Chức Năng Người Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa
Tiến Sĩ Trần An Bài
alt

Nguyên Giảng Sư Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia
Trên thế giới, không hề có một lực lượng cảnh sát nào mà người cảnh sát vừa là quân nhân, giàn trận chống quân thù, vừa là bạn dân lo duy trì luật pháp trên toàn quốc, như người Cảnh Sát Quốc Gia (CSQG) dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) vào trước năm 1975.
Nếu Quân Đội VNCH, nổi danh với các Trường Võ Bị QG Đà Lạt và Trường Sĩ Quan Thủ Đức, vì hai quân trường này đã đào tạo cho đất nước nhiều sĩ quan ưu tú, thì ngành cảnh sát cũng có Học Viện CSQG để huấn luyện các sĩ quan cảnh sát văn võ kiêm toàn. Các khóa sinh sĩ quan CSQG không những tối thiểu phải có văn bằng tú tài toàn phần mà nhiều khóa sinh còn có cấp bằng cử nhân hay cao học. Có những khóa thi tuyển sĩ quan cảnh sát với khoảng 7.000 ứng viên mà chỉ nhận được có 500 người.
Vậy chức năng của người CSQG/VNCH là gì? Nếu so sánh CSQG/VNCH với cảnh sát Hoa Kỳ và cảnh sát của chế độ Cộng Sản VN thì có những điểm khác biệt nào?
I. CHỨC NĂNG NGƯỜI CSQG/VNCH:
Tại Việt Nam, những bảo đảm về quyền an toàn cá nhân đã được quy định trong Hiến Pháp ngày 1-4-1967, được cụ thể hóa trong Bộ Hình Sự Tố Tụng được ban hành do Sắc Luật số 027-TT/SLU ngày 20-12-1972. Bộ Hình Sự Tố Tụng là một trong năm bộ luật căn bản lần đầu tiên được điển chế bằng ngôn ngữ và văn tự thuần túy Việt Nam. Bộ luật này là “kết tinh của một công trình sáng tạo nghiên cứu, sưu tầm, du nhập các nguyên tắc luật pháp tiến bộ của thế giới, do nhiều luật gia danh tiếng, trong và ngoài ngành Tư pháp, góp sức thực hiện trong nhiều năm.” Bộ luật mới này nhằm “xây dựng một chế độ dân chủ pháp trị ngày thêm vững mạnh, an toàn pháp lý của dân chúng ngày một củng cố, nguyên tắc thượng tôn pháp luật ngày một chói sáng.”  (Trích diễn văn của Tổng Thống VNCH đọc ngày 30-4-1973 tại Pháp đình Saigon).
Quả đúng như lời Vị Nguyên Thủ Quốc Gia VNCH đã công bố, bộ Luật HSTT chứa đựng nhiều điều khoản rất tân tiến. Quyền lợi của các nghi can được bảo vệ ngay từ giai đoạn điều tra sơ vấn, vì luật pháp đã quy định chi tiết nhiệm vụ của Cảnh Sát Tư Pháp, nhằm hai mục đích: Bảo vệ quyền biện hộ và quyền an toàn cá nhân của nghi can.
A.-  QUYỀN BIỆN HỘ CỦA NGHI CAN
Khác với Hiến pháp nhiều quốc gia, điều 7 Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa đã đề cập đến quyền biện hộ trước nhiều quyền khác, như quyền tự do tín ngưỡng, giáo dục, tư tưởng, ngôn luận, hội họp, lập hội, bầu cử, ứng cử, v.v… Để hành xử quyền biện hộ, các nghi can sau khi được Cảnh Sát Tư Pháp thông báo tội trạng, sẽ được tự bào chữa một cách tích cực bằng quyền không nhận tội hay tiêu cực bằng quyền giữ im lặng. Ngay sau khi bị bắt giữ, thân nhân các nghi can phải được thông báo kịp thời để có thể nhờ luật sư biện hộ. Trong cuộc điều tra sơ vấn, nghi can không bị ép buộc khai cung bằng những phương cách thiếu lương hảo, như tra tấn hoặc dùng máy dò sự thật. Riêng đối với các thiếu nhi phạm pháp, cần phải có những bảo đảm rộng rãi và thích hợp nhằm mục đích giáo hóa hơn là trừng trị.
B.-  QUYỀN AN TOÀN CÁ NHÂN CỦA NGHI CAN
Một chế độ dân chủ pháp trị chỉ thực sự bền vững nếu chính quyền biết tôn trọng và bảo vệ quyền an toàn cá nhân của dân chúng.
Hiến Pháp VNCH đã tách rời quyền biện hộ khỏi quyền an toàn cá nhân, vì muốn đề cao quyền này và đặt ngang hàng với quyền truy tố. Ngoài ra, quyền an toàn nhân thân chỉ diễn tả ý niệm chống đối của người dân trước sự bắt bớ, giam cầm oan ức. Trong khi quyền an toàn cá nhân có một phạm vi bao quát trên toàn thể con người, gồm nhân thân và tài sản của người đó.
Đàng khác, an toàn cá nhân khác với an toàn pháp lý, vì an toàn cá nhân dựa trên yếu tố nhân bản, trong khi an toàn pháp lý là sự yên ổn do luật pháp mang lại, nhờ luật pháp mà có. Biết trước được rằng nếu hành động hợp pháp thì không bị xâm phạm đến tự do, tổn thương đến quyền lợi. Đó là sự an toàn pháp lý.
Sự an tòan ấy là điều kiện không có không được cho hạnh phúc con người, phải có sự an toàn ấy mới yên lòng sống được trong hiện tại, yên lòng xây dựng được ngày mai. Nói cách cụ thể hơn, quyền an toàn cá nhân có một phạm vi rất rộng rãi vì liên quan đến tinh thần, thể xác, tài sản của mỗi công dân.
Đối với dân chúng, quan chức không phải là các nhân vật lãnh đạo ở thượng tầng quốc gia, nhưng là những viên chức tầm thường nhất tại hạ tầng cơ sở, trong đó có Cảnh sát Tư pháp mà mỗi hành vi cử chỉ đều ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân chúng.
Nếu trong một xã hội, tính mạng và tài sản của người dân không được bảo đảm thì còn ai muốn cần cù làm việc, khép mình vào khuôn khổ luật pháp quốc gia nữa? Loạn từ đó mà ra.
Tóm lại, sự an toàn cá nhân là nền móng kiến tạo an ninh thịnh vượng chung cho công đồng xã hội và người CSQG/VNCH được trao phó nhiệm vụ bảo vệ.
II. SO SÁNH NGƯỜI CSQG/VNCH VỚI CẢNH SÁT HOA KỲ VÀ CẢNH SÁT CỦA CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN VN
Hiện nay, có khoảng trên 1.700.000 người Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản đang sống trên đất Hoa Kỳ (tại nhiều Tiểu Bang), có các Hội Ái Hữu CSQG hoạt động rất hữu hiệu từ nhiều năm qua, nên thiết tưởng việc so sánh hai lực lượng Cảnh Sát Hoa Kỳ và VNCH là điều khá lý thú. Đàng khác, kể từ ngày Đồng Minh bỏ rơi VNCH để giao miền Nam cho Cộng Sản miền Bắc, lực lượng Cảnh Sát và Công An của Đảng Cộng Sản VN đã áp bức dã man đồng bào như thế nào, thiết tưởng cũng cần so sánh để lịch sử rộng đường phán đoán.
A.- NGƯỜI CẢNH SÁT HOA KỲ
Như đã nhận xét: Hai vai người CS/VNCH lãnh hai sứ mạng: Một bên chiến đấu với quân địch nơi tiền tuyến, một bên giữ gìn trật tự cho hậu phương. Ngược lại, người cảnh sát Hoa Kỳ chỉ giữ một nhiệm vụ là duy trì an ninh trật tự và bảo vệ luật pháp cho dân chúng mà thôi, tức là người CS HK chỉ đảm nhận một nửa công việc của người CS/VNCH.
Tuy nước nào cũng có cảnh sát, nhưng thực sự vai trò cảnh sát của mỗi nước đều có những điểm giống nhau và khác nhau, vì cách huấn luyện và luật pháp của mỗi nước đều khác nhau. Bởi vậy, dù sống trên đất nước Hoa Kỳ, nhiều người Mỹ gốc Việt lại tưởng là Cảnh Sát HK cũng giống Cảnh Sát VN, nên đã gây nhiều ngộ nhận.
Tại Bắc California có hai vụ cảnh sát đã bắn chết người VN, gây nên nhiều căng thẳng rất lớn giữa Cộng Đồng người Việt và Sở CS địa phương.
Vụ thứ nhất là hai cảnh sát – được chủ nhà mời tới – xông vào nhà của chị Trần Thị Bích Câu. Một cảnh sát đã rút súng bắn chết chị trong bếp, đang lúc tay chị cầm con dao gọt trái cây. Vụ này xảy ra năm 2003 với kết quả là viên cảnh sát được miễn tố về tội cố sát, nhưng thành phố San Jose đã phải điều đình, bồi thường cho hai con nhỏ của chị Trần Thị Bích Câu 1 triệu 8 trăm ngàn Mỹ Kim.
Vụ thứ hai xảy ra vào năm 2009. Cũng hai cảnh sát San Jose được gia đình kêu tới nhà, vì một thanh niên VN, tên là Daniel Phạm, mắc bệnh tâm thần, đang cầm dao áp đảo người trong nhà.. Hai cảnh sát đã trông thấy Daniel Phạm ở ngoài sân và vì đã không tuân lệnh CS bỏ con dao xuống, nên anh bị hai cảnh sát bắn trúng 14 viên đạn. (Không rõ nạn nhân có hiểu được lệnh bằng tiếng Anh của cảnh sát hay không?) Cha mẹ anh Daniel Phạm rất buồn bực và hối hận, vì tưởng gọi cảnh sát đến giúp mình, ai ngờ đã gọi cảnh sát đến giết con mình.
Những sự việc đáng tiếc này không phải chỉ xảy ra ở San Jose, mà tại thủ phủ Sacramento của Tiểu Bang California, cũng năm 2009, cảnh sát bắn chết ông Trương Văn Giật với 5 viên đạn trúng người, khi ông này chỉ cầm chiếc khăn bông lên để đuổi cảnh sát ra khỏi nhà.
Tại San Diego, California, ông Lê Đình Vân cũng bị cảnh sát bắn chết khi trên tay ông đang cầm một cái kéo.
Cộng Đồng VN khắp nơi đã phẫn nộ vì cảnh sát HK đã bắn dân bừa bãi. Họ lập luận thế này: Những vũ khí (nếu có thể gọi là vũ khí) trên tay các nạn nhân đâu có nguy hiểm gì đến tính mạng cảnh sát, mà phải bắn chết nạn nhân một cách vô lý như vậy. Cùng lắm thì bắn bị thương nạn nhân cũng quá đủ rồi. Các nạn nhân thực sự không đáng phải chết, thế mà đã phải chết, chỉ vì cảnh sát phản ứng quá mạnh tay và nhát, sợ chết!
Đó chỉ là cách suy nghĩ của người VN. Nhưng các cảnh sát Hoa Kỳ được huấn luyện như sau: Khi nào cảnh sát cảm thấy tính mạng mình bị nguy hiểm trong lúc thi hành nhiệm vụ thì được quyền dùng súng để tự vệ. Và khi cảnh sát đã phải nổ súng thì đối phương phải chết ngay từ phát súng đầu tiên, vì nếu để đối phương hành động trước, tức là bắn trả trước, thì tính mạng cảnh sát bị lâm nguy. Người CS HK đã được huấn luyện như vậy.
Còn luật lệ VNCH như thế nào và các sĩ quan CS/VNCH đã được huấn luyện ra sao?
Trước khi người CS sử dụng súng – là vũ khí giết người – để trấn át đối phương đang muốn chống cự mình thì phải xem vũ khí đối phương sử dụng có tương đương với vũ khí của mình hay không? Đó là nguyên tắc pháp lý của người cảnh sát VNCH và nguyên tắc này xem ra rất đơn giản.
Con dao, cái kéo cũng có thể gây ra cái chết cho con người được, nhưng phải tùy hoàn cảnh. Nếu người cầm dao ở xa cảnh sát thì mức nguy hiểm ít hơn là ở gần. Thêm nữa, nếu cảnh sát có mặc áo giáp hay đội nón sắt thì cũng lại là yếu tố cần xét đến.
Nếu đem nguyên tắc này áp dụng vào bốn vụ cảnh sát HK bắn chết người Việt vừa kể trên thì chắc chắn người cảnh sát VNCH đã không có quyền nổ súng trong cả bốn vụ này, vì những vật dụng nạn nhân cầm trong tay không nguy hiểm tương đương với khẩu súng của cảnh sát được.
Thêm nữa, người CS/VNCH được huấn luyện rằng: khi phải nổ súng thì không nhất thiết lúc nào cũng phải giết chết đối phương, mà có thể bắn chỉ thiên để trấn áp hoặc bắn vào chân hay vào tay để triệt hạ mức phản công của đối phương thôi.
Hậu quả của hai cách huấn luyện này là gì? Người CS/VNCH rất uyển chuyển trong việc thi hành luật pháp. Đương nhiên người dân được cảnh sát bảo vệ hơn.
Ngoài ra, nếu người CS ở HK hay ở VN phải nổ súng, gây thiệt mạng cho dân mà bị đưa ra toà, kết quả sẽ ra sao?
Tại Hoa Kỳ, có hai trường hợp sẽ xảy ra: Một là: nếu toà công nhận người cảnh sát trong lúc thi hành công vụ đã thực sự gặp nguy hiểm và phải nổ súng bắn chết người thì sẽ được miễn tố. Hai là: nếu toà không công nhận cảnh sát được quyền nổ súng thì người cảnh sát đó sẽ bị kết tội cố sát, vì họ đã được chỉ dạy hễ nổ súng là phải bắn nạn nhân cho chết.
Còn người cảnh sát VN cũng phải đối phó với hai hậu quả: Nếu tòa nhìn nhận cảnh sát hành động đúng thì miễn tố. Nhưng nếu toà xác nhận cảnh sát sai thì nhiều tội danh có thể áp dụng, chứ không nhất thiết phải là tội cố sát như tại HK. Nếu nạn nhân chết thật thì người cảnh sát VNCH vẫn có thể khai rằng không có ý bắn chết. Gây chết người khi không cố ý, đó là ngộ sát. Còn nếu nạn nhân không chết thì đó là tội vô ý gây thương tích.
Tóm lại, cách hành xử của người CS HK và CS/VNCH khác nhau vì họ được huấn luyện khác nhau. Thật khó để kết luận phương pháp nào hay hơn.
B.- NGƯỜI CẢNH SÁT CỦA CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN VN
Người CSQG/VNCH được mệnh danh là “Bạn Dân”, tức là người cảnh sát VNCH yêu mến dân và bảo vệ dân. Tại các Ty, Sở CSQG/VNCH có một ban riêng để bài trừ du đãng, côn đồ. Lý do: Khi những kẻ phạm pháp tập họp lại và có kế hoạch phạm pháp thì mức nguy hiểm gia tăng gấp bội. Cảnh sát VNCH và côn đồ không thể nào bắt tay làm việc chung với nhau, vì lực lượng CS là một tổ chức bảo vệ luật pháp, giữ trật tự cho dân. Còn các nhóm côn đồ chủ trương phá luật, gây rối trật tự.
Thế nhưng, dưới chế độ Cộng Sản VN hiện nay, các luật lệ của Đảng đều được viết theo tiêu chuẩn rừng xanh. Những người cai trị dân trong chế độ CSVN hiện nay chỉ thích áp dụng luật rừng.. Những điều luật họ quen áp dụng để bỏ tù người dân đều không tìm thấy ở trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền hay giống các bộ luật hình của các quốc gia văn minh. Do đó, người ta gọi đó là “Luật Rừng”: Vì nó vô tổ chức như rừng và nhiều như rừng! Nhờ đó, công an của Cộng Sản VN và côn đồ đã có thể hợp lực, hợp tác với nhau để bảo vệ “Luật Rừng”. Những tin tức từ VN gửi đi đều cho mọi người thấy rõ rằng khi những người dân yêu nước, không thể ngồi nhìn Trung Cộng xâm chiếm đất nước mình, hoặc khi dân chúng bị oan ức, họ đứng lên đòi quyền lợi của mình thì công an chở đám côn đồ đến, hoặc chính công an đội lốt côn đồ đánh đập người dân thẳng tay. Tại những nơi thờ phượng tôn nghiêm, như ở nhà thờ Dòng Chúa Cứ Thế Thái Hà, Hà Nội trước đây, công an đứng canh gác bên ngoài để cho côn đồ đi vào bên trong phá phách và chửi bới các tín hữu…
Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 2-4-2012 loan tin rằng: ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư Đảng CSVN khi tới thăm Tổng Cục Xây Dựng Lực Lượng Công An Nhân Dân đã tuyên bố: “Công An Nhân Dân là lực lượng nòng cốt để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, là thanh kiếm và lá chắn để bảo vệ chế độ.”
Qua câu nói trên, ông Trọng đã hé lộ điều gì?
Thứ nhất, lực lượng cảnh sát của Cộng Sản VN là lực lượng bảo vệ “chế độ”, tức chế độ Cộng Sản. Đúng lý ra, lực lượng quân đội và công an của một quốc gia được hình thành với mục đích bảo vệ tổ quốc và dân chúng. “Chế độ” và “tổ quốc” là hai thực thể hoàn toàn khác nhau. Tổ Quốc VN có 4.000 năm lịch sử. Còn chế độ Cộng Sản hay chế độ XHCN do ông Hồ Chí Minh du nhập vào VN mới chỉ có khoảng 75 năm thôi. Mọi chế độ có thể thay đổi theo thời gian. Khi người dân không thích một chế độ nào thì có quyền xóa bỏ nó đi. Trái lại, người dân có bổn phận bảo vệ tổ quốc và chỉ tổ quốc mới trường tồn.
Thứ nhì, khi ông Nguyễn Phú Trọng nói rằng: lực lượng công an “là thanh kiếm và lá chắn để bảo vệ chế độ”, có nghĩa là khi ai chống chế độ CSVN, sẽ đụng phải lực lượng cảnh sát, công an, và họ sẽ phải đương đầu với thanh kiếm, với lá chắn; tức là sẽ bị đàn áp ngay. Từ đó, suy ra, Đảng CSVN đang mắc nợ Trung Cộng, đang phải thần phục Trung Cộng, cho nên, ai chống Trung Cộng tức là chống chế độ Cộng Sản, vì thế bị đàn áp thẳng tay.
Việt Nam sẽ mất, sẽ bị xóa tên trên bản đồ thế giới cũng chỉ vì sự sai lầm của những người cầm quyền vì không phân biệt được thế nào là “chế độ”, thế nào là “tổ quốc”. Họ đã sử dụng quân đội và cảnh sát để phục vụ chế độ thay vì tổ quốc. Và cái chế độ cộng sản hay xã hội chủ nghĩa chỉ là một nấm mồ bên ngoài sơn vôi, bên trong là thây ma thối xình. Chẳng quý hóa gì. Các quốc gia Đông Âu đã khai tử chế độ Cộng Sản từ lâu rồi. Và ngay tại VN hiện nay, Cộng Sản cũng chỉ là cái xác không hồn, không ai còn thấy hình bóng xã hội chủ nghĩa ở đâu, mà chỉ thấy một bầy tham nhũng đang dùng lực lượng công an, cảnh sát để thu góp tiền bạc, làm giàu bất chính và chuẩn bị chạy ra ngoại quốc thụ hưởng. Đó là dụng ý của việc dùng cảnh sát để bảo vệ chế độ của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
KẾT LUẬN:   
Ngày kia, Đức Không Tử cùng vài học trò châu du nước Tề. Khi qua núi Thái Sơn, Ngài thấy một người đàn bà ngồi khóc ở ngoài đồng nghe rất thê thảm. Ngài dừng chân lại và nói với học trò:
–  Xem như trong nhà người đàn bà này có đám tang.
Rồi sai thầy Tử Cống đến hỏi han tự sự, người đàn bà thưa rằng:
–   Ở nơi này lắm hổ cùng các thú dữ khác. Cha chồng tôi đã chết vì hổ, chồng tôi cũng chết vì hổ, bây giờ con tôi cũng chết vì hổ nữa. Thảm lắm, ông ạ!
Thầy Tử Cống hỏi:
–  Thế sao bà không bỏ chỗ này để sống nơi khác có yên không?
Người đàn bà vừa khóc vừa nói:
Tuy vậy, ở đây quan lại công bình, liêm khiết hơn các nơi khác, thà phải chết tại đây vì thù dữ, tôi vẫn bằng lòng.
Đó chính là lý do đồng bào VN mỗi khi gặp hoạn nạn liền chạy đến cầu cứu “Bạn Dân” là các cảnh sát VNCH; nhưng khi nhìn thấy bóng dáng “Kẻ Thù Dân” (cảnh sát Cộng Sản VN), họ sẵn sàng liều chết trên biển cả hay trong rừng sâu nước độc để tìm đường vượt biển, vượt biên.

Tiến sĩ Tần An Bài

Comments

Popular posts from this blog