Kinh Tế Chính Trị Học Donald Trump và Đối Lập

Kinh Tế Chính Trị Học Donald Trump và Đối Lập


Phải bất thường lắm mới mơ làm Tổng thống Mỹ...

Làm sao dung hòa quá nhiều mâu thuẫn bên trong?

Đa số lãnh đạo Âu Châu cho là Hoa Kỳ bị khủng hoảng nặng vì Donald Trump mà không thấy rằng Liên hiệp Âu châu mới bị khủng hoảng vì các động lực đã giúp ông Trump đắc cử: phản ứng quốc gia dân tộc chống trào lưu toàn cầu hóa, đả phá những giao kết quốc tế có thể đe dọa quyền lợi quốc dân và bất mãn về sự bất công trong chánh sách kinh tế do các chính quyền tả hữu đã áp dụng trong nhiều thập niên. Nhìn xa hơn giới lãnh đạo Liên Âu, các “học giả” Âu-Mỹ thì vội nói đến ngày tàn của đệ nhất siêu cường và dự báo thời “Hậu-Hoa Kỳ” – Post-America – là đặc tính của Thế kỷ 21. Ông Trump sẽ thúc đẩy sự suy nhược tất yếu này. Nữa!

Trước khi nói về kinh tế bên trong, hãy nhìn ra ngoài nước Mỹ đã.

Hoa Kỳ không “lên” hay “xuống” sau một cuộc bầu cử Tổng thống, dù là bầu cử có ảnh hưởng như năm 1932, 1952, 1976, v.v… và Tổng thống Mỹ không có toàn quyền như người ta tưởng. Chưa kể là có thể chỉ được một nhiệm kỳ nếu không thỏa mãn người dân…

Nhìn trong viễn cảnh xa thì thời đại gọi là “Trật Tự Hoa Kỳ” hay Pax-America đã khởi sự từ… 25 năm trước khi Liên Xô tan rã năm 1991, Liên Âu thành hình năm 1999 rồi đi vào phân hóa trong 17 năm. Từ đó, Hoa Kỳ là siêu cường độc bá có ảnh hưởng tỏa rộng như một Đế quốc, dù là một đế quốc bất đắc dĩ.

Muốn hiểu rõ điều ấy thì hãy lật ra tấm bản đồ. Trên cả đại lục địa Âu-Á kéo dài từ Pháp tới Viễn Đông, ngày nay ta trông thấy gì?

Khu vực ở hướng Tây là Liên Âu có 500 triệu dân và 27 quốc gia thì chưa thể thống nhất về kinh tế, với vụ khủng hoảng của khối Euro gồm 19 nước chỉ tăng chứ không giảm, lại chẳng muốn tăng chi cho nhu cầu an ninh và quốc phòng nên vẫn trông chờ vào Hoa Kỳ. Họ chỉ sợ Donald Trump lại lắc đầu và mô tả ông với hình ảnh méo mó được truyền thông Mỹ thuật lại như một xác nhận về “tai họa Donald Trump”.

Sự thật thì suốt 10 năm qua, Âu Châu già nua không giải quyết mà chỉ tích thêm vấn đề - như nhồi thuốc súng.

Khu vực trung ương của đại lục Âu-Á có Liên bang Nga với 150 triệu dân trên một lãnh thổ rộng tới 17 triệu cây số vuông và sản lượng kinh tế chưa bằng tiểu bang New York của Mỹ. Nước Nga lụn bại dần khi dầu thô sụt giá làm công quỹ kiệt quệ. Báo chí Mỹ và chính giới thiên tả bên đảng Dân Chủ cứ tri hô việc Vladimir Putin can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống tại Hoa Kỳ, điều chưa ai chứng minh được qua ba cuộc điều tra của Quốc hội và cơ quan FBI trong Bộ Tư Pháp. Người ta không thấy nỗi khó của Putin ở bên trong vì sự suy sụp kinh tế và nạn tham nhũng dâng cao trong hệ thống quyền lực của bản thân ông.

Nga đạt thành tích ảo tại Syria là bảo vệ chế độ Bashar al-Assad (để làm gì cho quyền lợi của họ thì chẳng ai hỏi), lại bị hóc vì cái gân gà Ukraine khi lãnh đòn cấm vận kinh tế. Nga cũng chẳng thể liên kết với Trung Cộng như trong giai đoạn 1949-1979 mà còn e ngại sự bành trướng của nước láng giềng này tại miền Đông của mình. Liên minh Nga-Hoa chống Mỹ là chuyện chính trị giả tưởng.

Tại miền Đông của đại lục Âu Á, Trung Cộng có tham vọng lớn hơn thực lực.

Xứ này đã qua 30 năm khởi phát ngoạn mục như nhiều nền kinh tế khác rồi bắt đầu hụt hơi, với 400 triệu dân chưa kiếm đủ bốn đô la để sống một ngày. Lợi tức dân Tầu còn thua dân Venezuela hay Romania, mà xã hội bên trong thì chứa mầm bất ổn làm lãnh đạo mất ngủ vì nội an. Mặc dù ra sức bành trướng quân sự tại Đông hải, Trung Cộng chưa thể vượt rào cản của Nhật Bản, chứ đừng nói tới việc thách đố an ninh hay quyền lợi của nước Mỹ như Liên Xô ngày xưa.

Khi Bắc Hàn giả điên làm bậy mà bắn hỏa tiễn lung tung tại Đông Bắc Á, thiên hạ gọi ai? - Hoa Kỳ!

Khủng hoảng trong khối Hồi giáo có thể dẫn tới trào lưu Hồi giáo quá khích và nạn khủng bố. Nhưng không phải xứ Hồi giáo nào cũng dung túng khủng bố để phá hủy nền văn minh Thiên Chúa Giáo của các nước Âu-Mỹ-Úc, và phong trào Thánh Chiến không thể là mũi nhọn của khối Hồi giáo thống nhất để thách đố Hoa Kỳ và đánh tan ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ.

Vì vậy trên thế giới, không cường quốc nào có đủ khả năng đe dọa quyền lợi, hoặc ảnh hưởng của nước Mỹ hay “Trật tự Hoa Kỳ”. Đế quốc này chưa có đối thủ và vẫn chi phối toàn cầu ít ra trong nhiều thập niên nữa. Thế kỷ 21 vẫn là “Thế kỷ Hoa Kỳ”.

Đấy là về bối cảnh quốc tế. Bây giờ ta mới trở lại nội bộ của nước Mỹ.

Một bài toán ưu tiên của Mỹ là kinh tế. Đây là một trong nhiều động lực khiến đa số tiểu bang ủng hộ ứng cử viên Donald Trump trước sự kinh ngạc của giới học giả, truyền thông và đa số cử tri. Với hơn 137 triệu người đi bầu, Trump chỉ được gần 63 triệu phiếu so với gần 66 triệu của Hillary Clinton và gần 12 triệu của Bernie Sanders. Nhưng ông thắng cử nhờ phiếu Đại cử tri tại các tiểu bang có vấn đề - nằm chơ vơ ở giữa mà bị đảng Dân Chủ lãng quên.

Làm sao giải quyết bài toán kinh tế của toàn quốc mà không mất hậu thuẫn của các tiểu bang chơ vơ ấy trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, vào năm tới? Cách đặt vấn đề quái đản như vậy mới cho thấy những khó khăn của kinh tế chính trị học kiểu Donald Trump.

***

Khi tranh cử, ứng cử viên nào cũng nêu đường nét chính của chủ trương kinh tế, vì vậy, tất cả chỉ là những tóm lược có đặc tính đại tượng hay vĩ mô (macro) để kiếm phiếu, chứ không thể là một kế hoạch có chương trình và dự án chi tiết để thực hiện. Tổng thống Donald Trump gây ngạc nhiên vì sau khi đắc cử, ông chọn nội các và ban tham mưu để thực hiện những gì đã hứa. Tưởng rằng hứa cuội mà chơi, ông đòi làm thật!

Về kinh tế, ông tính làm những gì?

Với triết lý chính trị nhuốm mùi chủ nghĩa quốc gia, Donald Trump đề nghị phục hồi tiềm lực kinh tế Mỹ, tạo ra việc làm cho dân qua kế hoạch cải tổ thuế khóa, giản lược hành chánh và đàm phán lại các hiệp định thương mại nhằm tăng xuất cảng, giảm nhập cảng và thu hẹp thiếu hụt ngoại thương. Ông chủ trương thay đạo luật bảo dưỡng sức khỏe ObamaCare bằng một hệ thống khác trong tinh thần cái gì tốt thì giữ, cái gì xấu thì sửa. Song song, ông đề nghị cải thiện hạ tầng cơ sở mục nát của Hoa Kỳ để tạo ra việc làm và nâng cao hiệu suất kinh tế trong khi không cắt giảm phúc lợi hưu liễm và y tế….

Vì kinh tế cũng là chính trị, ba chủ trương khá hấp dẫn của Donald Trump – rà soát hiệp ước thương mại, không cắt phúc lợi xã hội và y tế, tăng chi cho hạ tầng cơ cở - lại đối chọi với quan điểm truyền thống của đảng Cộng Hòa trong khi được sự ủng hộ của nhiều cử tri thuộc cánh tả đã phất cờ cho Nghị sĩ Sanders trong cuộc tranh cử.

Tổng thống không có toàn quyền, nhất là về kinh tế và nội chính, vì phải thỏa hiệp với Quốc hội và bị Ngân hàng Trung ương chi phối, nên những gì Hành pháp thống nêu ra chỉ là đề nghị cho dân biểu nghị sĩ trong Quốc hội, với hậu thuẫn của quần chúng khi mọi người đều không quên tấm lịch chính trị là kỳ bầu cử tới. Donald Trump tác động mạnh vào khối cử tri của mình trong ý nghĩa đó, với phong thái quá đặc biệt nhiều khi tới kỳ cục.

Chuyện thứ hai, Hoa Kỳ mắc nợ quá lớn do bội chi ngân sách quá nhiều quá lâu, lại còn quả bom nổ chậm là sự phá sản của hai quỹ An sinh Xã hội và Bảo dưỡng Y tế sẽ thu ít hơn chi vì những chuyển dịch mãnh liệt của dân số. Người ta sống lâu hơn nên cần nhiều chi phí hơn sau khi hồi hưu và hết đóng góp cho hai quỹ này. Vì vậy, giải pháp tăng chi hay giảm thuế cho nhu cầu kích thích kinh tế và tạo ra việc làm có những giới hạn nhất định. Còn việc không cắt phúc lợi về Social Security hay Medicare là điều ăn khách về chính trị nhưng nan giải về kinh tế.

Đã thế, nhiều đề nghị kinh tế của Tổng thống không chỉ mâu thuẫn với Quốc hội mà mâu thuẫn với nhau: mỗi chương trình sẽ dẫn tới nhiều hậu quả, và hậu quả trái ngược là gây ra mâu thuẫn, như người ta đã có thể thấy về dự luật cải tổ chế độ ObamaCare của Hạ viện Cộng Hòa lại bị chính phe bảo thủ trong đảng chống đối khi vừa được trình làng.

Thí dụ tương đối dễ hiểu hơn là Mỹ bị nhập siêu vì nhập nhiều hơn xuất cảng hàng hóa. Thiếu hụt cán cân thương mại gây hậu quả là là làm đồng bạc sụt giá so với các ngoại tệ khác. Nếu muốn giảm nạn nhập siêu và bán nhiều hơn mua thì hậu quả là đồng bạc lên giá, mà đồng bạc đắt hơn sẽ làm hàng hóa đắt hơn và khó bán hơn. Chính quyền Donald Trump đã than phiền rằng Mỹ kim lên giá quá cao nên bị thiệt hại về ngoại thương vì xuất cảng đắt hơn nhưng nhiều chánh sách kinh tế của ông sẽ làm Mỹ kim lên giá! Mâu thuẫn giữa ngoại thương và ngoại tệ chỉ là một, chúng ta sẽ tìm hiểu vào một kỳ khác.

Mâu thuẫn cao hơn và rắc rối hơn thế là nhu cầu gia tăng nhập cảng và tiết giảm nhập cảng của Tổng thống sẽ gây tác dụng bất lợi cho một số tiểu bang Cộng Hòa hay đã bỏ phiếu cho Trump!

Người ta quen nói chung chung về “kinh tế Hoa Kỳ” mà không thấy rằng đấy là tổng hợp của nhiều nền kinh tế khác biệt trong từng tiểu bang. Thực tế là nhu cầu bảo vệ quyền lợi của người dân về ngoại thương có thể gây thiệt hại cho các địa phương sống nhờ xuất cảng. Khỏi nói tới sự miệt mài chống phá từ đảng Dân Chủ và báo chí, một số chủ trương của ông Trump đôi khi lại gây khó cho đảng Cộng Hòa và cho Tổng thống khi cần thuyết phục Quốc hội.

Vì đề tài quá dài, và rộng, bài này xin chỉ tập trung vào lãnh vực xuất cảng. Nói qua các địa hạt khác như hối đoái, thuế khóa hay đầu tư, chúng ta cần nhiều kỳ sau.

***

Nền kinh tế của siêu cường bị khinh thường có nhiều đặc tính… vĩ đại.

Đứng đầu thế giới về sản lượng, khoảng 18 ngàn tỷ đô la một năm, nước Mỹ chỉ xuất cảng chừng 12,6% Tổng sản lượng. Dù tỷ lệ rất thấp nếu so với Đức, Nam Hàn hay Trung Quốc thì lượng xuất cảng đó cũng trị giá hai ngàn 200 tỷ, chỉ kém Trung Quốc là bán ra hai ngàn 400 tỷ. Chi tiết khỏi nói ở đây là Hoa Kỳ cũng nhập cảng rất ít so với Tổng sản lượng GDP vì có khả năng tự sản xuất rất cao cho thị trường nội địa, nổi tiếng là tiêu thụ nhiều, lên tới 70% GDP. Những tranh cãi về ngoại thương, khiếm hụt mậu dịch hay toàn cầu hỏa chỉ liên hệ tới khoảng 700 tỷ đô la nhập siêu về hàng hóa và dịch vụ thôi, chưa bằng 4% GDP. Riêng về hàng hóa thì chỉ thiếu chừng 500 tỷ đô la. Nhưng vài trăm tỷ cũng ảnh hưởng tới lá phiếu cử tri nên là nội dung của đàm phán và đấu võ trong một xứ quá dân chủ.

Từ đại thể nói trên, khi đào sâu xuống nội tình từng tiểu bang thì ta thấy ra nhiều mâu thuẫn. Trong 50 tiểu bang, chỉ có 10 tiểu bang là xuất cảng hơn 10% tổng sản lượng địa phương. Trong 10 tiểu bang này, có tám tiểu bang tại vùng Trung Tây và miền Nam đã bỏ phiếu cho Trump. Cũng trong 10 tiểu bang khá lệ thuộc vào xuất cảng theo tiêu chuẩn 10% đó, có bốn tiểu bang tập trung xuất cảng vào một quốc gia: Michigan và North Dakota tại miền Bắc thì bán hàng qua Canada, Texas tại miền Nam thì làm ăn với Mễ, còn Washington ở miền Tây thì cần bán cho Tầu

Bây giờ Donald Trump đòi thương thuyết lại Hiệp ước Tự do Mạu dịch Bắc Mỹ NAFTA với Canada và Mexico thì Michigan miền Bắc và Texas miền Tây giật mình. Nếu Mỹ giảm xuất cảng và tăng nhập cảng với hai láng giềng đó thì hai tiểu bang này sẽ bị hậu quả thế nào? Bên bờ Thái Bình Dương, tiểu bang Washington có thể coi chuyện NAFTA là vấn đề của làng bên, nhưng chẳng yên tâm khi thấy ông Trump đòi khai chiến mậu dịch với bạn hàng xa xôi mà chí thiết của mình, là Trung Quốc. Chúng ta gọi xứ này là Trung Cộng cho chính xác, chứ các bạn hàng của Tầu đều biết phép lý tài mà dùng tên Trung Quốc!

Tình hình còn rắc rối hơn nữa nếu so sánh hai tiểu bang có cùng sản lượng kinh tế mà lại khác về ngoại thương hay ngân sách. Ủng hộ Trump, tiểu bang South Carolina xuất cảng gấp đôi thành lũy Dân Chủ là Connecticut nhưng xuất cảng tới 15% Tổng sản lượng địa phương và nhiều nhất qua Tầu, trong khi Connecticut chỉ xuất cảng có 6% mà nhiều nhất là qua… Pháp! Sống nhờ khu vực chế biến, South Carolina là nạn nhân của toàn cầu hóa, nhưng không bị khốn đốn về ngân sách như Connecticut, một trong các tiểu bang hào phóng và thiên tả nhất và (nên?) bị bội chi tới độ mấp mé phả sản!

Khi họ lo ngại, Thống đốc hay Dân biểu Nghị sĩ của các tiểu bang này đều muốn thuyết phục Tổng thống và cách hay nhất là cho báo chí địa phương biết rõ thực hư. Hậu quả là “Ông Trump bị chống ở các tiểu bang đã bầu cho mình”! Rồi truyến thông khắp nơi loan tiếp lập luận đó….

Loạt bài kinh tế này có tham vọng trình bày sự tình cụ thể để không trụ vào khẩu hiệu của chính khách. Sự tình đó rắc rối hơn tựa đề trên mặt báo và nó giải thích sự khác biệt quan điểm hay thái độ về “quốc kế dân sinh”. Trong nền cộng hòa Hoa Kỳ, yếu tố then chốt của giới dân cử là làm sao tái đắc cử. Siêu cường này không chỉ giải quyết thiên hạ sự mà còn phải tìm ra sự đồng thuận bên trong một nước có quá nhiều dị biệt.

Phải bất thường lắm mới mơ làm Tổng thống Mỹ, làm bác thợ hàn kinh niên chứ không nắm quyền lực trùm đời như Tổng thống Nga hay Chủ tịch Tầu! Nhờ vậy dân mới dễ thở.

Comments

Popular posts from this blog