BÙI ANH TRINH
SỰ THỰC VỀ NHÂN VẬT HỒ TẬP CHƯƠNG
THÁNG NĂM 22, 2015 

( Trích trong bài viết “Lật lại vụ án Nguyễn Tất Thành bán nước”, đã đăng trên Báo Tổ Quốc.  Nhắm giúp cho những người trẻ tuổi như Santhonytran hiểu thêm về cách làm việc của các sử gia quốc tế ).

Nguyễn Tất Thành ra khỏi tù và chạy về Nga  lần 2

Năm 1932, ngày 20-4, báo L’Opinion tại Hồng Kông loan tin có một người Việt Nam nhỏ bé có tâm hồn của một lãnh tụ đang bị suy nhược vì lao lực trong nhà tù Hồng Kông.  Viên Lãnh sự Pháp tại Hông Kông là Soulange Teissier gởi thư cho bộ Ngoại giao Pháp báo cáo rằng Nguyễn Ái Quốc ( Biệt danh mà mật thám Pháp đặt cho Nguyễn Tất Thành từ năm 1922 ) đang bị bệnh lao trong tù, tuy nhiên tình trạng bệnh có thể cứu chữa được.

*( Hồ sơ lưu trữ / Văn Khố Pháp; Hồ sơ mang số AOM,SPCE 368, báo cáo của Chánh mật thám Pháp tại Sài Gòn ngày 19-11-1939  ).

Năm 1932, ngày 16-5, Lâm Đức Thụ gởi báo cáo cho mật thám Pháp, cho biết ông ta vẫn nhận được tin tức về Nguyễn Tất Thành qua văn phòng của luật sư Loseby là người đang nhận bào chữa cho Thành ( Hsltr/Quốc gia Pháp; Hồ sơ mang số AOM,SPCE 368,).

Năm 1932, ngày 11-8, báo Daily Worker tại London loan tin Nguyễn Ái Quốc ( Nguyễn Tất Thành ) đã chết trong trại tù Hồng Kông vì bệnh lao phổi.  Tuy nhiên Lãnh sự Pháp tại Hồng Kong báo cho mật thám Pháp tại Hà Nội rằng  đó chỉ là tin đồn thất thiệt ( Tài liệu của Dennis J.Duncanson, “Ho Chi Minh in Hong Kong, 1931-1932; trang 96 ).

Năm 1932, ngày 27-8, luật sư của Sung Man Cho (Tống Văn Sơ hay là Nguyễn Tất Thành) và luật sư của nhà cầm quyền Hồng Kông đã thỏa thuận với nhau về nơi đến của Sung Man Cho sau khi ông ta bị trục xuất mà không cho tòa lãnh sự Đông Dương tại Hồng Kông biết (Hsltr/Quốc gia Pháp; hồ sơ mang số AOM, SPCE 639 ).

Năm 1933, ngày 6-1, Nguyễn Tất Thành đến Singapore nhưng bị chính quyền Singapore bắt vào ngày 11-1 vì tội di dân lậu rồi buộc ông phải lên tàu trở lại Hồng Kông.  Tàu Thủy Ho Sang đưa ông đến bến Hồng Kông vào ngày 19-11;  cảnh sát đón ông tại bến tàu và lại tiếp tục giam ông về tội di dân bất hợp pháp.

Năm 1933, ngày 20-1, để trả lời công điện của Mật thám Pháp tại Đông Dương, Toàn quyền Hồng Kông gửi công điện cho biết Nguyễn Tất Thành đã chết trong tù vì bệnh lao và nghiện thuốc phiện (Hsltr /Quốc gia Pháp; hồ sơ AOM,SPCE 639).

Năm 1933, ngày 15-2, báo Cahiers du Bolchévisme tại Mạc Tư Khoa đăng tin đồng chí Nguyễn Ái Kvak ( NTT ) đã hy sinh trong nhà tù Hồng Kong vào ngày 26-6-1932.

Sự thật về nhân vật Hồ Tập Chương

Sau khi được Toàn quyền Hồng Kong thông báo rằng Nguyễn Ái Quốc ( Nguyễn Tất Thành ) đã chết thì mật thám Pháp khóa hồ sơ theo dõi NAQ.  Quả nhiên sau đó  hơn 10 năm họ hoàn toàn không nhận được tin tức nào chứng tỏ NAQ còn sống.

Nhưng cho tới năm 1945 thì hồ sơ về NAQ ( Nguyễn Tất Thành ) được mở trở lại và mọi hình ảnh cũng như bút tích cho thấy Hồ Chí Minh chính là nhân vật Nguyễn Tất Thành trước đây. Sự xuất hiện trở lại của Nguyễn Tất Thành khiến cho giới nghiên cứu tình báo Pháp bùng nổ nhiều bàn cãi.  Rồi đến năm 1948, sau khi cuốn tự truyện của ông Hồ Chí Minh dưới tên Trần Dân Tiên được phát hành thì rộ lên tin Nguyễn Tất Thành thật đã chết trong tù từ năm 1932, còn Hồ Chí Minh chỉ là Nguyễn Tất Thành giả.

Vì vậy năm 1949, một thiếu tá tình báo Pháp tại Sở Cảnh sát Sài Gòn đã tổng hợp các chứng liệu về Hồ Chí Minh thời 1932 và kết luận rằng Chính quyền Hồng Kông tung tin NTT chết là để sử dụng NTT làm điệp báo nhằm theo dõi hoạt động của CSQT tại Viễn Đông, bản thân ông Thành muốn hoạt động bí mật tại Thái Lan với một tên khác (Hsltr/Quốc gia Pháp).

Cuối cùng vào năm 1969;  4 ngày sau khi ông Hồ Chí Minh chết , báo New York Time ngày 6-9-1969 đã đăng bài phỏng vấn bà vợ của luật sư Loseby ( Lúc này ông Loseby đã chết ).  Bà Loseby xác nhận rằng tin Nguyễn Tất Thành bị chết trong tù là do chính luật sư Loseby tung ra để đánh lạc hướng theo dõi của mật thám Pháp, nhằm giúp cho NTT không bị mật vụ của Pháp theo dõi để bắt sau khi ông ta được thả ra khỏi nhà giam. Trước đó mật thám Pháp cũng đã làm như vậy đối với Hồ Tùng Mậu và Phan Đức, hai ông bị bắt và bị dẫn độ về VN.

Sau xác nhận của bà Loseby, những khúc mắc về tin Nguyễn Tất Thành chết năm 1933 đã được giải tỏa.  Nhưng đến năm 2008, tại Đài Loan có một giáo sử sử học tên Hồ Tuấn Hùng cho xuất bản quyển sách “Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo”.

Theo giáo sư Hùng thì ông đọc trong sách của sử gia Quinn Judge có ghi rằng báo Daily Worker ngày 11-8 loan tin Nguyễn Tất Thành ( NAQ ) đã chết trong tù  Hồng Kông.  Và sách của sử gia William Duiker cho biết trong Văn khố quốc gia Pháp một công điện của Toàn quyền Hồng Kông báo cho Mật thám Pháp tại Đông Dương rằng NTT đã chết trong tù vì bệnh lao và nghiện thuốc phiện.

Căn cứ vào những điều trên, giáo sư Hồ Tuấn Hùng viết ra quyển sách Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo với giả thuyết riêng của ông :  Đó là Nguyễn Tất Thành đã chết trong tù Hồng Kong, và tình báo Trung Cộng đưa người khác vào thế vị trí của Nguyễn Tất Thành hầu tiếp tục chỉ huy Đảng Cọng sản Đông Dương.  Người giả Nguyễn Tất Thành tên là Hồ Tập Chương, một người sắc tộc Miêu ở Đài Loan, có bà con với giáo sư Hồ Tuấn Hùng.

Quyển sách được phát hành vài tháng thì  các sử gia VN và Quốc tế kết luận đây chỉ là một chuyện tưởng tượng của Hồ Tuấn Hùng. Nhân vật Hồ Chí Minh có phải là Nguyễn Tất Thành hay không thì chỉ cần so sánh chữ viết trong đơn xin học Trường Thuộc địa vào năm 1911 với di chúc của Hồ Chủ tịch thì cũng đủ xác định được Nguyễn Tất Thành, Paul Tất Thành, Nguyễn Ái Kvak, Trần Vương, Lý Thụy, Mai Pín Thầu, Tống Văn Sơ, Hồ Quang, Hồ Chí Minh…cũng chỉ là một người ( Thủ bút của Nguyễn Tất Thành còn lưu lại trong hồ sơ lưu trữ Quốc gia Pháp, Hồ sơ lưu trữ Mạc Tư Khoa, và hồ sơ lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ ).

Riêng năm 1931, trước khi NTT bị bắt, có tới 21 thủ bút của NTT còn lưu tại Văn khố Quốc gia HK, được sử gia William Duiker phổ biến năm 2.000.  Và năm 1934, sau khi Nguyễn Tất Thành được thả, thủ bút của NTT còn lưu lại trong bản khai lý lịch của NTT khi ông mới chạy về Mạc Tư Khoa.  Sau đó là thủ bút của ông trong thời gian theo học trường Stalin.  So sánh tự dạng các thủ bút này thì NTT trước khi bị bắt và NTT sau khi được thả chỉ là một người.  Và rồi từ Trường Stalin, nhân vật NTT này đã trở về Trung Hoa năm 1938, và về VN năm 1941 để nương náu chờ thời tại hang Pác Bó.

Nếu thủ bút của NTT sau khi được thả ( 1934 ) khác với thủ bút của NTT trong các bản báo cáo gởi về MTK năm 1931 thì ắt mật vụ của Stalin đã phát hiện ra ( Mật vụ của Stalin thời đó không đến nỗi tồi ).

Còn ông Hồ Tập Chương cho tới 30 tuổi chưa viết được chữ La Tinh thì làm sao giả cho giống hệt chữ La Tinh của NTT ?  Người bắt đầu tập viết chữ ABC vào năm ngoài 30 tuổi thì tay đã cứng, không thể nào nhái chữ ( ABC ) của người khác được.  Ngoài ra đã hơn 30 tuổi thì không thề nào học nói tiếng Việt cho chuẩn được bởi vì lưỡi đã cứng.  Huống hồ giả giọng Nghệ An thì không thể nào giả nổi. Có hằng vạn “anh ba Tàu” nói tiếng Việt rất sỏi, nhưng không có anh nào nói được giọng Nghệ An.

Trong khi đó giả thuyết của giáo sư Hồ Tuấn Hùng cho rằng sau khi bị bắt thì NTT đã chết,  sau đó tình báo Trung Cọng dựng lên một NTT giả hoạt động cho tình báo Trung Cộng tại Hoa Nam. Và rồi năm 1941 Trung Cộng đưa NTT giả về VN.

Điều này không đúng với lịch sử Trung Cọng, bởi vì năm 1932 tổ chức Cọng sản Trung Quốc chỉ là một nhóm kháng chiến chống lại Tưởng Giới Thạch, hoàn toàn chưa có ý đồ dòm ngó tới hoạt động chính trị của các nước khác.   Cho đến năm 1936 Mao Trạch Đông chính thức nắm quyền của ĐCSTQ thì tổ chức CSTQ vẫn chưa chiếm được một tỉnh nào của Trung Hoa để làm trụ sở.  Đảng Cọng sản của Mao còn chưa lo nổi cho cuộc tranh giành quyền lực với Tưởng Giới Thạch trong nội bộ TQ thì có hơi đâu mà đi dòm ngó nước khác.

Mãi cho tới sau khi chiếm được nước Trung Hoa năm 1949 thì Mao Trạch Đông mới bắt đầu để mắt nhìn ra nước ngoài. Do đó giả thuyết về đặc tình Trung Quốc vào năm 1933  của giáo sư Hồ Tuấn Hùng chỉ là tưởng tượng bởi vì hiện nay các sử gia quốc tế và cả sử gia TQ chưa hề ghi nhận được một tài liệu nào nói rằng vào năm 1933 tình báo của Mao Trạch Đông đã vươn tay ra nước ngoài.

Có thể chấp nhận chuyện ông Hồ Tập Chương giống hệt ông Nguyễn Tất Thành do tình cờ có người giống người, cũng có thể chấp nhận chuyện có người giả chữ giống hệt chữ của ông NTT do có người có hoa tay đặc biệt.  Nhưng không thể nào có người vừa giống hệt ông NTT mà lại vừa có hoa tay đặc biệt.  Huống hồ lại thêm nói giọng Nghệ An giống hệt ông NTT.  Lại thêm nhớ mặt, nhớ địa chỉ của tất cả bạn bè quen biết của ông NTT ở Pháp, ở Nga;  kể cả các viên chức mật vụ của CSQT (sic).

Đặc biệt giáo sư Hùng không có được một hình ảnh nào của riêng ông để chứng minh Hồ Chí Minh là Nguyễn Tất Thành giả, ông chỉ trưng ra những hình của HCM trong tài liệu của Pháp.  Nhưng không cần đợi tới tài điều tra của giáo sư Hùng, ngay từ năm 1945 các chuyên gia căn cước của mật thám Pháp đã đưa các hình này lên kính hiển vi và xác nhận rằng Nguyễn Tất Thành chính là Hồ Chí Minh.

Nếu năm 1945 mà các chuyên gia căn cước của cảnh sát Pháp chứng minh được Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Tất Thành thì họ không dại gì mà không bí mật làm áp lực buộc ông Hồ Chí Minh phải ký kết những hiệp ước trở lại thời thuộc địa như họ đã buộc ông hoàng Cao Miên và ông Hoàng Lào.  Nếu Hồ Chí Minh không nghe thì họ sẽ tung ra trước dư luận để khỏi tốn tiền nuôi hằng chục sư đoàn để đi đánh ông Hồ Chí Minh trên rừng Việt Bắc.

Một khi Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Tất Thành thì cái ông tự xưng là cha già của dân tộc Việt Nam sẽ rơi mặt nạ, hiện nguyên hình là một tay lừa đảo;  lúc đó uy tín của tổ chức Việt Minh sẽ bị hủy hoại và tổ chức sẽ tự tan rã.  Nhưng kết quả điều tra của mật vụ Pháp cho thấy Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Tất Thành, không thể chạy chối đi đâu được.  Cho nên chính quyền Pháp đành phải quay ra chống đỡ vất vả với lực lượng Việt Minh càng ngày càng lớn mạnh và rồi cuối cùng người Pháp thất bại.

Cho tới ngày nay khả năng điều tra căn cước của các chuyên gia cảnh sát Pháp vẫn thuộc vào hạng thượng thặng của thế giới cho nên khả năng điều tra của họ thời đó phải ăn đứt khả năng suy đoán mơ hồ của giáo sư Hồ Tuấn Hùng.

Ngoài ra cách suy đoán của giáo sư Hùng có những lập luận phản với khoa học điều tra :

– Ông cho rằng “Chiều cao của Hồ Chí Minh cao hơn Nguyễn Tất Thành, vậy Hồ Chí Minh phải là Hồ Tập Chương”.  Trong khi đó có hằng tỉ người cao hơn ông Nguyễn Tất Thành mà không phải là Hồ Tập Chương

– Ông cho rằng Nguyễn Tất Thành không rành Hán Tự.  Nhưng tập thơ “Ngục trung nhật ký” của HCM cho thấy tác giả là một người rất rành văn chương Trung Hoa, vậy Hồ Chí Minh là Hồ Tập Chương .  Trong khi đó có hằng tỉ người rất rành về văn chương Trung Hoa nhưng không phải là Hồ Tập Chương.

Đôi lời của Bùi Anh Trinh:

Từ năm 2009 rất nhiều người hỏi tôi về chuyện “Hồ Chí Minh giả”của giáo sư Hồ Tuấn Hùng.  Tôi chỉ biết trả lời rằng ông Bùi Tín đã vừa cười vừa nói trên đài phát thanh BBC rằng : “Chuyện ông Hồ Chí Minh giả thì không nên bàn đến nữa, các sử gia quốc tếhọ đã nói rằng đây là chuyện bịa”.  Tôi tin vào phán đoán của các sử gia quốc tế bởi vì họ có đầy đủ tài liệu và đầy đủ phương pháp truy tìm sự thật của lịch sử.

Năm nay lại rộ lên chuyện Hồ Tập Chương sau khi báo Thông Luận cho dịch một vài đoạn về tình sử của ông Nguyễn Tất Thành tại Trung Hoa, trích trong tác phẩm “Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo” của giáo sư Hồ Tuấn Hùng.  Lần này thì người ta đành phải quấy rầy nhà văn Vũ Thư Hiên ( Một người đã quan sát rất tường tận về diện mạo và sự nghiệp của ông Hồ Chí Minh ) để xin ý kiến của ông.

Ngày 25-9-2013 BBC đăng bài viết của ông Vũ Thư Hiên với những nhận xét và lý luận của ông : “Cái đề tài này rõ là tầm phào”.  Cuối cùng ông kết luận : “Theo tôi nghĩ, chuyện Hồ Chí Minh là một người Tàu tên Hồ Tập Chương của học giả Hồ Tuấn Hùng là một tưởng tượng tồi”.

Lâu nay tôi ( BAT ) không muốn dính dáng đến chuyện này bởi vì ngay từ đầu tôi đã biết đây chỉ là chuyện tầm phào.  Tuy nhiên giờ đây tôi phải lên tiếng bởi vì tôi thấy hình như có ai đó muốn lợi dụng chuyện Hồ Tập Chương để nhằm vào một mục đích đen tối khác :

Đó là phong trào tung tin “HCM là Hồ Tập Chương” trở lại, nhưng không như là sách khảo cứu, mà như là một thứ tin vịt, tin vĩa hè, tin tầm phào ( Hễ ai tin thì là có thật, còn ai không tin thì là chuyện bịa ).  Rốt cuộc chỉ có giới khảo cứu coi là chuyện bịa, còn giới bình dân thì tin là chuyện thật bởi vì những nhà trí thức khoa bảng im lặng;  còn lại nơi nơi đều nói, người người đều nói rằng HCM là Hồ Tập Chương.

Tuy là tin bịa nhưng vẫn có kết quả là dần dần người ta kêu tên Hồ Tập Chương thay thế tên HCM;  rồi người ta chưởi Hồ Tập Chương và chưởi người Tàu thay vì chưởi Hồ Chí Minh hay chưởi ĐCSVN.

Cái lối chưởi người Tàu thay vì chưởi Trung Cọng khiến cho người Hoa Đài Loan, người Hoa Pháp Luân Công, người Hoa Tây Tạng, người Hoa Tân Cương, người Hoa Singapore, người Hoa Hồng Kong, người Hoa Chợ lớn, người Hoa Indonesia, người Hoa tại Hoa Kỳ và khắp nơi trên thế giới rất khó chịu.  Họ là những người chống cộng mà bị cố tình gom vào một rổ với Trung Cọng thì họ không tội gì mà không quay ra thù nghịch với những người chưởi bới họ.  Vô tình tự mình “gây thù chuốc oán” một cách vô lối.

Dùng chữ “ba Tàu” để mạ lỵ Trung Cọng thì chỉ làm cho danh dự của cộng đồng người Việt Quốc gia bị tổn thương mà thôi.  Ngày xưa người Việt Quốc gia luôn dùng chữ “Tàu Cọng” đê nói về chính quyền Trung Cọng, nhằm tránh gây tổn thương cho người Hoa tại TQ hay tại các nơi khác trên thế giới.  Còn ngày nay trong nước dùng chữ “Tàu chệt”, “Tàu khựa” thì vô tình gom tất cả người Hoa vào một rổ với Tàu Cọng.

Sở dĩ người trong nước không dám gọi là Tàu Cọng bởi vì nó kỵ húy đối với chính quyền Việt Cọng.  Ngay cả dư luận viên nằm vùng của CSVN cũng né tránh dùng chữ Trung Cọng hay Tàu Cọng. Vậy mà giờ đây người Việt chống cộng tại hải ngoại hình như cũng có khuynh hướng muốn bắt chước người trong nước gọi là Tàu chệt, Tàu khựa.  Gọi như vậy chỉ gây ác cảm với người Hoa chống cộng trên khắp thế giới và gây mất thiện cảm của các dân tộc khác.  Rốt cuộc tự mình làm cho mất bạn và thêm thù.


Việt Cọng và Trung Cọng sẽ rất vui nếu người Việt chống cộng trên khắp thế giới tự gây thù chốc oán với người Hoa chống cộng trên khắp thế giới;  điều này cũng làm mất đi thiện cảm của quốc tế đối với công cuộc chống cộng của người Việt.  Tại sao không gọi là Trung Cọng hay Tàu Cọng mà cứ bắt chước CSVN một điều gọi Trung Quốc hai điều thưa Trung Quốc ?  Người Việt chống cộng đâu cần phải “dạ thưa Trung Quốc” ?

Comments

Popular posts from this blog