sẽ thấy gì ở Tampa Bay, nhưng chỉ con đường ven biển này đã đủ thu hút tầm nhìn hạn hẹp của tôi về một chân trời vô định xa tít ngoài biển xa. Biển xanh cát trắng, trời cao mênh mông và cũng xanh ngắt như màu biển, có lẽ vì vậy mà ta cảm thấy sự giao hoà giữa trời và nước gần nhau trong gang tấc.
                     
Đường phố Tampa Bay thênh thang và sạch sẽ, không khí Giáng Sinh đã tràn ngập khắp nơi từ các siêu thị cho đến nhà cửa của cư dân sống nơi đây, nhưng đặc biệt hơn là những cây cam trĩu trịt chín vàng tràn lan khắp nơi. Hoa cam là biểu tượng cho tiểu bang Florida, lần đầu tiên khi nhà thám hiểm Juan Ponce de Léon người Tây Ban Nha, tìm thấy vùng đất này mùa Phục Sinh năm 1513, ông đã ngửi thấy một mùi hương ngào ngạt của hoa cam quyện trong gió biển, mùi thơm lan toả khắp nơi nên ông đã đặt tên là Florida, tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “đất nở hoa”. Từ đấy “đất lành chim đậu”, nơi nào đem đến nguồn sống là nơi ấy có nhiều người tìm đến lập nghiệp.

 Ngày hôm sau vẫn là một ngày đẹp trời ở Tampa Bay. Anh chị đưa chúng tôi đến khu chợ Trời bán rau cải, trái cây tươi và những đặc sản địa phương. Tại đây tôi đã gặp những nụ cười hiền hậu, nước da hơi ngăm đen của người Lào, Miên và một vài giống dân thiểu số khác. Họ là những người nội trợ cần cù, suốt tuần ở nhà trồng trọt hay chăm sóc trẻ con cho đám trẻ đi làm, cuối tuần họ đem đến đây những món thu hoạch được trong vườn nhà, từ buồng chuối chín cây, quả mướp, trái đu đủ, vài loại rau còn tươi xanh. Thích thú biết mấy khi tôi tìm được loại rau ngổ xanh mướt để um lươn theo kiểu người miền Tây, món ăn khoái khẩu này không dễ tìm được trên đất Mỹ. Chọn vài bó rau ngổ tươi xanh, bữa cơm chiều hôm ấy món rau ngổ luộc chấm nước cá kho được cả nhà chiếu cố tận tình, ngoại trừ ông chủ nhà “mắt xanh tóc vàng” hiền hậu như ông Peter giữ chìa khoá cửa Thiên Đàng,  tuy vẫn xơi được bún ốc, bún riêu với mắm tôm chanh ớt,  nhưng vẫn chưa quen nổi món rau luộc chấm nước cá kho ớt giầm của vợ.

Cơm nước xong anh ở nhà làm một giấc ngủ trưa, còn chị đưa khách tới thăm một gia đình người Việt mới đến Mỹ khoảng trên mười năm, đứa con gái là học trò của chị thời trung học. Mới có từng ấy năm nhưng cả nhà cùng xắn tay hòa nhập vào cuộc sống mới trên xứ lạ, thế mà họ đã có một căn nhà khang trang sân trước vườn sau cây lá xanh rờn rất thích mắt. Mới gặp lần đầu mà tiếng cười câu nói cứ vui như tết, cứ như là “tha hương ngộ cố tri” mặc dù hồi ở Việt Nam chẳng ai biết ai, nhưng cái tình viễn xứ đưa đẩy từ ngọn rau lá cỏ mà bỗng thành thân như người nhà lâu ngày không gặp. Chủ nhà có nụ cười hịch hạc, dáng dấp cục mịch mà khoẻ mạnh, còn bà vợ chân thật giản dị đúng nghĩa người mẹ hiền Việt Nam không lẫn đi đâu được.

 Khách lại được đưa ra thăm vườn. Cha mẹ ơi! Khí hậu Tampa Bay quá lý tưởng vì là vùng bán nhiệt đới, lâu lâu có bão ghé thăm vài hôm rồi đi, nhưng trời vẫn đãi ngộ cho người địa phương một món quà quý là khí hậu và đất đai tốt dễ canh tác. Chỉ vất vả lúc đầu thôi nhưng bây giờ mát mắt lắm, sân sau là một gốc nhãn che gần hết mảnh sân mát rượi, mỗi năm cây cho bao nhiêu là trái, ăn không hết còn phải đem nhờ bà con bạn bè xơi hộ. Ven rào hay trong vườn, ông chủ nhà không bỏ phí một miếng đất nào để trồng rau, đủ thứ rau tươi cho bữa cơm hằng ngày, những bụi rau ngót thấp ngọn nhưng xanh biếc, món rau này vò sơ lên mà nấu với giò sống khoái khẩu biết là chừng nào, lại có công dụng dược thảo làm mát mẻ lục phủ ngũ tạng con người. Ăn không hết, cứ vặt lá đóng gói gửi làm qùa cho bà con ở những tiểu bang xa thiếu rau xanh, gửi Bưu Điện một, hai ngày là tới. Thế mới biết đức tính cần cù, tằn tiện nhưng lại có nhân có nghĩa của người Việt chân quê, họ như những quả cam vỏ xanh còn ngan ngát hương quê nhưng lòng dạ chân thật ngọt ngào khiến ai cũng phải quý mến.

 Vì mê mải khí hậu trong lành và cây trái của Tampa Bay mà tý nữa tôi quên mất mùa Giáng Sinh tuyệt vời tôi được chung vui với gia đình anh chị, lại được gặp chị tôi để ôn lại những mùa Giáng Sinh hồi thơ bé. Chiều hôm đó cả nhà ăn cơm sớm rồi chuẩn bị đi ngắm đèn Giáng Sinh, hầu như vào mùa này nhà nào cũng giăng đầy trước sân nhà của họ. Thôi thì đèn hoa đủ màu đủ kiểu, giăng từ ngoài sân vào tới trong nhà, trời đêm bắt đầu trở lạnh mà sao lòng lại ấm lạ thường, không khí mùa Giáng Sinh lan trên những con đường mà hằng ngày chỉ có những ngọn đèn đường vàng vọt ...

 Xe đậu kín sân ngôi nhà thờ cổ, có một chút gì đó khác biệt với không khí Giáng Sinh ở Việt Nam hay các nhà thờ người Việt Nam ở hải ngoại, đó là sự giản dị và yên bình toát ra trong cách trang hoàng nhà thờ của người Mỹ. Trong ngôi nhà thờ ấm áp không đèn hoa rực rỡ, những dây đèn màu xanh lơ, hoặc tím biếc toả ánh sáng dìu dịu hiu hắt buồn trên những nhánh thông hay hang Noel. Nhìn những bức tượng Thánh bằng đất nung bỗng làm tôi chạnh nhớ những mùa Giáng Sinh thời niên thiếu ở Trà Vinh khi tôi chỉ độ hơn mười tuổi, con bé đi học về ghé ngang nhà thương để nhờ một bà sơ trẻ mổ giùm cái nhọt trên bàn tay phải, đau nhức đến không cầm viết được, chỗ ấy bây giờ vẫn lờ mờ vết sẹo. Vị nữ tu trẻ tuổi trong bộ áo tu hành màu trắng tinh khiết, vành mũ rộng nghiêng nghiêng dỗ ngọt con bé bằng một con cừu nhỏ bằng bông gòn để trang trí hang Bê Lem, thế là từ đấy con bé nhà nghèo học được cách làm thủ công những con cừu non, con chiên bé cho cái hang đá xinh xinh của mình. Đêm Noel thời niên thiếu có lẽ là đêm Noel tuyệt vời nhất của tôi, một ngọn nến trắng hắt ánh sáng lung linh vào hang đá Bê Lem bé tý teo, một tấm hình gia đình Chúa hài nhi bé tẻo teo, ôi cái gì cũng bé mà sao lúc ấy đối với tôi lại kỳ ảo và mông mênh lạ thường!

Để chuẩn bị cho đêm Giáng Sinh đúng nghĩa, ca đoàn nhà thờ chỉ trình bày nhạc cổ điển mà người ta hay gọi là “Christmas Carol”, đa số đã được dịch ra nhiều thứ tiếng rồi phổ biến rộng trên khắp thế giới mùa Noel. Đôi khi chỉ là một bản đàn dương cầm không lời, hay một tiếng hát êm như ru đưa bao tâm hồn chơi vơi cho không khí đêm Giáng Sinh càng lắng đọng. Không ồn ào, không rì rầm to nhỏ, mọi người đến đây đêm nay dường như đều nhắm mắt lại để nhớ về một kỷ niệm hay những hình bóng nào đó đã đến đã đi theo năm tháng cuộc đời. Kỷ niệm có thể là một khoảng sân giáo đường ngày trẻ tuổi, một mái tóc đen mềm nép vào dáng đứng chinh nhân, thì thầm lời nguyện cầu cho đất nước hết điêu linh và qua cơn binh lửa. Kỷ niệm đôi khi cũng buồn như chiếc bóng lẻ loi bước thấp bước cao trên con đường về nhà sau lễ nửa đêm, ánh trăng khuya trên nền trời thăm thẳm mà thương cho người đi kẻ ở, phảng phất mùi hương hoa cau khi trời khuya ướt đẫm sương đêm, ngọn đèn dầu lay lắt trong khoang chiếc thuyền con neo bên bờ con rạch nhỏ …

Sau lễ nửa đêm, mọi người lục tục ra về, nét mặt ai cũng hân hoan cùng chúc tụng tất cả những ngưòi quen hay không quen câu “Merry Chirstmas!”. Bước ra khỏi ngôi thánh đường về nhà mà dường như dòng nhạc đêm Noel còn vướng vít trong đầu, khiến tôi nhớ đến cô Walker khi theo chồng đến làm việc ở Việt Nam vào giữa thập niên 60. Cô tự nguyện đến luyện giọng cho các học sinh ngôi trường Nữ Trung Học của tỉnh lỵ, trong những buổi học gần mùa lễ Giáng Sinh, cô đã dạy cho chúng tôi hát thuộc lòng bài “Silent Night” và kể những câu chuyện nhỏ mùa Giáng Sinh ở Hoa Kỳ. Đang sống trong đất nước chiến tranh, qua những gì cô Walker kể đám học trò như lạc vào giấc mơ thần tiên, hình như chỉ thấy trên những tấm thiệp Giáng Sinh có hoa tuyết phủ đầy trên rặng thông.

 Những ngày còn lại ở Tampa Bay sau mùa Giáng Sinh, chị đưa chúng tôi đi thăm nhà bà hàng xóm người Ý ở gần nhà, chúng tôi thả bộ theo những con đường ngang đường dọc trong xóm, vì là ban ngày nên tha hồ vừa đi vừa ngoạn cảnh. Cảnh thì nhà nào cũng gần giống nhau, không khí Giáng Sinh sau một đêm tưng bừng đêm 24 hình như cũng lặng lẽ trôi đi theo nhịp thở thời gian. Trên đường đi thì chao ơi là cam, không cam thì quýt, vàng óng, trĩu trịt, thả xuống trước sân nhà ven lối đi, người đi đường nếu khát nước tiện tay bứt một quả mà nhấm nháp. Cam Florida không ngọt gắt như cam Texas đâu nha, chua chua ngọt ngọt thấm vào đầu lưỡi để dịu ngay cái khát cái mệt. Xung quanh nhà bà hàng xóm cũng chỉ cam là cam, bà chủ nhà tốt bụng mời khách cứ việc tự hái cam đem về bao nhiêu cũng được. Ngoài cam ra thì chủ nhân cũng là người thích sưu tầm búp bê, hằng trăm con búp bê đủ loại cũ mới trưng trong phòng khách, thật trúng tủ cho một người cũng mê búp bê từ thuở bé như tôi, và mỗi con búp bê đem về từ nơi nào đó lại gắn thêm một câu chuyện về thời gian và nơi chốn.

 Một tuần lễ ở Tampa Bay, tôi được gặp chị tôi để nhớ về những mùa Giáng Sinh trong quá khứ, căn nhà thời thơ ấu có hình bóng của cha, của mẹ, của anh chị em trong gia đình. Ban ngày nắng vẫn óng ả mảnh vườn sau, tôi lại bắt gặp mảnh vườn rau quê hương có những bóng nắng xuyên qua kẽ lá cây bưởi oằn trái, vài thân dừa lơi lả ven bờ rào đem chút duyên quê trong mảnh vườn của chị.

Thế rồi ngày vui qua mau, buổi sáng khi anh chị đưa tôi ra phi trường để về lại Houston, con đường dài ven biển những thân dừa đang oằn oại trong gió, tôi nhớ đến một câu thơ làm đã lâu :“ Cây lả ngọn vào bờ nghe biển hát”, một bản đàn không lời của thiên nhiên kết hợp bởi trùng trùng cơn sóng vỗ. Chỉ vài giờ bay về Houston, về lại mái nhà thân yêu của mình, không hiểu những nụ đào vào mùa đông giờ này có đủ sức để nở hoa vào mùa Xuân không nhỉ?

Comments

Popular posts from this blog