Chuyện cuối tuần…

Phan
Inline images 1
1.
Người bạn trẻ mời tôi đi ăn sáng, uống cà phê cuối tuần. Tôi nhận lời nên rời trang đọc về việc Hoa Kỳ đã ba lần muốn giúp cố tổng thống Tưởng Giới Thạch của Đài loan đánh bom nguyên tử vào đại lục để lật đổ Mao Trạch Đông và sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản thế giới đang lan rộng sang châu Á, và bắt đầu từ Trung quốc. Nhưng cả ba lần đề nghị từ phía Mỹ đều bị cố tổng thống Tưởng dứt khoát từ chối.
Câu chuyện làm thay đổi cái nhìn của thế giới về họ Tưởng mà lịch sử đã có những trang xem ông như một nhà độc tài phương đông. Cái nhìn phương tây thiếu sâu sắc ấy đã thay đổi từ khi gia đình cố tổng thống Tưởng cho công bố cuốn nhật ký của ông. Họ gởi bản gốc đến lưu trữ tại Viện Hoover (California, Hoa Kỳ) để làm tài liệu lịch sử cho người cần tìm hiểu về sau.
Qua nội dung cuốn nhật ký mà cố tổng thống Tưởng đã ghi chép lại hầu hết những sự kiện lớn trong đời ông suốt năm mươi lăm năm, từ năm 1917 đến năm 1973. Lý do từ chối sự giúp đỡ bom nguyên tử của Hoa Kỳ để ngăn chặn làn sóng đỏ tràn về phương đông được cố tổng thống Tưởng ghi trong nhật ký của ông chỉ đơn giản là nhận lời giúp đỡ bom nguyên tử từ phía Mỹ thì ông sẽ có nhiều lợi thế trên chiến trường để thắng Mao Trạch Đông. Nhưng ông từ chối vì lý do sẽ làm chết rất nhiều người vô tội trong đại lục Trung hoa.
Qua nhật ký của cố tổng thống Tưởng cho hậu thế thấy được lương tâm của một người lãnh đạo đôi khi không nói nên lời được trong những hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử, đành mang tiếng độc tài và chờ đợi thời gian trả lại công bằng, sự đúng đắn vốn có của lịch sử. Qua những trang nhật ký ông viết mà người ta tin là ông viết cho ông chứ không viết cho những người nghiên cứu về lịch sử về sau. Ông không viết hồi ký như những người tên tuổi thường làm sau khi về hưu. Nên người ta càng tin tưởng hơn về nhân cách của ông khi mọi người biết được thêm việc: Khi người dân trong đại lục Trung hoa bị chết đói hơn ba mươi triệu người do cuộc đại cách mạng nhảy vọt của Mao Trạch Đông sai lầm nghiêm trọng; thì bên Đài loan, cố tổng thống Tưởng Giới Thạch đã kêu gọi người dân đảo quốc này quyên góp lương thực để cứu đói người dân trong đại lục.
Đương nhiên là bên Trung quốc cộng sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo đã lờ đi việc này vì thể diện (hão) của cộng sản ở đâu cũng thế! Và cố tổng thống Tưởng Giới Thạch vẫn ra lệnh cho máy bay của Đài loan đêm đêm thả lương thực xuống những vùng ven biển đại lục để cứu đói người dân…
Đọc những trang nhật ký của cố tổng thống Tưởng Giới Thạch như đọc lại lịch sử. Thời gian đương nhiên biến đổi hiện thực thành quá khứ, nhưng lịch sử muôn đời vẫn là sự đúng đắn của lịch sử. Con người có thể vì danh lợi, quyền lực nên đã đổi trắng thay đen lịch sử để thủ lợi cho cá nhân hay đảng phái. Nhưng lịch sử trước sau cũng trở về với sự thật của quá khứ mà nó đã diễn ra. Người hiền tài có bị lịch sử (nhất thời) bóp méo, vùi giập thì thời gian cũng sáng tỏ ra được chân dung những tên tuổi của một thời kỳ lịch sử về nhân thân của họ là người tài đức, khoan dung, hay lưu manh khoác áo lãnh tụ.
2.
Một người bạn khác lại gọi tôi nhắc chuyện tối qua, anh em đã hẹn nhau sáng nay đi ăn sáng, uống cà phê, rồi đi nông trại của người Mễ để mua vịt sống về nấu chao cho ngon. Sau đó bắc cái lẩu ngoài trời mà thưởng thức không gian thu về mát lạnh. Nhưng may là anh gọi hủy bỏ cuộc hẹn vì lý do rất thời sự về chuyện vợ chồng anh: “Tôi xin lỗi đã hẹn nhưng không tham gia được với anh em hôm nay. Vì tôi phải đi chùa với nhà tôi!”
Tôi đùa với anh bạn: “Thế là tôi có phước có phần! Sáng nay không ngờ lại được đi uống cà phê, ăn sáng với Phật! Vì anh đi chùa thì ông Phật sẽ trèo xuống, chạy bay chạy biến… ra quán cà phê chứ làm sao dám ở lại chùa. Chùa lại chao trắng, chao đỏ đủ loại. Một quỷ bà dạo này năng đi chùa là ông Phật đã toát mồ hôi, nay lại dẫn theo quỷ ông xông vào chùa sáng sớm thì ai tin được hai ông bà quỷ không dám bắc nồi nấu món… Phật nấu chao? ”
Chúng tôi vẫn thường đùa như quỷ với nhau khi cánh đàn ông có dịp gặp gỡ. Dù đôi khi anh em cũng tự sự với nhau rằng: Anh em mình đều là những người qua Mỹ đã lâu. Nhưng dở đều là không học được cái văn minh của người bản xứ. Cho dù là họ không thật lòng, nhưng rõ ràng là khi phải giao tiếp, họ vẫn tránh nói về giới tính, màu da, và tôn giáo. Trong khi anh em mình hễ nhậu là phạm húy cả ba điều kiêng kỵ ở xứ này. Rõ ràng là khi tào lao với bạn Mỹ thì chúng ta vẫn có thể nói chuyện thể thao, thời tiết để đấu láo với họ; chúng ta cũng biết kiêng nói chuyện chính trị với người Mỹ được cơ mà. Nhưng cứ một đám đàn ông đầu đen chụm lại là chỉ nói xấu đàn bà, ghẹo ông Phật, khều ông Chúa. Mà hèn là không dám thọc gậy bánh xe ông thánh Alla trước mặt một thằng Trung đông!
Ừ thì lái xe ra quán với người bạn trẻ. Nhưng đầu hồn tôi nối kết lại những chuyện mấy tháng nay của vợ chồng anh bạn. Chuyện từ mẹ của chị còn ở quê nhà. Cụ bà lớn tuổi nên không biết sẽ ra đi lúc nào vì sức khoẻ yếu kém. Anh nhà cố an ủi vợ, nhưng chị lại tin vào chùa chiền.
Chị nhà về thăm mẹ lần cuối vì mấy tháng trước tưởng cụ đi thật. Ai dè cụ chưa đủ tuổi trời nên còn nán lại trần gian với con cháu. Từ đó, chị nhà cũng phải trở về Mỹ để đi cày. Nhưng năng đi chùa lễ Phật để cầu an, cầu phước cho mẹ già ở quê nhà.
Anh thì chỉ đi chùa vì vợ muốn anh cùng đi, thì đi. Anh không vô thần. Nhưng mỗi người có suy nghĩ riêng về tôn giáo, và nhất là ở xứ tự do tôn giáo thì đâu có ai đúng và chẳng có ai sai. Tánh anh thực tế đến mức, chị nhà dúi tiền vào tay anh, bảo chồng đi bỏ tiền vào thùng phước sương vì chị quên sau khi lễ Phật, nhưng giờ lại đang bận tay phụ giúp mấy người nấu ăn dưới bếp chùa. Anh đút luôn cuộn tiền vào túi quần, nhưng thay vì đến thùng phước sương thì anh lảng ra ngoài sân chùa hút thuốc. Rồi hôm sau lại đem cuộn tiền ấy đi giúp cho nạn nhân bão lụt ở Houston. Theo anh, những nạn nhân bão lụt cần giúp khẩn cấp hơn chùa…
Một chuyện nhỏ khác về anh mà tôi cho là bản chất anh. Một hôm trời mưa không dứt, lạnh vì ảnh hưởng bão. Anh dọn ra bàn ăn trưa với anh chị em làm chung hãng. Ai cũng khen món hoành thánh chay của anh thật hấp dẫn. Trời này mà được ăn tô hoành thánh thì ngon gấp mấy lần ăn cơm…
Mọi người chỉ thấy anh chan nước lèo vào tô hoành thánh, bỏ hành ngò xanh um… nhưng không ăn. Anh đậy tô hoành thánh lại, bỏ giỏ, rồi rời phòng ăn. Cả đám anh chị em dựng chuyện cười để ghẹo anh, “bộ sợ mỗi người xin miếng hay sao mà đem ra xe ăn một mình cho chắc vậy đại ca?”
Có lẽ không ai biết, anh chợt nhớ tới người vô gia cư ngoài cây xăng đầu đường. Người mà mỗi lần anh gặp, anh thường mua cho người ấy chút gì ăn sáng, mua cho đồng vé số với lời chúc may mắn. Anh nghĩ trời mưa lạnh như vầy mà người vô gia cư kia được ăn tô hoành thánh thì như được phước báu của ơn trên. Còn anh nhịn đói một bữa trưa, chắc chắn là không có chết. Dư sức sống tới chiều về nhà để ăn hai tô.
Chuyện nhỏ như con kiến, và chỉ mình tôi được nghe anh kể; để anh chứng minh về người vô gia cư Mỹ, những hôm bà ấy xin anh nhưng chẳng được anh cho gì, thì bà vẫn gởi đến anh một lời chúc tốt lành trong ngày; trong khi anh chưa bao giờ cảm ơn bà xã một bữa ăn ngon miệng, dù chị nhà đã nấu cho anh ăn mấy chục năm rồi!
Có lẽ ai cũng vậy, khi có tuổi người ta mới nhìn lại. Tôi thích trò chuyện với anh những khi rảnh việc vì tầm nhìn và suy nghĩ của anh không giống những người thích a dua theo đám đông. Tôi nghĩ tiếp đến chuyện chị nhà quy y mà anh chỉ trò chuyện với tôi. Tôi đồng ý với anh là giúp trực tiếp một người cần giúp đỡ, dù chỉ là tô hoành thánh hôm mưa. Nhưng người hoạn nạn ấy sẽ ấm lòng hơn cả được ăn là sự ấm áp của nhân quần, niềm tin tha nhân không sụp đổ đến có thể tự tử…
Tôi nghĩ đến chị nhà không năng đi chùa vì tính chị không thích lời qua tiếng lại với ai nhiều để sinh chuyện. Nhưng đi chùa một mình, không giao tiếp với phật tử cùng chùa thì cô đơn lắm, chưa nói đến việc có thể bị cô lập. Nhưng thông cảm cho chị với một cảnh hai quê. Thương mẹ già ở quê nhà gần đất xa trời mà con cái biền biệt, bặt tăm. Nhưng bỏ chồng con bên Mỹ để về quê phụng dưỡng mẹ già thì gia đình bên đây sẽ rối ngay! Vì thế không nói cho chị hoang mang thêm về việc tu đạo, hành thiền trong đời sống rất nhiều người lẫn lộn giữa việc ăn chay, lễ Phật, niệm Phật để đổi lấy kết quả mong cầu. Nhiều người khi có khổ tâm, bất an trong lòng mới tìm tới cửa Phật một đôi giờ để cầu an cho thân nhân. Mà kỳ thực là cầu an cho sự bất an trong chính thâm tâm mình. Đã mấy ngàn năm đạo Phật ra đời, nhưng bao đời thầy trụ trì của nhiều chùa còn không có cách làm sao cho Phật tử hiểu rõ: buông bỏ đi sự ràng buộc của thế tục mới là con đường mà Đức Phật khi xưa đã lưu lại. Vạn Pháp từ tâm, nên tu hành là hướng tâm buông bỏ để tâm an tịnh trước thì mới hy vọng bước tới được những cảnh giới cao hơn của tu đạo.
Tu hành không phải là trả giá hay trao đổi với đạo pháp. Dù quy y là đã bước vào tu đạo một chân, nhưng hoàn cảnh mỗi người khác nhau nên đâu phải ai cũng rút chân thế tục còn lại ra được khỏi chấp nhất để tâm an tịnh trước như nói ở trên.
Người ta cứ tự suy diễn về việc tu hành, (rồi đóng đinh với nhiều người có suy nghĩ giống mình) mà thành luật bất thành văn của đa số những người tu tài tử. Đâu phải mỗi sáng bái Phật, tối bái Phật, ngày niệm Phật, đêm niệm Phật… là tu đâu. Người ta tính sổ với Phật một cách ngây thơ đến Phật cũng đầu hàng chúng sanh. Vì Phật dạy tu hành là buông bỏ, rèn luyện tư tưởng không chấp nhất để hành đạo. Ăn chay chỉ là một cách, một phần trợ giúp cho việc tu hành thôi.
Thế mà chị nhà lại bắt ông quỷ ăn chay liên tu bất tận mấy tháng nay thì hỏi sao cơm nhà không lạnh, canh nhà không lạt… Từ việc nhỏ là anh hẹn bạn bè đi mua vịt tươi sống về nấu vịt nấu chao, dĩ nhiên là ở nhà người khác. Nhưng bao năm vợ chồng không giấu nhau điều gì. Bây giờ chỉ vì chuyện ăn chay triền miên, đi chùa không biết mỏi chân… mà người chồng cắn răng chịu đựng người vợ. Rồi được bao lâu, phát sinh nhỏ là đi ăn riêng với bạn bè, nhưng chuyện gì khi đã có phát sinh thiếu thân thiện thì hệ lụy không bao giờ dừng lại với chiều hướng xấu hơn.
Ước gì chị nhà hiểu được: Nếu ăn chay là tu hành, thì trâu bò đắc đạo cả rồi vì chúng chỉ biết ăn cỏ. Người ta khác súc sanh bởi có tư duy, tỵ hiềm, tranh ăn ghét ở mà thành tà tâm. Bao giờ bỏ được tà tâm thì thành tâm, có thành tâm thì có hy vọng có thiện tâm. Từ thiện tâm cộng với năng lực tư duy, nghị lực bản thân, và quyết tâm cộng lại thì vượt qua được chấp ngã. Đó là con đường dẫn đến tâm an tịnh để buông bỏ chấp ngã mà thành chánh quả.
Tu hành là tu tâm dưỡng tánh. Không mặc cả, trả giá với Đức Phật về việc ăn chay, cúng dường bao lớn thì phúc lộc đầy nhà sẽ tương đương. Từ phương pháp suy diễn chứ không phải tu học bằng thiện tâm và năng lực trí tuệ, nghị lực bản thân, người ta lại càng dễ chấp nhất hơn, chấp nhất tới ngay cả Đức Phật khi cúng dường bao la mà phước đức cứ… vô lộn nhà.
Ai cũng hiểu được: đau khổ, vui vẻ, thiện ác, phiền não, chân chính, tà đạo, hữu vi vô vi… đều từ tâm mà ra. Nhưng mấy ai đủ thành tâm, kiên nhẫn, năng lực trí tuệ và nghị lực bản thân để tu tâm dưỡng tánh tới không chấp nhất thì sẽ thoát khổ. Đạo Phật là đạo độ khổ mà. Đức Phật nhìn thấu nỗi khổ của chúng sanh nên ngài tu tới đắc đạo, để có phương sách cho chúng sanh thoát khổ. Nhưng người ta cứ lầm Đức Phật để lại phương cách thoát khổ với suy nghĩ vô căn cứ là ngài toàn năng. Nên người ta thường chỉ trả giá Đức Phật qua từng việc làm phúc, làm đức của bản thân. Trong khi ngài đâu có mua bán, trao đổi việc ăn chay với hành thiện để có được phúc lộc cho gia đình, bản thân. Ngài đâu có ban cho ai được điều đó! Người ta hiểu lầm nhà chùa gọi người đến cúng dường là thí chủ. Vậy là người đi cúng chùa lên mặt với chữ “thí” là cho, là ban phát. Nên người đi chùa đặt điều kiện với Phật tổ liền. Trong khi cũng nhà chùa đó gọi khách vãng lai như người không có chỗ qua đêm mưa, người không có nơi để về khi năm cùng tháng tận nên phải nương tựa cửa thiền môn thì chùa gọi là khổ chủ. Nên ăn mày chỉ xin chén cơm chay ở cửa chùa chứ không ra giá như bà chủ hụi đi lễ chùa.
Khổ tâm thì phải tìm hiểu vì sao tâm bị khổ. Đức Phật khai sáng cho chúng sanh về khổ tâm nghĩa là chấp. Không chấp sẽ hết khổ tâm. Nhưng có lẽ tâm quá mơ hồ trong chúng sanh nên người ta chỉ cảm nhận được vui, buồn; áy náy trong lòng, hay hoan hỷ… chứ không biết vui buồn khởi đi từ tâm ta. Tâm bao la quá khi nói tới tu tâm, nên người ta chỉ cần thêm chữ thiện là thành thiện tâm; thêm chữ ác thành ác tâm; Năng ăn chay, đi chùa lễ Phật thường là an tâm phúc lột đầy nhà. Trong khi cầu Phật Pháp, hóa độ chúng sinh là Bồ đề tâm thì dường như thuộc giới tu chuyên môn là mấy ông thầy tu chứ chúng sanh chỉ cần an tâm là đủ. Trong khi tâm sẽ chẳng bao giờ an được nhờ ăn chay, hay đi chùa bất kể ngày đêm.
Tâm chỉ an tịnh được khi mỗi bản thân đủ ý thức và nghị lực để buông bỏ, để thoát vòng chấp ngã thì tâm tự an tịnh. Người khác gọi người như thế là người tu hành, chứ chẳng ai tự nói mình là người tu hành. Bởi ngay cái câu nói ấy đã quá chấp.
Trong sách “Lăng Nghiêm Kinh”, tâm là chỉ Như Lai tạng (cái bọc công đức của Như Lai), mà trong duy thức mới chính là bát thức. Ở dương thế, chúng sinh có linh hồn nhưng chỉ cảm nhận được tiềm thức. Chúng ta nghe người khác nói: “Thiện ác chỉ ở tại một niệm”. Theo Phật Pháp thì hết thảy vạn pháp theo tâm mà ra. Bởi vậy, tu hành không chỉ ở biểu hiện bên ngoài như mặc chiếc áo xám của Phật tử, có pháp danh là trọn bộ tu hành. Mà tu hành là cả một quá trình khai mở trí tuệ cùng rèn luyện nội ngã (bản tính) của chính mình để nhận biết và xa rời chấp nhất. Nghĩa là tu đạo.

Phan

Comments

Popular posts from this blog