Vụ Khashoggi: Thái tử Ả Rập Xê Út tự hại thân

media
Hoàng thái tử Mohamed Ben Salman trong chuyến thăm Madrir, ngày 12/04/2018.AFP/Oscar Del Pozo
Lần đầu tiên từ khi nhà báo đối lập Jamal Khashoggi mất tích khi vào Toà lãnh sự Ả Rập Xê Út ở Istanbul ngày 02/10/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump gần như nhìn nhận nạn nhân đã chết và đe dọa trừng phạt nghiêm khắc Riyad. Vương triều dự tính bắt một viên tướng an ninh làm vật tế thần, nhưng theo truyền thông quốc tế, nghi can số một chính là thái tử Mohamed Ben Salman, một nhà lãnh đạo hai mặt.
Jamal Khashoggi không phải là người Ả Rập Xê Út lưu vong đầu tiên bị ám sát. Ai cũng còn nhớ nhà đối lập Nassir Al Said biệt tích tại Liban vào năm 1997. Năm 2003, hoàng thân Sultan ben Turki bị bắt cóc ở Geneve. Năm 2015, một hoàng thân khác, Turki ben Badar Al Saoud, đang xin tị nạn tại Paris, đột nhiên biến mất.
Tháng 06/2017, thái tử Mohamed Ben Salman, biệt hiệu MBS, đương kim bộ trưởng quốc phòng mới 32 tuổi, đã được chọn làm người kế vị vua cha Salman, tạo ra một bầu không khí đổi mới. MBS tự cho mình là một nhà lãnh đạo trẻ tuổi, hiện đại, hứa hẹn canh tân chế độ phong kiến lạc hậu và đã không tiếc tiền quảng cáo đánh bóng hình ảnh này.
Biện pháp cụ thể của ông là cho phụ nữ quyền lái xe, xem bóng đá và tung ra nhiều đợt chống tham nhũng mà sự kiện gây tiếng vang lớn nhất là bắt hàng chục hoàng thân, hoàng tử bị cáo buộc tham ô. Tuy nhiên, thái tử Mohamed Ben Salman cũng không tha bất kỳ ai chống lại mình, điển hình qua các cuộc thanh trừng liên tục được phát động nhân danh bài trừ tham nhũng, theo nhận định của chuyên gia về Ả Rập Xê Út, Clarence Rodriguez, của đài France 24, cũng như báo chí Anh Mỹ nhắc lại trong những ngày qua.
Tháng 12/2017, thiếu tướng Ali Al Qahtani, ủng hộ một hoàng tử đối nghịch với thái tử Mohamed Ben Salman, chết trong lúc bị câu lưu, cổ có dấu hiệu bị vặn gẫy. Tại Ả Rập Xê Út, nhiều nhà họat động nhân quyền bị kết tội khủng bố, theo tố cáo của tổ chức Human Rights Watch.
Nhà báo Jamal Khashoggi phải lưu vong để tránh nhà tù. Tại Mỹ, trong mục « Ý kiến » của Washington Post, nhà báo Jamal Khashoggi liên tục chỉ trích thiên hướng độc tài, trấn áp của thái tử MBS. Ngay trong vụ bài trừ tham ô hồi đầu năm 2018 mà hàng chục hoàng tử bị nhốt trong khách sạn Ritz Carlton ở Riyad, nhiều người bị đánh đập và phải ký giấy nợ với giám đốc cảnh sát thủ đô, thân cận của MBS. Kết quả là nhân vật này thu được hàng chục tỷ đôla cho dự án « Vision 2030 ».
Theo một nhà ngoại giao Pháp tại Riyad, thái tử MBS là một người thô bạo mà chính tổng thống Emmanuel Macron và ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian đã có cơ hội trải nghiệm « thực tế ».
Tuy nhiên, nhân vật được chỉ định nắm vận mệnh Ả Rập Xê Út cũng là một nhà lãnh đạo có viễn kiến và muốn canh tân thật sự : Hơn hai phần ba dân số Ả Rập Xê Út là thành phần trẻ, chưa đến 30 tuổi. MBS tuyên bố cải cách cho thế hệ này và được giới trẻ ủng hộ. Rất nhiều doanh nhân và giới lãnh đạo chính trị thế giới cũng đổ xô về Ả Rập Xê Út vì tin vào MBS, nhưng nay phải thất vọng vì thấy mình đánh giá sai lầm. Một bộ mặt khác của MBS xuất hiện đúng như Jamal Khashoggi cảnh báo từ hai năm nay.
Jamal Khashoggi có lẽ đã bị bịt miệng vì người ta không muốn nhà báo nói lên sự thật. « Sự thật, dân chủ và tự do » là ba mục tiêu quan trọng nhất đối với nhà báo Jamal Khashoggi, theo nhận định của Middle Est Eye, báo chuyên đề về thời sự Trung Đông.
Để tháo gọng kềm từ từ siết lại, triều đình Ả Rập Xê Út dự tính quy trách nhiệm cho tướng Ahmed Assiri, một cố vấn của hoàng thái tử. Tuy nhiên, một nhân vật quan trọng khác có mặt trong toán ám sát bị Thổ Nhĩ Kỳ nhận diện là Maher Abdulaziz Mutreb, cũng là một người thân cận của MBS.
Thái tử lần này có thoát được hay không ? Tổng thống Donald Trump sẽ phản ứng ra sao ? Các tổ chức nhân quyền kêu gọi trao cho Liên Hiệp Quốc nhiệm vụ điều tra để tránh trường hợp « đổi chác » ở cấp chính phủ.

Vụ Khashoggi: Thêm dấu hiệu quy kết thái tử Ả Rập Xê Út

media
Các nhà hoạt động nhân quyền và bạn bè nhà báo Jamal Khashoggi biểu tình bên ngoài lãnh sự quán Ả Rập Xê Út ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 08/10/2018.REUTERS/Murad Sezer
Sức ép càng lúc càng đè nặng trên chính quyền Ả Rập Xê Út, đòi nước này cho biết số phận của nhà báo đối lập Khashoggi. Từ lúc nhân vật này bị mất tích ngày 02/10/2018, thêm nhiều tiết lộ về những khám phá ở hiện trường cho thấy sự vụ có liên can đến thái tử Mohammed Ben Salman.
Thông tín viên RFI tại Istanbul, Anne Andlauer cho biết chi tiết :
« Cho đến nay chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, về mặt chính thức thì giữ im lặng cho đến khi điều tra kết thúc, nhưng một cách không chính thứcđã tiết lộ trên báo chí những thông tin chứng minh là Jamal Khashoggi đã chết, với nhiều chi tiết rất ghê rợn. Những tiết lộ này cho thấy thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed Ben Salman có liên can trực tiếp đến vụ việc.
Tờ nhật báo Thổ thân chính quyền Sabah đã đăng ảnh một sĩ quan an ninh thân cận với thái tử Ả Rập Xê Út, đi lại tại Istanbul và được cho là người chỉ huy toán đặc công 15 người, bị tình nghi là đã giết chết nhà báo đối lập.
Trên những bức ảnh mà camera ghi lại, người ta thấy nghi phạm chính này, tên là Maher Abdulaziz Mutreb, đi vào lãnh sự quán buổi sáng ngày Khashoggi mất tích, sau đó đã xuất hiện ở nhà vị lãnh sự, rồi rời một khách sạn với một chiếc va li to trước khi bay đi từ phi trường Istanbul.
Những ngày gần đây cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã khám soát rất lâu lãnh sự quán cũng như tư dinh của vị lãnh sự. Theo đài truyền hình Al Jazeera, trích dẫn thông tin thân cận với giới điều tra, cảnh sát dường như đã tìm thấy dấu tay của một người khác trong toán đặc công nói trên, đó là một bác sĩ pháp y chuyên giảo nghiệm tử thi ».
Trump dọa trừng phạt nếu Riyad dính vào vụ Khashoggi
Ngày 18/10/2018, lần đầu tiên, tổng thống Mỹ xác nhận có nhiều khả năng là nhà báo Ả Rập Xê Út đã chết. Ông Donald Trump dọa Riyad sẽ phải chịu hậu quả « rất nghiêm trọng » nếu khẳng định trách nhiệm của chính quyền Ả rập Xê Út trong vụ án mạng.
Thông tín viên Anne Corpet tại Washington tường trình :
« Ông Donald Trump có thể lần đầu tiên thừa nhận Jamal Khashoggi chắc chắn đã chết. Hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, nếu điều này được khẳng định, tổng thống Mỹ cho biết thêm. Tuy nhiên, ông Trump vẫn tỏ ra thận trọng trong việc cáo buộc trách nhiệm trực tiếp của Hoàng gia Ả Rập Xê Út. Tổng thống Mỹ vẫn đợi kết luận điều tra do chính quyền Riyad tiến hành, trước khi tuyên bố như ngoại trưởng Mike Pompeo khuyên ông.
Ông Pompeo cho biết : « Tôi đã nói với tổng thống Trump cần phải cho Ả Rập Xê Út thêm vài ngày nữa để kết thúc điều tra và để hiểu được toàn bộ sự việc liên quan đến ông Khashoggi. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải hiểu rằng chúng tôi có quan hệ chiến lược lâu đời, có từ 1932, với vương quốc Ả Rập Xê Út ».
Nhưng tại Quốc Hội, các thượng nghị sĩ tỏ ra sốt ruột. Phe Dân Chủ tố cáo ý đồ che đậy vụ sát hại nhà báo. Chris Van Hollen, thượng nghị sĩ bang Maryland, nói :
« Công việc của chúng ta, người Mỹ, là nêu lên và bảo vệ nhân quyền và nói rằng không thể chấp nhận việc sát hại lạnh lùng một người sống ở Hoa Kỳ, là cha của những đứa trẻ quốc tịch Mỹ và là một nhà báo làm việc cho Washington Post. Chơi trò với Ả Rập Xê Út và tự làm phát ngôn viên cho họ như tổng thống đang làm thì sẽ gây tổn hại đến lợi ích an ninh của chúng ta trên toàn thế giới ».
Theo báo New York Times, chính quyền Ả Rập Xê Út đang chuẩn bị đưa ra một thủ phạm trong vụ sát hại Jamal Khashoggi. Đó có thể sẽ là một vị tướng thân cận với hoàng thái tử Ben Salmane ».
Hội nghị kinh tế ở Ả Rập Xê Út ngày càng bị tẩy chay
Do vụ mất tích của nhà báo Khashoggi, danh sách chính khách, tập đoàn hủy bỏ việc tham dự hội nghị kinh tế « Sáng Kiến Đầu Tư Tương Lai », dự kiến tổ chức tại Riyad từ ngày 23 đến 25 tháng 10/2018 ngày càng dài thêm. Hội nghị này do thái tử Mohammed Ben Salman khởi xướng.
Sau bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Lemaire, ngày 18/10, đến lượt bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin rút lui. Bộ trưởng Kinh Tế Anh Liam Fox và bộ trưởng Tài Chính Hà Lan Wopke Hoekstra cũng tuyên bố không đến tham dự.
Các ngân hàng lớn, Goldman Sachs, JP Morgan, HSBC, Crédit Suisse, BNP Paribas, Société Générale… cũng lần lượt cho biết lãnh đạo của họ sẽ không tham dự hội nghị.
Riêng tại Nga, tổng thống Putin vào ngày 18/10, cho là Nga không có đủ thông tin về vụ nhà báo Khashoggi mất tích để phá hỏng quan hệ với Ả Rập Xê Út.

Ukraina : OSCE báo động vũ khí Nga vào vùng ly khai

media
Trên chiến tuyến ở Donbass, vùng Donetsk, tháng 07/2015.AFP/Anatolii Stepanov
Cho dù Matxcơva khẳng định không ủng hộ lực lượng võ trang ly khai chống Kiev, phái bộ quan sát ngưng bắn của Tổ chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu (OSCE) hôm qua, 18/10/2018, cho biết phát hiện vũ khí Nga được chuyển vào vùng đông Ukraina.
Trong một thông báo gửi AFP, tổ chức OSCE khẳng định đã thấy nhiều đoàn xe vận tải đi qua biên giới Nga-Ukraina hồi tuần qua. Một « drone » quan sát đã quay được nhiều xe tải, trong đó có một một chiếc chở xe bọc thép, ra vào biên giới, nơi phe ly khai thân Nga kiểm sóat.
Tuy vậy, OSCE không công khai xác định các vũ khí này đã được trao cho lực lượng ly khai Ukraina. OSCE đã hai lần báo cáo thấy xe chở vũ khí di chuyển gần biên giới, nhưng không đi qua.
Phản ứng về sự kiện mới được ghi nhận này, đại sứ quán Mỹ tại Kiev kêu gọi Matxcơva « ngưng cung cấp vũ khí cho lực lượng thừa hành ở miền đông Ukraina, nhân đêm tối ».
Từ khi thỏa thuận hoà bình ký tại Minsk năm 2015, chiến sự ở miền đông Ukraina giảm nhiều, nhưng không khí rất căng thẳng và vẫn còn xảy ra đụng độ nhỏ. Thông tin về « đoàn xe vũ khí » được loan báo trong bối cảnh xung khắc giữa Nga và Ukraina lan qua lĩnh vực tôn giáo, sau khi Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraina được Toà Thượng Phụ ở Thổ Nhĩ Kỳ công nhân độc lập với Giáo Hội Nga.
Putin : Vụ thảm sát ở Crimée là hệ quả của toàn cầu hóa
Bình luận về vụ thảm sát trong một trường học ở Crimée, một học sinh 18 tuổi, ném lựu đạn và bắn chết 20 bạn cũ, trước khi tự sát, hồi tuần trước, tổng thống Nga cho rằng đây là « hệ quả của toàn cầu hóa, một hiện tượng ở Mỹ du nhập vào nước Nga ». Theo truyền thông Nga, thủ phạm muốn trả thù chuyện bị nhục mạ. 

Ecuador trục xuất đại sứ Venezuela

media
Di dân Venezuela xếp hàng tại Huaquillas, Ecuador, biên giới với Peru, ngày 24/08/2018.CRIS BOURONCLE / AFP
Chính quyền Ecuador vào ngày 18/10/2018 đã trục xuất nữ đại sứ Venezuela Carol Delgado, sau khi bộ trưởng Thông Tin Venezuela có những lời chỉ trích bị cho là xúc phạm tổng thống Ecuador Lenin Moreno.
Thông tín viên RFI tại Quito, Éric Samson cho biết thêm chi tiết :
Bà đại sứ Delgado đã phải trả giá cho những lời lẽ bị cho là xúc phạm tổng thống Ecuador của bộ trưởng Thông Tin Venezuela, Jorge Rodriguez. Bộ Ngoại Giao Ecuador đã rất nghiêm khắc, khẳng định rằng « Cộng Hòa Ecuador không chấp nhận bất kỳ sự thiếu tôn trọng nào đối với lãnh đạo của mình ».
Sự vụ là hôm thứ Tư 17/10, trong diễn văn trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ông Rodriguez đã tố cáo tổng thống Lenin Moreno nói láo khi nói đến người di dân Venezuela, thổi phồng số lượng di dân. Vị bộ trưởng Thông Tin còn nói thêm là người Venezuela đến Ecuador đã bị ngược đãi, bóc lột như nô lệ, bị tấn công, bị kỳ thị…
Đáp trả những lời lẽ không chút gì ngoại giao này, bộ trưởng Thông Tin Ecuador Andrès Michelena cũng không nể nang, nhắc lại là hiện có 300.000 người Venezuela đang được đón tiếp tại Ecuador, và nước ông sẽ không đóng cửa biên giới vì làn sóng di dân sẽ tiếp diễn do chính quyền tồi tệ của tổng thống Venezuela Maduro, đại diện của một chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21, đồi bại, dối trá, giết người.

Comments

Popular posts from this blog