Tăng lương… sẽ khá hơn chăng

Nguyễn Thơ Sinh
Inline images 1
Nghèo không phải là cái tội, nhưng chắc chắn nó sẽ khiến con người ta vất vả. Nghèo không xấu, nhưng cổ nhân dạy: Bần cùng sinh đạo tặc. Có lẽ vì thế nhiều người nghèo không vượt qua được thử thách cuộc sống cay nghiệt đã trượt vào những cám dỗ. Con đường từ túng thiếu đến tội phạm, từ khu ổ chuột đến nhà tù đôi lúc chẳng cách xa nhau là mấy.
Dưới thời Tổng thống Trump gần một năm kinh tế Mỹ khởi sắc trông thấy rõ, thị trường chứng khoán liên tiếp phất lên rất rôm rả, giá trị bất động sản tăng vùn vụt, kinh tế ổn định, chỉ số tự tin của người dân cũng theo đó mà tăng vọt… Đó là những tín hiệu tốt, nhưng với người nghèo xem ra cái eo lúc nào cũng bám riệt, dai như đỉa.
Năm 2018 có gì lạ với người nghèo tại Mỹ đời sống túng ngặt và đồng lương tối thiểu (minimum wage)? Theo Yahoo, đầu tháng 1 năm nay 18 tiểu bang của Mỹ sẽ tăng lương cho nhóm dân lao động ăn lương tối thiểu này. Được biết chính phủ liên bang nhiều năm liền chẳng đả động gì đến chuyện tăng lương nên một số tiểu bang quyết định xắn tay áo xốc vào lĩnh vực này. Khá dễ hiểu, bởi không giúp đỡ kịp thời đời sống của họ nhất định càng lún sâu vào bế tắc.

Nhìn từ bên ngoài, chương trình cải tổ luật thuế của Tổng thống Trump đưa ra mới đây có vẻ hợp lý trong việc kích thích kinh tế Mỹ, trong đó các mức thuế ưu đãi hào phóng trao cho giới chủ đầu tư và người giàu. Còn người nghèo, những thân phận chìm sâu dưới đáy xã hội chẳng được lợi lộc gì. Gần như họ bị lãng quên, bởi lẽ luật thuế mới của Tổng thống Trump chỉ giúp giới trung lưu và người có công việc tốt, tuyệt nhiên không hề thân thiện với người nghèo quần quật làm việc trong những nhà hàng fast food hay trong những nhà xưởng mùa đông buốt giá, mùa hè nóng nực như rang.
Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Điều này ai cũng rõ. Chó cắn áo rách. Người nghèo muôn thuở khó ngoi lên nấc thang mới phải đối diện với bao khó khăn chồng chất. Họ luôn luôn nghèo. Còn nhớ mãi đến tháng 07 năm 2009 luật liên bang mới qui định lương tối thiểu là $7.25/hr (tăng từ mức $6.55/hr. so với trước đó). Từ ngày đó đến nay, lạm phát tăng vọt, bao nhiêu thứ phải tiêu xài, thế nhưng lương tối thiểu vẫn đóng băng, dân nghèo kêu than như ri song giới hữu trách đa phần lặng im như thóc.
Có lẽ hiểu được đời sống khó khăn của dân nghèo vài năm gần đây một số tiểu bang tự ý tăng lương cho giới lao động ăn lương tối thiểu. Nay có thêm một số tiểu bang khác tham gia, cụ thể lần này có tới 18 tiểu bang quan tâm đến nhóm người nghèo này, ước tính khoảng 4.5 triệu người nghèo sẽ dễ thở hơn một chút.

Theo phân tích của bà Janelle Jones thuộc nhóm EPI (Economic Policy Institute) tăng lương tối thiểu sẽ giúp rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa các nhóm lao động. Nói thì nói vậy, đời sống của người lao động ăn lương tối thiểu vẫn khó thoát khỏi túng thiếu triền miên dù được tăng lương. Tại sao? Vì họ luôn sống trong thiếu hụt trầm trọng, lương tăng chút đỉnh chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, bởi mức lương tăng ít ỏi ấy so với những khó khăn chồng chất khác nào muối bỏ bể.
Theo giáo sư kinh tế học Arindrait Dube của trường University of Massachusetts Amherst từ ba thập niên trở lại đây lương của nhóm lao động ăn lương tối thiểu không đuổi kịp mức lương tăng trung bình của xã hội. Nói khác đi, phần lớn lương tăng chỉ áp dụng với 50% nhóm lao động ăn lương mức cao. Điều này càng khẳng định rõ hơn mơ ước thoát khỏi cảnh lầm than cơ cực của dân lao động nghèo gần như bất khả. 
Cãi chày cãi cối mãi chẳng đi đến đâu. Kể ra chẳng sung sướng gì cho giới chủ thuê người lao động ăn lương tối thiểu (như chủ các nhà hàng fast food hay chủ những xưởng sản xuất quy mô nhỏ). Một số đồng cảm với người nghèo nhưng không đủ can đảm tăng lương vì sợ phải tăng giá các sản phẩm dịch vụ để bù lỗ cuối cùng sẽ mất khách. Kinh tế Mỹ có nền móng tự do cạnh tranh nên giới chủ đầu tư mạnh ai nấy xuất chiêu, vô tình chẳng ai dám đứng ra “làm một cái gì đó” cho giới lao động ăn lương tối thiểu.
Nào đã hết, các ông chủ giàu sụ này dưới sức ép của thị trường chứng khoán luôn tìm cách siết chặt các biện pháp vắt kiệt “rán sành ra mỡ” để giá trị cổ phiếu tăng lên, bất chấp nỗi nhọc nhằn của người lao động ăn lương tối thiểu. Không lạ gì khi ta thấy các ông chủ luôn tìm cách thay thế bắp thịt và mồ hôi người lao động nghèo bằng các thiết bị tự động automation. Vì thế họ có quyền nói với dân lao động ăn lương tối thiểu: Này, hãy nên biết thân phận của các bạn đi, bởi nay mai máy móc tự động sẽ thay thế tất cả các bạn đấy!

Cứ thế, người lao động ăn lương tối thiểu đành ngậm ngùi im lặng. Một vài trào lưu xuống đường bãi công yêu sách tăng lương không đem lại kết quả thực tế nào ngoài chuyện càng khắc họa sâu hơn nỗi niềm đắng cay oằn oại tận cùng dưới đáy hệ thống kinh tế tự do tư bản của họ.
Sộp nhất là tiểu bang Maine. Tháng 1 năm 2018, lương mức tối thiểu ở đây sẽ là $10/hr. Qua năm 2019 sẽ tăng thêm $1/hr, sau đó lương sẽ tăng lên $12/hr vào năm 2020. Tuy nhiên đây là một con dao hai lưỡi đối với nhóm lao động ăn lương tối thiểu. Tại sao? Vì xã hội sẽ thắt hầu bao lại vì họ cho rằng lương mức tối thiểu tăng lên đã hỗ trợ người lao động nghèo đủ rồi nên họ không phải rộng tay nữa.
Colorado, Hawaii, New York, Vermont, Rhode Island, Arizona, California, Washington và Michigan đồng loạt tăng trung bình 50 xu/hr cho người lao động ăn lương tối thiểu đầu năm nay. Nếu một ngày họ làm 6 giờ (đa số người đi làm ăn lương tối thiểu tại các nhà hàng không làm đủ tám giờ/mỗi ngày) sẽ được tăng thêm 3 Mỹ kim, không mua nổi một cốc white chocolate mocha cỡ nhỏ tại tiệm Starbuck Coffee!
Các tiểu bang khác như New Jersey, Ohio, Florida, Alaska, Montana, South Dakota, Minnesota, và Missouri tăng lương tối thiểu tượng trưng 15 xu/giờ (đủ bù vào lạm phát sinh hoạt). Tuy vậy có vẫn hơn không. Điều này vô tình càng tố khổ cuộc sống khó khăn của giới lao động nghèo ăn lương tối thiểu xốn mắt hơn.

Hai tiểu bang lớn của Bờ Tây và Bờ Đông của Mỹ (California và New York) cùng với thành phố Seattle của tiểu bang Washington đang hướng đến mục tiêu mức lương tối thiểu vào năm 2022 là $15/hr.
Nói vậy biết vậy, vấn đề được đặt ra, liệu mức lương tối thiểu tăng một cách khiêm tốn như thế có thay đổi được số phận của người lao động nghèo? Hay tình trạng của họ vẫn giậm chân tại chỗ, y như đám chuột bạch chạy toát mồ hôi trong chiếc lồng xoay nhưng số phận của chúng vẫn không thoát khỏi hộp kính, có chuyển động thật song chẳng nhích thêm lên một cen-ti-met nào!

Đời sống người lao động ăn lương tối thiểu tại Mỹ rõ ràng không thể khá hơn được. Đáng buồn thay, ở Mỹ, rất nhiều trẻ em sinh ra trong những căn nhà chật hẹp khi bố mẹ các em còm cõi với đồng lương ba cọc ba đồng, rất bấp bênh. Hệ quả là lối sống paycheck-to-paycheck tứ thời trở thành sợi lòi tói quấn chặt lấy cổ chân. Cảnh “con sãi ở chùa lại quét lá đa” càng được khắc họa sâu hơn trong khi cơ hội “bao giờ dân nổi can qua” cứ mù tịt và viễn cảnh “con vua thất thế lại ra quét chùa” gần như bất khả.
Cách duy nhất để bứt phá vẫn là tự mình cứu mình trước. Người lao động ăn lương tối thiểu không nên kỳ vọng và thụ động chờ đợi chính phủ xốc vào vực họ dậy. Thay vào đó họ phải tự đứng trên đôi chân của mình. Họ cần dũng cảm đối diện với thực tế: Phương pháp tốt nhất thoát khỏi tình trạng trì trệ ứ đọng là tìm cách thay đổi để cuộc sống sao cho tốt hơn, có kỹ năng và có chuyên môn. Tuy nhiên nói dễ, làm không dễ. Easy said than done. Cuối cùng bao lần từng mơ ước và hy vọng (do không bắt tay vào thực hiện) rút cục mơ ước vẫn chỉ là mơ ước và hy vọng vẫn chỉ là hy vọng.

Tương lai của người nghèo nhất định không thể giao phó cho ai được. Con đường tốt nhất để tiến lên những nấc thang xã hội cao hơn cần đến ý chí tự lực tự cường, thay vì bó gối khoanh tay khoán trắng cho chính phủ hay giới chủ đầu tư, mà phải bắt đầu từ nội lực không dễ dàng bỏ cuộc đầu hàng số phận.
Nguyễn Thơ Sinh
__._,_.___

Comments

Popular posts from this blog