Ai Làm Mất Hoàng Sa?

Hoàng Duy Hùng

Tháng 4 năm 2018, Hưng Yên làm việc ở Đài Sài Gòn Network tại Houston, muốn tôi làm một chương trình về Biển Đông gồm luôn Hài Chiến Hoàng Sa và những vấn đề ở Trường Sa. Tôi nói tôi thì lúc nào cũng chuẩn bị, cái khó đó là Hưng Yên và Đài SGN có chuẩn bị đủ tâm lý để ăn đòn chưa? Tôi từ chối không làm chương trình vì biết trước cả Hưng Yên lẫn Đài SGN chưa chuẩn bị tâm lý.

Hưng Yên nài nĩ tôi nhiều lần, cuối cùng tôi nhận lời với những điều kiện: 1. Nói vấn đề lịch sử thì phải nói trong tinh thần tôn trọng sự thật, không phe phái; 2. Thể chế thì nhất thời, dân vạn đại, nên sẵn sàng mổ xẻ những vết thương đến nơi đến chốn. Hưng Yên nhận lời và bắt đầu thâu 6 chương trình trước khi tôi đi nghỉ hè ở Nhật. Hưng Yên hứa sẽ cho phát hình trong lúc tôi đi Nhật.  

Nhưng Hưng Yên không dám cho trình chiếu. Lúc tôi về, tôi biết không chiếu chương trình này, tôi tuyên bố nghỉ không cộng tác với Hưng Yên và  SGN nữa vì không giữ lời hứa với tôi. Hưng Yên xoa dịu tôi nói xin anh Hùng thông cảm nếu chiếu lên thì “họ sẽ đến đốt đài, họ sẽ đốt luôn nhà của em. Anh Hùng chịu nổi, chịu quen rồi, còn Đài SGN và em, nhất là vợ em, không chịu nổi đâu.”  Thấy Hưng Yên nói vậy, tôi bỏ qua vì hiểu rằng ở bên Mỹ, miệng họ hô hào nhân danh đấu tranh cho Tự Do Ngôn Luận nhưng ai nói sự thật khác ý họ thì họ quậy phá đến cùng.

Đến vụ Thượng Đỉnh G20 ở Argentina tháng 12, 2018, liên quan đến Biển Đông và Đảo Bombay.  Tôi phải mời bà xã tôi ra làm chương trình nói tổng quát về Hải Chiến Hoàng Sa vì nếu ai đó muốn kiếm chuyện thì cứ tới nhà tôi mà kiếm chuyện. Tôi cũng làm chương trình nói một cách tổng quát về Hải Chiến Hoàng Sa với ông Nam Sơn trên Đài KDHL và làm chương trình nói sâu hơn về Hải Chiến Hoàng Sa với anh Derek Phan trên Nửa Vòng Trái Đất Tivi.

Đương nhiên có nhiều phản ứng, ủng hộ và chống đối tôi. Chống đối và chửi bới tôi hạ cấp, không có lý luận thì tôi coi như pha. Thí dụ, lý luận rằng ông Hoàng Duy Hùng lấy tài liệu ở đâu không cần biết, dù những người đó là những người lính hải quân VNCH tham dự cuộc chiến cũng không quan trọng, và theo họ, không đúng sự thật và sự thật là phải nghiên cứu ở những nguồn khác.  Nói lạ, nhân chứng trong cuộc lại không quan trọng?  Và, nếu nói nguồn thì tôi đã trưng dẫn thêm các nguồn từ của Mỹ, của Trung Cộng nữa, không đủ để có những đánh giá nhiều khía cạnh? Có người lại mỉa mai tôi sao lấy tài liệu của Mỹ mà phải lấy tài liệu của QLVNCH thì mới trung thực, tôi trả lời tôi phân tích chính những lời nói của Đại Tá Hà Văn Ngạc là tư lệnh tại mặt trận Hoàng Sa và của ông Trung Tá Lê Văn Thự Hạm Trưởng HQ16 và cũng là phó soái tại mặt trận Hoàng Sa thì còn dẫn chứng nào đủ thuyết phục hơn nữa?  Chắc là phẳi lấy tài liệu của Việt Cộng thì họ mới mừng rỡ nhảy lên cho rằng Hoàng Duy Hùng lấy tài liệu của Việt Cộng nên không đáng tin? Đúng là một bọn nói kiểu nào cũng được, lấy tài liệu của Mỹ thì cho rằng không trung thực, lấy tài liệu của chính những quân nhân cao cấp nhất của Hải Quân QLVNCH tại chiến trường thì chúng cũng cho rằng không nói lên sự thật. Chỉ khi nào nói theo ý họ muốn thì mới là sự thật thôi.

Bài viết này, tôi không phải tranh hơn thua với những người đó. Bài viết này tôi chỉ muốn viết cho những người còn có trí suy luận cho quê hương, còn có tâm hồn hướng đến sự thật không phân biệt thể chế vì thể chế nhất thời, dân vạn đại.

Trong chiến tranh, thắng thua một trận là chuyện bình thường, quan trọng là biết rút ưu khuyết điểm và chịu trách nhiệm những việc mình làm, không đổ lỗi cho người khác. Hải Chiến Hoàng Sa, nếu Hải Quân QLVNCH có thua cho Trung Cộng vì tương quan lực lượng yếu kém thì cũng là chuyện bình thường, cần rút ưu khuyết điểm chịu trách nhiệm thì thề hệ sau kính phục. Thua một trận không quan trọng, nhưng ngụy biện để che dấu lỗi lầm, bóp méo lịch sử, đổ tội cho người khác là tội nặng hơn.

Tôi lên tiếng về sự thật Hải Chiến Hoàng Sa không phải cố ý hạ bệ hay bôi nhọ ai mà với tinh thần trách nhiệm tôn trọng sự thật lịch sử và nhắn gởi ra một tín hiệu rõ ràng đó là không gì che dấu nổi dưới ánh sang mặt trời, những ai tưởng lấy tay che trời thì con cháu không dám vạch trần sự thật thì lầm to. Trong giai đoạn này, nhiều người còn sống như Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại thì tôi lên tiếng là đúng để về sau không ai nói tôi nói sau khi các nhân chứng đã quy tiên thì không có giá trị. Tôi lên tiếng sự thật về Hải Chiến Hoàng Sa là muốn giúp cho những người có lòng cho đất nước không bị gạt như chính tôi đã bị lường gạt trước đây mãi cho đến năm 2000.

Trước năm 2000, cũng như nhiều người khác, tôi thần tuợng hóa sự hy sinh cao cả của Hải Quân QLVNCH biết mình yếu thế hơn Trung Cộng nhưng vẫn đánh để nói lên chủ quyền của nước Việt tại Hoàng Sa. Trên Thuý Nga Paris số ra tháng Giêng năm 2018, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại cũng lập lại lời tuyên truyền như sau: “Biết mình yếu thế hơn Trung Cộng nhiều, nhưng tôi ra lệnh khai hỏa là để khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam.”  Ở dưới này khán thính giả chỉ cần nghe thế thì vỗ tay ào ào.

Nhưng sự thật không phải thế, sự thật lúc Hải Chiến Hoàng Sa, Hải Quân QLVNCH mạnh hơn Trung Cộng gấp nhiều lần. Hải Quân QLVNCH còn khai hỏa bất ngờ, phút đầu đã bắn chìm tàu chiến Kronstadt 271 của Trung Cộng làm đô đốc và các phó đô đốc cùng nhiều binh sĩ của Trung Cộng tử trận liền. Trung Cộng chỉ còn có một tàu chiến Kronstadt 274, 2 tàu quét mìn, và 2 ngư thuyền thì làm sao địch nổi 4 chiến hạm HQ16, HQ10, HQ05, và HQ04?  Rồi, tại sao chỉ trong vòng 30 phút Hải Quân QLVNCH thua thê thảm?

I. Quyền Quản Lý Hoàng Sa và Trường Sa:  Nơi đây, tôi không bàn đến những sự tranh cãi chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa là của ai. Đối với tôi, Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Quan trọng nhất, năm 1951, Liên Hiệp Quốc tại Hội Nghị San Francisco, đã trao Hoàng Sa và Trường Sa cho Quốc Gia Việt Nam quản lý. Công trạng lớn này là do Thủ Tướng Trần Văn Hữu miệt mài tranh đấu. Họ chưa công nhận “chủ quyền” của Quốc Gia Việt Nam nhưng giao quyền “quản lý” và nếu quản lý tốt thì tự nhiên chủ quyền sẽ thuộc về Việt Nam. Tiếc thay, sự quản lý yếu kém nên bây giờ có quá nhiều tranh chấp tại Biển Đông. Nguyên do như thế nào?

Ai cũng biết Đệ Nhất và Đệ Nhị VNCH kế thừa Quốc Gia Việt Nam nên trách nhiệm quản lý Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về VNCH. Việt Nam Cộng Hoà đã lơ là trách nhiệm quản lý này của mình. 

Năm 1949, Trung Hoa Quốc Dân Đảng rút quân ở Đảo Ba Bình về Đài Loan. Năm 1956, Đài Loan đem quân ra chiếm Ba Bình vi phạm quy định của Liên Hiệp Quốc năm 1951. Tôi không thấy có văn bản nào của Tổng Thống Diệm hay Đệ Nhất VNCH phản đối việc chiếm đảo bất hợp pháp này của Đài Loan. Đồng ý lúc đó Đệ Nhất VNCH còn có nhiều chuyện lo chống Cộng Sản và dẹp nội loạn, nhưng thảo một văn thư gởi cho Liên Hiệp Quốc chỉ mất khoảng 1 tiếng, và nếu cần thì đem một vài chiến hạm tới Đảo Ba Bình. Tôi không thấy có bất kỳ động thái nào, nhất là không thấy văn thư phản đối nào của Đệ Nhất VNCH thì tôi cho rằng Đệ Nhất VNCH đã không làm tròn trách nhiệm trong việc quản lý Đảo Ba Bình năm 1956.

Cũng năm 1956, ông Tomas Clamos, một luật sư người Phi Luật Tân, tuyên bố thành lập Freedom Land Nation, tức Quốc Gia Đất Tự Do, lấy mấy hòn đảo ở Quần Đảo Trường Sa làm nơi lập quốc. Việt Nam Cộng Hòa chỉ có văn thư tuyên bố khẳng định chủ quyền của VNCH trên Quần Đảo Trường Sa. Phi Luật Tân thì họ mời ông Tomas Clamos gặp gỡ và mua đứt “chủ quyền” với giá tượng trưng 1 USD. Sau Mậu Thân 1968 trở đi, vì Đệ Nhị VNCH mắc lo dồn sức lực đánh Cộng Sản Bắc Việt nên nhân cơ hội rối rắm này, Phi Luật Tân xua chiếm 4 đảo. Ngày 13 tháng 7 năm 1971, Bộ Trưởng Ngoại Giao Trần Văn Lắm khi công du tại Manila có nêu lên những yêu sách của VNCH đối với Phi Luật Tân về các hòn đảo này, dẫu vậy, cho tới nay tôi không thấy có một văn bản phản đối chính thức nào của VNCH lên án Phi Luật Tân chiếm đóng trái phép 4 hòn đảo đó. Và đối với tôi, người Quản Lý VNCH đã không làm tròn trách nhiệm quản lý của mình, đã không ra văn thư đúng lúc đúng thể thức để phản đối cũng như cũng đã không có hành động quân sự nào để phản kháng lại việc chiếm đóng bất hợp pháp 4 đảo này của Phi Luật Tân tại Trường Sa.

Thấy Việt Nam Cộng Hòa không phản đối Phi Luật Tân, Brunei và Mã Lai nêu lên luật Res Nullius (Đất Không Chủ Quyền) để tuyên bố chủ quyền trên một số đảo ở Trường Sa. Chuyện này đưa đến một số hệ lụy cho tới ngày hôm nay.

Đối với tôi, những điều trên cho thấy VNCH đã không làm đầy đủ trách vụ quản lý của mình ở Trường Sa. Về vấn đề Hoàng Sa, tôi cho rằng VNCH đã vô trách nhiệm không có kế hoạch cho hải chiến, vô trách nhiệm trong khi lâm chiến, và vô trách nhiệm sau cuộc chiến.

II. Hải Chiến Hoàng Sa Năm 1974: Như tôi đã viết phần trên, trước năm 2000, cũng như bao nhiêu người khác, tôi thần tượng hóa sự hy sinh cao cả của Hải Quân QLVNCH trong trận Hải Chiến Hoàng Sa. Nhưng, khi tôi nhận được tờ báo Đoàn Kết của Thiếu Tá Hải Quân QLVNCH ở Austin gởi cho tôi có bài viết của ông Đại Tá Hà Văn Ngạc là chỉ huy trưởng trận Hoàng Sa thì tôi giơ hai tay lên than trời là “tôi và thế hệ của tôi bị bộ máy của chế độ Việt Nam Cộng Hòa lường gạt mấy chục năm trời.”

Tôi xin trích đoạn nguyên văn một số đoạn tôi cho rằng quan trọng và sẽ phân tích những sơ hở của Đại Tá Hà Văn Ngạc viết để hiểu rõ hơn ý của tôi.

----------

Sau khi quan sát các chiến hạm Trung Cộng lởn vởn tại phía Bắc đảo Quang Hòa (Duncan), tôi quyết định ngay là hải đoàn sẽ phải phô trương lực lượng bằng cuộc thao diễn chiến thuật tập đội để tiến về Quang Hòa với hy vọng có thể đổ bộ hải kích như các chiến hạm ta làm trước đây. Lúc này trời quang đãng, gió nhẹ và biển êm. Tất cả chiến hạm phải vào nhiệm sở tác chiến, nhưng các dàn hải pháo, và đại liên phải ở trong thế thao diễn. Khởi hành từ Nam Ðảo Hoàng Sa để tiến về đảo Quang Hòa, 4 chiến hạm vào đội hình hàng dọc, dẫn đầu là khu trục hạm HQ4, theo sau là tuần dương hạm HQ5 làm chuẩn hạm có trương hiệu kỳ của Hải Ðội, thứ ba là tuần dương hạm HQ16 và sau cùng là hộ tống hạm HQ10, tốc độ khoảng 6 gút, khoảng cách giữa các chiến hạm là hai lần khoảng cách tiêu chuẩn (tức 1,000 yards), phương tiện truyền tin là kỳ hiệu và quang hiệu, và âm thoại bằng VRC46 hoặc PRC25 chỉ sử dụng để tránh hiểu lầm ám hiệu vận chuyển chiến thuật mà thôi.

Chừng nửa giờ sau khi hải đoàn vận chuyển đội hình hướng về phía đảo Quang Hòa thì hai chiến hạm Trung Cộng loại Kronstadt mang số hiệu 271 và 274 bắt đầu phản ứng bằng cách vận chuyển chặn trước hướng đi của hải đoàn, nhưng Hải Ðoàn vẫn giữ nguyên tốc độ, trong khi đó hai chiến hạm khác nhỏ hơn của Trung Cộng mang số hiệu 389 và 396 (Ghi chú của Trần Ðỗ Cẩm: đây là hai truc lôi hạm tức tàu vớt mìn loại T43) cùng hai ngư thuyền ngụy trang 402 và 407 (Ghi chú của HQ Thiếu Tá Trần Ðỗ Cẩm: ngư thuyền mang tên Nam Ngư) vẫn nằm nguyên vị trí sát bờ phía Bắc đảo Quang Hòa.
Tôi đã không chú tâm đến hai chiến hạm nhỏ của địch vì cho rằng hai chiếc này chỉ là loại phụ mà thôi.  (Sau này khi sưu tầm tài liệu về trận hải chiến Hoàng Sa, HQ Thiếu Tá Trần Ðỗ Cẩm đã truy ra số hiệu loại trục lôi hạm là loại trang bị vũ khí nhẹ hơn còn hai tầu tiếp tế ngụy trang như ngư thuyền thì không đáng kể). Hành động chặn đường chiến hạm ta đã từng được Trung Cộng sử dụng trong mấy ngày trước đây khi các chiến hạm hải quân VNCH đổ quân lên các đảo Cam Tuyền, Vĩnh Lạc và Duy Mộng để xua quân Trung Cộng rời đảo.
Cuộc khai hỏa tấn công đã đạt được yếu tố bất ngờ cho các chiến hạm địch… Chiếc Kronstadt 271 nằm về hướng Tây đảo Quang Hòa, hướng mũi về phía Tây là mục tiêu của tuần dương hạm HQ5 đang hướng mũi vào bờ tức là phía Ðông, đặt mục tiêu về phía tả hạm tức là phía Bắc. Chiếc Kronstadt bị trúng đạn ngay từ phút đầu, nên vận chuyển đã trở nên chậm chạp đã trở thành mục tiêu rất tốt cho HQ5. Hỏa lực của chiếc Kronstadt không gây thiệt hại đáng kể cho tuần dương hạm này, nhưng đã gây thiệt hại nặng cho hộ tống hạm HQ10 nằm về phía Bắc. Khu trục hạm HQ4 nằm về phía Tây Nam của tuần dương hạm HQ5 đặt mục tiêu là chiệc Kronstadt 274 năm về phía Tây Bắc tức tả hạm của chiến hạm. Nhưng chẳng may HQ4 báo cáo trở ngại tác xạ ngay từ phút đầu tiên và phải chờ sửa chữa. Việc này đã làm đảo lộn các dự tính của tôi và làm tôi bối rối. Sau vài phút thì chiến hạm này xin bắn thử. Kết quả là vẫn bị trở ngại và xin được tiếp tục sửa. Tôi vẫn hy vọng, nhưng việc thử lần thứ ba cũng không kết quả. Tuy nhiên chiến HQ4 vẫn phải tiếp tục bám sát mục tiêu của mình trong tầm đại liên nên đã bị thiệt hại nhiều vì hỏa lực của chiếc Kronstadt… Sau chừng 15 phút thì tuần dương hạm HQ16 báo cáo bị trúng đản hầm máy, tàu bị nghiêng nên khả năng vận chuyển giảm sút, buộc phải lui ra ngoài vòng chiến để sửa chữa và cũng không còn liên lạc được với hộ tống hạm HQ10, cũng không biết rõ tình trạng chỉ thấy nhân viên đang đào thoát. Tôi nhận thấy tuần dương hạm đã vận chuyển nặng nề mà chỉ còn một máy, bị nghiêng, nếu tiếp tục chiến đấu sẽ là mục tiêu tốt cho địch, nên tôi đã không ra phản lệnh… Khu trục hạm HQ4 đã bị thiệt hại nhiều sau khi phải bám sát địch trong tầm đại liên nên tôi cũng buộc phải ra lệnh cho chiến hạm này rút ra khỏi vòng chiến ngay và chỉ thị cho tuần dương hạm HQ5 yểm trợ cho HQ4 tiến ra xa vì Hải Ðội Ðặc Nhiệm không thể để bị thiệt hại cho một khu trục hạm, trong khi hải quân VNCH chỉ có hai chiến hạm loại này mà thôi.
Khi khu trục hạm HQ4 ra khỏi vòng chiến thì không bị chiếc Kronstadt 274 truy kích hoặc tác xạ đuổi theo. Ngược lại chiến hạm này của Trung Cộng rảnh tay hơn để tấn công tuần dương hạm HQ5 vào phía hữu hạm hầu làm giảm bớt hỏa lực của chiếm hạm ta để cứu chiếc 271 đang bị tê liệt” ……
…….Bất thần vào khoảng 11 giờ 25 phút sáng , cách xa tôi chừng 8 đến 10 hải lý, xuất hiện một chiến hạm của Trung Cộng, loại có trang bị mỗi bên một dàn giàn phóng hỏa tiễn (Ghi chú Trần Ðỗ Cẩm: đây là loại khinh tốc đỉnh Komar) đang tiến vào vùng giao tranh với tốc độ cao… Tôi dự đoán loại chiến hạm này ít khi được điều động từng chiếc một và tin là ít nhất cũng có một chiếc khác theo sau……  Tôi cũng cầu nguyện Ðức Thánh Trần, thánh tổ của hải quân VNCH ban cho một trận mưa để làm giảm tầm quan sát và khả năng tấn công của phi cơ địch. Sau khi hai chiến hạm còn lại rút ra khỏi vùng giao tranh 10 phút thì một trận mưa đã đổ xuống toàn vùng quần đảo Hoàng Sa. Các chiến hạm ta đã không bị truy kích và phi cơ địch cũng không xuất hiện. Mục đích tôi triệt thoái theo hướng Ðông Nam là để tránh bị tiềm thủy đĩnh của Trung Cộng phục kích và có thể tới hải quân công xưởng của Hoa Kỳ ở Subic Bay xin sửa chữa.
---------

A/      Tương Quan Lực Lượng:
1.                 Việt Nam Cộng Hòa: Qua bài viết này của Đại Tá Hà Văn Ngạc, tại chiến trận Hoàng Sa, Hải Quân QLVNCH có 4 chiến hạm là Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16), Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10), Khu trục hạm Trần Bình Trọng (HQ-5), Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4). Nơi khác Đại Tá Hà Văn Ngạc còn cho biết QLVNCH còn có 1 đại đội hải kích thuộc Hải quân Việt Nam Cộng hòa, một số biệt hải (biệt kích hải quân) và 1 trung đội địa phương quân.

Các tàu chiến HQ16, HQ10, HQ05, HQ04 là những tàu chiến của Hoa Kỳ giao lại, nhũng tàu này làm từ thời Đệ Nhị Thế Chiến, nhưng khi giao lại cho Việt Nam Cộng Hòa thì cũng đã tân trang.

Tàu lớn nhất là HQ16, sức choán nước 2,800 tấn (lớn hơn tàu Trung Cộng gấp 8 lần), trang bị 1 pháo 127mm, 6 pháo 40mm bắn nhanh, 4 pháo 20mm bắn nhanh, 2 súng cối đa năng 81 mm. Vận tốc HQ16 là 18 knots (33.7/km/h) Nguyên một chiếc HQ16 cũng đủ sức bắn hạ các tàu của Trung Cộng.
HQ05 cũng lớn không kém, choán nước 2800 tấn, 1 pháo mũi 127mm, súng cối đa năng, 10 nòng pháo 40mm trong đó có 4 khẩu 2 nòng quanh đài chỉ huy và 2 khẩu 2 bên sau, và them 6 pháo 20mm. Vận tốc của HQ5 là 18 knots (33.7km/h) Chỉ riêng HQ5 không thôi cũng đánh tan tành lực lượng của Trung Cộng lúc đó ở Hoàng Sa.
HQ04 có sức choán nước 1590 tấn, hơn tàu Trung Cộng gần 5 lần, 3 tháp pháo mỗi tháp 1 pháo 76.2mm nạp đạn tự động (không phải như của Trung Cộng nạp đạn bằng tay), thêm 2 pháo 40mm và 8 pháo 20mm. Tàu còn có radar trinh sát. Vận tốc của HQ4 là 21 knots (39/km/h). Vấn đề xảy ra tại sao lúc lâm trận thì pháo không bắn được? Pháo nào? Toàn bộ pháo bị trục trặc?
HQ-05 Trần Bình Trọng: Choán nước 2.800 tấn, vận tốc tối đa: 18 knots (33,7 km/h). 1 pháo mũi cỡ 127mm, súng cối đa năng, 10 nòng pháo 40mm bắn nhanh, gồm 4 khẩu 2 nòng quanh đài chỉ huy và 2 khẩu hai bên sau. Ngoài ra còn có thêm 6 pháo 20mm bắn nhanh.
Nhỏ nhất là Nhật Tảo HQ10, sức choán nước 650 tấn nhưng cũng lớn gần gấp đôi tàu Kronstadt 271 của Trung Cộng. HQ10 trang bị 1 pháo 76mm, 4 pháo 40mm, 6 pháo 20 mm.  Vận tốc của Nhật Tảo chậm nhất, 14 knots, tức 27.4km một giờ.

2. Trung Cộng: Cũng qua bài viết của Đại Tá Hà Văn Ngạc, chúng ta thấy Trung Cộng có 2 tàu chống ngầm Kronstadt mang số hiệu 271 và 274; 2 tàu quét thủy lôi T-43 tức rà và quét mìn chớ không phải tác chiến mang số hiệu 389 và 396;  và 2 ngư thuyền ngụy trang số 402 và số 407. Các tài liệu khác còn cho biết Trung Cộng còn có lực lượng thuộc Trung đoàn 10 Hải quân lục chiến, khoảng 500 binh sĩ trinh sát. Trung Cộng cho tàu chống ngầm 281 và 282 đến tiếp viện, nhưng các tàu này tới thì chiến cuộc đã tàn, coi  như không có tham chiến.

Tàu chống ngầm Kronstadt của Trung Cộng nhái theo Liên xô đã làm từ năm 1939-1941. Sức choán nước của loại này khoảng 320 tấn. Vì nhái theo loại tàu Thế Chiến Thứ Hai nên loại tàu này, vì nhẹ có thể chạy nhanh với vận tốc 32 knots tức 59 km một giờ. Tàu chỉ trang bị 1 pháo 85mm, 2 pháo 37mm, điều khiển nhắm và nạp đạn đều bằng tay. Loại này, bỏ chạy thì nhanh, nhưng tác chiến với những tàu chiến thứ thiệt như các tàu chiến Hải Quân QLVCH thì banh càng nhanh chóng. Bằng chứng, khi Đại Tá Hà Văn Ngạc nhắm mục tiêu thì ngay phút đầu, chiếc Kronstadt 271 đã bị banh xác chìm xuống mang theo cả Đô Đốc Chỉ Huy của Trung Cộng, Phó Đô Đốc và khoảng 30 binh sĩ nữa. Trung Cộng chỉ còn có một chiếc Kronstadt và 2 chiếc ra mìn mà trong vòng 30 phút thay đổi tình thế để rồi VNCH thua thê thảm.

Tàu rà mìn T-43 có choán nước 560 tấn, trang bị 2 pháo đôi 37mm, 2 pháo đôi 25mm, điều khiển bằng ngắm và bắn bằng tay. Chính Đại Tá Hà Văn Ngạc đã cho rằng “hai chiến hạm nhỏ của địch vì cho rằng hai chiếc này chỉ là phụ mà thôi.”  Còn 2 ngư thuyền thì coi như không có bao sức mạnh, không ai kể tới.

Người có đầu óc bình thường một chút xíu thôi thì thấy lúc đó Hải Quân QLVNCH mạnh và hùng hậu hơn Trung Cộng rất nhiều lần. Cũng chính vì thấy mình “mạnh quá” như vậy nên Đại Tá Hà Văn Ngạc đã ra lệnh diễn binh: “tôi quyết định ngay là hải đoàn sẽ phải phô trương lực lượng bằng cuộc thao diễn chiến thuật tập đội để tiến về Quang Hòa.” 

Tôn Tử Binh Pháp nói khi ra trận thì mình phải mạnh hơn kẻ thù ít nhất 4 hoặc 5 lần thì mới diễn binh để gây áp đảo tinh thần. Như vậy, lúc đó trong đầu của ông Đại Tá Hà Văn Ngạc, Hải Quân VNCH mạnh hơn gấp nhiều lần phe Trung Cộng.  Thêm một yếu tố, HQ05 khai hỏa bất ngờ, phút đầu chiếc 271 của Trung Cộng đã chìm, thì tại sao sau 15 phút VNCH  lại thua cách đau đớn tủi nhục? 

Đại Tá Hà Văn Ngạc bắt đầu đổ lỗi:

1.       Trục trặc kỹ thuật, HQ04 xin thử bắn pháo đạn 3 lần không được nên bị chiếc Kronstadt 274 của Trung Cộng tấn công dữ dội. Rõ ràng, khi ra chiến trận không chịu thử các nòng súng trước, lỗi tại ai? Có 3 tầng tháp, nhiều pháo, pháo lớn pháo nhỏ, chẳng lẽ pháo nào cũng bị hư?

2.                 Tàu HQ10 bị trúng đạn bị chìm và các hải quân QLVNCH đang “đào thoát” và tàu HQ16 thì bị trúng đạn lệch sang một bên mất khả năng tác chiến. Trung Tá Lê Văn Thự cho biết HQ16 khi vào đến Tiên Sa Đà Nẵng thì lấy đạn ra, ngư lôi đó là của HQ5, tại sao Đại Tá Hà Văn Ngạc không viết lên chi tiết này?. Theo sự suy đoán của Trung Tá Lê Văn Thự, tàu của Trung Cộng không đủ hỏa lôi để bắn lủng tàu Hải Quân VNCH. Chính Đại Tá Hà Văn Ngạc thú nhận trong bài viết: “Chiếc Kronstadt bị trúng đạn ngay từ phút đầu, nên vận chuyển đã trở nên chậm chạp đã trở thành mục tiêu rất tốt cho HQ5. Hỏa lực của chiếc Kronstadt không gây thiệt hại đáng kể cho tuần dương hạm này, nhưng đã gây thiệt hại nặng cho hộ tống hạm HQ10 nằm về phía Bắc.”  Ông Hà Văn Ngạc quýnh quáng chạy tội nhưng để ra quá nhiều sơ hở, Tàu Kronstadt bị HQ05 khai hỏa bất ngờ, tàu này bắn trả nhưng hỏa lực của Krondstadt không gây cho HQ05 trực diện bị thiệt hại mà HQ10 ở đâu đó thì bị chìm. Theo tôi, khi ông Hà Văn Ngạc ra lệnh khai hỏa bất ngờ, HQ4 hoặc chính HQ5 đã hoa mắt không định được vị HQ16 và HQ10 nên đã nhầm lẫn bắn luôn HQ16 và HQ10.  HQ16 to lớn nên còn lết về tới Đà Nẵng được để lôi ra bằng chứng HQ5 đã bắn HQ16, còn HQ10 đã phải xuống lòng biển.  Cứ thường đạn phe ta bắn Thiếu Tá Ngụy Văn Thà vì lúc đó chiếc Kronstadt 271 của Trung Cộng đã chìm và chiếc Kronstadt 274 phải liều mình tấn công HQ04, còn giờ đâu mà bắn HQ 10. Thiếu Tá Nguỵ Văn Thà bị trúng đạn hy sinh, các hải quân như rắn mất đầu thì chính ông Hà Văn Ngạc đã viết cách mai mỉa các hải quân lo “đào thoát.”

3. Đại Tá Hà Văn Ngạc không muốn cho QLVNCH mất một chiến hạm tối tân nên ra lệnh rút lui; “Khu trục hạm HQ4 đã bị thiệt hại nhiều sau khi phải bám sát địch trong tầm đại liên nên tôi cũng buộc phải ra lệnh cho chiến hạm này rút ra khỏi vòng chiến ngay và chỉ thị cho tuần dương hạm HQ5 yểm trợ cho HQ4 tiến ra xa vì Hải Ðội Ðặc Nhiệm không thể để bị thiệt hại cho một khu trục hạm, trong khi hải quân VNCH chỉ có hai chiến hạm loại này mà thôi.”  Nếu mất một chiến hạm thì còn một chiến hạm khác, trong khi đó mất Hoàng Sa cho Trung Cộng là mất luôn, cái nào nặng cái nào nhẹ?
Chỉ một chiếc Kronstadt thua kém hỏa lực rất nhiều lần mà rượt 2 chiến hạm HQ5 và HQ4 chạy xanh mặt, nực cười không tưởng được. Nếu chỉ cần một chiếc HQ5 ở lại chiến đấu anh dũng thôi thì chiếc Kronstadt của Tàu Cộng cũng tiêu tan. Theo tôi, các ông chiến đấu với một tinh thần hèn nhát sợ chết và sau đó đổ lỗi cho ba cái chuyện vu vơ như muốn giữ lại chiến hạm!!  Khi người Do Thái có Cuộc Chiến Sáu Ngày vào tháng 6 năm 1967 với Khối Ả Rập, một mình Do Thái, yếu thế yếu nhân lực, nhưng can trường chiến đấu, chiến đấu có kế hoạch, đã đánh tan được Liên Minh Ả Rập làm cho ai nấy kiêng nể. Đó mới là Can Trường Chiến Đấu.  Thú Thật, đọc tựa đề Can Trường Trong Chiến Bại của ông Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, tôi thấy đau xót cho dân tộc Việt Nam vì chiêu bài bịp này vẫn còn đang tiếp diễn!

Năm 2000, sau khi đọc bài viết của Đại Tá Hà Văn Ngạc, tôi ngừng không viết bài ca tụng Hải Quân QLVNCH nữa. Năm 2004, Trung Tá Lê Văn Thự viết bài lên tiếng về sự thật Hoàng Sa, đúng với suy nghĩ của tôi. Tiếp sau đó có nhiều vị lên tiếng, kẻ bênh người chống Trung Tá Lê Văn Thự. Tôi thấy phân tích chính những dòng chữ của ông Hà Văn Ngạc đã đủ, không cần trích them lời của ông Trung Tá Lê Văn Thự để củng cố cho lập luận bài viết của tôi.  Sau này, biết bao bình luận gia ngoại quốc đã lên tiếng như bình luận gia Bill Hayton trên báo BBC năm 2014.  Rõ ràng, VNCH không có kế hoạch đàng hoàng khi ra trận chiến, đánh trận thì hèn nhát bỏ chạy cách phi lý, bỏ chạy xong rồi cả một guồng máy bịa chuyện áo thụng vái nhau, bịa chuyện bóp méo vo tròn lịch sử, nhưng lịch sử là lịch sử, cuối cùng “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra.”

III, Mỹ Bỏ Rơi Việt Nam Cộng Hòa và Bắc Việt Cũng Phải Có Trách Nhiệm?:  Những người chống đối tôi lập luận rằng khi ấy Mỹ đã bỏ rơi VNCH, VNCH rất vất vả chiến đấu với Cộng Sản, Cộng Sản Việt Nam cũng là người Việt mà không lên tiếng phản đối hay giúp cho Việt Nam Cộng Hòa đánh Trung Cộng.!!! 

Mỹ có chính sách của Mỹ, nước họ, họ lo cho quyền lợi của họ. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, ở Hiệp Ước Yalta II, Mỹ đã cùng với Nga và Trung Hoa quyết định chia 3 nước Nhật.  Đâu phải bị người ta âm mưu xâu xé mà nước Nhật tan. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, đất nước hoang tàn, bị các cường quốc âm mưu chia cắt, tại sao Nhật vẫn đứng vững và phát triển trở thành siêu cường kinh tế? Đừng vì thua một trận mà Việt Nam Cộng Hòa đổ lỗi cho kẻ này người nọ. Càng tỏ ra như vậy thì càng chứng tỏ cho người ta thấy não trạng “nô lệ” của VNCH lệ thuộc vào Mỹ hoàn toàn.

Bắc Việt không cứu giúp VNCH trong trận Hải Chiến Hoàng Sa, cứ cho là đáng trách đi. Nhưng thử hỏi, năm 1988, khi quân Trung Cộng vô cớ chiếm Gạc Ma và sát hại lính Việt Nam, có mấy ông/bà VNCH nào lên tiếng bênh vực cho các anh lính chết để bảo vệ Đất Mẹ.  Họ đã đứng thành một vòng, nghe lệnh cấp trên “không được nổ súng trước,” cầm cuốc xẻng trong tay đứng yên, không bỏ trốn, không “đào thoát” mà hiên ngang cho Trung Cộng tàn sát. Họ không rên không đổ thừa ai hết. Đối với tôi, những người lính đó chết cho Việt Nam và họ là anh hung của dân tộc.

Hơn nữa, so sánh tương quan lực lượng ở trận chiến, Việt Nam Cộng Hòa hơn hẳn Trung Cộng. Tài liệu của Trung Cộng tiết lộ lúc ấy họ còn e ngại đủ thứ, và họ biết hải quân của họ yếu hơn hải quân QLVNCH, và chiến thắng Hoàng Sa là một điều  ngoài dự tưởng của họ. Ngay cả CIA ở Sài Gòn cũng đánh điện về Washington D.C báo rằng Việt Nam Cộng Hòa đang “bao vây” Trung Cộng, thì làm sao mà Bắc Việt có thể nghĩ rằng trong vòng nửa tiếng 1 lực lượng hùng hậu như vậy bỏ chạy thục mạng?

Lời Kết: Trong cuộc chiến, thắng thua là bình thường. Nhận ưu khuyết điểm và chịu trách nhiệm trước lịch sử chớ không phải tìm cách che dấu lấp liếm tưởng con cháu họ không biết. Họ biết và khi họ khui ra thì tội ác che dấu đó nặng hơn, tội ác đổ thừa còn tệ hơn, và tội ác bóp méo lịch sử là tội ác muôn đời con cháu chê bai. Các ông các bà còn sống đó, các ông các bà còn có cơ hội lên tiếng để điều chỉnh những sai lầm của mình ngõ hầu hậu thế còn chút kính trọng, kẻo không, muôn đời nguyền rủa. Nơi đây, tôi hoan nghênh và trân quý những người can đảm dám nói lên sự thật như Trung Tá Lê Văn Thự, Trung Úy Phạm Thành Trung, và nhiều vị khác. Lịch sử không quên sự can đảm của quý vị đâu./.

Houston ngày 22 tháng 1 năm 2019.

Comments

Popular posts from this blog