ỐC BẮC

Nguyễn Quốc Trụ


Thi sĩ Nga Joseph Brodsky sinh năm 1940, mất năm 1996. Tuy được Nobel văn chương, ông kém tôi ba tuổi. Tuổi thơ của một đứa bé Nga, và của một đứa bé Bắc Kỳ, có chút thân quen thật kỳ cục: tôi đọc tuổi thơ của ông, và cứ thế tuổi thơ của tôi sống lại, tuy không hẳn giống như của ông.
Trong bài Chiến Lợi Phẩm, ông kể chuyện lần đầu được ăn đồ hộp: “Thoạt kỳ thủy có một hộp thịt bò. Đúng hơn, có một cuộc chiến, Đệ Nhị Thế Chiến; cuộc phong tỏa thành phố quê hương của tôi, Leningrad; Trận Đói Lớn, nó đòi mạng người nhiều hơn là những trái bom, những trái pháo, những viên đạn tất cả cộng lại. Và tới cuối cuộc phong tỏa, có những hộp thịt bò từ Mỹ tới. Nhãn hiệu Swift, tôi nghĩ vậy, có thể lầm; tôi mới bốn tuổi khi được nếm nó, lần đầu tiên trong đời”.
Món ăn cũng lạ, nhưng mùi vị của nó không kéo dài như nỗi sững sờ của cậu bé, về những cái hộp đựng thịt bò, “chính chúng nó”: cao, vuông, với cái đồ mở hộp. Ôi chao, cái đồ mở hộp, tuyệt vời, dị thường. Như bước ra từ một cuốn sách ước, chắc là ông muốn nói như vậy, khi viết: “Chiếc chìa khoá [mở hộp]… là một mặc khải đối với thằng nhỏ Nga: chúng tôi chỉ biết những con dao. (That key… was a revelation to a Russian child: we knew only knives).
Hãy khoan nói tới chuyện mặc khải, tuổi thơ của tôi cũng đã được hưởng cái cảm giác sững sờ khi nếm món đồ hộp, miếng phó mát, miếng thịt nguội hun khói đầu tiên trong đời.
Tuổi thơ của tôi không trải qua một cuộc phong toả, trận đói lớn, nhưng mà là một trận đói dài, và một cuộc phong toả thường trực.
Trận đói dài của tôi bắt đầu khi ông già mất, tôi phải về quê sống với bà nội. Tôi nhớ có lần, bà nội tôi ao ước giùm tôi: khi mày 15 tuổi là có phần thịt được chia đấy cháu ạ!
Làng tôi ở bên bờ sông Hồng. Bên kia sông là Việt Trì. Khúc sông có tên Ngã Ba Hạc. Sau này, qua sách vở, tôi được biết, đặc sản của vùng sông này là một loại cá chép. Tôi chưa từng được thưởng thức, nhưng chưa chắc đã ngon hơn những đặc sản khác, của làng tôi. Hoặc của riêng tôi, khi còn là một chú bé ở đó.
Thí dụ như món nước mắm lá chuối.
Gọi là nước mắm, nhưng thực sự là muối hoà tan vào nước, thêm mầu lá chuối khô. 
Tôi đã được nếm món nước mắm đó, cùng với miếng thịt luộc đầu tiên, toàn là mỡ, lần giỗ tổ họ, tại ngôi nhà thờ ở giữa cánh đồng chiêm của làng.
Rồi những lần lang thang giữa cánh đồng làng, đúng mùa khoai lang, đào trộm một hai củ, rồi rửa sạch đất, cứ thế ăn tươi nuốt sống. Có khi không sẵn nước, đành dùng tay để lau đỡ bùn…
Làm sao quên hình ảnh một người đàn bà trong làng, đi chợ Việt Trì bên kia sông; khi trở về, gánh nặng, chân trần lội qua bãi cát nóng bỏng. Phải gánh như chạy, như bay trên khối lửa ở bên dưới. Khi hết chịu nổi, người đàn bà quăng vội tầu lá chuối, đứng lên trên, nghỉ một lát, rồi lại bay tiếp.
Trong một câu chuyện ngụ ngôn, có một anh chàng thèm ăn một trái chuối. Rồi được thỏa nguyện. Cái cảm giác tuyệt vời cứ thế theo anh ta mãi suốt cuộc lữ: cuộc lang thang làm người.
Rồi anh được ăn vô số chuối, nhưng cứ lắc đầu bai bải: không phải thứ này, không phải trái chuối đó!
Tôi cũng có một kinh nghiệm tương tự. Đó là lần đói quá, đang ngồi trên bờ ao, gạt mớ bèo, tôi vớ được chú ốc. Thế là nổi lửa lên, đánh chén ngay tại chỗ.
Vào Nam, tôi mê món bún ốc là vậy.
Tôi được đi học Hà Nội, là nhờ bà cô lấy chồng Pháp. Một kỹ sư Sở Hỏa Xa Đông Dương. Bà cô đẹp, cao, sang, không một chút liên can tới cái làng nghèo đói ven đê sông Hồng. Người ở đó không muốn bà về. Chỉ cần tháng tháng gửi tiền. Vì cũng là một người cùng làng, thằng cháu bị vạ lây, thời gian đầu sống với bà cô.
Có thể, lúc đầu bà cô chỉ nghĩ tới thằng cháu, do tội nghiệp. Chẳng bao giờ bà hỏi han. Tôi cũng chẳng dám đòi hỏi gì, ngoài hai bữa cơm, rồi lo đi học. Bà cho tôi ở riêng một căn phòng kế bên nhà bếp. Không được bén mảng lên nhà trên.
Tôi chỉ có một bộ quần áo đi học. Mỗi lần giặt, ủi liền, cho kịp giờ đi học. Có những lần quá ướt, bàn ủi không kịp nóng. Cho tới một bữa, tôi ỷ y, chạy ra ngoài, khi ngửi mùi khét thì đã xong một bên ống quần.
Đó là một villa trông ra hồ Halais. Nhà của hai ông Tây, đều kỹ sư Sở Hỏa Xa Đông Dương. Ông Tây già, là chồng bà cô. Chức vụ chắc thua ông Tây trẻ, vì ông này có tới hai người hầu: một người bếp, một người bồi. Ông Tây già ăn uống đều do bà vợ. Ông bếp già, vào những ngày cuối tuần, chủ đi chơi, thường dắt gái về nằm trong bóng tối hành lang phía trước. Mỗi lần như vậy, tôi lén lên nhà trên, bò tới sát, chỉ cách bức tường, cánh cửa, rồi hồi hộp lắng nghe. Một lần cô gái làng chơi biết, nói: có người ở bên trong nhà. Ông bếp hừ, hai thằng bé, trời tối mịt, chúng nó chẳng thấy gì đâu.
Mỵ là tên anh bồi. tôi không nhớ tên ông bếp già. Ông rất thù ghét Tây, tuy làm bồi bếp. Tôi biết từng chi tiết chiến thắng Điện Biên Phủ, là do ông kể. Chắc cũng chỉ từ trí tưởng tượng của ông. Hiệp định Genève chia đôi đất nước, ông về làng, chắc chắn là khổ sở với quá khứ Việt gian. tôi gặp cả hai vợ chồng anh Mỵ, và đứa con gái duy nhất mới sinh được vài tháng, ở Hải Phòng, những ngày chờ đợi tầu. Thằng em đã về quê, ở với bà vợ lớn.
Lần đó, anh Mỵ nói với bà cô. Bữa hôm sau, bà dẫn tôi đi mua mấy bộ quần áo. Bà mắng: tại sao không nói. Thấy thằng cháu im thin thít, bà như hiểu ra, giải thích: Tao chỉ ghét mẹ mày. Cả làng cả họ cứ xúm vào gấu váy con mụ me Tây này.
Không những mắng, mà còn tát cho đứa cháu vài cái.
Đó là lần bà bắt gặp hai đứa, tôi và thằng Hìu, em anh Mỵ, trời tối thui mà cũng cố căng mắt nhìn ra phía ngoài...
Trở lại với mấy món đồ hộp. Lần đầu tiên nếm thử, thật tuyệt vời. Nhưng liền đó, con ốc nhồi ngày xưa trỗi dậy, và hỏi: mày có chắc mấy món ăn này ngon hơn “tao” không?
Suốt đời, trong tôi, có một cuộc tranh chấp thường xuyên như vậy.


Nguyễn Quốc Trụ

Comments

Popular posts from this blog