Hoa Kỳ rút lui khỏi thế giới?

Lê Phan

alt
Hoa Kỳ là cường quốc mạnh nhất của thế giới từ năm 1945, khi vai trò đó Luân Đôn đã hầu như trao cho Washington sau Đệ Nhất Thế Chiến, sau cùng rơi hoàn toàn vào tay Hoa Kỳ sau Đệ Nhị Thế Chiến.
Kể từ năm 1991, khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc với sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết, Hoa Kỳ trở thành cường quốc duy nhất của thế giới, một thế lực mà không cường quốc nào khác có thể thách thức được.
Trong suốt 26 năm – gần một thế hệ – Hoa Kỳ đã có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, ở bất cứ thời điểm nào, ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Bất chấp sự suy thoái của một số những khu vực quan trọng của nền kinh tế Hoa Kỳ, quân đội Hoa Kỳ có thể bao trùm thế giới với những cuộc triển khai lực lượng khi Ngũ Giác Đài chia hành tinh của chúng ta thành “những bộ chỉ huy theo địa lý” để chính thức hóa sự chế ngự của Hoa Kỳ.
Cũng phải nói là có nhiều nơi trên địa cầu này người ta vui mừng chào đón sự chế ngự của Hoa Kỳ. Tuy Hoa Kỳ không hoàn toàn là bất vụ lợi, Hoa Kỳ đã là một thế lực tích cực trên trường quốc tế so với bất cứ thế lực nào khác. Ngay cả những người không ưa gì sự chế ngự của Hoa Kỳ, khó thấy có ai muốn bị Bắc Kinh và các lãnh đạo độc tài của đảng Cộng sản Trung Hoa chế ngự.
Nhưng từ năm 2017, những dấu hiệu bắt đầu xuất hiện cho thấy sự chế ngự của Hoa Kỳ, vốn đã từ từ đi xuống, đã đến hồi mà Hoa Kỳ không còn chế ngự hay không muốn chế ngự thế giới nữa. Một thời đại mới đang hình thành, tuy vẫn còn quá sớm nên chưa biết rồi sẽ ra sao.
Là tổng tư lệnh của một lực lượng vẫn còn chế ngự thế giới, trong năm đầu tiên ở Văn Phòng Bầu Dục, Tổng thống Donald Trump đã nổi giận và bực tức trên Twitter hầu như mỗi ngày, với không có ảnh hưởng gì ngoại trừ việc làm cho các đồng minh của Hoa Kỳ rối trí về chuyện gì đang thực sự xảy ra ở Washington. Trên thực tế, Hoa Kỳ có hai chính sách ngoại giao và quốc phòng: những điều mà tổng thống nói và những điều mà các quan chức trong bộ máy an ninh quốc gia làm. Sự tách rời giữa những tuyên bố của tổng thống, hầu hết toán loạn, và chính sách thực sự với thế giới gia tăng trong suốt năm 2017.
Chả trách Bắc Hàn không sợ, mặc dầu một năm tổng thống xỉ vả Bình Nhưỡng. Triều đại Kim tiếp tục diệu võ dương oai khả năng hạt nhân, bắn hỏa tiễn trên Thái Bình Dương để chứng tỏ sức mạnh của họ, và những đòi hỏi của Washington buộc họ phải ngưng chả có ảnh hưởng gì cả.
Trong khi chính phủ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục nói là Bắc Hàn sẽ không bao giờ trở thành một cường quốc hạt nhân, cái quốc gia khó chịu đó quả là rõ ràng có vũ khí hạt nhân rồi. Chính sách ngoại giao không dựa trên thực tế này có thể kết thúc rất tệ hại cho tất cả mọi người – ngay cả một cuộc chiến quy ước ở bán đảo Triều Tiên cũng có nghĩa là nhiều triệu dân tị nạn và thương vong – là chuyện hiển nhiên và trở thành một trong những chữ nếu lớn nhất cho năm sau. Cuộc gặp gỡ đầy kịch tính ở Singapore năm 2018 thực ra không giải quyết được gì cả ngoại trừ việc Bắc Hàn vẫn tiếp tục sở hữu khả năng hạt nhân.
Cũng phải nói là Tổng Thống Trump thừa hưởng một Hoa Kỳ mà sức mạnh bắt đầu suy yếu. Những vị tiền nhiệm của ông đã gây nhiều thiệt hại cho uy thế đó trước khi ông Trump quyết định tấn công thêm. Sự can thiệp với ý định tốt của Tổng Thống Bill Clinton vào vùng Balkan đã tạo ảo tưởng là Hoa Kỳ biết “xây dựng quốc gia” từ những xã hội đổ vỡ mà không tốn kém bao nhiêu.
Phản ứng quá mức của Tổng Thống George W. Bush đối với đại vùng Trung Đông đã tạo nên một vùng rối loạn đầy vấn đề, và trao Iraq cho Iran trong khi để cho Saudi Arabia hoành hành trong vùng thuộc Hồi Giáo Sunni. Ảnh hưởng xấu đến uy tín của Hoa Kỳ liên quan đến những cuộc chiến thất bại ở Iraq và Afghanistan thật to lớn. Đa số thế giới sẵn sàng chấp nhận sự chế ngự của Hoa Kỳ nếu hữu hiệu. Nhưng sự thất bại ở hai mặt trận này cho thấy là Hoa Kỳ đã mất khả năng hữu hiệu.
Tổng Thống Barack Obama cũng chả làm gì tốt hơn. Đối phó với một Iraq kinh hồn mà ông thừa hưởng, ông đã chỉ tìm cách bỏ chạy. Chưa kể cố gắng không đủ ở Afghanistan, cố gắng nửa vời của ông ở Libya, lật đổ chế độ Gadhafi nhưng không có gì thay thế, rồi sự thất bại của ông trước lằn đỏ mà ông đã đặt ra ở Syria, một hành động dẫn đến Hoa Kỳ trao vấn đề Syria cho Nga. Sự ngần ngại của ông trước sự hung hăng của ông Vladimir Putin ở Ukraine đã thúc đẩy thêm cho ông này ngày càng dấn tới. Một phần nào sự ngần ngại của ông Obama đối đầu với Nga đã khuyến khích sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Ông Putin và những kẻ xấu khác đã nhận được thông điệp là Hoa Kỳ của Tổng Thống Obama sẽ không chống lại những kẻ gây rối. Sự bận tâm của ông trước đe dọa của Trung Cộng đã làm ông ngần ngại can thiệp vào những nơi khác.
Ngược lại, nếu ông Obama không muốn can thiệp thì ông Trump đi đường khác, với những lời tuyên bố hung hăng về sức mạnh của Hoa Kỳ và sẵn sàng độc hành, bất cứ lúc nào Washington muốn, bất chấp hệ quả.
Cái chính sách ngoại giao bất chấp thế giới của ông Trump có rất nhiều thí dụ. Từ việc đơn phương công nhận Jerusalem làm thủ đô của Israel đến việc coi thường các đồng minh trong liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO, thế giới sửng sốt nhìn một Hoa Kỳ không còn tin cậy được nữa. Khi người lúc đó là đại sứ Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, công khai đe dọa các thành viên phải bỏ phiếu chống lại một nghị quyết ở Đại Hội Đồng lên án việc Hoa Kỳ dời tòa đại sứ về Jerusalem, Hoa Kỳ đã thất bại nặng nề. Kết quả là hầu như toàn thể thế giới bỏ phiếu chống lại Hoa Kỳ, với hầu như toàn thể đồng minh trong Liên Minh NATO.
Tổng Thống Trump thích nói về “sức mạnh” của Hoa Kỳ và ông thích tweet về quân đội, mặc dầu ông chưa từng một ngày trong quân ngũ. Nhưng quả là ngày nay sự chế ngự của Hoa Kỳ chỉ còn trên lãnh vực quân sự. Với một xã hội chia rẽ, chính trị đảng phái, và suy thoái trong sản xuất công nghiệp, Ho 
Nhưng mặc dầu tổng thống ưa khoe khoang về quân đội, những năm dài chiến tranh du kích ở Afghanistan đã xói mòn khả năng của quân đội Hoa Kỳ. Trong nhiều năm đổ nhiều ngàn tỷ đô la ở Iraq và Afghanistan, quân đội Hoa Kỳ đã không có tiền và thời giờ để canh tân và tinh thần ngày càng suy yếu.
Không quân ngày càng mất phi công đến mức báo động vì sự hấp dẫn của các hãng hàng không dân sự, trong khi có quá ít chiến đấu cơ F-22 để chế ngự bầu trời. Hải quân trong khi đó bị bỏ rơi vì những cuộc chiến trên bộ. Khi tính đến sự việc là hải quân Hoa Kỳ đã là người bảo đảm cho tự do hải hành trên toàn thế giới từ năm 1945, bảo vệ cho mậu dịch quốc tế và là chủ lực của quyền lực Hoa Kỳ, sự suy yếu của hải quân là một điều đáng lo. Ngay cả lục quân cũng không khá gì hơn. Nhiều năm thiếu đầu tư cho pháo binh và chiến tranh điện tử đã đe dọa sức mạnh của bộ binh.
Nhưng trên hết là chính sách độc hành của Tổng Thống Trump vốn đang xói mòn hệ thống toàn cầu mà Hoa Kỳ đã dày công dựng lên từ Đệ Nhị Thế Chiến. Sức mạnh của Hoa Kỳ vốn không phải chỉ là sức mạnh của nòng súng mà còn là sức mạnh của một cường quốc dân chủ tự tin và sẵn sàng chia sẻ. Khi Hoa Kỳ trở thành ích kỷ thì sức mạnh đó cũng khó duy trì. (Lê Phan)

Comments

Popular posts from this blog