Nỗi Khát Khao Trong Lòng Tên Thảo Khấu


1
Tôi vẫn nghĩ trong cuộc sống những điều cần nói, phải được nói ra; nếu ta cất giấu chúng trong trí nhớ chúng sẽ thấm vào tâm tư, lâu ngày đọng lại thành một cục bướu độc.
Bao nhiêu năm tháng, tôi chờ mãi cái ngày cha tôi mắng tôi một lời để tôi nhẹ lòng.
Nhưng cha tôi không bao giờ nói ra.
2
Má Tư vóc dáng nhỏ nhắn, mái tóc lúc nào cũng buông hờ sau lưng. Đám phụ nữ cùng trang lứa với má người nào cũng có cái bụng căng vồng ra phía trước và cái eo suông đuột. Ngay cả em gái má Tư, chưa chồng mà nhìn cũng xồ xề như người đàn bà đã đôi lần mang nặng, đẻ đau. Má Tư như người đi lạc. Như con thiên nga điệu đàng lạc giữa bầy vịt lạch bạch trong bước đi và khô khàn trong giọng nói.
3
Những điều người ta ngại nói ra; những điều người ta cất giấu quá lâu, thời gian phủ lên lớp bụi dầy. Năm tháng trôi qua, chúng trở thành điều bí mật.
Cha tôi với tôi chia nhau một điều bí mật.
4
Căn nhà lát gạch từ sân ra tới tận cửa sau. Những vuông gạch đỏ trải rộng miếng sân vuông, viền quanh nhà thành lối nhỏ vừa hai người sánh đôi đi dạo. Hai lối đi gạch đỏ ấy viền quanh hông nhà, bẻ một góc vuông rồi hội tụ ở cửa sau. Hàng gạch đỏ gặp nhau, trải ra sau, mở ra căn nhà bếp xinh xắn. Tới cửa bếp, những viên gạch lại tỏa sang hai bên, viền thành một lối mỏng quanh căn bếp vuông vức và chập lại với nhau, dẫn vào chái nhà nhỏ che hờ hững bởi mái tôn để hở cả một khoảng trời lúc nào cũng biếc xanh, bên cạnh bể nước xi măng bọc ngoài bởi lớp rêu xanh mướt như tấm áo nhung của một người giầu có.
Xa hơn chút nữa, bên những bụi dâm bụt ngắt xanh là cái giếng gạch. Giếng nước ngọt hiếm hoi ở vùng đất phèn chua lợ. Miệng giếng hình tròn, lát bằng những viên gạch xám chồng khít lên nhau. Nhiều chồ lớp vôi vữa nằm giữa hai viên gạch trào ra, khô lại, trông như những chiếc lưỡi thè ra của phạm nhân bị treo cổ. Thành giếng chắc được xây khi đám thợ cố vội vã làm cho xong giai đoạn cuối nên đã không vét sạch vôi vữa, để những chiếc lưỡi thè ra châm chọc đám dân làng đi qua, còn ngoái cổ lại, vắt con mắt thèm thuồng lên nguồn nước ngọt hiếm hoi. Những viên gạch lát làm thềm tắm giặt bên giếng trơn nhẵn như được đánh bóng. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp bóng mình lung linh mặt nước với một bầu trời xanh biếc phía sau. Tôi thấy con mắt mình đen nhánh. Con mắt không che giấu điều gì. Cạnh ngoài thành giếng, phía sát lối đi, một ống kim loại thòng xuống, ghim sâu vào đáy nước như chiếc vòi con vật ký sinh khổng lồ gài vào lớp da thịt mỏng mềm của con vật vô phương chống cự. Mỗi ngày hai lần, cha tôi đi vòng quanh cái dinh cơ nhỏ bé của ông, ngần ngừ trước luống đất trồng đầy rau thì là, trầm tư trước cây khế ngọt đơm trái sai mùa. Rồi bước lên bậc thềm cạnh giếng, gỡ những vòng cuốn của sợi dây thừng ra khỏi cái móc và dũng mãnh giật sợi dây khởi động máy bơm nước. Máy bơm chạy dầu cặn nên bao giờ cũng khậm khoặc lúc ban đầu, và khạc ra những bụm khói khét lẹt. Khi máy đã chạy đều thì tiếng động cơ lại bị át đi bởi tiếng nước chảy vào cái bể xây trên cao, bên vách tường chái nhà tắm lộ thiên.
Những ngày đầu mùa hạ, nằm lơ mơ trên chiếc võng bên hiên nhà với cuốn truyện úp trên ngực, tôi bập bềnh trên tiếng gió lùa trong lá, tiếng gà gáy lạc lõng và đôi khi tiếng chó sủa vu vơ. Giữa chốn bình yên, như đứa bé rón rén đưa bàn tay về phía con chuồn chuồn cánh tím, tôi rụt rè đón bắt những giấc mơ chập chờn của thời mới lớn. Xế trưa, cái tĩnh lặng thôn dã bị xô ngã bởi tiếng máy bơm nước của cha tôi. Tôi hé mắt nhìn. Cha tôi kéo sợi dây nhựa sần sùi như con rắn có lớp vỏ chai cứng, gắn vào chiếc máy bơm chạy bằng dầu cặn lúc nào cũng bọc bởi một tấm vải cao su dầy cộm. Chiếc máy bơm có bánh xe, bị đẩy tới đẩy lui, để lại những vệt sét rỉ mầu nâu đỏ trên nền xi măng. Ngày nào cha tôi cũng bơm nước vào bồn như thế. Và ngày nào mẹ kế tôi cũng tắm ít nhất hai lần. Có phải vì vậy mà nước phèn không bám được lên làn da trắng như ngó sen của người đàn bà ấy.
Chung quanh nhà cha tôi mọc duy nhất một loài dâm bụt. Những cành lá nhỏ nhắn đan vào nhau càng lúc càng dầy, đến độ tôi nghĩ một lúc nào đó hàng dậu quanh nhà sẽ thành bức tường thành kiên cố. Tôi tiếc mình không còn là trẻ thơ để có một lần quấn quanh mình những mũ áo chằng chịt và tay kiếm tay khiên, làm kẻ giác đấu đâm sầm vào bức tường kiên cố để cứu những bạn tù phía sau tường đá. Hàng dâm bụt rậm rạp vươn những cành lá cao dần hơn cả đầu người. Bức tường thành ấy bao quanh căn nhà xinh xắn nơi cha tôi với người vợ kế rúc rích đuổi bắt nhau như trẻ nhỏ những buổi tối mùa hạ oi bức dài theo con đường lát gạch đỏ vòng ra phía sau, nơi nền xi măng bao quanh thành giếng có những mảng rêu xanh trơn trượt và những chiếc lưỡi vôi vữa bên thành giếng lè ra trêu chọc những kẻ không chịu buông đi cái thời thơ ấu. Tôi tắm giặt bên bờ giếng bao nhiêu lần mà không nhận ra viền theo bờ nền xi măng còn một loại cây lạ có những phiến lá to bản, xanh nhợt nhạt, như những bàn tay khổng lồ. Những bàn tay ẻo lả trong gió.
Má Tư bảo đó là cây bạc hà.
“Ui da! Học sanh sắp thi tú tài rồi mà hổng biết cây bạc hà. Vậy chớ trong mấy thứ rau thơm có thứ nào hổng biết không?”
Tôi không biết thứ nào hết. Và ngay cả những cây bạc hà kia nếu không có một lần tò mò vì tiếng nước xối rộn ràng bên bờ giếng sau nhà, tôi đã không bao giờ nhìn thấy.
5
Cha tôi đi vắng. Ông hay đi vắng những ngày đầu tuần như thế. Cái vắng mặt nhàn tản của người đàn ông không có việc gì phải bận rộn hay hấp tấp. Cha tôi có cái thư thái của người đã về hưu, không quan tâm đến bất cứ chuyện gì trong cuộc sống. Có lẽ vì sự quan tâm của ông đã dành hết cho người đàn bà xinh xắn như búp bê của ông. Người đàn bà búp bê. Những ngày hạ oi ả, vải áo mút sơ lin dính vào thịt da. Con mắt chớp lia như vướng bụi.
“Ổng vậy đó!”
Nói về những lần vắng mặt đầu tuần của cha tôi, má Tư chỉ buông vỏn vẹn cái câu ngắn ngủn.
Tôi đoán cha tôi có ông bạn già nào đó mà ông thường gặp để đánh cờ. Ngày tôi mới về, cha tôi dạy tôi đánh cờ tướng. Bàn cờ bằng gỗ. Ông bảo chỉ những người điềm tĩnh mới có thể ngồi hàng giờ bên bàn cờ gỗ. Với những kẻ huyênh hoang hay kiêu ngạo thì bàn cờ gỗ không phải là thứ họ nên dùng. Mà đã chấp nhận ngồi vào bàn cờ tướng với nhau thì người ta đọ sức bằng cái mưu cái mẹo. Cha tôi hay gật gù những câu không đầu đuôi và chắc ông tin tôi có thể hiểu được. Về sau tôi nhận ra rằng với những kẻ máu nóng, bàn cờ gỗ đôi khi thành vũ khí đả thương người thắng cuộc. Dạy xong, cha tôi nhường một pháo, một xe, một ngựa mà tôi vẫn thua sau vài nước ngắn. Chắc vì vậy mà cha tôi thôi rủ tôi đánh cờ tướng và chiều thứ hai nào ông cũng bặt tăm.
“Ổng vậy đó.”
Má Tư trả lời cụt ngủn khi tôi thắc mắc sao cha tôi hay vắng mặt những ngày đầu tuần. Rồi ôm chiếc rổ đầy rau xanh ra nhà sau.
Tôi chơi cờ một mình. Giọng ca Thanh Kim Huệ và tiếng đàn lục huyền cầm văng vẳng vọng ra từ phòng ngủ của má Tư và cha tôi. Bình nước và những chiếc ly ngờ nghệch trên mặt bàn gỗ bóng ngời. Dưới đáy một chiếc ly còn đọng lại chiếc lá chè xanh đã ngả mầu nâu tối. Tôi mê giọng ca Thanh Kim Huệ từ lúc bắt đầu mê vọng cổ khi còn ở thành phố và người nghệ sĩ ấy vừa mới chập chững những bước đầu trên sân khấu cổ nhạc. Tôi mê làn hơi dài và cách luyến láy cuối câu khi đoạn ca sắp tới khúc buông ra những chữ cuối cùng. Không biết gì về cổ nhạc nên tôi chỉ diễn tả được thế thôi. Cái khúc mà khán giả vỗ tay rầm rộ ấy. Tôi nhìn những con cờ gỗ trơn bóng. Tôi nhìn những cuốn sách nằm gối lên nhau.
Những nhị thức, tam thức, những phương trình bậc hai, bậc ba ẩn náu đâu đó trong những trang giấy mầu vàng lem luốc dấu tay. Chúng nấp thật kỹ như con thú chờ vồ dính con mồi. Những phương trình bậc hai đầu đời. Mai kia tôi sẽ vẽ quỹ đạo cho phi thuyền bay vòng quanh trái đất. Tôi lật đại một trang trong cuốn sách đại số học. Hôm nay sao những parabol của phương trình toán học cong vòng, nhấp nhô, giống đôi trái bập bềnh dưới lớp vải áo tơ mỏng của một người đàn bà quá đỗi.
6
“Ở thành phố chắc vui dữ lắm anh Hai há.”
Cô gái đặt chiếc thùng xuống nền xi măng, nước sóng sánh trào ra thành con rắn nhỏ bò lan mặt gạch, len lỏi xuống những bụi bạc hà xanh um. Bạc hà nấu canh chua. Nếu không có má Tư thì đâu có tiếng xối nước mỗi chiều. Những mảng nước vỡ tung toé nền gạch đỏ au. Và không có những vạt nước tan tác kia thì tôi đâu khám phá ra ở đất quê này ngoài những hàng dâm bụt xanh um, còn đầy những bụi bạc hà mọc chen chúc hệt đám lưu dân bám vào những vùng có sông nước như bám vào những nơi ươm đầy mầm sống.
“Trên thành phố có gì khác dưới này hôn, anh Hai?” Cô gái vừa hì hạch kéo cái thùng đầy nước từ lòng giếng đen ngòm lên vừa hỏi. Đôi môi cong vòng.
“Có nhiều xe.”
“Gì nữa?”
“Có đông người.”
“Gì nữa?”
“Ồn ào lắm.”
“Gì nữa?”
“Có nhiều bụi.”
“Thiệt hôn?”
Cúi xuống, ngẩng lên đều đặn. Cô gái không ngừng tay với chiếc thùng nhựa lam nham vết trầy và sợi dây thừng sần sùi rát tay. Khoảng hở trắng nhờ giữa những chiếc nút bấm của khung áo bà ba mở ra khép vào nhịp nhàng làm tôi luống cuống.
“Thật mà. Để tui múc nước tiếp một tay.”
“Hổng được đâu.”
“Sao vậy?”
“Má Tư mướn em có trả tiền đàng hoàng mà, em đâu bắt anh Hai làm thế em được.”
“Không ai biết đâu.”
“Hổng dám đâu.”
“Để tui nói cha tui sửa máy bơm cho lẹ.”
“Đừng anh Hai, bác Tư sửa máy bơm xong là em hết việc làm luôn rồi.”
“Vậy sao.”
Con mắt lé kim của cô gái làm tôi bâng khuâng. Trong cái nhìn của cô luôn luôn kèm theo cái gì đó như lời dọ hỏi, một thắc mắc. Những thắc mắc dù nhỏ nhoi cũng nên có lời giải đáp. Tôi, đứa con trai thành thị, chỉ còn vài năm nữa là thi tú tài, đang nghĩ mình có trong tay tất cả kiến thức của thế gian. Tôi sẵn sàng ngồi xuống, tỉ mỉ chỉ cho người con gái thôn dã kia con ếch đẻ trứng ra sao, bao lâu thì những con nòng nọc rụng đuôi thành ếch. Cả những câu không có lời giải đáp như làm cách nào để buộc người đàn bà cưu mang cho mình một đứa con.
“Chừng nào em múc nước xong, anh Hai đi dzô trỏng dzùm nha.” Giọng con gái ngượng ngùng.
“Chi vậy?”
“Em tắm chúc xíu.” Hai má cô gái đỏ hồng. “Lần nào múc nước xong, má Tư cũng cho em tắm. Nước giếng này tốt cho… da.”
7
Cha tôi bảo mấy con nhỏ ấy quê mùa nhưng thật thà, con muốn thì để cha tìm cho một đứa. Trên đời này có nhiều thứ đáng cho mình mơ ước, sự chân thật là một trong những thứ ấy.
Khi khám phá ra tôi cố tình làm ngộp xăng máy bơm nước để cô bé hàng xóm có việc làm, cha tôi đã bảo tôi như thế.
8
Má Tư thích ca vọng cổ nên những đêm đài truyền hình có cải lương, cha tôi lại mở chiếc máy phát điện lên. Chiếc máy – nghe nói của Nhật Bản – không ăn xăng và có công xuất cao. Mỗi khi có cải lương, căn nhà xinh xắn của cha tôi rực rỡ ánh đèn. Giữa một khu nông thôn le lói đèn dầu dưới những mái tranh và lập lòe đom đóm ngoài hàng giậu, căn nhà đô thị hóa của cha tôi sáng lên như vị sao lạc lõng giữa bầu trời u tối. Những ngày có cải lương, tôi hân hoan như đứa bé được mẹ dẫn đi cho ăn hàng ngoài phố chợ. Tôi lôi những cuốn sách nằm trong chiếc túi vải trên hộc tủ ra. Ngọn đèn vàng vọt tỏ mờ theo công suất máy phát điện ném ra thứ ánh sáng rõ nét hơn bất kỳ ngọn đèn dầu nào đã thắp sáng niềm vui đứa con trai vừa tròn mười bốn tuổi.
Những diễn viên đầy mầu sắc lao xao màn hình máy vô tuyến của má Tư không sống động bằng những nhân vật trong tiểu thuyết; những tình tiết sân khấu không sâu sắc bằng những suy tư, những toan tính của những người đàn ông, những người đàn bà trong những cuốn truyện tôi mang theo từ thành phố, dự tính sẽ đọc qua những tháng hè. Nhưng sao lòng tôi vẫn xôn xao mỗi lần đài truyền hình chiếu cải lương.
“Hai à, qua coi cải lương với má Tư, tuồng Tiếng Hạc Trong Trăng nè.” Giọng má Tư trong như tiếng chuông đồng ngân nga trong thạch động.
9
Bánh xèo. Má Tư làm bánh xèo ngon tuyệt. Tôi nhớ suốt buổi loay hoay trong bếp phụ má xay bột rồi chẻ củi, khom người cùng má Tư phùng má thổi cho ngọn lửa bắt vào những thân củi khô. Củi nỏ lách tách cháy đôi khi nổ tung tóe những chùm pháo bông gợi nhớ những ngày thanh bình, hội hè vui nhộn ở thành phố.
Bàn tay má Tư thoăn thoắt thái những cọng hành xanh mướt. Tấm thớt chữ nhật dầy và nặng trịch. Tôi quậy cả thau bột mầu vàng nhạt.
“Mình quậy thiệt đều, lúc đổ, bánh xèo sẽ mỏng ơi là mỏng và dòn ơi là dòn.” Má Tư nói.
Tôi lặng thinh. Hai mắt dán vào thau bột. Chiếc vá trong tay quậy đều. Bột loãng xoay vòng quanh. Những vòng quay của cơn lốc xoáy. Những giải thiên hà quấn quyện trong nhau. Tất cả bắt đầu từ sự hỗn mang. Bài học về nguồn gốc vũ trụ hiện ra lớp lang trong óc tôi. Năm tới, tôi sẽ là học sinh lớp đệ tứ. Tôi sẽ thi trung học đệ nhất cấp. Tôi sẽ phải biết tỏ tường tên tuổi các loài sinh vật. Các loại cây. Nhựa nguyên, nhựa luyện. Mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Tôi phải biết nguồn gốc vũ trụ. Tất cả khởi đi từ một khối hỗn mang. Những vật thể xoáy vào nhau, tạo ra sự sống. Như những vòng xoay trong chậu bột này. Chút xíu nữa thôi, sẽ thành những chiếc bánh xèo dòn trong lòng chiếc chảo nóng loang loáng mỡ của má Tư.
“Hai à, mai mốt lớn lên Hai thích làm gì?” Má Tư hỏi.
Chiếc vá trong tay tôi sượng lại. Những vòng xoắn rối vào nhau. Thau bột bập bềnh. Những vẩy hành trôi nổi.
“Dạ mai mốt… dạ chưa biết nữa.”
“Trời! sắp thi tú tài rồi mà còn chưa biết.”
Tôi nặn óc tìm một câu trả lời. Nhưng con mắt một mí của má Tư và những giọt mồ hôi lấm tấm trên vừng trán, nhất là giọt đọng ở chân tóc mai, trong như giọt ngọc, đã làm tôi lúng túng. Mãi tôi mới tìm được cái câu rất hay một lần nghe đứa con gái cùng lớp, ngồi ở hàng ghế trước mặt, đứa con gái suốt năm đệ ngũ đã làm tôi bối rối vì cái khoảng thịt da hình tam giác bên hông nơi hai vạt áo dài giáp nhau, cắt sợi dây thun quần hai vết cắt sắc gọn.
“Tương lai làm sao mà biết được.” Đứa con gái thơm tho nói thế. Và tôi lập lại câu nói ấy với má Tư. Má Tư chợt buông thõng hai tay. Hai mắt mở lớn. Cặp môi mỏng vẽ vòng tròn kinh ngạc.
“Ui da! Hai nói chuyện như người lớn à nghe!” Má nhìn tôi đăm đắm. “Chịu con nhỏ nào ở xóm mình má Tư làm mai cho. Cho má Tư ké đứa cháu nội.”
10
“Hai à, cha có chuyện muốn nói với con.”
Cha tôi bắt đầu bằng cái đằng hắng quen thuộc rồi ung dung kéo ghế ngồi. Tôi ít khi nói chuyện với cha tôi và cũng đã lâu lắm rồi chúng tôi không có dịp chuyện trò với nhau nhưng tôi vẫn nhớ mơ hồ mỗi khi cha tôi trịnh trọng như thế thì câu chuyện ông sắp bàn hẳn là hệ trọng. Vẻ nghiêm trọng ấy hiện ra rõ nét trên cách ngồi ngả ra lưng ghế của cha tôi. Hai chân ông đặt vững chãi, song song trên nền nhà.
“Ngồi xuống đó đi.” Cha tôi chỉ chiếc ghế đối diện.
Tôi ngập ngừng kéo ghế ra xa chiếc bàn gỗ như thể chọn cho mình một khoảng cách an toàn. Mười bốn tuổi, tôi đủ lớn khôn để không làm điều gì sai trái đến độ cha mẹ phải bận lòng. Mười bốn tuổi, tôi cũng chưa đủ chín chắn để cưu mang một mái gia đình dù ở đất quê này, tảo hôn là tập quán quen thuộc. Từ lúc có trí khôn đến giờ tôi không nhớ rõ đã có được mấy lần cha con tôi ngồi đối diện chuyện trò như thế. Tôi nhìn những cuốn sách học bỏ bừa bãi trên mặt bàn. Tôi nhìn bộ ly và cái bình trà đặt trên khay nhựa.
“Để con đi nấu nước pha trà cho cha.”
“Khỏi.”
Lòng tôi thắt lại vì cái lời ngắn ngủn.
“Ngồi xuống đi.”
Đầu gối rã rời tưởng chừng sắp rụng ra vì kiệt sức nên tôi đành ngồi xuống và trước khi ngồi tôi không quên dùng hai chân đẩy cho chiếc ghế lùi ra phía sau thêm chút nữa. Tôi muốn một khoảng cách an toàn. Cha tôi đắng hắng. Tim tôi đập ngỡ chừng sắp vỡ tung lồng ngực. Tôi chờ nghe một câu mắng nhiếc nặng lời. Tôi nghĩ mình sẽ không biện hộ một lời nào cho cái việc tôi làm ngày hôm đó. Cha tôi dường như cố xua đi cái không khí gay cấn, căng thẳng. Ông vươn tay, kéo cuốn sách toán của tôi lại trước mặt. Những ngón tay ơ hờ lật từng trang giấy ố vàng.
“Sách cũ à?”
“Dạ.”
“Sao không mua sách mới?”
“Dạ sách cũ cũng còn học được.”
Ông lật thêm vài trang nữa, rồi dừng lại ở giữa cuốn sách.
“Toán à?”
Tôi vểnh cổ cố nhìn vào trang sách. Cái đường parabol cong vòng. Sự tình cờ lạ lẫm. Sao cha tôi lại dừng lại ở chương ấy, như thể ông đã đánh dấu một tang chứng để sẵn sàng đưa ra buộc tội.
Tôi nín thở nhưng trái tim vẫn lao xao lồng ngực. Những bụi bạc hà xanh um. Lá bạc hà to như những bàn tay khổng lồ mỏng mảnh, tôi khao khát làm những chiếc lá bạc hà. Cặp vú của má Tư bồng bềnh như hai đường parabol căng cứng. Nước chảy thành dòng hoan lạc. Bể nước trên cao. Cái máy bơm rì rầm bơm nước lên. Thành giếng gạch nâu xám. Vôi vữa giữa những viên gạch ứa ra như những chiếc lưỡi chọc ghẹo của lũ trẻ rắn mặt. Những chiếc lưỡi thèm thuồng. Thân thể người bàn bà no căng lấp ló qua khe hở. Chính má Tư chỉ cho tôi chỗ nứt ấy. Tôi dán mình sát vách tường, để chiêm ngắm một thứ mình chưa bao giờ được thấy. Má Tư kỳ cọ rồi đứng ngắm mình dưới đáy giếng. Con mắt một mí và đôi vú bồng bềnh. Từ hôm ấy, tôi đâm ra say mê môn đại số học, và tôi vẽ thật nhuyễn những đường parabol mướt mát.
“Mai mốt tính lên đại học hay về quê lấy vợ?” Cha tôi hỏi.
Tôi giật mình gỡ vội hình ảnh những đường cong đại số học ra khỏi trí tưởng tượng.
“Dạ chưa biết.”
Bằng cử chỉ khô khốc, cha tôi đóng mạnh cuốn sách, gây nên một tiếng động xám ngắt. Giây phút nghiêm trọng đã đến. Tôi sẽ phải can đảm gánh chịu hậu quả việc làm sai trái của mình. Tôi chỉ mong cho phiên tòa kết thúc nhanh chóng. Kết tội, kêu án và xử phạt. Tôi ngại lắm những bài giảng luân lý rườm rà. Tôi nghĩ đến khóm bạc hà xanh um bên bờ giếng. Loại bạc hà này hay mọc theo bờ nước, nấu canh chua rất ngon. Má Tư nói với tôi như thế.
“Tía muốn nói với mày một điều…”
Thói quen đằng hắng trước khi nói của cha tôi chắc sẽ theo ông đến cuối đời. Thế nên dù ông đổi cách xưng hô. Xưng là tía, gọi tôi là mày – biểu hiệu của sự gần gũi, bao dung – tôi vẫn nghe trái tim khua trống trong lồng ngực. Tôi muốn ngắt lời ông rằng con biết cha sắp nói gì rồi, rằng con xin lỗi, rằng hôm ấy trời nóng nực, rằng hôm ấy tôi nghe tiếng nước xối sau nhà nên tôi ngó ra xem ai múc trộm nước nhà mình, rằng hôm ấy tôi đâu có ngờ là má Tư ở nhà nhưng cổ họng tôi khô đắng. Tôi thèm một ly nước cam có những cục nước đá trong vắt và hơi nước bám lăn tăn trên thành ly.
“Tía muốn mày học thật giỏi, đời tao coi như đã bỏ đi, mày phải làm tiếp tao cái điều dang dở.”
Tôi ngẩn người nhìn ông. Tôi không thể đọc ra được cái điều ẩn chứa trong mắt ông. Tôi chờ một câu buộc tội để tôi yên lòng mà xin lỗi.
Cha tôi đặt tay lên cuốn sách, khẽ gật gù cái đầu làm một mảng tóc đen rũ xuống vầng trán hình chữ nhật. “Có tiền mà không có kiến thức thì chẳng hơn gì rác rưởi, biết không. Cho dù thứ rác rưởi ấy đang tràn ngập thế gian…”
11
Tôi nhớ Thành Được trong vai tướng cướp Thi Đằng. Tôi nhớ con mắt hút hồn của Thanh Nga trong vai người con gái mù lưu lạc của tên thảo khấu. Khi người đàn ông ấy ngỏ lời cầu hôn với cô mà không ngờ cô ta là giọt máu rơi của chính mình, cô gái láng giềng, người vẫn thường múc nước thuê cho má Tư – ngồi dựa cột nhà, con mắt dán vào màn hình – đã há hốc miệng kinh ngạc.
“Kỳ cục quá anh Hai há!”
“Mày có biết đức tính quan trọng nhất nơi người đàn ông là gì không?” Cha tôi hỏi. Tôi ngơ ngác nhìn ông, cố tìm câu trả lời. Nhưng không có câu trả lời nào thỏa đáng.
“Không biết, phải không.”
Tôi nhìn cha bằng con mắt ngại ngần.
“Vậy là không rồi! Khi phải suy nghĩ đắn đo nghĩa là câu trả lời chưa có sẵn.”
Tôi nhúc nhích hai chân, vặn vẹo thân người, cố ngồi cho thẳng.
“Có biết người đàn ông cần gì trong cuộc sống để khỏi bị đời khinh khi không?”
Câu hỏi của cha, như cánh tay gân guốc của một người lực lưỡng, cố đẩy tôi sát vào một vách tường nhám nhúa. Không còn khoảng trống nào cho tôi tháo chạy. Tôi như con thú bị săn đuổi tới cuối đường.
12
Nắng vắt trên thềm nhà như mũi tên chỉ đường. Giấc ngủ ngày ngầy ngật. Sách vở nằm gác lên nhau. Những nhị thức, tam thức nhảy múa lao xao trong vạt nắng xiên ngang. Mồ hôi đầm đìa một bên mặt, ướt nhẹp mặt chiếu. Cổ và lưng áo tôi ướt sũng. Cái nóng mùa hạ làm thịt da rát bỏng, cong lại và nứt bung. Căn nhà vắng tanh. Sự kiện đi vắng mỗi chiều thứ hai của cha tôi đã thành thông lệ. Thói quen khắc lên thịt da. Như tín đồ ăn chay những ngày rằm và mồng một, không bỏ sót buổi nào. Tôi bần thần chống tay ngồi dậy. Mấy con ruồi đậu vu vơ trên mặt chiếu. Không gian keo đặc. Bụng tôi trào cơn đói. Tôi nhớ những cái bánh xèo má Tư đổ ngày hôm trước, còn để dành trong gác-măng-dê. Tôi nhớ những chén nước mắm bồng bềnh những khoanh ớt tròn, đỏ rực. Tôi thọc chân vào đôi dép Nhật, sửa lại cổ áo cho tươm tất, vuốt lại mái tóc cho ép sát da đầu rồi lầm lũi đi xuống bếp.
Không gian quạnh vắng. Tôi trôi đi như chiếc lá trên dòng nước, vào một vũng không gian không tên gọi.
Tiếng nước xối ào ào trên mặt xi măng bên thành giếng. Tôi mỉm cười một mình. Ông bạn cờ tướng của cha tôi chắc bị vợ cằn nhằn nên hôm nay không ngồi hầu cơ với cha tôi khiến ông phải về sớm. Tôi bần thần nhìn quanh căn bếp. Nhưng lỡ không phải cha tôi mà là kẻ tắm trộm nào khác thì sao nhỉ. Tôi nhìn vách tường, chỗ có cái lỗ nhỏ che bằng chiếc chảo đầy bồ hóng, má Tư vẫn dùng chiên cá, chiên cơm Dương Châu. Tôi rón rén bước về phía cái chảo đen thui ấy. Tôi nín thở nhẹ nhàng gỡ cái chảo xuống, nhẹ nhàng đặt lên thành bếp. Tôi ghét những hành vi trộm cắp. Dù là láng giềng với nhau. Cái giếng kỳ diệu. Nguồn nước ngọt hiếm hoi. Ông thầy địa lý bảo đào trúng nguồn nước ấy còn hơn đào trúng mỏ vàng, bởi tắm nước giếng ấy, người ta sẽ chẳng bao giờ phải già đi. Kẻ nào đó đang xối nước đều tay. Phải cha tôi không. Hay kẻ hàng xóm gian lận nào đó lợi dụng lúc nhà không có ai, ghé qua tắm trộm. Tôi sẽ bắt quả tang kẻ gian tà.
Nhưng hôm ấy kẻ gian tà là tôi.
Có điều không ai bắt được quả tang cái hành vi trộm đạo.
Đôi vú bập bềnh trong nắng. Nước vuốt ve da thịt. Câu vọng cổ trong vắt cái đoạn tướng cướp Thi Đằng muốn hỏi cô gái mù về làm vợ mà không biết cô là đứa con rơi của mình. Mặt tôi dán vào tường gạch. Mắt tôi luồn qua lỗ nẻ. Tim tôi trôi sướt mướt theo đám bọt sà bông lai láng trên làn da ngọc thạch. Những móng tay tôi bấm nát da thịt đùi mình. Những ngón tay bấu lấy đùi cho miệng không buông ra tiếng thở dập dồn. Những ngón tay chạm cả vào cái đàn ông tồng ngồng sắt nguội.
Lúc vãn vở tuồng Tiếng Hạc Trong Trăng, tôi như thằng bé đi xem hát cọp bị người soát vé bắt gặp, đã hốt hoảng rời nơi trú ẩn, lom khom, khúm núm bước đi như thằng ăn trộm.
Và thằng ăn trộm gặp cha nó đang ngồi như pho tượng trên ghế, trước ly trà xanh nguội ngắt trên mặt bàn gỗ cũ.
13
Chín mươi hai tuổi, cha tôi là người đàn ông sống thọ. Có phải vì ông yêu và được yêu bởi một người đàn bà trẻ thơ, chân thật và chung thủy.
Chiếc lưng mỏng như mo cau của má Tư cong vòng trước quan tài. Tôi đứng phía sau má, cúi đầu, chôn chân trước di ảnh cha tôi. Khăn tang phủ ngang tầm mắt nhưng tôi vẫn thấy được con mắt cha tôi. Con mắt vằn vèo tia máu ấy nhìn tôi một buổi chiều, khi vừa vãn vở tuồng Tiếng Hạc Trong Trăng.
Và lời khiển trách của cha tôi chắc sẽ theo tôi đến cuối đời. “Hai à, hôm trước, con quên treo cái chảo lên vách tường.” Con mắt ngoằn ngoèo tia máu bảo tôi như thế. “Tía đã nói với mày hoài rằng người đàn ông cẩu thả sẽ khó lòng làm nên chuyện lớn.”
Cuối mùa hạ, tôi khăn gói về lại thành phố. Má Tư tặng tôi tấm hình cha tôi với má chụp chung phía trước tấm phông cảnh bãi biển cát trắng với những thân dừa nghiêng ngả và bầu trời xanh biếc trên cao. Lác đác những cánh chim mờ nhạt. Má – như con chim nhỏ – e ấp dựa đầu trên vai cha tôi, cánh môi trề xuống như vướng một lời châm chọc.
Đó là mùa hạ cuối cùng của thời thơ ấu. Năm học sau đó, tôi không lấy vợ như lời má Tư châm chọc, nhưng tôi đã đua đòi chúng bạn, lạc vào một con hẻm nhỏ tối tăm, như những con cừu của người đàn ông trong truyện kể xa xưa, lao xuống một hẻm vực sâu hun hút.
Mùa thu ấy, theo lũ bạn rủ rê, tôi bước xuống cuộc đời.
14
Và dẫu điều bí mật cha con tôi chia sẻ sẽ mãi mãi là điều không thể nói ra, nhìn đôi mắt trong di ảnh cha, tôi biết cục bướu độc trong tôi đã tan, như cơn gió cuối mùa hạ, như mảng sương mù buổi chớm thu, như nỗi khát khao trong lòng tên thảo khấu Thi Đằng khi biết cô gái mù kia là máu huyết của riêng mình.
21 tháng 08, 2011Hoàng Chính

Comments

Popular posts from this blog