Trận oanh tạc để cứu Miền Nam cuối năm 1972
Kissinger và Nixon
Đây là trận oanh tạc lớn nhất của Mỹ kể từ sau Thế chiến thứ
hai, tôi đã viết hai bài về trận này mấy năm trước: bài “Trận mưa bom Giáng
Sinh” nói về khía cạnh quân sự, bài “Trận oanh tạc Linebacker II cuối năm 1972”
nghiêng về khía cạnh chính trị.
Bây giờ viết về trận này, tôi nói riêng về nguyên do chính của
chiến dịch.
Luật chấm dứt chiến tranh
Cộng Sản Việt Nam thiệt hại nặng trong trận Mậu Thân đầu năm
1968, khoảng 58,000 cán binh bị giết, họ chấp nhận thương thuyết với Mỹ
Hòa đàm Paris khai mạc từ 10-5-1968 dưới thời Tổng thống Johnson
nhưng thực sự đàm phán dưới nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Nixon 1969. Tại cuộc Hội
nghị này việc thương thuyết thực ra không đạt được trên bàn hội nghị nhưng do mật
đàm giữa Kissinger, Bộ trưởng ngoại giao, cố vấn an ninh TT Mỹ và Lê Đức Thọ, Cố
vấn đặc biệt của phái đoàn CS Bắc Việt bắt đầu từ 4-8-1969.
Mới đầu Nixon và Kissinger tưởng chỉ một năm là có thể đàm phán
xong và ký Hiệp định nhưng không dè nó kéo dài lê thê cho tới hết nhiệm kỳ. Sở
dĩ như vậy vì BV áp dụng trường kỳ kháng chiến tại mặt trận cũng như trên bàn Hội
nghị. Phái đoàn CS Hà Nội đưa ra một số yêu sách cứng ngắc, Kissinger gọi đó là
những hàng chữ khắc vào trong đá, họ đòi Mỹ rút quân đơn phương, loại bỏ chính
phủ Thiệu, lập chính phủ liên hiệp, Mỹ phải cắt viện trợ VNCH.
BV vô cùng ngoan cố, Kissinger soạn thảo một kế hoạch oanh tạc mạnh
để thúc đẩy hòa đàm nhưng sau lại hủy bỏ vì sợ chống đối. BV kiên trì đòi hỏi Mỹ
phải giải quyết những điều kiện tiên quyết trên vì biết Hành pháp đang bị Quốc
hội và người dân chống đối.
Mãi cho tới tháng 10/1972 Hà nội mới chịu nhượng bộ do họ thua nặng
trong trận tổng tấn công Mùa hè đỏ lửa 1972, khoảng 100,000 cán binh bị giết,
700 xe tăng bị bắn cháy (1)
Tháng 10-1972 Hà nội nhượng bộ gần hết những yêu sách cũ, có lẽ
họ muốn ký sớm vì biết Nixon sẽ đắc cử, khi ấy ông sẽ cứng rắn hơn. BV không
đòi lật đổ Thiệu, không liên hiệp, không đòi Mỹ cắt viện trợ miền nam. Đổi lại
Mỹ phải nhượng bộ cho họ được ở lại miền Nam . Hai bên đã ký Dự thảo ngày
9-10-1972, sẽ ký chính thức ngày 26-10.
Ngày 19-10 Kissinger sang Sài Gòn mấy ngày để đưa TT Thiệu duyệt
ký nhưng phía VNCH chống đối mạnh. TT Nixon biết cựu Tư lệnh Westmoreland và
các nhà lãnh đạo quân sự chống bản Dự thảo vì thế chính ông cũng đồng ý với Thiệu
(2) và bảo Kissinger đừng ép Thiệu.
Sau đó cuộc đàm phán tháng 11 tại Paris không có kết quả, cuối
tháng 11 TT Thiệu cử Nguyễn Phú Đức (phụ tá ngoại vụ) sang Mỹ. TT Nixon nói với
NP Đức nếu ông Thiệu không hòa hợp với Mỹ (Hành pháp) thì sẽ không xin được Quốc
hội viện trợ, ông cũng cho biết các vị Trưởng khối, Chức sắc… tại Quốc hội Mỹ
như John Stennis, Barry Goldwater, Gerald Ford… cho biết nếu VNCH không thuận
ký kết Hiệp định thì Quốc hội có thể sẽ ra luật (buộc Hành pháp) rút quân đổi
tù binh, cắt hết viện trợ, sẽ đưa ra Hạ Viện với tỷ lệ 2/1, VNCH sẽ không thể tồn
tại (3)
Ngày 9-11-1972 TT Nixon cử Tướng Haig (Phụ tá quân sự của
Kissinger) sang Sài Gòn thuyết phục ông Thiệu sớm ký Hiệp định vì kéo dài càng
nguy hiểm, ngày 8-12 sẽ là hạn chót phải ký trước kỳ họp của Quốc hội vào đầu
tháng giêng 1973 (4) . Nixon tin rằng Lập pháp sẽ ra luật Chấm dứt chiến tranh.
Về điểm này nhiều tác giả cho biết Nixon lo ngại quyết định của
Quốc hội sẽ khiến ông không thể cứu được đồng minh.
Mark Clodfelter nói cuối tháng 11, Kissinger và Nixon tin là BV
cố tình phá hòa đàm để hy vọng Quốc hội ra luật chấm dứt chiến tranh (5)
George Moss nói Kissinger biết là BV trì hoãn hòa đàm, tránh né
ký Hiệp định, gây chia rẽ Sài Gòn và Hoa Thịnh Đốn. Họ chờ phiên họp của Quốc hội
tháng 1- 1973. Quốc hội Dân chủ, khuynh hướng bồ câu sẽ cắt các ngân khoản chiến
tranh buộc Hành pháp phải rút quân khỏi VN, miền Nam bị Mỹ bỏ rơi sẽ bị BV tấn
công sụp đổ. Sau nhiều tuần cò cưa, biết là Hà Nội muốn phá Hòa đàm, Nixon gọi
Kissinger về Mỹ ngày 13-12, ông đánh một lá bài lớn, giải quyết bế tắc hòa đàm
Paris bằng vũ lực. Nixon lo ngại Quốc hội có thể cắt ngân khoản quân sự, chấm dứt
mọi xung đột và dành chiến thắng cho CS (6)
Phillip B Davidson cũng nói (7) Kissinger Nixon nhận thấy BV trì
hoãn đàm phán vì hai lý do: trước hết đào sâu hố chia rẽ giữa VNCH và Mỹ. Nixon
cho là Bộ chính trị CSBV biết rằng có nhiếu đe dọa cắt viện trợ từ phía Mỹ trừ
khi Thiệu chịu ký kết. Sau đó Hà Nội quyết định chờ Quốc hội ra luật chấm dứt
chiến tranh đưa Mỹ ra khỏi cuộc chiến, thật ra Quốc hội rất có thể làm như vậy.
Theo Mark Clodfelter (8) ngày 24-11-1972, Nixon khuyên Kissinger
tạm bỏ đàm phán một tuần nếu không có kết quả và sẽ cho oanh tạc mạnh, ông cho
là thiếu áp lực quân sự sẽ khó ký kết. TT bèn họp Bộ tham mưu liên quân ngày
30-11 để bàn về áp lực quân sự nếu hòa đàm thất bại. Ban TMLQ cho biết có hai kế
hoạch: một là oanh tạc ba ngày, hai oanh tạc sáu ngày tại trung tâm BV.
Tại Paris ngày 4-12-1972, Thọ trở mặt rút các điều khoản đã nhượng
bộ trước đây, hai ngày sau họ vẫn nói y như vậy, Nixon nói nếu kỳ sau không tiến
bộ sẽ cho oanh tạc. Về điểm này tác giả Walter Isaacson, lại nói khác (9) ngày
5 và 6-12-1972 Kissinger đánh nhiều điện tín bi quan về Mỹ cho Nixon, ông đề
nghị đưa yêu cầu của Thiệu đòi BV rút quân để họ bác bỏ, ta sẽ lấy cớ bỏ họp,
trong một điện tín khác ông đề nghị ném bom 6 tháng. Nixon bình thản có khuynh
hướng giải quyết ngoại giao hơn Kissinger, ông nói thà chấm dứt nhiệm vu
Kissinger hơn bỏ hòa đàm và ném bom.
Kissinger phải nhượng bộ CS để được ký kết sớm vì sợ Quốc hội ra
luật chấm dứt chiến tranh. Ngày 11-12 Thọ bác bỏ đề nghị của Kissinger và còn
đòi Mỹ rút hết cố vấn kỹ thuật ra khỏi miền Nam , Kissinger biết là Thọ không
muốn tiếp tục đàm phán. Ngày 12-12 Thọ nói sẽ về Hà Nội, Kissinger biết là hòa
đàm vô vọng bèn (đánh điện) khuyên Nixon áp lực mạnh với BV vì họ ngoan cố và
cũng áp lực Sài Gòn cho họ biết họ không thể ép ta (10)
Nixon nghĩ chỉ còn cách oanh tạc và gọi Kissinger về, ngày 14-12
Kissinger và Tướng Haig họp với Tổng thống. Haig đề nghị lần này phải oanh tạc,
khác với trận Linebacker I trước đây, lần này Nixon muốn xử dụng chiến dịch
Linebacker II để BV chấm dứt cái trò kéo dài đàm phán. Sự khác biệt giữa hai
chiến dịch này ở chỗ, Linbacker I (từ tháng 5 tới tháng 10-1972) giống như các
trận oanh tạc tại Đức, Nhật, Triều Tiên để phá hủy bộ máy chiến tranh địch
nhưng Linebacker II vừa phá bộ máy vừa đánh sụp ý chí của CSBV. B-52 vừa có hỏa
lực dữ dội lại không phụ thuộc vào thời tiết khiến cho địch phải kinh hoàng.
Nixon không lên truyền hình thông báo cũng như không gửi tối hậu
thư để bảo đảm hiệu quả, chỉ cho Kissinger họp báo ngày 16-12 nói vì BV ngoan cố
nên ta phải có biện pháp mạnh. Tướng Haig được cử tới Sài Gòn ngày 18-12 để đưa
thư của TT Mỹ cho ông Thiệu nói phải hợp tác nếu không Mỹ sẽ ký riêng với CS.
Kế hoạch này dùng sức mạnh tối đa trong khoảng thời gian ngắn nhất
trên những mục tiêu đáng giá của Hà Nội, Nixon muốn dân Hà Nội phải nghe tiếng
bom nhưng tránh thiệt hại tối đa cho thường dân, oanh tạc suốt đêm cho địch khiếp
hãi. Phương châm của Nixon là phải tận dụng sức mạnh, một khi đã áp dụng sức mạnh
quân sự (11). Trước ngày mở oanh tạc, Nixon chỉ thị cho Đô đốc Moorer:
“Đây là cơ hội để ông xử dụng hỏa lực quân sự hữu hiệu để thắng
địch, nếu không ông sẽ chịu trách nhiệm”.
Nixon xử dụng Linebacker II tiêu diệt tinh thần chiến đấu của địch
để họ phải trở lại bàn Hội nghị, cũng để chứng tỏ cho miền Nam thấy ông là con
người thép (12)
Diễn tiến trận oanh tạc
19 giờ 45 ngày 18-12 bắt đầu oanh tạc, 48 chiếc B-52 đánh đợt đầu
trong ba đợt mục tiêu: Kho Kinh Nở, ga xe lửa Yên Viễn, ba phi trường ngoai ô
Hà Nội. Phi cơ bay từ Tây sang Đông gần biên giới Hoa –Việt rồi chuyển xuống
Tây Nam ném bom xong bay về hướng Tây. Khoảng 94% máy bay đánh trúng mục tiêu,
có ba B-52 bị hạ, hai bị thương nặng, tỷ lệ thiệt hại 3% coi như chấp nhận được.
Hai ngày sau kế hoạch y như cũ về trọng lượng, đường bay, ngày
19 -12 có 93 B-52 oanh tạc nhà máy điện Thái Nguyên, ga xe lửa Yên Viễn làm ba
đợt, có hai B-52 bị hư hại. Ngày 20 gồm 93 B-52 đánh ga xe lửa Yên Viễn, nhà
máy điện Thái Nguyên, kho chứa nhiên liệu thuộc phạm vi Kinh Nở, Hà Nội, có sáu
B-52 bị hạ. Vì ngựa quen đường cũ đã khiến phòng không BV có kinh nghiệm, họ
phóng 300 quả lên mục tiêu, sự thiệt hại nặng của những B-52 trị giá 8 triệu đô
la khiến Quốc Hội và người dân phẫn nộ, họ yêu cầu chấm dứt oanh tạc. Tỷ lệ thiệt
hại rất cao 6% khiến Nixon tức giận chiến thuật ngựa quen đường cũ của thuộc cấp.
Tướng John Meyer giảm phi vụ xuống còn 30 B-52 một ngày, căn cứ
Utapao (Thái Lan) có thể cung cấp, vì chỉ bay mất 4 giờ nên không cần tiếp
săng. Ngày 21 mất thêm hai B-52, ngày 22 đánh các kho hàng, ga xe lửa Hải Phòng
và hai ngày sau đánh các đơn vị hỏa tiễn SAM của địch. Kế hoạch được thay đổi
như sau: B-52 bay qua vịnh BV ngày 22 giả vờ đánh Hà Nội trước khi quay lại
đánh Hải Phòng, ngày 22, 24 không bị thiệt hại. Chiến dịch nghỉ 24 tiếng nhân lễ
Giáng Sinh
Ngày 22 Nixon đánh điện hỏi Hà Nội nếu chịu trở lại họp ngày
3-1-1973 thì sẽ thôi oanh tạc từ ngày 31-12, Hà nội không trả lời. Ngày 26
Nixon cho oanh tạc mạnh cả Hà Nội và Hải Phòng, trận này gồm cả máy bay từ căn
cứ Utapao (Thái Lan) và Anderson ( Guam ). Tổng cộng 120 máy bay đánh mười mục
tiêu trong 15 phút, 4 đợt, mỗi đợt 22 chiếc đánh Hà Nội từ bốn hướng, đồng thời
2 đợt, mỗi đợt 15 chiếc đánh Hài Phòng từ phía đông và nam, 18 chiếc đánh nhà
ga Thái Nguyên phía bắc Hà Nội . Hỏa tiễn SAM của BV được phóng lên tới tấp, một
phi hành viên cho biết có tới 26 hỏa tiễn bắn vào phía máy bay của anh, thiệt hại
hai B-52, tỷ lệ thấp chỉ có 1.66%.
Ngày 27 Hà Nội cho biết họ có thể trở lại đàm phán ngày 8-1-1973
vì ông Lê Đức Thọ còn yếu sau cơn bệnh, họ muốn giải quyết vấn đề còn lại.
Nixon nói Thọ và Kissnger sẽ đàm phán ngày 2-1, chính thức thương thảo ngày
8-1. Mặc dù BV muốn trở lại hội nghị nhưng Nixon vẫn cho oanh tạc, 60 B-52 gồm
30 chiếc từ Utapao và 30 chiếc từ Anderson thả bom quanh Hà Nội và đường xe lửa
gần biên giới. Không quân thôi oanh tạc Hải Phòng vì hết mục tiêu, ngày 27 BV bắn
nhiều hỏa tiễn hạ hai B-52, 60 B-52 đánh phá các căn cứ hỏa tiễn tại Hà Nội.
Ngày 28, 29 phòng không địch hết hoạt động, không còn SAM, Mig, cao xạ. Ngày 28
Hà Nội chịu đàm phán nghiêm túc, ngày 29 lúc 19 giờ Washington, Mỹ ngưng oanh tạc.
Sở dĩ trận ném bom chấm dứt vì mục tiêu không còn, CSBV hết hỏa
tiễn xin trở lại đàm phán. Cuốn phim tài liệu Vietnam a Television History do
các ký giả Mỹ, Anh, Pháp thực hiện năm 1983 nói sai sự thật về điểm này. Phim
cho biết sở dĩ Mỹ ngưng oanh tạc vì bị thiệt hại rất nặng về không quân, sự thực
có 15 B-52 và 12 phi cơ chiến thuật bị bắn hạ.
Tư lệnh bộ chỉ huy tránh thiệt hại thường dân, tránh khu dân cư.
Báo Mỹ chỉ trích trận oanh tạc dã man đáng xấu hổ, báo chí Anh, Đức và truyền
thông thế giới chỉ trích cuộc oanh tạc là một tội ác. Tổng cộng BV bắn lên trời
1,000 hỏa tiễn SAM (13), tầu đánh cá Nga ngoài khơi đảo Guam báo cho Hà Nội biết
trước khi bị tấn công 7 giờ.
Từ 18 cho tới ngày 29-12-1972 có 724 phi vụ B-52 trên 34 mục
tiêu phía bắc vĩ tuyến 20, 640 phi vụ máy bay chiến thuật, đã ném 15,237 tấn
bom, cộng với 1,216 phi vụ của máy bay chiến thuật và máy bay Hải quân, và
1,384 phi vụ yểm trợ của máy bay chiến đấu (tiếp nhiên liệu, đánh phá căn cứ
SAM) sử dụng 5,000 tấn bom đạn (tổng cộng hơn 20,000 tấn bom) phá hủy các đường
xe lửa trong phạm vi 10 miles của Hà Nội, phá hủy 191 nhà kho, điện lực giảm từ
15,000 xuống còn 29,000 kilowatts.
Thiệt hại nhân mạng tương đối ít, phía CS cho biết chỉ có 1,318
thường dân tại Hà Nội và 305 người tại Hải Phòng bị giết (14) một phần vì đã được
di tản từ trước, phần vì Mỹ chỉ oanh tạc các cơ sở quân sự, kho hàng… tránh các
khu thường dân. Con số mà CS đưa ra chưa chắc đã trung thực vì có thể gồm cả
quân nhân, cán bộ phục vụ.
Kết luận
Mark Clodfelter nói “Tàn phá do trận oanh tạc Linebacker II đã
khiến Hà Nội không thắng được Mỹ (Hành pháp) vào giớ chót” (15)
Lá bài phá hòa đàm để chờ Quốc hội Mỹ cắt ngân khoản chiến tranh
của Hành Pháp cũng như cắt viện trợ VNCH đã hoàn toàn thất bại, họ phải trở lại
bàn Hội nghị.
Tác giả cũng nói (16) sau trận oanh tạc Linebacker I, BV cho sửa
chữa đường xe lửa Việt-Hoa để lấy viện trợ và phá không cho Thiệu sửa đổi Hiệp
định. Sài Gòn bất mãn Hoa Thịnh Đốn, Quốc hội Mỹ trở lại họp (tháng 1-1973) sẽ
khiến BV có cơ hội chiến thắng không cần quân sự. Lê Đức Thọ cố kéo dài đàm
phán cho tới khi Quốc hội họp vào tháng giêng năm 1973, Lập pháp sẽ cắt các khoản
chi tiêu quân sự, Mỹ phải rút mà viện trợ quân sự cho miền Nam cũng bị cắt, Hà
Nội tin chính phủ Thiệu sẽ sụp đổ. Nhưng Nixon không hề muốn để tình trạng này
sẩy ra. Hà Nội tiên đoán Nixon chỉ cho oanh tạc như kiểu Linebacker I (không
tàn khốc) nên ngày 4-12 họ họ cho dân di tản khỏi Hà Nội và tin tưởng là đủ sức
chống lại.
Ai có dè đâu nó lại là trận oanh tạc Linebacker II long trờ lở đất.
Chiến dịch mạnh như vũ bão đã khiến cả miền Bắc và miền Nam chấp
nhận ký kết Hiệp định ngày 27-1-1973, thực ra nó không khác gì bản Dự thảo Hiệp
định mà Kissinger và Lê Đức Thọ đã làm trước đó mấy tháng (tháng 10-1972).
BV chịu nhượng bộ một số điều khoản như không đòi Thiệu từ chức,
không đòi liên hiệp, không đòi Mỹ cắt viện trợ và đổi lại Cộng quân vẫn được
đóng tại miền Nam. Mặc dù VNCH chống đối mạnh nhưng Nixon không thể sửa đổi Hiệp
định. Theo Mark Clodfelter (17) Quốc hội Mỹ phẫn nộ vì trận oanh tạc, nếu TT
Thiệu bác bỏ ký kết Hiệp định thì việc cắt viện trợ bức tử VNCH chắc chắn là sẽ
có (chứ không phải đe dọa).
Cách đây khoảng mười năm, cựu nhân viên FBI tên Ted Gunderson tiết
lộ một sĩ quan tòa lãnh sự Mỹ tại VN đã nghe (vào đầu xuân năm 1973) từ phòng
truyền tin tại Sài Gòn lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Bắc Việt trong trận
oanh tạc Giáng sinh 1972. Nhưng CIA đã ém nhẹm tin này để Mỹ xúc tiến bắt tay
Trung Cộng. Không thấy có nhà sử gia hay chính khách Mỹ nào đề cập tới bản tin
này, họ cho là không đáng bàn. Thực ra trận oanh tạc chỉ để đưa CS trở lại bàn
Hội nghị trước khi Quốc hội ra luật chấm dứt chiến tranh, cắt viện trợ bỏ Đông
Dương, mục đích để cứu miền Nam vào giờ chót.
Mark Clodfelter nói (18) khi ký Hiệp định Paris, BV không chịu bỏ
tham vọng chiếm miền Nam, Hà Nội đánh một canh bạc lớn, họ phá thối hòa đàm và
nghĩ Nixon sợ Quốc hội, người dân chống đối sẽ không dám làm mạnh nhưng lá bài
thất bại. Nixon trả lời sự trì hoãn hòa đàm của Thọ bằng trận oanh tạc long trời
lở đất ngày 18-12, quả đấm Linebacker II đã buộc BV trở lại bàn Hội nghị,
phương án duy nhất mà Nixon lựa để đánh.
Tác giả George Moss chỉ trích trận oanh tạc lớn này như sau:
(19) điều quan trọng là trận oanh tạc Giáng sinh đã không thay đổi cán cân
chính trị quân sự hai miền Nam Bắc VN cũng không tạo cơ hội cho miền Nam được tồn
tại lâu dài. Mặc dù Nixon hy vọng qua trận oanh tạc dữ dội này để làm cho bộ
máy chiến tranh Hà Nội suy yếu lâu dài hoặc có lẽ cho miền Nam những điều khoản
tốt hơn trong Hiệp định, nhưng đã thất bại. Trận oanh tạc Giáng sinh không mang
lại kết quả ngoại giao.
TT Nixon đã đánh ván bài chót, ông đã ráng sức để có một Hiệp định
tốt và đặt lên đầu Sài Gòn trước khi Quốc hội mới sẽ chấm dứt chiến tranh VN bằng
cắt hết ngân khoản. Nhưng chua chát thay trận mưa bom Giáng Sinh đã khiến Hoa
Thịnh Đốn chấp nhận Hiệp định mà chính Nixon đã bác bỏ hồi tháng 10 (1972). Như
John Negroponte, một phụ tá của Kissinger nói (chua chát) “Chúng ta oanh tạc Bắc
Việt để bắt họ chấp nhận nhượng bộ của ta”
Ngoài Quốc hội và truyền thông Nixon cũng bị những người ủng hộ
cuộc oanh tạc chỉ trích như trên. Người ta không chịu thông cảm cho những khó
khăn của ông. Phần vì BV chẳng thà không ký kết còn hơn phải rút quân, phần vì
Quốc hội đang lăm le cắt mọi ngân khoản để chấm dứt chiến tranh bỏ rơi Đông
Dương ngay lúc này.
Mặc dù những khuyết điểm trên, trận mưa bom Giáng Sinh cũng đã cứu
được miền nam VN ít ra là trong lúc này, không có trận oanh tạc long trời lở đất
này để lôi cổ BV trở lại bàn hội nghị thì tình hình sẽ vô cùng bi thảm. Quốc hội
rất có thể sẽ cắt mọi ngân khoản chiến tranh khiến cho miền Nam sụp đổ. Phillip
Davidson nói (20) cả Kissinger và Nixon đều tin rằng Quốc Hội sắp sửa ra luật
chấm dứt chiến tranh vào đầu năm 1973.
Có dư luận phía Mỹ cho rằng cả hai miền Nam Bắc đều gây trở ngại
hòa đàm nhưng miền Bắc bị trừng phạt tối đa còn miền Nam chỉ bị hăm dọa, như thế
không công bằng. Sự thật thì Hà Nội đã đánh một canh bạc quá lớn và họ chấp nhận
rủi ro, họ đã tính sai nước cờ, tưởng rằng gây trở ngại hòa đàm để Quốc hội Mỹ
cắt viện trợ chấm dứt chiến tranh bỏ VN, khi ấy bất chiến tự nhiên thành, nhưng
bát cơm đôi đũa còn xa cặp môi lắm.
Trận oanh tạc bị trong nước cũng như Tây phương chống đối, BV lo
ngại vì Nga, Trung Cộng không bảo vệ được họ trong trận oanh tạc vũ bão này, họ
cũng lo ngại hai cường quốc CS đàn anh trong tương lai sẽ không giúp gì ngăn cản
địch đánh lớn. Bộ chính trị kinh hãi khi nghĩ rằng Nixon sẽ oanh tạc đê điều dọc
sông Hồng, với cơn ác mộng ấy họ chẳng thà ký Hiệp định còn hơn là đợi những
tình huống ghê rợn khác.
Thật là chua chát khi truyền thông Mỹ đã diễn tả sai lầm về về
trận oanh tạc (mục đích chỉ trích Nixon) càng làm cho BV kinh sợ một trận kế tiếp.
Tờ New York Times và Washington Post nói chắc trí tuệ Nixon có vấn đề thần
kinh, họ còn đặt câu hỏi Nixon sẽ làm gì nếu BV không chịu trở lại bàn Hội nghị?
Thả bom nguyên tử xuống Hà Nội chăng? Hay đánh phá đê điều hoặc oanh tạc tan
nát BV? Những câu hỏi ấy đã khiến BV hồn vía lên mây xanh vội vã trở lại bàn Hội
nghị (21)
Mặc dù Quốc hội không ra luật cắt ngân khoản quân sự (của Hành
Pháp) dành cho Đông Dương đầu năm 1973 nhưng nửa năm sau họ bắt đầu soạn thảo dự
luật này. Ngày 30-6-1973 Nixon miễn cưỡng phải ký thành luật sau khi phủ quyết
thất bại, ngày 15 tháng 8 ban hành (22).
Theo Goerge Moss (23) quân viện cho VNCH một năm cần vào khoảng
từ 3 tới 3 tỷ rưởi vì miền Nam tổ chức huấn luyện theo lối Mỹ tốn kém cần nhiều
tiếp liệu, trang bị. Như vậy 2 tỷ quân viện năm 1973 không đủ cho miền Nam tự vệ
mà cần sự yểm trợ của B-52, khi Quốc hội ra luật ngăn cản Nixon trừng trị BV giữa
tháng 8-1973 thì miền nam sẽ không thể tồn tại. Cuối năm 1973, để chắc ăn hơn,
họ cắt giảm viện trợ VNCH mỗi năm 50% (24) khiến nơi đây sụp đổ chỉ trong vài
tháng vì không còn tiếp liệu.
Trận oanh tạc Linebacker II dù sao cũng đã giúp cho miền nam VN
sống thêm được khoảng hai năm rưỡi.
Tổng thống Nixon chỉ có thể làm được đến thế.
© Trọng Đạt
———————————
Cước chú:
(1) Nguyễn Đức Phương, Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 587.
(2) George Donelson Moss: Vietnam , An American Ordeal trang 365
(3) Larry Berman: No Peace No Honor, Nixon, Kissinger and
Betrayal in Vietnam , trang 200
(4) Mark Clodfelter: The Limits of Air Power trang 178, 179
(5) Sách nêu trên trang 180
(6) George Donelson Moss: Vietnam , An American Ordeal trang 366
(7) Phillip B. Davidson: Vietnam At War The History 1946-1975
trang 726
(8) The Limits of Air Power trang 180, 181
(9) Kissinger A Biography trang 464
(10) The Limits of Air Power trang 182
(11) Walter Isaacson, Kissinger A Biography trang 468
(12) Larry Berman, No Peace No Honor trang 215
(13) George Donelson Moss: Vietnam , An American Ordeal trang
368
(14) The Limits of Air Power trang 195, 196. Vietnam , An
American Ordeal trang 367
(15) The Limits of Air Power trang 196 “The havoc created by
Linebacker II prevented Hanoi from achieving an eleventh-hour victory over the
United States ”
(16) Sách nêu trên trang 197
(17) The Limits of Air Power trang 200, 201
(18) Sách kể trên trang 198
(19) Vietnam , An American Ordeal trang 368
(20) Vietnam At War 731 “…to legislate the United States out of
the war in Indochina ”
(21) Sách nêu trên trang 728
(22) Richard Nixon, No More Vietnams trang 180.
(23) Vietnam , An American Ordeal trang 388
(24) Henry Kissinger, Years of Renewal trang 471
Comments
Post a Comment