Ngọc Hạnh

Nguyễn đạt Thịnh
 Inline images 1
Thiết đoàn kỵ binh VNCH
Hình thức “nhà quàn” chưa thông dụng tại Việt Nam, nên quan tài giữ xác cô Ngọc Hạnh đặt tại nhà riêng -một căn nhà khang trang bên ngoài quận lỵ Thủ Đức; trên con đường vào quân trường đào tạo sĩ quan trừ bị cho Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa.
Bên ngoài căn nhà là bức tường rào cao 2 thước, dựng cách lề đường một thước, bên trong hàng rào là một khuôn vườn nhỏ sâu 3 thước, ngăn căn nhà với tường rào; chủ nhà trồng một hàng cây không ăn trái cao đến vài thước, tạo ngăn cách, giữ căn nhà bớt ồn, bớt bụi.
Ngồi bên quan tài Ngọc Hạnh là hai ông bác sĩ cao niên bác sĩ Hậu vừa đúng 70, chủ căn nhà, bác sĩ Trung 65, vừa từ Houston về, và một bà bác sĩ trung niên, bà Lê Ngọc Trâm 43 tuổi, từ Sài Gòn lên. Người thứ tư -cô sinh viên y khoa Betty Lê, cũng vừa từ Houston về cùng với bác sĩ Trung. Betty đang nghiêm trang đứng ngắm nghía sắc diện Ngọc Hạnh qua nửa nắp hòm còn chưa đóng lại, và ngắm tấm chân dung người quá cố đặt trên quan tài.
“Má,” mắt vẫn chăm chú quan sát Ngọc Hạnh, Betty gọi mẹ.
“Gì đó con? ”
“Bà Năm giống con quá.”
Bác sĩ Trâm rầy con, giọng yêu thương chứ không nghe mắng mỏ, “Sao con nói ngược ngạo vậy? Con giống bà Năm, chứ sao bà Năm lại giống con!”
“Hình bà Năm chụp ngày còn trẻ giống y như con bây giờ.”
“Con giống bà là chuyện thường thôi,” Trâm nói xuôi, nhưng giọng nghe thiếu vững tin. Nàng biết là Betty vừa nêu lên một điểm đúng, mà chính nàng cũng thấy không hợp lý từ lâu, nhưng vẫn không dám hỏi. Lần này bà hỏi Hậu, “Cậu Hai, cậu thứ Hai, cậu Tư ngồi đây, mẹ con thứ Năm, rồi người thứ Ba là ai?”
“Cậu Ba con tử trận trong những ngày cuối cùng cuộc chiến tranh Việt Nam.”
“Ông Ba là một chiến sĩ Nam Việt? Phải không ông Hai?” Betty nhìn Hậu, câu hỏi và giọng nói của cô bé 18 nghe nghiêm trọng hơn tuổi của cô.
“Ông Ba của con là một trung úy kỵ binh, trong thiết đoàn 3 Trần Quang Khôi; ông tử trận trong lúc đóng nút chặn tại Long Khánh, trên chiến tuyến Lê Minh Đảo.”
“Ngày đó ông Hai ở mặt trận nào? Con đang tìm đọc về cuộc nội chiến Việt Nam; ông Tư nói sách Mỹ viết không chính xác, vì họ bận xuyên tạc quân đội Việt Nam Cộng Hòa để chạy tội thất trận của chính họ.”
Hậu chưa kịp trả lời cô cháu sinh viên Mỹ, thì Trung bảo ông, “Anh Hai cho phép em nói.” Câu nói của Trung làm Hậu chưng hửng, không trả lời, mà chỉ nhìn mông lung ra ngoài vườn. Trung nói thêm, “Chuyện cũng đã cũ đến gần nửa thế kỷ rồi, mẹ con nó có quyền biết sự thật.”
Hậu thở dài, vẫn nhìn ra ngoài căn phòng ‘nhà quàn’, giọng nói nghe lạc lõng, “tùy em thôi.”
Trung bảo Betty, “Ông Hai ngày đó là một linh mục, một bác sĩ, như bây giờ ông vẫn là linh mục, vẫn là bác sĩ, chỉ khác một điều là ngày đó ông Hai còn là một giáo sư dạy trường Don Bosco ở Thủ Đức; và ông là học trò Don Bosco, học trò của ông Hai. Nhưng ông không thứ Tư, mà là thứ Năm, theo thứ tự trong gia đình của người quá cố mà con gọi là bà Năm; nói rõ hơn ông là chồng bà Năm, là ông ngoại của con, là bố của má con.”
Bà Trâm chưng hửng, “Cậu Tư là ba con?”
Trung đứng dạy, bước tới đứng cạnh Trâm, đặt tay lên 2 vai con, “Ba xin lỗi con, con không biết sự thật trên 40 năm nay, vì Cậu Hai con che dấu hành động nhục nhã của ba.”
Nói được ngần đó, Trung đứng lặng đến vài phút để lấy lại bình tĩnh; những phát giác chính miệng ông nói ra đang làm ông như mệt đuối.
“Ngày đó ba đang học giáo lý để trở thành linh mục thì bị động viên, và gia nhập trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, để một năm sau trở thành một chuẩn úy kỵ binh, phục vụ trong thiết đội do cậu Ba con chỉ huy.
“Ba học quân sự, mặc chiến phục, mang cấp bực sĩ quan, nhưng lại thiếu can đảm, không dám chết trên chiến tuyến như cậu Ba con đã chết; tuyến Long Khánh vỡ -một phần vì ba thiếu khả năng chỉ huy, ba chạy về Thủ Đức, chạy về trường giáo lý cũ để ẩn trốn. Cậu Hai con vẫn còn là một giáo sư trong ban giáo lý tại đó; cậu Hai đem ba về nhà cho có chỗ ăn, chỗ ngủ; do đó Ba gặp và thương má con.
Trung quay lại nhìn Ngọc Hạnh, rồi thong thả bước lại, cúi mặt sát mặt người chết, mếu máo nói, “Tha cho anh cái tội hèn nhát, tội bỏ em tàn tật ở lại giữa muôn vàn khó khăn, để một mình chạy trốn.”
Betty chạy đến ôm chặt lấy Trung, “Ông ngoại đừng khóc, chưa bao giờ con thấy ông ngoại khóc. Ông ngoại nín đi.”
Trâm cũng ôm cả hai ông cháu vào vòng tay, “Con chưa hiểu hết đầu đuôi câu chuyện, tại sao Ba lại trở thành cậu Tư, và má lại là dì Năm của con?”
“Lỗi tại ba, tội cũng tại ba; ba là một người lính hèn nhát, đào ngũ, bỏ chạy trước mặt giặc; ba còn là một người đàn ông đốn mạt, bỏ chạy trong lúc người mình yêu ở lại đối đầu với địch, gánh chịu mọi hoạn nạn, mọi đắng cay, để che chở cho mình.”
Hậu bảo Trung, “Em ngồi xuống, rồi từ từ kể cho mẹ con nó nghe; câu chuyện còn rất dài, và rất nhiều uẩn khúc.”
“Em muốn quỳ gối xưng tội với Ngọc Hạnh; Hạnh xứng đáng là Thiên Thần trong cái xác phàm tàn tật của nàng.”
Hậu gọi người đàn ông giúp việc, “Anh Bò, cho tôi xin một bình trà, một bình cà phê.” Ông đứng dạy bước qua phòng khách nhỏ, ngay cạnh căn phòng tiền đường đang là nhà quàn giữ quan tài Ngọc Hạnh. Mọi người theo ông, đổi phòng.
Betty chen vào ngồi chung ghế với Hậu, rồi hỏi, “Như vậy, con vẫn gọi Ông Cậu là Ông Hai?”
Vuốt tóc cháu, giọng Hậu đầy yêu thương, “Con chỉ đổi cách xưng hô với Ông Tư thôi. Con gọi ông Tư là ông ngoại.”
Nhìn Trung, Betty gọi nho nhỏ, “Ông ngoại;” hai chữ còn xa lạ, nghe ngượng ngập trên đôi môi 18.
Trung chồm qua ghế cháu, hôn Betty, “Ngoại thương con.” Trâm cũng hôn bố, cũng nói, “Con thương ba. Xin ba kể tiếp chuyện má con.”
“Con cũng biết ngày 30 tháng tư 1975, người Việt mình mất nước;” Trung chầm chậm kể, giọng ông đều đều -không tình cảm, không xúc động- như ông đang đọc sách. “… quân đội Việt Nam tan vỡ vì nội phản, đồng minh Mỹ bỏ chạy từ 2 năm trước, tổng tư lệnh quân đội cũng bỏ chạy, trong lúc hàng triệu quân nhân còn ghìm súng trên chiến tuyến để bảo vệ lãnh thổ, những thế lực trung gian đưa đại tướng Dương Văn Minh -tay trong của Việt Cộng- lên làm tổng thống -tổng tư lệnh quân đội VN- để ông này ra lệnh cho toàn quân buông súng đầu hàng trong cảnh nào loạn đó.
“Ba cũng là một người lính đào ngũ, được cậu Hai con dấu trong nhà thờ; mẹ con hàng ngày lén đem cơm vào đó nuôi ba.”
Quay lại nhìn Hậu, Trung ngại ngùng nói, “Anh Hai, trong suốt 40 năm vừa rồi, em đau khổ nghiền ngẫm tìm hiểu hai chữ ‘hèn, nhát’. Em biết hành động của em tại Chùa Xuân Hòa và tại nhà thờ Thủ Đức ngày đó, là đáng phỉ nhổ. Em nhục nhã quay đi, quay lại 2 đoạn phim ngắn đó.
“Tại Xuân Hòa, anh Ba bảo em, “tôi ra lệnh cho chuẩn úy thay tôi, làm thiết đội trưởng, và lập tức đem thiết đội tiến sâu thêm 2 cây số về phía Bắc của điểm giao tranh vừa xẩy ra, tiến cho đến ngã tư Hồ Thị Hương, tàn sát lực lượng địch trên lộ trình 2 cây số đó.
“Sau khi làm chủ tình hình, bố trí phục kích tuyến đường, gọi điện xin lệnh của hai vị tướng đơn vị trưởng, và tư lệnh chiến trường.
“Anh Ba bị thương nặng, ra lệnh cho em xong, ảnh gục chết trên tay em, ảnh chết trong chiến thắng; 4 chiếc T54 và 12 xe vận tải chuyển quân của địch còn cháy hừng hực trên mặt đường, một số bộ binh tùng thiết của địch, vứt súng bỏ chạy.
“Một xa trưởng gọi anh Ba qua máy truyền tin, và hỏi, ‘Đã thanh toán xong mọi kháng cự, xin lệnh Đại Bàng.’
“Thay quyền anh Ba, em ra lệnh thiết đội truy kích tàn quân địch, và tiến về Long Khánh; đơn vị em chỉ huy rất thiện chiến, có thể anh Hai cũng biết một năm trước đó -ngày 30 tháng Tư 1974- thiết đội em dưới quyền điều động trực tiếp của Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi đã bí mật vượt biên đánh tan Sư Đoàn 5 Việt Cộng đang vây hãm tiền đồn biên giới Đức Huệ.
Sơ đồ trận đánh Đức Huệ
“Theo em biết thì đó là lần đầu tiên chiến thuật ‘công đồn, đả viện’ của địch bị đánh bại, vì Lữ Đoàn 3 Thiết Kỵ không vào đồn Đức Huệ, không vào điểm ‘pháo đến’ để giải cứu Đức Huệ, mà đánh thẳng vào vị trí Việt Cộng đặt pháo.
Hậu gật đầu, bảo Trung, “Không ai có thể phủ nhận tài cầm quân của em, dù em chỉ là một trung đội trưởng, nhưng em đã vô cùng can đảm; anh nghe chú Ba kể lại là em tiến nhanh đến mức, nhiều tên VC không kịp mặc quần, mặc áo.
“Thi hành lệnh của anh Ba thì em làm được, nhưng khi phải tự quyết định, em lúng túng rồi cuối cùng bỏ chạy; em xấu hổ lắm. Em tự biết Ngọc Hạnh khinh em là phải.
“Chữ ‘khinh’ em dùng có đúng không?”
“Em về nước 4 lần, xin rước Hạnh qua Houston sống với em; Hạnh không cho em gặp mặt lần nào cả.”
“Có thật em không biết lý do nó tránh mặt em không?”
Trâm kéo ghế lại ngồi cạnh Trung, rồi nói, “Con nghĩ má con hy sinh lánh mặt, để ba đừng bận tâm vì má, mà làm lại cuộc đời.”
“Mạng sống của ba còn tồn tại cho đến hôm nay cũng là nhờ má con hy sinh cứu ba, thì còn nói gì đến cuộc đời, mà con bảo ba làm lại.”
Betty, “Ông ngoại kể cho con nghe, bà ngoại cứu ông ngoại như thế nào.”
Đứng dạy, bước trở ra phòng ngoài, Trung đến đứng cạnh quan tài, rồi bảo Ngọc Hạnh, “Em nghe anh kể lại chuyện em cứu sống anh, cho con, cháu, chúng nó biết. Em cũng còn nhớ chứ, hôm đó là ngày mùng 2 tháng 5/1975, mới 4 giờ sáng, em đã gọi cửa nhà thờ, đem cơm đến nuôi anh trốn trong đó.”
Quay trở lại, Trung nói với Hậu,”Tối hôm trước, VC đã đến hỏi anh Hai về tin chúng biết là có một quân nhân VNCH ẩn trốn trong nhà thờ; anh Hai phủ nhận; VC là 2 tên nằm vùng, chúng biết anh Hai rất rõ và có phần kính nể ảnh, mặc dù cộng sản chủ trương chà đạp lên những giá trị mà anh Hai là hiện thân, như đạo đức, kiến thức, tư cách, …
“Chúng hậm hực bỏ đi, không dám khám xét nhà thờ; nhưng chúng không đi xa, mà phục kích ngay gần đó.
“Sáng sớm hôm sau, lúc Hạnh đem đồ ăn đến cho em, em vừa mở cửa nhà thờ thì chúng ập vào; Hạnh chạy lên gác chuông, 2 tên dân quân Việt Cộng đuổi theo nàng; lên được đến gác thứ 3, thì Hạnh nói vói xuống bảo em, “Chạy lẹ đi, anh Trung.”
Nghe Hạnh nói, một trong 2 tên VC bảo tên kia, “Mày xuống bắt thằng lính Ngụy, tao lên lầu chuông bắt con bé này.”
Nghe chúng nó phân công như vậy, em hốt hoảng bung cửa nhà thờ, chạy biến vào bóng đêm; ra đến đường cái, em được một bác tài xe vận tải tốt bụng dấu em trong những thùng hàng hóa, rồi đưa em đến cửa Cần Giờ; tại đó, em theo ghe cá ra đến hải phận quốc tế, rồi được tầu nhỏ của Đệ Thất Hạm Đội đón.
Tầu chiến chuyển em sang tầu buôn của Đại Hàn mà họ mướn và bố trí sẵn ngoài bờ biển VN; em được đưa về căn cứ Hải Quân Mỹ tại Subic Bay, rồi lại chuyển qua căn cứ không quân đặt trên đảo Wake, chót hết là định cư trên lãnh thổ Mỹ từ đó đến nay.
“Em liên lạc nhiều lần với anh, để xin anh tin tức về Hạnh, nhưng lần nào anh cũng khước từ, bảo em quên chuyện cũ đi.”
“Nó bảo anh trả lời em như vậy; nó không muốn liên hệ với em nữa.”
“Có lần Hạnh cho em biết là Hạnh có thai với em, và sinh được một cháu gái; giờ này em đã được đoàn tụ với con gái em, và cháu ngoại em.”
“Anh bảo Trâm gửi con Betty sang Houston sống với em, và vào đại học bên đó, cho em bớt cô quạnh,” Hậu bảo Trung.
“Cảm ơn anh Hai, đến bây giờ anh mới nói, nhưng em vẫn đoán như vậy. Phần mà em không đoán được là số phận của Hạnh ngày hôm đó; Hạnh có bị VC bắt không?”
“Nó không bị bắt, và vì không bắt được nó, 2 tên VC tới nhà, lôi anh từ giường ra, trói tay lại đưa về quận; tên quận trưởng mới nhậm chức chưa đầy 24 tiếng đồng hồ bảo anh là muốn được thả về, thì giao nạp em và con Hạnh cho nó.
“Anh bảo anh hoàn toàn không biết chỗ ẩn trốn của cả em lẫn em gái anh; nó không tin, ra lệnh tra khảo anh; dĩ nhiên anh không khai gì cả; dù có biết chỗ trốn của 2 đứa, anh cũng chấp nhận chết, chứ đời nào anh nói ra những điều có hại cho em, cho nó.”
“Không đời nào em dám nghi bậy như vậy, nhưng lần cuối cùng em thấy Hạnh, là Hạnh đang trên thang lên lầu chuông nhà thờ, đường lên hay xuống cũng chỉ có một cái thang hẹp té đó; dưới Hạnh khoảng trên dưới chục nấc thang là một tên VC đang đuổi theo Hạnh, trong lúc tên thứ nhì tuột xuống thang đuổi em. Gác chuông nhỏ lắm, Hạnh trốn đi đâu?”
Hậu chưa kịp trả lời, Trung đã nói thêm, “Câu hỏi đó không buông tha em suốt 43 năm nay.”
Gật đầu, Hậu nói, “anh hiểu”, rồi quay xuống nhà dưới, cất giọng hơi lớn hơn khi nói chuyện bình thường, Hậu gọi, “Anh Bò ơi, mời anh lên đây.”
Bò là người thân tín, và là một phế binh vì gẫy tay phải, đang làm quản gia cho Hậu; ông mời anh ngồi, rồi bảo Trung, “Anh Bò là người biết rõ mọi chuyện, vì chính ảnh cứu con Hạnh,” quay qua Bò, ông nói, “Chú Trung đây là em rể tôi, chồng con Hạnh, xin anh kể lại chuyện anh cứu em tôi 43 năm trước.”
Nhìn Trung bằng cặp mắt thiếu thiện cảm, anh Bò bắt đầu nói, “Tôi thấy thiếu úy bỏ chạy về hướng chợ Thủ Đức, tên VC đuổi theo nhưng trễ khoảng một phút; thấy tôi ngồi trên xe bò, nó hỏi tôi có thấy một người vừa chạy ra khỏi nhà thờ không.
Tôi đáp, “thấy”, rồi đưa cái roi đánh bò tôi chỉ hướng chạy vào xóm; tôi gạt cho nó cắm đầu chạy ngược hướng để thiếu úy đủ thời giờ thoát thân; thích chí vì gạt được nó, tôi đang ngồi cười một mình thì nghe tiếng rơi nặng nề xuống chân gác chuông, rồi có tiếng rên nho nhỏ.
Xách cái đèn dầu chai lù mù tôi đi vào vùng lùm bụi dưới chân gác chuông, và thấy một người đàn bà đang nằm bất tỉnh. Tôi chưa biết người đó là cô Út, vì ngọn đèn dầu chai không đủ sáng, nhưng tôi vẫn xốc nạn nhân lên vai, rồi vác vội ra xe, đưa về nhà.
Sáng ra tôi qua tìm ông Hai để báo tin, mới biết ông bị VC bắt vài tiếng đồng hồ trước.
Hậu bảo Trung, “Anh Bò là một phế binh, sau khi bị tàn phế, ảnh trở về làng sắm chiếc xe bò chở mướn cho dân làng.”
Bò bổ túc, “Tôi chỉ đủ tiền mua chiếc xe, ông Hai cho tôi con bò, giúp cuộc sống của tôi đỡ vất vả hơn. Sau mấy chục năm làm nghề chở mướn cho người trong làng, tôi giải nghệ vì già, yếu; ông Hai lại cho tôi về đây làm quản gia.”
Hậu bảo Trung, ” để anh tiếp lời anh Bò, kể chuyện Ngọc Hạnh: VC giam anh 9 ngày rồi thả vì chúng ý thức được là anh sẽ không khai báo gì với chúng; anh trở về nhà, hỏi người làm, thì không ai biết tin gì về Hạnh; anh vào nhà thờ hỏi, cũng không ai biết. Giữa lúc anh hoang mang thì anh Bò chở một dạ gạo đến cho anh; anh ngạc nhiên bảo anh Bò là anh không hề mua gạo; anh Bò bảo nhỏ anh, “Cô Ngọc Hạnh đang ở nhà em, ông Hai chờ nửa đêm, lúc không ai còn thức, đến thăm cổ.”
Ngay đêm hôm đó anh gặp nó, một tuần sau, anh nhờ một bác sĩ Pháp bạn anh, đưa nó vào nhà thương Grall; nó gẫy cả 2 chân vì nhẩy từ trên gác chuông xuống đất. Cháu Trâm cũng sanh tại Grall, vì bệnh viện vẫn còn trong quyền quản trị của người Pháp cho đến năm 1978.
Trung đứng dạy bắt tay Bò, “Anh là ân nhân cứu sống cả hai vợ chồng tôi; xin anh nhận lời cảm ơn của tôi, của con và cháu tôi.”
Trâm cũng nói với Hậu, “Con cũng xin cảm ơn cậu Hai nuôi mẹ con tàn tật, và nuôi con ăn học cho đến lúc tốt nghiệp.”
Hậu vuốt tóc Betty, con bé vẫn ngồi chung ghế với ông, và bảo Trâm, “Cậu nuôi con, nuôi cả mẹ lẫn con gái của con, nuôi bằng tiền bố con gửi từ Houston về. Lương bác sĩ mỗi năm được $180 ngàn; nó gửi về cho cậu $130,000, nhờ cậu nuôi con, nuôi cháu, và nuôi những người thiếu thốn, cần được giúp đỡ.”
Đến lượt Bò đứng dạy, nghiêm chỉnh chào Trung bằng tay trái, vì tay phải của anh đã bị cưa từ ngày bị thương. Anh bảo Trung, “em là một trong những người nhận tiền anh cho.”
Ôm Bò vào ngực, Trung chân thành nói, “tôi thèm có cánh tay bị cưa như anh, thèm địa vị phế binh của anh.”
Hậu bảo Trung, “Em đừng tự ti với 2 chữ ‘đào ngũ’ nữa; em chỉ bỏ ngũ 24 tiếng đồng hồ trước khi quân đội VN tan rã vì sự phản bội từ những cấp cao hơn cấp thiếu úy của em nhiều lắm. Tổng tư lệnh, tổng tham mưu trưởng, tư lệnh Quân Đoàn 3 đều đã ra ngoại quốc, ngày em và thằng Cần -anh Ba em, và cũng là trung úy đại đội trưởng của em- còn đang sống chết bảo vệ Long Khánh.
Giọng trầm trầm, Trung thú nhận, “Trên 40 năm nay, em đọc không sót một chữ nào luận về tội đào ngũ trước địch quân; đó là tội phải xét xử trước tòa án mặt trận, và bản án là tử hình. Em cảm thấy nhục lắm.
Trung nạt ngang, “Dù em có ra tòa án mặt trận, có lãnh án tử hình, thì cũng phải chờ đến 10 năm mới tới phiên em ra pháp trường, nếu mỗi ngày tiểu đội hành quyết chỉ bắn một người.”
Giọng Hậu trở thành quyết liệt hơn, “Nhân danh Ngọc Hạnh, đứa em gái anh, đứa đã chấp nhận cả cái chết, cả cuộc sống tàn tật để mở sinh lộ cho em, anh ra lệnh em phải đứng dạy, đem toàn bộ khả năng kiến thức và tiền tài ra nâng đỡ hàng ngàn cô Ngọc Hạnh khác đang là nạn nhân của cuộc sống Xã Hội Chủ Nghĩa.
“Cái nhục đào ngũ không biện minh cho việc 43 năm nay em quỳ gối xưng tội. Anh muốn em hứa với Ngọc Hạnh là ngay sau tang lễ, em sẽ trở lại Hoa Kỳ để gánh vác sứ mạng gây dựng cho nhiều đứa trẻ, trực tiếp dìu dắt từng đứa một.
Trung nhìn Hậu đăm đăm, rồi nói, “Anh không mặc quân phục ngày nào cả, mà anh có uy hơn một tướng lãnh.” Gõ gót giầy mặt vào gót giầy trái trong thế đứng nghiêm của người lính, Trung bảo anh, “thiếu úy Trung, tuân lệnh.”
Hậu bước ra phòng tiền đường, đến đứng gần quan tài, anh nghiêm trọng bảo người chết, “Em cũng vĩ đại như nhiều bà vợ lính khác; bức tượng vợ lính đúc bằng đá hy sinh và xi mang thầm lặng chịu đựng quả là hùng vĩ.
“Trong 2 ngày yêu thương ngắn ngủi, mấy lần em nói được với Trung chữ ‘yêu’? Vậy mà nó nhận đầy đủ bản thông điệp yêu thương đó.”
Không quay lại, nhưng Hậu vẫn cảm nhận được sự hiện diện của Trung ngay sau lưng anh. Anh bảo Trung, “Mất nước, anh không đi đâu cả, ở lại Việt Nam để chứng kiến nét đẹp tuyệt vời của những bà vợ người lính VNCH. VC mở nguyên cả một chiến dịch quyến rũ vợ người lính Nam Việt đơn chiếc, neo túng, trong lúc chồng họ bị chúng cầm tù, nhưng bà vợ lính vẫn trung trinh chờ chồng.
“Cảm ơn anh Hai thương vợ em, cho nó một chỗ ngồi danh dự trong chiến tranh VN; em cũng thường gọi nó là thiên thần, mặc dù em vẫn thèm đón nhận nó nhân bản hơn, bớt thánh thiện để em có một người vợ bình thường như mọi người. Em thèm rước nó sang Houston để em cũng có một người vợ cùng mình hủ hỉ như mọi người đàn ông khác; em thèm được ngày ngày yêu thương, đắm đuối hôn đôi chân vì em mà gẫy làm mấy đoạn.
Em thèm thương Hạnh nồng nàn như thương vợ chứ không kính cẩn như đối với một vị thiên thần, một bức tượng tuyệt đẹp, nhưng quá xa, quá cao, chứ không ấm áp nằm bên em.
Em không phải là một người lính anh hùng như anh Ba, em cũng không phải là một vị linh mục đạo đức như anh; em chỉ là một anh đàn ông tầm thường, một người lính yêu vợ mà cả đời không có vợ.

Nguyễn đạt Thịnh

Comments

Popular posts from this blog