Cộng Hòa Séc - cánh cửa vào châu Âu cho Trung Quốc

media
Tổng thống CH Séc Milos Zeman ủng hộ mạnh mẽ việc xích lại gần Trung Quốc. Ảnh chụp tại Nghị Viện Séc, tháng 01/2018.© REUTERS/David W Cerny
Trong tuần qua, nhân dịp thượng đỉnh 16+1 giữa 16 nước Đông-Trung Âu và Trung Quốc diễn ra tại Dubrovnik, Croatia, báo chí phương Tây đề cập nhiều đến chiến lược của Trung Quốc trong việc tranh thủ các nước Đông-Trung Âu để gây ảnh hưởng kinh tế, chính trị tại lục địa già.
Bài xã luận của báo La Croix ngày 11/04 gọi 16 nước Ba Lan, Hungary, Cộng Hòa Séc, Rumani, Bulgari, Estonia, Slovakia, Croatia … là “những người bạn của Trung Quốc ở châu Âu”, những “luật sư bảo vệ Trung quốc ở châu Âu”. Trong số 16 nước Đông-Trung Âu nói trên, nổi bật nhất là Cộng Hòa Séc, một thành viên của Liên Hiệp Châu Âu.
Còn trên trang mạng về châu Á, ngày 03/04/2019, Tom Eishenchteter đặt câu hỏi “Liệu Cộng Hòa Séc có phải cánh cửa vào châu Âu cho Trung Quốc?”. RFI lược dịch bài viết của Eishenchteter.
Từ khi nào CH Séc sưởi ấm quan hệ với Trung Quốc?
Trong quá khứ, CH Séc không phải lúc nào cũng là nước ủng hộ quan hệ đồng minh với Trung Quốc. Cho tới đầu những năm 2000, Praha vẫn là một trong những chính quyền phản đối mạnh mẽ nhất việc xích lại gần Bắc Kinh. Trong những năm 1990, chính sách đối ngoại của tổng thống Vaclav Havel vẫn dựa trên hai trụ cột: quay trở lại phương Tây (phương Đông dù gần hay xa đều không quan trọng) và bảo vệ các nguyên tắc nhân văn và nhân quyền. Việc Praha ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma và mời gọi các nhà bất đồng chính kiến với chính quyền Bắc Kinh khiến quan hệ Trung - Séc xấu đi rất nhiều.
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi vào đầu những năm 2000. Tân tổng thống khi đó là ông Vaclav Klaus đã tìm cách sưởi ấm quan hệ với “gã khổng lồ châu Á”,một khuynh hướng được các chính quyền sau đó không ngừng đẩy mạnh, nhất là chính phủ của thủ tướng Petr Necas (2010-2013). Necas đề cao cơ hội phát triển kinh tế mà Trung Quốc mang lại cho Séc nếu hai nước xích lại gần nhau.
Tổng thống đương nhiệm Milos Zeman có vai trò gì trong việc cải thiện quan hệ Séc - Trung?
Thời điểm ông Milos Zeman được bầu làm tổng thống năm 2003 trùng với thời điểm Tập Cận Bình công bố chính thức dự án “Những con đường tơ lụa mới”.Năm 2015, CH Séc gia nhập dự án khổng lồ của Trung Quốc, và trở thành thành viên nhóm 16+1 nối Trung Quốc với khu vực Đông-Trung Âu. Thông qua đại diện là tổng thống Zeman, CH Séc trở thành một trong những nước châu Âu ủng hộ mạnh mẽ nhất việc xích lại gần nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Năm 2015, Zeman là nguyên thủ quốc gia duy nhất ở châu Âu sang tham dự lễ duyệt binh do Bắc Kinh tổ chức để kỷ niệm Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc. Đổi lại, Tập Cận Bình cũng có chuyến công du CH Séc hồi năm 2016. Những lời hứa hẹn đầu tư của Trung Quốc và thái độ im lặng của CH Séc về nhân quyền được phối hợp rất chặt chẽ tạo nên “tuần trăng mật” cho Bắc Kinh và Praha.
Nhưng tổng thống Zeman chỉ là “một cái cây trong cả khu rừng”. Một phần lớn chính khách Séc ủng hộ chính quyền hâm nóng quan hệ với Bắc Kinh, hoặc im lặng trước vấn đề này. Nhiều chuyên gia cho rằng trọng tâm chiến lược gây ảnh hưởng của Trung Quốc diễn ra trong hậu trường, dựa vào một nhóm nhân vật quyền thế, quanh tổng thống Zeman và tập đoàn năng lượng CEFC của Trung Quốc. Chiến lược gây ảnh hưởng trong bóng tối của các “ông lớn”này tỏ ra rất có hiệu quả, khiến nhiều người có cảm tưởng chính sách đối ngoại của Praha được đưa ra căn cứ vào những lời hứa đầu tư, những hợp đồng có lợi được thương thảo trong hậu trường để làm giàu cho những người nắm giữ nhiều tài sản nhất CH Séc. Tính minh bạch không được đảm bảo, mọi chuyện không được bàn bạc công khai.
Kết quả trao đổi kinh tế Trung - Séc có được như Praha mong chờ hay không?
Sau một vài năm xích lại gần Bắc Kinh, nhà cầm quyền Séc có cảm giác thất vọng. Bắc Kinh đã đưa ra những lời hứa hẹn đầu tư, còn Praha vẫn đang chờ đợi lời hứa của Bắc Kinh được thực hiện. Năm 2018, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Séc, chiếm 7,4% thị trường nước này, so với tỉ lệ 6,5% hồi năm 2010. Thương mại song phương cho dù tăng nhưng không ổn định và cán cân thương mại của Séc bị thâm hụt, thậm chí cao tới mức kỷ lục - 20 tỉ euro.
Hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Séc cũng tăng trong vòng mười năm qua, nhưng đầu tư trực tiếp chủ yếu tập trung vào các thương vụ sáp nhập công ty, không liên quan hoạt động sản xuất và mục tiêu đề ra trong dự án “Những con đường tơ lụa mới”, mà cũng không mang lại lợi ích kinh tế cho Séc. 10 tỉ đô la tiền đầu tư mà Tập Cận Bình đã hứa phần lớn đều chưa thấy đâu, cho dù tập đoàn năng lương CEFC của Trung Quốc đã thâu tóm được rất nhiều doanh nghiệp của Séc.
Năm 2015, CEFC đặt trụ sở chi nhánh châu Âu tại Praha. Chủ tịch CEFC trở thành cố vấn của tổng thống Zeman. Sau đó là hàng loạt thương vụ CEFC mua các câu lạc bộ bóng đá, khách sạn hạng sang, nhà máy bia, tập đoàn truyền thông, công ty lữ hành, tập đoàn tài chính, thậm chí là cả hãng hàng không quốc gia của Séc. Thói “háu ăn” của CEFC dường như không giới hạn và cũng không vấp phải sự kháng cự nào.
Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đường sắt, công nghệ cao, công nghiệp hạt nhân, chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp. Trong lĩnh vực nào các nhà đưa ra quyết sách của Séc cũng cảm thấy bị sỉ nhục vì Trung Quốc đặt ra những điều kiện bất lợi cho Praha giống như Trung Quốc đang hành xử với các nước châu Phi mắc nợ Bắc Kinh.
Vậy thì tại sao Praha lại phải hướng tới Trung Quốc, trong khi các định chế của châu Âu, chẳng hạn ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu, có thể đầu tư vào các dự án hạ tầng mà Séc đang cần, với những điều kiện rất tốt?
Đối với chính quyền Praha, việc xích lại gần Bắc Kinh là cách để giảm phụ thuộc về chính trị, thương mại và tài chính đối với phương Tây, và nhằm tạo tiếng vang trên trường quốc tế về sự tự chủ chiến lược và ngoại giao. Chiến lược này hoàn toàn hợp lý đối với một nước quy mô trung bình như CH Séc nay dường như bất lợi cho Praha. Thất vọng vì Trung Quốc, Séc cũng cảm thấy bị sỉ nhục và thất thế trước thái độ “lên lớp” của các đồng minh phương Tây. Các nước này nhận nhiều vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc hơn so với các quốc gia Đông-Trung Âu nhưng lại luôn tìm mọi dịp để chỉ trích Praha vì Séc đã xích lại gần Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc tìm cách biến các quốc gia Đông-Trung Âu thành cửa hậu để tiến vào thị trường phương Tây, nhất là vào Đức. Bắc Kinh khôn khéo đề cao tính năng động và độc lập, trong khi các nước thành viên Liên Âu thường vấp phải thái độ cứng rắn của Ủy Ban Châu Âu. Theo lập luận này, sự đầu tư của Trung Quốc vào Séc mang tính cơ hội, chứ không phải sự hòa hợp ngọt ngào, sự gắn kết như báo chí thường nói tới.
Có phải công luận Séc không phản kháng trước việc chính quyền của tổng thống Zeman sưởi ấm quan hệ với Trung Quốc?
Ngoài hệ thống quyền lực, chiến lược gây ảnh hưởng của Bắc Kinh khó được chấp nhận tại Séc. Trong giới chính trị, những tiếng nói phản đối việc chính quyền có đường lối ủng hộ Trung Quốc không phải lúc nào cũng bị đè bẹp. Một số nhà chính trị phản đối việc Trung Quốc tuyên truyền gây chia rẽ Liên Hiệp Châu Âu, như Bắc Kinh từng làm đối với ASEAN nhằm chống các nghị quyết của khối này đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc. Nhiều người khác thì cho rằng thái độ của Trung Quốc là nhằm phục vụ những mưu đồ khác. Dù sao thì sự xích lại gần với Trung Quốc cũng gây tranh cãi, nhất là từ khi đảng ANO của thủ tướng Andreij Babis, tỉ phú và cũng là người giàu thứ hai ở Séc, nắm quyền lãnh đạo đất nước.
Còn trong dân chúng, chỉ có 25% người Séc có cái nhìn tích cực đối với Trung Quốc, tỉ lệ trung bình ở Liên Hiệp Châu Âu là 30%. Số thanh niên Séc học tiếng Hoa giảm, trong khi đó ngày càng có nhiều người học tiếng Hàn và Nhật. Giới truyền thông chỉ trích Trung Quốc nhiều, bất chấp những phát biểu ủng hộ Bắc Kinh của chính quyền Séc. Trung Quốc là nước đông du khách thứ tư thế giới đến Séc, nhưng sự hiện diện đông đảo của du khách Trung Quốc, hơn 600.000 khách trong năm 2018, cũng không bù đắp được sự vắng bóng của cộng đồng 7.000 Hoa kiều ở Séc. Đó là chưa kể thói bài ngoại, nhất là nhắm vào cộng đồng người nước ngoài thiểu số ở Séc, đã ăn sâu bám rễ vào một phần dân chúng, trừ trường hợp đặc biệt của cộng đồng người Việt tại Séc.
Chính quyền Séc đã thay đổi thái độ với Trung Quốc?
Chính sách của Trung Quốc đã bộc lộ nhiều hạn chế và cho thấy sự bấp bênh của liên minh Trung - Séc, chủ yếu do hàng loạt nhượng bộ của tổng thống Séc.
Mặc dù vậy, tổng thống Zeman vẫn tỏ ra trung thành với con đường thân Trung Quốc mà ông đã lựa chọn. Hồi tháng 11/2018, Zeman lại công du Trung Quốc. Nhưng chuyến thăm nhằm tạo thêm đà phát triển cho hai nước lại vấp phải những tuyên bố của tân ngoại trưởng Séc Tomas Petricek về nhân quyền. Cũng vào thời điểm đó, nhóm dân biểu mang tên “Những người bạn của Tây Tạng” được thành lập tại Nghị Viện Séc, theo sáng kiến của một chính đảng thường chỉ trích Trung Quốc và cũng là đảng lớn thứ ba ở Séc kể từ năm 2017.
Rồi sau đó là vụ Hoa Vi. Cơ quan phản gián của Séc ban đầu cảnh báo những nguy từ gián điệp Trung Quốc tăng. Sau đó, cơ quan an ninh mạng nước này công bố báo cáo nhắm vào việc đề phòng sản phẩm và công nghệ của tập đoàn Hoa Vi. Rồi tới lượt thủ tướng Babis công khai chỉ trích tập đoàn viễn thông Trung Quốc cho dù trước đó, Hoa Vi đã ký biên bản ghi nhớ với tập đoàn PPF của Séc để hợp tác phát triển mạng di động 5G. Vụ việc cho thấy Praha nhìn chung đã thay đổi thái độ với Bắc Kinh. Trung Quốc hiện bị Séc coi là mối đe dọa hơn là một đối tác đáng được lựa chọn.
__._,_.___

Comments

Popular posts from this blog