Mùa Phục Sinh, Giáo Hội làm thế nào để sống lại? (phần III)

Đinh Từ Thức
image.png
(tiếp theo phần II)
Qua phần I, quan điểm của hai Giáo Hoàng về cơn khủng hoảng Giáo Hội hiện nay đã được nêu ra. Không thể trình bầy hết quan điểm khác nhau của hàng ngàn giám mục, nên chỉ có thể chọn hai người tiêu biểu. Phần II là nhận định của Đức Cha Nguyễn Văn Long, tại Úc. Cái nhìn của ông có vẻ cấp tiến, gần gũi và táo bạo hơn cả vị chủ chăn của mình. Sự thành công hay thất bại của Giáo Hoàng Francis sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai của Giám Mục Long, cũng như hàng ngũ những người có cùng tầm nhìn với ông, và tương lai Giáo Hội nói chung.
Phần III là quan điểm của Giám Mục Giuse Đinh Đức Đạo, đương kim Giám Mục Xuân Lộc. Với khoảng một triệu tín hữu, đây là giáo phận đông bổn đạo nhất tại VN; bao gồm cả Gia Kiệm, nơi sinh Đức Cha Long. Đức Cha Đạo sinh năm 1945, quê Thức Hóa, thuộc địa phận Bùi Chu, tỉnh Nam Định. Tuy nhận chức linh mục năm 1971 tại Sài Gòn, Đức Cha Đạo đã du học Roma từ năm 1965, tiếp tục học lên lấy hai bằng tiến sĩ, và đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng về lãnh vực truyền giáo trong gần nửa thế kỷ tại thủ đô Giáo Hội.
Là giám mục cuối cùng được Giáo Hoàng Benedict XVI bổ nhiệm trước khi từ chức vào ngày 28 tháng 2, 2013, với chức vụ giám mục phụ tá địa phận Xuân Lộc. Lễ tấn phong tân Giám Mục cử hành đầu tháng 4, 2013, với khẩu hiệu trong huy hiệu Giám Mục “Hoc est Corpus Meum” (Này là mình Thầy) là lời nói của Chúa Jesus trong Tiệc Ly (Mark 14:22), được chủ tế nhắc lại mỗi dịp cử hành Thánh Lễ Misa.
image.png
Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Địa Phận Xuân Lộc, Việt Nam.
Giữa năm 2016, ngày 05, tháng 05, Giám Mục phụ tá Melbourne Nguyễn Văn Long được Giáo Hoàng Francis cử làm Giám Mục chính tòa Parramatta, hai ngày sau, 7-5, 2016, Phó Giám Mục Đinh Đức Đạo của Xuân Lộc cũng được Giáo Hoàng Francis cử làm Giám Mục chính toà Xuân Lộc. Đức Cha Long, cũng du học và làm việc một thời gian trong Dòng Phan Xi Cô của mình tại Roma, nhưng thời gian tại đây ngắn hơn nhiều so với Đức Cha Đạo, tu học và làm việc theo hệ thống giáo triều. Có lẽ, do từ môi trường khác nhau, hai giám mục đã có lối nhìn, và chủ trương giải quyết khác nhau về cùng vấn nạn xâm hại tình dục.
Khác biệt rõ ràng. Theo Đức Cha Long, một nửa Giáo Hội đang chết đi, đó là cái nửa cấu trúc lỗi thời, tạo cơ hội cho thói hư tật xấu trong hàng giáo sĩ và tu sĩ; nửa đang chết này đã xa rời Jesus. Chỉ còn sống là nửa cốt lõi, gần gũi với Jesus. Giáo Hội muốn sống lại toàn vẹn, phải loại bỏ cái phần đang chết, như cắt một phần cây mục, hay một khúc ruột dư, với sự tích cực góp sức của toàn thể giáo dân, nhất là gồm cả vai trò của phụ nữ. Trong khi ấy, Lời Chủ Chăn của Đức Cha Đạo chỉ gửi cho các linh mục và tu sĩ, không đề cập tới giáo dân, không nói gì tới vai trò của phụ nữ. Có vẻ theo chủ trương muốn sống, thực tế nhất là hãy bảo vệ cuộc sống hiện tại, bằng cách góp phần làm nhẹ nhận thức về tai họa đang phải đối phó. Chẳng hạn, nêu vài trường hợp bị tố oan, trong khi bỏ qua điều các kết quả báo cáo đều nói rõ, là con số các vụ vi phạm thực sự có thể còn cao hơn; và đề cập tới hậu quả cuộc cách mạng tình dục, giống cách nhìn của Giáo Hoàng Benedict XVI.
image.png
Sau đây là Lời Chủ Chăn của Giám Mục Đinh Đức Đạo, gửi các Cha và các Tu sĩ, được các Mạng Công Giáo phổ biến rộng rãi, công bố vào đầu tháng Tư, 2019, mang tựa đề: KHỦNG HOẢNG LẠM DỤNG TÌNH DỤC VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT, nguyên văn tiếng Việt:
“Hiện tượng lạm dụng tình dục trong thế giới đang xoáy vòng như một cơn lốc mà đường kính cứ từ từ nới rộng, gây ra nhiều đổ vỡ tan hoang. Đối với Giáo Hội Công Giáo, tai tiếng lạm dụng tình dục đã gây ra một cơn khủng hoảng trầm trọng, ảnh hưởng tai hại đến đời sống Đức Tin, đến tinh thần, tâm tình và thái độ sống của nhiều tín hữu, làm suy giảm sự tín nhiệm của đoàn chiên đối với các mục tử, làm lu mờ ánh sáng của Tin Mừng và làm giảm sút nhiệt huyết của Giáo Hội làm chứng cho Tin Mừng.
Để giải quyết vấn đề nghiêm trọng này, Tòa Thánh đã nhiều lần lên tiếng và đưa ra những hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt phải kể đến lá thư mục vụ ĐTC Biển Đức XVI gửi Giáo hội tại Ái Nhĩ Lan ngày 19 tháng 3 năm 2010, lá thư ĐTC Phanxicô gửi Hội Thánh trên toàn thế giới ngày 20 tháng 8 năm 2018 và Hội nghị của các Chủ tịch Hội đồng Giám mục với Đức Thánh Cha Phanxicô từ 21 – 24 tháng 02 năm 2019. Trong tâm tình lắng nghe và hiệp thông với các Đức Thánh Cha, tôi xin gửi đến quý Cha và quý Tu sĩ đôi dòng suy tư, hy vọng sẽ hữu ích cho chính đời sống của quý Cha, quý Tu sĩ và cho sứ vụ hướng dẫn đoàn chiên Chúa của mỗi người. Đề tài của bài chia sẻ là: “Khủng hoảng lạm dụng tình dục và Lòng Thương Xót.” Với đề tài này, tôi không trình bày những quy định đã được Tòa Thánh công bố để áp dụng trong những trường hợp cụ thể, nhưng đề nghị những yếu tố tâm linh để hướng dẫn và canh tân tâm tình, thái độ và đời sống dưới ánh sáng của Tin Mừng theo giáo huấn của các Đức Thánh Cha.
1. Những yếu tố quan trọng của một vấn đề phức tạp

Tình trạng lạm dụng tình dục là một vấn đề hết sức phức tạp, pha trộn lẫn lộn nhiều yếu tố: thần học, luân lý, tâm lý, văn hóa, xã hội, luật pháp, sức mạnh truyền thông, v.v. Trong hoàn cảnh này, cần phải giữ được cái nhìn tổng thể, dưới ánh sáng của Tin Mừng. Dưới đây là những yếu tố quan trọng cần được quan tâm.
a) Nỗi đau đớn của các nạn nhân
Yếu tố đầu tiên cần phải quan tâm là nỗi đau đớn dày vò tâm trí các nạn nhân, đặc biệt nếu nạn nhân là một em vị thành niên bị xâm phạm bởi một người đáng kính trọng, tin tưởng và yêu mến, chẳng hạn, là một giáo sĩ hay tu sĩ, trong gia đình là ông hay cha (ba, bố), là bà hay mẹ, nơi học đường là thầy hay cô… Trước đây ít người nhận thức được nỗi đau đớn, khắc khoải này; hơn nữa, trong môi trường văn hóa, xã hội Việt Nam, người ta ngại nói đến vấn đề tình dục. Do đó, nhiều khi người lớn còn coi thường, dọa nạt và cấm đoán các em nạn nhân nói đến việc mình bị lạm dụng tình dục. Hoàn cảnh này gây phẫn nộ, biến thành thù hận và khi có dịp sẽ bùng nổ, khó có gì có thể cản ngăn. Hy vọng sự khiêm nhường chân thành nhìn nhận tội lỗi và trách nhiệm của phạm nhân, cùng với sự cảm thông và kính trọng của cộng đoàn, nhất là của những người có trách nhiệm, cùng với ơn Chúa, vết thương sâu đậm này sẽ được xoa dịu và hàn gắn

b) Bản tính loài người giòn mỏng và cuộc cách mạng tình dục
Vì tội nguyên tổ, tất cả mọi người đều thừa hưởng một bản tính nhân loại giòn mỏng và chông chênh, nên mọi người, cả những người được coi là vững mạnh cũng có thể ngã quỵ trước sức mạnh của sự dữ. Thánh Phaolô đã từng cảnh giác: “Bởi vậy, ai nghĩ mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã.” (1 Cr 10,12).
Trong thời gian qua, con người thời đại vốn mang trong mình tính cách yếu đuối, giòn mỏng của bản tính nhân loại, lại phải đối đầu với sức mạnh vũ bão của cuộc cách mạng tình dục, bắt đầu nhen nhúm tại Hoa Kỳ vào năm 1920 rồi bùng nổ tại các nước Âu Mỹ vào thập niên 60, và từ từ lan rộng ra khắp thế giới. Cuộc cách mạng tình dục cũng được gọi là cuộc giải phóng tình dục, vì nó tìm cách phá đổ các quy tắc truyền thống hướng dẫn đời sống trong các tương quan nam nữ và những quy luật liên quan đến tình dục. Do đó, từ những năm 1960, sách báo, phim ảnh khiêu dâm, trụy lạc được công khai bày bán và chuyển đi khắp nơi. Khi bầu khí độc hại và ô nhiễm bao trùm, những người kém sức khỏe sẽ bị đau ốm, có khi tê bại, còn những người khỏe mạnh cũng dễ bị nhức đầu, sổ mũi.
c) Tính cách trầm trọng của những sai lỗi nơi các giáo sĩ, tu sĩ
Việc lạm dụng tình dục, nhất là đối với các em vị thành niên luôn là một lỗi lầm trầm trọng và là một tội ác. Khi phạm nhân là một giáo sĩ hay tu sĩ thì tính cách trầm trọng còn tăng lên nhiều lần vì phản bội lý tưởng ơn gọi thánh hiến, sứ mệnh thánh thiêng, lòng tin tưởng của đoàn chiên và vì hậu quả ảnh hưởng lớn lao trên nạn nhân.
d) Nhiều trường hợp bị vu oan
Nhiều giáo sĩ, tu sĩ bị tố cáo lạm dụng tình dục, nhưng không thiếu những trường hợp bị cáo gian. Có trường hợp bị rỉ tai hoặc tung tin lên mạng lưới xã hội mà không bằng chứng; có trường hợp được tòa án minh oan, nhưng cũng có những trường hợp đã bị tòa án kết tội, nhưng sau nhiều năm ngồi tù, bị can được minh oan. Hai trường hợp gần đây nhất là cha Adam Stanisław Kuszaj (Ba Lan) và Sư huynh John Francis Tyrrell (Úc).
Cha Adam Stanisław Kuszaj là một linh mục Ba lan dòng Đấng Cứu độ, phục vụ tại Cộng hòa Czechbị đưa ra tòa với cáo buộc lạm dụng tình dục một thiếu nữ 16 tuổi. Năm 2011, cha Kuszaj bị giáo quyền cấm thi hành tác vụ linh mục, bị Hội Dòng trục xuất, bị tòa án kết tội. Cha Kuszaj sống trong tủi nhục vì bị kỳ thị và bị bỏ rơi bởi hầu hết những người thân quen.Năm 2016, vụ án đã được mở lại và giữa tháng 02 năm 2019 tòa án thành phố Jesenik của Cộng hòa Czech đã tuyên bố cha vô tội. Người thứ hai là Sư huynh John Francis Tyrrellbị tố cáo là đã sách nhiễu tình dục em bé 10 tuổi và bị tòa án Melbourne kết án 11 năm tù. Sau 11 tháng tù, sư huynh John Francis Tyrrell được minh oan và được tha bổng.
e) Bầu khí thù hận gây ra bất công mới
Trong cao trào tố cáo hiện tượng lạm dụng tình dục, có ba sự kiện hiển hiện rõ ràng:
–  Sự kiện đầu tiên là nhiều người dùng phương tiện truyền thông loan tải tin tức một cách bừa bãi, làm mất thanh danh, xô đẩy, dập vùi những người bị coi là phạm nhân, trong khi tiếng nói yếu ớt của người bị coi là phạm nhân ít còn được ai lắng nghe. Nhiều người bị coi là phạm nhân sau đó được minh chứng là vô tội, nhưng con người của họ đã bị nhấn xuống bùn đen và cuộc đời của họ đã bị phá hủy. Bên cạnh họ, còn phải nghĩ đến những tủi nhục mà cha mẹ, gia đình và cộng đoàn tín hữu của họ phải gánh chịu. Đây không phải là tội ác và bất công sao? Ai có thể đền trả những thiệt hại lớn lao gây ra bởi những tội ác và bất công mới này?
–  Nhiều người nại vào lý do bênh đỡ các nạn nhân, nhưng trong thực tế là trút bỏ hận thù trên những người bị coi là phạm nhân, nhất là nếu đó là một giám mục, linh mục hay tu sĩ Công giáo. Các nạn nhân được gì nếu lòng họ không được giải thoát khỏi hận thù và không được chữa lành?Để bênh đỡ nạn nhân, một đàng phải tìm phương thức để nạn nhân không còn bị tái xúc phạm, đàng khác phải giúp nạn nhân biết giải thoát lòng họ khỏi thù hận và biết tha thứ với lòng quảng đại bao dung.
–  Nhiều tin tức về việc lạm dụng tình dục được loan truyền trên các phương tiện truyền thông làm cho người ta có cảm tưởng đây chỉ là vấn đề của Giáo Hội Công Giáo. Sự thật không phải như thế. Bài nghiên cứu nghiêm túc của hai tác giả Valerie Dobiesz và Julia Brooksvới tựa đề “It’s not just O’Reilly and Weinstein: Sexual violence is global pandemic” (Không phải chỉ có O’Reilly và Weinstein: Lạm dụng tình dục là thứ bệnh dịch toàn cầu), được đăng trên Báo điện tử “The Conversation” ngày 25 tháng 10 năm 2017 cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Vấn đề lạm dụng tình dục bao trùm khắp nơi và ở các môi trường ngoài Giáo Hội Công Giáo còn trầm trọng hơn nhiều.
f)    Bao che hay khó khăn của một sứ vụ
Trong thời gian gần đây, một điều được báo chí đề cập nhiều là ‘tội bao che” của các giám mục, linh mục. Người ta đòi buộc các giám mục, linh mục phải tố cáo các phạm nhân cho chính quyền dân sự, đó là chưa nói đến một số quốc gia còn muốn bắt các linh mục phải tố cáo các hối nhân đã thú nhận tội lỗi trong tòa giải tội. Điều này rất trầm trọng vì liên hệ đến ấn tín tòa giải tội và sự thánh thiện của bí tích.
Chúng ta không loại trừ khả thể có những vụ bao che tội phạm, nhưng cũng có những yếu tố khác cần được lưu ý. Đó là trách nhiệm mục tử và sứ vụ cứu độ của các linh mục, giám mục. Sứ mệnh mục tử đòi phải yêu thương mọi người, không loại trừ ai, kẻ xấu cũng như người tốt, nạn nhân và phạm nhân (x. Mt 5,43-48); sứ vụ cứu độ đòi buộc phải tìm mọi cách để cứu rỗi những người lỡ lầm, tội lỗi (x. Ed 33,11). Đứng trước những kiện tụng, cáo buộc, một đàng phải cẩn thận lắng nghe, đàng khác phải tìm hiểu sự thật để không phạm tội bất công, kết án người vô tội; một đàng phải bênh đỡ nạn nhân để họ không bị tái xúc phạm, đàng khác phải giữ thanh danh của người lỗi phạm và tạo điều kiện để họ có cơ hội hối cải và làm lại cuộc đời. Trong nhiều trường hợp cụ thể, dung hòa được các đòi hỏi trên đây không luôn dễ dàng, nhất là trong một xã hội khi sự công bằng tách rời khỏi lòng thương xót và sự thù hận mạnh hơn lòng tha thứ. Hoàn cảnh này gây ra trong tâm hồn mục tử một sự giằng co và nỗi khắc khoải đớn đau, ít ai hiểu được nếu chưa có cảm nghiệm về tình yêu mục tử cứu độ và chưa nghe được lời nói phát xuất từ trái tim tràn đầy xót thương của Chúa Cứu Thế, tha thiết đem lại nguồn hy vọng và sức sống: “Thầy cũng vậy, Thầy không lên án chị đâu! Thôi chị về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” (Ga 8, 11).
2. Thái độ dưới ánh sáng Đức Tin
Đứng trước hoàn cảnh cụ thể và phức tạp, mỗi người sẽ phản ứng và hành động theo ánh sáng chiếu soi trong cõi lòng. Dưới ánh sáng Đức Tin, tôi xin đề nghị những tâm tình và thái độ sau đây:
a) Tin tưởng vào lời Chúa hứa cho Giáo Hội và hăng say rao truyền tình thương cứu độ
Cơn lốc của tin tức về việc lạm dụng tình dục trong Giáo Hội đã làm cho nhiều người hoang mang, mất tin tưởng vào Giáo Hội và đôi khi còn bị rúng động trong lòng tin vào chính Thiên Chúa. Trong hoàn cảnh này, chúng ta sẽ giữ được an bình và hăng say, nếu chúng ta tin tưởng vào lời Chúa đã nói với Thánh Phêrô: “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16,18).
Trong hành trình lịch sử, có những thời kỳ đen tối, Giáo Hội phải vượt biển cả, chèo chống với phong ba, bão táp, con thuyền chòng chành và xem ra Chúa vẫn ngủ (x. Mc 4,35-41). Cho dù Chúa có ngủ, Ngài vẫn ở trên thuyền với các môn đệ của Ngài, hiện diện với tất cả quyền năng của Ngài và Ngài có thể dẹp tan cơn bão trong giây lát (x. Mc 4,39-40). Điều này làm chúng ta an tâm và thúc đẩy chúng ta hăng say loan truyền tình yêu cứu độ của Chúa. Chỉ cần chúng ta ở với Ngài, tin tưởng vào Ngài và trung thành với Ngài và biết kêu lên như các môn đệ trong cơn bão táp: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi.” (Mc 4,38), hay như môn đệ Phêrô, khi thấy gió thổi mạnh và bắt đầu chìm, ông hoảng sợ la lên : “LạyThầy, xin cứu con!” (Mt 14,30).
b) Khiêm nhường và tin tưởng
Con cái Giáo Hội, cũng như mọi người, là những con người mang trong mình bản tính nhân loại mỏng giòn, nhưng hạnh phúc vì được cứu độ và với sức mạnh của ơn Chúa, vẫn bền bỉ nỗ lực cải thiện đời sống để nên thánh, trong chính hoàn cảnh yếu đuối và sai lỗi của mình.
Lòng khiêm nhường nhìn nhận tội lỗi và cố gắng ăn năn hối cải là tâm tình và thái độ của người tín hữu chân chính của Chúa. Chính nhờ tâm tình và thái độ này, Giáo Hội Chúa luôn vươn lên từ những khó khăn, yếu đuối của mình và trong mọi thời đại, vẫn có nhiều tín hữu thánh thiện. Hiện nay, đại đa số hàng giáo sĩ và tu sĩ vẫn can đảm phấn đấu với chính mình để trung tín và nhiệt thành phục vụ Chúa và tha nhân.

c) Tình yêu đối với Giáo Hội
Trong bầu khí của nhiều tin tức về lạm dụng tình dục trong Giáo Hội, giữ được tình yêu đối với Giáo Hội là một thách đố lớn lao. Đặt nền tảng trên tình yêu của chính Chúa Giêsu, Đấng đã “yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh để thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn” (Ep 5,25-27), mỗi Kitô hữu phải biết yêu mến Giáo Hội, diễn tả bằng tâm tình của người “đứng bên trong” để cảm thông, để chia sẻ và để hàn gắn, chứ không phải thái độ của người “đứng bên ngoài” để chỉ trích hay kết án. Tâm tình yêu thương của Chúa Kitô còn đòi chúng ta có khả năng đón nhận hy sinh và đau khổ để van nài lòng thương xót của Thiên Chúa cho anh chị em lỡ lầm trong yếu đuối của họ và cho anh chị em đau đớn vì bị lạm dụng.
3. Nguồn gốc của vấn đề và hành trình tu luyện hay tái tu luyện
Mặc dù số giáo sĩ và tu sĩ lầm lỡ là một thiểu số trong tương quan với toàn thể hàng giáo sĩ và tu sĩ, nhưng nói theo Đức Thánh Cha Phanxicô, trong diễn từ bế mạc Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên trong Giáo Hội, ngày 24.02.2019, “trong Giáo Hội mà xuất hiện dù chỉ một trường hợp lạm dụng mà thôi – chứ đừng nói đến chuyện nó đã tác oai tác quái – thì trường hợp đó phải được đối diện với sự nghiêm trọng nhất”. Do đó, cần phải suy nghĩ để tìm ra nguồn gốc của vấn đề và rút ra kinh nghiệm cho hành trình tu luyện và tái tu luyện, mong cho mọi người, đặc biệt những người yếu đuối tìm được nguồn trợ lực thích hợp. Chỉ đưa ra những luật lệ mới không thôi chưa đủ, mà phải đề ra một chương trình tu luyện và tái tu luyện để mọi người có khả năng chống chọi với cơn bão của cuộc cách mạng tình dục.
Như đã nói ở trên, bên Hoa Kỳ từ năm 1920 người ta đã nói đến cuộc cách mạng tình dục và đến thập niên 60, cuộc cách mạng này bùng nổ bên các nước Âu Mỹ, rồi từ từ lan ra khắp nơi, phá đổ các luật lệ gìn giữ phong hóa liên quan đến tình dục. Sách báo, phim ảnh khiêu dâm, đồi trụy được tự do bầy bán và chuyển tải khắp nơi. Hiện nay, tình trạng đang bành trướng tệ hại hơn vì được các phương tiện truyền thông đại chúng tân tiến, như điện thoại thông minh, các trang web tiếp tay, trở thành sức mạnh vũ bão, thâm nhập vào cả những nơi riêng tư, thầm kín như phòng ngủ, văn phòng làm việc. Sức mạnh này đã làm nhiều người ngã quỵ do tâm hồn trống rỗng vì hậu quả của ba cuộc khủng hoảng lớn trong Giáo Hội. Đó là khủng hoảng Đức Tin, khủng hoảng luân lý – thần học luân lý và khủng hoảng giáo dục.
a) Khủng hoảng Đức Tin
Trong thời gian sau Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội bên Âu Mỹ rơi vào một cuộc khủng hoảng Đức Tin rất trầm trọng, được diễn tả qua ba hình thức chính yếu:
– Thay thế Thiên Chúa bằng những cuộc bàn cãi lý thuyết về Thiên Chúa. Sách báo về thần học nhiều vô kể, nhưng nhà thờ thì trống rỗng và trở thành nơi hoang vắng. Thậm chí, cả những người viết về cầu nguyện cũng không cầu nguyện.
– Bị lôi cuốn vào những nhu cầu xã hội, như bênh vực công lý và người nghèo đến độ bỏ rơi Chúa. Người nghèo, người bị áp bức chiếm chỗ của Chúa trong lòng các môn đệ của Ngài. Từ đó phát sinh hiện tượng giáo sĩ và tu sĩ hành động và phát biểu như thể một nhà chính trị, một nhân viên hoạt động công tác xã hội.
– Dựa vào trào lưu hội nhập văn hóa và đối thoại liên tôn, người ta kéo nhau đi học cách thức cầu nguyện và nguyện gẫm của các tôn giáo khác, nhất là Phật Giáo và Ấn Giáo. Có những Đan viện bên Hoa Kỳ thay thế giờ Kinh Thần Tụng bằng những giờ Yoga và Zen. Việc thay thế phương thức cầu nguyện, trong thực tế đã kéo theo việc thay thế đối tượng của cầu nguyện. Thay vì tìm kiếm Chúa để sống kết hiệp với Ngài và thực thi thánh ý Ngài, người ta chỉ tìm sự an bình nội tâm hoặc đi vào cõi mênh mông của vũ trụ.
Cả ba hình thức trên có chung một mẫu số là bỏ rơi Chúa Kitô, Đấng Cứu độ nhân loại, Đấng ban sự sống. Đây là hiện tượng Thánh Phaolô đã nói trong thư gửi tín hữu Roma: “Tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ. Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết.” (Rm 1,21-23).
Sứ điệp độc đáo của ơn cứu độ là Thiên Chúa đã xuống thế làm người và tên Ngài là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Emmanuel). Chỉ sống trong tình hiệp thông với Ngài, nhân loại mới tìm được sự sống thật. Vì vậy, điều căn bản của cuộc đời Kitô hữu, nhất là linh mục và tu sĩ là sống trong tình thân với Chúa. Nhiệm vụ của các chương trình tu luyện và tái tu luyện là dẫn đưa người thụ huấn không chỉ biết về Chúa Kitô, mà còn gặp được Ngài và hạnh phúc trong cuộc gặp gỡ với Ngài.
b) Khủng hoảng luân lý và thần học luân lý
Những năm 1960 – 1980 là thời kỳ khủng hoảng luân lý, nhất là trong những giá trị liên quan đến tính dục. Nhiều thái độ và nếp sống mới được đề nghị ngược lại giá trị luân lý, chẳng hạn, sống thử, sống chung không ràng buộc, ngừa thai nhân tạo, phá thai, hôn nhân mở, v.v. Vấn đề trở thành trầm trọng hơn vì có những suy tư thần học về luân lý cũng chạy theo nếp sống mới, gây hoang mang cho nhiều người và ru ngủ giới trẻ chạy theo các đam mê, nhất là thú vui tình dục. Đây là thời kỳ phát sinh những lý thuyết thần học cho rằng việc thủ dâm là bình thường, hưởng thụ tình dục là thiết yếu và là quyền lợi của con người… Đây cũng là thời kỳ phát sinh lý thuyết “Luân lý không tội lỗi”, theo đó không có vấn đề tội, chỉ có vấn đề tâm lý. Từ đó các cha giải tội và các cha linh hướng “thất nghiệp”, nhưng các phòng tư vấn tâm lý lại đầy khách.
Chương trình tu luyện và tái tu luyện ngày nay phải giúp cho người thụ huấn thấy rõ và dứt khoát rằng việc sử dụng cơ năng tính dục và thú vui tính dục chỉ tốt đẹp và được phép trong tương quan vợ chồng.
c) Khủng hoảng giáo dục
Chương trình giáo dục tại các cơ sở huấn luyện của Giáo Hội (Đại học, Chủng viện, Nhà Tập) trong thời gian này hầu hết chú tâm vào việc học lý thuyết trừu tượng. Ngay cả môn Thần học Tu đức cũng chỉ là những giờ học lý thuyết về các nhân đức. Hậu quả là người ta biết rất nhiều, nhưng không sống theo điều mình biết.
Việc huấn luyện ngày nay cần rút kinh nghiệm từ những thất bại của các thế hệ trước để bổ túc chương trình bằng những hướng dẫn thực tập. Trong viễn tượng này, cần quan tâm đặc biệt đến bốn điều sau đây:
– Tập làm chủ giác quan, cảm xúc và tình cảm;
– Luyện tập ý chí;
– Tập tính dứt khoát trước những thú vui tình dục;
– Luyện tập khả năng hy sinh, từ bỏ kể cả những điều được phép.
Các nhà sư phạm đều đồng ý là nếu không từ bỏ được những điều được phép, sẽ không thể từ bỏ những điều không được phép.
Để kết thúc bài chia sẻ, tôi muốn mời gọi quý Cha và quý Tu sĩ dâng lời cầu xin, van nài lòng thương xót của Chúa cho Giáo Hội, nhất là cho những anh chị em yếu đuối lỡ lầm để không ai mất lòng trông cậy vào tình thương của Chúa và cho các nạn nhân được ơn chữa lành. Để lời cầu xin của chúng ta đáng được Chúa lắng nghe, chúng ta hãy mặc lấy tinh thần Mùa Chay: ăn năn, thống hối và cải thiện đời sống. Hành trình Mùa Chay sẽ giúp chúng ta tìm được sự an bình và niềm hạnh phúc trong tâm hồn để chia sẻ với mọi người, cả anh chị em là nạn nhân hay phạm nhân của việc lạm dụng tình dục và mời gọi họ cùng dấn thân canh tân đời sống của họ như chính chúng ta đã và đang làm, để tất cả được hưởng niềm vui của lòng Chúa xót thương.
Xin Mẹ Maria là Mẹ của Giáo Hội gìn giữ và che chở Giáo Hội, đặc biệt Giáo phận chúng ta để trong mọi hoàn cảnh, chúng ta luôn là chứng nhân của Lòng Thương Xót của Chúa.
Thân mến chào quý Cha và quý Tu sĩ.
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc”
***
Giữa hai quan điểm khác nhau đã trình bầy, từ hai Giáo Hoàng đến hai Giám Mục, bên nào sẽ thắng và hậu quả là Giáo Hội sẽ ra sao?
Phần cuối thư ngỏ đầu tháng 4, 2019, Giáo Hoàng Benedict XVI đặt câu hỏi: “Phải làm gì?” (What must be done?), rồi trả lời “Có lẽ chúng ta nên tạo ra một Giáo Hội nữa để giải quyết vấn đề? Tuy vậy, cái kinh nghiệm đó đã từng xảy ra và đã thất bại.” (Perhaps we should create another Church for things to work out? Well, that experiment has already been undertaken and has already failed.”) Có lẽ Ngài nói tới kinh nghiệm đổ vỡ Giáo Hội vào giữa thế kỷ 16. Trước những tệ đoan thời bấy giờ, một bên đòi cải tổ, một bên chống cải tổ. Kết quả, ngoài Giáo Hội La Mã, có thêm Giáo Hội Tin Lành.
Những ai tin rằng mọi chuyện đều do Chúa định, không thể cả quyết kinh nghiệm nào thành công hay thất bại.
Tất cả đều do ý Chúa!
__._,_.___

Comments

Popular posts from this blog