Ứng dụng âm nhạc trong điều trị

Nghiên cứu mới từ các nhà khoa học thuộc Đại học Bochum (Đức) cho rằng nghe nhạc hòa tấu có thể giúp giảm huyết áp và nhịp tim.
Theo đó, 120 người tình nguyện tham gia thử nghiệm về ảnh hưởng của các dòng nhạc trên sức khỏe. Họ được phân ngẫu nhiên nghe nhạc hòa tấu, nhạc pop hoặc ngồi lặng yên không nghe gì trong 60 phút. Huyết áp, nhịp tim và nồng độ cortisol trong máu được đo trước và sau khi nghe. Kết quả cho thấy người nghe dòng nhạc hòa tấu cổ điển như Mozart hay Strauss giảm huyết áp và nhịp tim đáng kể so với hai nhóm còn lại.
Đồng thời nồng độ cortisol máu đều giảm ở người có nghe nhạc so với người không nghe. Đây là loại nội tiết giữ vai trò quan trọng giúp chuyển hóa các chất và đối phó với stress, nồng độ quá cao hoặc quá thấp đều không tốt”.

Mẩu tin trên do bác sĩ Huỳnh Huy Khiêm dịch, in báo Tuổi trẻ số 167/2016 ra ngày 23/6/2016. Tôi chép lại nguyên văn. Tác dụng của âm nhạc đối với sức khỏe trên thế giới xưa nay đã được nhiều người nói tới, tìm tòi. Chẳng hạn, năm 1944 Đại học Michigan Hoa Kỳ chính thức đưa “Âm nhạc trị liệu” vào chương trình  đào tạo  chính  quy, sau đó “Hiệp hội Âm nhạc trị liệu” Hoa Kỳ với hơn 5.000 thành viên đã được thành lập. Hiệp hội âm nhạc trị liệu cũng đã  được thành lập ở Pháp, Thụy Điển, Na Uy... Còn ở Việt Nam ta, từ thế kỷ XV Nguyễn Trãi đã đưa nhạc lễ vào giáo dục, triều chính...
Tôi chia sẻ những thông tin đó với nhạc sĩ Miên Đức Thắng. Ông cười, lục trong tủ sách gia đình đưa tôi cuốn ứng dụng âm nhạc trong điều trị của ông do Hội Dược sĩ bệnh viện ấn hành. Tôi giở xem và ngạc nhiên, hóa ra vấn đề các nhà khoa học thuộc Đại học Bochum (Đức) nghiên cứu cũng là điều hơn chục năm nay Miên Đức Thắng theo đuổi. Ông bộc bạch: “Khi bắt tay vào nghiên cứu công trình, các nhà khoa học thường có phòng thí nghiệm với đầy đủ máy móc thiết bị hiện đại, có đội ngũ những người giúp việc và các cộng sự. Ví dụ, để có thể rút ra kết luận: “… Nước có ý thức, có thể tiếp nhận, ghi nhớ và giao tiếp với môi trường giống như bất kỳ sinh vật nào khác…” Tiến sĩ, bác sĩ Masaru Emoto người Nhật cùng với nhóm làm việc của mình đã mất 4 năm rưỡi. Chụp khoảng 10.000 bức ảnh về tinh thể nước. Quan sát quá trình tinh thể hóa vài ngàn lần trong phòng lạnh. Còn mình chẳng có gì ngoài những cây đàn và một tấm lòng nghệ sĩ. Do đó để biết âm nhạc tác động như thế nào tới sức khỏe con người, mình phải đọc, phân tích rất kỹ, rất nhiều những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Đông, Tây, kim, cổ, kết hợp với những phát hiện, cảm nhận của bản thân trong quá trình hoạt động âm nhạc với tư cách là nhạc sĩ, ca sĩ và nhạc công…”.
Trong quyển sách ứng dụng âm nhạc trong điều trịông viết:“Âm nhạc động đến lòng người, lòng dân, lòng nước. Âm nhạc động đến trời đất, đến cõi siêu nhiên. Âm nhạc phát sóng, sóng vật lý cơ năng, sóng lượng tử, nguyên tử. Sóng tràn đầy xung quan chúng ta, hữu hình và siêu hình. Âm nhạc gắn liền với thời đại, môi trường sống của mỗi sinh vật. Nó cho thấy biểu hiện cảm xúc, cảm giác về hạnh phúc, khỏe mạnh hay bệnh tật. Cho thấy sự trao đổi, chuyển hóa năng lượng giữa các cá nhân và cộng đồng…”.
Nền âm nhạc Đông phương được xây dựng trên Ngũ cung (5 nốt) có tên là: Cung, Thương, Giốc, Trủy, Vũ (Họ, Tự, Xàng, Xê, Cống), tương ứng với ngũ hành trong vũ trụ theo quan niệm dịch lý Đông phương: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và 5 cơ quan tương ứng của tiểu vũ trụ (con người) là Can, Tâm, Tì, Phế, Thận. Năm nguồn năng lượng - năm cơ quan của đại và tiểu vũ trụ hàng ngày chế tác, điều hòa, trao đổi năng lượng, giữ quân bình cho cơ thể, giúp con người tránh được bệnh tật.
Vì thế, để tăng cường sức khỏe cho con người và trị các chứng bệnh con người mắc phải,  chúng ta có thể điều chỉnh các nốt nhạc, các bài nhạc cho tương ứng để điều chỉnh năng lượng và các cơ quan, làm quân bình cơ thể, tránh bệnh tật. Ví dụ khi chúng ta hát là đưa khí vào (dồn khí), lấy khí (nén khí). Khi ấy, các cơ quan khí đi qua có môi, miệng, lưỡi, vòm họng, khí quản làm rung cổ họng… giúp các cơ quan này tiết ra kích thích tố T3, T4. Quan trọng nhất là cơ hoành, kết nối những cơ quan khác. Khi cơ hoành hoạt động, nó làm ảnh hưởng đến tim, phổi, dạ dày, khiến chúng hoạt động tốt hơn. Còn khi các nhạc công thổi kèn, thổi sáo… là họ đang vận khí từ đan điền, tức khí từ dưới bụng lên. Việc vận khí tác động tới các cơ quan nội tạng cũng theo một hình thức tương tự. Yoga của Ấn Độ xưa đã biết đến điều này qua hệ thống Chakras, tức là hệ thống luân xa, gồm 7 điểm xếp hàng dọc chạy từ gót chân lên đỉnh đầu. ở Interval quãng Đô 2, tính từ gót chân thì có 5 quãng 8. Tính từ đốt xương cùng là Đô 3, cho đến đốt  xương sống lưng 2 (L2) là nốt La. Nốt La người ta đo được là 440 Hertz. Trong âm nhạc, người ta sử dụng nốt này để làm âm La trưởng chuẩn cho các nhạc cụ khác phải theo (đó chính là Diapason), nốt này nằm ngay thắt lưng (vùng thận). Rung động của nốt La có thể làm rung động thận, tạo ra hormon Adrenaline (kích thích tố) của nang thượng thận. Rõ ràng là các nốt của âm nhạc có tác động đến hệ thần kinh của con người.
Từ những nghiên cứu trên, đi vào ứng dụng âm nhạc trong điều trị bệnh, ông chia các nhạc phẩm của mình theo các liệu pháp. Có 4 liệu pháp tất cả:
1) Liệu pháp âm nhạc an thần: Là những ca khúc có tiết tấu êm ái, nhẹ nhàng, có thể làm dịu những căng thẳng và ru ngủ.
2) Liệu pháp âm nhạc giải uất: Là những bài hát khai thông được nỗi u uất trong tâm hồn của người bị bệnh trầm cảm hoặc đang bị stress.
3) Liệu pháp bi thắng nộ: Là những bài hát buồn bã, da diết, bi ai để chế ngự giận dữ, cuồng nộ.
4) Liệu pháp âm nhạc sôi động: Là những ca khúc tươi vui, tích cực. Nhịp độ tần số cao, ca từ vui vẻ.
Mỗi liệu pháp, Miên Đức Thắng chọn ra 10 ca khúc. Như vậy, với ứng dụng âm nhạc trong điều trị bệnh, trong gia tài hàng trăm ca khúc đã sáng tác, có 40 ca khúc được ông đem ra thi triển trong các lớp tập huấn tại sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong các bệnh viện, trước người bệnh và bạn bè. Trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng làm nên tên tuổi Miên Đức Thắng, đã từng được cất lên trong các cuộc đấu tranh của sinh viên Sài Gòn những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Đó là những Tôi - sông là bến đò, Đất nước cần trái tim ta, Mai kia lòng độ lượng… Và đặc biệt Hát từ đồng hoang, một bài hát tiêu biểu của ông. Miên Đức Thắng sáng tác nhạc phẩm này năm 1966, khi chiến tranh đang diễn ra khốc liệt trên quê hương Việt Nam: “…Đất hoang ta xới, đất khô ta cày. Đất mang hoa thắm, tương lai ta đầy/ Đất ta ta xới, đất ta ta bồi. Đất ta ta tới, đất ta ta ngồi/ Đất cho ta sống, quê hương ta trồng. Đất cho ta chết, quê hương ta về/ Rồi ngày mai đất ta vươn thơm mùa lúa mới, rồi ngày mai đất ta hoa lên hồng môi cười, rồi ngày mai quê hương xanh lên mầu sông núi, vì ngày mai dân ta quyết sống vì đất này.” Với tính tích cực thể hiện trong ca từ, trong tiết tấu, giai điệu, bài hát nuôi dưỡng sự lạc quan về một ngày mai tươi sáng, đã trở thành liều thuốc nuôi dưỡng, vực dậy tinh thần tranh đấu của đông đảo học sinh sinh viên miền Nam một thời. Hát từ đồng hoang được Miên Đức Thắng xếp vào Liệu pháp âm nhạc sôi động.
Lại có những ca khúc có tiết tấu êm ái, nhẹ nhàng, có thể làm dịu căng thẳng và ru ngủ: “Tôi sông thơm lòng mẹ/ Tình đầy nguồn xa xôi/ Đi qua bờ thế kỷ/ Mênh mang điệu ru hời/ Sen chiều lên áo mới/ Nội thành hát à ơi/ Sông ơi, lòng có biết/ Tôi, sông là bến đò…” (Tôi - sông là bến đò)
Sáng tác nhạc và thích tự mình trình bày lấy nhạc phẩm, Miên Đức Thắng được nhiều người đánh giá là nhạc sĩ có giọng hát hay nhất. Ông chơi thành thạo nhiều nhạc cụ: Piano, keyboard, guitar, harmonica, mandolin… Nét đặc biệt của ông là gảy đàn bằng những ngón tay trái lão luyện. Ông còn say mê vẽ tranh, nặn tượng. Công chúng từng biết đến một Miên Đức Thắng tài hoa trong âm nhạc. Nay lại ngạc nhiên trước một Miên Đức Thắng đa dạng về đề tài và màu sắc trong hội họa. Hơn 100 bức tranh sơn dầu ông vẽ từ năm 2000 lại nay đã đem lại cho ông nhiều niềm vui. Bức tranh “Phố Trăng”, giải thưởng Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh năm 2009. Tượng “Mẹ con” mà nhiều người say mê, đem lại cho ông cái mới và sự tươi mát trong suy nghĩ. Đến nay, ở cả ba lĩnh vực, từ hát đến vẽ tranh, nặn tượng, số tác phẩm ông sáng tác trong mỗi thể loại lên đến hàng trăm. Ông bảo: “Mỗi lĩnh vực tôi có một niềm vui riêng. Hội họa cho tôi cái hạnh phúc của người bán tranh, âm nhạc cho tôi hạnh phúc được khơi nguồn từ người nghe, nặn gốm là sáng tạo tinh hoa từ đất...”. Tất cả đều mang hồn quê, hoặc ông gửi hồn vào đó. Trong ba niềm đam mê, ông lấy âm nhạc làm chủ đạo.
Và Âm nhạc trị liệu - chủ đạo của chủ đạo! Từ  rất  lâu Miên Đức Thắng đã  tiếp cận với sự nghiên cứu, ứng dụng của các nhà khoa học thế giới. ở Việt Nam ông biết nhiều nơi, nhiều người cũng đã ứng dụng phương pháp này, nhưng bằng nhạc giao hưởng của Beethoven, Mozart... Vì thế ông luôn tự hỏi mình“Tại sao ta không ứng dụng phương pháp âm nhạc trị liệu  vào nước ta bằng chính những sáng tác của người Việt?”. Bởi ông biết, số người có thể cảm thụ nhạc giao hưởng ở Việt Nam còn rất ít. Hỏi rồi tự trả lời. Sau hơn mười năm theo đuổi, với kiến thức sâu rộng, nhạc sĩ đã hoàn thành phần I đề tài “Ứng dụng phương pháp Âm nhạc trị liệu trong điều trị bệnh”. Những nhạc phẩm áp dụng trong đề tài hoàn toàn là của ông, do tự tay ông viết. Ông mang vào âm nhạc của mình những dư vị mới, những phương pháp trị liệu của thiền, yoga, tâm lý học, bệnh lý học... Từ nhiệt tâm muốn làm một cái gì đó cho quê hương, đất nước, Miên Đức Thắng hy vọng tạo ra một hiệu ứng xã hội để có thể mang đến những kết quả điều trị bệnh tốt hơn, để âm nhạc trở nên cao quý và hữu ích hơn nữa cho cộng đồng.
Ấn phẩm đã được ông post lên trang web www.mienducthang.com và trang Nhà xuất bản Thế giới www.issuu.com. Theo ông, “Khảo  hướng  mới - ứng dụng Âm nhạc trong điều trị bệnh” chỉ là bước khởi đầu. Để có thể áp dụng phổ cập, con đường phía trước còn dài và ông còn phải tiếp tục nỗ lực thực hiện.
Nguồn Văn nghệ số 49/2016

Comments

Popular posts from this blog