Huy Lâm
image.png
Trong tất cả các cơ quan thuộc chính phủ liên bang, có lẽ không có cơ quan nào gặp nhiều áp lực như Sở Bưu điện Hoa Kỳ (USPS). Từ nhiều năm nay, cơ quan này đã từng nhiều lần bị đe doạ đóng cửa và chuyển dịch vụ sang cho các công ty tư chỉ vì làm ăn thua lỗ. Không chỉ thế, kể từ khi có hệ thống internet và email, dịch vụ đưa thư truyền thống này còn bị dè bỉu và bị gọi một cách châm chọc là “thư ốc sên” (snail mail) – ý nói là chậm quá, không theo kịp với thời đại.
Mà lời chê bai trên quả thật đúng chứ không sai. Trong khi gửi thư theo lối truyền thống phải mất từ vài ngày cho tới vài tuần mới tới tay người nhận thì email chỉ mất vài giây cho dù người nhận đang ở cách xa nửa vòng trái đất.
Tuy bị khinh khi coi thường đến thế nhưng cơ quan này vẫn âm thầm hoạt động, và nay đã có một số người nhận ra rằng việc làm của những người đưa thư còn mang rất nhiều ý nghĩa tinh thần, nhất là trong trường hợp như sau một thiên tai chẳng hạn, thì sự có mặt của những nhân viên bưu điện mang đến cho người dân sống trong những khu vực gặp nạn ấy có lại được cái cảm giác dường như cuộc sống đang trở lại bình thường.
Vào mấy ngày cuối của Tháng 1 vừa qua, một luồng gió lạnh từ Bắc Cực thổi về đã làm cho cả khu vực vùng Trung Tây Hoa Kỳ bị cóng lạnh. Chỉ qua một đêm, nhiệt độ tại thành phố Chicago rớt xuống âm 21 độ Fahrenheit, biến thành phố thành một nơi lạnh hơn Nam Cực, Alaska và thậm chí luôn cả Bắc Cực nữa. Theo Sở Khí tượng Quốc gia, cộng thêm gió thổi đã làm cho nhiệt độ ở nhiều nơi như Park Rapids, Minnesota rớt xuống âm 64 độ và Buffalo, North Dakota là âm 45 độ. Trường học, nhà hàng, và hầu hết các cơ sở kinh doanh buộc phải đóng cửa, và hơn 1,000 chuyến bay bị hủy bỏ.
Theo các nhà khoa học, khi nhiệt độ trên mặt địa cầu tăng thì thời tiết khắc nghiệt cũng thường xảy ra hơn. Chỉ riêng trong năm 2018, cháy rừng, núi lửa phun, bão, đất truồi, và những thiên tai khác đã làm thiệt hại ít nhất $49 tỷ tại Hoa Kỳ. Puerto Rico, kể từ bão Maria năm 2017 cho đến nay, vẫn đang phải đối phó với hậu quả tàn phá kinh tế và các công trình xây dựng, và người dân vẫn phải sống trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ thứ, từ thực phẩm, thuốc men cho đến điện, nước. Thiên tai có thể tàn phá hạ tầng cơ sở của cả một cộng đồng, làm đảo lộn tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc sống trong nhiều tháng hay thậm chí trong nhiều năm trời. Tuy nhiên, vẫn có một vài dịch vụ, trong đó có dịch vụ đưa thư, nhắc nhở cho chúng ta rằng đời sống, ở một mức độ nào đó, thế nào rồi cũng trở lại bình thường.
image.png
Người ta kể lại câu chuyện, ít ngày sau vụ cháy rừng gây nhiều thiệt hại tại Santa Rosa, California năm 2017, một chiếc máy bay do người điều khiển ở dưới đất đã quay được đoạn phim của một nhân viên bưu điện là anh Trevor Smith đang lái chiếc xe van màu trắng xuyên qua những căn nhà bị cháy đen rụi, và đi gom thu lại những thư từ trong khu vực bị ảnh hưởng. Đoạn phim gây một ấn tượng rất mạnh: Việc làm của anh Smith thì rất quen thuộc, bình thường, nhưng khung cảnh thì tan hoang vô tận. Theo như lời thuật lại của văn phòng sở bưu điện địa phương, anh Smith đáp ứng lời yêu cầu của một số cư dân đã được di tản ra khỏi khu vực muốn trở về lấy lại bất cứ thư từ gì chưa bị lửa làm cho hư hại. Đối với Smith, anh xem đây cũng giống như một ngày đi làm bình thường. Anh đi theo con đường anh vẫn đi trước đây, tới những hộp thư còn đứng đó nhưng căn nhà thì đã bị cháy nát, anh mở hộp thư và thu gom những thư từ còn sót lại và đem trao cho chủ nhân của chúng.
Sở Bưu điện Hoa Kỳ có những kế hoạch dự phòng khá tinh vi trong trường hợp khi có thiên tai xảy ra. Thường là sau khi công việc đưa thư bị đình chỉ do thời tiết không cho phép, ưu tiên hàng đầu của cơ quan là bảo đảm sự an toàn cho nhân viên, sau đó cơ quan đánh giá tình trạng của hạ tầng cơ sở, ví dụ như đường sá nơi mà xe chở thư cần đi qua. Cuối cùng là đưa ra quyết định có mở lại hoạt động đưa thư hay không và khi nào là tốt nhất.
Nếu sự tàn phá quá nặng, những thư từ được gửi tới những địa chỉ trong khu vực sẽ được đưa đến nơi khác. Để đối phó với cơn bão Katrina năm 2005, Sở Bưu điện Hoa Kỳ đã tính trước và cho chuyển những thư từ gửi tới New Orleans qua Houston. Những thư nào đã được đưa tới các cơ sở ở New Orleans rồi thì được rời lên tầng lầu cao hơn để tránh không bị nước làm cho hư hại.
Tuy nhiên, cho dù trong hoàn cảnh nào, sở bưu điện ở địa phương thường không để cho công việc đưa thư bị ngưng hoạt động quá lâu. Thường là ngay sau khi cảm thấy tình hình bên ngoài đủ an toàn thì nhân viên bưu điện bắt đầu làm công việc đưa thư trên những con đường còn sử dụng được. Sở Bưu điện cũng kêu gọi những ai bị mất nhà cửa nên điền đơn chuyển địa chỉ qua một địa chỉ mới của họ. Sau bão Katrina xảy ra năm 2005, các phòng nhận thư được dựng lên ở sân vận động Houston Astrodome và vài chục địa điểm khác trên khắp nước (nơi người di tản tránh bão tới ở tạm) trong hai tuần lễ khi mà Sở Bưu điện không thể đưa thư tới những địa chỉ đó được.
Trung bình mỗi ngày, Sở Bưu điện Hoa Kỳ chuyển giao 493.4 triệu thư từ đủ loại – từ những tấm thiếp tới chi phiếu An sinh Xã hội cho tới thuốc men. Có thể nói mọi thư từ cá nhân đều quan trọng, tuy nhiên, vẫn có một số thư từ thuộc loại hết sức nhạy cảm và mang thời gian tính. Theo dữ liệu thu thập từ một cuộc nghiên cứu năm 2017, có 56 phần trăm các hoá đơn được thanh toán qua hệ thống internet, và điều này có nghĩa là khoảng gần một nửa hoá đơn khác được trả qua thư từ và vẫn cần đến dịch vụ đưa thư để hoàn tất công việc đó.
Để nhận diện những thư từ nào chứa những thứ quan trọng bên trong như chi phiếu An sinh Xã hội chẳng hạn có thể là công việc khó khăn, nhưng cơ quan bưu điện vẫn cố gắng hết sức để phân loại ưu tiên cho những thư từ nhạy cảm về thời gian tính. Có một điểm lợi là Sở Bưu điện là một cơ quan chính phủ và họ có thể làm việc chặt chẽ với những cơ quan chính phủ khác. Ví dụ, họ có thể hợp tác với Sở An sinh Xã hội để đảm bảo rằng những chi phiếu An sinh Xã hội sẽ đến tay đúng người nhận vào đúng lúc. Sau vụ bão Florence và Michael hồi cuối năm ngoái, Sở Bưu điện đã làm việc với hội đồng bầu cử của thành phố và tiểu bang để chắc chắn rằng phiếu bầu của cử tri vắng mặt có thể đến được thùng phiếu đúng thời hạn.
Công việc đưa thư, cho dù đó là một cơ quan chính phủ hay công ty tư, đòi hỏi phải có một hệ thống tổ chức thật tinh vi và rộng lớn, và do đó đặt họ vào một vị trí hết sức đặc biệt trong những hoạt động cứu trợ khi thiên tai hay một tai nạn lớn nào đó xảy ra. Trong một nghiên cứu của Sở Bưu điện Hoa Kỳ năm 2011, cơ quan này đã nhấn mạnh đến hệ thống hạ tầng cơ sở đồ sộ của họ như là một “tài sản liên bang độc đáo” có thể sử dụng trong một vụ thiên tai hay một cuộc tấn công khủng bố. Là vì hệ thống bưu điện có cơ sở ở khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, và hoạt động đều đặn hầu như mỗi ngày.
Đó là chưa kể những công ty chuyển thư tư nhân, ngoài dư tiền bạc để hoạt động, họ còn sử dụng sự chuyên môn và kinh nghiệm của họ để giúp hồi sinh những khu vực bị thiệt hại sau thiên tai.
Như công ty FedEx, hơn một thập niên qua đã hỗ trợ cho tổ chức Hồng thập tự Hoa Kỳ trong nỗ lực đưa đồ cứu trợ khẩn cấp tới những khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai, cả quốc nội cũng như quốc tế. Theo một phúc trình nội bộ năm 2012, FedEx cũng hiến tặng nhiều triệu Mỹ kim để hỗ trợ cho nạn nhân và tình nguyện viên. Cũng phúc trình này cho biết năm 2012 – năm xảy ra bão Sandy, vụ cháy rừng Rush Fire ở California, và vụ động đất và sóng thần Kamaishi ở Nhật Bản – công ty FedEx đã giúp vận chuyển các phẩm vật cứu trợ và thuốc men chứa đầy 53 phi cơ tới những nơi thiên tai. Tháng 10 năm ngoái, công ty còn hiến tặng $1 triệu và hỗ trợ công việc vận chuyển sau bão Florence và Michael.
Công ty UPS thì sử dụng hệ thống vận chuyển của họ để giúp tái thiết những khu vực bị thiên tai tàn phá. Công ty cũng sử dụng phi cơ và xe tải để giao thực phẩm, thuốc men và nước uống tới những khu vực trên.
Ta thấy, cho dù đó là một cơ quan chính phủ hay một công ty tư nhân thì đều có những lợi thế và ưu điểm riêng của mỗi tổ chức. Thế nên, trước đây có một số lời kêu gọi đóng cửa hệ thống bưu điện chính phủ vì làm ăn thua lỗ có thể xem là những lời kêu gọi hơi quá hấp tấp. Vì dù sao hệ thống bưu điện liên bang đã được xây dựng trong mấy trăm năm với một mạng lưới chằng chịt thì không thể một sớm một chiều bỏ đi cho được. Nay ta còn biết thêm ngoài công việc đưa thư, hệ thống bưu điện còn hỗ trợ hữu hiệu trong những trường hợp thiên tai nữa thì cơ quan của chính phủ này vẫn còn rất nhiều giá trị không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần như đã kể ở trên. Và mỗi khi ta thấy bóng dáng của một chiếc xe đưa thư đi vào trong xóm thì ta biết cuộc sống vẫn đang diễn ra bình thường, hay ít ra là môi trường sống xung quanh vẫn đang an toàn.
Huy Lâm

Comments

Popular posts from this blog