Góp ý cùng Ông Huy Thái

BS.Trần Văn Tích
alt
Thế nước lòng dân và Luật Đặc Khu


Ngày 05.08.2018, ông Huy Thái <thaitronghuy1953@yahoo.com> đã đưa lên mạng một bài nhận định mà tôi xin trích dẫn nguyên văn và nguyên dạng một đoạn :
Trích :

Chào ông Khai Vo và quý vị,

Xin nói cùng ông Khai Vo là tôi vẫn còn và sinh sống ở VN sau 30/4.

Tất nhiên là từ 30/4 đến trên dưới 20 năm sau đó, đời sống vật chất tại VN là rất khó khăn do VN phải tự lực trong cơ chế kinh tế kế hoạch bao cấp trì trệ, lại bị Mỹ cấm vận + chiến tranh với Tàu và Miên; còn về tinh thần thì vì an toàn cho chế độ chính trị, nên VN không thể chấp nhận có tư tưởng và hành động đối kháng được, nói cách khác đây là hình thức độc tài của chánh quyền.

Tuy nhiên chúng ta cần biết rằng, bất cứ sự vật nào trong vũ trụ này đều phải tuân theo định luật Vô thường khách quan, nên chế độ Cộng sản cũng không ngoại lệ, phải thay đổi thích nghi trong điều kiện mới để “tốt hơn” mà tồn tại. Cho nên cái mốc từ năm 1986 và tới năm 1995 mới hình thành đặc trưng cho sự thay đổi chế độ Cộng sản tại Việt Nam, với cơ chế nền tảng là kinh tế thị trường của Tư bản hiện đại, thay cho nền kinh tế kế hoạch lỗi thời trước đây, mà kết quả như chúng ta thấy như hiện nay:

1/- Từ một nước có dân số thấp nhưng phải nhập cảng gạo, nay trở thành một nước có dân số cao mà lại lọt top xuất cảng gạo hàng đầu thế giới. Đồng thời các nông sản khác như tiêu, cà-phê, hạt điều, …, thủy sản cũng đạt những thành quả xuất cảng quan trọng.

2/- Từ một nước phải nhận viện trợ quân sự từ nước ngoải, nay tự lực mua sắm trang bị vũ khí hiện đại, mà bọn Tàu không dễ làm liều. 


Hết trích

Ngữ vựng và văn lý

Câu văn mở đầu bài chính luận của Ông Huy Thái không hợp với lối viết tiếng Việt. Người Việt sử dụng đúng tiếng mẹ đẻ phải viết : “Xin trình bày cùng Ông Khai Võ là từ trước 30/4 cho đến nay tôi vẫn sinh sống ở Việt Nam.“

Chữ “tất nhiên“ mở đầu câu văn thứ hai không sát văn lý. “Tất nhiên“ hàm nghĩa “hẳn phải như vậy, không thể khác được.“ Nếu từ 30.04 mà Việt Nam không lâm đại họa bị chế độ cộng sản cai trị với những chủ trương quái gỡ như giao cho nhà thơ cách mạng làm kinh tế, hết gây chiến với Tàu lại kéo quân qua Miên, thì đời sống dân chúng đã không lâm vào cảnh thảm khốc như đã xảy ra. Thay vì viết “tất nhiên“ lẽ ra nên viết “Quả thực, Đúng là v.v..“. Việt Nam thống nhất trong hoà bình, Đức quốc cũng thống nhất trong hoà bình nhưng chính quyền Cộng hoà Liên bang Đức không hề “tất nhiên“ phải áp dụng “hình thức độc tài“ bởi lẽ giản dị nước Đức thống nhất loại bỏ chủ nghĩa cộng sản còn Việt Nam thống nhất thì lại rơi vào gông cùm cộng sản.

Câu văn “Cho nên cái mốc từ năm 1986 và tới năm 1995 mới hình thành đặc trưng cho sự thay đổi (...)“ viết sai văn phạm tiếng mẹ đẻ. Danh từ “cái mốc“ không thể làm chủ từ cho động từ “hình thành“. Phải viết lại cách khác, chẳng hạn : “Giai đoạn từ 1986 đến 1995 là một cái mốc chứng kiến sự thay đổi đặc trưng...“.


Lý luận và thực tế

Lập luận trình bày trong ngữ đoạn đánh dấu số 1 vô giá trị. Nước Việt Nam có dân số thấp nay có dân số cao là một diễn biến sinh lý chính thường của nòi giống Việt. Dân số của một nước Congo nào đó cũng tăng qua thời gian, chẳng cứ gì dân số Việt Nam; nhưng quan trọng hơn nữa, sự gia tăng dân số đó chẳng phụ thuộc gì vào chế độ chính trị cả. Việt Nam từng là một nước có khả năng xuất cảng gạo vào hàng nhất nhì thế giới từ rất lâu rồi, chứ chẳng phải nay nhờ nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa mới mạnh mẽ xuất cảng được gạo. Hơn nữa, phải xét xem phẩm chất gạo Việt Nam xuất cảng như thế nào? Tôi ở Bonn, Đức quốc và tại thành phố này có hai tiệm chuyên bán thực phẩm Á đông. Tôi chỉ thấy bán gạo Thái lan và gạo Cămpuchia, không có gạo Việt Nam. Hỏi tại sao, chủ tiệm trả lời vì gạo Việt Nam không đạt tiêu chuẩn do Liên Âu qui định. Tôi chỉ biết trình bày thực tế như vậy. Các nông sản khác của Việt Nam (như tiêu, cà phê, hạt điều) và thủy sản đạt thành quả xuất cảng quan trọng. Trong lý luận, cần phải so sánh. Thế các nước khác thì sao? Trên thị trường thế giới, mức sản xuất cà phê Việt Nam so với mức sản xuất cà phê Nam Mỹ thì kết quả như thế nào? Thủy sản Việt Nam có cạnh tranh và đánh bại được thủy sản do các quốc gia khác xuất cảng không? Chỉ có Việt Nam xuất cảng được nhiều nông phẩm mà thôi còn các nước khác thì đều phải nhập cảng nông phẩm hay sao? Phải so sánh theo số liệu nghiên cứu và dựa vào hiện trạng thị trường các nước; không thể cứ kể ra là xong.

Việt Nam phải nhận viện trợ vũ khí vì cộng sản nhất định chiếm toàn vẹn lãnh thổ, nay không còn chiến tranh, Việt Nam thu mua vũ khí là chuyện tự nhiên. Vấn đề là ngân sách quốc phòng dùng cho việc trang bị quân đội chiếm bao nhiêu phần trăm tổng ngân sách. Có đúng là một mặt vì Việt Nam mua được đầy đủ vũ khí hiện đại nên mặt khác bọn Tàu không dễ làm liều? Vụ bauxit, vụ Formosa, vụ mất hải đảo thì sao? Còn muốn chúng nó làm liều đến mức độ nào nữa?


“Kỳ thật thì chủ nghĩa Cộng sản chỉ là phương tiện nhất thời trong quá trình đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc VN.“

Tôi trích nguyên văn câu của Ông Huy Thái làm tiểu đề vì nó mang đầy đủ những khuyết điểm của lề lối suy tư và diễn tả của tác giả. Tính từ “nhất thời“ có nghĩa là chỉ có trong thời gian nào đó, không lâu dài. Lý thuyết cộng sản chủ trương xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa để tiến lên con đường cộng sản chủ nghĩa. Quá độ từ chủ nghĩa tư bản (nói chung) sang chủ nghĩa xã hội rồi lại từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa cộng sản, là trải qua một thời gian dài, phức tạp, nhằm tạo ra nền kinh tế sản xuất mới, những quan hệ sản xuất mới; quá trình đó bao hàm nhiều giai đoạn khác nhau trong sự phát triển của chế độ xã hội và kinh tế mới. Chủ nghĩa xã hội là giai đoạn đầu, giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản. Ông Huy Thái thật lớn gan khi dám bảo rằng chủ nghĩa cộng sản chỉ là phương tiện nhất thời trong quá trình chống ngoại xâm của Việt cộng. Ông ngang nhiên phủ nhận học thuyết cộng sản. Ông còn lầm lẫn một cách rất ấu trĩ khi khắng định dân tộc Việt Nam đã vận dụng chủ nghĩa cộng sản vào quá trình chống ngoại xâm. Chỉ có Việt cộng chứ không phải dân tộc Việt Nam vận dụng chủ nghĩa cộng sản để chống thực dân Pháp rồi chống đế quốc Mỹ, kế đó để đánh nhau với Tàu và sang chiếm Cămpuchia. Nếu lý luận theo kiểu Huy Thái thì sau khi đã “nhất thời“ dùng chủ nghĩa cộng sản chống ngoại xâm xong rồi, còn chờ gì nữa mà không vứt bỏ chủ nghĩa đó vào sọt rác? Chả nhẽ ông Huy Thái thiếu thông minh đến độ không biết rằng người cộng sản hô hào tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa vô sản sau khi cướp chính quyền là để sử dụng chính quyền mới cướp được làm đòn bẩy nhằm cải tạo nền kinh tế cũ và tổ chức nền kinh tế mới, cơ sở của chủ nghĩa cộng sản khoa học? Tâm niệm của họ là mượn "nhất thời" (?!) để thực hiện“vạn đại“.

Lựa chọn chủ nghĩa cộng sản với chế độ xã hội chủ nghĩa để giành độc lập quốc gia, trên thế giới chỉ có một mình Việt cộng làm như vậy. Lịch sử nhân loại chứng minh sự thực đó. Sau đệ nhị thế chiến, phong trào giải thực đã mang lại độc lập quốc gia và tự do dân tộc cho tất cả các cựu thuộc địa mà không hề có sự can thiệp của quốc tế cộng sản, ông Huy Thái có biết điều đó không? Năm 1946, Phi luật tân, Syrie và Libanon độc lập. Năm 1947 Ấn độ và Pakistan. Năm 1948 Miến điện, Tích lan và Palestine. Năm 1949 Nam dương. Năm 1957 Mã lai á. Năm 1959 Tân gia ba. Các xứ Bắc Phi cựu thuộc địa Pháp Maroc, Tunisie, Algérie cũng độc lập mà không hề “nhất thời“ theo chủ nghĩa cộng sản. Đặc biệt cộng sản quốc tế hăm he và hăm hở can thiệp vào chiến tranh giành độc lập của Algérie nhưng Mặt trận Giải phóng Algérie từ chối, do đó Algérie chỉ lâm chiến một lần và trong một thời gian rất ngắn.


Kết luận

Cách đây chẳng lấy gì làm lâu có tác giả Trần Bình alias Cô Tam cũng viết một bản văn chính luận phi lý luận. Hôm nay đến lượt tác giả Huy Thái.

Sử dụng từ ngữ thiếu chính xác, hành văn bất cần cú pháp, lẫn lộn dữ kiện với lý luận, cung cách suy tư hời hợt, lề lối trình bày vấn đề thiên về một mặt; đó là một số điểm khiếm khuyết trong quá trình nhận thức của tác giả Huy Thái. Nói chung văn lý chưa thông, vì vậy không thể nói đến thuyết lý.

07.08.201

Comments

Popular posts from this blog