SÀI GÒN TRONG MẮT AI



Chu Trinh

07 tháng 04 năm 2011


Nhiều người khi đi xa Sài Gòn vẫn còn giữ lại hình ảnh của nó trong lòng và nghĩ rằng nó vẫn mãi như thế khi mình trở lại.Nhưng cũng như con người,thành phố này cứ thay đổi hàng ngày có tốt có xấu.

Nó thay đổi như thế nào,người đi xa về sẽ nhận ra ngay,nó khác xưa thế nào,người đi xa biết liền,không như những người ở mãi bên cạnh thấy sự thay đổi của nó từ từ mỗi ngày mà không ý thức được.

Tôi vẫn luôn luôn sống tại Sài Gòn và cứ bận bịu với áo cơm mà không có thì giờ nhìn ra Sài Gòn đã từ từ khác lạ. Rồi một ngày đẹp trời,mở mắt ra mới thấy Sài Gòn của tôi đã có nhiều thay đổi.

Tôi trở lại Sài Gòn những năm đầu 1980,sau một thời gian bị xa cách,lúc đó tôi thấy Sài Gòn vắng vẻ,phố xá quạnh hiu,trên đường chỉ toàn xe đạp,lâu lâu mới có một chiếc xe gắn máy đi qua và vài chiếc xe quân sự bụi bậm gầm rú trên đường.Những căn nhà mặt tiền đường hầu như đóng cửa đồng loạt suốt ngày đêm,chỉ hé mở khi có người ra vào rồi lại khép lại ngay;có lẽ nhà trong hẻm lại mở cửa nhiều hơn và sinh hoạt nhộn nhịp hơn .Khu phồn thịnh như Chợ Bến Thành mà nhà nhà cũng đóng cửa im ỉm.Người đi đường chỉ thấy mặc đồ màu xanh bộ đội,đi dép râu hoặc những mầu xẫm tối,chẳng thấy bóng dáng áo dài tha thướt điệu đà đầy màu sắc trước đây đâu cả.

Nhà tôi ở trong hẻm nhỏ không được sạch sẽ lắm,mà có lẽ vào lúc đó hẻm nào cũng thế vì một số đã bán nhà hoặc dỡ nhà lấy tôn bán để lấy vốn đi vùng kinh tế mới,người ở lại thì tăng gia sản xuất như làm nghề thủ công,may vá, nuôi heo,nuôi gà,nuôi lươn,nuôi cá … trong nhà.Người ta nấu nướng bằng các loại củi,vỏ trái cây phơi khô và cả bằng giấy,vải vụn hoặc bằng lá cây rụng trên đường.Nhiều người còn lợi dụng lúc vắng chặt cây trồng hai bên đường đem về làm củi.Có lẽ vì thế mà cống rãnh hôi hám hơn lúc nào hết.

Sài Gòn lúc đó chắc thừa nhà ở vì rất nhiều nhà trống,những ai được cử đến đây làm việc rất dễ xin được nhà,sau này được hợp thức bằng hóa giá rẻ như cho;còn những người cần bán nhà thì giá một căn sạch sẽ,tươm tất cũng chỉ cỡ bằng một cái xe gắn máy honda C50 cũ lúc đó.Nhà nào lợp tôn thường có giá cao hơn nhà đúc.Những viên chức được ở nhà đúc lấy sân thượng tăng gia sản xuất làm chuồng nuôi heo,gà v.v lại rất tiện.Nói chung nhà đúc với hầu hết người mới vào chiếm đóng cũng là một cái gì lạ lẫm,khác hẳn với những gì họ từng trải qua suốt cuộc đời như cái bàn cầu ngồi hoặc những dụng cụ trong nhà tắm,nhà vệ sinh v.v..

Lúc đó làm nghề buôn bán được coi là bóc lột.Hàng hóa bị ngăn cấm lưu thông,những phần tử mới chạy theo Cách Mạng còn dữ dằn hơn Cán Bộ thứ thiệt,mấy lon gạo hoặc một con gà là mấy ông ấy cấm tuyệt đem vào Sài Gòn.Đi chợ có mua miếng thịt thì phải lấy bó rau muống che lên trên.Làm bếp phải nhẹ nhàng không được khua dao động thớt gây thắc mắc cho hàng xóm là vì anh làm gì có tiền mà xài sang vậy ?Mấy người buôn bán nhỏ chở năm ba cân đường,vài gói bột ngọt,mấy lon sữa bò coi chừng bị mấy ông Quản Lý Thị Trường hỏi thăm là bị tịch thu mất trắng.Cá thịt là độc quyền kinh doanh của nhà nước,ai chở đi đường bị phát hiện thì tịch thu.Nhiều người còn bị thứ giả mạo chận lại hù dọa lấy mất hàng và không dám phản ứng! Vì họ tưởng ai đi ngoài đường cũng là quan Cách Mạng cả.Nhưng vì lý do sinh tồn,ai cũng tìm cách này cách kia kiếm thêm để tồn tại nên bôn ba khắp nơi,có khi được cũng có khi chỉ còn tay trắng vì bị tịch thu hết.

Hàng hóa nông sản khan hiếm vì nông dân làm ra phải bán cho nhà nước theo giá chỉ đạo dưới giá thành sản xuất,nên chẳng ai chịu làm,chịu bán mà cất dấu đi hết,chỉ bán chui.

Lúc đó nếu ai có một xe bán hủ tíu hay phở mà có khách ăn đông là phải có một nhân viên Thuế ngồi kèm để đếm số tô tính tiền thuế.Bạn bán thịt heo, bò ư? Giá phải do nhà nước qui định,nhưng nhà nước không có thịt cung cấp cho người bán.Bạn phải đi mua chui ở ngoài giá cao,nên phải bán cao hơn giá nhà nước cho,thế là bạn chỉ đứng chơi ở sạp bán thịt không bày gì cả ,ai quen tới mua nói nhỏ với bạn thì sẽ được hẹn đến một nơi gần đó nhận hàng,dĩ nhiên với giá thị trường.Khách hàng mua được hàng phải che đậy lên trên bằng một cái gì đó không giá trị mấy để không bị phát hiện.Giống hệt như hiện nay khi mua bán Đô La,phải mắt trước mắt sau như đi ăn trộm vậy.

Nhưng những khó khăn ban đầu rồi cũng vượt qua.Cách Mạng đi lên từ quần chúng,mà quần chúng thì chủ yếu có sức sáng tạo nhờ vận dụng cơ bắp và những mánh lới khôn lỏi áp dụng vào hành động để đạt mục đích,cứ sai lại sửa,dần dần khôn ra và hoàn hảo lên,khác với tư sản trí thức,thường hay tính toán đâu ra đó và phải hợp pháp,hợp lý,logic.

Tuy ít sai lầm hơn,nhưng vì chần chừ không quyết đoán,nên chậm hơn.

Tôi nhớ lúc đó nhiều gia đình có việc đi đâu đó một đêm,khóa cửa ,sáng ra trở về ,nhà đã bị niêm phong vì bị cho là đi vượt biên, thế là mất chỗ ở,có giải trình mấy cũng không ai nghe.Do đó nhà Sài Gòn được nhà nước quản lý rất nhiều, nhân viên chính quyền ở nơi khác vào Thành Phố làm việc tha hồ chọn chỗ ở.Sau đó đều được hợp thức hóa hết.Ngày nay vị nào bỏ nhà đi vượt biên về thăm lại nhà cũ thấy người nào lạ hoắc đang ngự trị trong đó cũng chẳng dám xin vào thăm chốn cũ vì ngại đủ thứ,cứ đứng ngẩn tò te phía trước ,dù họ chưa bán cho ai,nhưng cũng không còn là chủ sở hữu nữa.

Lúc đó nghề mua bán ve chai sắt vụn(cọc sắt Ấp Chiến Lược và bàn ghế,giường tủ cũ là mặt hàng được săn lùng nhiều nhất) và nghề đạp cyclo là tương đối kiếm ăn được.Hàng điện máy cũ trong dân đến lúc này đã cạn kiệt vì Giải Phóng đã gần 10 năm rồi lại bị cấm vận ,hàng mới không có.Trên khắp nẻo đường từ thành phố đến thôn quê,hàng ngày có nhiều toán người rong ruổi rao mua bàn ghế giường tủ và đủ loại muỗng nĩa hầm bà lằng khác.Rất nhiều người làm nghề này (một phần là đám Sĩ Quan chế độ cũ mới được tha về ) để kiếm thêm giúp đỡ vợ con,lúc rảnh rỗi thì ngồi tâm sự với nhau cũng khuây khỏa phần nào.

Ngoài đường cũng xuất hiện nhiều người làm nghề sửa xe đạp,lộn sên xe đạp,mua phim phổi,hàn thau chậu xoong nồi,phục hồi bu gi v.v..

Sau những năm 1980 thì việc phân phối lương thực không còn nữa vì không thể mua được hàng theo giá nhà nước mà hàng ngày chỉ thấy loa Phường gọi dân ra mua cá,mắm muối mỗi khi có hàng mới về.

Kế đó là cải tạo công thương nghiệp, là đổi tiền mới (ngày 14/9/1985) vì tiền cũ lạm phát mấy trăm phần trăm,một đồng mới ăn 10 đồng cũ,lại giới hạn số lượng tiền được đổi,tối đa cho hộ dân thường là 100.000$,ngoài số đó ra coi như giấy vụn.Vui nhất là khi ai đó đi ăn một đĩa bánh ướt trị giá 2 đồng cũ mà cầm trong tay tờ 5 đồng mới thì cả người bán và người ăn bánh cuốn phải chạy đầu trên xóm dưới để tìm cách thối tiền !Rồi cảnh những người còn nhiều tiền sau khi đã đổi hết định mức chạy kiếm người nghèo đổi giùm,chả cần nói hết thì ai cũng nghĩ ra những rắc rối xảy ra sau dịch vụ này (1).

Thời này,nhà nước cấm buôn bán vàng,nhưng vì nhu cầu nên vẫn có người lén bán,lén chế tác vàng trang sức .Thế là có cảnh đi lục soát nhà những người bán vàng,nhà nào bị khám xét thì cả nền nhà,vách tường cũng bị đào bới lên y như một trọng tội.Có người lén quăng gói vàng sang mái nhà hàng xóm cũng bị phát hiện.Còn có cảnh những nhà làm nghề thợ bạc giầu có sợ bị đánh tư sản xin hiến của,làm những mâm đầy vàng đội lên đầu rước ra UBND nộp để được yên thân.

Mọi chuyện cứ từ từ từng ngày một thay đổi dần.Nhà nước bắt đầu cho tự do hơn một chút.Vì bị cấm vận nên hàng ngoại rất khan hiếm,nhiều người còn tích trữ được đem ra bán rất có giá,từ cục xà bông,cái khăn tắm v.v. vì phẩm chất của nó vượt trội so với hàng sản xuất trong nước.Ngoài ra còn một nguồn hàng ngoại nữa là là hàng nhảy tàu ở cảng Sài Gòn.Tàu hàng nước ngoài cập cảng xuống hoặc lên hàng,thủy thủ được móc nối ban đêm thả hàng xuống các ghe cặp kè sát tàu.Số hàng này được chuyển lên Chợ Cũ bày bán rồi được phân phối đi khắp nơi.Khu Nguyễn Thông gần nhà thờ Cứu Thế bán nhiều hàng độc như thế.

Vì là giai đoạn bao cấp,những công ty thương nghiệp thành phố quận huyện phải lo phân phối hàng hóa cho các Hợp Tác Xã bán cho xã viên,nhưng họ cũng có những cửa hàng bán sỉ trong vài Trung Tâm Thương Mại như TTTM Quận 10 hoặc Quận 11(khu cạnh Viện Hóa Đạo và khu Trường Đua Phú Thọ),bán đủ thứ từ thuốc Tây,đường sữa,bột ngọt,mắm muối v.v..Càng về sau hàng hóa các loại về càng nhiều,không rõ cơ quan nào,nhưng có khá nhiều loại,đáng chú ý nhất là xe gắn máy nghĩa địa bày bán tràn lan ở mấy gian hàng quốc doanh,quốc doanh thật hay giả thì khó kiểm chứng,nhưng chắc họ kiếm lời bộn vì nghe đồn những thứ đó là rác ở Nhật,Hàn nhưng xin nhập về VN thì bán ra tính bằng vàng,một cái Cub Honda 81 cũ bán cỡ 3,4 cây vàng…. Có lẽ cũng từ thời kỳ này ở VN,vàng là phương tiện giao dịch lần đầu thay cho tiền và đến nay phát triển quá độ khiến các nhà quản lý phải vò đầu bứt tai để loại bỏ tập quán này.Có xe gắn máy nhưng đi đổ xăng cũng vất vả,vì bán hạn chế và nhiều lúc cây xăng cũng không có xăng để bán.

Sau khi không còn bị cấm vận,nhà nước chủ trương kinh tế nhiều thành phần thì hàng hóa dồi dào hẳn lên, nhà nhà mở cửa,các bức tường bao quanh nhà ở những khu chưa bao giờ buôn bán cũng được phá ra,biến thành những cửa hiệu.Đường phố đông vui tấp nập hơn bao giờ hết,trang phục người dân nay tươi sáng,xinh đẹp,thời thượng giống như ở nước ngoài.Chỉ có điều cái áo dài tràn ngập phố phường trước 75 nay cố khôi phục mấy cũng không thành công!

Nhà nước mở cửa cho dân làm ăn,nên đời sống cũng dễ thở hơn lên,việc vượt biên sau đợt nạn kiều và bán bến bãi giờ đã dịu dần người các nơi tìm mọi cách vào Sài Gòn làm ăn ngày càng đông,nhà cửa bắt đầu khan hiếm,những căn nhà trống nay không còn nữa,nhà nước lại không còn hạn chế mỗi người chỉ được đứng tên một căn nhà,nên giá nhà mỗi ngày tăng vùn vụt.Chỉ cần biết có người muốn bán nhà là có hàng chục người tranh nhau mua.Do đó kinh doanh nhà trở nên giàu có nhanh chóng.Có người mua xong một căn nhà chưa kịp làm giấy tờ đã có người khác mua lại lời hàng chục cây vàng.Báo chí lúc đó còn kể nhờ kiếm được tiền dễ dàng nhờ mua bán nhà mà một cô giáo đã có tiền giúp đỡ hàng trăm học sinh nghèo.Con trai nhà văn Nguyễn Khải vào Quận Tư lập nghiệp phất lên nhờ kinh doanh nhà,giúp bố đỡ khổ những ngày cuối đời.

Vì nhà đất là mối kiếm ăn béo bở nhất,nên nhiều khu đất quốc phòng,an ninh bỏ trống cũng được cắt ra,chia nhau,tư hữu hóa,như khu đường 3 tháng 2 tên cũ là Trần quốc Toản ( là doanh trại Quân Đội chế độ cũ)hoặc khu Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát cũ,bây giờ tư hữu hóa hết hơn một nửa và chắc đã chuyển qua mấy đời chủ rồi.Còn khu vực Tân Sơn Nhất nữa,người ngày xưa chẳng còn nhận ra khu Lăng Cha Cả,Trại Phi Long ở chỗ nào nữa.

Phi trường Tân Sơn Nhất diện tích cứ nhỏ dần để lọt vào tay tư nhân.

Đời sống người dân khá lên nên việc sửa chữa lại nhà cửa đường xá cũng được đẩy mạnh.Nhà nước còn nghèo bèn nghĩ ra cách nhà nước và nhân dân cùng làm,hai bên cùng bỏ tiền ra làm nên thành phố cũng dần dần sạch sẽ khang trang hơn.Chỉ có điều vì thiếu phối hợp giữa các cơ quan nên đường vừa làm xong,đẹp đẽ lại bị đào lên làm cống thoát nước,ống cấp nước,ống cáp ngầm nên cứ như khuân mặt sửa sắc đẹp,mổ ra đắp lại, chằng chịt sẹo không giống ai !

Trong Sài Gòn nhà ga xe lữa nay không còn vết tích gì.Đã mấy lần người ta dự định xây dựng cái này cái kia lên đó nhưng không thành,nay tạm làm công viên,trông cũng mát mẻ,mỗi năm lại tổ chức chợ hoa cũng là nơi tham quan,chụp hình mua sắm cho du khách.Trên những con đường xe lửa đi qua,nay trở thành đường phố,tuy nhỏ nhưng nhiều nhà trở thành mặt tiền có chỗ làm ăn ,buôn bán,tuy nhiều căn chỉ có chiều sâu 3 mét.Điều đáng nói là kênh Nhiêu Lộc vắt ngang thành phố với nhiều ngàn căn nhà lụp sụp hôi hám nay đã được nạo vét,xây bờ kè,làm đường giao thông hai bên tuy chưa hoàn chỉnh nhưng cũng đã có bộ mặt mới sạch sẽ hơn ngày xưa nhiều.

Nghĩa trang Mạc đĩnh Chi ngày xưa có những ngôi mộ các nhà quyền thế giầu có trở thành công viên Lê văn Tám,nay làm chỗ cho một số người đến đi bộ và tập thể dục , lâu lâu tổ chức hội chợ.Nghĩa địa Đô Thành trên đường Lê văn Duyệt cũ cũng đã được dời đi làm công viên.

Khu thương xá EDEN,nay bị phá đi xây lại mặc dù có nhiều ý kiến phản đối nhưng ý chí của quyền lực lại thắng.Có lẽ người ta sẽ không phá nhà thờ Đức Bà,Tòa Đô Chính và Dinh Độc Lập.

Năm ngoái 2010 tòa nhà Bitexco cao 262,5m,gồm 68 tầng nổi và 3 tầng hầm đã khánh thành và đưa vào sử dụng tại Quận 1.

Đường Lê Lợi,Nguyễn Huệ được chọn làm trung tâm của các lễ hội.Vào dịp lễ tết tại đây được chưng đèn kết hoa đẹp đẽ trở nên quá chật chội đến ngộp thở vì không thể dung nạp hết số lượng người muốn tham dự.Mấy ông Kiến trúc sư Pháp dở quá không tiên đoán nổi lúc Sài Gòn dân số tăng lên đến 7- 8 triệu người như hiện nay.

Sài Gòn ngày nay đẹp và giầu có hơn hẳn xưa,vì tiền bạc đổ vào rất nhiều do viện trợ và vay mượn.

Những năm đầu thế kỷ 21 khu Phú Mỹ Hưng xây dựng thành công trên vùng đất hoang hóa sình lầy trở thành khu dân cư cao cấp hiện đại,đã mở rộng thành phố về tận Nhà Bè.Cầu Ông Lãnh,cầu Calmette,cầu Rạch Miễu,Cầu Nguyễn văn Cừ,cầu Chữ Y,Cầu Nguyễn tri Phương và cầu Chà Và đã làm cho sự lưu thông sang phía Đông dễ dàng và thuận tiện hơn.

Những con đường rộng và dài khá đẹp,khá tốt mới được xây dựng xong mấy năm nay như Nguyễn văn Linh,chạy suốt từ Quận 2 qua cầu Phú Mỹ bắc ngang sông Sài Gòn ra Phú Lâm hoặc Đại lộ Đông Tây mà có người vì nó đã đi tù do tham ô.

Khu Quận 2 cũng đang chuẩn bị hạ tầng,giải phóng mặt bằng,di dời dân,đang xây đường hầm qua sông Sài Gòn,đã khánh thành cầu Phú Mỹ bắc qua sông Sài Gòn.Xa Lộ Biên Hòa nay gọi là xa lộ Hà Nội,cũng được mở rộng,hiện đại hóa vòng xoay Cát Lái,xây lại cầu Rạch Chiết.Tuy nhiên có lẽ vì chưa có nhà đầu tư nào tha thiết với khu Đô Thị mới Thủ Thiêm nên đã trên 10 năm rồi mà khu này vẫn còn là khu bãi hoang.

Tuy nhiên tất cả chỉ là chắp vá vì nạn kẹt xe liên miên ở mọi tuyến đường có lẽ là do mặt đường quá tải và nhất là ý thức thi hành luật giao thông của mọi người.Khi giao thông ai nấy cứ thấy có đường thoáng phía trước là lách xe lên để đi vào,chẳng cần biết lối đó dành cho loại xe gì,chạy theo chiều nào.Chỉ đến khi dồn cục lại,không chiều nào đi được mới vừa chửi đổng vì bị hít khói bụi rồi đổ lỗi cho nhau có khi còn đánh lộn nữa.Thật là hết ý.Có lẽ giáo dục ý thức công dân mãi mãi không đạt được nên kẹt xe cứ vĩnh viễn là vấn đề được bàn tiếp.Gần đây sau vụ động đất sóng thần thấy tinh thần người Nhật thể hiện,không biết người Việt có học được gì không ?
Viết đến đây đã quá dài,làm độc giả chán nản chuyển sang trang khác nên xin tạm dừng,dịp khác sẽ nói về con người Sài Gòn theo thời gian từ sau 75.Chắc bạn đọc ở nước ngoài xa Sài Gòn lâu cũng có được cái nhìn tổng quát về thành phố lưu nhiều kỷ niệm ấm áp này ?

Vĩnh Biệt Sàigòn 1975
Aug 25, 2011 at 4:16pm


Trong "Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị" của ông Huỳnh Tịnh Của thì Sài tức là củi thổi, Gòn: tên loại cây cỏ bông nhẹ xốp, nhẹ hơn bông thường, trong Nam hay dùng để dồn gối, dồn nệm. Về địa danh Sàigòn thì Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị ghi: tên riêng của đất Chợ Lớn, bây giờ lại hiểu là đất Bến Nghé.

Ðịnh nghĩa Sàigòn của quyển Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị cho ta thấy rằng tên Sàigòn trước đây dùng để chỉ vùng Chợ Lớn hiện nay, còn vùng mà ta gọi là Sàigòn hiện nay thì trước đây lại gọi là Bến Nghé. Ðiều này được xác nhận nhờ hai người Anh là Crawford và Finlayson đã đến vùng này năm 1922. Cứ theo lời những người này thuật lại thì Sàigòn và Bến Nghé (mà các tác giả trên đây viết là Bingeh hay Pingeh) là hai thành phố phân biệt nhau và cách xa nhau độ 1 hay 2 dặm, Bến Nghé là nơi đồn binh và đạt cơ quan chánh phủ, còn Sàigòn là trung tâm thương mãi và là nơi cư ngụ của người Hoa kiều và các thương gia (tài liệu của Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises tức là Tập san của Hội Cổ Học Ấn Hoa, năm 1942, tập số 2). Vậy, Sàigòn và Bến Nghé là hai thành phố phân biệt nhau và có hai tên khác nhau đàng hoàng, nhưng đến khi người Pháp chinh phục ba tỉnh phía đông Nam Kỳ năm 1861, họ dùng tên Sàigòn để chỉ đất Bến Nghé cũ, mà họ dùng làm trung tâm hành chánh, vì Bến Nghé là một tiếng khó cho người ngoại quốc phát âm hơn Sàigòn. Người Việt Nam bắt buộc phải theo họ mà gọi Bến Nghé là Sàigòn, còn vùng trước đó gọi là Sàigòn thì được gọi là Chợ Lớn theo một cái tên mà sử gia Phan Khoang trong bộ Việt Sử, Xứ Ðằng Trong, cho là dường như đã có từ đời vua Gia Long.

Cũng theo quyển Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị của ông Huỳnh Tịnh Của thì tên Sàigòn có nghĩa là củi gòn. Nhà học giả Trương Vĩnh Ký đã theo thuyết này mà ông cho biết là dựa vào bộ Gia Ðịnh Thông Chí của ông Trịnh Hoài Ðức. Trong tập Souvenirs historiques, ông Trương Vĩnh Ký lại kể lại rằng người Khmer xưa có trồng cây gòn chung quanh đồn Cây Mai và chính ông còn thấy vài gốc cổ thụ này tại vùng ấy năm 1885.

Sau ông Trương Vĩnh Ký, còn có ông đốc phủ Lê Văn Phát đi xa hơn trong thuyết kể trên đây. Theo ông Lê Văn Phát thì trước đây, vùng Sàigòn Chợ Lớn hãy còn bị rừng bao phủ và tên Sàigòn có lẽ phát xuất từ tên Khmer Prei Kor tức là Rừng Gòn (Forêt des Kapokiers). Prei Kor là tên mà người Khmer dùng để gọi một địa phương mà trọng tâm là Chùa Cây Mai ở Phú Lâm ngày nay. Mặt khác, ông Lê Văn Phát cũng cho biết rằng người Lào (mà ngôn ngữ gần như ngôn ngữ Thái) đã gọi vùng này là Cai Ngon, mà Cai Ngon theo tiếng Thái cũng có nghĩa là Rừng Chỗi Cây Gòn (Brousse des kapokiers).

Thuyết về nguồn gốc tên Sàigòn của các học giả Việt Nam trên đây sau này đã bị một số học giả khác bác bỏ. ông Vương Hồng Sến trong bộ Sàigòn Năm Xưa cho biết rằng theo tiếng Khmer thì Kor có nghĩa là gòn mà cũng có thể có nghĩa là con bò, và Prei Kor có thể là Rừng Bò chứ chưa ắt hẳn là Rừng Gòn.

Mặt khác, các nhà học giả Pháp nghiên cứu về nước Cam.Bu.Chia đã tìm được trong bộ sử chép tay của nước ấy một dữ kiện quan trọng về vùng này. Theo bộ sử ấy, năm 1623, một sứ bộ của chúa Nguyễn đã đến Cam.Bu.Chia xin vua Cam.Bu.Chia cho đặt một số sở thuế ở vùng Prei Nokor va` Kas Krobey. Vua Cam.Bu.Chia lúc ấy có một hoàng hậu la` con gái chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên). Bởi đó, ông đã chấp nhận lời yêu cầu của chúa Nguyễn.

Theo ông Etienne Aymonier thì Nokor là xứ, quốc gia và Prei Nokor là rừng của vua (forf royale). Nhưng linh mục Tandart lại bảo rằng tiếng Nokor do tiếng nam phạn Nagaram mà ra, và có nghĩa là Thành phố của rừng hay thành phố ở giữa rừng (ville de la forêt). Bởi vậy theo ông, Prei Nokor có nghĩa là thành phố.

Nhà học giả Pháp Louis Malleret khi nêu ra tài liệu về Prei Nokor đã dựa vào ý nghĩa của tiếng Khmer này theo linh mục Tandart để bác bỏ thuyết của các học giả Việt Nam trước đó cho rằng Sàigòn có nghĩa là Củi Gòn. Ông đã theo ý kiến của một người Pháp khác là Maurice Verdeille theo đó tiếng Sàigo`n có lẽ phát xuất từ tiếng Tây ngòn có nghĩa là cống phẩm của phía tây (tribut de l'ouest). Tiếng Hán Việt có nghĩa là cống phẩm của phía tây nếu đọc theo V.N là Tây Cống và Tây Ngòn hẳn là Tây Cống, nhưng phát âm theo giọng Trung Hoa. Sở dĩ ông Malleret theo thuyết này là vì ông đã dựa vào một dữ kiện lịch sử do ông Trịnh Hoài Ðức chép lại, là khi Cam Bu Chia bị phân ra cho hai vua thì cả hai vua nầy đều nạp cống phẩm cho chúa Nguyễn ở Prei Nokor, vốn là thủ đô của vua thứ nhì từ năm 1674 (trong khi vua thứ nhứt đóng đô ở Oudong ở phía bắc Nam Vang).

Một tác giả khác, ông Vương Hồng Sển, nhắc lại trong quyển Sàigòn Năm Xưa rằng người Hoa Kiều đã tập trung vào vùng Chợ Lớn ngày nay để mua bán năm 1778 sau khi Cù Lao Phố (gàn tỉnh lị Biên Hòa ngày nay) là nơi được thành lập để mua bán từ cuối thế kỷ thứ 17 đã bị Tây Sơn phá tan khi họ kéo vào đánh Miền Nam. Sau khi thành phố này đã vững, người Hoa Kiều đã đáp thêm bờ kinh Chợ Lớn, cẩn đá cho cao ráo kiên cố. Và có lẽ để ghi công việc này, họ đặt tên chỗ mới này là Ðề Ngạn, tức là bờ sông cao dốc trên có đe ngăn nước. Ðề Ngạn là tiếng Hán Việt, chớ người Trung Hoa phát âm theo giọng Quảng Ðông thì nói thành Tài Ngon hay Thầy Ngồnn. Ông Vương Hồng Sển cho rằng tiếng Sàigòn chính do Thầy Ngồnn mà ra.

Về đất Bến Nghé thì người Trung Hoa gọi là Xi Cong. Ông Vương Hồng Sển cho rằng đó là họ đọc trại lại tiếng Sàigòn của ta và khi viết ra Hán văn thì họ dùng hai chữ mà ta đọc là Tây Cống.

Vậy, có ba thuyết về nguồn gốc và ý nghĩa của tên Sàigòn:

1. Thuyết của các ông Trương Vĩnh Ký và Lê Văn Phát: Sàigon do tiếng Khmer Prei Kor mà ra, và có nghĩa là củi gòn.

2. Thuyết của ông Louis Malleret: Sàigòn do tiếng Tây Ngòn, tức là Tây Cống phát âm theo giọng Trung Hoa và có nghĩa là cống phẩm của phía tây.

3. Thuyết của ông Vương Hồng Sển: Sàigòn do tiếng Thầy Ngồnn tức là Ðề Ngạn phát âm theo giọng Trung Hoa và có nghĩa là bờ sông cao dốc trên có đê ngăn nước. Còn về tiếng Tây Cống, ông Vương Hồng Sển lại cho rằng nó chỉ được người Trung Hoa dùng sau này để phiên âm lại tên Sàigòn sau khi tên này được dùng đẻ chỉ đất Bến Nghé cũ.

Ba thuyết trên đây cái nào cũng có vẻ có lý phần nào nhưng thật sự, không cái nào có thể làm cho chúng ta hoàn toàn thỏa mãn. Như thế có lẽ vì những người nêu ra các thuyết ấy đã quên để ý đến cách ông bà chúng ta đặt các địa danh ở Nam Kỳ trước đây. Chúng ta có thể nhận thấy rằng trong việc đạt địa danh này, ông bà chúng ta đã theo một số nguyên tắc:

Các cụ có thể phiên âm một địa danh Khmer đã có và bỏ dấu cho thành tiếng Việt Nam. Thí dụ như Psar Deck thiếng Khmer là Chợ Sắt đã được các cụ gọi lại là Sa Ðéc, hay Me So tiếng Khmer là Người Ðàn Bà Ðẹp hay nàng Tiên được các cụ gọi là Mỹ Tho. Trong một bài kỷ niệm ngày 30 tháng tư, đăng trong tờ Việt Báo, ông Phạm Nam Sách khi nói về tỉnh Ba Xuyên đã nhắc đến một địa danh mà ông nói là là Bảy Sào, Bải Sào, Bảy Sau hay Bải Sau chi đó. Thật sự đó là Bải Xào, một tiếng phát xuất từ tiếng Khmer Bai Xao có nghĩa là Cơm Sống. Ðịa danh này sở dĩ có là vì trong trận đánh nhau voói người Việt Nam, người Khmer đã thua chạy về đến đó và ngừng lại nấu cơm ăn, nhưng cơm chưa kịp chín thì quân Việt Nam lại kếo đến và người Khmer phải bỏ chạy. Ðể đánh dấu việc này, họ gọi đất đó là Cơm Sống, tiếng Khmer là Bai Xao và các cụ ta bỏ dấu thêm thành Bải Xào.

Các cụ có thể dịch nghĩa một địa danh Khmer đã có. Thí dụ như tên Bến Nghé phát xuất từ tiếng Khmer Kompong Krabei có nghĩa la Vũng Trâu. Theo sử Khmer mà ông Malleret viện dẫn thì ngoài Prei Nokor, vua Cam.Bu.Chia còn cho chúa Nguyễn đạt sở thuế ở Kas Krobey. Chữ Krobey rất gần Krabei, và có thể Kas Krobey với Kompong Krobei cũng là một và có nghĩa là Vũng Trâu, Bến Trâu gì đó.

Nhưng tên theo hai loại trên đây là do người Việt Nam bình dân đặt ra khi mới đến một địa phương, về sau, khi đã có nhiều người Việt Nam ở và triều đình Việt Nam đặt ra các đơn vị hành chánh, thì triều đình lại dùng tiếng Hán Việt như Trấn Biên, Phiên Trấn, Phước Long, Phước Tuy v.v... Mặt khác, khi viết sử hay viết sách địa lý mà gặp một tên nôm do người bình dân đã đặt, các cụ đã dịch phăng nó ra tiếng Hán Việt chớ ít khi chịu chép tên nôm. Như Ba Giỗng, các cụ dịch là Tam Phụ và Bến Nghé, các cụ dịch lại là Ngưu Chử khi chép vào sách chớ không chịu viết tên nôm là Ba Giồng, Bến Nghé.

Nếu lấy các qui tắc đặt địa danh của các cụ ngày xưa làm tiêu chuẩn dể suy luận thì ta thấy ngay các thuyết trên đây về nguồn gốc và ý nghĩa của Sàigòn không ổn.

Nếu các cụ ta ngày xua muốn dịch tiếng Khmer Prei Kor ra tiếng Việt thì các cụ đã dùng tên Củi Gòn, Cây Gòn hay Rừng Gòn để đạt cho địa phương này, chớ không ghép một tiếng Hán Việt là Sài với một tiếng nôm là Gòn để thành Sàigòn, cũng nhu khi dịch Kompong Krabei ra tiếng Việt, các cụ đã gọi là Bến Nghé chớ không nói Tân Nghé, Chử Nghế hay Ngạn Nghé (Tân, Chử và Ngạn là những tiếng Hán Việt có nghĩa là cái cồn nhỏ, bến sông, bờ sông). Nếu bảo rằng gòn là một loại cây không có tên Hán Việt và các cụ đã dùng tên ấy như tiếng Hán Việt thì các cụ đã theo văn phạm Hán Việt mà gọi Củi Gòn là Gòn Sài chớ không thể gọi là Sài Gòn
Chữ Sài là tiếng Hán Việt có nghĩa là Củi, nhưng cũng chữ ấy mà dùng làm chữ nôm thì lại đọc là Thầy. Vậy, nếu đọc theo tiếng nôm hoàn toàn hai chữ mà ông bà chúng ta dùng để chỉ tên đất ta đang nghiên cứu thì ta có Thầy Gòn. Tên này rất gần với Tây Ngòn hay Thầy Ngồnn là những tiếng Hán Việt Tây Công hay Ðề Ngạn đọc theo giọng Trung Hoa. Nhưng các cụ ngày xua rất sính dùng tiếng Hán Việt. Ðến như tiếng nôm hoàn toàn là Ba Giồng, Bến Nghé mà các cụ còn nhứt định phải dịch ra là Tam Phụ, Ngưu Chử khi viết vào sách vở thì không lý do gì các cụ lại không dùng các tiếng Hán Việt đã sẵn có là Tây Cống hay Ðề Ngạn, mà lại dùng tiếng Thầy Gòn là tiếng phiên âm theo giọng của người Trung Hoa.
Vậy, các thuyết kể trên đây đều không vững cả.

Cuối cùng, chỉ còn một dấu vết nhỏ trong các tài liệu nói về ý nghĩa và nguồn gốc tên Sàigòn có thể giúp ta một lối thoát: đó là việc ông Lê Văn Phát cho biết rằng người Lào đã gọi vùng Chợ Lớn ngày nay là Cai ngon, mà Cai ngon theo tiếng Thái có nghĩa là Rừng Chỗi Cây Gòn. Chúng tôi không biết tiếng Lào hay tiếng Thái nên không thể xác nhận được ý nghĩa của Cai Ngon theo tiếng Thái, nhưng nếu quả đúng như ông Lê Văn Phát nói thì tên Sàigòn do ông bà ta phiên âm từ tiếng Thái Cai Ngon và bỏ dấu theo giọng Việt Nam như thông lệ.

Xét về mặt nguyên tắc đạt địa danh của ông bà chúng ta ngày xưa, thì vấn đề này có thể kể là tạm giải quyết. Nhưng nghi vấn còn lại là tại sao lại có tiếng Lào hay tiếng Thái lọt vào đây? Hiện nay, không có nhiều tài liệu lịch sử giúp chúng ta có một sự hiểu biết rộng rãi và chánh xác về thời kỳ người Việt Nam mới vào ở đất Nam Kỳ. Chúng ta chỉ có thể dựa vào một số dữ kiện sau đây để suy luận:

1. Vào đầu thế kỷ 17, nước Cam Bu Chia đã bị người Xiêm (Thái Lan hiện nay) uy hiếp nặng nề, và chính vì muốn dựa vào người Việt Nam để chống lại Xiêm mà vua Chey Chetta II đã đi cưới công chúa Ngọc Vạn (là con gái chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) về làm hoàng hậu năm 1620, rồi đén năm 1623 lại để cho chúa Nguyễn đặt những cơ sở thâu thuế ở vùng Sàigòn, Chợ Lớn ngày nay.

2. Vùng Chợ Lớn chỉ trở thành một vùng thương mãi thạnh vượng từ năm 1788 với khối người Hoa Kiều tụ tập về đó sau khi Cù Lao Phố bị Tây Sơn phá hủy. Vậy, lúc chúa Nguyễn mới đạt cơ sở thuế hơn 150 năm về trước vùng này chưa có mua bán gì nhiều.

3. Người Việt Nam chỉ vào ở Nam Kỳ nhiều từ khi có lực lượng của ông Trần Thượng Xuyên đóng thường trực để bảo vệ cho họ từ năm 1680. Vậy, lúc chúa Nguyễn đạt sở thuế ở vùng Chợ Lớn ngày nay, hơn 50 năm trước đó, chưa có đông người Việt Nam và chưa có sản xuất nhiều lúa gạo để bán.

4. Như thế, cơ sở thuế của chúa Nguyễn chắc chỉ đánh vào một vài sự buôn bán nhỏ, không quan trọng lắm, và do đó mà vua Cam Bu Chia đã dễ dàng cho chúa Nguyễn thâu lấy nguồn lợi này, chớ nếu có sự mua bán quan trọng và quyền lợi thuế vụ lớn thì vua Cam Bu Chia lúc đó vốn còn hoàn toàn độc lập với chúa Nguyễn, chắc không phải chấp nhận dễ dàng lời yêu cầu của chúa Nguyễn. Vậy, sự mua bán đó dựa vào móng hàng gì? Có thể một trong những món hàng được buôn bán thời đó là gòn, vì vùng này có nhiều cây gòn, có lẽ không nhiều đến thành rừng, nhưng cũng đạt mức quan trọng để có thể gọi là rừng chổi được. Người Xiêm có thể đã đến đó mua gòn để đem về nước dồn gối, dồn nệm. Một ít thương gia Xiêm có thể đã có mặt ở vùng này trước khi chúa Nguyễn đạt sở thuế tại đó, và vì thấy vùng này có nhiều cây gòn, họ gọi nó là Cai Ngon tức là Rừng Chổi Cây Gòn, rồi các viên chức Việt Nam liên lạc với họ để đánh thuế lúc mới đến đã theo họ mà gọi đất này là Sàigòn, thay vì phiên âm hay dịch nghĩa tên Khmer của địa phương này.

5. Về cái tên Khmer này, các học giả đã không đồng ý kiến với nhau, người thì nói là Prei Kor, người thì nói là Prei Nokor. Ông Malleret đã dựa vào sử Khmer mà bảo đó là Prei Nokor và theo linh mục Tandart để dịch Prie Nokor là thành phố của rừng. Vì không biết tiếng Khmer và văn phạm Khmer, chúng tôi không thể đi sâu vào vấn đề này, nhưng vẫn thấy có những chỗ không ổn.

Nếu Prei Kor có nghĩa là Rùng Gòn hay Rừng Bò thì văn phạm Khmer cũng như văn phạm Việt Nam đạt tiếng rừng lên trên, tiếng phụ nghĩa cho rừng ở dưới. Như vậy Prei Nokor dịch ra là rừng của vua như Aymonier thì vẫn hợp với văn phạm đó, còn dịch ra như linh mục Tandart là thành phố giữa rừng thì lại đi ngược với văn phạm đó rồi. Hiểu theo văn phạm như nói trên đây thì Prei Nokor là rừng của thành phố mới phải, nhưng tên Rừng của Thành Phố thì cố nhiên là không có ý nghĩa gì.

Mặt khác, nếu Prei Nokor là thành phố giữa rừng hay rừng của vua thì nó chỉ có thể có từ năm 1674 là năm mà vua thứ nhì của Cam-Bu-Chia chua chúa Nguyễn đến đặt sở thuế tại đó thì đất này hãy còn là một thị xã nhỏ, không có vua ở nên không thể mang tên Prei Nokor là thành giữa rừng hay rừng của vua được.

Do các nghi vấn trên đây, chúng ta thấy rằng thuyết của ông Malleret không vững. Và chúng ta có thể đua ra giả thuyết khác: địa điểm mà vua Cam-Bu-Chia cho chúa Nguyễn đạt sở thuế vẫn tên là Prei Kor vì nơi đó có nhiều gòn và là nơi mua bán gòn, nhưng sau đó, khi vua thứ nhì của Cam-Bu-Chia đến đóng đô tại đó, nó có tên mới là Prei Nokor (hiểu theo nghĩa là rừng của vua hay thành phố giữa rừng đều được cả). Các sử gia Cam-Bu-Chia sau này chép lại việc cho chúa Nguyễn đến địa phương này đặt sở thuế đã chép lại tên Prei Nokor mà họ được biết nhiều hơn mà bỏ tên Prei Kor đi. Với giả thuyết này thì ý nghĩa và nguồn gốc tên Sàigòn có thể giải quyết được: đó là một tên phiên âm từ tiếng Xiêm Cai Ngon có nghĩa là Rừng Chổi Cây Gòn, và phù hợp vớ tên Khmer nguyên thủy Prei Kor cũng có ý nghĩa tương tự.

Vì không biết ngôn ngữ và văn phạm Khmer và Thái (Xiêm) nên chúng tôi không thể đi sâu vào vấn đề này và chỉ xin nêu ra những nhận xét trên đây. Chúng tôi mong ước rằng có vị nào thông thạo tiếng Khmer hay tiếng Thái lưu tâm đến vấn đề này để làm sáng thêm ý nghĩa và nguồn gốc tên Sàigòn yêu dấu của chúng ta.


Bạch văn Cơ

Comments

Popular posts from this blog