BÙI ANH TRINH
LẬT LẠI VỤ ÁN NGUYỄN TẤT THÀNH BÁN NƯỚC (SỰ THẬT VỀ NHÂN VẬT HỒ TẬP CHƯƠNG)


Bài 11: LẬT LẠI VỤ ÁN NGUYỄN TẤT THÀNH BÁN NƯỚC

( SỰ THẬT VỀ NHÂN VẬT HỒ TẬP CHƯƠNG )

Trích sách “Chuyện nước non đau lòng tới nghìn năm” của Bùi Anh Trinh do Làng Văn phát hành năm 2008 :

Nguyễn Tất Thành bị bắt tại Hồng Kông

Năm 1931, ngày 5 tháng 6, Bí thư Cục Viễn Đông của CSQT tại Thượng Hải tên là Paul Ruegg (bí danh là Hilaire Noulens) bị cảnh sát Thượng Hải bắt sau khi theo dõi một cán bộ CSQT tên là Joseph Ducroux. Ông này đi một vòng các nước Đông Nam Á và thường xuyên đánh điện về cho CSQT tại Mạc Tư Khoa. Sau khi bắt được Noulens thì mật thám Thượng Hải lần lượt bắt các cán bộ Cọng sản quốc tế khác. Chánh sở mật thám Thượng Hải là một người Hoa Kỳ. Do đó vào năm 1937, khi quân Nhật đánh vào Thượng Hải thì hồ sơ vụ Noulens được chuyển về kho lưu trữ tại Văn khố Quốc gia Hoa Kỳ. Trong đó có rất nhiều tài liệu liên quan tới NTT (với mật danh là Victor) và ĐCSĐD.

Năm 1931, sáng sớm ngày 6 – 6, Nguyễn Tất Thành bị cảnh sát Anh bắt tại nhà riêng ở số 186 Tam Kaw Road, Khu phố Cửu Long, Hồng Kông với thông hành mang tên Tống Văn Sơ. Lục soát trong nhà cảnh sát tịch thu 21 văn kiện chứng tỏ các hoạt động gián điệp của Lý Thụy cho Cọng sản Nga ở vùng Đông Nam Á (Hsltr/Quốc gia Pháp, báo cáo của Toàn Quyền Đông Dương). Trong nhà lúc đó còn có một người phụ nữ cùng sống trong nhà, đó là Lý Ứng Thuận, cô khai là cháu của Tống Văn Sơ. Cảnh sát bắt luôn Lý Ứng Thuận, 2 tháng sau thì cô được tha (Hsltr/Quốc gia Hoa Kỳ, vụ án Noulens).

* Chú giải : Nhân vật Lý Ứng Thuận

Lý Ứng Thuận được sử gia Quinn Judge ghi trong phần tiểu sử các nhân vật ở cuối sách là: “một nữ học viên cách mạng được gửi từ Thái Lan sang”, “đôi khi được ám chỉ là vợ của Hồ Tùng Mậu”, “đóng vai cháu của Lý Thụy”, “Cô ta sống trong nhà Hồ Chí Minh lúc ông ta bị bắt vào tháng 6 năm 1931 ( Quinn Judge, HCM The missing years, trang 321).

Không hiểu từ nguồn tài liệu nào mà bà Quinn Judge có được những thông tin này. Tuy nhiên trong các chương trong sách thì bà ghi : “một số người Việt nói tiếng Hoa gồm có Lê Quang Đạt, Hồ Tùng Mậu và vợ Mậu là Lý Ứng Thuận đã đi Vladivostok tham dự một khóa huấn luyện tuyên truyền 3 tháng của Đảng Cọng sản Trung Hoa”(trang 162), “Lý Ứng Thuận, vợ của Hồ Tùng Mậu, cùng bị bắt với ông Hồ” (trang 191). Trong sách thì bà Quinn Judge quả quyết Thuận là vợ của Hồ Tùng Mậu, nhưng trong phần tiểu sử ở cuối sách thì bà có vẻ không chắc.

Cuộc đời sau này chứng tỏ Lý Ứng Thuận không phải là vợ của Hồ Tùng Mậu, khi bị bắt cô khai là người Trung Hoa, chỉ là bà con xa với ông Tống Văn Sơ (NTT) nên không biết việc làm của ông ta. Do đó 2 tháng sau cô được thả. Trước khi bị bắt cô đã hoạt động cho ĐCS Trung Quốc, năm 1930 cô cùng Hồ Tùng Mậu và anh rễ là Lê Quang Đạt tham dự khóa huấn luyện tuyên truyền của ĐCS Trung Quốc tại Vladivostok và được mật thám Anh ghi nhận như là “bồ” của Hồ Tùng Mậu.

Ngoài ra, một điều cần ghi nhớ là thời gian này Hồ Tùng Mậu đang bất mãn Nguyễn Tất Thành về vụ ông này từng cộng tác với Lâm Đức Thụ làm hại Mậu và các đồng chí trong VNTNCMĐCH. Trước khi Nguyễn Tất Thành di trú qua Hồng Kông thì Hồ Tùng Mậu đã chấm dứt liên lạc với Lê Tán Anh, Lê Duy Điếm, Trương Văn Lệnh. Sau đó Hồ Tùng Mậu có tham dự một cuộc họp với Ngô Đức Trì, Nguyễn Tất Thành và đại diện của ĐCS Trung Quốc vào tháng 9 năm 1930.

Nhưng sau cuộc họp đó ông đã quyết định ly khai nên từ chối tham dự hội nghị thành lập đảng do Trần Phú và Ngô Đức Trì tổ chức. Và cho tới khi bị trục xuất khỏi Hồng Kông rồi bị bắt, bị giải giao về Việt Nam, ông không hề liên lạc với đảng CSVN. Do đó việc Mậu có vợ là Lý Ứng Thuận (Lee Siam) và gởi vợ của mình trong nhà Nguyễn Tất Thành là một điều vô lý. Càng vô lý hơn nữa là sau khi được tha Lee Siam lại về sống trong nhà của Lâm Đức Thụ, một kẻ thù mà Hồ Tùng Mậu cố tìm để thanh toán nhưng không gặp.

Có một vài chi tiết trùng hợp mà sử gia Quinn Judge lấy của người này gán cho người kia. Thí dụ như nói rằng Nguyễn Thị Minh Khai từng sống tại nhà riêng của ông Hồ Chí Minh tại Hồng Kông vào tháng 10 năm 1930, giữa năm 1931 bị bắt giam vào nhà tù Quảng Châu, cô ta khai là người Trung Hoa. Nhưng khi nói về Lý Ứng Thuận thì cũng sống tại nhà riêng của ông HCM tại Hồng Kông, giữa năm 1931 bị bắt giam vào nhà tù Quảng Châu, cô ta khai là người Trung Hoa.

Những chi tiết này chỉ đúng với Ứng Thuận chứ với Minh Khai thì cô sinh và lớn lên tại Nghệ An, chắc chắn năm 1930 cô ta còn hoạt động ở Việt Nam, làm sao mà giữa năm 1931 lại có thể nói thành thạo tiếng Tàu để khai với cảnh sát Tàu rằng mình là người Trung Hoa. Còn Ứng Thuận sinh tại Thái Lan nhưng sống trong cộng đồng nói tiếng Hoa, lớn lên cô với anh chị là Lý Tự Trọng và Lý Phương Đức đi học tại Quảng Đông cho nên cô khai là người Hoa thì có lý. Vậy mà trong sách của bà Quinn Judge cũng ghi hai cô y như nhau.

Thực ra thì năm 1980 các tài liệu của cảnh sát Pháp được đưa ra công chúng. Người ta đọc được một số báo cáo của nhân viên mật thám Anh tại Hồng Kông nói về cuộc sống của HCM khoảng nửa cuối năm 1930 đến nửa đầu của năm 1931, các báo cáo có nói về một người phụ nữ cùng sống trong nhà ông ta nhưng không nói tên, báo cáo theo dõi tới lúc ông Hồ bị bắt là hết. Sử gia Quinn Judge đọc các tài liệu này cho rằng đó là Minh Khai cho nên cứ thay thế tên của nhân vật nữ đó bằng tên Minh Khai. Sở dĩ bà cho rằng đó là Minh Khai bởi vì bà đọc trong tiểu thuyết của nhà văn nữ Nguyệt Tú có đoạn nói lúc ông Hồ ở tại Hồng Kông có làm việc chung với Minh Khai.

Trong khi bà Quinn Judge đinh ninh rằng người phụ nữ sống trong nhà ông Hồ tại Hồng Kông là Minh Khai thì năm 1990, sử gia William Duiker đọc tài liệu của văn khố Quốc gia Hoa Kỳ phát hiện một số báo cáo khác của nhân viên mật thám Anh, ghi rõ tên thật của người phụ nữ cùng sống chung trong nhà ông Hồ là Lý Ứng Thuận (Lee Siam). Như vậy nhân vật nữ mà cảnh sát Pháp đề cập tới là Ứng Thuận chứ không phải là Minh Khai.

Năm 1931, tháng 11, điệp viên Pinot, tức là Lâm Đức Thụ, báo cáo cho mật thám Pháp rằng ông ta đã nhận được lời nhắn của Lý Thụy từ trong tù. Lý Thụy yêu cầu Thụ giúp đỡ những người Việt Nam được tha khỏi nhà tù Quảng Châu. Lý Thụy cũng nhờ Thụ coi sóc giùm tổ chức của ông ta trong khi chờ đợi MTK cử người thay thế, hy vọng Trương Văn Lệnh sẽ thay thế ông ta nếu Lệnh sớm được tha ra khỏi nhà tù.

Cũng theo Lâm Đức Thụ thì Lý Thụy đặc biệt quan tâm tới cuộc sống của “người thân (phái nữ) của ông ta” (HslTr/Quốc gia Pháp, ghi chép của Chánh mật thám Sài Gòn, ngày 19-11-1931. Theo sử gia Quinn Judge thì người phụ nữ này là Minh Khai. Tuy nhiên sự thật thì lúc này Minh Khai đang nằm trong nhà tù Hải Phòng, chờ ngày ra tòa vào tháng sau. Như vậy người phụ nữ mà Lý Thụy quan tâm hoàn toàn không phải là Minh Khai nhưng rất có thể là Ứng Thuận; bởi vì cũng theo tài liệu của mật thám Pháp thì lúc này Ứng Thuận đang sống tạm tại nhà của Lâm Đức Thụ sau khi được ra khỏi tù vào tháng 8-1931).

*Chú giải : Lật lại vụ án Nguyễn Tất Thành bán nước

Lúc này Lâm Đức Thụ đã bị lộ diện là mật vụ của Pháp, ông ta đã trốn vào một nơi bí mật; thế mà Nguyễn Tất Thành vẫn còn liên lạc và vẫn tiếp tục giữ quan hệ mật thiết !? Căn cứ vào chi tiết này, Sử gia Quinn Judge cho rằng đây là bằng chứng để người ta “kết án về tư cách đạo đức” của ông Nguyễn Tất Thành, nghĩa là ông ta với Lâm Đức Thụ đồng một ruột Việt gian bán nước! (Ho Chi Minh, The Missing Years, trang 194. Nguyên văn:

“It is indeed strange that he would have contacted a known informer at this point – perhaps he bilived that no more damage that Thu could do, with the party’s work so badly disrupted. These contacts may have resulted in criticism of Ho’s conduct after his release”: ( Thật là lạ lùng khi ông ta vẫn còn liên lạc với một tay chỉ điểm đã bị lộ diện trong thời điểm này. Có lẽ ông ta tin rằng Thụ không còn gì để có thể phá hoại thêm đối với một cái đảng đã khá tan nát. Sự liên lạc này có thể là nguyên do khiến cho ông Hồ bị kết án về tư cách đạo đức sau khi ông ta ra khỏi nhà giam ).

Trước cáo buộc của sử gia Quinn Judge, các sử gia tuyên huấn CSVN đành phải ngọng vì không thể chối cãi được. Nhưng họ cũng không thể nào chấp nhận nổi chuyện ông Hồ là một người phản quốc. Chuyện này khủng khiếp quá, vì vậy họ đành ém nhẹm bằng cách coi như sử gia Quinn Judge là một nhân vật chưa hề có mặt trên cõi đời, và tác phẩm của bà ta không hề được nhắc đến trong các bài viết của các cây viết tuyên huấn CSVN!

Tuy nhiên nếu lấy công tâm mà xét thì có thể ông Thành vộ tội. Bởi vì chuyện ông ta nhờ Lâm Đức Thụ coi sóc giùm cơ sở CSVN đã chứng tỏ ông Thành không cho Thụ là một người phản bội, nếu cho rằng Thụ phản bội thì ông đã không nhờ Thụ tạm thay thế trong khi chờ đợi Mạc Tư Khoa. Vậy thì chỉ còn một giả định duy nhất là ông Thành biết Thụ cọng tác với Pháp nhưng đồng thời ông cũng biết rõ Thụ làm gián điệp cho Pháp để làm tay trong cho tổ chức CSVN, tức là Lâm Đức Thụ làm gián điệp hai mang nhưng mang CSVN mới là mang chính của Lâm Đức Thụ.

Giả thuyết này rất có lý, vì từ trước tới sau, cá nhân của ông Hồ cũng như các cán bộ Cọng sản khác đều không bị hại qua tay Lâm Đức Thụ mặc dầu Thụ biết rất nhiều về các nhân vật CSVN như là Lê Tán Anh, một tay đại sát thủ từ thời Tâm Tâm Xã, nhưng các báo cáo của Thụ không hề nhắc tới Lê Tán Anh như là một đối tượng nguy hiểm của chính phủ Pháp; mặc dầu hai người rất thân thiết, có khi cùng sống chung một nhà.

Hay như Hồ Tùng Mậu, Trương Văn Lệnh, Lê Quang Đạt là những lãnh tụ Cọng sản Việt Nam được Nguyễn Tất Thành kết nạp từ năm 1925. Thế nhưng năm 1928 Mậu và Lê Quang Đạt bị cảnh sát Trung Hoa bắt vì tội thành lập đảng Cọng sản nhưng được vài tháng lại tha; sau đó Hồ Tùng Mậu và Trương Văn Lệnh bị cảnh sát Hồng Kông bắt giam vì có liên quan với Cọng sản nhưng chỉ trục xuất khỏi Hồng Kông. Chứng tỏ dưới con mắt của cảnh sát Trung Hoa và cảnh sát Anh thì Mậu, Lệnh và Đạt chỉ là những nhân vật làm giao liên để kiếm sống. Nếu Lâm Đức Thụ báo cáo thật về các ông thì chắc chắn các ông sẽ bị giải giao về Việt Nam theo như Hiệp định hợp tác an ninh giữa chính quyền Pháp tại Đông Dương với chính quyền Trung Hoa và chính quyền Anh tại Hồng Kông.

Hơn nữa, năm 1935 ông Nguyễn Tất Thành bị 4 năm kỷ luật tại Mạc Tư Khoa vì có liên can trong vấn đề Lâm Đức Thụ bán các đồng chí, việc này ông không thể nào quên hay không để ý tới. Vậy mà năm 1945 Lâm Đức Thụ từ Căm Bốt vẫn trở lại Hà Nội tìm thăm Hồ Chí Minh hai lần và sau đó thản nhiên về Thái Bình lập đảng chính trị riêng, chứng tỏ lương tâm của Thụ không có gì áy náy về những việc làm mà ông và ông Thành cùng thỏa thuận hành động.

Lúc ông Thụ đến thăm thì ông Thành không hô người bắt ông Thụ mặc dầu lúc đó ông thừa biết Lâm Đức Thụ là mật thám của Pháp qua báo cáo của Hà Huy Tập vào năm 1935 và cũng vì báo cáo này mà ông bị 4 năm kỷ luật. Phải chăng ông không dám hô bắt Thụ vì chính ông cũng là một tay điềm chỉ của Pháp? Rõ ràng hơn nữa là việc ông đã bao che cho Lâm Đức Thụ bằng cách đổ cho Phan Bá Ngọc bán cụ Phan Bội Châu mặc dầu Ngọc đã chết trước đó 3 năm.

Nếu suy xét hời hợt thì có thể kết án ngay Nguyễn Tất Thành như là sử gia Quinn Judge đã kết án. Tuy nhiên nếu xét kỹ thì có thể trong lương tâm hai người vẫn một lòng yêu nước và cùng hành động phục vụ dân tộc theo cái cách riêng của các ông. Cả hai đều biết với nhau rằng Thụ hoạt động gián điệp hai mang, nhưng mang yêu nước mới là mang chính, và Thành là người sẽ làm chứng cho Thụ trước nhân dân, trước lịch sử.

Nhưng không ngờ là đến năm 1947 thì Nguyễn Tất Thành đã cho lệnh giết Thụ vì tội theo đảng Việt Cách của Nguyễn Hải Thần, và sau đó thì ông ta im lặng luôn trước lịch sử. Ngày nay lịch sử đã có đủ bằng cớ để suy ra Lâm Đức Thụ không làm điều gì phản lại Nguyễn Tất Thành, nhưng vấn đề là Thụ và Thành có vô tội trước lịch sử hay không?

Nếu đặt ngược lại vấn đề, nghĩa là giả định rằng Lâm Đức Thụ là một con người bán nước thì tại sao cuối năm 1946 Pháp đã đuổi Hồ Chí Minh lên núi và đang tìm cách triệt tiêu ảnh hưởng của Hồ Chí Minh, vậy mà Lâm Đức Thụ không ra trình diện chính quyền Pháp để người Pháp có thể dùng Thụ làm con bài tố cáo Hồ Chí Minh trước dư luận quần chúng? Rõ ràng nếu người Pháp đưa ông Thụ ra trước công chúng để làm chứng về việc ông ta từng cộng tác với Hồ Chí Minh bán Phan Bội Châu hay các nhà ái quốc khác thì người Pháp có thể triệt hạ được tổ chức Việt Minh một cách dễ dàng mà không cần tốn tiền nuôi nhiều sư đoàn quân lính để tiêu diệt Hồ Chí Minh.

Điều này chứng tỏ thực sự Lâm Đức Thụ không phải là con người bán nước. Nếu ông ta vì tiền thì ông ta sẽ có rất nhiều tiền nếu ông ta ra trình diện với nhà cầm quyền Pháp. Còn đằng này Thụ không trốn về vùng do Pháp kiểm soát, mà lại sống trong vùng do Việt Minh kiểm soát, để đến nỗi cuối cùng bị Hồ Chí Minh thanh toán !

Dầu sao đây cũng chỉ là một nghi án mà không thể nào tìm ra được sự thực vì những người trong cuộc đã giã từ cuộc đời trong im lặng. Tuy nhiên giả thuyết trên đây có một tác dụng duy nhất là đưa ra một lập thuyết nhằm phản đối những lời cáo buộc không tốt về Lâm Đức Thụ hay Nguyễn Tất Thành. Đã có đủ bằng chứng để chứng minh được rằng Lâm Đức Thụ và Nguyễn Tất Thành không phản quốc. Chỉ có một sự phản bội duy nhất có thể có, đó là ông Thành đã phản bội người bạn thân thiết và phản bội một nhà ái quốc để bảo vệ sự nghiệp riêng.

Còn nếu như cứ khăng khăng cho rằng Thụ là tay phản quốc thì đương nhiên ông Nguyễn Tất Thành cũng phản quốc.

Năm 1931, cuối tháng 6, Hồ Tùng Mậu bị trục xuất khỏi Hồng Kông mà không có giấy tờ. Lệnh trục xuất ông Mậu được toàn quyền Hồng Kông thông báo cho Lãnh sự Pháp tại Hồng Kông ( Theo thỏa ước an ninh giữa chính quyền Pháp tại Đông Dương và chính quyền Anh tại Hồng Kông ). Nhờ đó mật thám Pháp theo dõi Mậu và bắt ông tại Thượng Hải.

Sau này trong nội bộ ĐCSVN có tin lưu truyền rằng Nguyễn Tất Thành, Hồ Tùng Mậu, Phan Đức, Nguyễn Huy Bồn bị bắt là do Trần Văn Giàu đã khai với Cảnh sát Pháp tại Sài Gòn. Tuy nhiên ngày nay các hồ sơ mật được giải mã thì các ông bị bắt do vụ Noulens. Sử gia Hémery đã tìm được một bức điện của chánh mật thám Néron, từ Hà Nội gửi cho một giới chức Pháp tại Hồng Kông, cho biết ông ta đang tìm cách chuyển sang Trung Hoa số tiền thưởng về vụ bắt 4 nhân vật cọng sản Việt Nam tại Hồng Kông và Thượng Hải. Gồm có 15 ngàn cho vụ bắt Nguyễn Ái Quốc và 30 ngàn cho vụ bắt các ông Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Huy Bồn và Phan Đức, mỗi ông 10 ngàn.

So sánh số tiền thưởng dành cho mỗi ông thì cũng có thể đoán được rằng mật thám Pháp đánh giá ông Nguyễn Tất Thành ngang hàng như các ông Mậu, Bồn, Đức. Có thể vụ bắt NAQ tại Hồng Kong là vụ riêng lẻ và tiền thưởng dành cho nhân viên an ninh của nhà cầm quyền Anh cho nên phần ông Quốc có nhỉnh hơn các ông kia nhưng cũng không đến nỗi cao gấp đôi. Chứng tỏ NAQ không phải là một nhân vật cao giá gấp 5 hay gấp 10 người khác như trường hợp Phan Bội Châu (100 ngàn).

Năm 1931, ngày 18-8, Tòa án Hồng Kông ra lệnh trục xuất Sung Man Cho (Nguyễn Tất Thành) về Việt Nam sau 3 tháng tạm giam. Thống đốc Hồng Kông cũng thông báo cho Lãnh sự Pháp tại Hồng Kông biết ngày NTT được thả. Tuy nhiên rút kinh nghiệm trong vụ thả Hồ Tùng Mậu, luật sư của NTT kháng án với lý do nếu về Việt Nam ông ta có thể bị tử hình theo án xử khiếm diện của tòa án Vinh ngày 11-10-1929. Ngày 11-9 tòa án Tối cao của Hồng Kong vẫn y án trục xuất NTT về Việt Nam. Luật sư lại kháng cáo lên Hội đồng Cơ mật Vương quốc Anh. Hội đồng ra lệnh tạm ngưng thi hành lệnh trục xuất và giao cho toàn quyền Hồng Kông nghiên cứu sẽ trục xuất ông ta về đâu.

NTT tiếp tục bị giam để chờ người ta nghiên cứu. Luật sư của ông biết rõ nếu ra khỏi tù ông sẽ bị mật thám Pháp theo dõi và bắt về Việt Nam cho nên cách hay nhất là kháng cáo để chờ phán quyết của Hội Đồng Cơ mật Vương quốc Anh, chỉ cần nhà cầm quyền Hồng Kông giữ bí mật ngày thả và nơi đến của NTT sau khi bị trục xuất. Cũng vì vụ kháng án này mà Nguyễn Tất Thành bị giam lâu hơn các ông Hồ Tùng Mậu, Trương Văn Lệnh, chứ nếu không ông cũng chỉ bị giam 3 tháng như 2 ông kia.

Năm 1931, tháng 12, Hội đồng đề hình do Bouchet chủ tọa xử án vụ các cán bộ Cọng sản tại Hải Phòng giết cô Trịnh Thị Uyển và bắn bị thương cô Trịnh Thị Nhu để bảo vệ bí mật của tổ chức. Tòa tuyên án Nguyễn Đức Cảnh, Hồ Ngọc Lân tử hình; Đỗ Ngọc Du, Dương Hạc Đính khổ sai chung thân; Nguyễn Thị Vịnh (Nguyễn Thị Minh Khai) và Lê Thị Chắt (vợ của Đỗ Ngọc Du) phát lưu chung thân (Bị chỉ định cư trú tại những nời xa xôi, thường là vùng biên giới).

Chuyện giết người xảy ra vào giữa năm 1929. Lúc đó Nguyễn Thị Vịnh là tỉnh ủy viên Hải Phòng do Nguyễn Đức Cảnh là Bí thư tỉnh ủy. Cả hai cùng dính líu trong vụ giết cô Uyển và cô Nhu. Nguyễn Đức Cảnh bị bắt vào cuối tháng 4 năm 1931 còn Nguyễn Thị Vịnh bị bắt cuối năm 1930. Sau khi tòa tuyên án, Nguyễn Thị Vịnh tức Nguyễn Thị Minh Khai không trình diện cư trú tại nơi lưu đày mà trốn sang Trung Hoa .

Dựng lại Đảng Cọng sản Đông Dương

Năm 1932, tháng 2, sau khi Trần Phú bị bắt và chết vì bệnh lao tại nhà thương Chợ Quán, Nguyễn Tất Thành đang bị giam trong nhà tù Hồng Kông, CSQT cử Trần Ngọc Danh (em ruột Trần Phú) từ Mạc Tư Khoa về Quảng Châu, ông gặp Lê Tán Anh và Nguyễn Thị Minh Khai mới trốn án lưu đày từ Việt Nam qua, ba người gom góp các đảng viên còn lại sau biến cố 1931. Trong khi đó Lê Hồng Phong cũng từ Mạc Tư Khoa trở về Nam Ninh vào tháng 4 năm 1932 tổ chức mạng lưới hoạt động giữa tỉnh Quảng Tây, Vân Nam của Trung Hoa và Tỉnh Cao Bằng của Việt Nam.

Trần Phú, Trần Ngọc Danh, Nguyễn Thị Minh Khai quen biết nhau tại thành phố Vinh Tỉnh Nghệ An, trước kia cùng nhau hoạt động trong Tân Việt Cách mạng Đảng. Họ nhận ra nhau dễ dàng trên đất Trung Hoa. Ngoài ra đến tháng 8 lại thêm một nhân vật quan trọng từ Mạc Tư Khoa về tăng cường, đó là Hà Huy Tập, cũng là cựu đảng viên Tân Việt tại Vinh, Nghệ An.

Năm 1932, ngày 25 tháng 9, Lê Tán Anh và Trần Ngọc Danh bị bắt tại Thượng Hải, đưa về Hải Phòng; Trần Ngọc Danh ra Côn Đảo còn Lê Tán Anh bị xử bắn vào năm sau. Tháng 3 năm 1933 Nguyễn Thị Minh Khai từ Thượng Hải trở về Hồng Kông, cô liên lạc được với Lê Hồng Phong. Tháng 8 Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Rụt từ Mạc Tư Khoa về Quảng Châu, cùng với Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai thành lập “Cục Hải ngoại” của ĐCSĐD.

Nguyễn Tất Thành ra khỏi tù và chạy về Nga lần 2

Năm 1932, ngày 20-4, báo L’Opinion tại Hồng Kông loan tin có một người Việt Nam nhỏ bé có tâm hồn của một lãnh tụ đang bị suy nhược vì lao lực trong nhà tù Hồng Kông. Viên Lãnh sự Pháp tại Hông Kông là Soulange Teissier gởi thư cho bộ Ngoại giao Pháp báo cáo rằng Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn Tất Thành) đang bị bệnh lao trong tù, tuy nhiên tình trạng bệnh có thể cứu chữa được.(Hsltr/Văn Khố Pháp).

Năm 1932, ngày 16-5, Lâm Đức Thụ gởi báo cáo cho mật thám Pháp, cho biết ông ta vẫn nhận được tin tức về Nguyễn Tất Thành qua văn phòng của luật sư Loseby là người đang nhận bào chữa cho Thành (Hsltr/Quốc gia Pháp).

Năm 1932, ngày 11-8, báo Daily Worker tại London loan tin Nguyễn Ái Quốc đã chết trong trại tù Hồng Kông vì bệnh lao phổi. Tuy nhiên Lãnh sự Pháp tại Hồng Kong báo cho mật thám Pháp tại Hà Nội rằng đó chỉ là tin đồn thất thiệt (Hsltr/ Văn khố Pháp).

Năm 1932, ngày 27-8, luật sư của Sung Man Cho (Tống Văn Sơ hay là Nguyễn Tất Thành) và luật sư của nhà cầm quyền Hồng Kông đã thỏa thuận với nhau về nơi đến của Sung Man Cho sau khi ông ta bị trục xuất mà không cho tòa lãnh sự Đông Dương tại Hồng Kông biết (Hsltr/Quốc gia Pháp).

Năm 1933, ngày 6-1, Nguyễn Tất Thành đến Singapore nhưng bị chính quyền Singapore bắt vào ngày 11-1 vì tội di dân lậu rồi buộc ông phải lên tàu trở lại Hồng Kông. Tàu Thủy Ho Sang đưa ông đến bến Hồng Kông vào ngày 19-11; cảnh sát đón ông tại bến tàu và lại tiếp tục giam ông về tội di dân bất hợp pháp.

Năm 1933, ngày 20-1, để trả lời công điện của Mật thám Pháp tại Đông Dương, Toàn quyền Hồng Kông gửi công điện cho biết Nguyễn Ái Quốc đã chết trong tù vì bệnh lao và nghiện thuốc phiện (Hsltr /Quốc gia Pháp).

Năm 1933, ngày 15-2, báo Cahiers du Bolchévisme tại Mạc Tư Khoa đăng tin đồng chí Nguyễn Ái Kvak đã hy sinh trong nhà tù Hồng Kong vào ngày 26-6-1932.

* Chú giải: Sự thật về nhân vật Hồ Tập Chương

Sau khi được Toàn quyền Hồng Kong thông báo rằng Nguyễn Ái Quốc đã chết thì mật thám Pháp khóa hồ sơ theo dõi NAQ. Quả nhiên sau đó hơn 10 năm họ hoàn toàn không nhận được tin tức nào chứng tỏ NAQ còn sống.

Nhưng cho tới năm 1945 thì hồ sơ về NAQ được mở trở lại và mọi hình ảnh cũng như bút tích cho thấy Hồ Chí Minh chính là nhân vật Nguyễn Ái Quốc trước đây. Sự xuất hiện trở lại của Nguyễn Ái Quốc khiến cho giới nghiên cứu tình báo Pháp bùng nổ nhiều bàn cãi. Rồi đến năm 1948, sau khi cuốn tự truyện của ông Hồ Chí Minh dưới tên Trần Dân Tiên được phát hành thì rộ lên tin Nguyễn Ái Quốc thật đã chết trong tù từ năm 1932, còn Hồ Chí Minh chỉ là Nguyễn Ái Quốc giả.

Vì vậy năm 1949, một thiếu tá tình báo Pháp tại Sở Cảnh sát Sài Gòn đã tổng hợp các chứng liệu về Hồ Chí Minh thời 1932 và kết luận rằng Chính quyền Hồng Kông tung tin NAQ chết là để sử dụng NAQ làm điệp báo nhằm theo dõi hoạt động của CSQT tại Viễn Đông, bản thân ông Quốc muốn hoạt động bí mật tại Thái Lan với một tên khác (Hsltr/Quốc gia Pháp).

Riêng ông Hồ Chí Minh trong tự truyện ký tên T. Lan viết rằng: “tức tối vì không bắt được Bác, giận dữ đối với người Anh, các báo thực dân Pháp bịa đặt ra tin rằng: Bác mắc bệnh lao trong nhà lao Anh, và đã chết rồi”.

Tuy nhiên sau cái chết của ông Hồ Chí Minh năm 1969, báo New York Time ngày 6-9-1969 đã đăng bài phỏng vấn bà vợ của luật sư Loseby. Bà Loseby xác nhận rằng tin Nguyễn Ái Quốc bị chết trong tù là do chính luật sư Loseby tung ra để đánh lạc hướng theo dõi của mật thám Pháp, nhằm giúp cho NAQ không bị mật vụ của Pháp theo dõi để bắt sau khi ông ta được thả ra khỏi nhà giam.

Những khúc mắc về tin Nguyễn Tất Thành chết năm 1933 đã được giải tỏa. Nhưng đến năm 2008, tại Đài Loan có một giáo sử sử học tên Hồ Tuấn Hùng cho xuất bản quyển sách “Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo”. Theo giáo sư Hùng thì ông đọc trong sách của sử gia Quinn Judge có ghi rằng báo Daily Worker ngày 11-8 loan tin Nguyễn Ái Quốc đã chết trong tù Hồng Kông. Và sách của sử gia William Duiker cho biết trong Văn khố quốc gia Pháp một công điện của Toàn quyền Hồng Kông báo cho Mật thám Pháp tại Đông Dương rằng Nguyễn Ái Quốc đã chết trong tù vì bệnh lao và nghiện thuốc phiện.

Căn cứ vào những điều trên, giáo sư Hồ Tuấn Hùng viết ra quyển sách Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo với giả thuyết riêng của ông : Đó là mật thám của Trung Cộng đưa người khác vào thế vị trí của Nguyễn Tất Thành hầu tiếp tục chỉ huy Đảng Cọng sản Đông Dương. Người giả Nguyễn Tất Thành tên là Hồ Tập Chương, một người sắc tộc Miêu ở Đài Loan, có bà con với giáo sư Hồ Tuấn Hùng.

Quyển sách được phát hành vài tháng thì các sử gia CSVN và Quốc tế kết luận đây chỉ là một chuyện tưởng tượng của Hồ Tuấn Hùng. Nhân vật Hồ Chí Minh có phải là Nguyễn Tất Thành hay không thì chỉ cần so sánh chữ viết trong đơn xin học Trường Thuộc địa vào năm 1911 với di chúc của Hồ Chủ tịch thì cũng đủ xác định được Nguyễn Tất Thành, Paul Tất Thành, Nguyễn Ái Kvak, Trần Vương, Lý Thụy, Mai Pín Thầu, Tống Văn Sơ, Hồ Quang, Hồ Chí Minh…cũng chỉ là một người ( Thủ bút của Nguyễn Tất Thành còn lưu lại trong hồ sơ lưu trữ Quốc gia Pháp, Hồ sơ lưu trữ Mạc Tư Khoa, và hồ sơ lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ ).

Riêng năm 1931, trước khi NTT bị bắt, có tới 21 thủ bút của NTT còn lưu tại Văn khố Quốc gia HK, được sử gia William Duiker phổ biến năm 2.000. Và năm 1934, sau khi Nguyễn Tất Thành được thả, thủ bút của NTT còn lưu lại trong bản khai lý lịch của NTT khi ông mới chạy về Mạc Tư Khoa. Sau đó là thủ bút của ông trong thời gian theo học trường Stalin. So sánh tự dạng các thủ bút này thì NTT trước khi bị bắt và NTT sau khi được thả chỉ là một người. Và rồi từ Trường Stalin, nhân vật NTT này đã trở về Trung Hoa năm 1938 và về VN năm 1941 để nương náu chờ thời tại hang Pác Bó.

Nếu thủ bút của NTT sau khi được thả ( 1934 ) khác với thủ bút của NTT trong các bản báo cáo gởi về MTK năm 1931 thì ắt mật vụ của Stalin đã phát hiện ra ( Mật vụ của Stalin thời đó không đến nỗi tồi ).

Còn ông Hồ Tập Chương cho tới 30 tuổi chưa viết được chữ La Tinh thì làm sao giả cho giống hệt chữ La Tinh của NTT ? Người bắt đầu tập viết chữ ABC vào năm ngoài 30 tuổi thì tay đã cứng, không thể nào nhái chữ ( ABC ) của người khác được. Ngoài ra đã hơn 30 tuổi thì không thề nào học nói tiếng Việt cho chuẩn được bởi vì lưỡi đã cứng. Huống hồ giả giọng Nghệ An thì không thể nào giả nổi. Có hằng vạn “anh ba Tàu” nói tiếng Việt rất sỏi, nhưng không có anh nào nói được giọng Nghệ An.

Trong khi đó giả thuyết của giáo sư Hồ Tuấn Hùng cho rằng sau khi bị bắt thì NTT đã chết, sau đó tình báo Trung Cọng dựng lên một NTT giả hoạt động cho tình báo Trung Cộng tại Hoa Nam. Và rồi năm 1941 Trung Cộng đưa NTT giả về VN.

Điều này không đúng với lịch sử Trung Cọng, bởi vì năm 1932 tổ chức Cọng sản Trung Quốc chỉ là một nhóm kháng chiến chống lại Tưởng Giới Thạch, hoàn toàn chưa có ý đồ dòm ngó tới hoạt động chính trị của các nước khác. Cho đến năm 1936 Mao Trạch Đông chính thức nắm quyền của ĐCSTQ thì tổ chức CSTQ vẫn chưa chiếm được một tỉnh nào của Trung Hoa để làm trụ sở. Đảng Cọng sản của Mao còn chưa lo nổi cho cuộc tranh giành quyền lực với Tưởng Giới Thạch trong nội bộ TQ thì có hơi đâu mà đi dòm ngó nước khác. Mãi cho tới sau khi chiếm được nước Trung Hoa năm 1949 thì Mao Trạch Đông mới bắt đầu để mắt nhìn ra nước ngoài. Do đó giả thuyết về đặc tình Trung Quốc vào năm 1933 chỉ là tưởng tượng.

Có thể chấp nhận chuyện ông Hồ Tập Chương giống hệt ông Nguyễn Tất Thành do tình cờ có người giống người, cũng có thể chấp nhận chuyện có người giả chữ giống hệt chữ của ông NTT do có người có hoa tay đặc biệt. Nhưng không thể nào có người vừa giống hệt ông NTT mà lại vừa có hoa tay đặc biệt. Huống hồ lại thêm nói giọng Nghệ An giống hệt ông NTT. Lại thêm nhớ mặt, nhớ địa chỉ của tất cả bạn bè quen biết của ông NTT ở Pháp, ở Nga; kể cả các viên chức mật vụ của CSQT (sic).

Đặc biệt giáo sư Hùng không có được một hình ảnh nào của riêng ông để chứng minh Hồ Chí Minh là Nguyễn Tất Thành giả, ông chỉ trưng ra những hình của HCM trong tài liệu của Pháp. Nhưng không cần đợi tới tài điều tra của giáo sư Hùng, ngay từ năm 1945 các chuyên gia căn cước của mật thám Pháp đã đưa các hình này lên kính hiển vi và xác nhận rằng Nguyễn Tất Thành chính là Hồ Chí Minh.

Nếu năm 1945 mà các chuyên gia căn cước của cảnh sát Pháp chứng minh được Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Ái Quốc thì họ không dại gì mà không bí mật làm áp lực buộc ông Hồ Chí Minh phải ký kết những hiệp ước trở lại thời thuộc địa như họ đã buộc ông hoàng Cao Miên và ông Hoàng Lào. Nếu Hồ Chí Minh không nghe thì họ sẽ tung ra trước dư luận để khỏi tốn tiền nuôi hằng chục sư đoàn để đi đánh ông Hồ Chí Minh trên rừng Việt Bắc.

Một khi Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Ái Quốc thì cái ông tự xưng là cha già của dân tộc Việt Nam sẽ rơi mặt nạ, hiện nguyên hình là một tay lừa đảo; lúc đó uy tín của tổ chức Việt Minh sẽ bị hủy hoại và tổ chức sẽ tự tan rã. Nhưng kết quả điều tra của mật vụ Pháp cho thấy Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Tất Thành, không thể chạy chối đi đâu được. Cho nên chính quyền Pháp đành phải quay ra chống đỡ vất vả với lực lượng Việt Minh càng ngày càng lớn mạnh và rồi cuối cùng người Pháp thất bại.

Cho tới ngày nay khả năng điều tra căn cước của các chuyên gia cảnh sát Pháp vẫn thuộc vào hạng thượng thặng của thế giới cho nên khả năng điều tra của họ thời đó phải ăn đứt khả năng suy đoán mơ hồ của giáo sư Hồ Tuấn Hùng.

Ngoài ra cách suy đoán của giáo sư Hùng có những lập luận phản với khoa học điều tra :

– Ông cho rằng “Chiều cao của Hồ Chí Minh cao hơn Nguyễn Tất Thành, vậy Hồ Chí Minh phải là Hồ Tập Chương”. ( Sự thực những trưng dẫn của giáo sư Hùng không hề xác nhận được sự khác nhau về chiều cao giữa HCM và NTT ).

– Ông cho rằng Nguyễn Tất Thành không rành Hán Tự. Nhưng tập thơ “Ngục trung nhật ký” của HCM cho thấy tác giả là một người rất rành văn chương Trung Hoa, vậy Hồ Chí Minh là Hồ Tập Chương (sic).

Đôi lời của Bùi Anh Trinh:

Từ năm 2009 rất nhiều người hỏi tôi về chuyện “Hồ Chí Minh giả”của giáo sư Hồ Tuấn Hùng. Tôi chỉ biết trả lời rằng ông Bùi Tín đã vừa cười vừa nói trên đài phát thanh BBC rằng : “Chuyện ông Hồ Chí Minh giả thì không nên bàn đến nữa, các sử gia quốc tế họ đã nói rằng đây là chuyện bịa”.

Năm nay lại rộ lên chuyện Hồ Tập Chương sau khi báo Thông Luận cho dịch một vài đoạn về tình sử của ông Nguyễn Tất Thành tại Trung Hoa, trích trong tác phẩm “Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo” của giáo sư Hồ Tuấn Hùng. Lần này thì người ta đành phải quấy rầy nhà văn Vũ Thư Hiên ( Một người đã quan sát rất tường tận về diện mạo và sự nghiệp của ông Hồ Chí Minh ) để xin ý kiến của ông.

Ngày 25-9-2013 BBC đăng bài viết của ông Vũ Thư Hiên với những nhận xét và lý luận của ông : “Cái đề tài này rõ là tầm phào”. Cuối cùng ông kết luận : “Theo tôi nghĩ, chuyện Hồ Chí Minh là một người Tàu tên Hồ Tập Chương của học giả Hồ Tuấn Hùng là một tưởng tượng tồi”.

Tôi xin mượn câu kết luận của ông Vũ Thư Hiên để làm câu trả lời cho những ai thường hỏi tôi Hồ Chí Minh có phải là Hồ Tập Chương hay không?


Riêng đối với những người thắc mắc tại sao ĐCSVN không lên tiếng cải chính “khám phá mới” của giáo sư Hồ Tuấn Hùng? Phải chăng chuyện đó có thật cho nên ĐCSVN không dám lên tiếng? Câu trả lời là đối với giới quan sát quốc tế thì nếu chính quyền CSVN lên tiếng là ắt hẳn có vấn đề ( có tịch thì mới rục rịch ). Còn không lên tiếng thì có nghĩa là chuyện tào lao không cần lên tiếng.

Comments

Popular posts from this blog