Đảo Chính Nhật

Nguyễn Phúc


Trong tháng ba dương lịch này, cách đây đúng 73 năm, trên toàn bộ xứ Đông Pháp (Indochine-Francaise ), tức là danh xưng mà người Pháp dùng để chỉ Cam Bốt, Lào và Việt Nam, đã xẩy ra một cuộc binh biến mà sau này ta thường gọi là Đảo Chính Nhật.

Thật ra đây là một sự kiện lịch sử mang nặng tính chất của một cuộc binh biến nhưng thực chất là một cuộc chính biến để lại ảnh hưởng sâu rộng trên toàn cõi Đông Pháp.

Vậy, Đảo Chính Nhật là gì?

Sao lại có sự hiện diện của quân đội Nhật trong một vùng bảo hộ và  thuộc địa của Pháp.  Xin tóm tắt như sau:
Vào những năm đầu thập niên 40, Nhật thắng thế khắp nơi tại Đông Nam Á. Nhật dùng áp lực quân sự buộc Pháp phải để cho Nhật đem quân sang đóng ở Saigon, Huế, Hà Nội và nhiều nơi khác nữa, vì lúc bấy giờ chiến tranh Trung Nhật vẫn còn tiếp diễn. Pháp ở trong thế yếu lại không thể có được viện binh, buộc phải nhận yêu sách của Nhật. Dĩ nhiên, tình hình phức tạp hơn và riêng đối với chính quyền bảo hộ Pháp thì thực tế lại càng "rối reng" hơn nữa. Nhưng bối cảnh chính trị và quân sự trong bang giao Pháp-Nhật thời ấy nằm ngoài phạm vi bài viết này.

Chỉ xin ghi rằng sau sự lép vế này của chính quyền bảo hộ Pháp dần dà người dân Việt Nam, nhất là dân thành phố, thấy quân đội Nhật đến đóng tại nhiều tỉnh lỵ. Kẻ tí toáy viết mấy hàng này mỗi lần đi ngang trường Hồ Đắc Hàm (một trường tư thục ở Huế) trên đường Jules Ferry (sau này là Lê Lợi) là nơi có quân Nhật đóng, vẫn không dám đến gần người quân nhân Nhật đứng gác  cổng. Lý do: thằng bé 11 tuổi là tôi lúc bấy giờ chỉ quen với lối bồng súng lên vai của người Pháp khi đứng gác mà người Nhật lại cầm ngang cái súng mà đưa qua đưa lại!

Thế rồi "đùng một cái" khoảng 8, chín  giờ tối ngảy 9 tháng 3 năm 1945, Nhật mở một cuộc tấn công trên toàn cõi Đông Pháp, đánh thẳng vào mọi cơ sở quân sự và hành chính Pháp. Đúng là "xuất kỳ bất ý, công kỳ vô  bị" như Tôn Ngô binh pháp đã dạy. Pháp trở tay không kịp. Có nơi đầu hàng. Có nơi thua chạy thoát lên thượng du Bắc Việt  hoặc qua Lào....

Chỉ có một đêm mà quân đội Nhật làm chủ tình hình trên toàn cõi Đông Dương.

Sáng sớm hôm sau (10 tháng 9, 1945)  khi tiếng súng đã dứt, nghe nhiều người lớn nói rằng Nhật đánh Pháp để trao lại độc lập cho mình.

Ra đường, mấy cái khẩu hiệu Cần Lao Gia Đình Tổ Quốc của phong trào Pháp Việt đề huề biến đi đâu mất.  Mà hình ảnh lớn của thống chế Pétain với câu nói "nước Pháp với An Nam như dân quê với  ruộng" dán trên tường phố cũng bị tháo gỡ tự bao giờ.

Lần đầu tiên trong đời thấy được truyền đơn do máy bay quân sự Nhật rắc đầy trời, khắp nơi. Chỉ còn nhớ được môt câu thật văn hoa.: "... nhờ sức hùng cường của Hoàng Quân Nhật nước Việt Nam ta lại xuất đầu lộ diện giữa trời Đông sáng sủa...."

Không lâu sau đó, nghe nói vua Bảo Đại mời ông Trần Trọng Kim lập chính phủ.

Với thằng bé, cái tên Trần Trọng Kim không xa lạ gì. Ngay trang bìa mấy quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư nó đã thấy tên ông cả trăm lần. Sách này do ông Trần Trọng Kim, ông Nguyễn Văn Ngọc, ông Đặng Đình Phúc và ông Đỗ Thận soạn.

Vậy thì ông Trần Trọng Kim phải giỏi! Lại nghe trong cái chính phủ ấy có ông Hoàng Xuân Hãn, một bậc đại  khoa  tân học mà lại thông chữ Hán nữa. Ông Hãn bấy giờ  giữ ghế bộ trưởng Bộ Giáo Dục.

Chính phủ Trần Trọng Kim này chỉ sống có mấy tháng thôi. Ngắn ngủi thật, nhưng đã thực hiện được môt công trình vĩ đại:  dùng tiếng Viêt, thay cho tiếng Pháp, để giảng dạy ở cấp trung học qua chương trình Hoàng Xuân Hãn.

Thằng bé cùng lũ bạn của nó có được cái vinh hạnh học Toán, Lý Hóa, Vạn Vât, Sử Địa... tất cả bằng tiếng Việt ở năm đầu tiên cấp trung học bấy giờ gọi lànhứt niên cụ thể ở trường Khải Định (sau này là Quốc  Học Huế) niên khóa 1945-46.

Mấy hàng chữ này không có cái tham vọng phân tích tình hình Việt Nam ngay trước và sau cái đêm lịch sử  9 tháng 3 năm 1945. Lại càng không phải là một lời bình luận về tình hình chính trị và quân sự.

Đảo Chính Nhật trước hết là một biến cố quân sự do quân đội Nhật cầm đầu đầu nhằm lật đổ nền bảo hộ của người Pháp ở Việt Nam, Lào và Cam Bốt trong kế hoạch thực hiện Đại Đông Á của họ. Nhưng chỉ có mấy tháng sau đó thì  Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki buộc Nhật phải đầu hàng không điều kiện.

Rồi ở Việt Nam,Việt Minh "cướp chính quyền", rồi vua Bảo Đại thoái vị, rồi Pháp nhất định trở lại Việt Nam cho bằng được, rồi... rồi sao nữa nhỉ... rồi hiêp định Geneve 1954.... rồi.... tháng Tư 75...

Còn bao nhiêu là bể dâu khác trong lòng  hàng triệu người Việt tính từ cái mốc Đảo Chính Nhật ấy!

Nguyễn Phúc

Comments

Popular posts from this blog