VỀ MỘT NGƯỜI ĐỠ ĐẦU CHỮ QUỐC NGỮ BỊ LÃNG QUÊN

Lãng Điền
alt
Vài năm trở lại, các phương tiện thông tin đại chúng có thông báo một số cuộc hội thảo về lịch sử chữ quốc ngữ. Trong hội thảo các nhà nghiên cứu có dẫn tư liệu quí đó là “ Bản tường trình về sứ mạng mới của các linh mục thuộc phái đoàn Dòng Tên ở vương quốc Đàng Trong”, do Cristoforo Borri chấp bút. Trong bản tường trình, C.Borri viết nhiều về một nhân vật lịch sử cấp tiến, rất có cảm tình với các linh mục Dòng Tên, giúp đỡ các vị ấy với sự ưu đãi lớn trong việc truyền Thiên chúa giáo ở Đàng Trong, gián tiếp đỡ đầu chữ quốc ngữ được thai nghén và sinh thành trong giai đoạn từ 1618 đến 1631. Tuy nhiên nhân vật này chưa bao giờ cải đạo. C. Borri trong suốt bản tường trình cũng như các đồng sự đều gọi nhân vật này là “Tổng trấn xứ Puluciambi”. Thế là có người vội suy đoán rằng “ Tổng trấn xứ Puluciambi” là Cống quận công Khám lý Trần Đức Hòa.
Vậy Tổng trấn xứ Puluciambi là ai?
Nguồn gốc bản tường trình
Năm 1931, B.A.V.H đăng tải bài “Những người Âu đã thấy Huế xưa: CRISTOFORO BORRI”, L.Cadière viết tựa, cho rằng C.Borri đã đến Touran [Đà Nẵng} của Đàng Trong từ năm 1618 sau đó vào Puluciama[Nước Mặn], sống và truyền giáo, đến năm 1622 thì về Châu Âu. B.A.V.H 1931 lại đăng bài “Ghi chú về Cristofro Borri và về các ấn bản của bản tường trình của ông” do Charles B.Maybon viết nhằm xử lý về văn bản học của bản tường trình. B. Maybon cho biết ẩn phẩm đầu tiên C. Borri viết bằng tiếng Ý, xuất bản năm 1631 và năm sau tác giả qua đời do bị tai nạn. Bản tường trình được soạn thảo với tư liệu do chính C.Borri thu thập trực tiếp hoặc do các đồng sự kể lại khi trao đổi trực tiếp và tác giả có thể kiểm nghiệm khi còn ở Đàng Trong. Ngoài ra có những sự kiện xảy ra từ 1622 đến 1631 là do tác giả chọn lọc từ những bức thư của các đồng sự như Francesco Buzomi gửi cho ông. Thật vậy, trong bản tường trình C.Borri có tự sự: “Ở Quảng Nam[Cacciam] cũng có nhiều người cải đạo theo đức tin thánh thiện của chúng ta; về chuyện này ông nghè đã giúp chúng tôi nhiều, ông khâm phục chúng tôi về chuyện tiên đoán nhật nguyệt thực như chúng ta đã thấy ở chương IV nên ông xác định một cách công khai rằng không có đức tin và điều luật nào xác thực hơn của các linh mục đã giảng dạy. Các chuyện đó đã ở trong tình trạng như thế khi tôi [C.Borri] rời xứ này vào năm 1622 để đi Châu Âu.
Từ đó, tôi biết do các bức thư hằng năm do các đồng sự của tôi gởi cho tôi; rằng họ đã gặt hái các kết quả ở đây… (t.l.đ.d, tr.488).
Hành trạng của “Tổng trấn Puluciambi” chứng tỏ ông là Nguyễn Phúc Kỳ
Linh mục Francesco Buzomi đến Turon năm 1615, theo thuyền buôn của những người Bồ Đào Nha, ban đầu giúp người Bồ việc hành lễ Công giáo, dần dần linh mục truyền giáo cho một số người Việt ở Turon, trong đó có một phu nhân quí tộc, khi cải đạo có tên thánh là Jeanné. Bà này tạo điều kiện cho linh mục F.Buzomi rất nhiều trong việc truyền giáo. Gặp hạn hán mất mùa nặng, các sư sãi có uy vọng đã đổ lỗi cho sự truyền giáo của F. Buzomi và chúa Nguyễn Phúc Nguyên ra lệnh trục xuất. Do gió mùa, chưa rời cảng, F.Bozumi trốn ở bãi biển và mắc bệnh nặng với ung nhọt ở ngực, khó qua khỏi. Bất ngờ vị “ Tổng trấn xứ Puluciambi” xuất hiện ở cảng Turon cùng đoàn thuyền chiến, đã cứu linh mục F. Buzomi, đưa linh mục về dinh của mình ở Puluciambi, nhờ thầy thuốc giỏi, vợ con của ông săn sóc suốt một năm và kết quả linh mục F. Buzomi lành bệnh. Sự kiện này cho thấy một quan võ, với chức Khám lý của một địa phương cấp tỉnh, lo cầu đường, chưa phải là Đề lĩnh lấy đâu ra thuyền chiến để từ Puluciambi đến Turon, cứu F.Buzomi đang có lệnh trục xuất của Sãi vương, qua mặt các cấp trên đang trấn đóng Turon, Cacciam ư ?
Bốn năm sau, 1618, khi C. Borri đang truyền giáo ở Turon, F. de Pina đang truyền giáo ở Faifo[Hội An], F.Buzomi đang truyền giáo ở Puluciambi [Nước Mặn], lại vị Tổng trấn xứ Puluciambi đưa thuyền chiến, có chở F.Buzomi đến Turon, Faifo để các linh mục gặp nhau và bàn thảo việc truyền giáo ở Puluciambi. Đoàn thuyền chiến do vị Tổng trấn xứ Puluciambi trực tiếp chỉ huy một cách công khai, trang trọng, đi đến hải cảng nào của Đàng Trong cũng được tiếp đón nồng hậu và các vị linh mục được tiếp rước như các vị thượng khách vào hàng hoàng tử của các vua châu Âu. Để thấy Tổng trấn xứ Puluciambi có uy vọng lớn ở Quảng Nam chúng tôi trích lại một số đoạn trong bản tường trình viết về vị Tổng trấn xứ Puluciambi: “Các linh mục Francesco Buzomi, Francesco de Pina và tôi[C.Borri] từ Hội An đi Pulucambi với vị tổng trấn xứ này…Ông dành riêng cho chúng tôi một chiếc thuyền cùng với các thông ngôn của chúng tôi, không cho mang theo hành lý của chúng tôi mà để chúng ở một thuyền khác. Với tiện nghi này chúng tôi đi biển suốt 12 ngày trường, cập bến ở các hải cảng vào buổi sáng hoặc buổi tối, vì tất cả các hải cảng đều ở gần các xóm hoặc thị trấn lớn của dinh Quang Hoa[Quảng Nghĩa], nơi vị tổng trấn cũng có quyền như ở Puluciambi của mình. Tất cả mọi nơi đều chúc tụng ông và tặng quà quý giá, và người ta đang cho chúng tôi trước theo lệnh của ông” (t.l.đ.d.tr. 430).Một vị quan võ, chức Khám lý, phụ trách một bộ phận của quân đội địa phương, liệu có đủ quyền và lực, trái lệnh cấm của chính quyền trung ương, chưa kể các cấp trên đang đóng bản doanh ở địa phương mình công tác, dám có những hành xử với những linh mục đang bị cấm truyền đạo như ghi chép của C.Borri như sau không ? “Ông muốn làm vui chúng tôi nên ra lệnh đem đến 7 con voi và làm vinh dự thêm chúng tôi ông cho 100 lính hộ tống; một nửa số đó đi ngựa, nửa kia đi bộ. Bởi lẽ cuộc hành trình làm vui thích chúng tôi nên chúng tôi dùng vào đó trọn 8 ngày tròn; tiệc tùng theo phong cách Hoàng gia, bất cứ nơi nào chúng tôi đi qua” (t.l.đ. d, tr.431).
Tổng trấn Puluciambi có một bà chị ruột đầy uy vọng, vợ một đại quan, khoảng năm 1621-1622 được triệu hồi về chính dinh Phước Yên, để bàn bạc với Sãi Vương việc ông sẽ làm đại sứ ở Cao Miên. Khi ba linh mục cùng tổng trấn Puluciambi vừa đến Puluciambi, liền viếng nhà của bà chị gái, vợ đại quan sắp đi đại sứ Cao Miên và được chiêu đãi một bữa tiệc tuyệt diệu: “ Tại nhà của một trong những bà chị gái của ông người ta đãi chúng tôi một bữa tiệc tuyệt diệu, không chỉ vì sự phong phú của cách nếm gia vị; chúng tôi được dọn các món theo cách nấu ăn Âu châu của chúng tôi mặc dù vị tổng trấn cũng như những người trong nhà không quen dùng những món đó” (t.l.đ. d, tr. 431). Bà chị của tổng trần thuộc vào hàng quí tộc, khi bà đến gặp linh mục C.Borri để xin cải đạo, bà được rước bằng voi: “Như vậy là tôi [C.Borri] ở lại Pulucambi một mình, lo lắng, không có một hy vọng gì liên quan đến việc cải đạo cho các linh hồn những người ngoại quốc này. Và rồi một ngày kia, khi đang một mình ở nhà, tôi không suy nghĩ gì cả và bổng thấy hiện ra trước cửa một đàn voi với rất nhiều các bà và một nhóm đàn ông; đàng sau có một bà lớn dáng vẻ sang trọng, phục sức, trang điểm nhiều nữ trang quý giá theo cách địa phương…Khi đi ra để đón tiếp bà, tôi nghe nói rằng bà là vợ của vị đại sứ mà vua xứ Đàng Trong gởi sang xứ Cam Bốt và vị đại sứ này sinh trưởng ở Nước Mặn, nơi chúng tôi cư ngụ, sau vị tổng trấn là nhân vật đầu tiên và chính yếu của xứ này; hiện giờ ông ta đang ở triều đình Sinua (Thuận Hóa) để bàn bạc với nhà vua ông việc đại sứ của ông” (t.l.đ.d, tr.447).Cả hai vợ chồng ông đại sứ đều cải đạo, tên thánh của ông là Ignac và của bà là OrsolaC. Borri ca ngợi ông đại sứ: “…khi vị đại sứ đi vào cung điện ở Cao Miên của mình, nơi có bao nhiêu người vợ hầu thường lệ theo hầu vợ ông; ông liền ra lệnh đuổi đi và không ngước mắt nhìn một ai trong số đó. Và nhờ đó khắp nơi biết tiếng ông như một người đạo đức cao trọng, trong sạch; và tất cả nghĩ rằng ông là người có khả năng nhất vương quốc Pulucambi rửa tội” (t.l.đ. d tr, 458). Dịch giả A. Bonifacy đã thấy C. Borri quá coi trọng địa phương Puluciambi và “thông cảm” bút pháp của tác giả bản tường trình khi chú thích: “ (1) Văn bản ghi : regno (vương quốc), thay vì tỉnh.Câu cuối cùng này căn cứ vào văn bản tiếng Ý, cho ta một ý niệm chính xác về bút pháp của linh mục Borri” (t.l.đ.d, tr.458). Nhờ đoạn trích vừa nêu, chúng ta thấy nếu Tổng trấn xứ Puluciambi là quan Khám lý Trần Đức Hòa thì hóa ra còn có một “phó quan Khám lý”, anh rể của Trần Đức Hòa, đầy uy vọng, vợ và vài chục nàng hầu, người nhà khi đến thăm linh mục C.Borri được rước bởi một đàn voi!
Bây giờ trở lại hành trạng của vị Tổng trấn xứ Puluciambi, qua ghi chép của C.Borri.
Cuối cùng đến dinh thự của tổng trấn, tất cả lễ lược tiệc tùng của cuộc du hành được kết thúc bằng một cuộc tiếp đón và đãi đằng như người ta có thói quen đối đãi với các vị chúa, công hầu. Người ta đãi tiệc liên miên trong suốt 8 ngày, ông mời chúng tôi ngồi trên ngai vàng của ông, cùng ăn giữa công chúng với chúng tôi, bên cạnh có các con trai và các bà vợ của ông, trước sự kinh ngạc đến sững sờ của triều đình ông; họ đều xác nhận chưa bao giờ thấy được một cuộc tiếp đãi như thế nếu không là tiếp đãi các bậc vua chúa, và do đó trong vương quốc lan truyền cái tin cho rằng chúng tôi là các Hoàng tử và chúng tôi đến đây vì những việc vô cùng quan trọng…”(t.l.đ.d.tr,431)
Chỉ cần vài sự kiện nêu trên như “vì tất cả các hải cảng đều ở gần các xóm hoặc thị trấn lớn của dinh Quang Hoa[Quảng Nghĩa], nơi vị tổng trấn cũng có quyền như ở Puluciambi của mình”, ông mời chúng tôi ngồi trên ngai vàng của ông, cùng ăn giữa công chúng với chúng tôi, bên cạnh có các con trai và các bà vợ của ông, trước sự kinh ngạc đến sững sờ của triều đình ông”… có thể suy đoán như dịch giả A.Bonifacy từng suy đoán và chú thích; rằng “Tổng trấn xứ Puluciambi” không ai khác hơn là Trấn thủ Quảng Nam dinh Nguyễn Phúc Kỳ. Thật vậy C. Borri từng viết về đồng sự F.Bozumi có nhắc đến dinh trấn Thanh Chiêm, nơi cư ngụ của Nguyễn Phúc Nguyên và về sau là Nguyễn Phúc Kỳ: “ Tất cả đều có cảm tình với linh mục Francesco Buzomi thật thế, mặt khác ông là một người hiểu biết rộng và rất đạo đức, bằng sự hòa nhã dịu dàng của mình, ông chinh phục linh hồn của những người ngoại quốc này và tất cả họ đều theo ông. Điều này đặc biệt xảy ra ở Cacciam, thành phố nơi nhà vua cư ngụ (1) cách Turon sáu hay bảy dặm đường sông” (t.l.đ.d. tr, 420). A.Bonifacy đã chú thích (1) như sau: “Người ta thấy rằng vị vua này không ai khác là viên trấn thủ tỉnh Quảng Nam, đó là ông hoàng Kỳ, con trưởng của Sãi Vương, người hiện đang trị vì. Chính là Nguyễn Hoàng năm 1602 đã gởi người sau này là Sãi Vương, là con trai và là người kế vị ông vào làm trấn thủ Quảng Nam; Sãi Vương lên thay cha vào năm 1613 đã để người con trưởng ở tỉnh này. Kỳ, người thường được nói đến trong bản tường trình này, chết trước cha của ông vào năm 1632.” (t.l.đ.d.tr, 420). Nếu Tổng trấn xứ Puluciambi là Khám lý Trần Đức Hòa thì ông hoàng Nguyễn Phúc Kỳ hoàn toàn không được nói tới trong bản tường trình của C.Borri ư ?
Tại sao C.Borri sử dụng danh xưng “Tổng trấn xứ Puluciambi” ?
Trong danh xưng trên có hai phần: “Tổng trấn” và “xứ Puluciambi”; từ Tổng trấn mà C.Borri dùng trong tác phẩm được A. Bonifacy chú thích: “Chữ ajo hay aio do linh mục Borri dùng không có nghĩa là “tổng trấn ở tỉnh” mà là “người cai quản trẻ” …”(t.l.đ.d,tr.403). Như thế “Tổng trấn xứ Puluciambi” phải hiểu là Người cai quản trẻ đang ở xứ Puluciambi. Thế thì “Tổng trấn xứ Puluciambi” là Tổng trấn Quảng Nam dinh (trẻ) có bản doanh ở xứ Puluciambi. Giai đoạn 1620-1621 thời Sãi vương là thời chiến, phía Bắc phải lo cuộc nổi loạn của hai người em Hiệp và Trạch, rồi lo đối phó quân Lê-Trịnh, phía Nam phải lo sự tráo trở của Champa, sự can thiệp của Xiêm vào Chân Lạp mà vua nước này là con rể của Sãi vương, vì thế Tổng phó trấn Quảng Nam dinh thường xuyên đóng đại quân ở phên giậu phương nam, lúc bấy giờ là xứ Puluciambi vậy. Chính trong bản tường trình C.Borri từng chép: “ Nhà vua [Sãi vương] lại phải đương đầu với một cuộc chiến tranh mà người ta có thể gọi là nội chiến; cuộc chiến này chống lại ông và do hai người em của ông muốn được ngang hàng về địa vị và quyền lợi…Ông thường xuyên tiến hành chiến tranh ở vùng thứ ba, trong miền đất khác ở miền Tây, ở đàng cuối vương quốc ông, xứ gọi là Renran [Đà Rằng/Phú Yên] để chống lại vua xứ Champa, không mấy mạnh, mà cuộc va chạm dễ dàng chịu đựng đối với vị tổng trấn tỉnh này và lực lượng đủ để chống trả.
Mặt khác ông thường xuyên chuẩn bị và cho lên đường các lực lượng để nâng đỡ vua xứ Cambốt, chồng của một trong các con gái ông, con hoang (sic), giúp ông ta bằng chiến thuyền và lính của mình chống lại vua xứ Xiêm La. Cứ như thế mà rải khắp nơi, trên đất liền và trên biển, vang dội cái tên vinh quang, và giá trị được khẳng định của quân đội xứ Đàng Trong” (t.l.đ.d.tr. 405). Chính sử chép phó tổng trấn Quảng Nam dinh Nguyễn Hữu Vinh [Mạc Cảnh Vinh, con trai của Mạc Cảnh Huống] đưa quân đánh Vân Phong làm phản ở Phú Yên năm 1629, được thưởng công lớn, được Sãi vương ban ấn đồng nghĩa là có quyền cắt đặt các chức quan ở đất phương nam. Ông này là chồng của trưởng công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Liên, chị cùng mẹ với Tổng trấn Quảng Nam dinh Nguyễn Phúc Kỳ. Vậy giai đoạn 1620-21632, Tổng trấnvà phó tổng trấn Quảng Nam dinh đóng đại bản doanh ở vùng ven Puluciambi, trại quân lên đến 100 ngôi nhà như C.Borri đã chép.
Để khách quan chúng tôi dựa vào Đại Nam chính biên liệt truyện để chép lại thân sử của Khám lý Cống quận công Trần Đức Hòa để soát xét những hành trạng của ông, coi thử ông có người chị với chồng từng đi đại sứ Cam Bốt từ 1622 không?: “Đức Hòa là người huyện Bồng Sơn, Bình Định. Ông nội là Ngọc Chính, làm quan nhà Lê, được tặng phong Vinh lộc đại phu.Cha là Ngọc Phẩn,đến chức phó tướng Quảng Nam doanh. Hòa là người hào hùng cao cả, vì là con nhà tướng, ban đầu được ấm thụ làm hoằng tín đại phu rồi thăng cẩm y vệ đô chỉ huy sứ thự vệ sự. Vì có quân công, Vì có quân công, Đức Hòa được phong làm Qui Nhơn Khám lý Cống quận công…”(s.đ.d,tr.89). Cũng trong sách này, mục chép về Đào Duy Từ [rể của Trần Đức Hòa], có chép một chi tiết chứng tỏ Khám lý Trần Đức Hòa qua đời sau thời điểm 1627: “Hy tông hoàng đế năm 14, Đinh Mão[1627] quân ta đánh thắng quân Trịnh ở Nhật Lệ. Đức Hòa nghe tin thắng trận, vào mừng, thong dong lấy ra bài “Ngọa Long cương”ngâm dâng lên chúa và nói: đây là thầy đồ nhà tôi, Đào Duy Từ làm ra.”(s.đ.d, tr.91). Tác giả Hà Đình Nguyên đã điền dã về quê hương Bồng Sơn, đã viếng mộ của Cống quận công Khám lýTrần Đức Hòa và biết khoảng cách từ nơi có mộ đến Nước Mặn là 80 km, đoàn đưa tang đi trong 3 ngày thì quá chậm!
Thân sử Khánh quận công:
Khánh quận công Nguyễn Phúc Kỳ là con trai trưởng của Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên[1563;1635] và bà Mạc Thị Giai[1578;1630]. Ông sinh năm nào không rõ nhưng có thể đoán trong khoảng từ 1597đến 1599, dưới thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1558-1613), tại dinh phủ Trà Bát, ở gần thị xã Quảng Trị ngày nay. Ông kết hôn với bà Tống Thị [Toại (?)], là con gái của Tống Phúc Thông (sau khi con rễ qua đời, ông đã vượt biên ra Đàng Ngoài). Khánh quận công còn có bà phu nhân Bùi Thị Phượng. Khánh quận công có bốn con trai là Nguyễn Phúc Nhuệ, Nguyễn Phúc Xuân, Nguyễn Phúc Tài, Nguyễn Phúc Trí và về sau các vị ấy đều được giữ chức Chưởng Dinh. Dưới thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, khi thân phụ Nguyễn Phúc Nguyên của ông, đang làm quan trấn thủ Quảng Nam dinh (1602-1613) thì ông Nguyễn Phúc Kỳ được Chúa Tiên giao cho chức Chưởng Cơ, chỉ huy một đơn vị quân đội bảo vệ dinh trấn Quảng Nam ở Thanh Chiêm.Năm 1613 Chúa Tiên băng hà, quan trấn thủ Quảng Nam dinh Nguyễn Phúc Nguyên sớm trở thành Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và về sống và làm việc ở Dinh Phủ Trà Bát, Quảng Trị. Năm 1614, chúa Sãi đã phong chức Hữu Phủ Chưởng Phủ Sự cho Nguyễn Phúc Kỳ và cử ông làm quan trấn thủ Quảng Nam dinh thay cho mình. Trong thời gian làm trấn thủ Quảng Nam, Nguyễn Phúc Kỳ có chính tích tốt, cởi mở với người nước ngoài đến giao thương, truyền giáo, biết thương người nghèo, xử phạt công minh và có nhiều cảm tình với Thiên Chúa giáo. Lúc bấy giờ trong dinh phủ Sãi vương, một số nhân vật hoàng gia đã cải đạo như Minh Thái vương, vợ thứ của chúa Tiên, chị Nguyễn Thị Ngọc Liên của Khánh quận công, ….
Khánh quận công có phủ thờ ở Huế:
alt
Ảnh chụp vê tinh khu vực Xóm Chay
Ngày 9-6-2013, chúng tôi tìm gặp ông Tôn Thất Sơn, 47 tuổi, hậu duệ đời thứ 13, thường trú bên phải phủ thờ Khánh quận công, ven đường Chợ Mai (Phú Thượng), được vị này cho biết con cháu phủ Khánh quận công từng vào Thanh Quýt viếng mộ. Ở phủ thờ Khánh quận công có câu đối được đắp ở cổng : “ 驸 國 公 侯 光 大 族齊 家 孝 道 顯 前 規”(Phò quốc công hầu quang đại tộc/Tề gia hiếu đạo hiển tiền quy). Khi chúng tôi thông báo lăng mộ Khánh quận công đã được cải táng sau năm 1975 để xây dựng sân vận động của xã Thanh Quýt, ông Sơn rất ngạc nhiên, không biết mộ Khánh quận công cải táng đi đâu(?).
alt
Phủ thờ Khánh quận công ở chợ Mai.
Nguyên nhân trấn thủ Nguyễn Phúc Kỳ qua đời và việc an táng ông:
Trong B.A.V.H, tập XIV, 1931, tác giả Charles B. Maybon viết bài “Ghi chú về Cristoforo Borri và về các ấn bản của bản tường trình của ông”, cho biết Cristoforo Borri là vị giáo sĩ chứng kiến từ khi trấn thủ Nguyễn Phúc Kỳ lâm bệnh cho đến khi lễ an táng chu toàn (nếu ông có trở lại Đàng Trong) hoặc có khả năng đồng sự của C.Borri có chứng kiến và ghi lại trong thư gửi C.Borri vào cuối năm 1931. Đây là tài liệu có độ tin cậy cao. Dựa vào tài liệu này xin lược thuật hậu sự của Khánh quận công:
Ngaỳ 22 tháng 6 năm Tân Mùi (20-7-1631) quan trấn thủ đang ở dinh thự, xứ Puluciam (Bình Định), tổ chức một cuộc đi săn. Quan mải mê theo bắt con mồi, không kể vào vùng đang có nắng gắt, lam chướng, nhuốm bệnh, và khi về dinh thự của quan thì sốt mê man. Các thầy thuốc đang chửa thì lính hầu phải vác giáo chém vào không trung để xua đuổi tà ma. Chỉ sốt ba ngày, quan trần thủ đã lìa đời, gia đình đã theo ý kiến của các vị sư, kiêm pháp sư lo việc mai táng theo như tục lệ. Người ta đã ò hội ý để tìm nguyên nhân…kết quả có người khai rằng, vào một ngày trước khi quan trấn thủ Nguyễn Phúc Kỳ đi săn, một xà nhà của dinh thự đã rơi xuống, người ta buộc đốt luôn dinh thự của quan tổng trấn. Lại làm lể “sai vong”, hồn ngài đã nhập vào chị gái là bà Nguyễn Thị Ngọc Liên, đã cải đạo theo Thiên chúa giáo, …Khi nhập hồn của người em, bà Ngọc Liên đã rất giận dữ, có những cử chỉ khiếm nhã, …và khi hồn của quan trần thủ xuất, bà Ngọc Liên té xuống, phải nằm bệnh 8 ngày mới hồi phục. Tang lễ được tổ chức 8 ngày với các nghi tiết trang trọng, đặc biệt Sải vương đã ca ngợi quan trấn thủ trong văn tế. Borri kể rằng, linh cửu của Nguyễn Phúc Kỳ đưa về vùng Chifu (hay đọc theo ngôn ngữ Ý là Kijou). Chúng tôi đoán Kijou là Kiệu hay Trà Kiệu, ở phía Đông Nam dinh trấn Thanh Chiêm, nơi ấy có nhiều mẫu đất tư cấp cho thân mẫu Mạc Thị Giai của quan trấn thủ sau khi bà qua đời. Trên cánh đồng rộng của xứ Trà Kiêu, người ta vội vàng xây dựng một công trình bằng gỗ, giống như ngôi nhà của Nguyễn Phúc Kỳ ở Pulliciambi. Linh cửu được quàng ở đây ba năm. Trên quảng trường rộng người ta làm đồ mã: xe, thuyền, voi ngựa,…và tiến hành những nghi lễ trong ba năm, đào 12 huyệt mộ khắp các vùng chung quanh, không biết gia đình nhà chúa chọn huyệt mộ nào; cuối cùng đã táng ở làng Thanh Quýt. Như thế ngài Nguyễn Phúc Kỳ qua đời do bạo bệnh sau một chuyến đi săn ở vùng núi gần Phú Yên, không phải tử trận rồi sau đó gia đình nhà chúa táng thủ cấp của ngài ở Thanh Quýt vậy.
Trấn thủ Nguyễn Phúc Kỳ mất 24 tháng 6 năm  Tân mùi (22-7-1631), được truy tặng là Thiếu Bảo Khánh quận công. Chính sử không ghi chép về nguyên nhân tạ thế của Khánh quận công. Đại Nam nhất thống chí xác nhận lăng mộ của Khánh quận công ở làng Thanh Quýt: “Sơn phần của Hữu Phủ Tôn Thất Kỳ: ở xã Thanh Quýt huyện Diên Phước, khoảng đời Gia Long đặt 5 người mộ phu” (sđ d, tập 2, tr.383).
Theo Trương Điện Thắng thì khi dựng sân vận động có tên sân Lăng, gần Xóm Chay, người ta đã cải táng lăng Khánh quận công về bên cạnh mộ mẹ của ngài. Trương Điện Thắng đã nhầm lẫn bà mẹ của quận công là Đoàn quí phi, vì bà họ Đoàn là phi của chúa Nguyễn Phúc Lan. Mẹ của Khánh quận công là bà Mạc Thị Giai (Nguyễn Thị Giai). Như vậy người ta đã cải táng hài cốt của Khánh quận công về gần lăng Vĩnh Diễn. Nguyễn Phước Tương cung cấp thông tin: “Lăng mộ của Hoàng hậu tọa lạc trên một khu đất của Gò Hàm Rồng thuộc làng Chiêm sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên hiện nay mà nhân dân địa phương gọi là Lăng Dưới. Chắc chắn lăng được xây dựng vào cuối năm 1630 trên một diện tích rộng 8 mẫu, 4 sào, 5 tấc, ứng với lô đất số hiệu 1220 theo địa bộ xã Duy Trinh.
Chúa Nguyễn Phước Nguyên đã cấp cho Hoàng hậu Nguyễn Thị Giai sau khi qua đời 4 mẫu, 8 sào, 12 thước đất tư điền thuộc hai làng Trà Kiệu Đông và Trà Kiệu Tây trên đất huyện Duy Xuyên và 2 mẫu thuộc làng Hương Quế trên đất huyện Quế Sơn để con cháu thu hoa lợi hương khói cho bà hằng năm.
Hoàng hậu được thờ ở Chùa Vĩnh An tức Chùa Vua, được xây dựng dưới triều Nguyễn, cùng với Hoàng Hậu Đoàn Thị Ngọc trong Vườn Chùa trên đất làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên.
Đến năm gia long thứ 5, 1806 Lăng của Hoàng hậu Nguyễn Thị Giai được đặt tên là Lăng Vĩnh Diễn”. Như thế sau khi bà Mạc Thị Giai mất năm 1630, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã cấp đất tự điền để làm đất hương hỏa cho bà Mạc thị Giai ở Trà Kiệu, Quế Sơn. Gia đình con cả Nguyễn Phúc Kỳ đương nhiên quản lý phần đất hương hỏa này. Thực ra vẫn có một nhánh, hậu duệ của Khánh quận công ở Duy Xuyên, từng chăm sóc lăng Vĩnh Diễn (hoàng hậu họ Mạc) và lăng Vĩnh Diên (quí phi họ Đoàn), họ đã cải táng mộ của Khánh quận công về nghĩa trang của gia tộc Nguyễn Phúc, gần hai lăng của bà Mạc Thị Giai và bà dâu Đoàn Thị Ngọc.
alt
Thay lời kết:
Dưới thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, khi thân phụ Nguyễn Phúc Nguyên của ông, đang làm quan trấn thủ Quảng Nam dinh (1602-1613) thì ông Nguyễn Phúc Kỳ được Chúa Tiên giao cho chức Chưởng Cơ, chỉ huy một đơn vị quân đội bảo vệ dinh trấn Quảng Nam ở Thanh Chiêm.Năm 1613 Chúa Tiên băng hà, quan trấn thủ Quảng Nam dinh Nguyễn Phúc Nguyên sớm trở thành Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và về sống và làm việc ở Dinh Phủ Trà Bát, Quảng Trị. Năm 1614, chúa Sãi đã phong chức Hữu Phủ Chưởng Phủ Sự cho Nguyễn Phúc Kỳ và cử ông làm quan trấn thủ Quảng Nam dinh thay cho mình. Trong thời gian làm trấn thủ Quảng Nam, Nguyễn Phúc Kỳ có chính tích tốt, cởi mở với người nước ngoài đến giao thương, truyền giáo, biết thương người nghèo, xử phạt công minh và có nhiều cảm tình với Thiên Chúa giáo. Lúc bấy giờ trong dinh phủ Sãi vương, một số nhân vật hoàng gia đã cải đạo như Minh Thái vương, vợ thứ của chúa Tiên, chị Nguyễn Thị Ngọc Liên của Khánh quận công, …. Quan trấn thủ Quảng Nam rất cởi mở với đạo Thiên chúa. Đặc biệt quan trấn thủ đã cho xây dựng một nhà thờ lớn ở Nước Mặn (Bình Định hiện nay). Nhờ sự cởi mở, cấp tiến nên Nguyễn Phúc Kỳ, Mạc Cảnh Vinh,…đã giúp Quảng Nam phát triển về kinh tế, ngoại thương, tín ngưỡng,…Đặc biệt, quan chánh phó tổng trấn cấp tiến thì một số nhà nho, nhà sư cũng cấp tiến, đã cải đạo và giúp các linh mục tạo ra chữ Việt, được phiên theo mẫu tự La tinh và suốt mấy trăm năm được nhiều học giả, nhà văn, nhà thơ,…góp phần hoàn thiện dần dân, trở thành chữ quốc ngữ, được nhà nước Việt nam thời phong kiến ban chiếu dạy và học ở trường. Tất nhiên, bất cứ ngôn ngữ nào vẫn chưa hoàn hảo, cần liên tục bổ sung một cách hợp lý, khoa học nhưng phải có tính đại chúng, kế thừa và phát triển, khả thi tự nhiên. Còn một công trình khoa học của một cá nhân, chưa được kiểm nghiệm một cách khoa học, minh bạch, đôi khi thiếu khách quan (do nể vì chẳng hạn) và để triển khai cái mới phải đào tạo mới thầy cô, phải in ấn lại sách vở, chưa kể phụ huynh khó hỗ trợ con em khi bọn trẻ học ôn ở nhà …thì cái mới chưa được thuyết phục lắm! Càng dày vò về lịch sử quốc ngữ, càng thấy công lao to lớn của người xưa, trong đó có Khánh quận công Nguyễn Phúc Kỳ đã dung dưỡng cho những người đầu tiên, khai sinh chữ quốc ngữ có tính đại chúng cao, thoát khỏi chữ Hán Nôm. Chữ Hán Nôm khó đại chúng hóa, làm cộng đồng dân tộc chậm phát triển vậy. Đời xa người khuất, khi vinh danh những người có công với chữ quốc ngữ, chúng ta lại bỏ quên một nhân vật lịch sử có đại công trong mở mang đất nước như Khánh quận công Nguyễn Phúc Kỳ là một điều quá thiếu sót vậy.
Lãng Điền
Huế, 14-12-2018
Tài liệu tham khảo:
1/L.Cadière, “Những người Âu đã thấy Huế xưa: CRISTOFORO BORRI”, B.A.V.H. tập XVIII,1931, người dịch Nguyễn Cửu Sà,NXB Thuận Hóa Huế, 2003.
2./Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện, tập 1, người dịch Đỗ Mộng Khương, Viện Sử Học, Nhà XB Thuận Hóa 1997.
3/Hà Đình Nguyên, “Cống Quận Công Trần Đức Hòa : Người đỡ đầu các giáo sĩ tiên khởi ở Đàng Trong”, Web Công giáo và dân tộc, 14 Tháng Bảy, 2016
4/ Nguyễn Thanh Quang, “Từ 2 hội thảo chữ quốc ngữ tổ chức ở Bình Đình & Quảng Nam: thử đánh giá về vai trò của các thừa sai đầu tiên trong việc sáng tạo chữ quốc ngữ”, Web Dòng Tên Việt Nam, 26-9-2016.

Comments

Popular posts from this blog