BỎ XỨ RA ĐI

Nguyễn Thơ Sinh
image.png
Giữa lúc nhiều người mải mê chuyện Black Friday, chuyện Cyber Monday, chuyện Noel… thì đâu đó trên thế giới, hương vị Lễ Noel hình như vẫn là chuyện xa vời. Bởi cuộc sống. Bởi những lo toan. Những tai nạn xui xẻo. Cháy rừng. Súng đạn. Tù tội… Tại Tijuana, biên giới Mỹ-Mễ, Noel không nằm trong suy nghĩ của nhiều người vì họ đang trong cảnh bỏ xứ ra đi, bơ vơ nơi đất khách.
Nói đến bỏ xứ, người Việt mình có lẽ đã nếm trải được không ít cảm nghiệm rất thực. Khổ không ai biết. Người ta chỉ nhìn thấy những hào nhoáng bên ngoài, màu xanh của những tờ Mỹ kim, vị ngọt của chocolate những ngày đầu Việt Kiều đem về. Họ nhìn thấy Việt Kiều da dẻ trắng trẻo, cách ăn nói có vẻ ngồ ngộ, đi mua đồ mà cảm ơn người bán, chuyện nhỏ như con kiến mà cứ rối rít xin lỗi, hay trên tay cầm khư khư mảnh rác mà không chịu liệng đại xuống đường… phải đợi tìm được một thùng rác bỏ vô mới chịu.
Không nói chuyện người bỏ xứ hay người ở lại ai văn minh hơn, bởi những Việt Kiều không ra nước ngoài sống chưa hẳn sẽ xử sự với phong thái văn minh lịch sự. Còn bà con quốc nội, nếu có dịp bỏ xứ thành công, biết đâu họ cũng sẽ ngồ ngộ như Việt Kiều cho coi. Tóm lại một câu, cách sống của chúng ta luôn chịu ảnh hưởng giao lưu với các nền văn hóa mới; như cách nói dân dã của bà con mình: Đi một ngày đàng học một sàng khôn. (Nói gì chuyện sống ở xứ người hàng chục năm).
Bỏ xứ ra đi có nhiều bối cảnh khác nhau. Có thể do không sống nổi tại một địa phương, dù đó là nơi chôn nhau cắt rốn, người ta lũ lượt gồng gánh bỏ đi. Bỏ xứ có thể do nghẹt thở bởi những đàn áp khắc nghiệt nên họ khao khát được hít thở bầu không khí tự do dân chủ. Dẫu biết có thể là mất mạng, có thể bị hãm hiếp, bị đe dọa, tám phần chết, thế mà họ vẫn liều mình. Bỏ xứ có thể vì mong muốn một đời sống kinh tế khấm khá hơn. Bỏ xứ vì cứ tưởng sẽ có nơi khác đời sống tốt đẹp mỹ mãn như thiên đường, nên họ tìm mọi cách ra đi cho thỏa chí, dù tốn kém biết bao tiền bạc, thậm chí cả tánh mạng…alt
Gần đây sân khấu chính trị Mỹ nói nhiều về những đoàn caravan từ Honduras kéo đến biên giới Mỹ. Họ gồng gánh, bồng bế. Trẻ con có. Người lớn có. Nam phụ, lão ấu. Khát khao của họ là được hưởng quy chế tỵ nạn tại Mỹ. Họ sợ hãi chốn cố hương. Họ bỏ xứ với hy vọng tìm được một nơi yên bình an toàn cho bản thân và gia đình. Họ đi bộ. Cái đói. Cái lạnh. Vốn liếng lận lưng được bao nhiêu (nào ai biết). Họ trực chỉ Bắc tiến đến Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, cái nôi của sữa tươi và bánh mì, đất lành chim đậu.
Và họ đi. Họ có lý do của họ. Họ quyết chí dốc tâm. Bỏ xứ đồng nghĩa với bỏ lại những gì họ từng biết, từng quen thuộc. Bỏ xứ là nhắm mắt đưa chân đến nơi xa lạ, đầy dẫy những nguy hiểm với giá đắt phải trả không bàn cãi. (Cũng) có thể họ suy diễn theo hướng tích cực. Chứ nếu chỉ thấy chết, thấy ngõ cụt u ám, tuyệt vọng mù mịt; họ thà chết ở nhà, mắc gì phải mang xương thịt vùi chôn nơi đất lạ.
Mà có thể họ được rỉ tai, thêu dệt. Những viễn cảnh tốt đẹp hơn. Không nguy lắm hiểm đâu. Không đi làm sao biết được nguy hiểm hay không? Mỹ là thiên đường. Nếu Mr. Trump có hăm dọa cũng là chuyện giơ cao đánh khẽ. Cứ đi thử xem. Sẽ có thế giới ủng hộ, sẽ có Hội Chữ thập đỏ can thiệp, sẽ có Liên Hiệp Quốc giúp đỡ, sẽ có những triển vọng… Vả lại Mỹ cũng là con người. Hơn nữa họ đi theo đoàn chứ đâu có đi cô lẻ. Ở lại Honduras nguy hiểm rình rập, nói gở, sơ sểnh vẫn mất mạng như chơi. Đã thế, sao lại không đi Mỹ, chứ!
Không biết đoàn caravan “vượt biên” có phải đóng tiền lộ phí? Liệu có những đường dây dẫn dắt tổ chức vận chuyển người chuyên nghiệp nào đó hứa hẹn, dỗ ngọt? Thế là bức tranh bỗng trở nên xán lạn hơn. Họ đi. Có chết thì cũng chết với đồng hương. Ở lại, những gì họ nhìn thấy rặt là những ám ảnh nhãn tiền. Nay nghe lời rủ rê đường mật, họ càng có thêm nghị lực để lên đường.
Cuối cùng họ bỏ xứ. Từ Guatemala, Honduras đến Tijuana dài hơn 6.300 cây số. Họ đi bằng sức mạnh của niềm tin và hy vọng. Trái tim họ ngùn ngụt khí thế lạc quan. Người già và trẻ em. Mệt thì nghỉ tạm đâu đó qua đêm lấy sức. Rồi đoàn caravan lại khởi hành. Đói. Khát. Nóng ban ngày, lạnh ban đêm. Những cơn sốt cao. Thiếu thốn trăm bề. Râm ran những lời cầu nguyện mong cho chân cứng đá mềm, những điều tốt lành sẽ xảy ra. Họ nhẩm đếm những biến cố. Họ tính tháng, tính ngày. Ánh mắt động viên của những kẻ đồng hội, đồng thuyền. Họ được tiếp thêm sức mạnh từ đồng hương cùng cảnh ngộ. Cứ thế. Họ bước đi. Có lúc đã nản chí, tuyệt vọng toan bỏ cuộc. Hay là quay về. Rồi lưỡng lự không biết có nên đi tiếp. Con đường phía trước vẫn dài thăm thẳm, không biết đến nơi có được như ý? Chùng chình. Dùng dằng. Họ mệt mỏi, cảm thấy bất lực giữa hai quyết định: Về hay đi?
Thị trưởng của Tijuana, Juan Manuel Gastelum, tuyên bố sự có mặt của khoảng 5.000 “bộ nhân” (chính xác là 4.976 mạng người) từ Honduras kéo đến đang trở thành khủng hoảng nhân đạo (humanitarian crisis) đối với thành phố cửa khẩu này. Ông kêu cứu Liên hiệp quốc hãy giúp đỡ Tijuana. Cảnh đoàn tỵ nạn ngủ qua đêm trong những lều trại dã chiến (makeshift) tại một sân vận động sau hơn một tháng ròng rã cuốc bộ khiến người ta xốn mắt.
Giữa lúc đó Nội các Tổng thống Trump vẫn mạnh mẽ tố cáo họ là phần tử tội phạm, thành viên băng đảng, thậm chí là những kẻ khủng bố. Nhìn những khuôn mặt hốc hác mệt mỏi. Những đứa trẻ ngơ ngác đáng thương. Những người phụ nữ bơ phờ thần sắc. Họ là khủng bố ư? Họ là thành phần băng đảng ư? Họ là tội phạm ư? Hay những gì được mô tả về họ đã bị chính trị hóa, cốt ý tạo ra những làn sóng phẫn nộ hoặc sợ hãi trong dân chúng Mỹ!
alt
Một cán sự Sở an sinh Tijuana là Manuel Figueroa cho biết nỗ lực cung cấp nhà xí công cộng, giấy vệ sinh, xà phòng và dầu gội từ phía thành phố cho đoàn tỵ nạn chẳng thấm tháp gì so với khó khăn họ đang đối diện. Ông cho biết chính phủ liên bang đã làm ngơ buộc Tijuana phải lên tiếng kêu cứu Liên Hiệp Quốc. Bác Rene Vazquez, 60 tuổi, một thiện nguyện viên giúp đoàn tỵ nạn cho biết chính quyền liên bang Mexico không quan tâm đến, thậm chí không hỗ trợ hoặc ngăn cản đoàn tỵ nạn nên thành phố Tijuana (1.6 triệu dân) phải hứng chịu hậu quả vì đây là điểm sát biên giới Mỹ. Thị trưởng Juan Manuel Gastelum cho biết ông sẽ không sử dụng ngân sách của thành phố giúp đỡ những bộ nhân đến từ Honduras. Ông kêu gọi Liên Hiệp Quốc hãy ra mặt đối diện với nan đề này. Hiện tại những thiện nguyện viên như bác Rene Vazquez giúp phân phối bánh pizza và thịt gà nướng từ các nhà hảo tâm dành cho các bộ nhân tỵ nạn Honduras.
Được biết đoàn caravan tỵ nạn rời Honduras giữa tháng mười năm nay. Ròng rã những thiếu thốn, song họ luôn được các thị trấn trên lộ trình Bắc tiến giúp đỡ, đặc biệt là thực phẩm và chỗ ngủ qua đêm; trong đó nhiều thị trấn rất nghèo vẫn cố gắng thể hiện tinh thần lá lành đùm lá rách. Thông thường đoàn caravan chỉ dừng lại một hai đêm. Còn tại Tijuana, quá trình phỏng vấn thanh lọc kéo dài nên đoàn người này sẽ ở đây nhiều tháng trời. Nên Tijuana dẫu có lòng vẫn chẳng thể làm gì khác hơn vì lực bất tòng tâm.
Vẫn theo lời Thị trưởng Juan Manuel Gastelum, chính phủ liên bang Mexico gởi 20 tấn hiện vật đến Tijuana nhưng 15 tấn trong số đó là vật liệu hỗ trợ biên phòng, 5 tấn phẩm vật còn lại dành cho đoàn tỵ nạn Honduras. Ông còn trách chính phủ Mexico xem nhẹ lời cảnh cáo của Tổng thống Trump, nếu có biện pháp đóng cửa biên giới Mễ ở miền Nam từ sớm tình trạng này đã không xảy ra.
Tóm lại, cảnh tình của đoàn bộ nhân tỵ nạn Honduras thật éo le thay. Họ bỏ xứ. Họ đi tìm con đường sống. Bất luận lý do của họ có chính đáng hay không, cảnh ngộ người tỵ nạn vất vưởng màn trời chiếu đất không thể không khiến người ta chạnh lòng. Dù được các nhà thờ, các hội đoàn và các nhà hảo tâm độc lập nhiệt tình giúp đỡ, cuộc sống của họ vẫn vất vả lắm thay.
Chính quyền tiểu bang Baja California đưa ra danh sách khoảng 7.000 công việc cho đoàn tỵ nạn, nhưng mấy người trong đoàn caravan hội đủ tiêu chuẩn điều kiện yêu cầu? Trong khi đó họ phải ngủ trên nền đất lạnh, chờ 30 phút mới được đi vệ sinh hay lãnh thức ăn. Cuộc sống thật cơ cực biết bao nhiêu. Tại sao họ phải khổ như thế? Theo lời chị Adelaida Gonzalez, 37 tuổi, cùng con trai 15 tuổi bỏ Guatemala City nhập đoàn caravan: Nếu biết khổ thế này, chúng tôi đã không mạo hiểm vượt mọi nguy hiểm để đến đây.
Đó là câu chuyện thương tâm của những người bỏ xứ ra đi. Họ mong đợi. Họ hy vọng. Nhìn về tương lai với mơ ước tìm thấy một nơi bình yên lập nghiệp. Một số sẽ may mắn được toại? Một số sẽ ra về trắng tay? Một số khác sẽ bằng lòng tỵ nạn tại Mexico khi biết họ không còn lựa chọn nào khác?
Trong số 5.000 bộ nhân ấy, không biết có mấy người may mắn được nhập cư Mỹ, chỉ biết trước mắt, lần đầu tiên trong đời họ nếm trải dư vị cay đắng của thân phận người bỏ xứ lang thang trên đất người giữa lúc mùa Noel đang đến.
Nguyễn Thơ Sinh

Comments

Popular posts from this blog