CHUYỆN TRIỀU TIÊN
PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I 
   

          Trong những ngày hạ tuần tháng tư năm 2018 cả thế giới hướng về bán đảo Triều Tiên với cuộc họp thượng đỉnh giữa Chủ Tịch Bắc Hàn là Kim Jong Un và Tổng Thống Đại Hàn (Nam Hàn) Moon Jae In. Trước khi gặp Tổng Thống Nam Hàn Kim Jong Un sang Beijing (Bắc Kinh) bằng xe lửa để gặp Chủ Tịch Trung Quốc là Xi Jinping (Tập Cận Bình). Khoảng cuối tháng năm hay đầu tháng sáu Kim Jong Un sẽ gặp Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump. Kim Jong Un 36 tuổi, đóng vai kép chánh trên sân khấu chánh trị Đông Bắc Á hiện nay.
Theo hội nghị Potsdam Triều Tiên và Đức Quốc bị chia đôi. Việt Nam có dấu hiệu tương tự nhưng đó là một thuộc địa của Pháp. Pháp lại là một quốc gia Đồng Minh, một trong Ngũ Cường nên dấu hiệu phân ly có vẻ mờ ảo: quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng giải giới quân Nhật ở phía bắc vĩ tuyến 16. Quân đội Anh giải giới quân Nhật ở phía nam vĩ tuyến 16.
Bán đảo Triều Tiên đặt dưới sự đô hộ của Nhật từ năm 1910 đến khi bị bại trận năm 1945. Bắc Hàn do họ Kim lãnh đạo, theo chế độ Cộng Sản. Kim Ill Sung (1912- 1994), nội tổ của Kim Jong Un, là đảng viên Cộng Sản Trung Hoa nhưng là đại úy trong quân đội Sô Viết. Năm 1948 khi ông được 36 tuổi Stalin uỷ nhiệm ông lãnh đạo Bắc Hàn. Là một nhà độc tài, hiếu chiến, năm 1950 ông xua quân Bắc Hàn tấn công Nam Hàn với ý định thống nhất bán đảo Triều Tiên bằng võ lực. Tướng Mc Arthur của Hoa Kỳ chỉ huy quân LHQ đẩy lùi quân Bắc Hàn về phía bắc vĩ tuyến 38. Chí nguyện quân Trung Quốc dưới sự chỉ huy của tướng Peng Dehuai (Bành Đức Hoài) tiến vào Bắc Hàn trợ lực cho quân Bắc Hàn cầm chân quân LHQ. Năm 1953 chiến tranh Triều Tiên chấm dứt. Nam Hàn và Bắc Hàn phân chia nhau qua làn ranh trên vĩ tuyến 38 như trước sau khi hiệp ước Panmunjom (Bàn Môn Điếm) được ký kết ngày 27-07-1953. Hiệp ước mang chữ ký của:
- thiếu tướng Hoa Kỳ William Kelly Harrison Jr. đại diện cho quân LHQ 
- thống chế Peng Dehuai (Trung Quốc) 
- tướng Nam Il của Bắc Hàn. 
- Chánh phủ Nam Hàn không có đại diện ký tên trong hiệp ước Panmunjom.
Đó là thế yếu về mặt tâm lý lẫn quân sự của Nam Hàn lúc bấy giờ. Chủ Tịch Kim Il Sung tự tạo huyền thoại cho ông khi tự nhận mình là người đánh Nhật. Ông là sĩ quan trong quân đội Liên Sô ở Tây Bá Lợi Á. Liên Sô ký hiệp ước bất tương xâm với Nhật năm 1941. Vậy Liên Sô vi phạm hiệp ước Sô- Nhật? Người Triều Tiên bị người Nhật đô hộ từ năm 1910 đến 1945. Do đó Bắc Hàn được lợi thế nhờ tuyên truyền khuếch tán thành tích kháng Nhật và gọi chánh phủ Nam Hàn là chánh phủ bù nhìn thân Mỹ và Nhật! Trong những thập niên 1960, 1970, 1980 ở Nam Hàn có nhiều cuộc biểu tình chống chánh phủ Seoul, chống độc tài, chống chế độ phát xít do tướng Park Chung Hee và các tướng lãnh thời hậu Park Chung Hee cầm đầu v.v.
Kim Il Sung là nhà độc tài Cộng Sản thành công trong việc thiết lập vương triều họ Kim ở Bắc Hàn từ năm 1948 đến nay. Như ông Hồ Chí Minh ông tôn sùng Stalin và có đường lối sắt máu như Stalin đối với nhân dân và những người khả dĩ thay thế ông. Nhưng ông Kim có óc sáng tạo và bướng bỉnh đối với Liên Sô và Trung Quốc hơn ông Hồ Chí Minh. Điển hình là lá cờ của Bắc Hàn không giống cờ Trung Quốc như quốc kỳ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và bây giờ là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Đảng kỳ của đảng Cộng Sản các nước đều có nền đỏ với búa liềm vàng. Đảng kỳ đảng Cộng Sản Bắc Hàn có nền đỏ với búa liềm và cây bút tượng trưng cho CÔNG, NÔNG, TRÍ. Như vậy ông ấy có nghĩ đến tương lai của đất nước khi vốn trí thức trong nước được tôn trọng và trở nên phong phú dổi dào khác với khẩu hiệu trí, phú, địa hào; đào tận gốc trốc tận rễ của đảng Cộng Sản Đông Dương.
Triều Tiên và Việt Nam có những tương đồng địa lý, văn hóa và chánh trị.
a. Cả hai nước đều nằm ở Đông Á
b. Cả hai nước có quá khứ thuộc địa. Triều Tiên và Việt Nam đều phải triều cống Trung Hoa. Thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa, Triều Tiên lại rơi vào vòng đô hộ Nhật; Việt Nam rơi vào tay Pháp.
c. Cả hai nước đều chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa.
d. Sau đệ nhị thế chiến Triều Tiên bị chia đôi. Đến năm 1954 Việt Nam bị chia đôi. Triều Tiên bị chia đôi do quyết định của hội nghị Potsdam như sự phân vùng ảnh hưởng giữa Hoa Kỳ và Liên Sô. Việt Nam bị chia đôi cũng cùng một nguồn gốc quốc tế vừa nói chỉ khác là Việt Nam mất 09 năm đổ máu với một kết quả phũ phàng là bị chia đôi sau chiến thắng Điện Biên Phủ.
e. Hiệp ước Panmunjom năm 1953 chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Hiệp ước được ký bởi đại diện LHQ (Hoa Kỳ), đại diện Trung Quốc và đại diện Bắc Hàn. Hiệp định Geneve năm 1954 chỉ là hiệp định ngưng bắn được ký kết bởi thứ trưởng bộ Quốc Phòng VNDCCH Tạ Quang Bửu và đại tá Delteil. Cả hai đều mang cấp bậc khiêm tốn trong việc giải quyết một vấn đề trọng đại. Bắc Hàn có chữ ký trong hiệp ước Panmunjom nhưng trong hội nghị này chỉ có Hoa Kỳ, đại diện LHQ, và Trung Quốc đóng vai chủ yếu. Đại diện Bắc Hàn hiện diện nhưng không có vai trò quan trọng. Hội nghị Geneve 1954 giải quyết chiến tranh Đông Dương. Việt Minh thắng trận Điện Biên Phủ nhưng Phạm Văn Đồng không có vai trò gì trong hội nghị. Trái lại Zhou Enlai (Châu Ân Lai) của Trung Quốc và Molotov của Liên Xô đóng vai chủ động. Phạm Văn Đồng có đề nghị lấy vĩ tuyến 13 làm đường phân ranh nhưng không được đại biểu các quốc gia tham dự quan tâm đến. Phải đợi Molotov đề nghị lấy vĩ tuyến 17 làm đường ranh phân chia mới được chấp thuận! Đó là cảnh ' áo không mặc qua khỏi đầu' của thế kỷ XX.
f. Khi đất nước qua phân hai miền Bắc Triều Tiên và Bắc Việt Nam chịu ảnh hưởng của Trung Quốc và Liên Sô. Nam Hàn chỉ chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Nam Việt Nam chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Ảnh hưởng của Pháp giảm sút vào năm 1954 và biến hẳn vào năm 1956.
Vị trí địa lý của Triều Tiên nguy hiểm hơn Việt Nam rất nhiều. Việt Nam chỉ chịu áp lực của Trung Hoa. Triều Tiên chịu áp lực của ba cường lân to lớn, đông dân và có trình độ kỹ thuật cao. Đó là Trung Hoa, Nga và Nhật Bản.
Thời hậu đệ nhị thế chiến Nhật Bản là quốc gia bại trận. Bán đảo Triều Tiên (Bắc Hàn & Nam Hàn) vẫn phải chịu ba luồng ảnh hưởng chánh trị và kinh tế của Trung Quốc, Liên Sô và Hoa Kỳ. Bắc Hàn chịu ảnh hưởng sâu đậm về phương diện kinh tế và văn hóa-chánh trị của Cộng Sản Trung Quốc. Chính Kim Il Sung là đảng viên Cộng Sản Trung Quốc chớ không phải là người sáng lập đảng Cộng Sản Triều Tiên. Đảng này ra đời trong bí mật vào năm 1925 thời Nhật thuộc. Nếu cân phân giữa Trung Quốc và Liên Sô, Kim Il Sung e dè Trung Quốc hơn là Liên Sô. Liên Sô là quốc gia đưa Kim Il Sung nắm quyền lãnh đạo Bắc Hàn. Trung Quốc có thể đồng hoá Bắc Hàn nhưng Liên Sô thì không vì không cùng màu da, văn hóa, tôn giáo. Đó là nguyên nhân khiến một người nặng về quân sự như Kim Il Sung ước muốn có võ khí nguyên tử để cho kẻ dòm ngó mình không dám khinh xuất. Mộng nguyên tử hoá Bắc Hàn chưa được thực hiện dưới thời Kim Il Sung. Nó được thực hiện bởi con ông là Chủ Tich Kim Jong Il và cháu nội của ông là Kim Jong Un.
Bom nguyên tử trở thành một ước mơ của các nhà lãnh đạo có tham vọng củng cố quyền hành và tham vọng cường quốc nhằm kích thích tự hào dân tộc. Mao Zedong (Mao Trạch Đông) và Krushchev của Liên Sô choảng nhau chỉ vì Khrushchev từ chối không giúp cho Trung Quốc có bom nguyên tử. Sự ích kỷ của Khrushchev không có gì là khó hiểu và bất hợp lý cả. Năm 1964 Trung Quốc thí nghiệm bom nguyên tử lần đầu tiên. Sự kiện lịch sử ghê gớm này làm cho Khrushchev mất quyền lãnh đạo ở Liên Sô và chánh phủ Nhật bị chao đảo vì quá bận với Thế Vận Hội Tokyo 1964! Sự im lặng của Nga trong cố gắng sản xuất bom nguyên tử của Bắc Hàn cũng như lời tuyên bố của Putin vừa qua rằng Bắc Hàn dù có ăn cỏ đi nữa họ vẫn không từ bỏ chương trình nguyên tử cho thấy Nga như ngầm khuyến khích Bắc Hàn trong chương trình nguyên tử. Dưới mắt người Nga chương trình nguyên tử của Bắc Hàn có lợi cho Nga khi nó đe dọa:
- Nam Hàn
- Quân Hoa Kỳ ở Nam Hàn và Okinawa
- Nhật Bản
- Trung Quốc
Nga quan trọng ở phần Nga Âu. Phần Nga Á thưa dân. Việc phòng vệ không chặt chẽ như Nga Âu. Ở Đông Bắc Á Nga còn chiếm quần đảo Kurils của Nhật từ năm 1945 sau khi thu hồi lại phân nửa đảo Sakhalin nhường cho Nhật năm 1905 vì bị Nhật đánh bại.
Kim Jong Il rồi Kim Jong Un vẫn theo đường lối của Kim Il Sung vạch ra: vẫn theo chủ nghĩa Marx- Lenin nhưng thận trọng với Trung Quốc và mang ơnMoscow. Như đã nói Kim Il Sung là đại úy trong quân đội Liên Sô. Con ông là Kim Jong Il sinh ở Vyatskoye gần Khabarovsk, Liên Sô, dưới tên Nga Yuri Irsenovich Kim. Tên Nga gọi ở nhà là Yura. Người em của Kim Jong Il là Kim Man I sinh ở Vyatskoye, Liên Sô, dưới tên Nga Alexander Irsenovich Kim. Tên Nga ở nhà là Shura. Ông nầy chết đuối (?) khoảng năm 1947/ 1948 và được chôn ở Vyatskoye. Những yếu tố này cho thấy màu sắc Nga đậm nét trong gia đình họ Kim ở Bắc Hàn.
Do đâu một lãnh tụ trẻ Kim Jong Un, 29 tuổi khi mới lên cầm quyền năm 2011, tỏ ra bất phục tùng Trung Quốc bằng cách không đến ra mắt các lãnh đạo ở Beijing, giết người dượng rể thân Trung Quốc (2013) và người anh cùng cha khác mẹ sống ở Trung Quốc và được hậu thuẫn của nước này nếu không có chỗ dựa vững chắc?
Chỗ dựa ấy ở đâu?
- Bắc Hàn từ thời Kim Il Sung (cầm quyền: 1948- 1994), Kim Jong Il (1994- 2011) đến Kim Jong Un (2011- ?) chỉ bang giao mật thiết với hai nước láng giềng đồng đảng và đồng chủ nghĩa Marx- Lenin: Trung Quốc và Liên Sô (bây giờ là Liên Bang Nga). Dám ương ngạnh với Trung Quốc tức là phải dựa vào Liên Sô bây giờ là Nga.
Trò chơi chánh trị nào cũng có kịch bản, đào kép diễn tuồng và xuất hiện đúng thời điểm ấn định trong kịch bản. Kịch bản không thể do các quốc gia nhỏ, chậm tiến về phương diện nào đó, viết ra dù trên danh nghĩa các quốc gia ấy độc lập và có quyền tự quyết.


Bom nguyên tử và hỏa tiễn liên lục địa tạo cho Bắc Hàn một vị thế đặc biệt.
Xi Jinping (Tập Cận Bình) tiếp đón Kim Jong Un một cách niềm nở và long trọng (03- 2018). Tổng thống Nam Hàn Moon Jae In nghiêng theo Trung Quốc chỉ trích chánh sách của Nhật trong đệ nhị thế chiến nhưng bị Xi Jinping dành cho một buổi tiếp rước lạnh nhạt chưa từng thấy vào tháng 12 năm 2017.
Ông Moon Jae In vui mừng khi Bắc Hàn tham dự Thế Vận Hội Mùa Đông tổ chức ở Nam Hàn. Phái đoàn lực sĩ Bắc Hàn và người em gái của Kim Jong Un trở thành đề tài lớn của Thế Vận Hội trong dư luận Nam Hàn. Hai đoàn lực sĩ Nam- Bắc Hàn không dùng quốc kỳ Bắc Hàn hay Nam Hàn mà dùng lá cờ nền trắng với hình bản đồ bán đảo Triều Tiên màu xanh dương nhạt hàm ý thống nhất Triều Tiên. Tổng thống Moon Jae In vui mừng khi gặp lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un ở Panmunjom (Bàn Môn Điếm) và khi đóng vai con thoi giữa Kim Jong Un và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Năm 1989 nước Đức được thống nhất do sự thoả thuận của Tổng Thống Bush I của Hoa Kỳ và Chủ Tịch Liên Sô là Gorbachev. Lúc bấy giờ người Triều Tiên nhất là giáo sĩ Moon, người lãnh dạo một hệ phái Tin Lành Thống Nhất của Triều Tiên ở Hoa Kỳ, tin tưởng ngày thống nhất bán đảo Triều Tiên gần kề. Nhưng tất cả đều thất vọng.
Đức Quốc và bán đảo Triều Tiên có những tương đồng biểu kiến. Thực tế hai quốc gia này có một sự khác biệt nổi bật: Đông Đức và Tây Đức khác nhau về thể chế chánh trị nhưng cả hai phần đất trên chưa hề chém giết nhau đẫm máu như Bắc Hàn đối với Nam Hàn trong chiến tranh Triều Tiên (1950- 1953). Đức thống nhất là sự vui mừng của toàn dân Đức mặc dù Tây Đức phải gánh vác một gánh nặng kinh tế và xã hội vì sự suy kém kinh tế của Đông Đức dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa. Liệu Bắc Hàn và Nam Hàn tự giải quyết sự thống nhất của họ thành công hay không vì hiện nay Nam Hàn có một nền kinh tế vững vàng trong 10 quốc gia có kinh tế cường thịnh trên thế giới và Bắc Hàn có bom nguyên và hỏa tiễn liên lục địa?
Theo kịch bản chánh trị hiện tại Kim Jong Un nghiễm nhiên trở thành 'kép chánh'. Mới ngày nào ông đe dọa Nam Hàn, Hoa Kỳ và được ông Trump hồi đáp bằng lời đe dọa hủy diệt và cuồng nộ. Đột nhiên nhà độc tài trẻ tuổi dịu giọng, tươi cười khi gặp Tổng Thống Nam Hàn và sẵn sàng gặp Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump. Cách đó không lâu ông Trump khuyên bộ trưởng Ngoại Giao Rex Tillerson đừng phí thì giờ nghĩ đến việc thương thuyết với Bắc Hàn. Đại tướng Mattis là bộ trưởng bộ Quốc Phòng cũng chia xẻ đường lối thương thuyết của bộ Ngoại Giao. Ông Tillerson bị mất chức. Ông Trump hoan hỉ muốn gặp Kim Jong Un như ông đã đánh tiếng khi còn là ứng cử viên Tổng Thống năm 2016 rồi tỏ ra giận dữ tại Đại Hội Đồng LHQ. Sau khi ông Tillerson mất chức, giám đốc CIA là Pompeo được đề cử làm bộ trưởng bộ Ngoại Giao. Tướng Mc Master, người thay thế tướng Michael Flynn trong chức vụ Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, vừa rời khỏi chức vụ trong tòa Bạch Ốc (tháng 04-2018) thì được thay thế bởi ông Bolton, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ. Hai ông Pompeo va Bolton đều có lập trường diều hâu trong khi các ông tướng bên cạnh Tổng Thống Trump như Mattis, Mc Master, Kelly đều có đường lối thận trọng và dè dặt trong vấn để Bắc Hàn và Iran.
Có phải Kim Jong Un trở nên mềm dẻo vì sợ Hoa Kỳ tấn công hủy diệt? vì lịnh cấm vận mới của LHQ?
Cả hai đều không phải là nguyên nhân của sự chuyển hướng 180 độ của nhà độc tài trẻ tuổi này.
Một cuộc chiến bất tương xứng sẽ giúp cho kẻ yếu được dư luận của người bàng quan hơn kẻ mạnh. Nước nghèo và độc tài không sợ chiến tranh như nước giàu trọng nhân sinh, nhân quyền và dân quyền.
Bắc Hàn vốn đã nghèo thậm chí còn bị chết đói nữa. Những cấm vận đã có vài lần trước đó vẫn không có kết quả gì rõ rệt trong việc ngăn chặn việc sản xuất và thí nghiệm võ khí nguyên tử của họ. Làm sao kiểm soát và ngăn chặn được sự tiếp sức của Trung Quốc và Nga cho Bắc Hàn? và của các nước khác giao dịch để kiếm lợi với Bắc Hàn?
Nhưng nếu Bắc Hàn tỏ ra cứng rắn thái quá thì chẳng những mất dư luận trên thế giới mà còn có thể bị liên quân Mỹ- Nam Hàn tấn công và lật đổ chế độ để thống nhất bán đảo Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của Nam Hàn thì họ Kim chẳng những mất quyền mà có thể mất mạng. Nếu trường hợp này xảy ra thì Trung Quốc và Nga theo thứ tự ưu tiên rất bất lợi. Đó là dấu hiệu sụp đổ của chế độ độc tài Cộng Sản. Hay ít ra Mỹ và Nam Hàn xáp lại gần Trung Quốc và Nga hơn nữa.

Bất cứ chế độ độc tài hay Cộng Sản nào trên thế giới cũng đều có sự hung dữ, khát máu của LANG tộc và sự xảo trá của HỒ tộc. Từ một lãnh tụ trẻ tuổi từng hăm doạ Nam Hàn, Nhật Bản, Hoa Kỳ, từng cho chó ăn thịt dượng rể, xử tử một tướng lãnh bằng súng phòng không, dùng hơi độc giết chết anh cùng cha khác mẹ, xử bắn người hàng loạt bằng giàn súng mọt- chê và buộc thân nhân các nạn nhân đến xem v.v. Kim Jong Un trở thành người vui vẻ, hiền hòa, muốn thống nhất đất nước, muốn nói chuyện với Hoa Kỳ và hứa sẽ phi nguyên tử hoá Bắc Hàn v.v.
Ít ra Kim Jong Un được không ít người khen ngợi. Tổng Thống Nam Hàn vui vẻ tiếp đón và mở đại yến khoản đãi em gái Kim Jong Un là cô Kim Yo Jong (02- 2018). Ông Moon Jae In tươi cười khi gặp mặt Kim Jong Un ở Panmunjom (04- 2018). Bắc Hàn từng thực hiện ý đồ thống nhất Nam Hàn bằng võ lực năm 1950 nhưng bất thành. Sự hiện diện của 30,000 quân Hoa Kỳ ở Nam Hàn càng gây trở ngại cho việc thống nhất Nam- Bắc Hàn bằng võ lực. Những cuộc thí nghiệm bom nguyên tử và hỏa tiễn liên lục địa năm 2017 phản ánh phần nào sức mạnh quân sự của Bắc Hàn. Nó giúp cho Kim Jong Un đủ uy tín để nhấn mạnh đến sự thống nhất Triều Tiên ruột thịt.
Nếu Nam- Bắc Hàn thống nhất thì 30,000 quân Hoa Kỳ ở Nam Hàn không có lý do gì ở lại đó. Điều này không hẳn không có trong tâm của ứng cử viên Donald Trump năm 2016. Ưu thế đương nhiên sẽ nằm về phía Bắc Hàn. Kim Jong Un rồi em gái sẽ tuần tự cầm quyền trên bán đảo Triều Tiên thống nhất như đã xảy ra ở Bắc Hàn. Lời khuyến dụ rất ngọt ngào. Nào là người Triều Tiên quyết định chuyện Triều Tiên. Nào là Bắc Hàn mạnh về quân sự kết hợp với Nam Hàn mạnh về kinh tế sẽ có một nước Triều Tiên vĩ đại! Bức tranh chánh trị đầy màu sắc rực rỡ nầy sẽ hấp dẫn nhân dân hai miền Nam- Bắc Hàn vô cùng.
Nếu Triều Tiên thống nhất dưới chế độ độc tài của họ Kim thì Trung Quốc và Nga rất hoan nghinh. Họ không lo sự có mặt của quân Hoa Kỳ ở Nam Hàn, không sợ hệ thống hỏa tiễn Thaad đe dọa và không sợ chế độ độc tài ở Nga và Trung Quốc bị thương tổn. Họ sẽ có một quốc gia đồng minh rộng trên 220,000 km2 tôn thờ sắt thép như họ.

Về chuyện Bắc Hàn luôn luôn có 06 quốc gia liên hệ đến việc nguyên tử hoá Bắc Hàn. Sáu quốc gia đó là: Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, Bắc Hàn.
Trung Quốc: Chủ Tịch Xi Jinping đã tiếp Kim Jong Un ở Beijing vào tháng ba vừa qua (03- 2018). Beijing (Bắc Kinh) tìm cách chiêu dụ Bắc Hàn trở về quĩ đạo của họ. Kim Il Sung có chịu ảnh hưởng của Trung Quốc nhưng ông không gởi con là Kim Jong Il sang Trung Quốc để học! Kim Jong Il theo gương cha không gởi Kim Jong Un sang học ở Trung Quốc hay Nga mà học ở Thụy Sĩ. Chuyện tế nhị này như ngầm nói lên điều gì.
Nam Hàn: Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae In gặp Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un ở Panmunjom (cuối tháng tư năm 2018) trong sự vui mừng và tràn đầy hy vọng sẽ thống nhất Triều Tiên bằng sự đồng tâm hợp nhất của nhân dân hai miền Triều Tiên.
Hoa Kỳ: Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ gặp Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un dự trù vào khoảng cuối tháng 05 hay tháng 06 năm 2018 Cho đến bây giờ vẫn chưa biết sẽ gặp nhau ở đâu.
1. Khu Phi Quân Sự như đã diễn ra trong cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Nam và Bắc Hàn trong tháng 04 vừa qua? 
2. Singapore? 
3. Ulan Bator (Mông Cổ)?
Tổng thống Donald Trump có cơ hội lập thành tích chánh trị đầu tiên khi gặp Kim Jong Un: Bắc Hàn sẽ trả tự do cho ba công dân Hoa Kỳ hiện bị giam giữ ở Bắc Hàn (theo lời một luật sư của Tổng Thống Donald Trump, Giuliani, như một thành tích mà các vị tổng thống tiền nhiệm làm không nổi. Bắc Hàn chưa công bố chuyện này); Bắc Hàn hứa phi nguyên tử hóa v.v. Kết quả ra sao chưa đoán biết được (chắc chắn? bền lâu? hay chỉ là lời nói ngọt ngào như đã xảy ra). Vài nhà chánh trị đảng Cộng Hoà đề nghị Tổng Thống Trump lãnh giải thưởng Nobel Hòa Bình. Nếu cuộc gặp gỡ giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn có kết quả tốt thì giải Nobel Hòa Bình sẽ được chia ba: Donald Trump- Kim Jong Un- Moon Jae In.
Hoa Kỳ có giữ tư thế thượng phong trong cuộc gặp gỡ thượng đỉnh này không?
- Bề ngoài, có. Liệu thế thượng phong biểu kiến này có đem lại kết quả hữu ích gì hay không một khi đường lối đối nội lẫn đối ngoại của Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Donald Trump chưa được bình thường sau 15 tháng cầm quyền: không thân thiện với các nước bạn như Anh, Đức, Pháp, Nhật, Nam Hàn, Canada, Mexico, NATO, Liên Âu, rút khỏi TPP và dọa sẽ rút khỏi NAFTA; chỉ trích bộ trưởng và thứ trưởng bộ Tư Pháp, cơ quan FBI, không tin CIA, xem báo chí là kẻ thù của dân chúng Mỹ v.v. Bản thân Tổng Thống Trump bị bao vây bởi những chuyện đàn bà, cuộc điều tra xem có sự nhúng tay của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 của ông Robert Mueller, cựu giám đốc FBI, và vô số rối ren nội bộ khác như: trên 40 viên chức cao cấp bị cách chức hay từ chức vì không thể làm việc được với vị lãnh đạo tối cao của mình hay vì không tán đồng chánh sách và đường lối mập mờ, bất nhất của của người lãnh đạo. Những người được Tổng Thống Trump ưa chuộng thường bị Quốc Hội đàn hạch. Quyết định hòa hay chiến không dễ dàng như ước muốn của Tổng Thống Trump, cố vấn Bolton và tân bộ trưởng Ngoại Giao Pompeo. Tướng Mattis của bộ Quốc Phòng và tướng Mc Master, cựu cố vấn An Ninh Quốc Gia, có vẻ thận trọng với giải pháp quân sự hơn các nhà chánh trị dân sự diều hâu như ông Bolton và Pompeo.
Hòa thì giống như sự ký kết hiệp định Paris 1973 để có lối thoát danh dự. Có giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1973 nhưng không có hòa bình và danh dự sau đó. Nói cách khác đừng quá kỳ vọng vào kết quả hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ- Bắc Hàn. Sói là sói. Sói không thể là cừu non được. Hitler có tôn trọng hiệp ước Liên Sô- Đức năm 1939 không? Stalin có tôn trọng hiệp ước Liên Sô- Nhật năm 1941 không? Hồ Chí Minh có tôn trọng hiệp định Geneve 1954 không? Lê Duẩn có tôn trọng hiệp định Paris năm 1973 không? Đó là nét đặc trưng chung của các nước độc tài dù là độc tài Phát Xít hay độc tài Cộng Sản.
Chiến có thể có hai hậu quả khác nhau:
1. chắc chắn có sự can thiệp của chí nguyện quân Trung Quốc như năm 1950. Điều đáng nhớ là Trung Quốc 1950 và Trung Quốc ngày nay khác xa 1,000%!
2. rất tàn khốc và có thể gây ra Đệ Tam Thế Chiến. Nga rất mong nhóm diều hâu Cộng Hoà khởi chiến với hai quốc gia đang xây mộng nguyên tử (Iran, Bắc Hàn) để chịu cảnh sa lầy không thắng, không bại, không thể rút quân mà chỉ tiêu hao nhân lực, tài lực, vật lực và ý chí, gia tăng nợ nần và bị dư luận trong nước và dư luận thế giới oán trách. Hoa Kỳ hiện mắc nợ 21,000 tỷ Mỹ kim (21 trillion). Chiến tranh có phải là phương cách cứu giúp kinh tế không? Hoa Kỳ thu hoạch được gì trong hai cuộc chiến tranh Afghanistan (hiện vẫn còn) và Iraq (đã rút quân cuối năm 2011) ngoài số nợ quốc gia to lớn?
Bắc Hàn: Gần 70 năm nay Bắc Hàn là phần đất khép kín với thế giới bên ngoài. 90% kinh tế nước nầy tuỳ thuộc vào Trung Quốc. Hiện nay Kim Jong Un nghiễm nhiên trở thành kép chánh trong kịch bản chánh trị. Kim Jong Un được phủ đầy danh dự. Xi Jinping không tiếp Kim Jong Un như Jiang Zemin hay Hu Jintao tiếp thân phụ của ông, Kim Jong Il. Ông được Xi Jinping tiếp như một quốc khách. Việc Kim Jong Un sẽ nói chuyện riêng rẻ với nhiều lãnh đạo quốc gia khác nhau nhất là với Hoa Kỳ và Nhật Bản làm cho Xi Jinping ái ngại không ít. Ảnh hưởng của Trung Quốc tạm phai mờ ở Bắc Hàn ít ra trong giai đoạn này vì Bắc Hàn muốn thực sự độc lập ngoại giao. Trung Quốc rất dị ứng khi Bắc Hàn họp thượng đỉnh song phương với Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Nhật Bản: Thủ Tướng Nhật Bản Abe ngỏ ý muốn gặp Kim Jong Un.
Nga: Vladimir Putin là người duy nhất trong 06 lãnh tụ liên quan đến vấn để nguyên tử Bắc Hàn bình tĩnh trước những diễn biến dồn dập ở Đông Bắc Á. Bắc Hàn mang ơn Moscow và có quan hệ đặc biệt với nước Nga. Nga không có gì để lo ngại bom nguyên tử Bắc Hàn. Putin còn nói thay cho Kim Jong Un rằng Bắc Hàn dù ăn cỏ cũng không từ bỏ chương trình nguyên tử. Putin làm phối trí viên cho hai nhà lãnh đạo ngưỡng mộ ông:
- Tổng Thống Donald Trump của Hoa Kỳ lặp lại nhiều lần sự ngưỡng mộ của ông đối với Putin và nước Nga. Ông Tillerson mất chức sau khi lên tiếng theo lập trường của Anh về sự dính líu của Nga trong việc xử dụng hơi độc ám hại cha con một điệp viên nhị trùng trên lãnh thổ Anh.
- Kim Jong Un không công khai ngưỡng mộ Putin như ông Trump nhưng chắc chắn ảnh hưởng của Nga rất lớn đối với Bắc Hàn. Putin là lá bài che giấu của nhà độc tài trẻ của vương triều họ Kim. Nếu không có chỗ dựa này thì nhà độc tài trẻ tuổi này không dám giết người dượng rể được Beijing yêu vì; tự thân không đến chầu Thiên tử ở Beijing sau trên 06 năm cầm quyền; tổ chức đại hội đảng Cộng Sản Triều Tiên nhưng không mời đại biểu Trung Quốc tham dự. Nên nhớ kinh tế Bắc Hàn tuỳ thuộc Trung Quốc 90%. Tháng 03- 2018 vừa qua Kim Jong Un đến Beijing không phải để 'chầu' hay 'tạ tội' mà đến với tư cách một quốc khách.
****
 
Hoa Kỳ đang đứng trước bốn ngòi pháo không biết bùng nổ vào lúc nào: Iran, Bắc Hàn, Taiwan (Đài Loan) và Biển Đông. Chánh phủ Trump có nhiều tướng lãnh, có cố vấn An Ninh Quốc Gia và bộ trưởng Ngoại Giao, cựu giám đốc CIA, là những người được xem là diều hâu sẵn sàng dùng giải pháp quân sự. Theo tánh tình bề ngoài kiểm chứng được thì ông Trump là người sẵn sàng hủy diệt và cuồng nộ hay nhẹ nhất là bỏ tù kẻ mà ông thù ghét hay không ưa như bà Hillary Clinton và ông Comey chẳng hạn. Chắc chắn hủy diệt và cuồng nộ vẫn không diễn ra khi cả hai bên cùng ngưỡng mộ một người: Vladimir Putin.
Chúc ba ông Donald Trump- Kim Jong Un- Moon Jae In được chia giải Nobel Hòa Bình sau cuộc gặp gỡ thượng đỉnh với Kim Jong Un như ông Henry Kissinger và ông Lê Đức Thọ năm 1973 và ba ông Yasser Arafat (Palestine), Shimon Peres (Do Thái), Yitzhak Rabin (Do Thái) năm 1994.
Ông Kissinger lãnh 1/2 giải Nobel Hòa Bình; 1/2 kia ông Lê Đức Thọ không lãnh. Năm 1975 hòa bình chỉ đến bằng sự sụp đổ tang thương của miền Nam Việt Nam trước sự tấn công của quân Cộng Sản miền Bắc và MTDTGP.
Ba ông Arafat, Peres và Rabin lãnh Giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1994. Cho đến nay vấn đề Do Thái- Palestine vẫn còn nhì nhằng.
So với các Tổng Thống Hoa Kỳ tiền nhiệm ông Trump ủng hộ Do Thái trên 100% khi tuyên bố sẽ đưa tòa đại sứ Hoa Kỳ từ Tel Aviv về Jerusalem nhân kỷ niệm 70 năm sinh nhật nước Do Thái (14- 05- 2018).
Iran nặng hơn Bắc Hàn vì Do Thái và Saudi Arabia đều ghét Iran. Do Thái và Saudi Arabia là hai đồng minh có ảnh hưởng lớn trong chánh giới Hoa Kỳ.
Tổng Thống Trump khen Kim Jong Un là người đáng kính trọng (honorable) như một thắng lợi tinh thần của Kim Jong Un mặc dù ông Trump không giải thích vì sao Kim Jong Un đáng tôn kính.


PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I

Comments

Popular posts from this blog