Một trong những thứ mà con người thải ra nhiều hơn bất cứ loài sinh vật nào, đó là rác. Trong đống rác có trăm ngàn thứ khác nhau. Ở Bắc Mỹ khi người ta phát hiện một bộ phận thân thể con người, như một bàn tay, một bàn chân hay một bộ phận cơ thể nào khác trong thùng rác thì cảnh sát điều tra ngay lập tức và hiếm khi không tìm ra danh tánh nạn nhân. Những phát hiện trong đống rác thường là bộ phận cơ thể người lớn, hiếm khi có xác trẻ em hay xác thai nhi. Ở Việt Nam thì khác. Mới đây ở vùng “đất mũi” Cà Mau, miền nam nước Việt báo chí và dư luận xôn xao vì câu chuyện ba trăm xác thai nhi bị vùi trong đống rác.
Người chủ nhà máy tiêu hủy rác thành phố Cà Mau cho biết từ năm 2012 đến nay đã có hơn 300 xác thai nhi bị bỏ lẫn trong rác thải. Báo chí trong nước kể rằng ở thành Phố Cà Mau – cũng như ở nhiều nơi khác – mỗi lần nhân viên sở rác phát hiện xác thai nhi lẫn trong rác thải thì họ báo cho chủ. Ông chủ công ty rác viết tờ trình báo lên “cơ quan chức năng” tỉnh Cà Mau, không ai trả lời. Ông chủ rác trực tiếp đem tờ trình qua gặp chánh văn phòng tỉnh Cà Mau để nhờ giải quyết bởi “cứ kéo dài như thế thì sẽ không còn chỗ để chôn.”
Khi chuyện vỡ lở ra công chúng, quan chánh văn phòng tỉnh Cà Mau tuyên bố “Tôi không nhớ rõ vì một năm chúng tôi xử lý mấy chục ngàn văn bản” tuy nhiên vì công ty rác quả quyết đã báo cáo cùng với con số cụ thể “trên 300 xác”, tỉnh đành phải trao trách nhiệm cho thành phố “rà lại” xem giả như có kiến nghị thì chắc hẳn sẽ có chỉ đạo của cái gọi là ủy ban nhân dân tỉnh, và nếu đã có chỉ đạo mà không được quan tâm thực hiện thì “sẽ có động thái nhắc nhở”.
image.png
Bạn thân mến, nếu những thủ tục lòng vòng rối rắm vừa kể làm bạn nhức đầu thì tôi xin phép tóm tắt thế này: đại khái là ông Tỉnh bảo văn thư nhiều quá ai mà nhớ. Ông Rác cãi: hơn 300 xác thai nhi sao lại không biết chứ. Ông Tỉnh bèn bảo ông Thành “rà lại” coi có kiến nghị và có chỉ đạo chưa, nếu chỉ đạo rồi mà “chúng nó” cứ ỳ ra đấy thì sẽ “nhắc nhở”. Tuy nhiên không thấy ông bàn đến chuyện nếu nhắc nhở mà “chúng nó” vẫn không làm (chuyện này thường xảy ra) thì sẽ lại có “động thái” – hay nói cho dễ hiểu là có biện pháp gì.
Chuyện ồn ào lan qua sở xây dựng tỉnh Cà Mau, quan giám đốc Sở Xây Dựng phán “Qua lễ 30.4 – 1.5. chúng tôi sẽ kiểm tra…” Sau đó thành phố cho nhân viên đi đào xới để kiểm chứng, và xong việc đã “báo cáo là không phát hiện gì.”
Chuyện kiểm chứng của quan chức nước Việt Cộng khiến chúng ta nhớ ngay tới chuyện những ông lớn Tư Bản Đỏ thử độ bền chắc đường xá bằng cách lấy bàn tay ấn thử xuống mặt đường, thử độ vô trùng của nước uống bằng cách nếm một ngụm nước, thử nước biển không bị ô nhiễm bởi Formosa bằng cách nhảy ùm xuống tắm.
Trở lại chuyện Cà Mau, khi nói đến con số đáng sợ là 300 thai nhi bị quăng bãi rác, người ta có thể nghĩ ngay đến những nguồn “sản xuất” chứ không còn là những vụ phá thai lẻ tẻ. Và vì thế chuyện đến tai Quyền-Giám-Đốc Sở Y Tế Cà Mau, và ông quyền giám đốc đã “có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ra soát, kiểm tra lại.” Trước dư luận, quan giám đốc thú nhận đã “rất bất ngờ” khi nghe con số hơn 300 xác thai nhi. Và giải thích khi thai chết, bệnh viện làm thủ tục trao cho gia đình và cả quyết bệnh viện cũng như các phòng khám không bỏ xác thai nhi theo rác thải. Bác sĩ Giám Đốc Bệnh Viện Sản-Nhi Cà Mau cũng xác nhận như thế.
Chắc bạn cũng nhận ra là khi có vấn đề, các ông lãnh đạo ngành y tế Cà Mau lập tức phát biểu giống hệt nhau và quả quyết cơ quan họ (bệnh viện) làm “đúng quy trình”. Bạn có nghĩ là khi các quan chức Việt Cộng nhanh miệng quả quyết một sự kiện hay bác bỏ một cáo buộc, dù chưa kiểm chứng cụ thể thì các quan ấy cũng đã và đang làm đúng cái “quy trình” phải theo của một ông quan cách mạng không?
Rồi ông y tế sau khi đào bới để kiểm chứng đã xác nhận là không tìm thấy xác thai nhi nào. Xin nhắc là trong khi thiên hạ chỉ cần nhận diện DNA trên một chút xương, da, lông, tóc… là có thể xcá nhận những thứ ấy đến từ người hay thú vật, còn các viên chức nhà nước Việt Cộng tìm tòi bằng cách nào để quả quyết là không có xác thai nhi trong rác thải. Chắc các vị ấy đào bới qua loa để tìm xương thai nhi nhưng mà ở thai nhi phần lớn bộ xương chưa thành hình, hoặc nếu đã có hình dạng thì cũng mỏng manh và không đủ độ bền khi nằm chung với rác thải một thời gian, hoặc đã thành thức ăn cho thú hoang.
Tôi cũng ngạc nhiên với phong cách làm việc vô cùng thảnh thơi của đám quan chức Tư Bản Đỏ khi giám đốc sở xây dựng tỉnh Cà Mau hứa sau “lễ” 30.4 và 1.5 mới tiến hành kiểm tra…
Quả thật ở đất nước Việt Cộng mạng người chẳng có ý nghĩa gì.
Tôi cũng không hiểu ông chủ công ty rác khi đã phát hiện xác thai nhi trong bãi rác từ năm 2012 mà tới giờ khi không còn chỗ chôn mới lên tiếng khiếu nại. Hay là ông ta biết trước có kêu gào thì cũng vậy thôi, nhưng đã biết vậy thì sao giờ này ông ta cũng vẫn lên tiếng. Có thể ở nước Việt Cộng, số lượng (bất kỳ thứ gì) phải lớn, phải “vĩ đại” thì mới gợi được sự chú ý của đám quan lại nói riêng và của quần chúng nói chung? Chôn cất xác những thai nhi vô thừa nhận là việc làm có ý nghĩa, nhưng cũng vẫn nên báo cho nhà cầm quyền biết bởi với số lượng lớn như thế thì số xác ấy nếu không xuất phát từ bệnh viện (như Bác sĩ Giám đốc Bệnh viện Sản-Nhi Cà Mau quả quyết) thì nhất định phải phát xuất từ những “lò” phá thai bất hợp pháp mà nhà cầm quyền phải biết để giúp đỡ hoặc ngăn chặn.
Cuộc sống vội vã, xô bồ, chung chạ, đầy cạm bẫy với những người trẻ trong các môi trường đầy những thú ăn chơi lệch lạc. Ảnh hưởng xấu của cuộc sống ảo, của những trò chơi nặng tính kích dục mà các đoàn viên đoàn thanh niên cộng sản thành Hồ phổ biến. Thêm vào đó là sự giải quyết có vẻ dễ dàng đối với những trường hợp có thai ngoài ý muốn. Người ta sẽ bớt đi sự cảnh giác, sẽ bớt thận trọng trong hành động, khi vướng hậu quả thì vào con hẻm nào đó nơi có vài bà Sáu, bà Bảy mát tay, thạo việc nhờ giải quyết. Lấy thai nhi ra xong, trút bỏ nợ nần, lại tiếp tục cuộc sống, cái thai quăng đi đâu chẳng việc gì phải bận tâm.
Bạn thân mến, bây giờ mời bạn cùng tôi rời “Đất Mũi” Cà Mau xuôi Quốc Lộ 1A ra Bắc, rong ruổi 1924 cây số, đến Ninh Bình một thành phố cách Hà Nội 93 Km về phía nam. Thống kê dân số năm 2014 cho biết thành phố Ninh Bình có 160 ngàn dân. Nghĩa là cách đây 5 năm, dân số Ninh Bình chưa có tới hai trăm ngàn dân, cũng từ 2014 đến nay, một nông dân ở Ninh Bình đã làm công việc khác thường: xin xác thai nhi về chôn cất. Và từ 2014 tới nay, số thai nhi được ông nhận về chôn cất đã lên tới hàng nghìn.
Thử hình dung ở một chiều không gian nào khác, các em bé (chưa kịp chào đời ở mảnh đất có tên Việt Nam, và giấy khai sinh – hay khai tử tưởng tượng ghi cái tên thành phố Ninh Bình) gặp nhau, tíu tít làm quen và tự giới thiệu tên mình với người bạn mới.
“Chào chị, em tên Hồng, chị tên gì?”
“Ô, chị cũng tên Hồng.”
“Vậy à, thế còn mấy anh chị kia tên gì?”
“Ba bạn đang chơi chuyền tên Hồng, hai bạn đang nhẩy dây tên Hạnh, cái cô đang vẽ hình trên vạt nắng tên Quốc, còn mấy bạn tên Quốc nữa, đang trốn đàng sau những đám mây.”
“Con gái sao lại tên Quốc chị nhỉ?”
“Vì lúc đặt tên Bố Trọng có biết nó là con gái đâu.”
“Bọn chúng mình nhiều đứa có tên giống hệt nhau, chị biết tại sao không?”
“Tại vì khi tiễn chúng mình về chốn này, Bố Trọng muốn đứa nào cũng có cái tên đẹp. Nhiều khi chưa biết rõ mình là trai hay gái, Bố cũng cứ cho đại một cái tên.”
Mấy em bé nhắc đến tên Trọng chắc làm bạn giật mình. Xin cứ yên tâm; người đàn ông mà các em bé nhắc đến tên chẳng phải cái người cách đây không lâu dạo chơi ở Kiên Giang, bị ăn trúng cái gì đó (đầu độc chăng) đã được chuyển vội về thành phố để điều trị và bây giờ đang bặt vô âm tín. Chẳng phải ông Trọng ấy đâu!
Bạn thân mến, nếu như có một chiều không gian nào khác nơi các thai nhi gặp lại nhau, hẳn sẽ có lần các em chuyện trò với nhau như trên. Bởi những giây phút thoáng qua ở trần gian, nơi đất nước có tên Việt Nam, các thai nhi bị hủy hoại đã được bác nông dân Đinh Văn Trọng ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đón về và trước khi an táng, ông đặt cho mỗi em một cái tên thật đẹp, vì thế trong cuốn sổ cũ kỹ, lem luốc dấu tay, đầy ắp những cái tên đẹp của hàng nghìn thai nhi mà người đàn ông có tấm lòng cao quý ấy đặt cho.
Những em bé từ sáu tháng tuổi thai nhi với đầy đủ mắt, mũi, chân, tay đến những em tuổi mới ba tuần lễ và còn là giọt máu đục lờ trong bụng mẹ. “Tất cả cùng chung số phận chưa có ngày sinh đã có ngày tử” như lời người đàn ông có tấm lòng nhân ái.
Giai đoạn đầu công việc của người chôn cất thai nhi cũng vô cùng gian nan. Những khi tình cờ phát hiện các thai nhi bị bỏ lây lất trong những bãi rác, quăng đại bên lề đường, trong bụi rậm, dưới hầm cầu… người nông dân ấy đã quyết định đến các phòng khám tư nhân xin nhận các bào thai đã phá đem về an táng. Những cơ sở ấy nghĩ là ông có âm mưu phá hoại công việc làm ăn (lén lút, bất hợp pháp) của họ nên không hợp tác. Ông năn nỉ họ cho ông biết chỗ quăng bỏ thai nhi để ông lấy về chôn cất tử tế.
Bây giờ, ông đã là thân chủ quen thuộc của những cơ sở ấy. Và dù đang làm việc ngoài đồng, đang ăn trưa hay đang ngủ, có điện thoại gọi đi lấy xác thai nhi, ông cũng bỏ dở mọi công việc để đi “đón các cháu về.”
“Đón các cháu về!” Câu nói làm người nghe rơi nước mắt.
Điều đáng ghi nhận là người nông dân có tấm lòng cao cả ấy cho biết thường cứ khoảng một tháng sau các dịp nghỉ lễ là số lượng thai nhi bị vất bỏ ở các phòng khám tư nhân tăng vọt lên thật bất ngờ.
Bạn thân mến, chắc bạn cũng đồng ý với tôi là đất nước chúng ta may mắn còn những con người như ông nông dân Đinh Văn Trọng ở Ninh Bình và rất nhiều những người khác nữa mà tôi cảm thấy có lỗi khi chưa có dịp nhắc đến họ; những người có tấm lòng cao cả, bỏ công sức, tiền bạc, thời gian đi xin xác những thai nhi bị bố mẹ bỏ rơi, đem về chôn cất.
Riết rồi ở đâu trên đất nước Việt Nam cũng có những xác thai nhi bị người ta vất bỏ, riết rồi dải đất hình chữ S bên kia bờ Thái Bình Dương sẽ thành dải đất của những hồn oan.
Bạn có đồng ý với tôi không?
Khúc An

Comments

Popular posts from this blog