Sổ Tay Ký Thiệt kỳ 176
 
Trong cái “đầm lầy” ở Washington
 
Mấy tuần nay, mở tờ báo Mỹ ra đọc hay xem TV Mỹ ngày nào cũng có tin liên quan đến chuyện sách nhiễu tình dục (sexual harassment) hay tấn công tình dục (sexual assault) của các ông “tai to mặt lớn” (hay mặt lợn) ở khắp mọi nơi, từ Hollywood tới báo chí truyền thông, chính trị gia, đặc biệt là tại Quốc hội.
 
Tại Hạ viện, John Conyers, Dân chủ Michigan, một thành viên quan trọng trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện, bị tố đã dùng tiền dân đóng thuế để “bịt mồm” một một nữ nhân viên nói rằng cô đã bị sa thải sau khi không đồng ý cho ông ta thỏa mãn tình dục. Cụ Conyers, 88 tuổi, là một dân biểu lâu năm nhất tại Hạ viện Hoa Kỳ.
 
Vụ này đang được Ủy ban Đạo tắc Hạ viện (Ethics Committee) mở cuộc điều tra trong khi ông Conyers tiếp tục bác bỏ sự cáo buộc.
 
Các dân biểu đồng viện và cùng đảng (Dân Chủ) với Dân biểu Conyers đang ra sức bao che, biện hộ cho cụ. Dân biểu Nancy Pelosi, người phụ nữ đang giữ chức vụ cao nhất nước Mỹ, lãnh tụ Khối Thiểu số tại Hạ viện, khi xuất hiện trong chương trình “Meet the Press” của hệ thống truyền hình NBC đã  gọi Conyers là một “thần tượng” (icon) của quốc gia và nói thêm rằng ông ta đã làm một việc thật to lớn để bảo vệ phụ nữ, đó là “Luật chống bạo hành đối với phụ nữ” (Violence Against Women Act). Và, bà Pelosi hùng dũng đề cao nữ quyền: “Phải mất 100 năm, gần 100 năm, kể từ khi phụ nữ được quyền đi bỏ phiếu. Và bây giờ, gần 100 năm sau, có một sự biến chuyển lớn đang diễn ra. Đó là, người phụ nữ đang nói lớn, “không một dung thứ nào nữa” (Zero tolerance), và chúng tôi sẽ nói ra chuyện đó.”
 
“Chuyện đó” là chuyện Conyers bị tố đã làm, và Pelosi đang ra sức bảo vệ.
 
Nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ sau những lời tuyên bố mâu thuẫn của bà Pelosi, Dân biểu Conyers đã rút ra khỏi Ủy ban Tư pháp, và ngày 30 tháng 11 vừa qua đã vào bệnh viện cấp cứu vì bị căng thẳng thần kinh, chưa rõ nặng nhẹ thế nào..
 
Không biết bà Pelosi, 77 tuổi, có cứu được “thần tượng” của bà, như hơn 20 năm trước, khi còn là một dân biểu trẻ đẹp, bà đã hăng hái bênh vực Bill Clinton trong vụ Paula Jones, nhưng lần này cử tri phái nữ không hiểu bà dân biểu đứng về phía nào. Lá mặt hay lá trái? Phải chăng “không một dung thứ nào nữa” chỉ được áp dụng khi kẻ sàm sỡ không phải là cùng phe Dân Chủ với bà?
 
Và, đây là câu trả lời của bà Pelosi, khi nói về trường hợp của Nghị sĩ Al Franken (Dân chủ Minnesota) ở Thượng viện, bị một cô người mẫu tố đã “cưỡng hôn” và sờ bóp cô ta vào năm 2006 cùng ba phụ nữ ẩn danh khác nói ông nghị sĩ đã bóp mông họ:
 
“Những người cáo buộc ông ta đã chấp nhận lời xin lỗi. Và chuyện đó đã xảy ra trong quá khứ. Người ta đã chấp nhận một lời xin lỗi như đã thấy trên báo chí. Nhưng chúng ta không biết, vì đã có một sự thỏa thuận không tiết lộ để bảo vệ nạn nhân. Đôi khi họ không muốn ra công khai. Đôi khi họ đã công khai tố giác. Vậy thì nay họ đã có sự chọn lựa.”
 
Ố là là! Con gà nuốt dây thun.
 
Nghị sĩ Al Franken cũng đang bị Ủy ban Đạo tắc điều tra và không có dấu hiệu nào cho thấy là ông ta sẽ rời bỏ cái ghế ở Thượng viện, dù càng ngày càng có nhiều người kêu gọi ông ta nên từ chức, về vườn, kể cả những người “phe” Dân chủ.
 
Một thỉnh nguyện thư của nhóm “Justice Democrats” đã có hơn 7,000 chữ ký viết rằng: “Thật là đạo đức giả một cách thậm tệ cho những người Dân chủ đứng ra bênh vực Franken trong lúc này. Chúng ta không thể dung thứ sự sách nhiễu hay tấn công dục tình nữa.”
 
Nhưng chưa hết, tờ Washington Times ra ngày 28 tháng 11 lại khui ra một vụ nữa liên quan đến Dân biểu Raul M. Grijalva, Dân chủ Arizona, khi ông này lặng lẽ dàn xếp một vụ chia tay với một trong những nhân viên cao cấp nhất của ông ta vì cô này đe dọa sẽ khởi tố ông dân biểu thường say sưa và đã tạo ra một môi trường thù nghịch tại nơi làm việc. Phát hiện này đã vén màn cho thấy tiền của dân đóng thuế đã được quý vị dân cử khả kính dùng để che giấu những hành vi bất xứng của họ tại Quốc hội.
 
Trong vụ này, tham vấn chức nghiệp tại Quốc hội đã điều đình để đi đến một thỏa hiệp lấy 48,395 đô-la tiền của dân đóng thuế, trả năm tháng lương phụ trội cho một nữ nhân viên đã rời khỏi nhiệm sở chỉ sau ba tháng làm việc để người này không nạp đơn kiện ra tòa. Chỗ ngồi của người này đã được trám vào ngay tức thì bằng một nhân viên khác, email và cellphone của nạn nhân đã bị cắt đứt.
 
Theo tờ Washington Post, trong vòng 20 năm vừa qua Quốc hội đã lấy 17 triệu 200 ngàn đô-la tiền dân đóng thuế để “dàn xếp” 264 vụ khiếu nại về sách nhiễu tình dục và các vi phạm khác của các vị dân cử tại Quốc hội.
 
Theo các chuyên gia pháp lý, sự khép kín của các cơ quan tại Quốc hội khiến khó mà biết rõ vấn đề này đã lan rộng ra sao. Các vụ dàn xếp sách nhiễu tình dục thường được che đậy dưới hình thức những thanh toán khác, như trả tiền lương phụ trội.
 
Hiện nay, thư khiếu nại và cáo giác các dân biểu, nghị sĩ đang chất đống tại tại Quốc hội sau khi nhiều phụ nữ đã đứng ra cáo giác “ông trùm điện ảnh” ở Hollywood Harvey Weinstein, “bạn” của TT Obama và người đã đóng góp rất nhiều tiền cho qũy tranh cử của bà Hillary Clinton, khiến đã tạo ra một làn sóng tố giác sách nhiễu dục tình lan rộng qua Hollywood tới giới báo chí truyền thông và Điện Capitol, Quốc hội Hoa Kỳ. Có thể nói đây là một hiện tượng “theo mưa té nước”.
 
Khởi đầu với việc Luật sư Sloan, cho biết cô đã là nạn nhân của Dân biểu John Conyers Jr. vào năm 1998 khi làm việc cho ông này. Cô nói đã bị sách nhiễu tình dục bằng lời nói, và có lần được gọi vào văn phòng ông dân biểu để thấy ông ta xuất hiện trong bộ đồ lót!
 
Sự khiếu tố của Sloan vào lúc đó đã bị mọi người làm ngơ, bỏ ngoài tai, và văn phòng của ông Conyers còn nói cô này bị “tâm thần bất định”. Sloan là một trong ba phụ nữ đã xuất hiện để tố cáo những thói quen bất chính với nữ giới của ông dân biểu.
 
Một nữ nhân viên văn phòng được trả 27,000 đô-la vào năm 2015 như một phần của thỏa thuận riêng với nhau sau khi cô này cáo buộc ông Conyers sa thải cô vì cô đã từ chối làm tình với ông ta.
 
Tin giờ chót ngày 5 tháng 12, Dân biểu Conyers tuyên bố… về hưu, dù chưa hết nhiệm kỳ, để khỏi làm khổ cái thân già với bao nhiêu chuyện phiền toái ở Hạ viện.
 
Ở Thượng viện, như đã nói ở trên, Nghị sĩ Al Franken cũng bị điều tra về đạo đức sau khi nữ ký giả truyền thanh Leeann Tweeden tố cáo ông ta đã ôm cô hôn ẩu và ... xoa bóp cô trước khi ông đắc cử vào Thượng viện năm 2008.
Một phụ nữ khác cũng xuất hiện, tố giác ông nghị sĩ đã bóp mông cô tại Hội Chợ Tiểu bang Minnesota năm 2010.
 
Nghị sĩ Franken đã nhiều lần công khai tạ tội với các nạn nhân của ông ta và bỏ nhiều phiên họp tại Thượng viện để về Minnesota...tĩnh tâm và sám hối. Ngày 27 tháng 11, khi trở lại Thượng viện, ông nghị Dân chủ nói: “Tôi biết rằng tôi đã làm tổn thương rất nhiều người.”
 
Tin mới nhất, Nghị sĩ Franken cũng đã theo gương Dân biểu Conyers, và dưới áp lực của các nghị sĩ Dân Chủ, tuyên bố từ nhiệm, rút lui khỏi Thượng viện.     
 
Trước những chuyện bầy nhầy đã diễn ra tại cả Hạ viện lẫn Thượng viện, tháng 11 vừa qua Thượng viện đã bỏ phiếu quy định huấn luyện bắt buộc cho mọi nhân viên để chống nạn sách nhiễu tình dục. Và tại Hạ viện, Dân biểu Chủ tịch Paul Ryan đã ra lệnh cho toàn thể dân biểu và nhân viên văn phòng phải tham dự các lớp huấn luyện.
 
Cuộc bỏ phiếu bằng mồm đã diễn ra tại Hạ viện ngày thứ tư 29 tháng 11 bắt buộc tất cả dân biểu và nhân viên phải tham dự các lớp huấn luyện chống sách nhiễu tình dục, nhưng mọi phía cho rằng cần phải có nhiều sự “chích máu” hơn, kể cả tiết lộ đầy đủ những phương cách bí mật được các nhà lập pháp đã dùng tiền dân đóng thuế để ém nhẹm những tố giác thói tật xấu xa.
 
Tại đây, nhiều người, cả nam lẫn nữ, đã kể lại những tình huống đáng xấu hổ mà họ đã chứng kiến hay đã nghe nói tới, gồm cả những vụ tấn công tình dục xảy ra tại các văn phòng Hạ viện, và cam kết sẽ chấm dứt các trò bỉ ổi ấy.
 
Nhưng đòi hỏi của khóa huấn luyện không trả lời nhiều câu hỏi trong những vấn nạn nóng bỏng nhất về sách nhiễu tình dục và các thói tật xấu xa khác của các nhà lập pháp, gồm cả tiền dân đóng thuế đã được các văn phòng dùng để che giấu những khiếu kiện. Các vụ dàn xếp đòi hỏi giữ bí mật, giấu kín ngoài tầm mắt của công luận, mặc dù tiền được dùng để dàn xếp là tiền dân đóng thuế để điều hành các văn phòng của họ. Hiện không rõ tệ nạn liên quan đến tình dục lan tràn ra sao tại Quốc hội vì các dân biểu có thể che giấu những vụ dàn xếp trong những chi tiêu bình thường.
 
Các nhà lập pháp Đảng Dân chủ đầy thế lực tại Quốc hội Mỹ đang lúng túng trong vũng lầy tình dục tai tiếng chưa biết đến bao giờ mới rửa sạch vết nhơ khi họ vừa muốn bảo vệ phe đảng nhưng lại không muốn bị tố là đạo đức giả hay có hai tiêu chuẩn về đạo đức, một áp dụng cho phe mình và một áp dụng cho người khác.
 
Nhưng, đảng Dân chủ không giữ độc quyền về cái dịch sách nhiễu tình dục đang hoành hành tại Quốc Hội. Đảng Cộng Hòa cũng đang điên đầu với vụ Roy Moore ở Alabama. Ông này, một thẩm phán cựu chủ tịch Tối Cao Pháp Viện tiểu bang, là một ứng cử viên sáng giá được đảng đưa ra tranh cái ghế nghị sĩ tại Thượng viện của ông Sessions bỏ trống từ ngày ông này được bổ nhiệm làm bộ trưởng Tư pháp.
 
Ứng cử viên Moore được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri tại Alabama, bỏ khá xa đối thủ Doug Jones, ứng cử viên của đảng Dân chủ. Bỗng nhiên, có vài phụ nữ xuất hiện nói với tờ Washington Post rằng ông Moore đã theo đuổi họ để có quan hệ dục tình khi ông ta là một công tố viên ở lứa tuổi 30 và họ từ 14 tới 18 tuổi.
 
Moore đã bác bỏ các cáo buộc, và nói rằng ông không quen biết các phụ nữ này và câu chuyện của họ đã mấy chục năm, vu vơ không căn cứ.
 
Trong khi đảng viên Cộng hòa ở Alabama đoàn kết chung quanh ứng cử viên của họ thì tại Washington nhiều đảng viên Cộng hòa đã kêu gọi ông Moore nên rút tên ra khỏi cuộc tranh cử, trong số đó có cả Nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh tụ Khối Đa số tại Thượng viện. Nhưng, vào ngày 2 tháng 12 vừa qua, ông McConnell đã đảo ngược lập trường 180 độ, tuyên bố “để cho cử tri quyết định bằng lá phiếu.
 
TT Donald Trump, sau một thời gian im lặng, cũng nói để cho cử tri tại Alabama quyết định bằng lá phiếu sau khi ông Moore đã bác bỏ những cáo buộc vô bằng cớ.
 
Vì sao mấy cô nói rằng đã mây mưa với ông Moore trước đây hàng chục năm mà không ai giữ lại một “chiếc áo xanh” (là màu em trót yêu) có dấu vết hoen ố để làm kỷ niệm và nay có thể dùng làm bằng chứng vật chất buộc tội ông cựu công tố viên đã dụ dỗ gái vị thành niên, như cô Lewinski đã làm với chàng Bill năm nào? Năm ấy nàng cũng mới 17 tuổi mà chàng vẫn làm tổng thống hai nhiệm kỳ tỉnh bơ.
 
Dù sao thì ngày cử tri Alabama tới phòng phiếu để làm bổn phận công dân trong cuộc bầu cử đặc biệt cũng không còn xa: 12.12.2017. Họ sẽ tin ai? Ông cựu chủ tịch Tối Cao Pháp Viện quyền cao chức trọng, hay các cô gái ngây thơ nhẹ dạ?
 
Giữa bầu không khí sục sôi của những chuyện dục tình bất chính đang đe dọa danh dự của những người đàn ông đầy quyền lực trong xã hội Mỹ thì Phó Tổng thống Mike Pence có vẻ an toàn xa lộ vì vừa cho biết ông có một “luật” riêng cho mình để tránh khỏi những vụ tai tiếng về tình dục được gọi là “Pence rule”: không đi đâu một mình với người đàn bà mà người ấy không phải là vợ mình.
 
Nghe nói nhiều người đã lên tiếng chỉ trích “Pence rule” với những lý do khác nhau. Những bà hoạt động cho nữ quyền chỉ trích “Pence rule” như một rào cản cho sự thăng tiến của phụ nữ trong nghề nghiệp.
 
Người khác lại móc ông phó rằng “Pence rule” làm cho ông Pence có vẻ như là người thiếu khả năng tự kiểm soát mình nên phải dùng luật ấy để đối xử với phái nữ một cách kính trọng, hay là để giữ được lòng chung thủy với vợ nhà.
 
Dù sao trong một đầm lầy cũng cần có những đóa sen.
 
Ký Thiệt

Comments

Popular posts from this blog