Nhìn lại biến cố 30/4/1975 và tương lai đất nước
image.png
                                   
Lê Quế Lâm
image.png

Là một quân nhân được phân công làm công tác nghiên cứu cuộc chiến của đất nước, tôi đã viết quyển Việt Nam Thắng và Bại, tường trình cuộc chiến Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh lạnh. Vai trò của người nghiên cứu là chọn lọc những tài liệu khả tín để phân tích, tổng họp và nghiên cứu, đồng thời phối kiểm với nhiều nguồn tin khác, để có cái nhìn tổng quát về một vấn đề nào đó. Trong báo cáo phải có phần ước tính tình hình và đề nghị phương cách ứng phó để thượng cấp tùy nghi quyết định. Thượng cấp còn có nhiều nguồn dữ kiện khác bao quát hơn để cân phân đối phó với mọi tình huống.

Điều bất hạnh của miền Nam tự do là những quyết định lớn nhỏ đều do người Mỹ vạch ra. Qua những gì ghi nhận được, người viết cảm thấy hình như giới lãnh đạo tối cao không hành xử cách ứng phó khôn khéo của người xưa “gặp thời thế thế thời phải thế”, nên trước biến cố đau thương ngày 30/4/1975 người viết có phê phán nặng lời đối với những người lãnh đạo đất nước lúc bấy giờ. Tuy nhiên người viết vẫn luôn ngưỡng mộ cung cách đối phó của họ -những người theo quan niệm Á Đông nhận thiên mệnh, lãnh đạo đất nước.

Trong chương mở đầu Thắng Bại Luận quyển Việt Nam Thắng và Bại, tác giả đã bày tỏ “Những nhân vật chính trị dù bên này hay bên kia chiến tuyến đều được đặt đúng vào vai trò lịch sử của họ. Vì quyền lợi tối thượng của tổ quốc, vì thực tâm muốn rút tỉa bài học lịch sử, đôi khi chúng tôi có những phê phán gay gắt, song tận đáy lòng chúng tôi luôn ngưỡng mộ họ. Vì tựu chung trong một bối cảnh lịch sử nào đó, tất cả đều làm hết chức năng của mình với thành tâm thiện chí mang lại những lợi ích tốt đẹp cho đất nước…Nhưng hậu quả và chung cuộc hình như đáp ứng với kỳ vọng của con người, vì có thiên tài như Marx hay Lenin, họ cũng không tiên liệu hết những gì sẽ xảy ra ở tương lai. Và họ cũng không thể cưỡng lại định mạng đã an bài. Đó là thiên cơ và qui luật phát triển tất yếu của lịch sử, của xã hội”.

Khi tác giả trình Giáo sư Vũ Quốc Thúc duyệt lãm bản thảo nghiên cứu trước khi phát hành sách, cụ nhân chứng lịch sử lão thành đã giải thích mấy chữ“tất yếu của lịch sử”. Cụ “e rằng những danh từ này có thể gây ngộ nhận trong đầu óc của người đọc. Ai cũng rõ đó là quan điểm của Karl Marx, thực ra trước Marx đã có nhiều học giả chủ trương thuyết này”.Theo cụ “Một biến cố lịch sử chỉ đáng coi là tất yếu khi dân tộc ta hoàn toàn bị động, phải chịu đựng chớ không cưỡng nổi. Nói khác, biến cố xảy ra do những nguyên nhân ngoại lai, do sự quyết định của người ngoại quốc chớ không do quyết định của nhà đương quyền Việt Nam. Như vậy đối với toàn thể dân tộc ta, sự diễn tiến của chiến cuộc và lịch sử chính trị tùy thuộc quyết định tối hậu của ngoại bang: nó trở nên tất yếu”.

Tác giả chân thành tri ơn Giáo sư Vũ Quốc Thúc viết lời Tựa để giới thiệu đến độc giả quyển sách Việt Nam Thắng và Bại, để nói lên nổi bất hạnh của dân tộc khi đất nước trở thành đấu trường của hai siêu cường đứng đầu Thế giới tự do và Quốc tế cộng sản. Đó là một quá khứ bi thảm. Quốc tế Cộng sản lợi dụng sự cuồng tín của ông Hồ Chí Minh và các đệ tử của ông, ủng hộ đảng CSVN đẩy hàng triệu người Việt yêu nước thực hiện ba cuộc chiến tranh: giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, tiến lên xã hội chủ nghĩa. Để chống lại địch thủ, chính giới Mỹ đã dùng miền Nam Việt Nam để thực hiện chiến lược của họ. Biến cố 30/4/1975 là do đường lối chiến lược của Mỹ, là quyết định tối hậu của Mỹ: nó trở nên tất yếu của lịch sử.

Nói đến quá khứ bi thảm, người viết đã nghĩ đến tương lai huy hoàng. Vì gieo nhân gì tất phải gặt quả nấy, không thể nào tránh khỏi! Đó là quy luật nhân quả bất di bất dịch của lịch sử, đó cũng là sự phát triển tất yếu của lịch sử. Khi viết quyển Việt Nam Thắng và Bại, tác giả đã có trong đầu Việt Nam Mất và Còn. Thắng bại là lẽ thường tình, nhưng sự tồn vong của đất nước mới là quan trọng. Từ quá khứ bi thảm đến tương huy hoàng phải trải qua thời gian, cũng như quy luật của thiên nhiên đã có hoàng hôn tất phải có bình minh, nhưng phải qua một đêm dài tăm tối.. Đối với những người ưu tư đến vận mạng đất nước, là cả một đêm dài trăn trở, suy tư, thao thức cho đến lúc ánh bình minh ló dạng. trời đã sáng, bóng đêm ảm đảm đã qua.

Ngày trước, đất nước ta là đấu trường của cuộc tương tranh giữa Mỹ và Liên Xô, giờ đây là sự xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng. Lịch sử diễn tiến không ngừng. Nhìn lại quá khứ để rút ra bài học định hướng tương lai.

Nhìn lại những ngày cuối cùng của Miền Nam tự do kết hợp với thực trạng đất nước và tình hình thế giới 44 năm sau, người viết kỳ vọng giúp độc giả có cái nhìn kết cuộc về biến cố 30/4/1975. Nó liên hệ với tương lai với dân tộc như thế nào? Quyển Việt Nam Thắng và Bại sẽ được phổ biến trở lại trên mạng, qua email để quý đồng hương có thể dành mỗi ngày vài chục phút trong thời gian 3 hoặc 4 tháng để mỗi ngày đều lật lại những trang sử của đất nước thời cận đại và kỳ vọng ở tương lai dân tộc. Đây cũng là tấm lòng thành của tác giả kính dâng Giáo sư Vũ Quốc Thúc mừng sinh nhật lần thứ 100 của vị chính khách lão thành suốt đời phục vụ quốc gia dân tộc.  

Ghi lại cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai với kết cục đau thương ngày 30/4/1975, tác giả nhớ lại quyển hồi ký của cụ Trần Trọng Kim “Kiến Văn Lục” ghi những việc cụ đã làm và chứng kiến trong giai đoạn 1943-1949. Đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa chế độ thực dân Pháp đến hồi cáo chung và sự ra đời của chế độ cộng sản. Thời gian này có lắm việc truân chuyên và lắm nổi đoạn trường nên cụ đề tựa là một cơn gió bụi. Nào ngờ, sau đó thì giông ba bão tố nổi lên đưa đến trận đại hồng thủy nhấn chìm chế độ Việt Nam Cộng Hòa của Miền Nam tự do hồi cuối tháng 4 năm 1975. Nổi bất hạnh này xuất phát từ đâu?

Trong cuộc xung đột thế giới giữa Quốc tế cộng sản và Thế giới tự do còn gọi là chiến tranh lạnh, vai trò của quân dân Miền Nam là chiến đấu bảo vệ miền Nam tự do, một cuộc chiến tự vệ được Mỹ yểm trợ. Trong khi đó, cộng sản miền Bắc tố cáo Mỹ giúp Việt Nam Cộng Hòa là để thực hiện chế độ thực dân kiểu mới, hầu chia cắt đất nước lâu dài. Dựa vào luận điệu này, ông Hồ Chí Minh đẩy mấy triệu thanh niên miền Bắc vào Nam chiến đấu “vì độc lập, tự do, vì thống nhất tổ quốc”.

Cả hai mục tiêu chiến đấu của hai miền Nam Bắc đều cao cả, nhưng không thể tiến bước song hành. Miền Nam tự do còn thì Miền Bắc sẽ phải tiếp tục chiến đấu, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Chiến tranh tiếp diễn, dân tộc chịu thảm họa lớn. Vì sự tồn vong của Tổ quốc, Miền Nam phải hạ vũ khí, hy sinh tình riêng vì nghĩa chung. Đó là đạo lý làm người, nhưng cũng là định mạng nghiệt ngã của người dân miền Nam.

Cổ nhân có câu “Tri nan hành dị” (biết mới khó, làm thì dễ) nhưng khi biết được, vì tương lai dân tộc, phải hành xử ra sao cho tròn đạo lý? Đó mới là điều khó khăn (tri dị hành nan) mà những người lãnh đạo trong 10 ngày cuối cùng của Miền Nam Tự do phải định liệu. Làm cách nào để hy sinh tình riêng phục vụ nghĩa chung diễn ra theo trình tự: tình dân tộc, nghĩa đồng bào vừa giữ được thể diện? Điều này vô cùng khó khăn vì chủ trương của cộng sản là hận thù giai cấp, có nước nào không có giai cấp, họa may chỉ có ở thiên đường! Vì thế hận thù giai cấp gây ra hận thù dân tộc. Người cộng sản ám hại người quốc gia, thì người quốc gia phải thù hận là lẽ đương nhiên. Cái vòng nhân quả đó kéo dài trong thời gian quá dài từ 1945 đến 1975, trở thành mối “hận thù quốc cộng” trong tâm khảm rất nhiều người từng là nạn nhân của cuộc chiến huynh đệ tương tàn.   
Khi can thiệp vào Việt Nam, giới lãnh đạo Mỹ đã tiên liệu những khó khăn này, Họ đã gánh chịu tổn thất nặng nề, không những tiền của mà cả xương máu của hàng chục vạn thanh niên để giúp Việt Nam chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, hòa hợp hòa giải dân tộc. Chính quyền đảng Dân chủ đã đưa quân đến miền Nam, oanh tạc miền Bắc để áp lực Cộng sản Bắc Việt ngồi vào bàn đàm phán để kết thúc chiến tranh. Nhiệm vụ hoàn tất, TT Johnson không tái ứng cử, để đảng Cộng hòa tạo dựng hòa bình. Nixon đã tăng cường Quân lực VNCH đủ mạnh để tự bảo vệ đất nước, đồng thời tìm cách đưa ba bên ở Việt Nam ngồi lại với Mỹ thảo luận việc chấm dứt chiến tranh. Bốn bên đã ký hiệp định Paris 1973 mang lại hòa bình cho Việt Nam.
Điều 11 của HĐ Paris đã ghi rõ: “Ngay sau khi ngừng bắn hai bên miền Nam Việt Nam sẽ: - Thực hiện hoà giải và hoà hợp dân tộc, xoá bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia; - Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh. Tiếp đến, hai bên Miền Nam VN sẽ thực hiện Điều 9:  a) Quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm và phải được tất cả các nước tôn trọng. b) Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ có giám sát quốc tế. c) Các nước ngoài sẽ không được áp đặt bất cứ xu hướng chính trị hoặc cá nhân nào đối với miền Nam Việt Nam”.
Tổng thống Nixon coi đó là một nền hòa bình công chính, không làm mất danh dự cho các bên tham chiến, kể cả Trung Cộng và Liên Xô đã từng ủng hộ phe cộng sản. HĐ Paris 1973 giúp Nixon chấm dứt chiến tranh, rút quân và mang tù binh Mỹ về nước. Còn đối với TT Thiệu thì đó là một hiệp định hòa bình mở đường cho cộng sản thôn tính miền Nam. Tháng 10 năm 1972 Kissinger mang bản dự thảo hiệp định sang Sàigòn thuyết phục TT Thiệu chấp nhận hiệp định. Ông cương quyết từ chối, Kissinger trách ông cản trở hòa bình. Ông cố gắng giải thích cho Kissinger hiểu là ông không làm cản trở hòa bình, nhưng hiệp định là “một vấn đề sinh tử cho nước tôi”. Việt Nam Cộng hòa không thể chấp nhận Mỹ rút hết quân còn Cộng sản Bắc Việt vẫn còn để lại miền Nam 140 ngàn quân.
Sở dĩ ông Thiệu chấp nhận ký hiệp định là để giúp Nixon đem tù binh Mỹ về nước. Trong khi giới lãnh đạo CS Miền Bắc thì coi “hiệp định Paris là một bước kết thúc để đuổi Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Giai đoạn sau là đánh đổ toàn bộ ngụy quyền Sài Gòn”. Trong hoàn cảnh đó TT Thiệu không thể thi hành hiệp định theo khuyến cáo của Mỹ, dù họ có bảo đảm này nọ, để có một nền hòa bình tạm bợ rồi Miền Nam lọt vào tay cộng sản.
Lúc trước, Hà Nội chủ trương “đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào”, nhưng bất thành. Mỹ rút quân chỉ vì mục tiêu chiến lược của họ. Từ đó Quân lực VNCH chiến đấu để bảo vệ miền Nam tự do. TT Thiệu là Tổng Tư lịnh tối cao quân đội, ông phải giữ ba tín niệm của người chiến sĩ VNCH: Tổ Quốc - Danh Dự và Trách Nhiệm. Trách nhiệm người lính Cộng Hòa là Bảo Quốc An Dân. Ông Thiệu cương quyết giữ vững lập trường 4 không với cộng sản cho đến khi Mỹ thực hiện chiến lược của họ, chấm dứt sự can dự ở Việt Nam. Lúc đó ông tuyên bố “nếu tôi là nhân tố cản trở hòa bình, tôi xin từ chức để có hòa bình”. Ông đã giữ trọn khí tiết của người lãnh đạo “uy vũ bất năng khuất”, như người tiền nhiệm -Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Sau khi nhậm chức, tổng thống Trần Văn Hương triệu hồi Nguyễn Xuân Phong -trưởng phái đoàn VNCH tại hội nghị hai bên Miền Nam VN ở La Celle Saint Cloud về nước giữ chức vụ Quốc vụ khanh đặc trách hòa đàm. Ông chỉ thị bộ Ngoại giao soạn thảo kế hoạch thi hành hiệp định Paris 1973 gồm ba điểm để ông Phong cùng đại sứ Pháp Merillon mang đi Hà Nội thảo luận. Ba điểm đó là: Thỏa thuận ngưng bắn tại chỗ. Mời đại diện chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa MNVN vào Sài Gòn thành lập chính phủ liên hiệp. Thành lập Hội đồng Quốc gia Hòa hợp, Hòa giải dân tộc để tổ chức tổng tuyển cử thực hiện quyền tự quyết của nhân dân MNVN.
Hà Nội bác bỏ đề nghị của ông Hương, không tiếp phái đoàn Nguyễn Xuân Phong vì lý do “Chính phủ Hương chỉ là chính phủ Thiệu không có Thiệu”. Họ tuyên bố chỉ nói chuyện với Dương Văn Minh và đưa ra hai điều kiện tiên quyết là ông Hương và người Mỹ phải ra đi.
Ngày 26/4/1975 ông Hương ra trước lưỡng viện Quốc hội để trình bày tình trạng khẩn trương của đất nước. Ông cho biết “khi tôi chấp nhận nhiệm vụ nối tiếp chánh quyền trước kia, tôi đã đưa ý rằng vấn đề phải giải quyết bằng một giải pháp chính trị, nghĩa là phải chấp nhận thương thuyết… Tôi đã ra công dò xét tìm bên này, tìm bên nọ, hỏi thăm dò ý kiến mọi nơi. Tới bữa nay cũng nói với quý vị là tôi có dịp đã gặp được đại tướng Dương Văn Minh, bởi vì theo lời một số người, thì đại tướng Dương Văn Minh có đủ điều kiện làm việc này”.
Đề cập đến việc thương thuyết, ông Hương cho rằng “không phải thương thuyết là đầu hàng. Nếu thương thuyết là đầu hàng thì còn thương thuyết gì nữa! Thà là chết cho đến cùng chứ sao lại gọi là thương thuyết được! Chấp nhận thương thuyết, tất nhiên phải chấp nhận những điều kiện gì đau đớn. Nhưng những điều kiện đó không phải là đầu hàng. Nếu phải đầu hàng, thì chúng ta đây, quý vị và tôi, sẽ trao lại cho quân nhân, chứ không phải là chúng tôi quyết định chuyện đó”Ông khẳng định “nếu cộng sản đưa ra điều kiện của người thắng trận cho người bại trận, thì chúng ta không còn cách gì khác hơn là nếu được, chúng ta cứ việc chiến đấu đến cùng. Chừng đó dẫu Sàigòn này có biến thành một biển máu, tôi nghĩ rằng người Việt Nam vì thể diện của mình không thể nào mà từ chối được, trừ một ít người…mới chấp chấp nhận cái chuyện đó. Nếu trời còn thuận thì ta chưa chết được”. Ông Hương nghẹn ngào rơi lệ đưa ra lời kêu gọi tử chiến “không mong gì người gọi là bạn chúng ta giúp chúng ta nữa, thì chúng ta đành chấp nhận sẽ đi đến cùng. nếu ý trời muốn cho nước Việt Nam này không còn nữa thì thôi. Chúng ta sẽ cùng nhau với nước Việt Nam này mà chết, chớ không thể chấp nhận đầu hàng được”.
Ông Dương Văn Minh khước từ sự chỉ định của tổng thống Hương cử ông làm thủ tướng, là vì nếu chấp nhận ông phải thực hiện đường hướng do tổng thống vạch ra nghĩa là phải thương thuyết. Một khi thương thuyết với thế yếu thì chỉ có con đường đầu hàng. Trái lại, chủ trương của ông Minh không phải là thương thuyết và sẽ gặp nhiều khó khăn như ông Hương đã trình bày. Vấn đề thương thuyết đã kéo dài trong hơn 4 năm từ năm 1969 và đã kết thúc khi hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/1/1973. Do đó ông muốn trở thành tổng thống để thực hiện chủ trương thi hành nghiêm chỉnh hiệp định Paris
Được Quốc hội chấp thuận, chiều ngày 28/4/1975 ông Minh tuyên thệ nhậm chức. Ông Hương đã ra đi -yêu cầu của Hà Nội đã được đáp ứng, ông Minh cử Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền vào trại Davis để thảo luận với cộng sản việc thi hành hiệp định Paris. Họ đòi ông phải thực hiện yêu cầu thứ hai; người Mỹ phải ra đi. Ông không thể làm điều “vô ơn bạc nghĩa” này, nên người Mỹ thảo ra văn thư để “tự họ mời họ ra đi”, chớ chẳng có ai “đuổi” họ cả. Họ vạch ra thời biểu ra đi, kết thúc vào 8 giờ sáng ngày 30/4/1975. Ba giờ trước đó, đại sứ Martin đã bị áp lực từ Tòa Bạch Ốc phải ra đi. Một tiểu đội Thủy quân lục chiến tiếp tục bảo vệ tòa đại sứ đến gần 8giờ sáng, 6 trực thăng võ trang từ Biển Đông hộ tống chíếc trực thăng C-46 di tản cuối cùng, đáp xuống nóc tòa đại sứ đón 11 binh sĩ Mỹ rời Sàigòn. Ra đi, người Mỹ cũng thực hiện đúng giờ giấc do họ sắp xếp.
Hai giờ sau, Hà Nội chưa kịp “đánh đổ toàn bộ ngụy quyền Sài Gòn” sau khi Mỹ “đã cút” tổng thống Dương Văn Minh lên tiếng trên đài phát thanh mời Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cử đại diện vào Sài Gòn để ông bàn giao chính quyền Việt Nam Cộng Hoà. Ông Dương Văn Minh đã thực hiện tinh thần hiệp định Paris: công việc miền Nam do chính quyền hai bên miền Nam quyết định. Nay vì tiền đồ dân tộc, vai trò lịch sử của VNCH phải chấm dứt để đồng bào không còn đổ máu nữa, cuộc chiến đã kéo dài 30 năm, máu của đồng bào đã đổ quá nhiều rồi.
Chỉ chấp chính trong vòng 40 giờ Tổng thống Dương Văn Minh đã hoàn thành nghĩa vụ của một người dân miền Nam trong hoàn cảnh nghiệt ngã của đất nước, biết hy sinh tình riêng vì nghĩa chung, mà còn giữ hòn ngọc Viễn Đông còn nguyên vẹn khi cuộc chiến kết thúc. Có lẽ nhờ đó mà hôm sau khi vào Sài Gòn, nữ chiến binh Dương Thu Hương đã bật khóc như cha chết Cô chua chát nhận xét: “chế độ văn minh quy hàng chế độ man rợ”. Trong 40 giờ lịch sử đó, cựu tướng Pháp Vanuxem đã khuyến cáo ông nghĩ đến giải pháp Trung Cộng để duy trì một miền Nam trung lập. Ông Dương Văn Minh không vì ngôi vị tổng thống một miền Nam trung lập mà kêu gọi sự giúp đỡ của kẻ thù truyền kiếp, không bao giờ từ bỏ mưu đồ thôn tính đất nước ta. Ông than vãn “hết Tây đến Mỹ, chẳng lẽ bây giờ còn đi làm tay sai cho Tàu nữa sao?
Nhà báo Pháp Paul Dreyfus, một trong số 25 ký giả Pháp và hơn 100 ký giá nước ngoài có mặt tại Sàigòn trong ngày 30/4/1975, đã nhận định “Bằng việc gạt qua cá nhân mình, Minh đã chấp nhận trong con mắt của lịch sử, là một viên tướng đầu hàng không điều kiện, để tránh cho đất nước của ông những đau đớn không cần thiết”. “Lịch sử có nợ gì tướng Dương Văn Minh? Song chúng ta nợ sự đánh giá lại về một con người tỉnh táo và can đảm này”.Ông Dreyfus  tác giả quyển “Et Saigon tomba - Collection Témoignages 1975” (Và Sàigòn sụp đổ - Sưu tập những câu chuyện năm 1975). Ông cho biết khi lưỡng viện Quốc hội nhất trí chuyển giao cho tướng Minh toàn quyền hành động ngõ hầu mang lại một nền hòa bình trong danh dự, trong lúc cả đêm trước và sáng sớm hôm sau cộng sản nã đại pháo vào trung tâm quyền lực Sàigòn, một người cộng sự thân thiết của tướng Minh đã nói không úp mở với ông: “Chúng tôi nhận một sứ mạng không thể thực hiện nổi”. Sau này ông Minh đã giải bày “Tôi không cứu được nước, nhưng tôi phải cứu dân”.
image.png
Người viết cho rằng lịch sử không nợ gì tướng Dương Văn Minh, vì lịch sử đứng trên tất cả, công minh phán xét. Lịch sử là lịch sử. Lịch sử không nợ ai cả. Chỉ có con người như Dreyfus nhận định “chúng ta nợ sự đánh giá lại về một con người tỉnh táo và can đảm này”. Theo Dreyfus, ông Minh là “một người minh mẫn và nắm vững tình hình”. “Chúng ta” trong đó có cá nhân người viết đã “lấy dạ tiểu nhân đo lòng người quân tử”. Nay phải đánh giá lại việc làm của TT Dương Văn Minh, vị Tổng Tư lịnh tối cao của Quân lực VNCH mà người viết cũng xuất thân trong tập thể đó.
Lịch sử đất nước thời cận đại là lịch sử chiến tranh. Chiến tranh được kết thúc bằng hiệp định Paris 1973. Tổng thống cuối cùng của Miền Nam tự do là cựu đại tướng Dương Văn Minh đã dùng hiệp định này để mở đường cho việc thống nhất đất nước. Trước đó Hoa Kỳ đã dùng hiệp định này để kết thúc chiến tranh. Nhưng lúc bấy giờ, dư luận cho rằng hiệp định Paris là văn kiện để Mỹ bán đứng Miền Nam Tự do cho cộng sản để rút quân và mang tù binh về nước. Ông Minh không có cái nhìn thiễn cận như vậy.
VNCH mất nhưng đất nước còn, cuộc tương tranh giữa hai siêu cường vẫn còn tiếp diễn. Mỹ chấm dứt yểm trợ miền Nam tự do là để giúp quân dân miền Nam không cần đổ máu nữa trong khi chiến tranh vẫn tiếp diễn. Lần này chiến tranh diễn ra giữa các nước cộng sản: Khmer Đỏ, Cộng sản Việt Nam và Cộng sản Trung Quốc. Chiến tranh lần thứ ba kết thúc và chiến tranh lạnh cũng chấm dứt: chế độ Liên Xô sụp đổ, chủ nghĩa cộng sản cáo chung.
Hiệp định Paris là thành quả được trả bằng xương máu của mấy triệu chiến sĩ và đồng bào. Các bên tham chiến, dù đứng bên này hay bên kia chiến tuyến đều phải trân trọng thành quả của những đứa con của đất nước đã nằm xuống tại chiến trường. Dương Văn Minh là một đại tướng, ông càng trân trọng những thành quả của người chiến binh. Hoa Kỳ đã dùng hiệp định Paris để chấm dứt chiến tranh và rút khỏi Việt Nam. Đến lượt VNCH, trong thời gian ngắn ngủi 40 giờ, TT Dương Văn Minh đã dùng hiệp định Paris để trao chính quyền cho phía bên kia của miền Nam và chấp nhận đầu hàng cộng sản miền Bắc. Ông đã chuyển đến những người thừa kế lãnh thổ Miền Nam một thông điệp: Hiệp định Paris giúp họ thống nhất đất nước, nhưng đừng quên rằng Paris 1973 còn là bửu bối để bảo vệ các quyền dân tộc cơ bản của đất nước và quyền tự quyết thiêng liêng bất khả xâm phạm của nhân dân. Lịch sử đất nước vẫn còn tiếp diễn, chớ không phải đã chấm dứt khi mất miền Nam tự do.  
Cuộc chiến nào cũng có hồi phải kết thúc kể cả chiến tranh lạnh. Ngày 30/4/1975 chính phủ VNCH ra lịnh quân đội buông súngchấp nhận  đầu hàng để đất nước hòa bình, thống nhất trong Độc lập-Tự do-Hạnh phúc như tiêu đề của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ai ai cũng kỳ vọng CSVN sẽ thực hiện hai mục tiêu chủ yếu của hiệp định Paris: -một là bảo vệ những quyền dân tộc cơ bản của đất nước là “độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”, -hai là tôn trọng quyền tự quyết thiêng liêng của nhân dân.
Miền Nam tự do bại” để cho “dân tộc thắng”, nhưng điều bất hạnh là những người cộng sản lại giành lấy cái thắng đó để phục vụ Liên Xô bành trướng chủ nghĩa cộng sản, tạo ra cuộc chiến mới với Khmer Đỏ từ 1979 đến 1989. Để giải quyết cuộc chiến này, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và thủ tướng Đỗ Mười đến Thành Đô gặp hai đồng nhiệm Trung Cộng là Giang Trạch Dân và Lý Bằng. CSVN đưa ra giải pháp đỏ: họ quay về hợp tác toàn diện với Bắc Kinh, tôn Trung Cộng là lãnh tụ các nước xã hội chủ nghĩa, chống đế quốc Mỹ. Hai bên giải tỏa mối hiềm khích, hận thù bằng cách giúp Pol Pot hợp tác với Hun Sen trở vể lãnh đạo Campuchia.
Bắc Kinh bác bỏ đề nghị này, họ giải thích: nói đến Pol Pot cả thế giới kinh hoàng về tội ác của Khmer Đỏ. Còn Hun Sen bị các nước Liên Hiệp Quốc coi là tay sai của ngoại bang gây ra nội chiến ở Cam Bốt. Còn Trung Quốc hiện nay đang tranh thủ Mỹ để gia nhập WTO. Từ sau hội nghị Thành Đô, CSVN đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc để bảo vệ chủ nghĩa xã hội, dựa vào Bắc Kinh để duy trì chế độ cộng sản. Nguyễn Cơ Thạch nguyên là Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại giao lúc bấy giờ, đã nhận định: “Một thời kỳ Bắc thuộc rất nguy hiểm đã bắt đầu”.
Trong bối cảnh này, người Việt chúng ta không còn hy vọng gì để có thể thu hồi hai vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc mà Trung Cộng đã cưỡng chiếm của Việt Nam Cộng Hòa hồi tháng Giêng 1974 (Hoàng Sa) và của Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hồi tháng Ba năm 1988 (Trường Sa). Biển Đông với nguồn tài nguyên phong phú sẽ giúp đất nước phú cường. Đó là tương lai tươi sáng của dân tộc.
Tuy nhiên lịch sử có những diễn tiến bất ngờ, trong Đại hội VII Đảng CSVN năm 1991, Nguyễn Văn Linh vì lý do sức khoẻ. từ chức tổng bí thư. Đỗ Mười được đảng cử làm tổng bí thư và Võ Văn Kiệt -một cán bộ cao cấp của Mặt trận Giải phóng Miền Nam, được cử làm thủ tướng. Với tư cách người đứng đầu phe cải cách trong đảng, ông Kiệt đã lập nên 3 thành tích ngoại giao, đáp ứng với chủ trương đổi mới đất nước. Ông đã vận động tổng thống Bill Clinton bãi bỏ hoàn toàn cấm vận và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ ngày 11/7/1995. Hai tuần sau Việt Nam gia nhập khối ASEAN, sau đó ký hiệp định hợp tác với Cộng đồng Châu Âu (EU) và tham gia Hiệp định hợp tác ASEAN - EU.
Đây là giai đoạn thứ hai trong mối quan hệ Việt Mỹ đã được TT Nixon và Cố vấn An ninh Quốc gia Kissinger phác họa từ tháng 12/1972, khi Mỹ oanh tạc Bắc Việt, áp lực Hà Nội trở lại bàn đàm phán để ký HĐ Paris1973. Sau đó quan hệ Việt Mỹ sẽ diễn tiến qua ba giai đoạn: chấm dứt thù địch, bình thường hóa bang giao và hợp tác.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt và TT Bill Clinton đã mở đầu giai đoạn bang giao Việt Mỹ. Hai mươi năm sau, bước sang giai đoạn cuối cùng là hợp tác, bắt đầu từ tháng 7/2015 khi TT Obama tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phòng Bầu dục Tòa Bạch Ốc, tạo dựng mối đối tác toàn diện Việt Mỹ. Năm sau 2016, TT Barack Obama đến Việt Nam, cùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang đưa đối tác toàn diện lên tầm cao: Việt Nam yêu cầu Mỹ bỏ cấm vận để VN có thể mua vũ khí của Mỹ. TT Obama công bố quyết định dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí áp đặt đối với Việt Nam kéo dài từ năm 1975, nhưng việc bán vũ khí còn tùy thuộc vào cam kết của Việt Nam về vấn đề nhân quyền.
Từ khi Hoa Kỳ và Việt Nam bước vào giai đoạn họp tác ngày càng phát triển thì mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng vì Bắc Kinh trổi dậy mạnh mẽ với tham vọng độc chiếm Biển Đông. Vì quyền lợi chiến lược của Mỹ và nhiều nước khác, Hoa Kỳ phải “xoay trục” điều động 60% lực lượng hải và không quân trở lại châu Á để cân bằng lực lượng với Trung Quốc, nhằm tạo sự ổn định, bảo vệ hòa bình giúp các nước trong khu vực phát triển.
Để thực hiện mục tiêu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” Donald Trump từng bước làm phá sản mưu đồ làm bá chủ thế giới của Tập Cận Bình. Trong khi cuộc chiến thương mại đến hồi căng thẳng, Trump tuyên bố “Trung Quốc sẽ không có một tấc đất nào ở Biển Đông”. Ông đã triển khai chiến lược “Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương Tự do và Mở rộng” làm đối trọng với chiến lược “Một Vành Đai- Một Con Đường” của Bắc Kinh. Các đồng minh của Mỹ đang tích cực tham gia bảo vệ tự do hàng hải đi qua Biển Đông vì đó cũng là quyền lợi thiết yếu của họ.
Việc phát triển quan hệ quốc phòng Hoa Kỳ-Việt Nam từng bước được thể hiện. Đầu tháng 3/2018 hàng không mẫu hạm đầu tiên của Mỹ (Carl Vinson) từ sau chiến tranh VN đã cập bến Đà Nẳng.  Đầu tháng Giêng 2019 Mỹ đưa chiến hạm USS McCampbell thực hiện chiến dịch tuần tra trong vùng quần đảo Hoàng Sa, nhằm bảo đảm tự do lưu thông hàng hải (FONOP). Ngay sau đó, Hà Nội bày tỏ sự ủng hộ đối với chiến dịch mới nhất này của Hoa thạnh Đốn. Giữa tháng 4/2019 vừa qua, Đô đốc Philip Davidson-Tư lịnh Bộ Tư lịnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã đến thăm xã giao các giới chức tỉnh Khánh Hòa. Ông ngỏ ý mong muốn một hàng không mẫu hạm thứ hai của Mỹ sẽ ghé cảng Cam Ranh của tỉnh vào mùa Hè này.
Lịch sử tái diễn, tháng 3/1965 Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên Đà Nẳng khởi đầu giai đoạn can dự trực tiếp vào cuộc chiến VN. Sau đó xây dựng cảng Cam Ranh, yểm trợ quân đội Mỹ chiến đấu để kết thúc chiến tranh bằng hiệp định Paris 1973, lập lại hòa bình ở Việt Nam góp phần củng cố hòa bình ở Châu Á và thế giới. Ngày nay Mỹ trở lại châu Á, để “củng cố hoà bình ở Châu Á” và thực hiện hai mục tiêu đối với Việt NamĐó là Điều1: “Hoa Kỳvà các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Genève năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”. Và Điều 9: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Hoa Kỳ cam kết tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm và phải được tất cả các nước tôn trọng”. Ngày 30/4/1975 TT Dương Văn Minh đã thi hành hiệp định mở đường cho việc thống nhất đất nước, do đó quyền dân tộc tự quyết của nhân dân miền Nam đã trở thành quyền dân tộc tự quyết của toàn dân Việt Nam.
Hai điều khoản quan trọng trên là nghĩa vụ của nước Mỹ phải thực hiện khi kết thúc chiến tranh Việt Nam. Trong diễn văn nhậm chức ngày 20/1/1989 Tổng thống George H. W. Bush đã tuyên bố: Những quốc gia vĩ đại cũng như những vĩ nhân phải giữ lời hứa. Khi Hoa Kỳ nói điều gì, Hoa Kỳ nói lên định tâm của mình, hoặc đó là một hiệp định quốc tế, một lời giao ước hay một lời nguyền trên thềm cẩm thạch”. (Great nations like great men must keep their word. When America says something, America means it, whether a treaty or an agreement or a vow made on marble steps). Không phải chính giới Mỹ chối bỏ lời cam kết mà vì chưa có thời cơ. Nay là thời điểm giúp Mỹ thực hiện nghĩa vụ của mình.
Quân lực VNCH đã sát cánh với quân đội Mỹ chiến đấu cho lý tưởng tự do, chính giới Mỹ đã bỏ rơi miền Nam để giúp Mỹ thắng chiến tranh lạnh. Hai yếu tố này khiến người viết tin rằng việc Mỹ hợp tác giúp VN bảo vệ các quyền dân tộc cơ bản là lương tâm mà người Mỹ khó thể khước từ. Việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của nước VN phải đi liền với mục tiêu thứ hai mà Mỹ đã chiến đấu cho Việt Nam đó là quyền tự quyết dân tộc. Với quyền tự quyết, đồng bào ta mới thu hồi được biển đảo, giúp quốc gia phú cường, toàn dân hạnh phúc.
VNCH là một trong ba bên của Việt Nam cùng với Mỹ ký hiệp định Paris 1973 và chỉ có Miền Nam tự do cùng với Mỹ thực hiện nghiêm chỉnh hiệp định Paris 1975: Mỹ chấm dứt chiến tranh, Việt Nam Cộng Hòa giúp đất nước thống nhất vào ngày 30/4/1975. Người xưa có câu “Ngô dự bất thành vọng ư ngô tử”. Việc ta làm không thành thì kỳ vọng vào thế hệ con cháu. Đây là thời điểm, thế hệ trẻ nối tiếp vai trò lịch sử. Đất nước quang hưng ngày mai trông cậy vào các em, tương lai của dân tộc. Chúng ta có chính nghĩa, chúng ta có lợi thế. Các em cùng các bạn học Mỹ, Úc… hãy dùng nó để vận động chính giới Mỹ thực hiện hai mục tiêu trên, để đáp ứng nguyện vọng tha thiết của dân tộc. Đây là lương tâm và cũng là trách nhiệm của toàn dân Việt trong và ngoài nước. Hiệp định Paris 1973 đã mang lại hòa bình, thống nhất đất nước và nay sẽ thống nhất toàn thể dân tộc, giúp dân giàu, nước mạnh, đồng bào thực sự làm chủ dãy giang sơn gấm vóc do tiền nhân để lại.
                                                 
Lê Quế Lâm (30/4/2019)

Comments

Popular posts from this blog